Seite auswählen

Đặng Đình Mạnh

 

Ngày 19/01/2025 đánh dấu 51 năm tròn Trung Cộng nổ súng xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Nhân dịp này, đã xuất hiện nhiều bài viết kỷ niệm về sự kiện và tưởng niệm các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong việc bảo vệ lãnh thổ.

Đáng lưu ý, trong đó có nhiều ý kiến liên quan đến tính cách pháp lý thể hiện sự hiểu nhầm đối với Hoàng Sa, bao gồm:

– Thời hiệu 50 năm;
– Khả năng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán;

THỜI HIỆU 50 NĂM

 

Không rõ khởi nguồn từ đâu, nhiều người đã vội tin và chia sẻ thông tin cho rằng ngày 19/01/2024 là ngày hạn cuối cùng trong thời hiệu 50 năm để chính quyền Việt Nam khởi kiện yêu cầu tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc. Nếu không, quá thời hạn này thì Việt Nam sẽ mất quyền khởi kiện và mất vĩnh viễn Hoàng Sa.
Thật ra, đây là một sự hiểu nhầm vô căn cứ. Vì lẽ, không có điều khoản nào thuộc công pháp quốc tế quy định như vậy cả.

Hiện nay, công pháp quốc tế chấp nhận các phương cách để một quốc gia thủ đắc lãnh thổ, gồm thủ đắc từ chuyển nhượng, thủ đắc từ sự hình thành lãnh thổ mới, thủ đắc lãnh thổ vô chủ và thủ đắc lãnh thổ bị từ bỏ. Trước đây, công pháp quốc tế còn cho phép phương cách thứ năm là thủ đắc từ sử dụng vũ lực, nhưng nay đã bị bãi bỏ. Cùng với việc bãi bỏ phương cách thủ đắc lãnh thổ từ sử dụng vũ lực, thì thay thế vào đó là đòi hỏi điều kiện chung đối với cả bốn phương cách thủ đắc lãnh thổ đều phải bằng biện pháp hòa bình.

Tham chiếu đối với trường hợp Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta có thể thấy ngay việc Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa đều không thuộc bất kỳ phương cách hợp pháp nào mà công pháp quốc tế đã dự liệu cả. Thậm chí, vi phạm vào chính điều kiện về thủ đắc lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình.

Trong thực tế, vào các năm 1974, 1988, hai lần Trung Cộng thực hiện tiến chiếm hải đảo Việt Nam đều phải tiến hành bằng một cuộc chiến tranh bằng vũ lực cả. Họ nổ súng bắn vào tàu bè và binh sĩ Việt Nam đang đồn trú trên đảo. Với nguồn gốc chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực như vậy, thì vĩnh viễn, không bao giờ Trung cộng được công nhận thủ đắc lãnh thổ và trở thành sở hữu chủ đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả.

Bên cạnh đó, vào năm 1974, sau khi Hoàng Sa bị Trung Cộng xâm chiếm, thì chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức gởi ngay văn bản cho Liên Hiệp Quốc và lên tiếng phản đối với công luận quốc tế. Năm 1988, chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng thực hiện thủ tục tương tự như vậy khi Trung Cộng xâm chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Việc chính quyền Việt Nam lên tiếng như vậy, kể cả khi lên tiếng phản đối Trung Cộng có những động thái khác trên các đảo xâm chiếm của Việt Nam, như: Bồi đắp đảo, xây dựng các công trình dân sinh hoặc quân sự, thiết lập cơ quan hành chính, tổ chức các tuyến du lịch…

Điều đó thể hiện ý chí không từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Và như vậy, đã đủ cơ sở pháp lý để bảo lưu chủ quyền của Việt Nam cho đến khi đối diện với một sự lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán.

 

KHẢ NĂNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG BIỆN PHÁP TÀI PHÁN


Đề cập đến giải pháp giải quyết vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa bằng biện pháp tài phán, một vài học giả trong nước khẳng định rằng không thể sử dụng biện pháp tài phán được. Họ cho rằng điều kiện tiên quyết về tài phán là cả hai bên tranh chấp đều phải đồng ý đưa sự việc ra trước cơ quan tài phán quốc tế. Nếu chỉ một bên khởi kiện mà không có sự tham gia của bên còn lại, thì vụ án tranh chấp sẽ không thể hình thành.

