Mục lục
Nội các phá cách của ông Trump trong nhiệm kỳ hai
Các ứng viên được ông Trump đề cử vào nội các mới được mô tả là đa dạng nhất trong các đời tổng thống Cộng hòa, thể hiện sự phá cách của ông.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gần hoàn thành danh sách cho nội các nhiệm kỳ hai, dù một số đề cử gây nhiều tranh cãi.
Các trợ lý mô tả đây là chính quyền thống nhất, trung thành và được thúc đẩy bởi phong trào Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại (MAGA), nhưng giới quan sát nhận thấy ông Trump đang xây dựng một nội các “đa dạng nhất về hệ tư tưởng thời hiện đại”, không giống với bất cứ tổng thống Cộng hòa nào trước đây.
Trong khi đảng Cộng hòa phản đối việc phá thai, ông Trump lại đề cử Robert F. Kennedy Jr., một người ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ, làm bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Tulsi Gabbard, người từng là đảng viên Dân chủ, được Tổng thống đắc cử chọn làm lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ. Ông cũng đã đề cử người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth, 44 tuổi, làm lãnh đạo Lầu Năm Góc trong chính quyền mới, dù ông này chưa có kinh nghiệm chính trị.
Để tìm người lãnh đạo Bộ Tài chính, ông đã đặt niềm tin vào tỷ phú đầu tư Scott Bessent. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, Bessent sẽ trở thành bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong chính quyền ông Trump cũng như dưới thời bất cứ tổng thống Mỹ nào thuộc đảng Cộng hòa. Bessent cũng từng là cố vấn của tỷ phú George Soros, người đã rót hàng chục triệu USD chống lại ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Mike Allen và Jim VandeHei, hai nhà phân tích của Axios, chỉ ra rằng nội các của Trump dường như được chia thành ba nhóm lớn. Nhóm được đề cử vào vị trí lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và giám đốc tình báo quốc gia sẽ theo đuổi tham vọng săn lùng “nhà nước ngầm” và bất kỳ ai tham gia nỗ lực truy tố ông Trump.
Nhóm thứ hai do Bessent dẫn dắt được kỳ vọng sẽ giúp ông Trump bình ổn thị trường Mỹ. Bessent có thể theo đuổi tham vọng bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế mà MAGA ủng hộ, nhưng cũng sẽ cố gắng đảm bảo các chính sách của ông Trump như đánh thuế hàng nước ngoài không cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán hậu bầu cử.
Thứ ba là nhóm tinh giản chính phủ do tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy dẫn đầu. Musk muốn cắt giảm ít nhất 2 nghìn tỷ USD từ ngân sách liên bang hàng năm, trong khi Ramaswamy muốn thanh lọc khoảng 25% trong 2,3 triệu viên chức chính phủ Mỹ.
Một nguồn tin trong nhóm chuyển giao quyền lực cho biết hầu hết các lựa chọn nội các là “phiên bản của ông Trump với suy nghĩ và cách tiếp cận của riêng họ”.
“Họ là những người không biết e sợ, có thể bước vào những cơ quan này và biết rằng nhiệm vụ của họ là cải cách và thay đổi”, người này nói.
Giới phân tích nhận định nội các của ông Trump rất giống với mô hình chính phủ liên minh ở các nước châu Âu, với thành viên là những người có quan điểm đa dạng, thậm chí đối nghịch, về hệ tư tưởng, nhưng đều có chung tầm nhìn MAGA.
Ông Bessent chuyển sang hệ tư tưởng MAGA muộn hơn nhiều người nhưng mạnh mẽ ủng hộ các chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử. Tuy nhiên, là một người đồng tính đã kết hôn, ông có thể dễ xung đột quan điểm với một số người cánh hữu có quan điểm truyền thống trong nhóm ủng hộ ông Trump.
Điều có thể khiến các thành viên nhiệt thành của phong trào MAGA khó chấp nhận hơn là việc ông Bessent từng quyên góp tiền cho chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Al Gore năm 2000.
