Mục lục
Việt Nam là vết đen tại hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo
Phó Tổng Thống JD Vance và DB Derek Trần sẽ phát biểu ngày 2 của hội nghị
Ngay trong ngày đầu của hội nghị, tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam được nêu lên nổi bật.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển đến từ Đức phát biểu tại diễn đàn khoáng đại ngay sau chương trình khai mạc vào buổi sáng ngày 4 tháng 2. Ông được xem là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh ngoan cường cho tự do tôn giáo cho mọi người. Sự hiện diện của Ông và phu nhân cũng nói lên hiệu quả của chiến dịch toàn cầu xuyên suốt 4 lần hội nghị thượng đỉnh.
Hình 1 – Ông Nguyễn Bắc Truyển phát biểu tại diễn đàn khoáng đại, ngày 04/02/2025
Vấn đề Việt Nam còn được nêu lên tại buổi hội luận chuyên đề tù nhân lương tâm với Ông Y Phic Hdok, Điều Hợp Viên Hội Người Thượng Vì Công Lý, trình bày về Việt Nam cùng với 6 thuyết trình viên đến từ nhiều quốc gia. Ông Y Phic Hdok nêu đặc biệt trường hợp Ông Y Quynh Bdap bị chính quyền Thái Lan bỏ tù theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam.
Tại 3 buổi hội luận chuyên đề Việt Nam, đại diện Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Phật Giáo Khmer Krom, Cao Đài, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Công Giáo luân phiên chia sẻ các thông tin cập nhật. Ba nhân vật được mời nhưng bị chặn lại tại phi trương Tân Sơn Nhứt cũng đã tham gia phát biểu trực tuyến, gồm có Đại Đức Thích Nhật Phước, Bà Nguyễn Xuân Mai và Ông Nguyễn Ngọc Diến.
Song song với chuyên đề Việt Nam, BPSOS còn điều hợp 4 buổi hội luận dành riêng cho giới trẻ lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia với sự tham gia của nhiều giới chức chính quyền và chuyên gia quốc tế.
Hình 2 – Ông Y Phic Hdok phát biểu về tù nhân tôn giáo người Việt ở Việt Nam và ở Thái Lan
Buổi hội luận cuối ngày do BPSOS tổ chức tập trung vào các chế độ cộng sản ở châu Á. Bên cạnh các thuyết trình viên nói về chế độ cộng sản Tàu, Bắc Triều Tiên và Lào, Ông Vàng Seo Gia, Điều Hợp Viên Liên Minh Hmong Cho Nhân Quyền, chia sẻ kinh nghiệm bản thân ở Việt Nam. Ông vừa đến Hoa Kỳ định cư từ Thái Lan đầu năm 2024.
Thứ Hai 3 tháng 2, một ngày trước hội nghị, phái đoàn người Việt đã chia nhau tiếp xúc các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ cũng như họp ở Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Một số điểm đặc biệt trong ngày 2 của hội nghị:
- Phó Tổng Thống JD Vance sẽ phát biểu tại diến đàn khoáng đại
- DB Derek Trần sẽ tiếp xúc phái đoàn người Việt và phát biểu tại buổi hội luận “Các quyền tự do đang biến mất ở Việt Nam”
- Cầu nguyện đa tôn giáo đa sắc tộc
Hình 3 — LM Nguyễn Văn Thống chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh từ Giáo Phận Vinh ra đến Thái Hà
Mạch Sống, 5 tháng 2, 2025
Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế: Đưa Việt Nam trở thành vấn đề trọng tâm
Hơn 30 người hoạt động gốc Việt tham dự hội nghị vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế ở Washington DC ngày 04/2/2025 (RFA) (RFA)
Giới hoạt động người Việt muốn đưa vấn đề vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam trở thành vấn đề trọng tâm của hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo tổ chức ở Hoa Kỳ.
Có hơn 30 người hoạt động tôn giáo người gốc Việt ở Hoa Kỳ và một số nơi trên thế giới đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo quốc tế ( (IRF Summit 2025)- sự kiện quốc tế thường niên lớn nhất về tự do tôn giáo tổ chức ở thủ đô Washington trong hai ngày 04-05/2.