Sự khẳng định này đã phủ nhận công sức của công chúng trong nhiều năm qua vẫn luôn kêu gọi chính quyền Việt Nam quyết định việc lựa chọn biện pháp khởi kiện/tài phán để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Cộng hơn là chỉ lên tiếng “phản đối” hoặc “quan ngại” về các động thái khiêu khích ngày một gia tăng và quả quyết của họ. Vì lẽ, tài phán luôn luôn là phương cách giải quyết tranh chấp một cách văn minh, cho dù là tranh chấp của người dân hay của chính quyền với nhau. Thế nhưng, chưa bao giờ biện pháp tài phán được chính quyền Việt Nam lựa chọn cả.

Nay, xuất hiện thêm các lời phủ nhận về khả năng giải quyết bằng tài phán từ các học giả thì chẳng khác gì là lời biện hộ cho chính quyền Việt Nam vốn luôn tránh né khả năng đấy. Cho dù, sự tránh né của chính quyền Việt Nam có nguyên nhân vì sự ràng buộc ý thức hệ Cộng Sản, hoặc vì sự khống chế của Trung Cộng đối với những người lãnh đạo chính quyền Việt Nam để ngăn cản một quyết định như vậy.
Thật ra, ý kiến từ các học giả nêu trên vừa đúng lại và vừa sai.
Hiện nay, có vài cơ quan tài phán quốc tế, trong đó, có hai cơ quan tài phán giải quyết về tranh chấp lãnh thổ với phương thức hoạt động khác nhau, gồm Tòa án Công lý Quốc tế (tức ICJ/ International Court of Justice) và Tòa Trọng tài Thường trực (tức PCA/ The Permanent Court of Arbitration).

Với Tòa án Công lý Quốc tế (tức ICJ) vốn là một cơ quan tư pháp ra đời theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Tòa án này chỉ xét xử trong trường hợp các bên tranh chấp đồng thuận đưa việc tranh chấp lãnh thổ ra tòa án để giải quyết. Đối với Trung Cộng, hầu như họ luôn luôn tránh né đưa việc tranh chấp lãnh thổ ra tòa án xét xử mà yêu cầu giải quyết bằng đàm phán song phương mà thôi, mặc dù họ có tranh chấp lãnh thổ với đa phần các quốc gia giáp biên giới với họ.

Và ý kiến từ học giả trong nước đã đúng với trường hợp Tòa án Công lý Quốc tế (tức ICJ). Theo đó, cho dù chính quyền Việt Nam có muốn đặt quyết tâm khởi kiện việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Cộng đến tòa án này, thì điều đó cũng không thể thực hiện được vì thiếu sự đồng thuận với chính quyền Trung Cộng.

Thế nhưng, với Tòa Trọng tài Thường trực (tức PCA/ The Permanent Court of Arbitration) thì ý kiến của học giả trong nước lại không đúng. Và cụ thể, phán quyết của PCA vào năm 2016 cho Philippine theo hồ sơ khởi kiện của quốc gia này là một minh chứng. Khi ấy, chính quyền Trung Cộng cũng đã ra tuyên bố công khai khước từ thẩm quyền của PCA và không tham gia vào quá trình giải quyết của PCA, nhưng sự khước từ ấy không thể ngăn cản được việc PCA ra phán quyết cuối cùng có hiệu lực ràng buộc.

Rõ ràng, đội ngũ luật sư giúp cho Philippine đã hết sức khôn khéo trong việc lựa chọn phương cách và vấn đề để đặt lên bàn một cơ quan tài phán quốc tế. Theo đó, họ đã đạt được một phán quyết hết sức có lợi về phương diện pháp lý. Không chỉ thế, còn mang lại cho Philippine tính chính danh cho yêu sách về lãnh thổ đang bị tranh chấp với Trung Cộng trước cộng đồng quốc tế.

Phán quyết PCA là một tiền lệ tốt và cũng là bài học tốt đối với Việt Nam để giải quyết tranh chấp lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Cộng. Thế nhưng, rất tiếc, đi ngược với nguyện vọng dân tộc, thì chính quyền Việt Nam chưa bao giờ có một quyết tâm như thế.
Trong lịch sử dân tộc, Việt Nam đã từng nhiều lần chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc. Thế hệ nào bị xâm lược, thì thế hệ đó có trách nhiệm đáp trả, giành lại chủ quyền, lãnh thổ một cách sòng phẳng, dứt khoát. Thế nhưng, chế độ Cộng Sản thì khác hẳn, bị Trung Cộng xâm lược, họ thoái thác trách nhiệm và để lại di sản tồi tệ đó cho con cháu đời sau.

Đặng Đình Mạnh

 

Fb Đặng Đình Mạnh  (20.01.2025)