Dù vậy, ông Trump khẳng định Scott “từ lâu đã ủng hộ mạnh mẽ nghị trình MAGA và sẽ giúp tôi mở ra một kỷ nguyên vàng mới cho Mỹ”. Ông tin rằng kinh nghiệm của tỷ phú này sẽ giúp củng cố vị thế đứng đầu thế giới của nước Mỹ.
Lựa chọn cho vị trí bộ trưởng lao động cũng có khả năng đi ngược đường lối chung. Khi những thành viên đảng Cộng hòa đoàn kết ủng hộ ông Trump về tinh giản chính phủ, bà Chavez-DeRemer lại nỗ lực bảo vệ người lao động.
Bà là một trong ba đảng viên Cộng hòa tài trợ cho dự luật năm 2023 để bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ bị trả thù hoặc sa thải, đồng thời trao quyền cho chính phủ trừng phạt các chủ doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi của người lao động.
Đội ngũ an ninh quốc gia của ông Trump cũng là những lựa chọn “phá cách”. Michael Waltz, người được đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, từng ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine và bất kỳ điều gì để đẩy lùi chiến dịch của Nga, cho đến khi ông đảo ngược quan điểm và bỏ phiếu phản đối khoản viện trợ bổ sung trị giá 95 tỷ USD cho Kiev hồi đầu năm nay.
Cấp phó mới Alex Wong của ông từng làm việc cho thượng nghị sĩ Mitt Romney, người vốn phản đối Tổng thống đắc cử Trump. Tuy nhiên, Wong có kinh nghiệm làm việc ở các vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao về vấn đề Triều Tiên, từng giúp thiết lập cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong những năm sau đó, Wong từng làm chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung, nhóm lưỡng đảng do quốc hội thành lập nhằm nghiên cứu các tác động an ninh quốc gia khi hai nước hợp tác về kinh tế.
Chris Whipple, tác giả cuốn sách Người gác đền (The Gatekeepers) về các chánh văn phòng Nhà Trắng, ngày 23/11 cho biết khó có thể tìm thấy sự nhất quán trong hệ tư tưởng ở các ứng viên được Tổng thống đắc cử Mỹ chọn vào nội các, bởi “không có quy trình nào để đưa ra những chọn lựa này và tất cả đều theo ý muốn của ông Trump”.
“Sự đa dạng về hệ tư tưởng trong nội các này lớn hơn những gì tôi kỳ vọng. Nội các đó nhiều khả năng sẽ xảy ra tranh cãi khi làm việc. Nhưng nếu những cuộc tranh luận như vậy được phép diễn ra một cách văn minh và cởi mở, chúng có thể tạo ra chính sách hiệu quả”, Michael Beschloss, nhà sử học về tổng thống Mỹ, đánh giá.
Thùy Lâm (Theo Axios, AFP, Reuters)
Điểm danh những gương mặt chủ chốt trong chính quyền Trump
Sam Cabral, Amy Walker và Nadine Yousif
BBC News
Đội ngũ mới được giao phó thực hiện chương trình nghị sự của Donald Trump đang dần thành hình, với một số lựa chọn gây tranh cãi.
Trước khi trở lại Nhà Trắng vào ngày 20 tháng 1 năm 2025, tổng thống đắc cử đã chỉ định Pete Hegseth, người dẫn chương trình của Fox News và là cựu quân nhân, làm ứng viên bộ trưởng quốc phòng. Ông cũng muốn Robert F. Kennedy Jr. giữ chức Bộ trưởng Y tế.
Marco Rubio có thể trở thành ngoại trưởng tiếp theo. Và tỷ phú ủng hộ ông, Elon Musk, sẽ đóng vai trò trong nỗ lực cắt giảm chi phí.
Dưới đây là cái nhìn chi tiết hơn về các vị trí mà ông Trump đã đề cử người đảm nhiệm, cũng như những cái tên đang được cân nhắc cho các chức vụ quan trọng chưa được bổ nhiệm.
Chúng ta sẽ bắt đầu với các vai trò trong nội các – những vị trí này cần được Thượng viện thông qua. Nếu có 4 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và toàn bộ thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối bất kỳ cá nhân nào, đề cử đó sẽ thất bại.
