Mục lục
Cao ủy Nhân quyền LHQ kêu gọi Việt Nam không can thiệp quyền tự do của người dân
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo và xã hội dân sự độc lập được tự do thực hiện các quyền tự do quan điểm, quyền lập hội và nhóm họp ôn hòa mà không có sự can thiệp hay hạn chế quá đáng của nhà nước.
Ông Turk đưa ra đề nghị này trong bức thư gửi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 20/1, như là một thủ tục theo quy trình sau phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam vào tháng 5/2024 và thông qua kết quả rà soát này vào tháng 9/2024.
Trong thư, ông Turk đánh giá những diễn biến tích cực của chính quyền Việt Nam trong thời gian qua như thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, và chống phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những mối quan ngại và đưa ra những góp ý nhằm giúp theo dõi hiệu quả việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận hồi tháng 9/2024.
“Việc rà soát của Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo, nhân viên truyền thông và xã hội dân sự độc lập được tự do thực hiện các quyền của mình về tự do quan điểm và biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hoà mà không có sự can thiệp hoặc hạn chế của nhà nước”, theo bức thư được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố hôm 30/1.
“Việt Nam được khuyến nghị tiếp tục tăng cường hợp tác với cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và nỗ lực phê chuẩn các văn bản pháp luật về dân sự và quyền chính trị, hình phạt tử hình, tra tấn và trừng phạt tàn ác và vô nhân đạo, và bảo vệ người dân khỏi sự mất tích cưỡng bức”, bức thư viết.
Ông lưu ý rằng việc quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia, phù hợp với các nguyên tắc liên quan đến địa vị của các cơ quan quốc gia về nhân quyền (còn gọi là Nguyên tắc Paris).
“Việt Nam được kêu gọi dỡ bỏ những trở ngại đối với quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và giải quyết mọi hành vi phân biệt đối xử và bạo lực đối với các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số”, ông Turk bày tỏ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về bức thư nêu trên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa được trả lời.
Hồi tháng 9/2024, chính quyền Việt Nam tuyên bố nước này chấp nhận 271 khuyến nghị trong số 320 khuyến nghị đã được các nước đưa ra tại kỳ rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
Sau tuyên bố này, các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Theo dõi Nhân quyền (HRW), bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc” vì nhiều nội dung trong số 49 điểm khuyến nghị bị Việt Nam từ chối có liên quan trực tiếp tới các nhà bảo vệ nhân quyền, trong đó có một số khuyến nghị kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ vì họ thực hành các quyền cơ bản của mình.
Ngoài ra, Việt Nam cũng bác bỏ các khuyến nghị về việc sửa đổi các điều luật có tính chất vi phạm nhân quyền như Điều 117 (về tội tuyên truyền chống nhà nước) và Điều 331 (về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ) của Bộ luật Hình sự, là các điều luật mà HRW cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng để dập tắt các tiếng nói chỉ trích.
VOA (01.02.2025)
Tại sao chế độ Cộng sản “ác cảm” với tôn giáo?
Tín đồ theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đòi quyền tự do tôn giáo (RFA)
Ngày 30/01/2025, theo RFA, Tổ chức Liên đới Kitô giáo Toàn cầu (CSW) đã chỉ trích Việt Nam về vụ bắt giữ mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, 71 tuổi (1). Trước đó hai ngày, Đại đức Thích Nhật Phước đã bị chặn khi đi dự hội nghị tự do tôn giáo tại Mỹ. Tín đồ Tin Lành tại gia ở Đắk Lắk bị theo dõi sát sao. Tình hình này liệu Việt Nam có bị liệt vào vào danh sách CPC do tình trạng được cho là biểu hiện của “chủ nghĩa độc đoán, nhắm vào các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, và sự suy thoái toàn diện về quyền con người trên mọi phương diện” (2).
Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội của con người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mối quan hệ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là các nhóm tôn giáo độc lập, luôn là một vấn đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi. Các tổ chức nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF), đã nhiều lần chỉ trích chính phủ Việt Nam vì các chính sách hạn chế tôn giáo, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo” (CPC). Trong khi đó, chính quyền Việt Nam luôn luôn bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định rằng họ luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho công dân. Vậy tại sao chính quyền Việt Nam lại bị cho là có thái độ thù địch với tôn giáo? Cần phân tích rõ các nguyên nhân chính trị, xã hội, và pháp lý để giải thích hiện tượng này.
