Thượng nghị sĩ Macro Rubio trong buổi điều trần tại Thượng viện HK. Foto: Michael Brochstein/ZUMA Press Wire/Shutterstock
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã tổ chức phiên điều trần xác nhận ứng cử viên cho vị trí Ngoại trưởng mới vào thứ Tư (15/1). Đây là phiên điều trần đầu tiên của ủy ban kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ quốc hội mới.
Bầu không khí của phiên điều trần kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ rất hài hòa thoải mái, trái ngược hoàn toàn với phiên điều trần phê chuẩn tân Bộ trưởng Quốc phòng tại Ủy ban Quân vụ ngày hôm trước.
Ông Macro Rubio, 53 tuổi, vào Thượng viện năm 2011 và giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Tình báo trong Quốc hội trước. Ông cũng là thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban phân bổ ngân sách, đồng thời có nhiều kinh nghiệm về lập pháp quan hệ đối ngoại. Ông là người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng, nói với các nhà lập pháp của lưỡng đảng rằng Trung cộng đang sử dụng những lời dối trá, lừa đảo, tấn công mạng (hack) và trộm cắp để đạt được vị thế siêu cường toàn cầu. Ông cảnh báo rằng nếu Mỹ không thay đổi chính sách, Trung cộng sẽ vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thịnh vượng của Mỹ trong thế kỷ 21. Vị thượng nghị sĩ tiểu bang Florida cũng đề cập rằng nếu Trung cộng thành thật hy vọng ổn định quan hệ Mỹ – Trung, họ không nên có bất kỳ hành động tùy tiện và không lý tính nào trong vấn đề Đài Loan.
Mục tiêu cốt lõi
Ông Rubio, người được Trump đề cử làm ngoại trưởng, cho biết tại phiên điều trần rằng nếu được phê chuẩn làm ngoại trưởng, mục tiêu của ông sẽ là đặt lợi ích quốc gia cốt lõi của nước Mỹ lên hàng đầu.
Ông nói: “Đặt lợi ích quốc gia cốt lõi của chúng ta lên hàng đầu không phải là chủ nghĩa biệt lập. Đó là sự thừa nhận thông thường rằng chính sách đối ngoại tập trung vào lợi ích quốc gia của chúng ta không phải là những lời lẽ nhàm chán”.
Ông tiếp tục nói rằng với tư cách là ngoại trưởng, ông sẽ bảo đảm rằng mỗi đô la chi tiêu, mọi chương trình được tài trợ và mọi chính sách được thúc đẩy đều phải dựa trên 3 câu hỏi: Điều này có làm cho nước Mỹ an toàn hơn không? Điều này có làm cho nước Mỹ mạnh hơn không? Liệu điều này có làm cho nước Mỹ thịnh vượng hơn không?
Ông cho rằng Mỹ thường đặt “trật tự toàn cầu” lên trên lợi ích cốt lõi của quốc gia, trong khi các nước khác tiếp tục hành động dựa trên lợi ích của họ.
“Họ (Trung cộng) lợi dụng mọi điểm tốt của trật tự này. Nhưng họ đã phớt lờ mọi nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Thay vào đó, họ đã đạt được vị thế siêu cường toàn cầu bằng cách lợi dụng chúng ta, thông qua các thủ đoạn như nói dối, lừa đảo, tấn công mạng và đánh cắp,” ông Rubio nói.
Ủng hộ những thay đổi trong chính sách đối với Trung cộng
Ông Rubio đã nhiều lần nhấn mạnh đến “mối quan hệ không cân bằng” (unbalanced relationship) giữa Mỹ và Trung cộng. Ông chỉ ra rằng sự mất cân bằng này là do “trong nhiều năm, chúng ta đã cho phép họ giả vờ là nước đang phát triển, chúng ta đã cho phép họ tiếp tục gian lận trong thương mại và kinh doanh, đồng thời để họ tiếp tục bành trướng”.
Ông cảnh báo rằng nếu Mỹ không áp dụng những thay đổi chính sách nhanh chóng và thực chất, Trung cộng sẽ vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thịnh vượng của Mỹ trong thế kỷ 21.
