Mục lục
Quân đội Mỹ hỗ trợ Phi Luật Tân trên Biển Đông với lực lượng đặc nhiệm
Tàu hải cảnh Trung cộng sử dụng vòi rồng để bắn vào tàu tiếp tế của Phi Luật Tân ở Bãi Cỏ Mây
Quân đội Mỹ đang hỗ trợ các hoạt động của Phi Luật Tân ở Biển Đông thông qua một lực lượng đặc nhiệm, một quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết hôm 21/11, sáng kiến mà Manila nói là có nội dung về tình báo, giám sát và trinh sát.
Lực lượng Đặc nhiệm-Ayungin, được đặt tên theo cách gọi của Phi Luật Tân cho Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thực thể tranh chấp trên Biển Đông, lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề cập trong tuần này trong chuyến công du Phi Luật Tân.
“Lực lượng đặc nhiệm-Ayungin tăng cường sự phối hợp và hiệp đồng tác chiến của liên minh Mỹ-Phi Luật Tân bằng cách cho phép các lực lượng Mỹ hỗ trợ các hoạt động của Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân trên Biển Đông,” phát ngôn nhân Đại sứ quán Mỹ Kanishka Gangopadhyay nói.
“Sáng kiến này phù hợp với nhiều đường lối hợp tác giữa quân đội Mỹ và quân đội Phi Luật Tân”, ông nói, nhưng không nói rõ lực lượng đặc nhiệm này sẽ hỗ trợ những gì.
Quan hệ quốc phòng giữa Phi Luật Tân và Mỹ đã củng cố nhanh chóng trong vài năm qua, gây bực bội cho Bắc Kinh, vốn có sự hiện diện lớn và đòi hỏi chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông và xem hành động của Washington là can thiệp.
Mỹ nói họ có lợi ích hợp pháp trong việc bảo đảm hòa bình và tự do hàng hải ở vùng biển có tranh chấp nhất châu Á, nơi có tuyến đường giao thương trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la mỗi năm.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Đại sứ quán Trung cộng tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về lực lượng đặc nhiệm.
Cố vấn An ninh Quốc gia Phi Luật Tân, ông Eduardo Anom, cho biết các hoạt động của nước này ở Biển Đông, bao gồm nhiệm vụ tiếp tế cho binh lính của họ trú đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), vẫn là ‘hoạt động của riêng Phi Luật Tân’.
“Họ đang hỗ trợ cho chúng tôi, ví dụ, ISR (Tình báo, Giám sát, Trinh sát), nhận thức về vùng biển, nhưng nếu nói về tham gia trực tiếp thực sự, đó đơn thuần là hoạt động của Phi Luật Tân,” ông Ano nói với các phóng viên, ý nói đến lực lượng đặc nhiệm của Mỹ.
Đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ trước đó cho biết Phi Luật Tân không yêu cầu Washington hỗ trợ tiếp tế và Mỹ chỉ giúp đỡ về mặt ‘hình ảnh’.
Bắc Kinh và Manila đã thường xuyên đối đầu trong thời gian gần đây, do Trung cộng tức giận với việc Phi Luật Tân tiếp tế cho binh lính của họ đóng trên Sierra Madre, chiếc tàu chiến gỉ sét đã bị cố tình để mắc cạn trên bãi cạn 25 năm trước để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Phi Luật Tân.
Căng thẳng đã sôi sục nhiều lần, với lực lượng hải cảnh Trung cộng bị cáo buộc đâm tàu tiếp tế, và sử dụng vòi rồng làm bị thương người Phi Luật Tân.
VOA (21.11.2024)
Khai mạc Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN vào lúc căng thẳng với Trung cộng gia tăng ở Biển Đông
Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN-ADMM lần thứ 18 và ADMM mở rộng, khai mạc sáng nay 20/11/2024 tại Vientiane, Lào. Các bên tập trung vào vế an ninh trong bối cảnh gia tăng tranh chấp với Trung cộng tại Biển Đông và trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ, điểm tựa của một số quốc gia trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Các bộ trưởng Quốc Phòng của khối ASEAN họp tại Vientiane, Lào, ngày 20/11/2024. AP – Anupam Nath
Hãng tin Mỹ AP cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd Austin, trên nguyên tắc sẽ đến Vientiane dự cuộc họp ADMM mở rộng, tương tự như các đồng cấp Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước khi rời khỏi Lầu Năm Góc vào tháng 01/2025 ông Lloyd Austin vừa kết thúc một cuộc họp với đồng cấp Úc và Nhật Bản tại Canberra. Hoa Kỳ và hai đồng minh thân thiết này cam kết « mạnh mẽ yểm trợ » ASEAN trước những quan ngại sâu sắc của khối này về những hành vi của Trung cộng gây bất ổn trong các vùng Biển Đông và Hoa Đông.
