Seite auswählen

Tác giả: Michael Sauga
Biên dịch: Nguyễn Phú Lộc

Diễn Đàn Khai Phóng

Trong chính sách thuế quan và đối ngoại quyết liệt của mình, Donald Trump đang lấy khuôn mẫu từ một tổng thống Hoa Kỳ thế kỷ 19. Và một sự thức giấc tồi tệ đang đe dọa thế giới.

Khi những người theo chủ nghĩa dân túy cai trị, họ thường trở thành nạn nhân của những ý tưởng cố hữu của chính họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan muốn chống lạm phát bằng chính sách tiền tệ dễ dãi – và nó đã thúc đẩy lạm phát tăng lên. Chủ nghĩa xã hội dầu mỏ của nhà lãnh đạo dân túy cánh tả Hugo Chavez của Venezuela không làm cho đất nước ông giàu có mà còn trở nên nghèo đói hơn. Và Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson thúc đẩy, đã xua đẩy những tài xế xe tải và y tá ra khỏi đất nước, những lao động mà nước Anh đang thiếu. Lời hứa biến nước Anh thành “Singapore trên sông Thames” của ông chỉ là một ảo tưởng lớn.

Donald Trump, người được coi là hiện thân của chủ nghĩa dân túy đương đại, cũng đang theo đuổi ảo ảnh trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Người đứng đầu nhà nước tái đắc cử tin rằng ông có thể phục hồi Hoa Kỳ bằng cách áp dụng công thức của người tiền nhiệm William McKinley từ thế kỷ 19. Noi theo tấm gương của “vị tổng thống bị đánh giá thấp nhất” (Trump), ông sẽ một lần nữa biến nước Mỹ trở thành “quốc gia vĩ đại nhất, hùng mạnh nhất và được kính trọng nhất trên trái đất”, như ông đã cam kết trong bài diễn văn nhậm chức của mình.

Các nhà sử học đánh giá McKinley, người chuyển đến Nhà Trắng vào năm 1897, là một tổng thống khá tầm thường. Nhưng ông được coi là một đại diện tiêu biểu của thời đại đế quốc, trong đó các cường quốc thời đó đã tranh giành thuộc địa và nguyên liệu thô, tranh giành và phân chia thế giới thành các phạm vi ảnh hưởng. McKinley đã thâu tóm Philippines, Puerto Rico và Guam trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ, và đàm phán với Anh về việc xây dựng kênh đào Panama. Trước đó, trong thời gian làm dân biểu của Ohio, ông đã thúc đẩy việc tăng thuế quan của Hoa Kỳ để bảo vệ ngành công nghiệp kim loại của quê hương mình khỏi sự cạnh tranh. McKinley yêu cầu rằng, Nhà Trắng cần có nhiều quyền lực hơn để “ mở ra thị trường mới” cho Hoa Kỳ thông qua các “hợp đồng kinh doanh” bổ sung .

Mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ trong khi đồng thời phong tỏa nó như một pháo đài: đây cũng là mục tiêu của Trump, như ông đã nói trong nhiều tháng trước. Doanh nhân bất động sản này muốn đưa Canada, Greenland và Kênh đào Panama vào Hoa Kỳ, nếu cần thiết bằng vũ lực, để »mang lá cờ Hoa Kỳ đến những chân trời mới và tươi đẹp «. Và ông có kế hoạch áp dụng mức thuế cao hơn đối với hầu hết các quốc gia khi họ vận chuyển sản phẩm đến Hoa Kỳ. Theo cách này, Trump không chỉ muốn “cứu ngành công nghiệp ô tô Mỹ” như ông giải thích. Ông cũng muốn thu thêm tiền để giảm thuế trong nước. »Thay vì đánh thuế công dân của chúng ta để làm cho các quốc gia khác giàu có, chúng ta sẽ làm cho các quốc gia khác phải trả thuế quan để người dân của chúng ta trở nên giàu có hơn.”

Ông nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc hội Hoa Kỳ; Tuy nhiên, trong các đồng minh của Hoa Kỳ, nó gây ra sự bất bình và đối với các chuyên gia, người ta chỉ biết lắc đầu. Các điều kiện của thế kỷ 19 so với hiện tại gần giống như khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Hỏa, nơi mà Trump và người bạn Elon Musk muốn thuộc địa hóa luôn. Hơn nữa, kế hoạch của ông lại đi ngược lại mọi kinh nghiệm kinh doanh mà ông vẫn thường dựa vào.

Ví dụ về thuế hải quan: Nếu một nhà nhập khẩu đột nhiên phải trả phụ phí 20 phần trăm thay vì 10 phần trăm trước đó, anh ta sẽ cộng nó vào giá bán càng nhiều càng tốt để tránh thua lỗ. Đây không phải là tin giả, mà là logic kinh doanh. Cuối cùng, thuế quan của Trump sẽ không gây gánh nặng cho người nước ngoài mà là người tiêu dùng Mỹ, những người sẽ phải trả tiền nhiều hơn và mất đi sức mua. Cũng khó có khả năng là, việc Trump quay trở lại thế kỷ 19 có thể đảm bảo việc làm trong ngành công nghiệp của người Mỹ. Thí dụ về thuế quan trên sản phẩm thép và nhôm Châu Âu: những chính sách mà ông áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình đã cứu được việc làm trong ngành công nghiệp nặng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đồng thời, các nhà sản xuất ô tô và chế tạo máy của Mỹ đã mất việc làm do phải trả giá thép cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, kết quả cuối cùng là, tổn thất lớn hơn lợi ích.

