Seite auswählen

Bluesky

Hình ảnh: Từ X sang Bluesky / Unsplash

 

 Điều gì xảy ra khi bạn dùng một số tiền khổng lồ mua một nền tảng mạng xã hội, dẫn đến một nửa người dùng bỏ đi, các nhãn hàng dừng quảng cáo, cuối cùng là giá trị của nó thấp hơn 1/3 số tiền đã bỏ ra mua chỉ trong vòng một năm? Đó là bạn được giao lãnh đạo cơ quan mới trong chính quyền mới – tạm thời gọi là “Bộ Cải Tổ Chính Phủ (Department of Government Efficiency – DOGE)”

 Và khi Elon Musk có tên trong thành phần nội các mới của tổng thống tội phạm Donald Trump ở DOGE, thì một cuộc di tản lớn nhất mạng xã hội Twitter mà Musk đã mua với giá $44 billion vào năm 2022 cũng bắt đầu. Những cây viết công nghệ có cách ví von thú vị: Một vùng đất nhỏ xinh, trong lành, sạch sẽ bên cạnh chiếc du thuyền đang chìm, mà hầu hết du khách trên đó đều bị nhiễm norovirus.

 Vùng đất tị nạn đó là Bluesky.

 Bluesky được thành lập năm 2019 bởi Jack Dorsey, đồng sáng lập và cựu CEO của Twitter. Ban đầu được ấp ủ như một dự án nội bộ trong Twitter, mang nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng nguồn mở mà toàn bộ nền tảng có thể chuyển đổi. Tuy nhiên, đến năm 2022, mục tiêu đã thay đổi và Bluesky được tách ra thành một nhóm độc lập. Theo cách giải thích thuần thuật ngữ công nghệ thì “Bluesky phát triển tập trung vào Giao thức AT (Giao thức truyền tải xác thực), xương sống của mạng xã hội phi tập trung (decentralized social network). Mục tiêu của nó là cho phép khả năng tương tác giữa các nền tảng, giúp người dùng kiểm soát dữ liệu và danh tính kỹ thuật số của họ an toàn hơn.”

 Với khái niệm “phi tập trung”, Bluesky trao cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn khi dùng mạng xã hội – quuyền kiểm soát dữ liệu của chính họ cũng như nội dung họ thấy khi đăng nhập. Mạng xã hội phi tập trung không có một máy chủ trung tâm. Nhiều mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm Facebook, Twitter, và Instagram, đều là mạng xã hội tập trung, có nghĩa là có một “thực thể” nắm toàn quyền kiểm soát mạng lưới. Hình thức này khá nguy hiểm, dễ xảy ra những vụ tấn công, chiếm đoạt, và rò rỉ dữ liệu quy mô lớn. Những người dùng mạng xã hội lâu năm có nhiều kinh nghiệm trong việc này.

 Trở lại với vùng đất tị nạn Bluesky. Trong tuần đầu tiên Trump đắc cử, Bluesky đã có thêm hơn 700.000 người dùng và hiện có tổng cộng hơn 14,5 triệu danh khoản, COO Rose Wang của Bluesky xác nhận với The Verge. Wang cho biết phần lớn người dùng mới trên mạng xã hội phi tập trung này (decentralized social network) ở Hoa Kỳ. Bluesky hiện được đánh giá là ứng dụng mạng xã hội miễn phí đứng số hai trong App Store của Hoa Kỳ, chỉ sau Threads của Meta.

 Theo khảo sát của những tờ công nghệ và cũng do chính chủ sở hữu của các danh khoản trên Bluesky cho biết, kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ là một nguyên nhân dẫn đến trong làn sóng di tản từ X sang Bluesky. Mọi người muốn dùng một nền tảng không thuộc sở hữu của Musk hoặc, giống như một số người hâm mộ ngôi sao Taylor Swift, họ muốn tìm đến một nền tảng mới sau khi X ngày càng tràn ngập những ngôn từ kích động thù địch của phe cực hữu. Họ gặp nhau ở cách gọi chung về Bluesky: “Bluesky Resistance Unit – Đơn vị tác chiến Bluesky.”