Căn nguyên sâu xa của xung đột
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã tiếp thu tư tưởng Marx – Lenin, trong đó coi tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân” và là trở ngại đối với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Nhà nước Việt Nam duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động tôn giáo, coi đó là một phần của chiến lược bảo vệ sự ổn định chính trị và duy trì quyền lực của Đảng.
Thật ra ngay từ đầu, quan điểm chính trị và ý thức hệ cộng sản luôn đối nghịch với mọi loại tôn giáo. Nhất là với sự phát triển khá phong phú trên giải đất chữ S của các loại hình tôn giáo khác nhau thì sự lo ngại anh hưởng của tôn giáo đối với xã hội nói chung ngày càng gia tăng. Lịch sử Việt Nam cho thấy tôn giáo không chỉ là vấn đề tín ngưỡng mà còn có thể trở thành lực lượng chính trị mạnh mẽ. Trong quá khứ, Phật giáo, Công giáo và các tổ chức tôn giáo khác đã từng có vai trò quan trọng trong các phong trào xã hội và chính trị.
Trên phương diện chính thống, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam từng nhiều lần khẳng định, lịch sử du nhập và phát triển một số tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình hình thành, dựng nước và phát triển đất nước hiện nay (3). Tuy nhiên, về thực chất, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018 của Việt Nam đặt ra nhiều quy định hạn chế các tổ chức tôn giáo độc lập (4). Theo báo cáo của USCIRF (năm 2024), chính quyền Việt Nam thường xuyên bắt giữ và sách nhiễu các tín đồ của các nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước, bao gồm Phật giáo Khmer Krom, Tin Lành của người Thượng, đạo Cao Đài, và các tổ chức khác. USCIRF cho rằng những chính sách này vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và đi ngược với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chính Sách Kiểm Soát Nhà Nước Đối Với Tôn Giáo ngày càng chặt chẽ (5). Hẳn nhiên, chính quyền Hà nội luôn đổ vấy cho các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam (6).
Trong khi đó, nếu đánh giá thật khách quan, tôn giáo không chỉ có ảnh hưởng tinh thần mà còn là yếu tố tạo cho cộng đồng có đời sống tâm linh mạnh mẽ. Các tổ chức tôn giáo có khả năng huy động lực lượng lớn, do đó có thể tạo ra các phong trào phản kháng xã hội. Tuy nhiên, ĐCSVN và chính quyền Việt Nam có xu hướng kiểm soát chặt chẽ các nhóm tôn giáo để ngăn chặn khả năng họ trở thành trung tâm của các phong trào bất đồng chính kiến. Theo Bộ Công an Việt Nam, các báo cáo của USCIRF là “sai lệch” và mang tính “vu cáo” (7). Trang thông tin của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đưa ra phản biện rằng Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và không được lợi dụng tôn giáo để gây rối trật tự công cộng. Chính quyền nhấn mạnh rằng chỉ có một số ít cá nhân lợi dụng tôn giáo để chống phá nhà nước, và các biện pháp xử lý là nhằm bảo vệ sự ổn định quốc gia.
Từ góc nhìn của chính quyền Hà Nội, hiện nay vẫn có hàng triệu tín đồ và hàng chục nghìn cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp. Chính quyền cũng viện dẫn, sự tồn tại của các tổ chức tôn giáo lớn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam như bằng chứng cho sự tự do tín ngưỡng. Mới đây nhất, trang báo điện tử của kênh chuyên bàn về vấn đề an ninh nội bốộ đã lên tiếng phản bác những nhận định sai lệch trong “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2024” của USCIRF. Hà Nội vẫn tiếp tục thanh minh, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với sự hiện diện của nhiều tôn giáo khác nhau. Chẳng qua là vì, có nhiều nhóm tôn giáo có quy mô nhỏ, thiếu cơ cấu tổ chức rõ ràng, hay những hội nhóm chủ yếu phục phụ cho các tín đồ người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vậy nên những nhóm này chưa được cấp đăng ký hoạt động. Việt Nam thường xuyên khẳng định hiện nay vẫn có hàng triệu tín đồ và hàng chục nghìn cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp (8).
