Mục lục
Financial Times : Trung cộng đang xây dựng trung tâm chỉ huy quân sự lớn nhất thế giới
Tờ Financial Times của Anh hôm 31/1 đưa tin, dẫn lời một số quan chức hiện tại và trước đây của Mỹ, rằng có những dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) đang xây dựng một trung tâm chỉ huy quân sự khổng lồ ở phía tây Bắc Kinh, có thể là lớn nhất thế giới và có quy mô gấp 10 lần Ngũ Giác Đài của Mỹ.
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tại Hồng Kông năm 2017. (Nguồn ảnh: DALE DE LA REY / AFP qua Getty Images)
Hình ảnh vệ tinh mà Financial Times thu được cho thấy, có một công trường diện tích khoảng 1.500 mẫu Anh (khoảng 607 ha) cách Bắc Kinh 30 km về phía Tây Nam. Những hố sâu này sẽ chứa các boongke kiên cố cỡ lớn, nhằm bảo vệ giới lãnh đạo quân đội Trung cộng trong bất kỳ cuộc xung đột nào – bao gồm cả một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng.
Hoạt động xây dựng chính ở đó bắt đầu vào giữa năm 2024, theo đánh giá về hình ảnh vệ tinh mà Financial Times thu được. Một số nhà phân tích tình báo đã gọi dự án này là “Thành phố quân sự Bắc Kinh”, 3 người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Việc xây dựng diễn ra khi Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTH phát triển các dự án và vũ khí mới trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2027. Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ra lệnh cho quân đội trang bị năng lực cho khả năng xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực vào năm 2027. Quân đội của ĐCSTH cũng đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình và nỗ lực tích hợp tốt hơn các thành phần khác nhau của mình. Các chuyên gia quân sự cho rằng so với quân đội Mỹ, một trong những điểm yếu lớn nhất của quân đội ĐCSTH là thiếu sự tích hợp.
Ông Dennis Wilder, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề Trung cộng tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và cựu Trợ lý Phó giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của CIA, nói với tờ Financial Times:
“Nếu được xác nhận, boongke chỉ huy ngầm tiên tiến mới, được xây dựng để phục vụ giới lãnh đạo quân đội, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, người đứng đầu Quân ủy Trung ương, cho thấy rằng Bắc Kinh không chỉ có ý định xây dựng một lực lượng thông thường đẳng cấp thế giới mà còn hướng tới việc phát triển năng lực tác chiến hạt nhân tiên tiến.”
Giám đốc tình báo quốc gia, cơ quan giám sát cộng đồng tình báo Mỹ, không bình luận về dự án.
Tòa đại sứ ĐCSTH tại Mỹ cho biết họ “không biết chi tiết” nhưng nhấn mạnh rằng Trung cộng “cam kết đi theo con đường phát triển hòa bình và chính sách phòng thủ quốc gia”.
Ông Renny Babiarz, cựu nhà phân tích hình ảnh của Cục Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia Mỹ (NGA), đã từng phân tích các hình ảnh của khu vực này. Theo ông, ít nhất 100 cần cẩu đang phát triển cơ sở hạ tầng ngầm trên diện tích 5 km2. Ông Babiaz, hiện là phó chủ tịch phân tích và vận hành tại AllSource Analysis, một nhóm dịch vụ phân tích không gian địa lý, nói thêm: “Phân tích hình ảnh chỉ ra rằng nhiều cơ sở ngầm có thể đã được xây dựng và kết nối với nhau bằng các lối đi ngầm có thể, nhưng vẫn còn cần nhiều dữ liệu và thông tin hơn để đánh giá đầy đủ hơn các công trình xây dựng này.”
Theo báo cáo, hồi đầu tháng này, cảnh xây dựng nhộn nhịp tại khu vực dự án ở phía tây Bắc Kinh, trái ngược hoàn toàn với tình trạng đình trệ của hầu hết các dự án bất động sản lớn tại Trung cộng do cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản. Ở đó không có showroom thường gắn liền với các dự án bất động sản thương mại. Không giống như các dự án thương mại, không có thông tin chính thức bằng tiếng Trung cộng về địa điểm xây dựng trên Internet.