Khai mạc hội nghị ADMM lần thứ 18 sáng nay, trong cương vị chủ nhà, bộ trưởng Quốc phòng Lào, Chansamone Chanyalath, mong mỏi đây là cơ hội để 10 nước thành viên ASEAN « tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ trong khu vực cũng như chuẩn bị đối phó và giải quyết những mối đe dọa hiện tại và trong tương lai đối với an ninh trong vùng Đông Nam Á ». Về nội bộ ASEAN, bộ trưởng Quốc Phòng khối này sẽ thảo luận về khủng hoảng nhân đạo tại Miến Điện.
AP chưa thể xác định là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có dự trù một cuộc trao đổi song phương với đồng cấp Trung cộng Đổng Quân tại Vientiane lần này hay không. Riêng Nhật Bản, đài truyền hình NHK cho biết, ông Gen Nakatani sẽ thảo luận với đối tác Trung cộng về những « quan ngại liên quan đến những hoạt động quân sự của Bắc Kinh » trong thời gian gần đây. Tháng 8/2024 chiến đấu cơ Trung cộng đã thâm nhập không phận Nhật Bản. Tokyo phản đối hàng không mẫu hạm và hai tàu khu trục của Trung cộng đã xâm nhập các vùng biển của Nhật Bản.
Hội nghị ADMM và ADMM mở rộng lần này cũng nhằm thảo luận về những căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, chiến tranh Ukraina và các cuộc xung đột ở Cận Đông. Các bên cũng sẽ tập trung vào các vế chống khủng bố, hợp tác vì an ninh mạng và khắc phục hậu quả thiên tai.
RFI (20.11.2024)
Manila tố cáo Trung cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm vùng biển Phi Luật Tân
« Rất nhiều » tàu chiến của Trung cộng được ngụy trang thành tàu cá hoặc tàu hải cảnh để xâm chiếm các vùng biển của Phi Luật Tân. Ngày 19/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro nhấn mạnh thực tế này khi cùng đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin đến thăm một căn cứ ở đảo Palawan, trên tuyến đầu trong cuộc xung đột lãnh hải với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (T) họp báo với đồng nhiệm Phi Luật Tân Gilberto Teodoro tại Bộ Tư lệnh miền Tây Phi Luật Tân (WESCOM) ở Palawan, Phi Luật Tân, ngày 19/11/2024. AP
Hai bộ trưởng đến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Miền Tây (Western Command) ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan. Trong cuộc họp báo, bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh các tàu của Trung cộng « ngày càng hung hăng hơn » khi « dàn cả một số lượng lớn tàu quân sự được cải trang thành tàu của lược lượng Hải cảnh và tàu dân quân biển, ngăn tàu Phi Luật Tân vào các vùng biển phía tây của Phi Luật Tân ». Chiến thuật này được Trung cộng sử dụng rộng rãi và được gọi là « chiến thuật vùng xám ».
Ông Lloyd Austin « hoàn toàn đồng tình » với đánh giá của đồng nhiệm Teodoro, đồng thời lên án « thái độ (của Trung Quốc) ngày càng đáng quan ngại… Họ sử dụng nhiều biện pháp nguy hiểm và leo thang để khẳng định các yêu sách lãnh hải ở Biển Đông ».
Theo trang Philstar, tuyên bố « thẳng thắn » của hai bộ trưởng Quốc Phòng được đưa ra vào lúc hai nước đồng minh công bố nhiều dự án hợp tác quân sự mới, trong đó có việc Washington giao cho Manila drone hải chiến trong chương trình hỗ trợ an ninh trị giá 500 triệu đô la để giúp Phi Luật Tân tăng cường năng lực hàng hải « để bảo vệ quyền và chủ quyền trong các vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân », theo bộ trưởng Lloyd Austin.
