Mục lục
Việt Nam bắt giam Facebooker Đậu Thanh Tâm vì kêu gọi phản đối Nghị định 168
Bà Đậu Thị Tâm bị công an Hà Nội bắt giam hôm 23/1/2025. Photo Công an Nhân dân.
Hôm 23/1, Công an Hà Nội bắt giam bà Đậu Thị Tâm, cáo buộc rằng bà đăng nhiều video clip có thông tin “bịa đặt, kêu gọi, kích động” người dân bãi bỏ Nghị định 168. Bà thường được biết đến trên Facebook với tên Đậu Thanh Tâm.
Nữ Facebooker này bị bắt với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” quy định theo Điều 331 Bộ Luật hình sự.
Bà Tâm được cho là đã đăng tải một số video clip có thông tin “bịa đặt, gây hoang mang dư luận” về Nghị định 168, một văn bản pháp lý của chính phủ quy định xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nghị định 168 được chính phủ Việt Nam ban hành ngày 26/12/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với các biện pháp xử phạt được xem là nghiêm khắc nhất từ trước đến nay, trong đó cũng khuyến khích người dân báo cáo các vụ vi phạm, với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành của công chúng.
Từ ngày 7/1 đến ngày 16/1, bà Tâm đã đăng tải 8 video clip trên tài khoản Facebook và Tiktok được cho là có “nhiều nội dung xấu” liên quan đến Nghị định 168, mà theo đó mỗi video đã có hàng chục nghìn lượt xem, hàng trăm lượt tương tác, bình luận và chia sẻ, theo trang Hà Nội Mới.
Kết luận của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội khẳng định 8 video clip nói trên do bà Tâm tự làm xuất phát từ “nhận thức, suy nghĩ chủ quan và bức xúc cá nhân”, vẫn trang Hà Nội Mới.
Ngoài ra, bà Tâm, 45 tuổi, còn bị cáo buộc đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội để đăng tải các video clip có nội dung bị xem là “xuyên tạc, bịa đặt” về khám bệnh, chữa bệnh, điều trị tại một số bệnh viện ở Hà Nội, “vu khống, xúc phạm” uy tín của chính quyền và lãnh đạo các cấp, truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ Cục An ninh chính trị nội bộ, Công an Hà Nội, cho biết.
Liên quan đến Nghị định 168, đến nay chính quyền Việt Nam đã phạt hành chính một số người do họ bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội, cho rằng nghị định mới với mức phạt nặng hơn là một hình thức “tước đoạt” tiền thu nhập của người dân.
Hôm 22/1, Công an tỉnh Đắk Nông cho hay đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Đắc, 47 tuổi, với số tiền 5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin “bịa đặt, gây hoang mang” trong nhân dân về Nghị định 168.
Cổng thông tin của Công an tỉnh Đắk Nông nói rằng ông Đắc đăng tải thông tin, bài viết lên mạng xã hội kêu gọi người dân, cộng đồng mạng phản đối nghị định gây tranh cãi này. Theo đó, trong bài đăng trên TikTok, ông viết rằng quy định mới này là một hình thức “bóp cổ” người dân.
Trước đó, hôm 16/1, công an Hà Nội phạt hành chính ông Đặng Hoàng Hà, quy rằng người đàn ông này đã sử dụng tài khoản Facebook để đăng tải các hình ảnh, video có “nội dung thông tin sai lệch” liên quan đến Nghị định 168 “nhằm kích động, gây bất ổn xã hội”.
Theo quan sát của VOA, báo chí trong nước và nhiều trang mạng xã hội trong 3 tuần qua mô tả rằng tình trạng tắc nghẽn giao thông – nhất là ở hai thành phố lớn hàng đầu Việt Nam là Hà Nội và Tp.HCM – đã trở nên trầm trọng hơn gấp nhiều lần so với trước khi thực thi Nghị định 168.
Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định rằng một loạt các hành vi vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cao gấp từ 2-30 lần so với trước, từ 4 triệu đến 37 triệu đồng tùy loại phương tiện, trong khi thu nhập bình quân của người Việt là khoảng 7,6 triệu đồng/người/tháng.
VOA (24.01.2025)
Việt Nam bắt giữ mục sư Nguyễn Mạnh Hùng với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng. Photo Facebook Nguyen Manh Hung.