Cách tiếp cận của Trump là bù đắp mức thuế giảm cho dân bằng mức thuế quan cao hơn cũng hoàn toàn sai lạc. Vào thời McKinley, phụ phí nhập khẩu chiếm hơn một nửa doanh thu ngân sách. Nhưng bộ máy nhà nước lúc đó chỉ là một phần nhỏ so với quy mô hiện tại của Hoa Kỳ, và các nguồn thu nhập khác như thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thu nhập hầu như không đáng kể. Một phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy ngay cả khi Trump có thể tăng thuế quan rộng rãi như đã hứa trong chiến dịch tranh cử thì điều này cũng không thể bù đắp được những tổn thất do các lời hứa về thuế của ông gây ra.

Thậm chí còn vô lý hơn là ý tưởng mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ của ông ta bằng cách gây tổn hại đến các nước láng giềng và các đồng minh. Hoa Kỳ không chỉ mất đi danh tiếng là một quốc gia lập hiến. Hoa Kỳ cũng đe dọa những đồng minh thân cận nhất của họ, những người vốn đã trung thành sát cánh cùng họ trong các chiến dịch của Hoa Kỳ ở Trung Đông hoặc ở Afghanistan. Chính sách lãnh thổ hung hăng của Trump sẽ là phương pháp hoàn hảo để đưa phần lớn thế giới vào vòng tay của Trung Quốc. Chủ nghĩa dân túy Mỹ đạt đến đỉnh cao lần đầu tiên vào thời McKinley. Vào những năm 1890 Đảng Nhân dân (People’s Party) được thành lập để bảo vệ nông dân và công nhân công nghiệp Mỹ khỏi sự chèn ép của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Sự thành công của họ dựa trên thực tế là nó giải quyết được những mối quan tâm chính đáng của nhiều bộ phận dân chúng, giống như những gì đảng Cộng hòa “MAGA” đang làm ngày nay.

Trump nêu lên mối lo ngại chính đáng khi ông chỉ trích hành vi hưởng lợi của châu Âu trong việc Mỹ tài trợ cho NATO. Cũng hợp lý khi ông ấy phàn nàn về việc mất quyền kiểm soát của người Mỹ ở biên giới phía nam. Ông ấy đúng khi chỉ ra sự kiêu ngạo của giới tinh hoa học thuật ở Bờ Đông và Bờ Tây đối với những người Mỹ ít học và có thu nhập thấp hơn.

Nhưng giống như những người tiền nhiệm từ thời McKinley, những người theo chủ nghĩa dân túy hiện đại không có bất kỳ câu trả lời khả thi nào. Các kế hoạch lãnh thổ và thuế quan hung hăng của Trump sẽ không thể hoạt động và tác giả David Brooks của tờ New York Times viết rằng chế độ quân chủ độc đoán của Trump là công thức tốt nhất cho “sự thất bại về thông tin, tham nhũng và bất ổn”. Khi nói đến các chiến lược và cơ cấu cải cách, vị tổng thống này “hoàn toàn thiếu năng lực”.

Do đó, nhiều người tin rằng những giấc mơ về ý thức hệ của Trump không nên được coi trọng quá mức. Thậm chí còn hơn cả những hình mẫu của ông vào thế kỷ 19, người ta nói rằng ông sẽ lắng nghe thị trường chứng khoán, nơi đang xem xét các kế hoạch thuế quan và mở rộng của ông với sự nghi ngờ. Giống như tuần này, Tổng thống ngay lập tức ra lệnh chấm dứt cuộc tấn công thương mại vào Mexico và Canada, sau khi thị trường chứng khoán trên toàn thế giới sụp đổ.

Nhưng chiến dịch thư giãn chờ đợi có thể sẽ là một sai lầm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm, Trump đã chứng tỏ ông thực sự tin tưởng vào các học thuyết kỳ lạ của mình. Và còn một mối nguy hiểm nữa: Nếu thị trường tin rằng Trump chỉ sủa mà không cắn, thị trường chứng khoán có thể không phản ứng với quyết định áp thuế tiếp theo – và khuyến khích Trump giữ nguyên quyết định đó. Do đó, thế giới sẽ vô tình trượt vào một cuộc chiến tranh thương mại có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Do đó, hy vọng rằng những cố vấn quan trọng nhất của ông sẽ kịp thời cảnh báo ông về mối nguy hại lớn nhất. Các chính trị gia hàng đầu châu Âu khó có thể đảm nhận vai trò này, điều này được chứng minh qua những bình luận đôi khi rụt rè của họ tại hội nghị thượng đỉnh EU đầu tuần này. Và có lẽ ông ấy sẽ không nghe EU đâu. Sự giúp đỡ chỉ có thể đến từ những doanh nhân và chuyên gia tài chính trong thế giới trực tuyến mà Trump tin tưởng.

Những người bạn công nghệ của Trump thậm chí có thể tham khảo hình mẫu chính trị của người tiền nhiệm thế kỷ 19. Dù McKinley là một người theo chủ nghĩa đế quốc, nhưng trong những năm cuối nhiệm kỳ, ông đã phàn nàn về chi phí khổng lồ liên quan đến chiến thắng Philippines. Và sau cùng ông cũng không còn ủng hộ việc tăng thuế quan nữa. Trong bài phát biểu ngày 5 tháng 9 năm 1901, ông lập luận rằng thuế quan do Hoa Kỳ và các đối tác thương mại áp đặt không nên tăng thêm, mà nên giảm theo thỏa thuận chung. Ông nói: “Chiến tranh thương mại không mang lại lợi ích”.

./.

Nguồn: Jagd auf die Fata Morgana – Spiegel số 7 trang 58-59, ngày 7/2/2025 (báo giấy, không có link)