Ngoại trưởng – Marco Rubio
Thượng nghị sĩ Marco Rubio đến từ bang Florida đã được chọn làm ngoại trưởng Mỹ, người cố vấn chính của tổng thống về các vấn đề đối ngoại và là nhà ngoại giao cao nhất của Mỹ khi đại diện cho quốc gia này ở nước ngoài.
Rubio, 53 tuổi, có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc. Ông đã phản đối Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa hồi năm 2016 nhưng kể từ đó đã làm lành với Trump.
Ông từ lâu đã theo đuổi công việc ngoại trưởng và nếu được phê chuẩn, ông sẽ trở thành ngoại trưởng người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng – Pete Hegseth
Việc bổ nhiệm ông là một trong những quyết định được dự báo nhiều nhất trong nội các của Trump khi các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza đang tiếp diễn.
“Không ai đấu tranh vì các binh sĩ mạnh mẽ hơn Pete,” Trump nói.
Bộ trưởng Tư pháp – Pam Bondi
Lựa chọn đầu tiên của Trump cho vị trí bộ trưởng Tư pháp, cựu Dân biểu Matt Gaetz từ Florida, đã rút khỏi đề cử vào hôm 21/11 sau một tuần đối mặt với tranh cãi liên quan đến cuộc điều tra của Quốc hội về các cáo buộc sai phạm tình dục và sử dụng ma túy.
Gaetz phủ nhận tất cả các cáo buộc, nhưng cho biết ông ta muốn tránh một “cuộc đấu đá dai dẳng không cần thiết ở Washington”.
Khoảng sáu giờ sau khi Gaetz rút lui, Trump đã chỉ định Pam Bondi, cựu bộ trưởng Tư pháp bang Florida, làm người kế nhiệm.
“Pam đã làm công tố viên gần 20 năm, và bà luôn rất cứng rắn với các Tội phạm Bạo lực và làm cho đường phố trở nên an toàn hơn cho các Gia đình ở Florida,” Trump viết.
Bondi từng phục vụ trong chính quyền đầu tiên của Trump với tư cách là thành viên của Ủy ban Chống Lạm dụng Ma túy và Opioid (một nhóm thuốc giảm đau). Bà cũng tham gia đội ngũ bào chữa cho Trump trong phiên tòa luận tội đầu tiên của ông.
Bộ trưởng Nội vụ – Doug Burgum
Là một doanh nhân phần mềm, Burgum đã bán công ty nhỏ của mình cho Microsoft vào năm 2001. Ông đã tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Cộng hòa năm 2024 trước khi rút lui, rồi ủng hộ Trump và nhanh chóng gây ấn tượng với Trump nhờ phong cách ít giật gân và khối tài sản lớn.
Nếu được thông qua, Burgum sẽ giám sát một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và bảo tồn đất đai và tài nguyên thiên nhiên của liên bang.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh – Robert F. Kennedy Jr.
Mặc dù không có chuyên môn y tế, Kennedy, 70 tuổi, sẽ có quyền hạn rộng lớn đối với các cơ quan y tế liên bang của Mỹ – bao gồm những cơ quan giám sát việc phê duyệt vắc xin và dược phẩm.
Đã có nhiều đồn đoán về khả năng ông không thể vượt qua khâu kiểm tra lý lịch do những tranh cãi trong quá khứ, bao gồm việc vứt xác một con gấu trong Công viên Trung tâm của New York.
Bộ trưởng Cựu chiến binh – Doug Collins
Collins là một người trung thành với Trump khi ông là dân biểu Hạ viện Mỹ từ năm 2013 đến 2021. Ông là một người mạnh mẽ ủng hộ tổng thống đắc cử trong cả hai cuộc điều trần luận tội.
Là một cựu chiến binh trong chiến tranh Iraq và hiện đang phục vụ với tư cách là tuyên úy trong Lực lượng Dự bị Không quân Mỹ, Collins đã rời Hạ viện để tranh cử vào Thượng viện Mỹ ở bang quê hương Georgia nhưng thất bại.
Bộ trưởng An ninh nội địa – Kristi Noem
Bộ An ninh nội địa có ngân sách 62 tỷ USD và sử dụng hàng ngàn nhân viên. Bộ này phụ trách nhiều cơ quan khác nhau, từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới đến Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA).