Chính quyền Việt Nam vừa bắt giam mục sư Tin lành Nguyễn Mạnh Hùng do ông viết bài chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội, theo tin từ gia đình.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng được biết là người đầu tiên bị bắt trong năm 2025 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” được nêu trong Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông có khả năng phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm.
Ông Nguyễn Trần Hiền, con trai của ông Hùng, cho VOA biết hôm 21/1 rằng công an tỉnh Lâm Đồng kết hợp với cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện lệnh khám xét nhà ông Hùng và bắt giữ tại nhà riêng ở quận 7 hôm 16/1.
“Người ta đọc lệnh bắt, cáo buộc vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự. Họ không giao lệnh bắt. Họ nói rằng sẽ giao lệnh khám xét, nhưng đến nay vẫn chưa giao”.
“Khi họ bắt, ba tôi cũng hợp tác, không chống đối hay cự cãi gì hết”.
Con trai ông Hùng cho hay các bài đăng trên Facebook là nguyên nhân khiến ông bị bắt.
“Ba tôi đăng Facebook nên gây sự chú ý của chính quyền. Ông đăng những tình trạng tiêu cực của xã hội hiện nay như tham nhũng, án oan và những nghị định gây trở ngại cuộc sống”.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm 14/1, hai ngày trước khi bị bắt, vị mục sư viết: “Các nhóm lợi ích bóc lột dân phải bị xóa bỏ; Tấm gương đấu tranh dân chủ sẽ được lưu truyền cho các thế hệ mai sau”.
Trước đó, hôm 9/1, ông viết: “Đa đảng đa nguyên thì quốc gia văn minh hiện đại; độc đảng độc quyền sinh ra tham nhũng và các nhóm lợi ích, lòng dân phẫn nộ”.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, công an Lâm Đồng và Tp.HCM, đề nghị cho biết thêm thông tin về việc bắt giam ông Hùng, nhưng chưa được phản hồi.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, 71 tuổi, từng là mục sư quản nhiệm Hội thánh Chuồng Bò, thuộc Giáo hội Mennonite độc lập, ở quận Bình Thạnh, Tp.HCM.
Do không được nhà nước công nhận, các thành viên của hội thánh này từng bị chính quyền địa phương sách nhiễu và tìm cách giải tán, theo một bài viết của mục sư Hùng đăng trên trang Hưng Việt và Dân Làm Báo. Về sau, ông chuyển đến sinh sống ở Lâm Đồng.
Trong phúc trình thường niên toàn cầu năm 2024 công bố vào đầu năm 2025, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam giam giữ hơn 170 tù nhân chính trị, trong đó nhiều người bị bắt theo Điều 117.
Chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân “luôn được đảm bảo”.
VOA (23.01.2025)
Cháu nội nhạc sĩ Trần Thiện Thanh bị tuyên 12 năm tù vì “hoạt động nhằm lật đổ”
FB Chinh Nhân nói ông Châu Lãm là nhạc công hay đi hát và mặc đồ lính VNCH (FB Chinh Nhan/ RFA edited)
Ông Trần Thiện Châu Lãm hôm 16/1 bị tuyên án 12 năm tù với cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ông là cháu nội của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Các tờ báo Nhà nước đăng tải về phiên tòa trong cùng ngày nhưng hình chụp về phiên tòa qua màn hình TV rất mờ và không cho biết ông Lãm có được luật sư bào chữa hay không.
Ít nhất hai nguồn khả tín cho RFA biết, ông Lãm (sinh năm 1991) là cháu nội của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (nghệ danh Nhật Trường), người nổi tiếng với các bài nhạc lính từ thời Việt Nam Cộng Hòa như Biển Mặn, Rừng lá thấp, Tâm sự người lính trẻ…
Trang nhacxua.vn trong một bài viết năm 2019 cho biết, ông Trần Thiện Anh Châu là con út của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với người vợ đầu – bà Trần Thị Liên và Châu Lãm là con trai đầu của ông Châu.
Mạng báo Tuổi trẻ cho biết, Công an Bình Chánh mời Lãm lên làm việc vào ngày 12/6/2024 vì ông đăng tải những bài viết liên quan đến chế độ VNCH trên Facebook. Khi về nhà, ông đã xóa nhóm và ngừng sử dụng Facebook để tránh bị công an để ý.