Từ đàn áp công khai đến kiểm soát chặt chẽ
Dưới chính thể Việt Nam Công Hòa, sinh hoạt tôn giáo ở miền Nam rất sôi động (9). Trên miền Bắc, từ khi ĐCSVN lên nắm quyền từ năm 1954 đến nay, chính sách đối với tôn giáo đã trải qua nhiều biến đổi, từ giai đoạn đàn áp mạnh mẽ trước 1975 đến kiểm soát chặt chẽ giai đoạn từ 1976 đến nay. Thời kỳ này, đặc biệt tại miền Bắc, chính quyền tiến hành nhiều biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo. Các cuộc cải cách ruộng đất vào đầu những năm 1950 đã tịch thu tài sản của nhiều cơ sở tôn giáo, nhất là của Giáo hội Công giáo và các chùa Phật giáo lớn. Nhiều chức sắc tôn giáo bị bắt giữ hoặc buộc phải tham gia các phong trào do nhà nước kiểm soát. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, chính quyền tiếp tục chính sách kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo, đặc biệt là đối với Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài (10). Nhiều ngôi chùa, nhà thờ bị đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, hàng loạt chức sắc bị giam giữ hoặc theo dõi.
Từ Đổi mới năm 1986, chính quyền Việt Nam có phần nới lỏng các chính sách với tôn giáo, nhưng vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ. Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp lý, như Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, nhằm quản lý hoạt động của các tổ chức tôn giáo (11). Một số tổ chức tôn giáo không đăng ký với nhà nước vẫn bị đàn áp, điển hình như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tin Lành Đề Ga ở Tây Nguyên hay các hội thánh Tin Lành không theo hội thánh do nhà nước kiểm soát. Nhiều vụ bắt giữ, quản thúc tại gia các lãnh đạo tôn giáo như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Nguyễn Công Chính được các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án.
Hiện tại, Nhà nước Việt Nam tiếp tục áp dụng chính sách “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, nhưng thực chất vẫn hạn chế quyền tự do tôn giáo bằng các biện pháp hành chính và pháp lý trá hình, để thi hành chính sách kiểm soát tôn giáo như bắt mọi tổ chức tôn giáo phải đăng ký với chính quyền và chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền (12). Nhà nước cũng giới hạn các hoạt động tôn giáo, chỉ cho phép các hoạt động truyền giáo, hội họp tôn giáo, còn đi ra ngoài ngoài phạm vi cho phép đều bị coi là bất hợp pháp. Nhà nước cũng cản trở các chức sắc tôn giáo độc lập, các lãnh đạo tôn giáo có quan điểm “chệch hướng” với tôn giáo “quốc doanh”, thì thường bị cô lập, theo dõi hoặc bị ép từ bỏ vai trò lãnh đạo. Tuy có một số cải thiện trên phương diện pháp lý, nhưng tình trạng đàn áp tôn giáo vẫn còn tiếp diễn.
Nguy cơ Việt Nam bị đưa vào diện CPC?
Báo cáo mới nhất của USCIRF cho rằng, Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo thông qua các biện pháp đàn áp, bắt giữ, và kiểm soát tôn giáo chặt chẽ. USCIRF đã nhiều lần đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo” (CPC) do tình trạng “tụt lùi” về tự do tôn giáo. Báo cáo còn đánh giá mở rộng khi đề cập Việt Nam là một quốc gia độc đảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thống trị trong nhiều thập kỷ. (13).
Mới đây nhất, Chủ tịch USCIRF Stephen Schneck ngày 12/12/2024 tuyên bố: “Chính quyền đã kết án năm nhà sư Phật giáo Khmer Krom mức án tù từ hai đến sáu năm, phá vỡ các buổi lễ cầu nguyện và tang lễ của những tín đồ Cao Đài độc lập, và tiếp tục buộc những người Tin lành người Thượng ở vùng cao nguyên miền Trung phải từ bỏ đức tin của họ. Hành vi này không phù hợp với vị thế của Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến đáng lo ngại này với mối quan ngại sâu sắc” (14).
Nếu Mỹ chấp nhận đề xuất này, Việt Nam có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vức khác nhau của mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hợp tác với chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump.
