Seite auswählen

Một người dùng Facebook qua điện thoại di động ở Hà Nội.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa kêu gọi Việt Nam bãi bỏ nghị định mới về việc buộc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản, cho rằng quy định này siết chặt quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận.

“Nghị định 147 mới của Việt Nam và các luật an ninh mạng khác không bảo vệ công chúng khỏi bất kỳ mối lo ngại an ninh thực sự nào cũng như không tôn trọng các quyền cơ bản của con người”, Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, nêu quan điểm trong thông cáo hôm 10/12.

“Do công an Việt Nam coi bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam đều là vấn đề an ninh quốc gia, nghị định này sẽ tiếp tay cho họ một công cụ nữa để đàn áp bất đồng chính kiến”, vẫn lời bà Gossman.

Ngày 9/11, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng. Theo đó, chính thức bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/12 năm nay.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147 là người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID, nếu không có số điện thoại. Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký.

“Chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội”, nghị định có đoạn.

 

HRW đánh giá rằng nghị định này mở rộng khả năng kiểm soát của chính quyền đối với việc tiếp cận thông tin trên mạng internet với các lý do mơ hồ như “an ninh quốc gia”, hay “trật tự an toàn xã hội”.

“Ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật”, Điều 4 của nghị định viết.

Ngoài ra, nghị định này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội đang cung cấp dịch vụ tới người sử dụng ở Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu về người sử dụng và cung cấp các dữ liệu đó cho chính quyền khi có yêu cầu, và gỡ bỏ bất cứ nội dung gì mà chính quyền cho là “nội dung vi phạm pháp luật” trong vòng 24 tiếng.

Bà Gossman nói: “Việt Nam cần phải bãi bỏ Nghị định 147 và Luật An ninh mạng vi phạm nhân quyền, đồng thời trả tự do cho những người bị cầm tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận trên internet”.

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải coi quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng chứ không phải bị hạn chế”, vị đại diện của HRW kêu gọi.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về các phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Truyền thông trong nước đánh giá cao những điểm mới trong nghị định, cho rằng văn bản pháp luật này sẽ giúp “kiến tạo không gian mạng xã hội minh bạch, an toàn và trách nhiệm”.

Trang Lao Động hôm 9/12 dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rằng các quy định mới trong nghị định sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”.

Theo nhà chức trách, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc mã số định danh “sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo… trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam”.

 

Facebook là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam với ước tính hơn 86 triệu người có tài khoản. VOA đã gửi đề nghị đưa ra bình luận tới Meta, công ty quản lý mạng xã hội này, về những yêu cầu trong nghị định mới của Việt Nam, tuy nhiên, hãng này vẫn chưa phản hồi.

Theo Dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, hiện có 180 nhà hoạt động đang bị bỏ tù ở quốc gia cộng sản, trong khi con số các blogger, nhà báo độc lập bị bắt vì các bài đăng trực tuyến ngày càng tăng.

Theo tổ chức phi chính phủ này, 41% những người bất đồng chính kiến bị bỏ tù vì “phát biểu ôn hòa trên mạng xã hội”.

Hồi tháng 10, tổ chức Freedom House ở Mỹ công bố báo cáo về tự do internet, nói rằng quyền tự do internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam khi chính phủ nước này tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước.

Đáp lại, trang Công An Nhân Dân (CAND) của Bộ Công an viết: “Đảng, Nhà nước ta luôn có đường lối, chủ trương đúng đắn nhằm bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet của mỗi người dân”.

Trang CAND đồng thời phản bác các báo cáo của Freedom House và lên án các cáo buộc tương tự của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế …lập luận rằng đó là “những điệu xuyên tạc về quyền tự do internet tại Việt Nam”.