Tám ngày sau, Cơ quan an ninh điều tra khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Lãm tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và thu giữ các đồ vật là quân phục, nón, phù hiệu của lính quân lực Việt Nam cộng hòa. Đến ngày 23/7, ông Lãm bị bắt tạm giam.
Facebooker Chinh Nhân, một người bạn của ông Châu Lãm hôm 22/1, cho RFA hay ông Lãm và một số người có trong nhóm hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa có đam mê với đồ lính và thường sưu tập quân phục của các quân binh chủng VNCH, chứ không có tư tưởng lật đổ chính quyền.
“Lãm hay đi hát phòng trà vì nó là nhạc công. Nó hay mặc đồ lính, trong lễ cưới của nó cũng mặc quân phục VNCH và gần như 100% anh em đi dự đều là hậu duệ và mặc quân phục”, ông Chinh Nhân, người đã rời khỏi Việt Nam và đang xin tị nạn cho biết.
Ông Chinh Nhân cho biết, sau lễ cưới của Châu Lãm vào năm 2023, một số người bị mời làm việc và chính ông Lãm cũng bị mời và phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Báo Tuổi trẻ dẫn cáo trạng, cho biết đầu năm 2024 Trần Thiện Châu Lãm sử dụng tài khoản Facebook và WhatApps để lôi kéo Lâm Thị Phương Mai cùng bốn người khác để lập ra nhóm “Hậu duệ – Hội đồng chiêu binh quân lực Việt Nam cộng hòa”.
Mục đích để tưởng nhớ, tôn sùng và bàn bạc một số hoạt động tạo tiếng vang, tạo thế phát triển lực lượng nhằm lật đổ chính quyền của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Lãm bị cho là còn tổ chức cho các thành viên gặp mặt trực tiếp 3-4 lần tại các quán cà phê ở Hóc Môn, quận 8 để trao đổi, họp bàn kế hoạch hoạt động.
Mạng báo Dân Trí cho biết thêm, khi kiểm tra điện thoại của Lãm và những người liên quan, nhà chức trách phát hiện nhiều nội dung trao đổi về kế hoạch bàn bạc để thực hiện một số hoạt động ném bom, ám sát cán bộ nhằm chống chính quyền để từ đó phát triển lực lượng phục hưng chế độ cũ. Thông tin trên báo này không cho biết cụ thể cán bộ nào bị âm mưu ám sát.
Những người còn lại liên quan không bị xử lý hình sự, do họ từng là lính hoặc thân nhân của lính VNCH, quá trình làm việc với công an đã ăn năn, hối cải và bị cho là có hạn chế về nhận thức chính trị, truyền thông Nhà nước cho biết.
Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật hình sự, mức án và tội danh của ông Châu Lãm thuộc về Khoản 1 quy định “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu là “Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, báo chí nêu các hành vi của ông này trong cáo trạng chỉ dừng lại ở mức “chuẩn bị phạm tối” với mức án từ một năm đến năm năm. Không rõ lý do vì sao ông bị tuyên án đến 12 năm tù.
RFA (22.01.2025)
Nghị định 168 xử phạt vi phạm giao thông: gây ra nhiều hệ lụy, bị đặt dấu hỏi về tính hợp pháp
Sau hơn nửa tháng triển khai nghị định mới về xử phạt giao thông, các thành phố lớn tại Việt Nam đã ghi nhận kẹt xe nghiêm trọng kéo dài từ sáng đến tối.
Khắp nơi ở hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội, tình trạng kẹt xe đang diễn ra ngày một nghiêm trọng kể từ khi chính sách mới được áp dụng từ ngày 1/1/2025.
Trong các bức ảnh dòng người ùn tắc hàng cây số trong bụi khói, người ta còn thấy các xe cấp cứu đang hú còi bất lực. Nhiều người nói rằng họ không dám tiến lên vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cấp cứu do sợ bị phạt số tiền 18 – 20 triệu đồng.
