Nguồn tin Reuters: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra lệnh đóng cửa các phái bộ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ở nước ngoài và đang tiến hành triệu hồi hàng nghìn nhân viên trên toàn thế giới, hai nguồn tin nắm nội dung các cuộc bàn thảo cho biết hôm thứ Ba 4/2.
Chính quyền TT Trump được cho là có kế hoạch sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hàng trăm chương trình của USAID bao gồm hàng tỷ đô la viện trợ cứu các sinh mạng trên toàn cầu đã đột ngột dừng hoạt động sau khi TT Trump ra lệnh án binh bất động hầu hết viện trợ của Hoa Kỳ dành cho nước ngoài vào ngày 20/1, ông nói rằng ông muốn đảm bảo là việc cấp viện trợ phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Thông báo được đưa ra sau khi ông Musk, người được giao phụ trách một sáng kiến có tên Bộ Chính phủ Hiệu quả (Doge), một tổ chức không thuộc bất kỳ cơ quan chính phủ chính thức nào nhưng được trao quyền rộng rãi với nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu liên bang, tuyên bố rằng chính quyền có kế hoạch đóng cửa USAID. Cuối tuần vừa rồi, hai quan chức an ninh cấp cao của USAID đã phải nghỉ phép và các nhân viên được yêu cầu ở nhà.
USAID phân phối hàng tỷ đô la tiền viện trợ cho các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và nhóm cứu trợ trên khắp thế giới, bao gồm Việt Nam.
USAID được thành lập vào năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, hiện có khoảng 10.000 nhân viên và ngân sách lên tới gần 40 tỷ USD, chiếm phần lớn trong tổng số 68 tỷ USD ngân sách viện trợ nước ngoài của chính phủ Mỹ.
Theo báo cáo của Vụ Nghiên cứu Quốc hội (CRS), con số nhân viên của USAID lên tới hơn 10.000 người, khoảng 2/3 số nhân viên đó phục vụ ở nước ngoài. Cơ quan này có hơn 60 phái bộ ở các quốc gia và khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông báo với Quốc hội trong một lá thư hôm 3/2 về việc sắp tái cơ cấu cơ quan này, ông nói rằng một số bộ phận của USAID có thể được Bộ Ngoại giao tiếp nhận và phần còn lại có thể bị xóa bỏ.
Ngoại trưởng Rubio đã khẳng định nhiều chức năng của tổ chức này “vẫn sẽ tiếp tục”.
“Họ sẽ vẫn là một phần của chính sách đối ngoại Mỹ, nhưng phải phù hợp đường lối của chính sách đối ngoại,” ông nói với các phóng viên tại El Salvador.
Do trang web của USAID đã dừng hoạt động, nhiều trung tâm thông tin quan trọng, trong đó có hệ thống theo dõi nạn đói toàn cầu và dữ liệu viện trợ trong nhiều thập kỷ, đã không thể truy cập được.
USAID ở Việt Nam
Riêng với Việt Nam, USAID có ngân sách hàng năm lên tới 150 triệu USD, theo một bài đăng trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vào tháng 6/2023.
USAID cấp hàng trăm triệu đô la viện trợ về y tế, giáo dục, khắc phục thiên tai, hậu quả chiến tranh… cho Việt Nam, trong đó có khoản tài trợ cho Đại học Fulbright Việt Nam.
Theo tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, USAID hợp tác với chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các bên liên quan khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bắt đầu từ năm 1989, USAID khởi đầu với việc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, hợp tác giữa USAID với Việt Nam tăng dần lên, mở rộng ra nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, giáo dục đại học, y tế công và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Một trong những hoạt động nổi bật là việc xử lý ô nhiễm dioxin.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2023, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power đã công bố một khoản viện trợ trị giá 73 triệu USD để xử lý và làm sạch đất bị ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa.
Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa khởi công từ tháng 12/2019, tổng kinh phí 390 triệu USD, sau nâng lên 450 triệu USD, dự kiến hoàn thành sau 10 năm. Chính quyền Mỹ ban đầu dự kiến sẽ đóng góp 300 triệu USD, nhưng đến giữa tháng 1/2025, Mỹ đã tăng nguồn vốn thực hiện dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa tăng lên 430 triệu USD.
Vào năm 2023, USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi hai văn bản hợp tác về nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và phát triển năng lực địa phương của Việt Nam với thời gian thực hiện đến 2028 và tổng giá trị ODA (viện trợ phát triển chính thức) 100 triệu USD.
Tổ chức này cũng công bố thực hiện dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) với thời gian đến năm 2025 và tổng giá trị ODA 36,3 triệu USD.
Trong 30 năm qua, thông qua USAID, Mỹ đã đóng góp hơn 155 triệu USD tiền ngân sách cho hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam. Cùng thời kỳ, USAID đã hỗ trợ hàng triệu người khuyết tật ở Việt Nam – chỉ tiếng riêng năm 2023 là hơn 26.000 người.
Mới đây, sau những ảnh hưởng của bão Yagi (9/2024), Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp thông qua USAID để hỗ trợ Việt Nam khắc phục thiệt hại.
Trong 5 năm qua, thông qua USAID, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam đã cung cấp 7,7 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, trong đó bao gồm đáp ứng các nhu cầu do bão, lũ cũng như nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng, chống thiên tai trên cả nước, theo trang web của USAID.
USAID cũng có nhiều khoản tài trợ cho Việt Nam liên quan tới những dự án về an ninh lương thực, giáo dục, sức khoẻ, rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững…
Chẳng hạn, vào cuối tháng 11/2024, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua USAID, đã phối hợp với Sở Y tế TP HCM và Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Life cùng khởi động một dự án với ngân sách 1,85 triệu đô la nhằm hỗ trợ TP HCM đạt được mục tiêu quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
Ở thời điểm hiện tại, trang web của cơ quan này ở Việt Nam đã không thể truy cập được. Tài khoản Facebook của cơ quan này tại Việt Nam vẫn mở nhưng không cập nhật thông tin mới từ ngày 29/1.
Theo BBC, VOA (05.02.2025)