Mục lục
Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, cam kết đóng vai trò ‘tích cực, có trách nhiệm’
Hội đồng Nhân quyền LHQ tổ chức kỳ rà soát UPR đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Photo UN Web TV.
Chính quyền Việt Nam hôm 19/12 nhắc lại rằng họ muốn tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028, đồng thời hứa tiếp tục đóng vai trò “tích cực và có trách nhiệm” cho “nỗ lực chung” về nhân quyền. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án tình trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội ngày 19/12, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết rằng hôm 12/12 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tuyên bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028.
Bà Hằng ca ngợi những “nỗ lực mạnh mẽ và thành tựu nổi bật trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền” của Việt Nam khi nước này là thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, “với nhiều dấu ấn, sáng kiến với tinh thần: tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người trên 8 lĩnh vực ưu tiên, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, theo truyền thông trong nước.
Việt Nam cũng đã “tích cực hoàn thành” trách nhiệm thành viên, trong đó đã tham gia Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV và đón Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển vào thăm Việt Nam, vẫn lời bà Hằng.
“Tôi xin nhấn mạnh việc ứng cử của Việt Nam là khẳng định sự tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế”, Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời bà Hằng nhấn mạnh.
Ngoài ra, nữ phát ngôn viên còn bày tỏ sự tin tưởng rằng với “những thành công đã đạt được”, các nước sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam ứng cử vào nhiệm kỳ sắp tới.
“Chúng tôi cam kết sẽ phát huy vai trò tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của HĐNQ LHQ và bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền của mọi người dân trên toàn thế giới”, bà Hằng khẳng định.
Trước đó, hồi tháng 2/2024, truyền thông nhà nước đưa tin Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã tuyên bố ý định của Việt Nam muốn tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Bất chấp tuyên bố của các quan chức ngoại giao Việt Nam, nước này vẫn bị xếp hạng kém trong mọi bảng xếp hạng về quyền dân sự và chính trị, tự do báo chí và tự do ngôn luận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Hà Nội bác bỏ các báo cáo cho rằng họ vi phạm nhân quyền.
Trong một báo cáo công bố ngày 19/12/2024, tổ chức CIVICUS, một nhóm phi lợi nhuận theo dõi xã hội dân sự toàn cầu, đã xếp Việt Nam là một trong 8 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có không gian dân sự khép kín, nghĩa là nhà nước không tôn trọng các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, hội họp và lập hội.
Theo một báo cáo năm 2024 của Freedom House, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington, các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam bị “hạn chế chặt chẽ”, đồng thời chính quyền ngày càng trấn áp việc người dân sử dụng mạng xã hội và internet để thể hiện sự bất đồng chính kiến và chia sẻ thông tin không bị kiểm duyệt.
Đến nay, Việt Nam đã hai lần đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ đầu tiên 2014-2016 và nhiệm kỳ thứ hai 2023-2025.
Như tin đã đưa, trước cuộc bỏ phiếu ở nhiệm kỳ thứ hai, hàng loạt các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế, Article 19, Theo dõi Nhân quyền lên tiếng yêu cầu quốc gia cộng sản phải có những cải thiện đáng kể về tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ.
VOA (20.12.2024)
Nhà tài trợ quốc tế bị hối thúc xét lại việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng trong một cuộc tuần hành ở Sài Gòn, năm 2017. Handout / Hoang Vinh Nam / AFP
Liên minh nhân quyền trong sự phát triển (Coalition for Human Rights in Development) kêu gọi các chính phủ và các tổ chức tài trợ tài chính (DFI) xem xét lại việc hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thoả thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) sau khi Hà Nội bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường và khí hậu.
Liên minh của hơn 100 tổ chức phi chính phủ từ 50 quốc gia, đưa ra lời kêu gọi trên X ngày 16/12:
“…Chính phủ Việt Nam đã hình sự hóa các nhà lãnh đạo khí hậu với những cáo buộc sai trái.
Làm sao quá trình chuyển đổi năng lượng có thể công bằng, nếu các nhà lãnh đạo khí hậu đang bị bỏ tù?”
Liên minh trong báo cáo công bố ngày 22/11 nói kể từ giữa năm 2021, trong khi đàm phán và triển khai JETP với một số tổ chức tài trợ tài chính (DFI) và chính phủ, Hà Nội đã bắt giữ nhiều nhà lãnh đạo về môi trường và khí hậu với những cáo buộc mơ hồ.
Những người bị bắt bao gồm Đặng Đình Bách, Nguỵ Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, và Ngô Thị Tố Nhiên. Bà Nhiên bị kết án ba năm sáu tháng tù về tội “chiếm đoạt tài liệu” trong khi năm người còn lại bị kết án về tội “trốn thuế” với mức án đến năm năm tù.