Thượng đỉnh năm nay có hơn một ngàn đại biểu từ khắp thế giới ghi danh tham dự, trong đó có hơn 40 nghị sỹ đến từ nhiều quốc gia, 71 tổ chức dân sự quốc tế là đồng tổ chức sự kiện này. Hội nghị nhằm mục tiêu bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho người dân trên toàn thế giới.
Đưa Việt Nam trở thành vấn đề trọng tâm
Ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch tổ chức Boat People SOS (BPSOS)- một trong 71 tổ chức phi chính phủ đồng tổ chức hội nghị, cho biết chính quyền độc đảng ở Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống và giới hoạt động muốn hội nghị quan tâm đến hiện trạng đàn áp ở Việt Nam.
Ông nói với RFA bên lề hội nghị:
“Chúng tôi có hai kỳ vọng chính. Thứ nhất đưa Việt Nam lên trở thành một vấn đề trọng tâm ở tại hội nghị quốc tế này.
Thứ hai là vận động để Chính phủ Hoa Kỳ với sự yểm trợ của rất nhiều những tổ chức xã hội dân sự, những người lãnh đạo ở trong phong trào bảo vệ tự do tôn giáo vận động Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng những biện pháp chế tài đối với những quan chức Việt Nam đứng đằng sau các vụ việc đàn áp một cách nghiêm trọng có hệ thống và dài lâu.”
Ông cho biết song song với chuyện vận động Hoa Kỳ chế tài các quan chức vi phạm quyền tự do tôn giáo thì giới hoạt động cũng vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh dách quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Tiến sỹ Thắng cho biết trong năm năm qua kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế được tổ chức lần đầu tiên năm 2021, chỉ có một người Việt Nam duy nhất là bà Nguyễn Xuân Mai được tham dự năm 2023. Năm nay, ba người Việt Nam được mời tham dự là bà Nguyễn Xuân Mai và ông Nguyễn Ngọc Diến- hai chức việc của Cao Đài Chơn truyền, và Đại đức Thích Nhật Phước thuộc tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất chặn xuất cảnh trên đường tới Hoa Kỳ.
Việc Việt Nam ngăn chặn ba nhà hoạt động cũng được nêu lên tại hội nghị. Ông Thắng nói:
“71 tổ chức quốc tế cùng chung sức để thực hiện chương trình ở hội nghị thượng đỉnh năm nay thì họ đồng loạt nói rằng kỳ này là sẽ lên tiếng rất mạnh mẽ về việc ba người Việt được mời và cả ba đều bị cấm xuất cảnh.”
Lý do chính quyền Việt Nam ngăn cản ba người xuất cảnh dự Thượng đỉnh là “quốc phòng, an ninh” – một lý do mà Chính phủ Việt Nam thường sử dụng để cấm xuất cảnh những người lên tiếng chỉ trích Chính phủ một cách ôn hòa.
Vấn đề người H’mong vô quốc tịch
Nhà hoạt động Vàng Seo Giả, thành viên của Liên minh Nhân quyền Người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), được định cư ở Hoa Kỳ năm ngoái, và năm nay ông đến hội nghị tham dự với mục tiêu nói lên vấn đề vô quốc tịch của người H’mong ở Việt Nam, bên cạnh vận động cho tự do tôn giáo của họ.
Ông nói với RFA trong sáng ngày 04/2:
“Bọn mình muốn vận động các tổ chức quốc tế và đặc biệt là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ họ quan tâm đến những người vô quốc tịch tại Việt Nam.
Khoảng 100.000 người H’mong hiện tại đang không có quốc tịch, họ sống gần 30 năm nay mà không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào thì bọn mình đến đây để bọn mình vận động chính quyền Hoa Kỳ để họ biết đến vấn đề người Hmong đang bị vô quốc tịch và họ làm việc với chính quyền Việt Nam để giúp đỡ những người H’mong này đòi quyền có quốc tịch của mình.”
Ông Vàng Seo Giả – thành viên của Liên minh Nhân quyền Người H’mong (Hmong Human Rights Coalition) (RFA)
Về vấn đề thực hành tôn giáo của người H’mong ở Việt Nam, ông cho biết việc đàn áp vẫn tiếp diễn trong khi nhận thức của người dân về quyền con người và quyền tự do tôn giáo còn hạn chế, do vậy, việc vận động gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn sách nhiễu, đàn áp những người cung cấp thông tin và cộng tác với tổ chức của ông.