 

VOA (13.12.2024)

 

 

 

 

Báo động tình trạng Việt Nam gia tăng đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập

Các nhà sư người Khmer Krom đụng độ với nhóm nhà sư khá gần Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh, Campuchia hôm 20/4/2007 (minh hoạ) TANG CHHIN SOTHY / AFP

 

Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) của Mỹ hôm 12/12 ra thông cáo báo chí báo động về tình trạng đàn áp đang gia tăng đối với các nhóm độc lập tại Việt Nam bao gồm Phật giáo của người Khmer Krom, Tin Lành của người Thượng, đạo Cao Đài và những nhóm đạo khác.

“USCIRF lên án việc Chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu vào các nhóm tôn giáo độc lập” – ông Stephen Shneck – Chủ tịch USCIRF được trích lời trong thông cáo báo chí cho biết.

“Các giới chức chính quyền đã kết án tù năm nhà sư người Khmer Krom với các bản án từ hai đến sáu năm tù, quấy nhiễu hoạt động thờ phượng của người theo đạo Cao Đài, và tiếp tục bắt những người Thượng theo Tin Lành ở Tây Nguyên phải bỏ đạo. Hành động này không đúng với vị trí của Việt Nam là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn tiến đáng ngại này” – ông Stephen Shneck nói.

Hôm 26/11 vừa qua, toà án tỉnh Vĩnh Long đã kết án tù chín nhà sư và Phật tử người Khmer Krom với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” và “Bắt, giữ người trái pháp luật.”

Việc xét xử và kết án những người Khmer Krom này đã vấp phải những phản đối từ cộng đồng quốc tế ngay sau đó.

Trong thông cáo phát đi cùng ngày, tổ chức phi chính phủ chuyên vận động cho quyền của người Khmer-Krom bản địa nói rằng cả 9 người bị tạm giam trong tám tháng, không được tiếp cận trợ giúp pháp lý, không được gặp người thân, và bị ép buộc phải nhận những tội mà họ không thực hiện.

Mới đây nhất, vào ngày 6/12, hai mục sư Tin Lành người Ê-đê cho RFA biết họ đã bị tấn công bằng súng vào hồi đầu tháng này. Những mục sư này cho biết họ thường xuyên bị công an địa phương gây khó dễ trong thời gian qua vì đứng đầu nhóm Tin Lành tư gia độc lập.

Theo thông cáo báo chí mới của USCIRF, cơ quan này trong những năm gần đây đã quan sát thấy tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày một xuống dốc khi chính quyền gia tăng đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập bao gồm các nhóm mà Chính phủ cho là “đạo lạ” hay “tà đạo”.

Kể từ năm 2002, USCIRF đã liên tục kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Trong các năm 2022 và 2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào cuối năm nay sẽ đưa ra danh sách CPC và SWL.

Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc đàn áp tôn giáo từ các tổ chức nhân quyền và Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

RFA (12.12.2024)

 

 

 

 

RSF: Việt Nam là một trong 10 nước giam giữ nhiều phóng viên nhất thế giới

Một nhà báo đang chụp hình màn hình chiếu trực tiếp phiên xử blogger nổi tiếng Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thuý) ở Hà Nội hôm 22/9/2016 (minh hoạ) REUTERS/Kham

 

Việt Nam là một trong 10 nước giam giữ nhiều phóng viên nhất thế giới với 38 phóng viên hiện đang bị giam giữ, theo con số thống kê mới được công bố của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF). Con số này vào năm ngoái là 36 người.

Trong báo cáo tổng kết 2024 được công bố vào ngày 12/12 về tình trạng các nhà báo bị giết hại, giam giữ, bắt làm con tin và mất tích, RSF cho biết tình trạng các nhà báo bị tấn công trong năm 2024 đã lên đến mức báo động, đặc biệt là ở các vùng có xung đột như ở Gaza, Trung Đông, nơi có nhiều nhà báo bị giết nhất.

Theo thống kê của RFS, kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, hiện có 550 phóng viên trên toàn thế giới đang bị cầm tù, tăng hơn 7% so với năm ngoái.