Mặc dù không có sự hiện diện rõ ràng của quân đội tại hiện trường nhưng vẫn có biển cảnh báo cấm sử dụng máy bay không người lái hoặc chụp ảnh. Người bảo vệ ở một cổng đột nhiên nói không được vào và từ chối nói về dự án. Một người giám sát đã rời công trường từ chối bình luận về dự án. Lối đi đến mặt sau của dự án bị chặn bởi một trạm kiểm soát. Một nhân viên bảo vệ cho biết, công chúng không được phép vào khu vực đi bộ đường dài và không được phép vào khu tham quan nổi tiếng gần công trường. Một chủ cửa hàng địa phương mô tả nơi này là “khu vực quân sự”.
Một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết, mặc dù trụ sở hiện tại của quân đội ĐCSTH ở trung tâm thành phố Bắc Kinh còn khá mới, nhưng nó không được thiết kế để trở thành một trung tâm chỉ huy chiến đấu an toàn. Vị cựu quan chức cho biết: “Trung tâm chỉ huy an ninh chính của ĐCSTH ở Tây Sơn, phía đông bắc của cơ sở mới và được xây dựng cách đây hàng thập kỷ vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Diện tích, quy mô và một số đặc điểm bị chôn vùi (thiết kế ngầm dưới mặt đất) của cơ sở mới cho thấy nó sẽ thay thế khu phức hợp Tây Sơn trở thành cơ sở chỉ huy chiến tranh chính trong tương lai.”
Cựu quan chức tình báo nói thêm: “Các nhà lãnh đạo ĐCSTH có thể đánh giá rằng cơ sở mới sẽ an toàn hơn trước các loại đạn ‘phá hầm’ của Mỹ và thậm chí cả vũ khí hạt nhân. Nó cũng có thể sử dụng thông tin liên lạc tiên tiến và an toàn hơn, đồng thời cung cấp không gian cho việc mở rộng năng lực và nhiệm vụ của quân đội của ĐCSTH.”
Một nhà nghiên cứu Trung cộng quen thuộc với những hình ảnh này cho biết, căn cứ này có “tất cả dấu hiệu của một cơ sở quân sự nhạy cảm”, bao gồm bê tông cốt thép hạng nặng và các đường hầm chôn sâu dưới lòng đất. Nhà nghiên cứu này cho biết:
“Nó lớn hơn Ngũ Giác Đài gần 10 lần và trùng khớp với tham vọng vượt qua Mỹ của ông Tập Cận Bình. Pháo đài này chỉ có một mục đích duy nhất là làm hầm trú ẩn ngày tận thế cho quân đội ngày càng phức tạp và lớn mạnh của Trung cộng.”
Theo báo cáo, dự án được thực hiện trong quá trình tái thiết kéo dài nhiều năm ở vùng ngoại ô phía tây Bắc Kinh. Nhưng trên mạng ở Trung cộng, người ta đang suy đoán về lý do tại sao những ngôi nhà ở khu vực hồ Thanh Long lại bị san bằng.
Một người dùng đã đăng trên Baidu Knows: “Họ định xây dựng Ngũ Giác Đài của Trung cộng ở Hồ Thanh Long phải không?”, “Họ sắp xây dựng Ngũ Giác Đài của Trung cộng ở Hồ Thanh Long?”
Hai người thân cận với Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng cho biết quân đội ĐCSTH dường như đang xây dựng một trung tâm chỉ huy mới, nhưng một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu khu vực này có thích hợp làm hầm ngầm hay không.
Trí Đạt (theo Financial Times , RFI)
Trithucvn (01.02.2025)
Gần 2.900 ha rạn san hô bị hủy diệt ở Biển Đông; Trung cộng, Việt Nam phá nhiều nhất
CSIS công bố biểu đồ về sự tàn phá rạn san hô ở Biển Đông, 30/1/2025.
Đến nay, Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Đài Loan tàn phá rất nhiều rạn san hô với tổng diện tích lên đến gần 7.200 mẫu Anh – xấp xỉ 2.900 hectare – ở Biển Đông với việc nạo vét và bồi đắp những thực thể nhân tạo để củng cố các yêu sách chủ quyền, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ cho biết hôm 30/1.