Vận động cho tù nhân lương tâm người Thượng
Ông Y Phic Hdok là thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ) đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quyền con người của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Đến tham dự lần này, ông và thành viên khác của nhóm tập trung vào việc vận động cho tự do của những tù nhân lương tâm người Thượng đang bị cầm tù vì thực thi quyền cơ bản này. Ông nói:
“Chúng tôi tập trung vào những tù nhân lương tâm và những người đang bị giam giữ hiện nay, giống như trường hợp ông Y Quynh Bdap, Y Pum Bya, Y Thinh Niê, Nay Y Blang, Y Krếc Byă.”
Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của MSFJ, đang bị Cảnh sát Thái Lan giam giữ và đối diện với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, nơi ông sẽ phải thi hành án tù 10 năm về tội danh “hoạt động khủng bố” mà ông bị kết án vắng mặt trong phiên toà lưu động đầu tháng 1/2024.
Tự do tôn giáo ngày càng bị siết chặt đối với nhiều nhóm Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên sau vụ tấn công vào trụ sở hai xã ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk giữa năm 2023, ông cho hay.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về ý kiến của giới hoạt động người gốc Việt tại hội nghị nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong các năm trước, truyền thông nhà nước cho rằng hội nghị này “bản chất là công cụ chính trị của Mỹ nhắm vào các quốc gia mà Mỹ đang bao vây, cấm vận, phong tỏa hoặc gây áp lực chính trị, tức là mục tiêu ‘quốc tế hóa,’ ‘chính trị hóa’ vấn đề tôn giáo” chứ “không phải là nơi đại diện các quốc gia đến bàn thảo, nghị sự về tôn giáo, không thật sự có tính quốc tế.”
RFA (04.02.2025)
CSW: Việt Nam cấm xuất cảnh 3 nhân chứng tham dư hội nghị tự do tôn giáo
Hai chức việc Cao Đài độc lập Nguyễn Xuân Mai và Nguyễn Ngọc Diến và biên bản cấm xuất cảnh. Photo CSW.
Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) và ban tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit) vừa chỉ trích mạnh mẽ việc chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh 3 nhà hoạt động, ngăn cản họ dự sự kiện này ở Mỹ.
Ông Mervyn Thomas, chủ tịch sáng lập CSW, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Washington, nêu rõ trong thông báo ngày 3/2: ‘Chính phủ Việt Nam đang cố gắng bịt miệng những nhân chứng đã dũng cảm làm chứng về những vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng mà họ phải đối mặt ở Việt Nam”.
Ngày 28/1, hai chức việc Cao Đài độc lập là bà Nguyễn Xuân Mai và ông Nguyễn Ngọc Diến bị cấm xuất cảnh khi họ sắp khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ, với lý do “quốc phòng, an ninh”.
Trước đó, hôm 26/1, Đại đức Thích Nhật Phước, thế danh Nguyễn Thanh Cường, một thành viên của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng bị cấm xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, với cùng lý do “quốc phòng, an ninh”.
Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit) là sự kiện hàng năm được tổ chức ở thủ đô của Mỹ, nơi các giới chức chính phủ, các tổ chức tôn giáo quốc tế và giới hoạt động gặp gỡ để thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng trên toàn thế giới. Sự kiện năm nay được tổ chức từ ngày 4-5/2.
“Những vụ cấm xuất cảnh này chỉ làm nổi bật sự hoang tưởng của đảng cộng sản cầm quyền và sự cùng quẫn về việc bịt miệng và đàn áp những người lên tiếng chống lại họ”, ông Thomas bình luận, đồng thời kêu gọi Hà Nội cho phép 3 nhà hoạt động nêu trên được tự do tham dự hội nghị.