Việt Nam không nằm trong danh sách các nước có các nhà báo bị giết hại, bắt làm con tin hay mất tích nhưng vẫn thuộc danh sách các nước giam giữ nhiều nhà báo nhất, cùng với các nước khác như Trung Quốc, Myanmar, Israel, Belarus, Nga, Iran…

Trong số 550 nhà báo đang bị giam giữ, có 244 nhà báo đã bị kết án tù và tám người bị giam giữ tại gia.

Trong báo cáo mới, RSF cũng nêu trường hợp điển hình ở Việt Nam là nhà báo Huy Đức (tên thật là Trương Huy San) – người bị chính quyền bắt giữ hôm 1/6/2024 ngay sau khi ông công bố những bài viết của mình về những bất ổn chính trị trong nước. Trang Facebook của ông với 350.000 người theo dõi cũng bị xoá sau đó.

Trong báo cáo về tự do báo chí 2024 được RSF công bố hồi tháng 5 năm nay, Việt Nam bị xếp vào nhóm bảy nước có ít tự do báo chí nhất thế giới trong năm, xếp hạng 178/180 nước, điểm tổng thể của Việt Nam trong báo cáo này bị giảm từ 24,58 trong năm 2023 xuống còn 22,31.

 

RFA (12.12.2024)

 

 

 

Siết quyền tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận

Dự án 88 – một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam – cho biết, Đã có năm cựu đảng viên, đa phần là viên chức nhà nước, bị xét xử với cáo buộc cung cấp thông tin cho ông Đường Văn Thái, một blogger bất đồng chính kiến từng được cho là bị chính phủ Việt Nam bắt cóc năm 2023 khi đang tị nạn tại Thái Lan.

 

Năm cựu đảng viên nói trên nằm trong số bảy người cùng bị đưa ra xét xử với ông Đường Văn Thái (hay còn gọi là Thái Văn Đường) trong phiên tòa kín hôm 30/10/2024. Ông Thái bị kết án 12 năm tù giam, ba năm quản chế với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

 

Báo cáo vừa công bố của Dự án 88 cho hay đã có ít nhất 60 người khác bị điều tra hình sự trong vụ án.

 

Báo cáo của Dự án 88 được đưa ra không lâu sau khi chính quyền Việt Nam công bố Nghị định 147/2024 điều chỉnh việc sử dụng và cung cấp dịch vụ internet và thông tin trực tuyến.

Nghị định này, sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, mở rộng quyền kiểm soát của chính phủ đối với quyền truy cập thông tin trên internet vì những lý do mà các tổ chức nhân quyền nói là “mơ hồ”, như “an ninh quốc gia” và “trật tự xã hội”, và để ngăn chặn các hành vi vi phạm “đạo đức, phong tục và truyền thống tốt đẹp” của Việt Nam.

Nghị định này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng, cung cấp cho chính quyền theo yêu cầu và gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào mà chính quyền coi là “nội dung bất hợp pháp” trong vòng 24 giờ.

Nghị định 147 yêu cầu “các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài” phải xác minh tài khoản của người dùng thông qua số điện thoại hoặc mã số định danh cá nhân của họ.

Điều này, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), khiến những người bất đồng chính kiến, những người có xu hướng đăng bài ẩn danh, có nguy cơ bị bắt giữ.

Điều 23 của nghị định yêu cầu “các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài” cung cấp thông tin xuyên biên giới phải sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Trong trường hợp nếu có 100.000 lượt truy cập từ người dùng tại Việt Nam thì phải thực hiện một số việc như lưu trữ dữ liệu cá nhân, theo dõi, kiểm tra, chặn và xóa thông tin, cũng như cung cấp các công cụ tìm kiếm và quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

Theo HRW, nghị định này cũng yêu cầu chủ sở hữu các điểm truy cập internet công cộng, như các khách sạn, nhà hàng, sân bay… phải ngăn chặn người dùng internet thực hiện “tuyên truyền chống nhà nước” dù không quy định rõ các chủ sở hữu này phải làm gì để ngăn chặn các hành vi như vậy, hay hình phạt nào sẽ áp dụng cho họ nếu các hành vi như vậy xảy ra.