Việc bị liệt vào danh sách CPC có thể làm suy giảm hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đang nỗ lực nâng cao vị thế của mình tại các tổ chức đa phương như ASEAN và Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, một số quốc gia khác có thể sử dụng vấn đề tự do tôn giáo như một công cụ ngoại giao để gây áp lực lên Việt Nam trong các cuộc đàm phán thương mại và chính trị. Tuy nhiên, khả năng bị đưa vào danh sách CPC còn phụ thuộc vào tình hình chính trị tại Mỹ và mức độ cải thiện của Việt Nam. Nếu Việt Nam thực hiện các cải cách nhằm nới lỏng kiểm soát tôn giáo, đối thoại với các tổ chức nhân quyền, và có các bước tiến cụ thể trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, thì nguy cơ bị đưa vào danh sách CPC vẫn có cơ giảm (15).
- Nguyễn Đình Công
Tham khảo:
(1, 2)https://www.csw.org.uk/2025/01/27/press/6422/article.htm
(5) https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2024-05/Vietnam.pdf
(6) https://www.tapchicongsan.org.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich
(9) https://www.luatkhoa.com/2023/07/ba-dau-an-trong-chinh-sach-ton-giao-truoc-nam-1975/
(10) https://vn.usembassy.gov/vi/irfreport2016/
(12) https://vn.usembassy.gov/vi/irfreport2016/
(13) https://freedomhouse.org/country/vietnam/freedom-net/2024
RFA (31.01.2025)
Tổ chức Liên đới Kitô giáo Toàn cầu lên án việc bắt giữ mục sư Nguyễn Mạnh Hùng
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng trong một tấm ảnh không rõ ngày trước khi bị bắt (FB Dương Kim Khải/ RFA edited)
Tổ chức Liên đới Kitô giáo Toàn cầu chỉ trích Việt Nam về vụ bắt giữ mục sư Nguyễn Mạnh Hùng
Việc chính quyền Việt Nam bắt giữ một mục sư nổi tiếng trong ngày đầu năm mới 2025 bị một tổ chức về Kitô giáo lên án, cho rằng điều đó thể hiện sự nhạo báng đối với tư cách thành viên của nước này trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ).
Tổ chức Liên đới Kitô giáo Toàn cầu (CSW) đưa ra ý kiến về vụ bắt giữ mục sư vào ngày 27/1, gần hai tuần sau khi Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ vị mục sư 71 tuổi với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Khẳng định việc bắt giữ mục sư quản nhiệm Hội thánh Tin lành Chuồng bò là dấu hiệu nữa cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam không quan tâm đến nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế trong việc tôn trọng quyền của tất cả công dân, ông Mervyn Thomas, chủ tịch sáng lập CSW nói:
“Những ngày đầu nhiệm kỳ của Chủ tịch nước (Tổng bí thư ĐCSVN-PV) Tô Lâm được đánh dấu bằng chủ nghĩa độc đoán, nhắm vào các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, và sự suy thoái toàn diện về quyền con người trên mọi phương diện.”
Ông Thomas cho rằng chính điều này là sự nhạo báng tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ của Việt Nam và chính phủ phải chịu trách nhiệm thích đáng.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về chỉ trích của CSW trong vụ bắt giữ nói trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong khi truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng về vụ bắt giữ mục sư Tin lành, truyền thông quốc tế đưa tin nhiều về vụ bắt giữ mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, người thường chỉ trích nhà nước độc đảng trên trang Facebook cá nhân trong nhiều lĩnh vực.
Trang mạng The Christian Post cũng đưa tin, trích dẫn từ bản tin của RFA về vụ bắt giữ được tiến hành không lâu trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế tổ chức ở thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, vào đầu tháng 2.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng bị biệt giam
Ngày 30/1, con trai của mục sư Hùng, ông Nguyễn Trần Hiền, cho RFA biết cho đến nay Công an Lâm Đồng không đưa cho gia đình bất cứ giấy tờ gì về vụ bắt giữ vị mục sư, kể cả lệnh bắt hay biên bản khám nhà.
Hiện mục sư đang bị biệt giam ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Lâm Đồng.
Ông Hiền cho biết, gần đây, một người thân của mục sư Hùng đã đến cơ sở giam giữ này để gửi quà và một số đồ dùng cho ông nhưng phía trại tạm giam từ chối vì không phải là người trong gia đình. Theo quy định, chỉ có vợ chồng, con cái mới được thăm gặp hoặc gửi đồ cho người bị giam giữ.