Biểu đồ kèm theo một bài được CSIS đăng trên trang web của trung tâm cho thấy Trung cộng và Việt Nam là hai thủ phạm chính, phá đến 98% số diện tích nêu trên.
Trong đó, kể từ năm 2013, Trung cộng hủy hoại nhiều nhất, tới 65%, tức gần 1.900 ha. Việt Nam đứng thứ nhì với diện tích mà nước này gây thiệt hại là 33%, tức gần 956 ha, bằng một nửa của Trung cộng. Nhiều hoạt động nạo vét và bồi đắp của Việt Nam đã diễn ra vào đầu năm 2024.
VOA liên lạc với hai bộ ngoại giao của Việt Nam và Trung cộng để tìm hiểu phản ứng của họ về bài đăng của CSIS, nhưng không kết nối được.
CSIS nói rằng thống kê của họ dựa trên việc phân tích hình ảnh vệ tinh, do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS thực hiện.
Ba tác giả của bài đăng là thành viên của AMTI, gồm Harrison Pretat, Phó Giám đốc kiêm nhà nghiên cứu; Monica Sato, chuyên viên nghiên cứu; và Gregory Poling, Giám đốc kiêm nhà nghiên cứu cao cấp.
Theo tìm hiểu của VOA, mức độ tàn phá được thống kê mới đây đã tăng thêm 16% và có bàn tay của Việt Nam nhiều hơn so với 1 năm trước. Khi đó, AMTI cho hay diện tích rạn san hô bị hủy hoại do việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là hơn 2.500 ha, hay 6.200 mẫu Anh; trong đó, 75% là do Trung cộng gây ra.
Hoạt động bồi đắp, tạo dựng các thực thể nhân tạo của Trung cộng, Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với môi trường sống ở biển, cũng như làm thay đổi về dài hạn tới cấu trúc và sự lành mạnh của các rạn san hô, bài đăng hôm 30/1 của CSIS có đoạn.
Trong cùng bài này, CSIS nói thêm rằng điều đó làm cho cộng đồng quốc tế lên tiếng kêu gọi phải có hành động pháp lý đối với những hoạt động hủy hoại môi trường. Trong tháng 1 này, Manila công bố kế hoạch sẽ khiếu nại pháp lý lần thứ hai nhằm vào Bắc Kinh về việc hủy hoại môi trường trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, là tổ chức tư nhân tập trung vào các vấn đề chính sách công quốc tế. Họ lưu ý rằng nghiên cứu của họ không mang tính đảng phái và không độc quyền. Họ cũng không đứng về một quan điểm chính sách cụ thể nào.
VOA (31.01.2025)
Phi Luật Tân tuyên bố sẽ trả tên lửa Typhon cho Mỹ nếu Trung cộng ngừng gây hấn ở Biển Đông
Hôm nay, 30/01/2025, tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố Manila sẽ trả Hoa Kỳ hệ thống tên lửa Typhon được gửi đến nước này, nếu Trung cộng chấm dứt các hành động gây hấn, từ bỏ các yêu sách chủ quyền đối với Phi Luật Tân tại Biển Đông.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Quezon City, Phi Luật Tân, ngày 22/07/2024. REUTERS – Lisa Marie David
Trả lời báo giới trong chuyến thăm thành phố Cebu, lãnh đạo Phi Luật Tân nhấn mạnh: “Chúng ta hãy đề nghị một thỏa thuận với Trung cộng: Nếu Bắc Kinh không còn đòi chủ quyền, chấm dứt các hành động quấy rối ngư dân, ngừng đâm vào thuyền của Phi Luật Tân, ngừng phun vòi rồng, bắn tia laser, chấm dứt các hành vi hung hăng…, thì tôi sẽ gởi trả hệ thống tên lửa Typhon cho Hoa Kỳ.”
Washington đã gửi hệ thống tên lửa Typhon đến miền bắc Phi Luật Tân vào năm ngoái trong khuôn khổ cuộc tập trận chung thường niên. Theo AFP, quân đội Phi Luật Tân đã được huấn luyện để sử dụng loại tên lửa “mạnh hơn nhiều” so với vũ khí của quốc đảo này. Manila được cho là có kế hoạch mua vũ khí này để bảo vệ các lợi ích hàng hải của nước này trước các đe dọa từ Trung cộng.