HRW nhận định rằng Nghị định 147 “không đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ở nhiều khía cạnh”.

Chỉ riêng năm 2024, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất 36 người với các mức tù dài hạn vì các bài đăng hoặc livestream chỉ trích hành động hay chính sách của chính phủ.

Tất cả đều bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 hoặc “lợi dụng quyền tự do và dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Năm 2024, tổ chức Freedom House đã liệt kê Việt Nam là quốc gia không có tự do internet.

“Nghị định 147 mới của Việt Nam và các luật an ninh mạng khác không bảo vệ công chúng khỏi bất kỳ mối lo ngại thực sự nào về an ninh cũng như không tôn trọng các quyền cơ bản của con người,” Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, đánh giá.

“Vì cảnh sát Việt Nam coi bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề an ninh quốc gia, nên nghị định này sẽ mang đến cho họ thêm một công cụ nữa để đàn áp những người bất đồng chính kiến,” HRW cho hay trong thông cáo báo chí phát đi ngày 11/12.

 

Theo BBC (12.12.2024)

 

 

 

Luật sư Trần Đình Triển bị truy tố tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ

Luật sư Trần Đình Triển Bộ Công An

 

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố luật sư Trần Đình Triển – trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội – về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự có mức án tù từ 2-7 năm. Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 12/12.

Luật sư Trần Đình Triển (sinh năm 1959) là một người nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài viết về chính trị, xã hội, và ông cũng tham gia vào một số vụ án bảo vệ người nghèo trước đây.

Báo Nhà nước dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát gửi Toà án Nhân dân TP Hà Nội cáo buộc luật sư Trần Đình Triển vào ngày 3/2/2013 đã lập tài khoản Facebook mang tên Trần Đình Triển để đăng tải các bài viết chỉ trích hệ thống toà án ở Việt Nam.

Cụ thể, theo cáo trạng: “Trong quá trình hành nghề luật sư, bị can Trần Đình Triển nảy sinh bức xúc cá nhân, cho rằng ngành tòa án và việc điều hành của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao có những vấn đề chưa hợp lý. Do đó trong thời gian từ ngày 23-4-2024 đến ngày 9-5-2024, bị can đã soạn thảo, sử dụng ứng dụng Facebook cài đặt trên điện thoại di động cá nhân để đăng tải 3 bài viết trên trang Facebook “Trần Đình Triển”.

Cáo trạng dẫn kết luận giám định xác định, những thông tin đăng tải này của ông Triển “có nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống Tòa án nhân dân và cá nhân lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Việc này đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Vụ bắt giữ luật sư Trần Đình Triển xảy ra vào đầu tháng 6 vừa qua, đồng thời với việc bắt giữ nhà báo nổi tiếng Huy Đức (tên thật Trương Huy San). Thông tin bắt giữ hai người này được lan truyền rộng trên mạng xã hội trước khi Bộ Công an chính thức công bố việc bắt giữ hai người vào ngày 7/6. Cả hai đều cùng bị cáo buộc tội vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Vào ngày 8/7 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho báo chí biết việc khởi tố và bắt giam hai người được thực hiện hôm 1/6. Cả hai đều bị công an cáo buộc có hành vi “có nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống Tòa án nhân dân và cá nhân lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Việc này đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Hiện cả hai trang Facebook cá nhân của nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển đều không còn được tìm thấy trên Facebook.

 

RFA (12.12.2024)

 

 

 

Giới ngoại giao và đại diện LHQ tại Việt Nam cổ vũ giá trị nhân quyền

Các nhà ngoại giao Đức bên cạnh poster Ngày Nhân quyền Thế giới 10/12/2024. Photo German Embassy Hanoi.