Liên minh nói mặc dù JETP có bao gồm tham vấn dân sự và đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi của xã hội, nhưng Hà Nội đã nhắm vào những nhà hoạt động vận động chính sách xung quanh quá trình chuyển đổi công bằng, cổ suý loại bỏ dần than và mở rộng giải pháp năng lượng tái tạo.
Liên minh nhắc nhở các DFI vì “để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và bình đẳng, cần phải tham vấn thường xuyên, bao gồm với các phương tiện truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.”
Theo đó, việc giam giữ người hoạt động môi trường ở Việt Nam gửi đi một thông điệp khác, ngăn chặn mọi khả năng tham gia và phản biện các hoạt động của JETP mà các nhà tài trợ đang hỗ trợ, và việc thực hiện các cam kết về sự tham gia và tương tác của các bên liên quan là không khả thi.
Phóng viên RFA gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam và một số ngân hàng với đề nghị bình luận về phát biểu của liên minh, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bà Diane Wilson, khôi nguyên giải thưởng môi trường Goldman 2023, bày tỏ sự ủng hộ các nhà hoạt động môi trường Việt Nam trong tin nhắn gửi RFA ngày 19/12: “Là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường cơ sở tại Hoa Kỳ và là ngư dân thế hệ thứ tư tại vịnh Texas, tôi ủng hộ liên minh trong việc thúc giục các đối tác và nhà tài trợ quốc tế xem xét lại kế hoạch hỗ trợ chế độ cộng sản trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.”
Bà Thục Quyên, một nhà hoạt động về nhân quyền và môi trường người Đức gốc Việt, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần cải thiện hồ sơ nhân quyền, bảo vệ môi sinh và chống tham nhũng để có thể nhận được sự quan tâm và trợ giúp quốc tế. Bà nói trong tin nhắn gửi RFA:
“Việt Nam cần trả tự do cho Đặng Đình Bách và các nhà hoạt động môi trường khác, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu bảo vệ không gian dân sự, bảo vệ các quyền cơ bản của con người và tính minh bạch, tôn trọng sự giám sát độc lập.”
Trong báo cáo của mình, liên minh cho biết Việt Nam đã huy động được 2,75 tỷ đô la Mỹ dưới dạng các khoản vay ưu đãi, được giải ngân thông qua nhiều DFI khác nhau, bao gồm ADB, EIB, Ngân hàng Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) trong tổng số cam kết huy động 15,5 tỷ.
RFA (19.12.2024)
Dự án 88: Việt Nam lo cách mạng màu, tung ra Nghị định 126 để siết quyền lập hội
Trang bìa bài phân tích của Dự án 88 về Nghị định 126/2024 của Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam áp dụng từ cuối tháng 11 một nghị định có nhiều quy định siết chặt việc lập hội, và nghiêm trọng hơn là cho phép chính quyền đình chỉ, giải tán các hội, theo nghiên cứu mới nhất của một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ.
Dự án 88 (The 88 Project), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở bang Illinois, Mỹ, nhận xét trong thông cáo hôm 16/12 rằng quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong Nghị định 126/2024 “khiến việc thành lập hội trở nên khó khăn hơn” so với Nghị định 45/2010 trước đây.
Nghị định gây tranh cãi có hiệu lực từ ngày 26/11 “trao cho chính phủ nhiều quyền hơn trong việc kiểm soát và giám sát các hoạt động cũng như nguồn tài trợ của các hiệp hội khi họ được thành lập”, thông cáo viết tiếp.
“Đáng chú ý nhất là Nghị định 126 trao cho chính phủ quyền đình chỉ và giải thể các hiệp hội – một quyền mà trước đây chính phủ không có”, vẫn theo thông cáo của Dự án 88.
Dưới góc nhìn của tổ chức này, Nghị định 126 là nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các hội; ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam; và làm rõ vai trò của các hội trong hoạch định chính sách.
“Nghị định 126 trao cho chính phủ quyền tự do ngăn cản người dân thành lập các hiệp hội và ngăn chặn các hiệp hội hoạt động độc lập. Vì lý do này, nghị định này đi ngược lại hiến pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế”, Dự án 88 bình luận trong thông cáo.
Theo nghị định, công dân Việt Nam phải xin phép chính phủ để thành lập một hội. “Điều này có nghĩa là nếu ai đó muốn thành lập một nhóm trồng cây ở cộng đồng địa phương, họ sẽ phải tuân theo một quy trình đăng ký rắc rối và chờ đợi để chính quyền phê duyệt trước khi họ có thể làm như vậy. Nếu hội được chấp thuận, chính quyền địa phương được trao quyền để kiểm soát và giám sát các hoạt động của hội, và thậm chí đình chỉ hoặc giải thể nó mà không có sự giám sát hoặc qua quy trình pháp lý”, tổ chức ở Mỹ phân tích.