Theo tờ Manila Times, thông báo của ông Marcos Jr. được đưa ra sau khi Trung cộng yêu cầu chính phủ Phi Luật Tân dời các bệ phóng tên lửa, được cho là đã được chuyển đến một khu vực khác ở Luzon.
Theo AFP, Trung cộng đã nhiều lần bày tỏ phẫn nộ trước sự hiện diện của vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Phi Luật Tân, cảnh báo Manila “kích động xung đột địa chính trị và chạy đua vũ trang” trong khu vực.
Manila và Washington đã ký hiệp ước phòng thủ chung và những căng thẳng ở Biển Đông gần đây làm dấy lên lo ngại rằng quân đội Hoa Kỳ có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Trung cộng tại khu vực này.
RFI (30.01.2025)
DeepSeek nói gì về Biển Đông?
Không nhiều. Công cụ AI của Trung cộng muốn tránh xa chủ đề “nhạy cảm” này.
Logo của ứng dụng DeepSeek (Florence Lo/Reuters)
DeepSeek – mô hình trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở do Trung cộng tự phát triển và chatbot có sự hỗ trợ của AI vừa ra mắt của mô hình này đang làm dậy sóng thị trường công nghệ toàn cầu, khiến giá cổ phiếu của các công ty Mỹ giảm mạnh.
Nhưng liệu DeepSeek có tốt đến thế trong các đề tài mà Đài Á Châu Tự Do thường phản ánh? Chúng tôi quyết định kiểm tra kiến thức về Biển Đông của mô hình này.
“Biển Đông là gì?”
Câu trả lời xuất hiện gần như ngay lập tức: “Biển Đông là một biển cận biên, một phần của Thái Bình Dương. Biển này bao gồm một khu vực tính từ các eo biển Singapore và Malacca đến eo biển Đài Loan”.
Mọi thứ đều có vẻ tốt.
Chatbot tiếp tục giải thích rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “tuyên bố chủ quyền đối với một phần lớn của vùng biển này trong cái gọi là “Đường chín đoạn” và tuyên bố này bị các nước khác trong khu vực phản đối và “không được luật pháp quốc tế công nhận, đặc biệt là sau phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực ở Lahay. Tòa này kết luận rằng tuyên bố chủ quyền của Trung cộng là không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).”
Nhưng câu trả lời này đã biến mất gần như ngay lập tức và nhường chỗ cho một mẫu trả lời soạn sẵn: “Xin lỗi, điều này vượt quá phạm vi hiện tại của tôi. Chúng ta hãy nói về cái gì đó khác!”
Chúng tôi đã hỏi thêm một số câu hỏi về Biển Đông, chẳng hạn như “Trung cộng có bao nhiêu đảo nhân tạo?”, “Bãi Cỏ Mây ở đâu?” và “Điều gì đang xảy ra giữa Trung cộng và Phi Luật Tân ở Biển Đông?”
Chatbot tiếp tục nhấn mạnh rằng trợ lý ảo này “không rõ làm thế nào để tiếp cận/trả lời loại câu hỏi này”đồng thời liên tục gợi ý người dùng: “Thay vì đó, hãy trò chuyện về các vấn đề toán học, mã hóa (coding) và logic!”
“Tôi không ngạc nhiên” – ông Greg Poling, một nhà phân tích biển thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington nói.
“Tôi không thể nói rằng mình là một chuyên gia về học máy nhưng tôi đoán là DeepSeek sẽ né tránh tất cả các chủ đề được xem là “nhạy cảm” ở Trung cộng” – ông Poling nói.
“Hãy thử hỏi về Tây Tạng!” – nhà phân tích này gợi ý về hỏi về khu vực được nhiều người biết đến bởi những tranh chấp chủ quyền và quyền tự trị.
Kayla Blomquist, giám đốc Nhóm Nghiên cứu Chính sách Trung cộng tại Đại học Oxford (Oxford China Policy Lab), nói với đài BBC rằng cho đến tận gần đây, chính phủ Trung cộng đã tương thả lỏng sự kiểm soát đối với ứng dụng DeepSeek nhưng điều đó có thể thay đổi cùng với thông báo về một khoản đầu tư lớn của chính quyền trung ương Trung cộng vào tuần trước.