 

Hôm 10/12, nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế, các cơ quan ngoại giao và đại diện Liên Hợp Quốc tại Hà Nội phát đi thông điệp đề cao các giá trị căn bản của con người, đồng thời chỉ ra rằng giới lãnh đạo Việt Nam cần phải có “ý chí chính trị” để thúc đẩy hợp tác quốc tế về nhân quyền.

“Nhân dịp Ngày Nhân quyền Quốc tế 2024, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam trong Chu kỳ thứ 4 của Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc”, Đại sứ quán Hoa Kỳ viết trong một bài đăng trên Facebook hôm 10/12.

“Chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam chấp nhận nhiều khuyến nghị từ UPR, bao gồm khuyến nghị hỗ trợ tổ chức phi chính phủ (NGO). Chúng tôi chung tay tiếp tục ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy các quyền phổ quát và phẩm giá cho tất cả mọi người”, cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ cho biết thêm.

“Vào Ngày Nhân quyền, Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định cam kết vững chắc của mình đối với sự tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ nhân quyền cho mọi người, ở mọi nơi”, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam dẫn tuyên bố của bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao về Đối ngoại/Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói.

“EU kiên định ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền, xã hội dân sự, nhà báo và nhân viên truyền thông cũng như tất cả những người kêu gọi hòa bình, sự thật, công lý và trách nhiệm giải trình”, bà Kallas nhấn mạnh.

“Mọi người đều có quyền được sống trong phẩm giá, không bị phân biệt đối xử và bạo lực. Nhân quyền còn bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chính phủ Đức nỗ lực bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam”, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức viết trên trang Facebook chính thức.

Trong khi đó Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đưa ra thông điệp ủng hộ các giá trị nhân quyền, bao gồm cả quyền bản địa, thiểu số, quyền tự do tôn giao, tín ngưỡng…

Cũng hôm 10/12, Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền và cho rằng việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế này là minh chứng cho sự phù hợp lâu dài của hợp tác nhân quyền quốc tế, UNDP cho biết trong một tuyên bố.

“Biến các cam kết thành hành động đòi hỏi ý chí chính trị, lộ trình rõ ràng và nguồn lực để hỗ trợ chúng. UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực này”, bà Sabina Stein, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nêu ra trong tuyên bố.

Tương tự, Điều phối viên thường trú LHQ (UN) tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, đề cao công lý và quyền tự do nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền.

“Trong Ngày Nhân quyền này, chúng ta hãy huy động quyết tâm mới để biến những cam kết này thành hành động cụ thể. Để đạt được tầm nhìn này đòi hỏi nỗ lực tập thể – các tổ chức chính phủ, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng và khu vực tư nhân, mỗi tổ chức đều có vai trò quan trọng”, bà Tamesis kêu gọi.

Ngoài ra, vị đại diện LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh rằng LHQ “luôn sát cánh” cùng Việt Nam trên hành trình duy trì và bảo vệ nhân quyền dưới mọi hình thức xã hội, văn hóa, kinh tế, dân sự và chính trị.

Truyền thông của nhà nước Việt Nam vào ngày 10/12 ca ngợi thành tích nhân quyền của nước này, lập luận rằng người dân được hưởng lợi từ những tiến bộ xã hội nhờ GDP bình quân đầu người đã tăng 25%, trong khi tỷ lệ nghèo đói giảm 1,5% mỗi năm. “Việt Nam đã có những hành động cụ thể để thực hiện quyền con người theo các công ước đã ký kết”, trang Vietnam News viết.

Đánh giá những nỗ lực nhân quyền của Việt Nam trong những năm qua, trang này dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”.