Ông Hiền dự định sẽ đến trại tạm giam vào tuần tới để gửi đồ cho cha mình.
Ông Hùng là người đầu tiên bị bắt giữ trong năm nay với cáo buộc theo Điều 117, một điều luật mà nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ nhiều quốc gia dân chủ kêu gọi Hà Nội xoá bỏ hoặc sửa đổi để tuân thủ với các nghĩa vụ nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết.
RFA (30.01.2025)
Nội dung trên trang Facebook của RFA đột ngột biến mất không rõ nguyên nhân
Trang fan page của RFA tiếng Việt chỉ hiện thị các nội dung từ năm 2023 trở về trước
Ba trang Facebook tiếng Việt của RFA, BBC và VOA bị mất các nội dung trong năm 2025 và 2024 vào đêm ngày 28/1/2025 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) (RFA/VOA/BBC)
Vào khoảng 10:00 giờ đêm (giờ miền Đông Hoa Kỳ) ngày 28/1, trang Facebook của RFA tiếng Việt đột ngột bị mất các nội dung mới đăng trong năm 2025 và năm 2024 và chỉ hiện thị các nội dung từ năm 2023 trở về trước mà không rõ nguyên nhân. Sự cố kéo dài vài phút và các nội dung biến mất đã tự động quay trở lại trên trang fan page của đài.
Hiện tượng này cũng đồng thời xảy ra với các trang fan page tiếng Việt của VOA và BBC.
Một số độc giả của RFA đã kịp thời phát hiện tình trạng này và gửi hình ảnh, video cho RFA để tìm kiếm thông tin.
Chúng tôi đã liên hệ với phòng báo chí của Meta – công ty mẹ của Facebook – để tìm lời giải thích nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.
Đây không phải là lần đầu tiên cả ba trang fan page tiếng Việt của RFA, VOA và BBC đều bị thay đổi nội dung đồng thời mà không rõ nguyên nhân.
Vào đêm ngày 29/10/2020 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), cả ba trang đều bị đổi tên không rõ nguyên nhân. Đài Á Châu Tự Do bị đổi thành “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”, BBC News Tiếng Việt bị chuyển thành “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” và VOA Tiếng Việt trở thành “Đông Lào Muôn Năm”.
Ba trang Facebook tiếng Việt của RFA, VOA và BBC đồng loạt bị đổi tên vào ngày 29/10/2020
Sự việc kéo dài khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ trước khi tên của cả ba trang trở lại như cũ. Chúng tôi cũng đã liên hệ với Facebook nhưng không nhận được phản hồi, trong khi một số danh khoản Facebook thường ca ngợi Chính phủ Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước việc tên của các trang Facebook của ba đài hải ngoại bị đổi sang các tên có tính tuyên truyền cho Đảng Cộng sản và lãnh đạo Việt Nam.
Cả ba đài RFA, BBC và VOA đã bị chính quyền và báo chí Nhà nước Việt Nam chỉ trích nhiều lần vì đưa các tin bài bị cho là chỉ trích chính phủ.
Một số nội dung đăng tải trên Facebook của RFA thậm chí đã bị Chính phủ Việt Nam đề nghị Facebook hạn chế hiển thị ở Việt Nam. Ví dụ điển hình nhất là một dòng trạng thái đăng trên Facebook của RFA tiếng Việt hôm 15/1 vừa qua kèm link bài bình luận về Tổng bí thư Tô Lâm. Nội dung này đã không được hiển thị ở Việt Nam theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Facebook.
Thông báo của Facebook về nội dung của RFA không hiển thị ở Việt Nam theo đề nghị từ Chính phủ Việt Nam (RFA)
Báo cáo minh bạch của Meta trong nửa đầu năm 2024 cho biết, mạng xã hội Facebook đã hạn chế quyền truy cập đối với người dùng tại Việt Nam đối với hơn 3.200 mục theo báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (ABEI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) và Bộ Công an (MPS).
RFA (30.01.2025)
Tô Lâm khủng bố đầu năm, khởi động thời kỳ đàn áp mới
Chưa đầy một tháng đầu năm 2025, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam và xử phạt hàng chục người bất đồng chính kiến trên khắp cả nước.