Đây là lần thứ tư, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Phi Luật Tân và cũng là chuyến cuối cùng trước khi bàn giao lại cho chính quyền của tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông bày tỏ « tin tưởng rằng Phi Luật Tân sẽ luôn là một đất nước quan trọng cho Hoa Kỳ trong nhiều năm tới ». Dưới thời bộ trưởng Lloyd Austin, Phi Luật Tân đã mở cửa thêm bốn căn cứ cho lực lược Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2023. Ba căn cứ nằm trên đảo Luzon, đối diện với Đài Loan và một căn cứ trên đảo Palawan.
RFI (21.11.2024)
Đảo Tri Tôn – căn cứ viễn thám của Trung cộng ở Hoàng Sa
Phạm Văn Luật
Trung cộng mở rộng các cơ sở quân sự tại Biển Đông. Nguồn: Damien Symon / Chatham House.
Kể từ khi kiểm soát Hoàng Sa hơn 50 năm trước, Trung cộng đã biến Phú Lâm – đảo lớn nhất ở Hoàng Sa thành thủ phủ của “thành phố Tam Sa”, nhằm quản lý tất cả các đảo trên Biển Đông. [1] Đồng thời, quốc gia này còn xây dựng một căn cứ viễn thám ở Tri Tôn – đảo gần đất liền Việt Nam nhất.
Đó là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Việt Nam trong dài hạn.
Căn cứ gián điệp áp sát đất liền Việt Nam
Đảo Tri Tôn cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 121,1 hải lý (224,3 km).
Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về Quan hệ Quốc tế (Chatham House) công bố một số hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quân đội Trung cộng đang xây dựng đảo Tri Tôn thành một căn cứ viễn thám hiện đại. [2]
Cụ thể, Trung cộng đã triển khai hệ thống radar tiên tiến, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình và tăng cường năng lực tác chiến điện tử, đồng thời mở rộng khả năng trinh sát và giám sát trong khu vực Biển Đông.
Hệ thống radar này được gọi là SIAR, viết tắt của “synthetic impulse and aperture radar”, tức hệ thống “radar xung lực và khẩu độ tổng hợp”, có dạng sóng tần số trực giao, có nhiều ưu điểm về độ tự do, độ phân giải góc cao hơn và khả năng phát hiện mục tiêu cao hơn so với radar mảng pha truyền thống. [3]
SIAR có cấu trúc hình bát giác tương tự như hệ thống mà Trung cộng đã xây dựng trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 2017, sau khi bồi đắp và xây dựng hòn đảo này thành một căn cứ quân sự lớn nhất ở Trường Sa. [4][5]
Hình ảnh vệ tinh do Chatham House công bố cũng cho thấy Trung cộng đang xây dựng một tòa tháp gần hệ thống radar SIAR trên đảo Tri Tôn. Tòa tháp này có thể là trung tâm điều hành cho hệ thống radar.
Giám sát mọi hoạt động trên Biển Đông
Hệ thống radar trên đảo Tri Tôn chắc chắn không hoạt động độc lập. Nó sẽ được tích hợp vào mạng lưới radar khác mà Trung cộng xây dựng ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một báo cáo ghi nhận sự gia tăng năng lực thu thập thông tin tình báo của Trung cộng ở Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa. [6] Theo đó, hệ thống radar trên đá Subi và đảo Tri Tôn không chỉ nhằm viễn thám, nắm bắt hoạt động của các nước trong khu vực, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hệ thống vũ khí tấn công hiện đại, như tên lửa chống hạm, phòng không. [7]
Các thiết bị do thám cố định tại các đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa và Subi ở Trường Sa cũng được phối hợp với các thiết bị do thám di động.
Vào giữa năm 2021, khi đang phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Phi Luật Tân quản lý, hải quân Trung cộng đã triển khai một tàu thu thập thông tin tình báo và một máy bay giám sát ở quần đảo Trường Sa. [8] Mục đích của các thiết bị do thám này là theo dõi các hoạt động hỗ trợ của Mỹ và Úc đối với Phi Luật Tân tại khu vực này.