Bộ trưởng Giao thông vận tải – Sean Duffy
Cựu dân biểu và người dẫn chương trình Fox Business, Sean Duffy, đã được chọn để lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Nếu được Thượng viện thông qua, ông sẽ chịu trách nhiệm giám sát các chính sách về hàng không, ô tô, đường sắt, giao thông công cộng và các vấn đề khác liên quan đến vận tải, với ngân sách hằng năm khoảng 110 tỷ USD.
Trên cương vị này, tân bộ trưởng dự kiến sẽ đối mặt với một loạt vấn đề an toàn liên quan đến ngành hàng không, bao gồm những trục trặc kéo dài của Boeing khi nhà sản xuất đang ngập trong rắc rối này tiếp tục xử lý các vấn đề về an toàn và chất lượng.
Bộ trưởng Năng lượng – Chris Wright
Wright, người sáng lập kiêm CEO của Liberty Energy, đã gọi các nhà hoạt động khí hậu là những kẻ gieo rắc nỗi sợ hãi và ví việc thúc đẩy năng lượng tái tạo của Đảng Dân chủ là chủ nghĩa cộng sản kiểu Liên Xô.
Trong một video được đăng lên tài khoản mạng xã hội LinkedIn của ông vào năm ngoái, Wright nói: “Không có khủng hoảng khí hậu và chúng ta cũng không đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng.”
Bộ trưởng Thương mại – Howard Lutnick
Howard Lutnick, đồng chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của Trump và giám đốc điều hành công ty tài chính Cantor Fitzgerald, đã được chọn để lãnh đạo Bộ Thương mại.
Trump cho biết Lutnick sẽ dẫn dắt “chương trình nghị sự về thuế quan và thương mại” của chính quyền.
Trước đó, Lutnick cũng được cân nhắc cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, một vai trò có tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Bộ trưởng Giáo dục – Linda McMahon
Linda McMahon, đồng sáng lập công ty giải trí võ vật World Wrestling Entertainment (WWE) và đồng chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của Trump, đã được đề cử làm bộ trưởng Giáo dục trong chính quyền mới của ông.
Là một đồng minh lâu năm của Trump, McMahon từng lãnh đạo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA) trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của Trump và đã đóng góp hàng triệu đô la cho chiến dịch tranh cử của ông.
Trump đã nhiều lần chỉ trích Bộ Giáo dục và hứa sẽ đóng cửa cơ quan này – một nhiệm vụ có thể được giao cho McMahon.
Trong tuyên bố công bố đề cử, Trump nói rằng McMahon sẽ “dẫn đầu nỗ lực” nhằm “trao lại Giáo dục CHO CÁC BANG,” ám chỉ lời cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử.
Bộ trưởng Tài chính – Scott Bessent
Scott Bessent đã được đề cử làm bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, một vị trí có quyền hạn rộng lớn trong việc giám sát chính sách thuế, nợ công, tài chính quốc tế và các lệnh trừng phạt.
Quyết định bổ nhiệm này đánh dấu sự kết thúc của một trong những quyết định kéo dài nhất trong quá trình tổng thống đắc cử tập hợp đội ngũ cho nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Bessent, một nhà tài chính Phố Wall từng làm việc cho tỷ phú tự do George Soros, đã sớm ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2024 của Trump và mang đến một hồ sơ tương đối truyền thống cho vai trò này.
Trên đường vận động tranh cử, Bessent đã nói với cử tri rằng Trump sẽ mang lại một “kỷ nguyên vàng mới với việc giảm bớt các quy định, năng lượng giá rẻ và thuế thấp”.
“[Ông ấy] từ lâu đã là một người ủng hộ mạnh mẽ cho Chương trình Nước Mỹ Trên Hết,” Trump phát biểu, đồng thời nhấn mạnh rằng Bessent sẽ “hỗ trợ các chính sách của tôi nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ và chấm dứt sự mất cân đối thương mại không công bằng.”