 Người chuyên nghiên cứu về mạng xã hội Axel Brun nói với The Guardian: “Bluesky đã trở thành nơi dung thân cho những người muốn sử dụng thể loại truyền thông xã hội mà Twitter từng cung cấp, nhưng không có các hoạt động cực hữu, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, ‘người máy lập trình’ và nhiều thứ khác.”

 Một tuần lễ sau khi X bị cấm ở Brazil vào tháng 9 thì Bluesky đón thêm 3 triệu người dùng. Hai ngày sau thông báo của X, chính xác là Elon Musk, cho biết những người đã bị chặn (blocked) vẫn được nhìn thấy nội dung đăng tải của người đã chặn họ, thì Bluesky nhận thêm 1.2 triệu “công dân.”

 Ruth Ben-Ghiat, nhà sử học và giáo sư tại New York University, có 250.000 followers trên X. Ngay ngày đầu tiên bà chuyển sang Bluesky, số người theo dõi tăng thêm 21.000 người.

 Bà thông báo trên Bluesky: “Tôi vẫn còn giữ danh khoản X cho đến tháng Giêng, khi X chính thức thuộc sở hữu của một thành viên của chính quyền Trump, chức năng của nó như một kênh tuyên truyền của Trump và cỗ máy cực hữu có thể sẽ được tăng tốc.”

 Sáng sớm ngày thứ Tư, 13/11, tờ The Guardian của Anh ra thông báo chấm dứt đăng nội dung trên X của Musk để chuyển sang Bluesky.

 Tối thứ Hai 11/11, nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của New York thông báo trên Bluesky rằng cô đã quay lại Bluesky: “Thật tuyệt khi được ở trong không gian kỹ thuật số với những con người thực sự.”

 Cuối cùng, ngày càng nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội,  từ truyền thông đến khoa học, đều đã bắt đầu cho cuộc “di tản” sang Bluesky. Ở vùng đất này, họ không bị hạn chế quyền truy cập theo cách mà X, Meta và Google thường làm. Không có dấu tích màu xanh xác nhận đã mua và trả tiền như X, Facebook. Bluesky không giảm ưu tiên cho các bài kèm đường truyền trích dẫn (link.) Ký giả Matt Pearce của LA Times đã nói: “Thật khó để diễn tả lòng biết ơn của của một nhà báo như tôi khi có một ứng dụng dựa trên văn bản không ngăn chặn các siêu liên kết (hyperlink). Tôi không biết liệu mọi người có nhận ra chính xác mức độ căm ghét của tập đoàn internet đối với tin tức hay không?”

 Có thể ngay hiện tại, Bluesky chưa là một “trung tâm đầu não” để thay thế hoàn toàn X của Elon Musk hay Facebook của Mark Zuckerberg trong các cuộc tranh luận hoặc đưa tin tức. Nhưng, nó đã làm giảm sự độc quyền của Elon Musk. Một danh khoản Bluesky có tên Jack E. Smith viết trên Bluesky: “Chào buổi sáng.Chính thức rồi. Một cuộc phản kháng đang được xây dựng trên Bluesky.”

Kalynh Ngô

 

Bluesky có thách thức được X của Elon Musk?

 

Elon Musk và Bluesky

Getty Images

Tom Gerken, BBC

 

Thời gian gần đây, bạn có thể bất chợt bắt gặp từ “Bluesky” trên các trang mạng xã hội của bạn và thắc mắc mọi người đang bàn tán gì vậy.

Đây là một lựa chọn khác bên cạnh mạng xã hội X của Elon Musk và nếu nhìn về màu sắc và logo, thì Bluesky và X trông khá giống nhau.

Bluesky đang phát triển nhanh chóng và thu hút khoảng một triệu lượt đăng ký tài khoản mới mỗi ngày.

