Điệp Mỹ Linh (Tạp ghi)
Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển sang email. Mở email, không nhận ra được tên người gửi, nhưng tôi lại mỉm cười khi thấy dòng chữ: “Chị Điệp Mỹ Linh, không nhớ tôi đọc đâu đó mà tôi biết hồi xưa chị đã hát bài Tình Quê Hương trong ngày Khai Mạc Đài Phát Thanh Nha Trang. Bữa nay thấy youtube này do Thế Sơn hát, hay quá, tôi chuyển đến chị để chị nghe nè! Chị nhớ, nghe để nhớ chớ hỏng phải nghe để buồn, nhen!”
Tôi ngẩn ngơ, không thể đoán được tác giả những dòng chữ dễ thương này là ai! Chợt nghĩ, sẽ nhờ con tôi tìm sau, bây giờ tôi phải nghe bài “ruột” của tôi.
Sau khi “bấm” vào youtube, nhạc dạo phân đoạn đầu rồi tiếng hát nồng nàn của Thế Sơn đưa tôi trở về khung trời cũ:
“Anh về qua xóm nhỏ.
Em chờ dưới bóng dừa…”
Vừa nghe đến đây, tôi lặng người, cảm nhận được bao thương nhớ từ đâu “ùa” về, phủ ngập cả hồn tôi! Để nén niềm xúc động, tôi quay sang khung cửa sổ trên lầu.
Nhìn ánh nắng mong manh của một chiều cuối Đông, bên ngoài cửa sổ, trong khu vực rất yên tĩnh, không hiểu tại sao tôi lại tưởng như tôi đang ngồi cạnh Minh – cựu Hải Quân trung tá và cũng là Bố của các con tôi – bên khung cửa kính của chiếc Boeing đồ sộ, vào năm 1998, để trở về Việt Nam thăm Bà Cụ của Minh đang bị bệnh!
Trên chuyến trở về Việt Nam năm 1998, thấy mặt nước xanh thẫm của đại dương, tôi cứ thở dài và cố tìm trong ký ức buồn thảm hình ảnh của Hạm Đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cùng hơn 30 ngàn quân/dân VNCH – ngày 30 tháng Tư năm 1975 – lênh đênh trong chuyến hải hành vô định để lìa xa Quê Mẹ thân yêu!
Có lẽ cũng cùng tâm trạng với tôi, Minh thì thầm từ bên trái của tôi:
-Đừng buồn nữa, tới hải phận Việt Nam rồi đó, “cô nương”!
Tôi im lặng, đưa tay quẹt nước mắt! Lại tiếng của Minh:
-Nhìn bên phải đi, vịnh Cam Ranh kìa!
Tôi chưa kịp xác định rằng tôi đã thấy đảo Bình Ba – trong vịnh Cam Ranh, nơi Minh từng chỉ huy Duyên Đoàn 26 – tiếng Minh bất ngờ “dáng” vào niềm đau bất tận của tôi:
-Vịnh Phan Rang kìa! Nhớ chuyến hải hành của em trên HQ 505 của Nhượng không?
Làm sao quên được! Tôi lại quẹt nước mắt! 23 năm trước (năm 1975), trong vịnh Phan Rang, nước mắt của tôi đã nhạt nhòa khi Hạm Trưởng Nhượng cho biết: Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh – Tư Lệnh Hải Quân vùng II Duyên Hải, kiêm Tổng Trấn Qui Nhơn, kiêm Tư Lệnh Chiến Trường Bình Định, đang hiện diện trên Tuần Dương Hạm (WHEC: White High Endurance Cutter) Trần Nhật Duật, HQ 3, trong vịnh Phan Rang – không cho Dương Vận Hạm (LST: Landing Ship Tank) HQ 505 vào bờ; vì Cam Ranh đã bị “bỏ ngõ” (2)! Thế là kỳ vọng về Cam Ranh cứu Cha Mẹ và đàn em của tôi bất thành!
23 năm sau, 1998, từ Hoa Kỳ về đến Saigon, sau khi thăm Bà Nội của các con tôi, Minh và tôi phải đi bằng tàu bay từ Saigon đến Nha Trang; rồi từ Nha Trang đi xe đò ngược vào Cam Ranh; vì, trước 30/04/1975, Ba tôi – Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – là Phó Thị Trưởng Nội An thị xã Cam Ranh kiêm giáo sư Pháp văn các lớp đệ nhị cấp trường Trung Học công lập Cam Ranh, cho nên, đại gia đình của tôi vẫn còn ở Cam Ranh.