Ở rất nhiều giao lộ, cánh tài xế cùng với người dân chỉ ra tình trạng đèn tín hiệu giao thông chỗ chập chờn lúc xanh, lúc đỏ bất ngờ, chỗ đèn đỏ quá lâu, đèn xanh chỉ 2 giây, chỗ thì chỉ có đỏ, chờ mãi không thấy xanh. Các dòng xe đều không dám đi trong những trường hợp đó vì mức phạt quá cao.
Anh Tấn Nguyễn, một lái xe tải ở TP Hồ Chí Minh, cho biết chỉ cần bị xử phạt vượt đèn đỏ một lần là anh mất ba tháng lương, “ở nhà con không có sữa mà uống”.
“Trước phạt đèn đỏ chỉ từ 4 triệu đến 6 triệu, chỉ bằng một nửa tiền lương, anh em tài xế vẫn còn được, giờ đi bị phạt nguội đèn đỏ một cái là cả ba tháng lương, ở nhà không còn gì luôn,” anh nói.
Chưa kể, về mặt kỹ thuật, cánh tài xế thấy khó thực hiện.
“Rồi thì còn đèn đỏ nữa. Nếu mà xe đằng trước phanh được kịp thì mình xe đằng sau phanh không kịp đâm vào đít người ta, lại đền. Ở TP HCM nơi tôi ở thì đang áp dụng đèn không đếm số giây. Như tụi tôi chạy xe tải, hàng nặng, thì làm sao phanh cho kịp, nhưng không phanh kịp mà đi trớn lên thì lại vướng đèn đỏ, phạt nguội, mức từ 18 – 20 triệu, lại giam bằng từ 1 – 3 tháng thì cũng đâu có chạy được nữa đâu,” tài xế Tấn Nguyễn nói.
BBC đã ghi nhận được nhiều phản ứng về quy định xử phạt giao thông được cho là quá khắt khe này.
Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ùn tắc nghiêm trọng tại các thành phố lớn ở Việt Nam sau khi Nghị định 168 được triển khai
Người tài xế có bảy năm kinh nghiệm Tấn Nguyễn còn cho biết không chỉ mức phạt cao mà quy định mới còn giới hạn giờ chạy xe của tài xế mỗi ngày không quá 10 tiếng và cứ chạy 4 tiếng là phải nghỉ 15 phút, gây thêm khó khăn.
“Bây giờ tôi chạy đủ 4 tiếng dừng 15 – 20 phút trên đường cao tốc để nghỉ, chả biết là thanh tra giao thông có chấp nhận là mình đậu ở đấy để cho nghỉ rồi đi tiếp hay không, hay lại phạt từ 10-12 triệu dừng đậu trên đường cao tốc?”
“Đâu cũng chết. Cũng khổ. Khổ cho người lao động thôi.”
Cùng với rất nhiều phản ứng, dư luận cũng đang đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Phạt bao nhiêu là đủ?
Một trong số đó là mức phạt bao nhiêu là đủ.
Singapore là một trong những quốc gia được nhiều người đưa ra so sánh. Theo đó, hành vi vượt đèn đỏ ở nước này bị phạt tiền tối đa 400 SGD (gần 7,5 triệu đồng) với xe máy và 500 SGD (9,3 triệu đồng) với xe hơi. Mức phạt này chưa đến 0,5% tổng thu nhập bình quân năm của người dân nước này (hơn 79.000 USD/năm), theo báo Lao Động.
Trong khi đó, ở Việt Nam, mức phạt mới cho hành vi vượt đèn đỏ với xe máy tối đa là 10 triệu đồng và với xe ô tô là 20 triệu đồng. So với thu nhập bình quân đầu người năm 2024 vào khoảng 4.500 USD/năm (112.500.000 đồng/năm, 7,7 triệu/tháng), theo báo Nhân Dân, mức phạt xe máy là 8,8% và xe hơi là 17,7% tổng thu nhập/năm.
Mức này cao hơn thu nhập trung bình tháng của người dân Việt Nam.
Như vậy, ở Việt Nam, “một năm mà tài xế bị chừng năm lỗi vi phạm thì xem như cả năm đi làm nhịn ăn, nhịn uống chỉ để đóng phạt mà thôi,” theo luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp tại TP HCM.
Luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC News Tiếng Việt rằng, về nguyên tắc, chế tài phải đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa nhưng phải ở mức hợp lý và tương xứng với thu nhập, không làm cho người vi phạm phải kiệt quệ kinh tế.