Cục Quản lý và Ngân sách – Russell Vought
Russell Vought đã được chọn để lãnh đạo Cục Quản lý và Ngân sách, một vị trí mà ông từng đảm nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của Trump.
Vought trước đây từng là giám đốc cơ quan này, đơn vị phụ trách hỗ trợ xây dựng ngân sách tổng thống, đóng vai trò là cơ quan kiểm soát quy định trung ương và thực thi chương trình nghị sự của tổng thống trên toàn chính phủ.
Ông cũng là tác giả một chương quan trọng trong Dự án 2025, một danh sách dài 900 trang theo đường lối bảo thủ, với mục tiêu mở rộng quyền lực tổng thống và áp dụng tầm nhìn xã hội mang tính siêu bảo thủ.
Ngoài ra, Vought đã phục vụ với tư cách là Giám đốc chính sách cương lĩnh của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa năm 2024.
“Ông ấy đã làm rất tốt công việc này trong nhiệm kỳ đầu của tôi,” Trump tuyên bố khi bổ nhiệm Vought. “Cứ mỗi Quy định mới ra đời, chúng tôi cắt giảm bốn Quy định, và đó là một Thành công Lớn!”
Bộ trưởng Lao động – Lori Chavez-DeRemer
Lori Chavez-DeRemer đã được Trump chọn làm người lãnh đạo Bộ Lao động, cơ quan giám sát sức khỏe và an toàn của người lao động, các luật lao động và quản lý trợ cấp thất nghiệp cùng bảo hiểm công nhân.
Chavez-DeRemer đã phục vụ trong Hạ viện Hoa Kỳ từ năm 2023, nhưng đã thất bại trong việc tái tranh cử tại Oregon trong cuộc bầu cử tháng 11/2024, mặc dù bà nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nghiệp đoàn.
Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị – Scott Turner
Bộ này giám sát nhu cầu nhà ở của người dân Mỹ, thực thi các luật, ngăn ngừa phân biệt đối xử và cung cấp hỗ trợ cho những người có nhu cầu, thông qua nhà ở giá rẻ và giúp người dân tránh bị kê biên tài sản.
Turner từng là giám đốc điều hành của Hội đồng Cơ hội và Đổi mới Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Trước đó, ông đã phục vụ trong cơ quan lập pháp bang Texas.
Bộ trưởng Nông nghiệp – Brooke Rollins
Brooke Rollins lớn lên tại một trang trại, nhưng công việc gần đây nhất của bà là đồng sáng lập và đứng đầu Viện Chính sách Nước Mỹ Trên Hết, một tổ chức tư duy chiến lược được phong trào MAGA hậu thuẫn.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, bà từng giữ chức Giám đốc Văn phòng Đổi mới Hoa Kỳ và Quyền Chủ tịch Hội đồng Chính sách Nội địa.
Theo thông cáo báo chí của Trump, bà Rollins tốt nghiệp Đại học Texas A&M với bằng Cử nhân Khoa học về phát triển nông nghiệp và sau đó lấy bằng luật tại cùng trường đại học này.
Trong vai trò bộ trưởng Nông nghiệp, bà sẽ giám sát các khoản trợ cấp nông nghiệp, các chương trình dinh dưỡng liên bang, kiểm tra thịt và các khía cạnh khác của ngành nông nghiệp nước Mỹ.
Ngoài 15 người đứng đầu các bộ tạo thành phần lõi của Nội các, còn có một số vai trò khác thường được xếp hạng tương đương với cấp Nội các, như Giám đốc FBI và người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA).
Những vị trí này cũng cần được Thượng viện thông qua.
Tuy nhiên, có những vị trí quan trọng khác trong chính quyền Trump mà không cần xác nhận của Thượng viện và những người đảm nhiệm các vị trí này (như Elon Musk) sẽ không phải trải qua quá trình kiểm tra tương tự.
Bộ Hiệu quả Chính phủ – Elon Musk và Vivek Ramaswamy
Doanh nhân tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã được chọn để lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (Doge) mà Trump đã đặt tên, cùng với Vivek Ramaswamy, người từng được cân nhắc cho vị trí ứng viên tổng thống.