Thông cáo của Dự án 88 dẫn ra một công văn hồi tháng 10/2023 của Bộ Nội vụ trong đó nói rằng Bộ Công an muốn có thêm nhiều hạn chế hơn về lập hội. “Bộ Công an muốn loại bỏ mọi người có tiền án tham gia lập hội, giám sát và quản lý tài trợ nước ngoài cho các hội, và trao cho chính quyền nhiều quyền hơn”, thông cáo viết tiếp.
“Các lý do này vẽ nên một bức tranh hoang tưởng mà trong đó giới lãnh đạo muốn thắt chặt sự kiểm soát của họ đối với các hội trong nước”, Dự án 88 bình luận thêm.
“Những lo ngại của đảng cộng sản đối với một xã hội dân sự độc lập đã được biết đến lâu nay. Tại nhiều diễn đàn khác nhau, đảng đã bày tỏ quan ngại về khả năng một xã hội dân sự độc lập sẽ can thiệp vào hoạt động của đảng, các vấn đề nội bộ của đất nước, đặc biệt liên quan đến việc thiết lập chính sách của chính phủ”, tổ chức ở Mỹ nhìn nhận.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo nêu trên của Dự án 88, nhưng chưa được phản hồi.
“Tôi đọc rất kỹ nghị định 126, một nghị định được ban hành với những quy định, rào cản về pháp lý mà phải thỏa mãn những rào cản pháp lý đó thì một hội mới được phép thành lập. Những rào cản đó đặt ra hết sức khó khăn. Với những khó khăn đó thì đây không phải là luật cho phép thành lập hội mà là luật đặt ra để cấm việc thành lập hội”, luật sư Đặng Đình Mạnh ở Mỹ, nêu nhận định với VOA.
Theo giới quan sát, một trong những trở ngại cho việc hình thành hội theo Nghị định 126 là “Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội”. Đây là điểm mới so với Nghị định năm 2010 và là yếu tố gây khó khăn cho các tổ chức dân sự hướng đến các hoạt động cộng đồng.
“Việc nhà cầm quyền Việt Nam đặt ra nghị định về việc lập hội, cũng như các quyền khác nói chung, thì đó chỉ là quyền trên giấy. Vì trên thực tế việc thực thi các quyền này chỉ là con số không”, ông JB Nguyễn Hữu Vinh ở bang Illinois, Mỹ, chia sẻ quan điểm với VOA.
Ông Vinh là Phó Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một hội nghề nghiệp bị chính quyền Việt Nam xếp vào diện bất hợp pháp và có đến ba thành viên của hội là các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đang bị chính quyền giam cầm với án tù từ 11 đến 15 năm mỗi người.
“Cách đây 10 năm khi anh Phạm Chí Dũng chưa bị bắt, khi Liên hiệp châu Âu (EU) ký hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) thì phía Việt Nam cam kết rằng công nhân được lập công đoàn độc lập, nhưng cái quyền này có được thực hiện trong thực tế hay không? Chúng ta phải hiểu một điều rằng khi chế độ độc tài còn tồn tại thì tất cả mọi cơ chế, hội nhóm đó, và các văn bản liên quan đều phục vụ cho lợi ích của Đảng Cộng sản độc tài”, ông Nguyễn Hữu Vinh đưa ra dẫn chứng về quyền lập hội bị chính quyền kiểm sát chặt ở Việt Nam.
Trao đổi với chương trình Hội luận VOA Tiếng Việt vào tháng 10/2024, tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội cho biết rằng một nghị định về việc thành lập hội được nhiều người chờ đợi từ hơn 10 năm qua, tuy nhiên, ông không thấy điểm gì khả quan trong Nghị định 126 đối với xã hội dân sự.
“Họ vẫn muốn trói xã hội dân sự càng chặt càng tốt. Và như vậy là làm ngược sự phát triển của đời sống bình thường”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định. “Họ nêu ra những quy định rất chặt chẽ: nào là phải vận động bao nhiêu người, bao nhiêu tháng, đưa lý lịch lên cho họ duyệt… Vẫn chưa có sự cởi mở và sự hiểu đúng mức về tầm quan trọng của các hoạt động xã hội dân sự”.
Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội theo quy định và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội đó, theo truyền thông trong nước.
Chính quyền cho hay rằng Nghị định 126 áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Nhưng nghị định này sẽ không áp dụng với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.