Nếu vì mục đích răn đe, phòng ngừa mà đưa ra mức phạt vượt quá sự chịu đựng của xã hội thì về lâu dài nó sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có việc “áp lực tài chính quá lớn khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, trầm cảm và mất niềm tin vào tính công bằng của pháp luật”.
Một vấn đề nữa là chế tài theo Nghị định 168 cần tham khảo nguyên tắc được quy định tại Luật Xử phạt Vi phạm Hành chính 2012 (sửa đổi 2020) và Điều 4 Nghị định 118/2021 hướng dẫn luật này.
Cụ thể, khoản 3, Điều 4 Nghị định 118 hướng dẫn Luật Xử phạt Vi phạm Hành chính quy định mức xử phạt phải căn cứ đầy đủ 3 yếu tố gồm tính chất, mức thu nhập và mức độ giáo dục, răn đe hợp lý của việc áp dụng phạt.
Theo đó, thì tùy vào mức độ mà có các mức phạt, đồng thời những vi phạm đơn giản thì có thể cảnh cáo.
Kẹt xe là do ý thức?
Vấn đề kẹt xe được hàng loạt các tờ báo trong nước ghi nhận cả sáng, trưa, chiều và tối.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Thành Lợi – phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM – cho biết sau khi áp dụng Nghị định 168, tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, ý thức đi đường của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, ông này thừa nhận “tình trạng kẹt xe, ùn ứ có phát sinh”.
“Khi nâng mức chế tài vi phạm giao thông từ nghị định 168, người dân không đi lên vỉa hè nên lòng đường đông đúc hơn, trong khi chiều rộng mặt đường vẫn vậy gây áp lực giao thông. Xe tập trung dưới lòng đường chờ đèn đỏ, khi đường không phình ngang thì phải kéo dài dòng ùn tắc,” ông Lợi nói.
Không chỉ không dám leo lề đường mà người dân cũng không dám rẽ phải khi đèn đỏ. Điều này càng khiến cho kẹt xe trầm trọng hơn.
Một trong những chủ đề được thảo luận nhiều là hiện tượng đèn giao thông bất thường, như đèn đỏ bất thình lình chuyển sang đèn xanh, hoặc đèn xanh chỉ có 2 giây trong khi đèn đỏ tới 100 giây khiến các lái xe không ai dám đi khi đèn chuyển xanh.
Đèn tín hiệu giao thông, theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, kể từ ngày 1/1/2025 sẽ do lực lượng công an điều khiển.
Tuy nhiên, việc quản lý, điều khiển còn nhiều vấn đề. Báo chí trong nước đưa tin, có lần tại giao lộ Võ Nguyên Giáp – Đỗ Xuân Hợp ở Thủ Đức, một người đàn ông trong trang phục GrabBike đang đứng điều khiển tủ đèn giao thông.
Nhà chức trách đã xác minh danh tính người đàn ông này, nhưng thông tin từ cảnh sát giao thông cho thấy tủ đèn điều khiển không có chìa khóa. Mức phạt cho hành động tự ý điều chỉnh đèn này là từ 3-5 triệu đồng.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đang kiểm tra thống đèn tín hiệu giao thông trên toàn quốc để “kiến nghị thay thế, sửa chữa những cụm đèn hư hỏng, lỗi”.
Các thông tin từ truyền thông trong nước cho thấy TP Hồ Chí Minh dự kiến lắp đặt 1.900 đèn tín hiệu giao thông và đèn rẽ phải ở TP Hồ Chí Minh.
Hà Nội, trong khi đó, cũng vừa hoàn thành việc lắp đặt 66 nút đèn tín hiệu giao thông với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng từ ngân sách.
Ngay cả chuyện nhường đường cho xe cứu thương cũng trở thành một vấn đề. Theo phản ánh của giới tài xế xe hơi, mức phạt vượt đèn đỏ lên tới 18-20 triệu đồng, trong khi nếu không nhường đường cho xe cứu thương, họ chỉ bị phạt 6-8 triệu đồng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, mới đây nói rằng người dân có thể vượt đèn đỏ để nhường đường mà không bị xử phạt hành chính.