Từ trước đến nay, các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ các quốc gia phương Tây và các báo cáo viên đặc biệt của LHQ nhiều lần lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà nước cộng sản ở Việt Nam, nơi có hơn 220 người là những người bất đồng chính kiến, các blogger, các nhà báo độc lập đang bị giam cầm. Ở chiều ngược lại, phía Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc đó, bị Hà Nội xem là “vô căn cứ”, “thiếu thiện chí”…

Ngày 10/12/1948, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Kể từ đó, LHQ ấn định ngày này là Ngày Nhân quyền thế giới nhằm tôn trọng và bảo vệ các quyền con người.

 

VOA (11.12.2024)

 

 

 

Thủ tướng: Bảo vệ và giáo dục nhân quyền phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng

Thành viên của lực lượng an ninh Hà Nội đặt biển cấm quay phim, chụp hình gần Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày 18/5/2014 khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra AP/ Na Son Nguyen

 

Trong khi Thủ tướng khẳng định công tác về nhân quyền cần sự lãnh đạo của Đảng, các nhà hoạt động lại cho rằng điều này là không thể chấp nhận.

Trong Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người tổ chức vào sáng 11/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phát biểu cho rằng, bảo vệ và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân.

Một giảng viên đại học, người không muốn công khai danh tính vì lo ngại về an toàn, cho rằng quyền con người là phổ quát, do vậy việc giáo dục nhân quyền không thể đặt dưới sự lãnh đạo của bất cứ đảng nào, dù đảng cầm quyền. Người này lý giải:

Đây chính là một hình thức hạn chế quyền con người theo ý chí của đảng. Như vậy là sai trái, đi ngược lại sự phổ quát của quyền con người.”

Trong nhiều năm qua, khi quốc tế chỉ trích Việt Nam về hồ sơ nhân quyền tồi tệ, Chính phủ Việt Nam thường đưa các thành tích phát triển kinh tế để biện hộ. Trong hội nghị trên, ông Chính nói: “Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc, an ninh, an toàn, an dân.”

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga cho rằng dù nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng cao, nhưng đời sống tinh thần của người dân chìm trong ngột ngạt do lực lượng công an tăng cường xử phạt và đàn áp những tiếng nói bất đồng, bị cho là có hành vi chống phá.

Một giảng viên đã nghỉ hưu của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng nếu chính phủ thực lòng muốn bảo vệ và giáo dục quyền con người thì chế độ cần khẩn trương đưa vào chương trình giáo dục để mọi công dân đều nhận thức được các quyền con người phổ quát.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trong phúc trình hồi tháng 10/2024 cho biết Hà Nội đang cầm tù hơn 160 tù nhân chính trị chỉ vì thực thi các quyền con người cơ bản.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người bị kết án sáu năm tù vì các hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, nói rằng ông chỉ tin vào việc nhân quyền sẽ được bảo đảm tại Việt Nam khi mà có luật pháp cụ thể để bảo vệ nhân quyền, và những người thực thi nhân quyền không bị sách nhiễu hay bị bỏ tù.

Ông cho rằng đa số Đại biểu Quốc hội hiện nay là Đảng viên, đã và đang thông qua những đạo luật có những điều khoản bóp nghẹt nhân quyền.

 

RFA (12.12.2024)

 

 

 

 Chính phủ cam kết đối xử nhân đạo với ông Y Quynh Bdap khi dẫn độ về Việt Nam

Ông Y Quynh Bdap và văn bản phản hồi LHQ của Chính phủ Việt Nam ngày 08/11/2024  RFA edited

 

Chính phủ Việt Nam trong văn bản trả lời Liên Hiệp quốc (LHQ) đã trấn an lo ngại của cộng đồng quốc tế về khả năng nhà hoạt động người Êđê Y Quynh Bdap sẽ bị đối xử vô nhân đạo khi bị đưa về nước.

Thư gửi Các Thủ tục Đặc biệt về nhân quyền của LHQ đề ngày 08/11/2024 và mới được công bố hôm 9/12 viết:

Việt Nam cam kết đảm bảo các quyền của Y Quynh Bdap trong quá trình dẫn độ, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, với việc cấm tuyệt đối tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo.”