Giới quan sát cho rằng việc ban hành và áp dụng nghị định này là đi ngược lại hiến pháp của chính nhà nước Việt Nam và các công ước nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.
“Việc ban hành một nghị định về việc thành lập hội như vậy chỉ là một bước để đối phó với quốc tế”, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định. “Sau khi nhận được các chỉ trích của quốc tế về việc Việt Nam không tôn trọng các cam kết của mình thì họ đã ra văn bản này. Tôi cho rằng văn bản mang tính đối phó với quốc tế, chứ không phải từ thực tâm của chính quyền là muốn việc lập hội thực sự là một quyền tự do”.
Quy định trên có nghĩa là Nghị định 126 không liên quan đến Điều 170 của Bộ luật Lao động 2019 về “quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” mà 4 năm qua các tổ chức quốc tế chờ đợi theo EVFTA và hiện vẫn bị giới quan sát xem là “giậm chân tại chỗ”.
Viết cho VOA, luật sư Lê Quốc Quân ở Mỹ chỉ ra rằng Nghị định 126 là “một văn bản hết sức tệ hại” trong việc xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam.
“Những tổ chức như Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ, hay Hội Nạn nhân Formosa… sẽ rất khó có cơ hội đáp ứng được các điều kiện ghi trong nghị định mới này”, Luật sư Quân nhận định. “Các hội đó cũng có thể ‘bị giải thể’ bất cứ lúc nào nếu như nhà nước cho rằng vi phạm Điều 24, là ‘Làm phương hại đến an ninh quốc qia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mĩ tục…’”.
VOA (19.12.2024)
Việt Nam trên bờ vực vào Danh sách các Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) của Mỹ
Người dân Hà Tĩnh bao quanh sư Minh Tuệ vào ngày 17/5/2024, đến đầu tháng 6, đoàn bộ hành của ông bị đàn áp và giải tán ở Huế AFP
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định có đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) hay không trong hai tuần nữa, quốc gia nào có trong danh sách này có khả năng bị Mỹ hạn chế thương mại hoặc viện trợ nước ngoài.
Tuần trước, Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đã chính thức khuyến nghị Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam vào danh sách CPC, sau hai năm liên tiếp bị đưa vào Danh sách Quan tâm Đặc biệt (Special Watch List- SWL) nhưng không cải thiện việc đàn áp tự do tôn giáo.
Ngày 16/12, tổ chức Ủy ban Cứu người vượt biển (BPSOS) kêu gọi toàn thể người Mỹ gốc Việt vận động giới chức địa phương và liên bang thúc giục Bộ Ngoại giao đưa ra quyết định đúng đắn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của BPSOS cho biết đây là thời điểm quan trọng để người gốc Việt ở Hoa Kỳ đồng loạt lên tiếng yểm trợ khuyến nghị này. Ông nói với RFA qua điện thoại hôm 19/12:
“Tôi kỳ vọng rất lớn (ở lần này), vì theo luật của Mỹ, một quốc gia mấp mé Các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt phải đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt.
Việt Nam đã vào danh sách Theo dõi Đặc biệt năm ngoái và năm nay (2023 và 2024), và theo luật nếu như một năm ở trong Danh sách Theo dõi đặc biệt mà không cải thiện thì sẽ bị đưa xuống CPC.”
Theo ông Thắng, chính quyền của Tổng thống Biden đã đặc miễn cho Việt Nam một lần và nếu không có sự quan tâm của Quốc hội Mỹ thì ông Biden có thể tiếp tục tạm tha cho quốc gia độc đảng thêm lần này nữa.
Một quốc gia bị xếp vào danh sách CPC có thể lãnh nhận những hậu quả khác nhau, từ nhẹ như dừng trao đổi văn hóa hay gửi thư lên án, đến nặng hơn như Chính phủ Mỹ không được viện trợ cho nước đó (trừ các viện trợ nhân đạo) hay yêu cầu các định chế tài chính quốc tế không được cho nước trong CPC vay tiền.
Cũng theo Chủ tịch BPSOS, chính các thủ phạm là quan chức vi phạm tự do tôn giáo và gia đình họ cũng có thể bị chế tài, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.
Ông Y Phic Hdok, đồng sáng lập viên tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) cho biết tổ chức của ông thu thập các vi phạm quyền tự do tôn giáo đối với các nhóm Tin Lành không đăng ký ở Tây Nguyên và gửi cho nhiều dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, đề nghị họ viết thư cho Ngoại trưởng Antony Bliken.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và USCIRF với đề nghị bình luận về lời kêu gọi đưa Việt Nam vào CPC, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Chúng tôi cũng gửi email cho Bộ trưởng Ngoại giao được đề cử Marco Rubio để hỏi quan điểm của ông về vấn đề này tuy nhiên chưa nhận được trả lời.