“Nếu chúng ta không thay đổi hướng đi, chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà rất nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc người Trung cộng có cho phép chúng ta sở hữu chúng hay không, đây là một kết quả không thể chấp nhận được”, ông Rubio nói với các nghị sĩ.
Ông Rubio nói thêm: “Từ những viên thuốc hạ huyết áp mà chúng ta uống, cho đến những bộ phim chúng ta có thể xem và mọi thứ liên quan, chúng ta sẽ phụ thuộc vào Trung cộng. Thậm chí ngay cả những người muốn nhiều xe điện hơn, bất kể chúng được sản xuất ở đâu, nhưng những cục pin này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của Trung cộng và việc ĐCSTH có muốn sẵn sàng sản xuất và xuất khẩu cho bạn hay không.”
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Pete Ricketts từ Nebraska đã yêu cầu tại phiên điều trần rằng ông Rubio phải đặt việc đối phó với Trung cộng là ưu tiên hàng đầu của mình sau khi được xác nhận làm ngoại trưởng.
“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đầu não của trục độc tài đang thách thức nước Mỹ ngày nay. Họ đang thách thức tự do, an ninh và lối sống của chúng ta,” ông Ricketts nói. “Mỗi vấn đề tôi vừa đề cập đều có liên quan trực tiếp đến Bắc Kinh. Vì vậy, để giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong số đó, chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta xem xét cách kiềm chế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Ông Rubio đồng ý tại phiên điều trần và gọi Trung cộng là “đối thủ mạnh mẽ và nguy hiểm nhất mà Mỹ từng phải đối mặt, và có năng lực tương đương chúng ta”.
“Họ có những yếu tố mà Liên Xô chưa bao giờ có. Họ là đối thủ và kẻ cạnh tranh về công nghệ, họ là kẻ cạnh tranh về công nghiệp và cạnh tranh về kinh tế, họ là kẻ cạnh tranh địa chính trị, họ là kẻ cạnh tranh về khoa học”, ông Rubio nói.
“Đây là một thách thức phi thường. Tôi tin rằng nó sẽ quyết định hướng đi của thế kỷ 21. Khi họ viết cuốn sách về thế kỷ 21, sẽ có một số chương về Putin trong cuốn sách. Ngoài ra cũng sẽ có một số chương về những nơi khác trên thế giới, nhưng nội dung chính của cuốn sách về thế kỷ 21 này sẽ không chỉ về Trung cộng mà còn về mối quan hệ giữa Trung cộng và Mỹ cũng như hướng đi của mối quan hệ này.”
Tuy nhiên, ông Rubio cũng nhấn mạnh nếu muốn đối phó với những thách thức do Bắc Kinh đặt ra, trước tiên Washington phải xem xét và điều chỉnh các chính sách đối nội của Mỹ.
Ông nói: “Tôi có thể nói rằng hầu hết những gì chúng ta cần làm để đối kháng với Trung cộng đều là ở trong nước. Chúng ta phải xây dựng lại năng lực công nghiệp trong nước và chúng ta phải bảo đảm rằng bất kỳ chuỗi cung ứng quan trọng nào của Mỹ đều không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác.”
Với tư cách là thành viên cấp cao của Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Vấn đề Trung cộng (CECC), ông Rubio đã đề xuất một số biện pháp lập pháp tại Quốc hội nhằm đối kháng lại Trung cộng. Ông cũng được mọi tầng lớp xã hội coi là thành viên Quốc có chủ trương lập trường cứng rắn đối với Trung cộng.
Rubio, người được truyền thông nhà nước Trung cộng gọi là “người tiên phong dẫn đầu chống Trung cộng”, đã bị chính quyền Bắc Kinh trừng phạt 2 lần vì các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Người dân ở mọi tầng lớp đang chú ý đến việc ông sẽ đàm phán với Trung cộng như thế nào sau khi trở thành ngoại trưởng.