Tại thời điểm BBC thực hiện bài viết này, nền tảng Bluesky đã thu hút 16,7 triệu người dùng, nhưng con số này hẳn sẽ lỗi thời vào thời điểm bạn đọc bài viết.

Vậy Bluesky là gì và tại sao lại có nhiều người chuyển sang mạng xã hội này đến như vậy?

Bluesky là gì?

Bluesky tự giới thiệu là “mạng xã hội theo đúng như ý nghĩa vốn có”, mặc dù nó trông giống các mạng xã hội khác.

Xét về giao diện, thanh bên trái của mạng xã hội này hiển thị mọi thứ bạn có thể muốn có, gồm tìm kiếm, thông báo, trang chủ…

Những người dùng mạng xã hội này có thể đăng bài, bình luận, chia sẻ lại bài viết khác và nhấn nút yêu thích.

Nói một cách đơn giản, Bluesky trông giống giao diện của X, trước đây là Twitter.

Giao diện của Bluesky

Bluesky Giao diện của Bluesky

Sự khác biệt chính ở Bluesky là tính phi tập trung – một thuật ngữ phức tạp với ý nghĩa cơ bản là người dùng có thể lưu trữ dữ liệu của họ trên các máy chủ khác ngoài những máy chủ do công ty này sở hữu.

Điều đó có nghĩa là thay vì bị giới hạn trong việc có một tài khoản cụ thể được đặt tên theo Bluesky, mọi người đều có thể (nếu muốn) đăng ký bằng tài khoản do chính họ sở hữu.

Nhưng điều đáng nói ở đây là phần lớn mọi người không làm như vậy và người mới tham gia mạng xã hội rất có thể có đuôi “.bsky.social” ở phần cuối trong tên sử dụng (username) của họ.

Ai sở hữu Bluesky?

Nếu bạn nghĩ Bluesky rất giống X thì bạn sẽ không bất ngờ khi biết lý do tại sao. Cựu lãnh đạo Twitter, Jack Dorsey, là người đã tạo ra mạng xã hội này.

Jack Dorsey thậm chí từng nói rằng ông muốn Bluesky trở thành phiên bản phi tập trung của Twitter mà không một cá nhân đơn lẻ hay thực thể nào nắm được quyền sở hữu.

Nhưng giờ đây Dorsey không còn là thành viên của nhóm điều hành Bluesky nữa, sau khi ông rời khỏi hội đồng quản trị vào tháng 5/2024.

Ông cũng đã xóa hoàn toàn tài khoản của mình hồi tháng 9.

Hiện tại, Giám đốc điều hành Jay Graber điều hành và là sở hữu chính của Bluesky, với vai trò là một công ty phúc lợi công cộng của Mỹ.

Tại sao Bluesky thu hút đông người dùng ?

Bluesky xuất hiện từ năm 2019, nhưng cho đến tháng 2 năm nay thì nền tảng này chỉ dành cho những người nhận được lời mời đăng ký.

Điều này cho phép các nhà phát triển mạng xã hội này giải quyết các trục trặc ở hậu trường, thử nghiệm và đảm bảo sự ổn định, trước khi đón chào nhiều người dùng hơn.

Kế hoạch này đã phần nào mang lại hiệu quả. Nhưng sự bùng nổ số lượng tài khoản mới vào tháng 11 lớn đến mức mạng xã hội Bluesky đã liên tục bị sập.

Một post từ Bluesky cho thấy đã được 1 triệu người dùng chỉ trong 24 giờ

Bluesky Một thông báo từ Bluesky cho thấy đã có 1 triệu người dùng chỉ trong một ngày

Không phải ngẫu nhiên mà số lượng người dùng mới tăng vọt sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Chủ sở hữu của mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk, là người ủng hộ mạnh mẽ cho Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống và sẽ tham gia rất nhiều vào chính quyền nhiệm kỳ của tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Điều này chắc chắn đã dẫn đến sự chia rẽ chính trị, khi một số người dùng rời bỏ X để phản đối.