Hai trường hợp nặng nhất bị cáo buộc theo Điều 117 Bộ luật Hình sự (tội làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước ). Người đầu tiên là mục sư Tin Lành Nguyễn Mạnh Hùng bị bắt giữ ở TP HCM ngày 16/1. Ông Hùng từng là bộ đội , sau khi giải ngũ thì ông đi tu và trở thành mục sư năm 2011. Mục sư này đã liên tục lên tiếng chỉ trích các sai phạm liên quan tới tham nhũng, nhân quyền của Việt Nam và cũng từng bị công an tấn công, đánh đập vì việc tranh đấu cho tự do tôn giáo.
Người thứ 2 bị bắt vì điều 117 là ông Phan Minh Tuấn. Ông này bị công an Bến Tre khởi tố và tạm giam ngày 24/1. Báo chí nhà nước cho biết ông Tuấn bị công an Việt Nam bắt khi đang ở nước ngoài, nhưng không cho biết cụ thể là nước nào. Báo Tiền Phong đưa tin “Sau khi thực hiện xong hành vi vi phạm tại Bến Tre (làm, phát tán nội dung lên án chế độ cộng sản), Tuấn bỏ trốn ra nước ngoài, Công an tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Bộ Công an truy bắt, sau gần 3 tuần truy tìm, đã bắt được Tuấn”. (1)
Như vậy đây là vụ án mà công an đã bắt người bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cho thấy Tô Lâm vẫn không bỏ được cái tật lưu manh trước nay, từ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức; tới Trương Duy Nhất, Thái Văn Đường ở Thái Lan, và bây giờ là Phan Minh Tuấn. Tuy lưu manh, nhưng biết rằng sai, nên công an không dám đưa tin cụ thể là đã bắt Phan Minh Tuấn ở đâu, để tránh bị quốc tế lên án.
Ngoài ra, trong tháng 1 năm 2025 cũng có nhiều người bị bắt theo điều 331 (tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân). Chỉ tính riêng trường hợp người bất đồng chính kiến phản đối chính sách của nhà nước Việt Nam thì có ít nhất 3 người bị bắt chỉ trong 10 ngày qua.
Cụ thể, ngày 17/01/2025, Công an huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã khởi tố, bắt giam hai người cùng lúc là ông Phạm Xuân Thời và ông Đào Công Hiển. Nhà chức trách cáo buộc hai ông này “thường xuyên sử dụng Zalo, Facebook cá nhân (Facebook Phạm Xuân Thời ‘THỜI RÒM’, Facebook Đào Công Hiển ‘Hien codon’) để viết bài, livestream… đăng, tải lên mạng xã hội nhiều bài viết sai sự thật, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước và của cán bộ các cấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức Đảng, chính quyền, của các cá nhân cán bộ các cấp”. (2)
Người được công chúng biết tới nhiều nhất là bà Đậu Thị Tâm, bị Công an TP Hà Nội bắt ngày 23/1. Bà Tâm bị bắt do phản đối Nghị định 168. Đồng thời công an cũng cáo buộc bà này “thường xuyên sử dụng tài khoản Tiktok, tài khoản Facebook “Đậu Thanh Tâm” đăng tải các video, clip có nội dung xuyên tạc, bịa đặt việc khám, chữa bệnh của một số Bệnh viện trên địa bàn Thành phố, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp…” (3)
Trước đó, Bà Tâm nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện như phát cơm và đồ ăn từ thiện trước cổng bệnh viện. Bà Tâm cũng từng gay gắt tố cáo tiêu cực về việc bệnh nhân ung thư phải chi 200k để xạ trị tại Bệnh viện K. Hồi tháng 8/2024, bà này từng tố cáo là bị cán bộ bệnh viện K hành hung dẫn tới gãy chân tại khu vực cổng Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp.