Xe đò vừa qua khỏi Thành, tôi chỉ thấy sự tiêu điều toàn diện! Quang cảnh tiêu điều dọc quốc lộ I chẳng khác chi thời Ba tôi theo kháng chiến chống Tây. Thời điểm đó, Việt Minh – tiền thân của cộng sản Việt Nam (csVN) – thi hành chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” và “Bần cùng hóa nhân dân”!
Không hiểu tại sao, trong khi ngoại cảnh thê lương làm nước mắt của tôi nhạt nhòa thì trong hồn tôi tiếng hát xưa lại vọng về:
“Nơi đây tang thương buông bức màn thê lương
Quê hương còn đó nhưng người còn đâu?
Vì đâu thôn làng thành chốn nương hoang?
Cớ sao bao cánh chim xa tổ ấm?…” (1)
Minh lấy “kleenex” trao cho tôi. Tôi nhìn Minh, thấy mắt Minh ửng đỏ/sũng nước và nét mặt của Minh “đanh” lại như những lần Minh tham dự đám tang của thuộc cấp, trong thời binh lửa!
Đến Cam Ranh, Minh và tôi hỏi thăm và được người hướng dẫn đến Nghĩa Trang của “gia đình họ Nguyễn”; danh từ này do người tại Ba Ngòi đã tự ý đặt cho nơi an nghỉ nghìn thu của Ba Má/các em tôi. Hai em Trúc Uyên và Mai Trâm đã tự kết liễu cuộc sống vì không thể chịu được sự cơ cực tại kinh tế mới Xuân Hưng, sau khi csVN cưỡng chiếm tài sản/nhốt Ba và các em trai của tôi vào trại “cải tao”!
Viết đến đây, tôi tự hỏi: Nếu người csVN “hãnh tiến?” vì người csVN đã cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng Tư 1975 thì người csVN phải trả lời như thế nào trước lịch sử Việt Nam và công luận quốc tế về những sự kiện người Việt, cả miền Nam lẫn miền Bắc – chỉ còn hơn 04 tháng nữa là đúng nửa thế kỹ kể từ ngày csVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam – cũng vẫn tiếp tục rời khỏi Việt Nam, dưới mọi hình thức/mọi điều kiện?
Thời gian cuối thập niên 70 của thế kỷ thứ XX, người Việt vượt thoát chế độ csVN bằng đường biển được gọi là Thuyền Nhân.
Thời gian gần đây, sau khi 39 người Việt bị chết tại Anh, trong chiếc xe đông lạnh, người Việt vượt thoát chế độ csVN bằng xe được gọi là “Thùng” Nhân.
Còn phụ nữ Việt Nam xuất cảnh để làm điếm, thanh niên Việt Nam xuất cảnh để làm “cu ly” và ăn cắp tại “nước ngoài” thì được gọi là gì?
Với tuổi đời hơn ¾ thế kỷ và trải qua nhiều biến cố chính trị đau thương trên quê hương Việt Nam, chưa bao giờ tôi cảm thấy tự ái dân tộc trong tôi bị tổn thương nặng nề như sau khi người csVN bắt đầu giao tiếp với thế giới Tự Do!
Thật vậy! Từ sự “nhố nhăng”/nịnh bợ “kẻ thù xưa” của ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông Nguyễn Xuân Phúc “xum xoe”/“ve vuốt” Tổng Thống Trump – trong khi Tổng Thống Trump khoanh hai tay, nghênh mặt, trông rất “hách” – đến Tướng Tô Lâm “há mõm” “đớp” miếng thịt “dát vàng”!…
Gần đây, tôi thấy trên BBC tiếng Việt, tựa bài: “Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục trong chuyến thăm Chile.”
Thân bài “12 tháng 11 2024 Tòa án tại Chile đã ra phán quyết vào thứ Hai rằng một thành viên trong phái đoàn của Chủ tịch nước Lương Cường, người vừa có chuyến thăm chính thức tới quốc gia Nam Mỹ này, phải rời khỏi Chile và không được phép nhập cảnh trở lại trong ít nhất hai năm sau khi bị cáo buộc lạm dụng tình dục.
Bộ Ngoại giao Chile hôm 11/11 đăng thông cáo chính thức cho biết vào đêm Chủ nhật 10/11, một thành viên đội an ninh của phái đoàn Việt Nam đang thăm chính thức Chile đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục.
Người này đã ngay lập tức bị bắt giam…
Hàng loạt trang báo tiếng Tây Ban Nha ở Chile đã viết bài tường thuật rất đậm về vụ việc.