DeepSeek trả lời các câu hỏi về Biển Đông (RFA)
Kiểm duyệt chính trị
Được phát triển bởi một công ty Trung cộng ở thành phố Hàng Châu thuộc vùng Đông Nam Trung cộng, ứng dụng DeepSeek có khả năng chịu sự điều chỉnh của các quy định của Trung cộng, trong đó có những luật lệ liên quan đến nội dung, quyền riêng tư dữ liệu và những kiểm duyệt gắt gao về mặt chính trị.
Người sử dụng phản ảnh gặp khó khăn trong việc lấy thông tin về các chủ đề nhạy cảm như biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 hoặc vấn đề độc lập của Đài Loan.
Biển Đông là một vấn đề địa chính trị phức tạp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, căng thẳng quân sự và các tuyên bố chủ quyền mang tính xung đột giữa các quốc gia ven biển này, trong đó có Trung cộng. Các nhà phân tích cho biết vì tuyến đường thủy này là một trong những lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh nên nó cũng được các nhà kiểm duyệt nước này liệt vào hạng mục “rất nhạy cảm”.
Vì DeepSeek muốn duy trì việc tiếp cận với thị trường Trung cộng, họ sẽ tìm cách tuân thủ các quy định của chính phủ Trung cộng ngay cả ở nước ngoài – các nhà phân tích cho biết.
Hoạt động tương tự như ChatGPT – ứng dụng có sự hỗ trợ của AI của Mỹ, DeepSeek được cho là đã được phát triển với lượng chi phí chỉ bằng một phần nhỏ chi phí của ChatGPT. Ngoài ra, ứng dụng này miễn phí với hầu hết người sử dụng.
Nhưng ở giai đoạn phát triển này, liệu DeepSeek có thể là một thách thức lớn đối với OpenAI, nhà phát triển của ChatGPT? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này đối với ChatGPT và nhận được câu trả lời khá hào hiệp:
“Hoàn toàn không! DeepSeek và tôi có những mục đích và cách tiếp cận khác nhau. Các công cụ như DeepSeek có thể chuyên về một lĩnh vực nào đó khác hoàn toàn, ví dụ như tìm kiếm dữ liệu nâng cao hoặc các nhiệm vụ kỹ thuật cụ thể” – chatbot của OpenAI trả lời. “Hãy nghĩ điều này như cách làm việc nhóm thay vì sự cạnh tranh”.
RFA Staff, Mike Firn biên tập
RFA (28.01.2025)
Duy trì an ninh trên biển: Việt Nam tham gia khóa tập huấn do Mỹ và Phi Luật Tân tổ chức
Trong hơn mười ngày, từ 13 đến 24/01/2025, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, cục Điều tra chống Buôn lậu của Hải quan Việt Nam, cục Kiểm ngư Việt Nam đã cử người tham dự khóa tập huấn thực thi pháp luật hàng hải SEATT, do Mỹ và Philippine phối hợp tổ chức, tại thành phố Davao, đảo Mindanao, miền nam Phi Luật Tân. Tham gia tập huấn còn có Cảnh sát Biển Nam Dương. Biên phòng Úc cử quan sát viên.
Một sĩ quan trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 đã quay phim tàu Cảnh sát biển Trung cộng 3411 đang di chuyển trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, ngày 15/05/2014. AP – Hau Dinh
Theo thông báo của Tòa đại sứ Mỹ tại Phi Luật Tân, các chủ đề tập huấn bao gồm luật pháp hàng hải, thu thập và bảo quản các bằng chứng, bảo đảm an toàn và giảm thiểu rủi ro, và các kỹ thuật bắt giữ trên biển. Các học viên tập huấn trên thực địa tại vịnh Davao.
Khóa đào tạo do cục Chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ, với sự tham gia của các giảng viên Tuần duyên Phi Luật Tân, được đào tạo tại Mỹ, và các giảng viên của Tuần duyên Mỹ và của lực lượng Cảnh sát Việt Nam. Tòa đại sứ Mỹ nhấn mạnh, lần đầu tiên Việt Nam cử một giảng viên tham gia khóa đào tạo SEATT.