Hòa Nga đấu Trung? — Tiềm năng Ngoại trưởng Mỹ Rubio chủ trương
Trung cộng đã bằng các biện pháp gian lận để trở thành một siêu cường “nguy hiểm”, theo Macro Rubio nhận định trong phiên điều trần xác nhận trước khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Trong khi nói Mỹ phải quyết tâm bảo vệ Đài Loan, ông Rubio né tránh đề cập tới vai trò của Mỹ tại NATO ở Châu Âu, đồng thời khẳng định phải “kết thúc sớm” chiến tranh Ukraine, và bác bỏ mạnh mẽ việc Mỹ phải cố gắng duy trì “trật tự toàn cầu” được hình thành từ sau Chiến tranh Lạnh, gọi đó là một “ảo tưởng nguy hiểm.”
Macro Rubio, hiện là một thượng nghị sỹ của Đảng Cộng hòa từ tiểu bang Florida trong phiên điều trần xác nhận, đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau về chính sách đối ngoại của Mỹ, về rất nhiều phương diện.
Nổi bật nhất là chủ trương thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu so với chủ trương của chính quyền Biden: Quyết định nhắm thẳng vào Trung cộng, giảm thiểu việc tham dự vào Ukraine và Châu Âu, đồng thời tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề quốc nội của chính nước Mỹ.
Về trật tự toàn cầu và nội chính Mỹ
“Trong khi Mỹ nhiều khi đặt vấn đề trật tự toàn cầu (global order) ở mức ưu tiên cao hơn lợi ích của chính chúng ta, thì các quốc gia khác luôn luôn hành động, và luôn luôn muốn làm, theo những gì mà họ cho là tốt nhất cho đất nước họ,” ông Rubio nói. “Thay vì hòa vào trật tự toàn cầu [được hình thành] sau Chiến tranh Lạnh, thì họ thao túng nó để phục vụ lợi ích của bản thân họ, bằng vào phí tổn của [nước Mỹ] chúng ta.”
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh được coi là kết thúc và Liên Xô tan rã, người ta nhìn nhận rằng thế giới bước vào hình thế đơn cực, với Mỹ là siêu cường duy nhất. Khuynh hướng toàn cầu hóa, cùng với trật tự toàn cầu được hình thành trên nền tảng đó, là có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, với lao động rẻ tiền từ Trung cộng, (ngoài vấn đề nhân quyền khi đề cập tới lao động nô lệ), ông Rubio nhận định, thì hiện nay khuynh hướng toàn cầu hóa có lợi cho Trung cộng hơn là cho Mỹ.
Có đoạn, ông nói: “Trật tự toàn cầu hậu chiến tranh, đơn giản đã là lạc hậu rồi, và nó đã trở thành vũ khí được dùng để chống lại [nước Mỹ] chúng ta.”
Theo France 24 bình luận, ông Rubio vậy là hoàn toàn bác bỏ chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, và chuyển sang quan điểm “người Mỹ trên hết” (American first) của ông Trump.
“Bức tường Berlin sụp đổ và kèm theo đó là sự kết thúc của một đế chế tà ác,” ông Rubio nói. “Chiến tranh Lạnh qua nhiều năm rồi đã kết thúc và dẫn tới sự xuất hiện một nhận thức chung của cả lưỡng đảng [của Mỹ]. Một nhận thức chung rằng chúng ta đã tới cái đích cuối cùng của lịch sử, rằng cuối cùng tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ trở thành các thành viên của cộng đồng phương Tây gồm các nước theo dạng thức tự do dân chủ, rằng chính sách đối ngoại vốn để phục vụ lợi ích quốc gia cần được thay bằng chính sách vì trật tự toàn cầu tự do, và rằng toàn nhân loại cuối cùng chú định rồi sẽ từ bỏ chủ quyền dân tộc và định hình dân tộc (national sovereignty and national identity) để trở thành một gia đình lớn toàn nhân loại và các công dân của toàn thế giới. Điều ấy không phải là một ảo tưởng bình thường, mà bây giờ chúng ta đã biết, điều ấy là một ảo tưởng nguy hiểm.”