Bộ này, được gọi là “Doge” (một cách chơi chữ liên quan đến một loại tiền điện tử mà Musk đã quảng bá), sẽ có vai trò tư vấn để “phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định thừa, giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”, theo lời Trump.
Hiện vẫn chưa rõ quy trình phê duyệt cần thiết cho các vai trò này.
Trùm Biên giới – Tom Homan
Homan, một cựu cảnh sát và là giám đốc tạm quyền của Cơ quan Thực thi Luật Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) trong nhiệm kỳ đầu của Trump, đã ủng hộ lập trường không khoan nhượng đối với vấn đề này.
“Tôi sẽ điều hành lực lượng trục xuất lớn nhất mà đất nước này từng chứng kiến,” ông nói vào tháng 7.
Lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường – Lee Zeldin
Trong vai trò này, Zeldin sẽ phụ trách chính sách khí hậu của Mỹ.
Trong thời gian công tác tại Hạ viện từ năm 2015 đến 2023, Zeldin đã bỏ phiếu phản đối việc mở rộng một số chính sách môi trường. Zeldin cũng đã nói rằng ông có kế hoạch “thu hồi các quy định” ngay trong ngày đầu nhậm chức.
Đại sứ tại Liên Hợp Quốc – Elise Stefanik
Stefanik đã gây chú ý trên toàn quốc với những câu hỏi sắc bén trong các ủy ban quốc hội.
Một số bổ nhiệm chính trị tại Mỹ, bao gồm vị trí đại sứ Liên Hợp Quốc, yêu cầu phải có sự phê duyệt từ Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, Trump đã yêu cầu vị lãnh đạo Thượng viện kế tiếp cho phép ông thực hiện các bổ nhiệm mà không cần các cuộc bỏ phiếu xác nhận truyền thống.
Các vị trí phụ trách tình báo, an ninh quốc gia
Trump đã chọn cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia, cựu Dân biểu John Ratcliffe đến từ Texas, làm giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Còn có những vị trí quan trọng khác trong các cơ quan tình báo chưa được bổ nhiệm, bao gồm giám đốc FBI và giám đốc Tình báo Quốc gia.
Trump đã tuyên bố sẽ sa thải Giám đốc FBI Chris Wray, người mà ông đã đề cử vào năm 2017 nhưng sau đó đã mâu thuẫn với ông. Jeffrey Jensen, một cựu công tố viên Mỹ do Trump bổ nhiệm, đang được xem xét để thay thế Wray.
Giám đốc Tình báo Quốc gia – Tulsi Gabbard
Trump đã chỉ định cựu dân biểu Đảng Dân chủ từ Hawaii, Tulsi Gabbard, làm giám đốc Tình báo Quốc gia.
Cựu sĩ quan Quân Dự bị Mỹ này từng tham gia vận động cùng Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và chạy đua tổng thống với tư cách là ứng cử viên Đảng Dân chủ vào năm 2020, nhưng trong những năm gần đây, bà đã chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Bà đã tham gia chiến dịch tranh cử cùng Trump vào năm 2024 và phục vụ trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông.
Cố vấn An ninh Quốc gia – Mike Waltz
Trong một thông báo vào hôm 12/11 về việc bổ nhiệm Waltz, Trump lưu ý rằng Waltz là lính Mũ nồi xanh đầu tiên được bầu vào Quốc hội. Mũ nồi xanh là lực lượng đặc nhiệm Lục quân Mỹ.
Waltz sẽ lèo lái vai trò của Mỹ trong các cuộc chiến ở Israel, Ukraine và Nga.
Đặc phái viên Trung Đông – Steve Witkoff
Witkoff là một người bạn thân của Trump. Ông đã ở bên ông Trump khi một người đàn ông bị cáo buộc đã tìm cách ám sát cựu tổng thống tại câu lạc bộ gôn Palm Beach vào tháng 9.
Trump đã mô tả ông là một “nhà lãnh đạo được tôn trọng cao trong lĩnh vực kinh doanh và từ thiện, người đã làm cho mọi dự án và cộng đồng mà ông tham gia trở nên mạnh mẽ và thịnh vượng hơn”.