Chuẩn tướng Rejard V. Marfe, chỉ huy Tuần duyên khu vực Đông Nam Mindanao, cho biết : « Chuyên môn, các nguồn lực và sự hướng dẫn của phía Mỹ là vô cùng quý giá trong việc bảo đảm cho chúng tôi được trang bị tốt hơn, đối phó với các đe dọa trên biển », « duy trì khu vực hòa bình, an toàn và thịnh vượng cho tất cả ».
Tuyên bố nói trên không trực tiếp nhắc đến tên Trung cộng, nhưng theo báo chí Phi Luật Tân, « Trung cộng đang tăng cường lực lượng Hải quân trong những năm gần đây, mở rộng phạm vi hoạt động tại Thái Bình Dương, thách thức liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu ». Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã triển khai nhiều tàu Hải quân và Hải cảnh trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, ngăn chặn tàu thuyền nước này tiếp cận các rạn san hô và đảo, có tầm quan trọng chiến lược ở Biển Đông.
Hồi tháng 10/2024, Hà Nội đã cáo buộc Trung cộng tiến hành một cuộc tấn công « tàn bạo » nhắm vào một tàu cá Việt Nam, hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Trong vụ này, theo phía Việt Nam, 10 ngư dân Việt Nam đã bị lực lượng chấp pháp Trung cộng đánh đập bằng gậy sắt, khiến nhiều người trọng thương, phá phách và cướp đi trang thiết bị và hải sản trị giá hàng nghìn đô la.
Cũng trong tháng 10, Nam Dương cho biết đã phải ba lần trong một vòng tuần lễ xua đuổi một tàu Hải cảnh Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương, gần đảo Natuna ở cực nam Biển Đông, cách đảo Hải Nam Trung cộng gần 2.000 km.
RFI (27.01.2025)
Việt Nam, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ và Nam Dương huấn luyện hợp tác thực thi pháp luật trên biển
Một cuộc diễn tập của tàu Phi Luật Tân và Hoa Kỳ trên Biển Đông. [Ảnh minh họa]
Các quan chức tuần duyên và nghề cá từ Việt Nam, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ và Nam Dương đã thực hành các kỹ thuật lên tàu và bắt giữ tại một khóa huấn luyện chung về thực thi pháp luật trên biển, Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Manila cho biết hôm 27/1.
Khóa học kéo dài hai tuần trên đảo Mindanao ở phía nam Phi Luật Tân là một phần trong nỗ lực của khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật trong khi lo ngại về xung đột trên biển với Trung cộng gia tăng.
Đã xảy ra nhiều vụ đụng độ hoặc đối đầu căng thẳng giữa các tàu của Phi Luật Tân và Trung cộng ở vùng Biển Đông, cũng như các sự cố gần đây liên quan đến tàu của Việt Nam và Nam Dương.
“Chúng tôi cùng nhau tái khẳng định cam kết đảm bảo rằng chủ quyền hàng hải của chúng tôi vẫn là một vùng hòa bình, an toàn và thịnh vượng cho tất cả mọi người”, Chỉ huy Lực lượng Tuần Duyên Phi Luật Tân Rejard V. Marfe nói trong một tuyên bố do Tòa đại sứ Hoa Kỳ công bố.
Ông Marfe gọi khóa đào tạo từ ngày 13 đến ngày 24 tháng 1 là “vô giá trong việc đảm bảo rằng chúng tôi được trang bị tốt hơn để giải quyết các mối đe dọa trên biển”, mặc dù tuyên bố không đề cập đến Trung cộng.
Theo tuyên bố, khóa huấn luyện bao gồm các nội dung về lên tàu an toàn trên biển, luật hàng hải, thu thập và bảo quản bằng chứng, an toàn và giảm thiểu rủi ro, cũng như các kỹ thuật bắt giữ.
Lực lượng Biên phòng Úc đã tham gia khóa huấn luyện cùng lực lượng tuần duyên, lực lượng thực thi hải quan và các quan chức giám sát nghề cá với tư cách là người quan sát.