RFA (19.12.2024)
Facebook siết chặt kiểm duyệt bài đăng chỉ trích Chính phủ ở Việt Nam, tăng gấp rưỡi trong 6 tháng đầu năm
Nhà hoạt động Việt Dũng cầm điện thoại có màn hình hiển thị bức thư ngỏ gửi tới giám đốc Facebook Mark Zuckerberg tại Hà Nội vào ngày 10/4/2018, nêu rõ công ty của ông có thể đang thông đồng với chính quyền cộng sản để xóa bỏ bất đồng chính kiến trực tuyến AFP
Ngày 12/12, ông Hoàng Hùng, một người gốc Việt ở Cộng hoà Séc, đăng bài viết trên Facebook với tựa đề “Quan chức Việt Nam quấy rối tình dục ở New Zealand?”
Một ngày sau, ông nhận được thông báo của Facebook nói rằng bài viết không được hiển thị ở Việt Nam vì “Chúng tôi nhận được yêu cầu từ Vietnam Ministry of Public Security (Bộ Công an- PV) đề nghị hạn chế khả năng tiếp cận bài viết của bạn.”
Nói với RFA trong ngày 17/12, ông cho rằng việc chặn bài viết xuất hiện ở Việt Nam không chỉ xảy ra một lần, và việc này ảnh hưởng đến quyền tự do thông tin của người dân trong nước:
“Việc chặn này ảnh hưởng đến người trong nước. Tất cả những thông tin nào mà chính quyền cho rằng không có lợi hoặc bất lợi cho chính quyền thì họ sẽ chặn.”
Hạn chế bài viết ở Việt Nam vì vi phạm luật pháp địa phương
Báo cáo minh bạch của Meta (công ty mẹ của Facebook) trong nửa đầu năm 2024 cho biết, mạng xã hội Facebook đã hạn chế quyền truy cập đối với người dùng tại Việt Nam đối với hơn 3.200 mục theo báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (ABEI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) và Bộ Công an (MPS) vì bị cáo buộc vi phạm luật pháp địa phương về việc cung cấp thông tin xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm danh tiếng của một tổ chức hoặc danh dự và nhân phẩm của một cá nhân theo Điều 5.1(d) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, Meta chỉ hạn chế 198 bài viết. Con số này tăng lên hơn 3 nghìn bài năm 2020, hơn 4,8 ngàn năm 2023 và chỉ nửa đầu năm nay đạt con số 3,28 ngàn.
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, người từng bị Facebook xoá nhiều bài viết vì những lý do theo ông là “rất vô lý”, cho rằng Facebook đang xâm phạm một cách tùy tiện và bừa bãi vào quyền tự do ngôn luận của người dùng tại Hoa Kỳ. Trong tin nhắn gửi RFA, ông viết:
“Tôi nghĩ rằng Chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm quyền hành pháp và lập pháp phải cần biết điều này để sớm có biện pháp bảo vệ các quyền tự do đang nghiễm nhiên bị xâm phạm.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Thông tin & Truyền thông cũng như hai công ty Meta với đề nghị bình luận về cáo buộc vi phạm quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin khi chặn và xoá bài viết, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bên cạnh đó, một ông lớn công nghệ khác của Mỹ là Google cũng xóa video, hạn chế tiếp cận các video từ người dùng Việt Nam có nội dung chỉ trích chính phủ.
Từ 2011 đến giữa năm 2024, Chính phủ đã gửi tổng cộng 2.776 yêu cầu gỡ bỏ 83.129 video/bài viết trên các nền tảng của Google (Youtube, Google Map, Google Play Apps, Blogger).
RFA (17.12.2024)
Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi trả tự do cho Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang
Thượng nghị sĩ Dick Durbin kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, ngày 10/12/2024.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Dick Durbin vừa kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị trên toàn thế giới, trong đó có Phạm Đoan Trang và Phạm Chí Dũng, hai nhà báo độc lập đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm vì những bài viết của họ.
“Tôi muốn tập trung vào Việt Nam, quốc gia mà Hoa Kỳ vừa xây dựng [mối quan hệ] cực kỳ tốt đẹp trong những năm gần đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đứng cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới – vào năm 2024, xếp thứ 174/180”, Thượng nghị sĩ Dick Durbin phát biểu ngày 10/12 tại Thượng viện Mỹ.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, với quá nhiều nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, giam cầm và nhà tù khắc nghiệt qua những bản án theo cái gọi là điều luật ‘tuyên truyền chống nhà nước’”, vẫn Thượng nghị sĩ Durbin đại diện cho bang Illinois phát biểu, đồng thời đưa ra chân dung của hai nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù là ông Phạm Chí Dũng và bà Phạm Đoan Trang.