Không chỉ là xử lý hình sự, công an còn dùng các bản án hành chính để khủng bố tinh thần những người phản đối nghị định 168. Như vụ ngày 16/1, ông Đặng Hoàng Hà bị công an Hà Nội bắt lên đồn để đe dọa, và xử phạt hành chính (không công bố mức phạt chính xác) với lý do ông Hà đã dùng “tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải hình ảnh và video có nội dung sai lệch, xuyên tạc quy định của Nghị định 168 nhằm kích động và gây bất ổn xã hội”. Sau đó, ngày 20/1, Công an tỉnh Bình Dương cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Đ.V.H, cũng vì ông này phản đối nghị định 168. (4)
Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình cho thấy tình hình trấn áp người bất đồng chính kiến đầu năm 2025. Với kế hoạch xây dựng nhà nước độc tài công an trị, chắc chắn Tô Lâm sẽ không thay đổi chính sách đàn áp các quyền tự do, dân chủ của người dân trong thời gian tới, mà thậm chí sẽ càng ngày càng tàn bạo hơn. Đây chỉ là những khởi đầu…
Cảnh Chân
Tham khảo:
(1) https://plo.vn/facebooker-chu-nguyen-chuong-bi-bat-vi-dang-tai-thong-tin-sai-su-that-post828030.html
(2) https://congan.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?NewsId=19561&CatId=109
VNTB (28.01.2025)
Nhà hoạt động Đặng Đình Bách nhận giải thưởng quốc tế trị giá 30 ngàn USD
Ông Đặng Đình Bách được trao giải thưởng Huân chương Tự do Roger N. Baldwin vì Nhân quyền từ tổ chức Human Rights First
Nhà hoạt động Đặng Đình Bách trước khi bị bắt giữ năm 2021 (Ảnh do gia đình cung cấp) (RFA)
Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh “trốn thuế,” vừa được trao tặng giải thưởng nhân quyền danh giá kèm theo số tiền 30 nghìn đô la Mỹ.
Ông Bách được tổ chức Human Rights First có trụ sở ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ) trao giải thưởng Huân chương Tự do Roger N. Baldwin vì Nhân quyền khi đang bị giam giữ ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), vào ngày 24/1, đúng ngày ông bị kết án tù ba năm trước.
Ông Bách là người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), một công ty luật cung cấp tư vấn cho cộng đồng về các trường hợp gây hại cho môi trường, bao gồm ô nhiễm công nghiệp, di dân trong các dự án xây dựng thủy điện và ô nhiễm từ các nhà máy điện than.
Ông cũng là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA, bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự, hình thành vào tháng 11 năm 2020 với mục đích phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).
‘Nên được tôn vinh’
Ông bị bắt giam vào ngày 24/6/2021 với cáo buộc “trốn thuế” trong các dự án có tài trợ từ nước ngoài. Bảy tháng sau, ông bị kết tội với mức án năm năm tù.
“Trong hơn ba thập kỷ, Huy chương Baldwin đã mang đến sự công nhận và hỗ trợ quốc tế cho những người bảo vệ nhân quyền ở mọi nơi trên thế giới, nhiều người trong số họ, giống như ông Bách, hoạt động với sự rủi ro rất lớn đối với bản thân họ,” Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Human Rights First Sue Hendrickson nói trong thông cáo báo chí phát hành hôm 24/1.
“Việc ông Bách vận động pháp lý để khuyến khích đất nước ông từ bỏ năng lượng than đã khiến ông phải chịu mức án tù năm năm với cáo buộc ‘trốn thuế’. Công việc tư vấn cho các cộng đồng bị ảnh hưởng về tác hại môi trường của ông nên được tôn vinh, thay vì bị trừng phạt, và đây chính là những gì Giải thưởng Baldwin sẽ làm.”
Giải thưởng trên được thành lập vào năm 1989 và được đặt theo tên của người sáng lập chính của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) và tổ chức sau này được gọi là Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (International League for Human Rights) dành cho những người và tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi bật trên thế giới.
‘Đối tác và đồng minh’ thay vì bị bỏ tù
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người từng bị kết án ba năm về cùng tội danh “trốn thuế” vì các hoạt động bảo vệ môi trường, cho biết bà từng cộng tác nhiều lần với ông Bách trong một số dự án về môi trường.
Bà nói rằng việc ông Bách được nhận giải thưởng Roger N. Baldwin là hoàn toàn xứng đáng. Điều này thể hiện cộng đồng quốc tế không chỉ đánh giá cao sự kiên cường và dũng cảm của ông mà còn công nhận những đóng góp của ông trước đây vào các nỗ lực đưa Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững hơn, dựa vào năng lượng sạch.