Trong phiên toà tháng 1 năm nay, ông Y Quynh bị kết tội “khủng bố” vắng mặt với mức án tù 10 năm. Căn cứ vào bản án này, chính phủ yêu cầu Thái Lan bắt giữ và trục xuất ông về nước.

Giữa tháng 6 vừa qua, ông bị cảnh sát Hoàng gia bắt giữ, và Toà án hình sự Bangkok đã ra quyết định cho phép dẫn độ ông về Việt Nam. Ông đã kháng cáo và hiện vẫn bị giam ở Thái Lan.

Ông Phil Robertson, Giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), cho rằng ở Việt Nam các nghi phạm hình sự thường xuyên bị đánh đập và tra tấn, chưa kể việc chính phủ đặc biệt tức giận với Y Quynh Bdap, người mà họ đổ lỗi về cuộc tấn công ở Đắk Lắk, vì vậy bất kỳ lời hứa nào họ đưa ra với Liên Hiệp Quốc chỉ là trên giấy.

Trong tin nhắn gửi RFA ngày 10/12, ông nói rằng Y Quynh Bdap là người tị nạn được LHQ công nhận và không nên tin vào lời nói suông của chính phủ Việt Nam và Thái Lan. Ông khẳng định:

“Hoàn toàn không an toàn cho ông khi trở về Việt Nam và trong mọi trường hợp, ông không nên bị trục xuất về nước.”

Ông Y Quynh Bdap, sinh năm 1992, thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ), đưa gia đình sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018.

Tuy nhiên, ông bị chính phủ cáo buộc tuyển dụng thành viên và phối hợp với các nhóm trong nước để tiến hành cuộc tấn công vào trụ sở UBND hai xã của huyện Cư Kuin giữa tháng 6/2023.

Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao vào ngày 17/10/2024, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng

khẳng định việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam là “phù hợp và nhằm bảo đảm mọi đối tượng phạm tội đều phải bị xử lý trước pháp luật.”

 

RFA (11.12.2024)

 

 

 

 

HRW kêu gọi Việt Nam hủy bỏ điều luật có hại cho Internet

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) hôm qua, 10/12/2024, đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ một nghị định mới siết chặt việc quản lý sử dụng mạng Internet và luật An ninh mạng 2018. Văn bản này, mà theo HRW có thể gây tác động tiêu cực đến quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Ảnh minh họa ứng dụng Zalo được sử dụng ở Việt Nam. AFP – NHAC NGUYEN

 

Thông cáo của HRW nhắc lại, vào tháng 11 vừa qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định 147, với mục đích kiểm soát việc cung cấp các dịch vụ và thông tin trực tuyến. Nghị định này mở rộng quyền kiểm soát của chính quyền đối với việc tiếp cận thông tin trên Internet, viện dẫn các lý do “mơ hồ” như “an ninh quốc gia”“trật tự xã hội” và ngăn ngừa những vi phạm về “đạo đức”“thuần phong mỹ tục” của Việt Nam. Theo HRW, chính quyền Việt Nam thường xuyên lợi dụng các lý do này để đàn áp những tiếng nói bất đồng.

Nghị định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu của người dùng và cung cấp các thông tin đó khi có yêu cầu từ chính quyền. Đồng thời, các nền tảng này cũng phải gỡ bỏ mọi nội dung mà chính quyền cho là “vi phạm pháp luật” trong vòng 24 giờ.

Bà Patricia Gossman, phó giám đốc ban châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết : “Nghị định 147 mới ban hành và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam không bảo vệ người dân trước những mối lo về an ninh mạng, mà còn không tôn trọng các quyền cơ bản của con người.”

Nghị định 147 còn yêu cầu “các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài” phải xác thực tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, điều này có thể khiến những người bất đồng chính kiến, vốn thường xuyên đăng tải những bài viết ẩn danh để tránh bị bắt giữ, dễ dàng bị lộ diện.

 

RFI (11.12.2024)