“Ông Phạm Chí Dũng, một trong những cộng tác viên nổi tiếng nhất của Ban tiếng Việt, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), người đã bị kết án 15 năm tù vào năm 2021”, vị thượng nghị sĩ nói.
Ông Durbin khen ngợi bà Phạm Đoan Trang, người được coi là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật nhất ở Việt Nam. Ông nói rằng đến nay bà Trang đã phải thụ án 4 năm trong bản án 9 năm tù vì “tội danh không rõ ràng”, theo thông cáo ngày 11/12 của văn phòng Thượng nghị sĩ Durbin.
“Ngay trong năm nay, bà ấy [Phạm Đoan Trang] đã được trao Giải thưởng Tự do Sáng tác Barbey của Văn Bút Mỹ, thêm vào danh sách vốn đã rất nhiều giải thưởng mà bà nhận được từ một số chính phủ và các nhóm tự do báo chí”, ông Durbin nói.
“Vào năm 2020, ngay trước khi bị bắt, bà ấy đã viết rất cảm động: ‘Tôi không cần tự do cho riêng mình, nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn là tự do dân chủ cho Việt Nam’. Rất dũng cảm. Tôi đã thấy điều tương tự ở rất nhiều tù nhân chính trị khác trên khắp thế giới”, ông Durbin phát biểu.
Trong bài phát biểu tại Thượng viện, thượng nghị sĩ này cũng nêu bật hoàn cảnh khó khăn của các tù nhân chính trị ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Eritrea, Tajikistan, và A rập Xê út, và kêu gọi thả họ ngay lập tức và vô điều kiện.
“Tôi xin nhắc rằng những cá nhân dũng cảm này ở Eritrea, A rập Xê út, Tajikistan và Việt Nam, các bạn không bị lãng quên. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để đảm bảo các bạn được an toàn, được tự do, cũng như nêu tên của các bạn ra toàn thế giới”.
Tương tự, Thượng nghị sĩ Peter Welch đại diện cho bang Vermont cũng vận động trả tự do cho các tù nhân chính trị trên khắp thế giới.
Hai ông đồng thanh kêu gọi sự hợp tác lưỡng đảng để bảo đảm việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm đang bị giam cầm chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa.
“Chỉ vì các cá nhân này bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa ủng hộ dân chủ, ủng hộ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác mà bắt giữ và bỏ tù họ tùy tiện là điều thật đáng ghê tởm. Những người này bị khép vào đủ các loại cáo buộc bịa đặt và đó thực sự là việc sử dụng quyền lực của một nhà nước để đàn áp những người chỉ trích nhà nước đó”, ông Welch nhấn mạnh, theo bản ghi bài phát biểu của ông trên trang web.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị đưa ra bình luận về các phát biểu và lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là cộng tác viên của đài VOA, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào năm 2019 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
“Việc bắt anh Phạm Chí Dũng vì những bài báo và các hoạt động của anh … là điều hết sức vô lý. Đó là những bài báo viết về những suy nghĩ, trăn trở của một người có tâm huyết cho đất nước, tổ quốc”, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh ở bang Illinois, Phó Chủ tịch IJAVN, chia sẻ với VOA.
Ông Phạm Chí Dũng hiện đang thụ án 15 năm tù trong khi hai thành viên khác của hội IJAVN là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đang thụ án 11 năm tù mỗi người với cùng tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Tất cả ba ông đều bị quản chế 3 năm sau khi mãn án tù.
Cũng với tội danh như trên, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10/2020, và sau đó bị tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã đưa ra kết luận là việc bắt giam và xét xử ông Phạm Chí Dũng, các thành viên của IJAVN và bà Phạm Đoan Trang là “tùy tiện”, và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền. Hà Nội khăng khăng rằng các quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt được tôn trọng tại quốc gia cộng sản, nơi mà các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng có hơn 120 nhà báo, blogger đang bị giam cầm vì các bài viết của họ.
Trả lời thư chất vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ về việc bắt giữ tùy tiện đối với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, chính quyền Việt Nam vào năm ngoái đưa ra quan điểm: “Phạm Thị Đoan Trang không phải là nhà báo, và đã bị xét xử vì các hoạt động bất hợp pháp nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần, chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí của mình”.