Bà Hồng, người được phóng thích cuối tháng 9/2024 ngay trước khi Tổng Bí thư Tô Lâm sang Hoa Kỳ và hiện đang định cư theo dạng tị nạn chính trị ở Mỹ, nói với RFA:
“Với cam kết đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, cũng như trong việc tham gia vào Thoả thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), lãnh đạo của các tổ chức môi trường khí hậu như chúng tôi đáng lẽ phải được nhìn nhận như những đối tác và đồng minh quan trọng của chính phủ, hơn là bị kết án ‘trốn thuế’ và phải chịu án tù nhiều năm và phải giải thể hoạt động.”
Bà cho rằng việc giam cầm những người hoạt động môi trường có thể sẽ mang lại nhiều thiệt hại cho Việt Nam, không chỉ cho các cộng đồng hưởng lợi của các dự án môi trường mà họ thực hiện, mà Chính phủ Việt Nam sẽ nhận được ít hỗ trợ quốc tế hơn, khi yếu tố “công bằng” của JETP không được đảm bảo.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ với đề nghị bình luận về việc ông Bách được Human Rights First trao giải thưởng nhân quyền, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi tự do cho Đặng Đình Bách
Nhân kỷ niệm ba năm ngày ông Bách bị kết án, tổ chức nhân quyền Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) có trụ sở ở California (Hoa Kỳ), kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến trường hợp của ông.
Trong thông cáo báo chí ngày 24/1, tổ chức này nhắc lại việc Việt Nam thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ đô la giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) như Vương quốc Anh, EU, Hoa Kỳ và các nước G7 khác cùng với Đan Mạch và Na Uy năm 2022.
Bất chấp việc sáu nhà hoạt động môi trường bị cầm tù và nhiều lãnh đạo khí hậu khác ở Việt Nam bị nhắm mục tiêu, các đối tác phát triển vẫn tiếp tục tài trợ cho JETP. Điều này bao gồm việc Liên Âu (EU) giải ngân thêm 15 triệu euro cho Việt Nam trong tháng 12/2024.
Việc giam giữ các nhà lãnh đạo khí hậu như ông Bách và các cuộc tấn công có chủ đích vào các tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam đã hạn chế nghiêm trọng, nếu không muốn nói là loại bỏ, các cơ hội thực sự để tham vấn với xã hội dân sự – một khía cạnh cần thiết của quá trình chuyển đổi công bằng, Sông ngòi Quốc tế nói trong thông cáo.
“Việc hình sự hóa các nhà lãnh đạo môi trường tại Việt Nam phải chấm dứt,” Maureen Harris, cố vấn cấp cao của Sông ngòi Quốc tế, được dẫn lời trong thông cáo. “Ông Bách cần được ở bên gia đình vào năm mới này. Thay vào đó, ông ấy phải ở trong phòng giam.”
Thông cáo cũng nói việc bỏ tù ông Bách là một phần của xu hướng sử dụng Luật thuế mơ hồ một cách tuỳ tiện để bịt miệng những người bảo vệ khí hậu và môi trường ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chính sách hạn chế, hình sự hóa việc tiếp cận thông tin và sự tham gia của công chúng vào các chính sách năng lượng của quốc gia, đã dẫn đến sự tê liệt dân sự trên toàn quốc. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã buộc phải đóng cửa, cắt giảm hoạt động hoặc phải đối mặt với sự quấy rối và giám sát từ chính quyền.
Liên minh Người bảo vệ khí hậu Việt Nam cũng phát hành một video mới kêu gọi sự chú ý đến tình trạng của ông Bách hiện nay trong trại giam. Tổ chức này cũng kêu gọi cộng đồng quốc viết thư cho ông để ghi nhận “sự bất công cực độ và vi phạm nhân quyền” mà ông Bách đang phải chịu đựng.
Ông Bách là người thứ hai trong số các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường bị tù đày ở Việt Nam được giải thưởng quốc tế kèm theo khoản trợ giúp tài chính đáng kể. Năm 2018, một nhà hoạt động khác, bà Nguỵ Thị Khanh, cũng nhận được khoản tiền thưởng 200.000 đô la Mỹ từ Giải thưởng Goldman, một quỹ môi trường ở Hoa Kỳ. Bốn năm sau, bà Khanh bị bắt về cáo buộc “trốn thuế” và sau đó bị cầm tù 16 tháng.
Quốc Vũ
RFA (27.01.2025)