Nhưng những người khác đã nêu ra những lý do khác nhau, chẳng hạn báo Guardian đã chọn dừng đăng bài trên X và gọi đây là “một nền tảng truyền thông độc hại”.

Trong khi đó, ứng dụng Bluesky tiếp tục nhận được số lượt tải đáng kể trên toàn thế giới và vào thứ Năm 14/11 đã trở thành ứng dụng miễn phí hàng đầu trong kho ứng dụng của Apple tại Anh.

Một số người nổi tiếng, từ ca sĩ nhạc pop Lizzo cho đến nam diễn viên Greg Davies của loạt phim truyền hình Taskmaster, đã tuyên bố gia nhập mạng xã hội này và hạn chế sử dụng – hoặc trong một số trường hợp là chia tay hoàn toàn – mạng xã hội X.

Những người nổi tiếng khác sử dụng Bluesky mà bạn có thể nhận ra bao gồm Ben Stiller, Jamie Lee Curtis và Patton Oswalt.

Nhưng dù đạt được mức tăng trưởng đáng kể, Bluesky sẽ phải còn đi qua một chặng đường dài trước khi có thể thực sự thách thức được X, đối thủ trong mảng microblog.

X không công bố tổng số người dùng của mình nhưng con số này được cho là lên đến hàng trăm triệu, Elon Musk trước đây từng nói rằng nền tảng này thu hút 250 triệu người dùng mỗi ngày.

Bluesky kiếm tiền ra sao?

Đây là câu hỏi triệu đô, đúng theo nghĩa đen.

Bluesky khởi đầu với nguồn tài chính từ các nhà đầu tư và các công ty đầu tư mạo hiểm và đã huy động được hàng chục triệu đô la thông qua hình thức này này.

Nhưng khi có rất nhiều người đăng ký mới như vậy, mạng xã hội này sẽ tìm cách trang trải chi phí.

Quay trở lại thời kỳ hoàng kim của Twitter, mạng xã hội này chủ yếu kiếm tiền thông qua quảng cáo.

Bluesky tuyên bố họ muốn tránh điều này. Thay vào đó, Bluesky cho biết sẽ tiếp tục xem xét các dịch vụ trả phí, chẳng hạn như yêu cầu người dùng trả tiền cho các tên miền tùy chỉnh trong phần username của họ.

Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng về cơ bản chuyện này có nghĩa là tên người dùng sẽ được cá nhân hóa nhiều hơn.

Ví dụ, username của tôi – @twgerken.bsky.social – thì trong tương lai có thể có tên gọi có vẻ chính thức hơn, chẳng hạn @twgerken.bbc.co.uk.

Những người ủng hộ ý tưởng trên cho rằng việc này sẽ có tác dụng kép, đóng vai trò như một hình thức xác minh vì khi đó tổ chức sở hữu tên miền trong username (ví dụ ở trên là BBC) sẽ phải xác minh để cấp quyền.

Nếu chủ sở hữu của Bluesky tiếp tục tránh quảng cáo, họ chắc chắn sẽ phải tìm đến các lựa chọn rộng lớn hơn khác, chẳng hạn các tính năng cần phải đăng ký, để duy trì hoạt động.

Nhưng nếu Bluesky không kiếm được nhiều tiền, thì chuyện này cũng không có gì lạ đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Trên thực tế, Twitter, trước khi được tỷ phú Elon Musk mua lại vào năm 2022, chỉ ghi nhận lãi được hai lần trong 8 năm, sau khi được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Và chúng ta đều biết mọi chuyện đã kết thúc như thế nào – một khoản chi trả lớn cho các nhà đầu tư khi người đàn ông giàu nhất thế giới bỏ ra 44 tỷ đô la để trở thành ông chủ mới của mạng xã hội này.

Hiện vẫn chưa thể biết trước được tương lai của Bluesky sẽ ra sao, nhưng nếu cứ đà tăng trưởng này, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Tỷ phú Elon Musk hưởng lợi gì khi ông Trump trở lại Nhà Trắng?