Đại sứ Mỹ tại Israel – Mike Huckabee
“Mike là một công dân xuất sắc, một thống đốc và một nhà lãnh đạo tôn giáo trong nhiều năm qua,” Tổng thống đắc cử nói.
Huckabee là một quan chức ủng hộ Israel hết mình, người trước đây đã từ chối ý tưởng về một giải pháp hai nhà nước để giải quyết xung đột Israel-Palestine.
Đại sứ tại NATO – Matthew Whitaker
Cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker đã được đề cử làm Đại sứ tại NATO – một liên minh mà Trump thường xuyên chỉ trích và thậm chí đã từng đe dọa rút khỏi hoàn toàn.
“Matt là một chiến binh mạnh mẽ và là một người yêu nước trung thành, người sẽ đảm bảo rằng lợi ích của Hoa Kỳ được thúc đẩy và bảo vệ,” Trump nói trong một tuyên bố.
“Matt sẽ củng cố mối quan hệ với các đồng minh NATO của chúng ta và kiên định đối mặt với các mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định – Ông ấy sẽ đặt NƯỚC MỸ LÊN TRÊN HẾT.”
Whitaker là một ngôi sao bóng bầu dục cấp trung học, sau đó trở thành luật sư và đã phục vụ với tư cách là công tố viên Hoa Kỳ tại Quận Nam Iowa. Ông có ít kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại.
Tổng biện lý – Dean John Sauer
Trump đã chọn Dean John Sauer làm tổng biện lý Mỹ để giám sát và tiến hành các vụ kiện của chính phủ tại Tòa án Tối cao Mỹ.
Sauer trước đây từng là tổng biện lý cho Tòa án Tối cao bang Missouri trong sáu năm và làm thư ký cho cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Antonin Scalia.
Sauer đã đại diện cho Trump vào đầu năm nay trong một số vụ kiện, bao gồm vụ kiện về quyền miễn trừ của Trump tại Tòa án Tối cao Mỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Truyền thông Liên bang – Brendan Carr
Brendan Carr hiện là thành viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), cơ quan giám sát hoạt động phát thanh truyền hình và sử dụng internet. Là một thành viên lâu năm của Đảng Cộng hòa, trong những năm gần đây, ông đã hoan nghênh các ưu tiên của Trump và trở thành người ủng hộ việc quản lý các “big tech” (các công ty công nghệ lớn).
“Facebook, Google, Apple, Microsoft và những công ty khác đã đóng vai trò trung tâm trong các ten kiểm duyệt,” ông viết trên mạng xã hội X. “Các ten kiểm duyệt phải được giải thể.”
Trump trước đây đã tuyên bố sẽ tước giấy phép phát sóng của các kênh truyền hình mà ông cho là có định kiến.
Các trung tâm phụ trách chương trình Medicare & Medicaid Services – Mehmet Oz
Oz có bằng bác sĩ phẫu thuật trước khi nổi tiếng với chương trình The Oprah Winfrey Show vào đầu những năm 2000. Sau đó, ông đã chủ trì chương trình truyền hình của riêng mình.
“Chắc chắn không có bác sĩ nào đủ trình độ và khả năng như Bác sĩ Oz để làm cho nước Mỹ khỏe mạnh trở lại,” Trump phát biểu.
Tuy nhiên, Oz đã bị các chuyên gia chỉ trích vì đã đưa ra những lời khuyên về sức khỏe mà họ cho là tệ hại, đặc biệt là về thuốc giảm cân và các phương pháp chữa bệnh “kỳ diệu”, cũng như việc đề xuất sử dụng thuốc trị sốt rét để chữa Covid-19 trong những ngày đầu của đại dịch.
Đây là những vị trí làm việc tại Cánh Tây Nhà Trắng – nhóm cố vấn chủ chốt của ông Trump.
Chánh văn phòng – Susie Wiles
Chánh văn phòng Nhà Trắng là một thành viên trong nội các và thường là trợ lý cao nhất của tổng thống, giám sát các hoạt động hằng ngày tại Cánh Tây và quản lý đội ngũ nhân viên của tổng thống.