Trong những năm gần đây, Trung cộng đã tăng cường lực lượng hải quân trong khi tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương và thách thức liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu.
Trong những tháng gần đây, Trung cộng đã triển khai các tàu hải cảnh và bảo vệ bờ biển để ngăn Phi Luật Tân tiếp cận các rạn san hô và đảo có tầm quan trọng chiến lược ở Biển Đông.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh về một cuộc tấn công “tàn bạo”, trong đó họ cho biết 10 ngư dân Việt Nam đã bị đánh bằng thanh sắt và bị cướp mất cá và thiết bị trị giá hàng nghìn đôla.
Và cùng tháng đó, Nam Dương cho biết họ đã xua đuổi một tàu bảo vệ bờ biển Trung cộng khỏi vùng biển tranh chấp ở Biển Đông ba lần trong một tuần.
VOA (27.01.2025)
Phi Luật Tân đình chỉ khảo sát ở Biển Đông sau khi bị Trung cộng ‘quấy nhiễu’
Đảo Thitu do Phi Luật Tân chiếm đóng nhìn từ trên cao, thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông, ngày 9 tháng 3 năm 2023.
Phi Luật Tân ngày thứ Bảy cho biết họ đã đình chỉ một cuộc khảo sát khoa học ở Biển Đông sau khi hai tàu đánh cá của họ đối mặt với “sự quấy nhiễu” và hành vi hung hăng từ hải cảnh và hải quân Trung cộng.
Manila và Bắc Kinh đã có một loạt các cuộc đối đầu leo thang ở vùng biển tranh chấp của Biển Đông. Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này – nơi 3 ngàn tỉ đôla khối lượng thương mại đi qua hàng năm – chồng lấn các yêu sách chủ quyền của Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Việt Nam.
Hai tàu đánh cá của Phi Luật Tân, hôm thứ Sáu đang trên đường đi thu thập mẫu cát từ bãi Sandy Cay gần đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân chiếm đóng, đã gặp phải “các thao tác hung hăng” từ ba tàu của lực lượng Hải cảnh Trung cộng, lực lượng Tuần duyên của Phi Luật Tân nói trong một phát biểu vào ngày thứ Bảy.
Trong phát biểu của riêng mình, Hải cảnh Trung cộng nói Trung cộng có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm cả Sandy Cay – mà Trung cộng gọi là Đá Thiết Tuyến – và rằng họ đã chặn hai tàu của Phi Luật Tân và đuổi đi theo luật pháp.
Hải cảnh Trung cộng nói các tàu của Phi Luật Tân đã xâm nhập vùng biển gần Đá Thiết Tuyến mà không được cho phép và tìm cách đổ bộ lên bãi san hô “bất hợp pháp” để thu thập mẫu cát.
Tòa đại sứ Phi Luật Tân tại Bắc Kinh và Tòa đại sứ Trung cộng tại Manila không phản hồi ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Trung cộng đã triển khai bốn tàu nhỏ từ các tàu hải cảnh lớn hơn của mình để “quấy nhiễu” hai tàu bơm hơi thân cứng do cục thủy sản triển khai để đưa nhân viên đến Sandy Cay, theo Tuần duyên Phi Luật Tân, là cơ quan hỗ trợ chuyến khảo sát khoa học này.
Một máy bay trực thăng của hải quân Trung cộng cũng bay lơ lửng ở “độ cao không an toàn” bên trên tàu Phi Luật Tân, cơ quan này cho biết.
Các hoạt động khảo sát đã bị đình chỉ “do hành vi quấy nhiễu liên tục này và sự coi thường an toàn của lực lượng hàng hải Trung cộng,” Tuần duyên Phi Luật Tân cho biết.
Manila và Bắc Kinh đã nhất trí trong một vòng đàm phán vào ngày 16 tháng 1 rằng sẽ tìm kiếm tiếng nói chung và tìm cách hợp tác bất chấp những bất đồng về tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông.
Một tòa án trọng tài quốc tế đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Trung cộng, dựa trên các bản đồ lịch sử của nước này, không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một phán quyết mà Bắc Kinh không công nhận.
VOA (25.01.2025)