Theo ông Hà, vấn đề đã được quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp lái xe vẫn bị phạt, thì đó là do “người thực thi nhiệm vụ đã làm sai”, theo ông Hà. Tuy nhiên, lập luận của người lái xe là trong trường hợp bị phạt nguội, nếu camera không ghi lại hình ảnh xe cấp cứu mà chỉ có hình ảnh xe vượt đèn đỏ thì lái xe khó biện minh.
Kẹt xe cũng khiến cho người dân nhận thấy không chỉ thời gian di chuyển lâu hơn rất nhiều, mà thời gian đặt các chuyến xe công nghệ từ các hãng như Grab hay Be cũng lâu gấp bội.
Lý do được đưa ra là nhiều tài xế đã “tắt app”, nghỉ chạy vì tắc đường, và “bị phạt hết tiền”, theo phản ánh của báo Người Lao động.
Trong hai tuần đầu, trên cả nước, cảnh sát giao thông đã xử lý 174.653 trường hợp vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp, tạm giữ 955 ô tô, 49.649 xe gắn máy, trừ điểm 12.691 giấy phép lái xe, theo Cục Cảnh sát giao thông.
Tại TP HCM, công an cho biết họ đã xử phạt khoảng 80 tỷ đồng sau 2 tuần.
Ở Hà Nội, số tiền phạt giao thông thu được là 30,5 tỷ đồng sau nửa tháng.
Còn trên cả nước, chỉ riêng ngày đầu tiên, đã có hơn 13.000 người bị phạt, số tiền thu được là 28 tỷ đồng, và trong tuần đầu tiên, từ 1/1 đến 6/1, nộp kho bạc nhà nước 187 tỷ đồng, theo báo chí trong nước.
Trong năm 2024, Quốc hội đã thông quy một nghị quyết phân bổ 85% nguồn thu xử phạt giao thông trong năm 2023, tương ứng 5.307 tỷ đồng, cho Bộ Công an.
Bộ Công an cũng đang soạn thảo một nghị định theo đó họ sẽ được hưởng 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và 30% từ đấu giá biển số xe, theo báo Dân Trí.
Thủ tục rút gọn có đúng?
Một câu hỏi nữa được giới luật sư bàn luận là tính hợp pháp của Nghị định 168/2024; cụ thể ngày ban hành là 26/12/2024, ngày có hiệu lực là 1/1/2025, chỉ 5 ngày, trong khi quy định là 45 ngày.
Cục Cảnh sát giao thông giải thích đó là thủ tục rút gọn, được ban hành để cùng có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, cùng ngày có hiệu lực của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điều 146 của Luật ban hành quy phạm văn bản pháp luật quy định ba trường hợp về thủ tục rút gọn:
Thứ nhất là các trường hợp khẩn cấp hay cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản mới được ban hành, hay trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba là trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook cá nhân rằng, có thể theo Cục Cảnh sát giao thông, Nghị định 168/2024 được ban hành theo khoản 3 Điều 146 của Luật ban hành quy phạm văn bản pháp luật quy định.
Tuy nhiên, giải thích này thỏa đáng hay chưa thì còn cần xem xét, phân tích dựa trên các quy định hiện hành.
Theo Luật sư Hải, cần phải xem Nghị định 168/2024 là một nghị định nhằm sửa đổi một hoặc một số nghị định khác hay là một nghị định mới nhằm quy định chi tiết một luật mới (để xem có đáp ứng quy định khoản Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không).
Cần xem Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có những quy định nào nhằm tăng mức xử phạt những vi phạm giao thông không để là căn cứ Nghị định 168 phải quy định tăng mức phạt cho phù hợp?
Cuối cùng, cần xem trình tự ban hành Nghị định 168/2024 có đúng theo thủ tục rút gọn được quy định từ điều 146 đến điều 149 và điều 151 khoản 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015- 2020 hay không? Trước khi Cục Cảnh sát giao thông thông tin rằng nghị định này được ban hành theo thủ tục rút gọn, có thông tin nào, văn bản nào công khai, quy định về việc đó, kể cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trước ngày ban hành Nghị định 168/2024) yêu cầu ban hành nghị định này theo thủ tục rút gọn hay không?