Wiles, 67 tuổi, đã làm việc trong guồng máy chính trị Đảng Cộng hòa suốt nhiều thập kỷ, từ chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của Ronald Reagan vào năm 1980 cho đến các chiến dịch giúp Rick Scott và Ron DeSantis được bầu làm thống đốc bang Florida.
Phó Chánh văn phòng – Stephen Miller
Miller có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các kế hoạch cho việc trục xuất hàng loạt và giảm bớt cả di cư trái phép lẫn hợp pháp.
Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Miller đã tham gia xây dựng một số chính sách nhập cư nghiêm ngặt nhất của chính quyền.
Trưởng pháp chế Nhà Trắng – William McGinley
“Bill (tức William) là một luật sư thông minh và kiên quyết, người sẽ giúp tôi thúc đẩy chương trình hành động ‘Nước Mỹ Trên Hết’ của chúng ta, cùng lúc đấu tranh cho tính liêm chính của bầu cử và chống lại việc biến lực lượng thực thi pháp luật thành vũ khí chính trị,” ông Trump nói.
McGinley đã từng là thư ký nội các Nhà Trắng trong một phần nhiệm kỳ đầu của Trump và là cố vấn cho Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa phụ trách về tính liêm chính bầu cử trong năm 2024.
Thư ký báo chí – Karoline Leavitt
Bà đã tranh cử vào Hạ viện, giành được đề cử của Đảng Cộng hòa tại New Hampshire vào năm 2022, nhưng đã thua trong cuộc tổng tuyển cử trước đối thủ là Đảng viên Dân chủ Chris Pappas.
Leavitt cũng đã làm việc tại văn phòng báo chí Nhà Trắng trong chính quyền Trump lần đầu, bao gồm cả vai trò trợ lý thư ký báo chí, theo trang web vận động tranh cử của bà.
Công chúng sẽ sớm thấy Leavitt đứng tại vị trí mang tính biểu tượng sau bục phát biểu trong phòng họp báo Nhà Trắng – một không gian đã chứng kiến vô số cuộc trao đổi căng thẳng giữa các phóng viên và quan chức trong chính quyền Trump lần đầu.
Giám đốc truyền thông – Steven Cheung
Lớn lên tại California trong một gia đình nhập cư người Hoa, Cheung bắt đầu sự nghiệp với tư cách thực tập sinh dưới quyền Thống đốc California lúc bấy giờ, Arnold Schwarzenegger. Ông cũng từng là người phát ngôn cho Giải vô địch đối kháng UFC.
Cheung nổi tiếng với những phát ngôn gay gắt, thường gây hấn, nhằm vào các đối thủ của Trump. Ông từng nhận xét Joe Biden “lê từng bước như thể đang mặc một chiếc tã đầy” và Thống đốc Florida Ron DeSantis bước đi như một cô gái “lần đầu tập đi giày cao gót”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Nhà Trắng đã chứng kiến sự thay đổi liên tục ở vị trí giám đốc truyền thông với sáu người đảm nhiệm khác nhau. Anthony Scaramucci thậm chí chỉ tại vị 11 ngày.
Trợ lý tổng thống – Sergio Gor
“Steven Cheung và Sergio Gor đã là những cố vấn đáng tin cậy từ chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của tôi vào năm 2016 và họ đã tiếp tục ủng hộ các nguyên tắc Nước Mỹ Trên Hết,” Trump cho biết trong một thông cáo.
John Bolton on Trump’s Cabinet Picks and What to Expect in His Second Term
Conversations with Bill Kristol
28.11.2024
What should we expect in Donald Trump’s second term?
Chapter 1 (00:15 – 22:16): Trump’s Cabinet Picks
Chapter 2 (22:16 – 59:19): The Second Trump Administration
To discuss the second term, we are joined by John Bolton, who served as National Security Advisor in the Trump White House from 2018 to 2019 and with distinction in many prior Republican administrations. Drawing on insights from working closely with Trump in his first term, Bolton shares his perspective on what the second term might look like. Bolton argues Trump selected his cabinet nominees for “fealty” rather than competence—and he discusses the politicization and chaos in government agencies that could result. Bolton also considers the role of the Senate as a potential check on the president, and reflects more broadly on Trump’s approach to the presidency.