Theo đó, nhân vật bị cáo buộc lạm dụng tình dục tên là Lai Dac Tuan (báo chí Chile viết tiếng Việt không dấu), một sĩ quan an ninh 59 tuổi thuộc đội an ninh bảo vệ chuyến công du của Chủ tịch nước Lương Cường.”
Link: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clyjzeg8mr0o
Chán quá, tôi tìm tin khác, lại thấy, cũng trên BBC tiếng Việt, tựa bài: “Hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục ở New Zealand.”
Images
Thân bài: “12 tháng 12/2024 Cảnh sát New Zealand hôm thứ Năm 12/12 cho BBC News Tiếng Việt biết ‘hai nghi phạm là quan chức Việt Nam’ bị cáo buộc đã xâm hại tình dục hai nữ phục vụ bàn tại New Zealand hồi tháng 3/2024.
Sự việc này tiếp tục gây xôn xao dư luận sau vụ hồi tháng 11 khi một cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị cáo buộc lạm dụng tình dục trong khi đoàn Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Chile từ ngày 9-12/11.”
Link: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2dxe3j872ko
Viết đến đây, tôi cảm thấy “nản” “mấy anh” csVN quá, không muốn viết tiếp! Từ mấy mươi năm qua, lúc nào người csVN cũng tìm những danh từ/động từ/tĩnh từ tệ nhất/thô bỉ nhất để “gán” cho VNCH.
Trong khi đó, VNCH chưa hề lưu lại điều gì bất xứng trong xã hội cũng như trong mọi sinh hoạt với cộng đồng Quốc Tế.
Viết ngang đây, buồn quá, tôi tìm tin khác. Một bất ngờ đầy thú vị khi tôi thấy bản tin cũ về Bộ Sách Lịch Sử Việt Nam, trên VOV.VN. Link:
https://vov.vn/chinh-tri/dai-dien-vien-su-hoc-goi-nguy-quan-nguy-quyen-la-chua-chinh-xac-664973.vov
Tôi hơi ngạc nhiên khi đọc tựa bài: “Đại diện Viện Sử học: Gọi ‘ngụy quân-ngụy quyền’ là chưa chính xác”.
Tôi trích ngay vài phân đoạn trong bài từ link đã dẫn bên trên, để quý độc giả tùy nghi thẫm định.
PV: “Xin ông cho biết tại sao trong bộ sách đã sử dụng khái niệm Chính quyền Việt Nam Cộng hòa và quân đội Việt Nam cộng hòa thay cho khái niệm ngụy quân -ngụy quyền mà một số công trình nghiên cứu trước đây thường dùng?”
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ: “Trước đây, trong một số tài liệu và công trình nghiên cứu thường dùng khái niệm ngụy quân, ngụy quyền để chỉ chính quyền Việt Nam cộng hòa hay quân đội Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, trong giới sử học cho rằng, khái niệm đó không hoàn toàn chính xác khi chỉ về một chế độ chính trị đã từng tồn tại trong lịch sử.
Chúng ta đều biết, sau Hiệp định Geneve (7/1954), đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Nam đã từng tồn tại chế độ Việt Nam cộng hòa từ năm 1955 đến 30/4/1975. Danh xưng ấy được nhiều quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ thừa nhận và được định danh trên các văn bản quan phương. Do dó việc sử dụng khái niệm này thay vì dùng khái niệm ngụy quân – ngụy quyền như trước đây chỉ là để cho công trình nghiên cứu mang tính khách quan, khoa học hơn.
Ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra bàn luận khá nhiều về vấn đề này. Tham góp ý kiến, bình luận đa dạng, đa chiều là vậy, nhưng có lẽ trong số đó nhiều người chưa đọc, thậm chí chưa tiếp xúc với bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập.”
Đọc đến đây, tôi dừng lại, như không tin một nhân vật trong giới sử học thuộc “phía bên kia” – PGS/TS Nguyễn Đức Nhuệ – lại công khai khẳng định về sự xóa bỏ những danh từ hạ cấp mà người csVN đã cố tình “gán” cho chính thể và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!
Dù muộn màng, Điệp Mỹ Linh – tác giả cuốn tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 – cũng thành thật cảm ơn PGS/TS Nguyễn Đức Nhuệ đã thể hiện được bản tính ngay thẳng/chân thật/biết tôn trọng sự thật của Lịch Sử, dù “chỉ là để cho công trình nghiên cứu mang tính khách quan, khoa học hơn.”
Điệp Mỹ Linh
1.- Tình Quê Hương của Đan Thọ.
2.- Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 của Điệp Mỹ Linh, trang 277.