Nguồn hình ảnh,Getty Images
Trong rất nhiều luồng phản ứng, một số đã bị cơ quan công an xử lý do “có hành vi xuyên tạc, chống phá Nghị định 168” khi đăng ý kiến của mình trên mạng xã hội.
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin chuyện một người đàn ông sinh năm 1985 ở Bình Dương bị công an phạt năm triệu đồng hôm 20/1.
Trước đó, một người khác, sinh năm 1973, ở Hà Nội, cũng bị xử phạt 7,5 triệu đồng sau khi đăng trên Facebook cá nhân các bình luận về nghị định này.
“Luật ra thì phải chấp hành”, tài xế Tấn Nguyễn nói, nhưng anh vẫn muốn kiến nghị sửa đổi nghị định Nghị định 168/2024.
“Chỉ muốn làm sao bây giờ nhà nước sửa đổi một tí cái luật này, chẳng hạn chia ra làm ba giai cấp, thương gia, trung bình, yếu kém gì đó. Mức phạt đó phải đối với công nhân lao động thì phải tương xứng như thế nào. Như tụi em dân thường, đi lao động ở trọ mà mức phạt đấy thì đúng nhiều người phải bỏ về quê. Bây giờ mình không muốn mang nợ nần nhưng sau này lỡ có xảy ra chuyện gì mình mang nợ nần lại sinh ra trộm cắp…”
BBC (22.01.2025)
Người biểu tình chống nhà máy Formosa ra tù trước thời hạn 21 tháng
Bà Trần Thị Xuân được trả tự do sớm 21 tháng so với bản án chín năm tù giam về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
Bà Trần Thị Xuân trong ngày trở về nhà (17/01/2025) (Fb Trần Tiến/RFA edited)
Bà Trần Thị Xuân, người tích cực tham gia việc phản đối nhà máy thép Formosa xả thải ra biển miền Trung hồi năm 2016, được trả tự do vào ngày 17/1 vừa qua, sớm 21 tháng so với bản án chín năm tù giam với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Thông tin trên được người thân của bà Xuân xác nhận với RFA trong ngày 21/1, tuy nhiên, bà vẫn còn phải thi hành án quản chế năm (05) năm kể từ ngày rời khỏi nhà tù.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC ) cho biết bà Xuân là một trong những thành viên chủ chốt của tổ chức đấu tranh dân chủ và quyền con người:
“Chị Xuân là thành viên chính thức của Hội Anh em Dân chủ, được hội bầu làm phó đại diện tại khu vực miền Trung. Chị ấy là người tích cực trong phong trào giáo dân biểu tình phản đối việc Formosa gây ô nhiễm môi trường cũng như đòi bồi thường cho các nạn nhân.”
Phóng viên không thể liên lạc được với bà Xuân để hỏi thêm về trường hợp của bà và lý do vì sao bà được trả tự do trước thời hạn.
Bà Xuân, sinh năm 1976, là trưởng ban thanh niên của giáo xứ Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Cáo trạng cho biết bà Xuân tham gia biểu tình ở trụ sở UBND huyện Lộc Hà vào ngày 3/4/2017, cầm micro hô hét khẩu hiệu, kích động người dân đập phá tài sản, gây mất trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của UBND huyện trong nhiều giờ.
Tuy nhiên, thời điểm đó, người dân cho RFA biết hàng ngàn người biểu tình tràn vào chiếm Ủy ban Nhân dân huyện trong vài giờ, đòi quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường và yêu cầu chính quyền giải quyết vụ công an nổ súng và đánh đập người dân vào đêm hôm trước.
Bà Xuân là thành viên chủ chốt thứ ba của HAEDC được phóng thích trước thời hạn, hai người trước đó là ông Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà bị đưa từ nhà tù sang Đức vào tháng 6/2018.
Ông Phạm Văn Trội, cựu chủ tịch hội, mãn hạn tù bảy năm vào ngày 30/7/2024. Hiện còn các ông Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Trực, và Nguyễn Văn Túc đang thi hành án tù từ 12 đến 13 năm.
Một cựu thành viên của HAEDC là ông Nguyễn Bắc Truyển cũng được đưa từ nhà tù sang Đức hồi năm 2023 khi đã ở tù hơn 6 năm so với bản án 11 năm tù giam.
RFA (21.01.2025)