Trung cộng đã mở rộng và tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông, bao gồm 72 nhà chứa máy bay, bến tàu, thiết bị liên lạc vệ tinh, mảng ăng-ten, radar và hầm trú ẩn kiên cố cho các bệ phóng tên lửa. [9]
Trung cộng tuyên bố các dự án này chủ yếu có mục đích nghiên cứu hàng hải, an toàn hàng hải và cải thiện điều kiện sống cho nhân viên đồn trú. [10] Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng những cơ sở hạ tầng lưỡng dụng này (kết hợp chức năng quân sự và dân sự) cung cấp sân bay, khu vực neo đậu và các cơ sở tiếp tế cho hải quân. Chúng cho phép quân đội Trung cộng duy trì hiện diện quân sự và bán quân sự một cách linh hoạt và bền bỉ trong khu vực Biển Đông. Từ đó, tăng cường khả năng phát hiện hoạt động của các quốc gia đối thủ, có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Việc triển khai hệ thống radar hiện đại trên đảo Tri Tôn, cách đất liền Việt Nam khoảng 121,1 hải lý, có vai trò chiến lược đối với Trung cộng về mặt quân sự. Hệ thống này tăng cường khả năng phát hiện và giám sát các hoạt động trên Biển Đông, đồng thời tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Việt Nam.
Kết hợp với các thiết bị viễn thám có thể được lắp đặt tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia trên Vịnh Thái Lan, Trung cộng có thể kiểm soát mọi hoạt động của Việt Nam ở cả hai đầu. [11]
Ngư dân Việt Nam mỗi khi ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa cần lưu ý rằng hệ thống radar ở đó có khả năng phát hiện và theo dõi hoạt động trên biển, bao gồm tàu cá. Ngay cả hải quân Việt Nam cũng có thể gặp thử thách khi hoạt động trong khu vực này, thì những chiếc tàu đánh cá của ngư dân không thể thoát khỏi tầm mắt theo dõi của Trung cộng.
Phạm Văn Luật
Luatkhoa.com (20.11.2024)
99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Trung cộng theo nghiên cứu mới
Hải quân Mỹ giám sát hoạt động xây dựng của Trung cộng ở Bãi Chữ Thập, tháng 5 năm 2015. REUTERS
Báo South China Morning Post hôm 16 tháng 11 đưa tin về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung cộng về vai trò của Đá Chữ Thập, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Công trình nghiên cứu trên do một nhóm các nhà khoa học, thuộc Viện Khoa học Địa lý và Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, công bố trong tháng này theo thông tin từ tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông.
Kết quả nghiên cứu cho thấy căn cứ quân sự mà Trung cộng xây dựng trên Đá Chữ Thập đã giúp nước này rút ngắn thời gian tiếp cận quần đảo Trường Sa từ 33 tiếng, xuống còn khoảng 15 tiếng.
Điều này biến Trung cộng trở thành nước có khả năng triển khai lực lượng tới quần đảo Trường Sa nhanh nhất, hơn cả Việt Nam, Phi Luật Tân, lẫn Malaysia.
Đảo nhân tạo mà Trung cộng xây dựng ở Đá Chữ Thập cũng cho phép các lực lượng của nước này bao quát được 99 phần trăm quần đảo Trường Sa.
Đá Chữ Thập bị Trung cộng chiếm vào đầu năm 1988 bất chấp sự phản đối từ Việt Nam.
Từ năm 2014, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động bồi đắp và biến bãi đá này trở thành đảo nhân tạo, và được quân sự hóa với các cơ sở hạ tầng quân sự như sây bay, nhà chứa máy bay, hệ thống radar, và nhà chứa tên lửa.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á còn cho biết Trung cộng đã bố trí pháo phòng không và các hệ thống phòng thủ khác ở đây.
Đảo nhân tạo này được đánh giá có triển vọng trở thành căn cứ quân sự hiện đại bậc nhất của Trung cộng ở phía nam Biển Đông, và còn có thể được mở rộng thêm.
Tuy phía các nhà khoa học Trung cộng nhấn mạnh vào vai trò tìm kiếm cứu nạn của căn cứ trên Đá Chữ Thập, do từ năm 2019, Bắc Kinh đã cho thiết lập trung tâm cứu hộ tại đây, nhưng năng lực quân sự là điều không thể loại trừ.
RFA (18.11.2024)