Về Trung cộng
“[Người Mỹ] chúng ta đã đón chào ĐCSTH gia nhập trật tự toàn cầu. Và họ (ĐCSTH) đã lợi dụng tất cả những lợi ích từ đó, nhưng lại lờ đi tất cả các trách nhiệm và ràng buộc,” ông Rubio bình luận. “Họ bằng cách chèn ép, gian lận, lừa đối, bẻ khóa, trộm cắp, đối với người Mỹ để đạt được vị thế cường quốc toàn cầu.”
Theo ông, Trung cộng đã trở thành “kẻ thù ngang hàng mạnh mẽ và nguy hiểm nhất mà quốc gia [chúng ta] từng đối mặt,” và cảnh báo rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ không có hành động thích đáng.
“Nếu chúng ta tiếp tục theo lộ tuyến hiện nay, thì chỉ trong không đầy 10 năm nữa, hầu như mọi thứ quan trọng trong cuộc sống chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung cộng có cho phép chúng ta có nó hay không — mọi thứ từ thuốc huyết áp cao mà chúng ta dùng cho đến những bộ phim mà chúng ta xem,” ông Rubio nói.
Về vấn đề Đài Loan, quốc đảo tự trị, nhưng mà hiện nay đang được chính quyền Bắc Kinh khẳng định là phải thuộc quyền quản lý của mình, thì ông Rubio nói Mỹ nhất định phải làm sao để tránh “sự can thiệp quân sự mang tính thảm họa [từ Bắc Kinh].”
“Trừ phi có thay đổi bất ngờ đáng kể nào đó, ví dụ như có sự thay đổi về cán cân [giữa Đài Loan và Trung cộng] dẫn tới việc họ cho rằng phí tổn để can thiệp vào Đài Loan trở nên quá cao, thì [người Mỹ] chúng ta vẫn là phải xử lý vấn đề đó trước khi thập kỷ này kết thúc,” ông Rubio nói.
Về chiến tranh Ukraine, NATO và Châu Âu
Khi được hỏi về quan hệ của Mỹ với NATO, khối quân lớn nhất thế giới nhưng lại tự xưng là một liên minh phòng thủ, rằng liệu Mỹ có nên tiếp tục giữ “vai trò phòng thủ chủ yếu chính”(the primary defense role) trong NATO hay không, như một “lực lượng chống xâm lược” (backstop to aggression), thì ông Rubio đã né tránh trả lời chi tiết, và cho rằng Châu Âu cần đứng ra nhận nhiều hơn trách nhiệm về phương diện này.
Về chiến tranh Ukraine, ông tái khẳng định lập trường rằng chiến tranh cần kết thúc sớm, điều mà ông Trump đã hứa hẹn khi tranh cử.
“Nga không có cơ hội nào chiếm toàn bộ Ukraine được đâu,” ông Rubio lập luận. “Nhưng mà cũng là điều không thực tế nếu tin rằng Ukraine có thể lấy lại được phần lãnh thổ đã bị chiếm đóng.”
Theo ông, kéo dài chiến tranh sẽ không có lợi, đặc biệt là đối với người Ukraine, hiện đang ở thế yếu hơn về quân sự.
“Hàng triệu người Ukraine không còn sống ở quê hương và có thể không bao giờ quay trở lại. Cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đang sụp đổ, việc xây dựng lại sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ USD và nhiều thập kỷ,” ông Rubio nói. “Vấn đề của Ukraine không phải là hết tiền, mà là hết người Ukraine”.
Ông Rubio lập luận rằng Mỹ cần tìm kiếm những thỏa hiệp để đạt được lệnh ngừng bắn, bao gồm khả năng đóng băng các chiến tuyến hiện tại và công nhận tính trung lập của Ukraine, tức là không gia nhập NATO.
Trong khi chính quyền mới vẫn không loại bỏ khả năng Nga còn có ý định nào đó, ông Rubio nhấn mạnh rằng việc kết thúc chiến tranh là điều cần thiết để tránh rủi ro leo thang, bao gồm cả nguy cơ xảy ra xung đột NATO-Nga. “Cuộc chiến này phải kết thúc. Mọi người hãy nên thực tế: Nga, Ukraine, và Mỹ, đều sẽ phải nhượng bộ,” ông nói với các nhà lập pháp tham dự phiên điều trần.