VOA (18.12.2024)
USCIRF vô cùng quan ngại về sự đàn áp ‘leo thang’ ở Việt Nam
Trang Facebook của USCIRF trích đăng phát biểu về tự do tôn giáo Việt Nam hôm 12/12/2024.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vừa bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo độc lập – bao gồm nhóm Phật giáo Khmer Krom, Tin lành người Thượng, Cao Đài Chơn truyền và nhiều tín đồ khác. Đồng thời, ủy ban này đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt (CPC).
“USCIRF lên án việc chính phủ Việt Nam gần đây nhắm mục tiêu vào các cộng đồng tôn giáo độc lập. Nhà chức trách đã kết án 5 nhà sư Phật giáo Khmer Krom với mức án từ 2 đến 6 năm tù, ngăn cản việc thờ phụng và tang lễ của các tín đồ Cao Đài độc lập, đồng thời tiếp tục cưỡng ép người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên phải từ bỏ đức tin của họ”, Chủ tịch USCIRF Stephen Schneck lên tiếng trong tuyên bố hôm 12/12.
USCIRF là cơ quan độc lập, lưỡng đảng tư vấn cho Quốc hội, Ngoại trưởng và Tổng thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại liên quan tự do tôn giáo.
“Hành vi này không phù hợp với tư cách của Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến đáng báo động này với sự quan ngại sâu sắc”, Chủ tịch Schneck nhấn mạnh.
Trong cùng tuyên bố, Ủy viên USCIRF Meir Soloveichik đưa ra lời kêu gọi: “Trước tình trạng xấu đi này, chính phủ Hoa Kỳ nên tăng cường nỗ lực gây sức ép để chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân tôn giáo và thực hiện những cải thiện cụ thể đối với các điều kiện tự do tôn giáo, bao gồm cả việc sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018 và nghị định thi hành”.
“Chúng tôi cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào diện ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ (CPC), theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, như USCIRF đã khuyến nghị trong báo cáo thường niên năm 2024 của chúng tôi”, vẫn lời ông Soloveichik.
VOA đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố trên của USCIRF, nhưng chưa được trả lời.
Giới hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với lời kêu gọi của USCIRF.
Mục sư A Ga ở bang North Carolina, Mỹ, thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một tổ chức bị chính quyền cấm hoạt động tại Việt Nam, chia sẻ quan điểm của ông với VOA:
“Đối với tình trạng của Việt Nam hiện nay khi việc bắt bớ, đàn áp ngày càng gia tăng, đặc biệt đối với những người theo hội thánh độc lập tư gia. Tôi nghĩ việc đưa chính quyền Việt Nam vào danh sách CPC là điều rất đúng đắn”.
Tương tự, ông Trần Manrinh ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, một thành viên của Liên đoàn Khmer Krom (KKF), là tổ chức bảo vệ quyền tự do của người Khmer Krom bản địa, bày tỏ sự đồng tình.
“Việt Nam rất đáng bị đưa vào CPC vì mọi tôn giáo đều nằm dưới sự quản lý của nhà nước”, ông Manrinh nói.
“Ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”, ông Manrinh nói thêm. “Nếu ai không chấp nhận nằm dưới sự quản lý của nhà nước thì sẽ bị làm khó làm dễ và cuối cùng là bị tù đày”.
Như tin đã đưa, một phiên tòa ở Vĩnh Long vào ngày 26/11 tuyên phạt nhà sư Thạch Chanh Đa Ra 6 năm tù, nhà sư Dương Khải 5 năm 9 tháng tù, với hai tội danh “Lợi dụng các quyền tự do”, quy định tại Điều 331 của Bộ luật Hình sự và tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, các nhà sư Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp, mỗi người bị tuyên 2 năm tù với tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Vào tháng 9/2024, USCIRF công bố một phúc trình về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, trong đó cho rằng các tổ chức tôn giáo do nhà nước dựng lên và được họ sử dụng như công cụ điều khiển, đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Báo cáo nói rằng chính quyền bắt bớ các chư tăng và Phật tử Khmer Krom phải quy phục và chấp nhận sự kiểm soát của tổ chức tôn giáo được nhà nước hậu thuẫn là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Những báo cáo mới đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) không phản ánh đúng thực tiễn tại Việt Nam mà chỉ làm tăng thêm sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong lĩnh vực tín ngưỡng-tôn giáo”, một bài xã luận của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hôm 13/12 viết.
Bài báo của TTXVN cho rằng việc USCIRF nêu trường hợp phạt tù ông Thạch Chanh Đa Ra hồi tháng 11 ở Vĩnh Long và “báo động” về “sự thụt lùi của tự do tôn giáo ở Việt Nam” gần đây là “những đánh giá phiến diện”, do đã “dẫn những thông tin bịa đặt, vu cáo, sai sự thật để xuyên tạc về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Cơ quan truyền thông của nhà nước cộng sản đưa lập luận: “Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới đều phải có luật pháp để duy trì trật tự xã hội. Vì vậy những đối tượng cố tình lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đều bị pháp luật Việt Nam xử lý nghiêm minh”.