Ông Sam Brownback, đồng chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh IRF, đồng thời là cựu Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, nói trong một thông cáo: “Vụ việc này sẽ không thể được chính phủ Hoa Kỳ bỏ qua. Việt Nam ở trên một ranh giới mong manh về việc đối xử với những người có đạo. Đây có thể là tất cả những gì cần thiết để đưa họ trở lại danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC)”.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép những cá nhân này tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế, còn ngược lại, chúng tôi sẽ nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh này về hành động cấm đoán của Việt Nam”, vẫn lời ông Brownback.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về các phát biểu trên của CSW và ban tổ chức IRF Summit.
Theo CSW, ban tổ chức mời 3 nhân chứng trên từ Việt Nam và cả 3 đều được cho là đã bị chính quyền Việt Nam tạm hoãn xuất cảnh.
Theo trang Mạch Sống của tổ chức phi chính phủ BPSOS hôm 3/2, cả 3 người bị cấm xuất cảnh nêu trên đều đã từng báo cáo với Liên Hiệp Quốc “về các vi phạm về quyền tự do tôn giáo” ở Việt Nam. Chẳng hạn, Đại đức Thích Nhật Phước, hồi tháng 8/2023, đã báo cáo các vi phạm với bà Nazila Ghanea, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hay Đức tin.
Trao đổi với VOA, Đại đức Thích Nhật Phước cho biết rằng ông dự kiến sẽ trình bày về vấn đề “tự do tôn giáo” bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Washington.
“Tôi sẽ trình bày những sự thật mà tôi gặp phải mà chính quyền Việt Nam đã áp đặt đối với tôi, cũng như việc tôi không đồng ý gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Đại đức Thích Nhật Phước cho biết.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 5/2 nêu bật cam kết của chính quyền Trump trong việc chống đàn áp tôn giáo trên toàn cầu tại hội nghị này, theo một thông cáo từ ban truyền thông của hội nghị phát đi hôm 3/2 mà VOA nhận được. Nhà Trắng chưa xác nhận sự tham dự của ông Vance.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm tự do tôn giáo, khăng khăng rằng các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân luôn được tôn trọng và đảm bảo.
VOA (04.02.2025)
Việt Nam tự bắn vào chân khi cấm xuất cảnh các chứng nhân cho sự đàn áp tôn giáo
Quốc tế sẽ càng chú ý và càng lên tiếng mạnh mẽ
Ban Chỉ Đạo của Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã mời 3 chứng nhân từ Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ đã cấp chiếu khán cho họ, nhưng cả 3 đã bị chặn lại ở phi trường Tân Sơn Nhứt, gồm có Đại Đức Thích Nhật Phước thuộc Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và 2 chức việc Cao Đài là Bà Nguyễn Xuân Mai và Ông Nguyễn Ngọc Diến.
Khi làm vậy, Việt Nam thể hiện chủ trương che đậy thực trạng bằng cách ngăn cản nạn nhân làm chứng tại diễn đàn quốc tế quan trọng bậc nhất này về tự do tôn giáo. Điều này sẽ được nêu lên tại diễn đàn trong những ngày tới. Tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam càng được quốc tế quan tâm. Chắc chắn nhiều tổ chức quốc tế sẽ lên tiếng.
Hình 1 – Đại Đức Thích Nhật Phước báo cáo tình trạng của chùa Sơn Linh, tỉnh Kon Tum, ngày 20/08/2023
Cả 3 người bị cấm xuất cảnh đều đã từng báo cáo với LHQ các vi phạm về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Chẳng hạn, Đại Đức Thích Nhật Phước đã báo cáo vi phạm với Bà Giáo Sư Tiến Sĩ Nazila Ghanea, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, tại sự kiện ngày 20 tháng 8 năm 2023. Hành vi ngăn cản người báo cáo vi phạm xuất cảnh bị LHQ xem là đe doạ và trả thù, điều cấm kỵ đối với quốc gia thành viên của LHQ.
Trong khi đó, thực trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp tục bị phơi bày vì ban tổ chức đã có sẵn người điền thế phát biểu tại hội nghị. Hành vi của chính quyền Việt Nam chỉ làm tăng thêm sự chú ý và quan tâm của quốc tế. Hoàn toàn phản tác dụng.
Mạch Sống, ngày 3 tháng 2, 2025
Mọi người có thể theo dõi các sự kiện ở hội nghị liên quan đến Việt Nam tại trang Facebook: https://www.facebook.com/VNFoRB