Kể từ năm 2002 đến nay, USCIRF liên tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là CPC, vì những hành vi vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, đang diễn ra và nghiêm trọng.
Vào năm 2022 và 2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì cho rằng Hà Nội tham gia hoặc dung túng cho những “hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”. Ngay sau đó, chính quyền Việt Nam lên tiếng phản đối việc việc chỉ định này của Washington.
Dự kiến vào cuối năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ công bố chỉ định CPC và SWL cho năm 2024.
VOA (17.12.2024)
Theo dõi chặt chẽ các hành vi tấn công tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam
BPSOS đang kêu gọi tiếp tay đưa Việt Nam vào danh sách CPC (Countries of Particular Concern, tức Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo), cần hành động trong tuần này.
Chúng tôi xin đăng lại một bài viết từ trang Facebook BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam.
BPSOS đang phối hợp cùng với Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) theo dõi chặt chẽ mọi hành vi của chính quyền Việt Nam đối xử với những tôn giáo độc lập. Đây là các hoạt động cần thiết trong bối cảnh Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sắp công bố những danh sách xếp hạng các quốc gia trên thế giới về tình trạng tự do tôn giáo.
Ghi nhận và theo dõi tại các tỉnh Tây Nguyên là các hành động của chính quyền Việt Nam đang tăng cường bố ráp những cộng đồng tôn giáo độc lập và các nhà truyền đạo không chấp nhận tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam). Tin mới nhất, vào ngày 1 tháng 12 năm 2024, một vị truyền đạo ở Đắk Lắk vừa bị hai kẻ lạ mặt đi xe máy dùng súng bắn đạn cao su vào đầu gối. Mục đích của những hành vi này là nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi cho các cộng đồng tôn giáo để họ không dám thực hiện các hoạt động biểu dương Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm nay. Song song với hành động này, chính quyền Việt Nam tiếp tục thúc đẩy Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) thực hiện chiến dịch đấu tố và bôi nhọ bất cứ nhà truyền đạo và tín đồ nào không tham gia vào tổ chức của họ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) đã và đang tự chứng minh cho kết luận của USCIRF rằng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) là một tổ chức ngụy tôn giáo, là một tổ chức tự biến mình thành tay sai cho chính quyền Việt Nam tấn công các tổ chức tôn giáo độc lập.
Với cộng đồng người Cao Đài Chơn Truyền 1926, BPSOS đang theo dõi sát các diễn biến của vụ cướp của do một nhóm côn đồ sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo tội phạm có tên Chi Phái Cao Đài 1997 tấn công vào một đám tang của một gia đình theo đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 ở Xã Trường Hòa, Thị Xã Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh. Trong vụ việc này, để thực hiện mục tiêu tấn công tôn giáo, nhóm côn đồ đã đánh người, phá đám tang và cướp các nhạc cụ phục vụ tang lễ. Một tờ đơn tố giác tội phạm của các đồng đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã được gửi tới Viện Kiểm Sát và chính quyền Thị Xã Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh để đo lường xem họ sẽ xử lý ra sao khi tổ chức tội phạm Chi Phái Cao Đài 1997 chính là con đẻ của chính họ dùng để tấn công người Cao Đài Chơn Truyền 1926.
Hướng về Tỉnh Vĩnh Long, BPSOS và nhóm các nhà hoạt động nhân quyền người Khmer Krom sống tại nước ngoài tiếp tục theo dõi, đánh giá vụ việc chính quyền tỉnh này bắt bỏ tù chín nhà sư và phật tử sinh hoạt ở Chùa Đại Thọ. Vụ việc này một lần nữa cần được báo động về sự lộng hành của tổ chức tôn giáo tay sai cho chính quyền Việt Nam đó Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Từ một ngôi chùa của cộng đồng người Khmer Krom nhưng bằng những thủ đoạn mua chuộc, lừa mị và lôi kéo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã biến ngôi chùa đó thành tài sản của mình. Từ đó, họ kích động, đẩy những nhà sư và phật tử thuần thành vào thế phải có các hành động chống trả lại họ để tạo cớ cho chính quyền Việt Nam tống các nhà sư và phật tử vào tù với tổng thời gian giam cầm lên tới 28 năm 3 tháng.
Các dữ liệu theo dõi này sẽ được cập nhật ngay cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để có căn cứ xem xét quyết định khả năng phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC vào ngay trong năm nay hoặc trong năm tới.
BPSOS
Machsongmedia.org (17.12.2024)