„Khi chính quyền sử dụng những điều luật mơ hồ để kết tội công dân với cáo buộc “lợi dụng tự do ngôn luận”, điều đó không chỉ phản ánh sự bất công mà còn là minh chứng cho một hệ thống sợ hãi sự thật…
Một xã hội mà con người sợ hãi nói lên sự thật là một xã hội chết.“
Nguyên Việt

Hình minh họa: pixabay
Một nền pháp luật vi phạm nhân quyền luôn tìm cách kiểm soát và trấn áp những quyền cơ bản của con người, trong đó tự do ngôn luận là một mục tiêu chính. Khi chính quyền sử dụng những điều luật mơ hồ để kết tội công dân với cáo buộc “lợi dụng tự do ngôn luận”, điều đó không chỉ phản ánh sự bất công mà còn là minh chứng cho một hệ thống sợ hãi sự thật. Theo luật pháp quốc tế, tự do ngôn luận là một quyền căn bản không thể bị xâm phạm, trừ những trường hợp đặc biệt như kích động bạo lực hoặc gây tổn hại thực tế đến quyền của người khác.
Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR, 1948) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966), Điều 19 của ICCPR quy định: Mọi người có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp; Mọi người có quyền tự do ngôn luận, bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, tư tưởng dưới mọi hình thức.
Việc hạn chế quyền này chỉ hợp pháp khi nó được quy định rõ ràng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng mà không vi phạm nguyên tắc dân chủ.
Do đó, khái niệm “lợi dụng tự do ngôn luận” để kết tội một cá nhân là vô lý về mặt pháp lý trong hệ thống pháp luật nhân quyền quốc tế.
Một nền pháp luật thực sự bảo vệ quyền con người không thể coi việc thực thi quyền tự do ngôn luận là tội phạm, trừ khi có hành vi thù hận, kích động bạo lực, hoặc gây tổn hại thực tế đến quyền của người khác.
Trong các chế độ đàn áp, chính quyền thường tái định nghĩa luật pháp theo hướng có lợi cho mình, gán ghép các điều khoản mơ hồ để trừng phạt bất đồng chính kiến. “Lợi dụng tự do ngôn luận” trở thành một công cụ để triệt tiêu những tiếng nói phản biện bằng cách vu khống họ là gây rối trật tự công cộng, xâm phạm lợi ích quốc gia, hoặc tuyên truyền sai lệch. Các luật này thường không xác định rõ ranh giới giữa phê bình hợp pháp và hành vi phạm tội, dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện.
Từ Trung cộng đến Nga, từ Iran đến Việt Nam, tự do ngôn luận luôn là một trong những quyền bị xâm phạm nặng nề nhất. Những người bày tỏ quan điểm trái chiều với chính quyền có thể bị kết án chỉ vì một bài viết, một bài báo, một dòng trạng thái trên mạng xã hội. Trung cộng sử dụng Luật An ninh Quốc gia để bắt giữ những người phản biện, cáo buộc họ “kích động lật đổ chính quyền”. Nga kết tội những người phản đối cuộc chiến Ukraine với lý do “lan truyền tin giả về quân đội Nga”, dù họ chỉ đưa tin từ các nguồn độc lập. Iran bắt giữ các nhà báo, nghệ sĩ, và công dân chỉ vì họ “phỉ báng lãnh đạo”, trong khi ở Việt Nam, điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” hoặc quy định tội “tuyên truyền chống nhà nước”, trở thành những cái bẫy pháp lý nhắm vào những người viết blog hoặc chỉ trích chính quyền.
Những hệ quả từ việc lạm dụng luật pháp này là nghiêm trọng. Khi quyền tự do bị đàn áp, người dân không dám bày tỏ quan điểm, dẫn đến một xã hội sống trong sợ hãi và thụ động. Sự thiếu minh bạch trong hệ thống pháp luật khiến công lý trở thành một công cụ chính trị hơn là một giá trị khách quan. Quan trọng hơn, khi một hệ thống pháp luật không bảo vệ quyền con người, nó mất đi tính chính danh, và niềm tin vào pháp quyền bị hủy hoại.
Trong bối cảnh đó, những cá nhân dám lên tiếng trở thành biểu tượng của trí thức thời đại. Họ không đơn thuần là những người có học thức, mà là những con người dám đối diện với nguy hiểm để bảo vệ chân lý. Phạm Đoan Trang, Huy Đức (Osin), Trương Duy Nhất, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng… họ là những nhân chứng sống cho sự giằng co giữa trí thức và quyền lực, giữa sự thật và đàn áp. Đoan Trang là một nhà báo dấn thân, một người biết rõ cái giá phải trả nhưng vẫn tiếp tục viết, tiếp tục đấu tranh cho quyền con người. Huy Đức, thông qua tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, đã phơi bày những sự thật lịch sử mà chế độ muốn chôn vùi. Họ là những người đã chọn con đường khó khăn nhất: nói lên sự thật trong một thế giới bị bao trùm bởi dối trá.

Một vài khuôn mặt trong số hàng trăm công dân Việt Nam bị bắt vì điều luật 117 hay 331 và vẫn đang ngồi tù: Từ trái qua phải: Nhà báo Huy Đức, nhà báo Phạm Đoan Trang, nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, kỹ sư-blogger Nguyễn Lân Thắng, ba mẹ con nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư. Nguồn ảnh: Project 88, Human Rights Watch, internet.
Trí thức thời đại không phải là kẻ ngồi trên tháp ngà, mà là những người sẵn sàng đặt câu hỏi về những điều cấm kỵ, sẵn sàng chịu đựng đàn áp để giữ vững tiếng nói lương tri. Lịch sử đã chứng minh rằng không một xã hội nào có thể tiến bộ nếu thiếu đi những cá nhân như vậy. Từ Jean-Paul Sartre đến Václav Havel, từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đến Hoàng Minh Chính hay Hà Sĩ Phu v.v…, trí thức thực sự không phải là kẻ im lặng. Họ có thể bị bắt giam, bị cô lập, bị làm nhục, nhưng tư tưởng của họ không thể bị tiêu diệt.
Một xã hội mà con người sợ hãi nói lên sự thật là một xã hội chết. Khi trí thức bị buộc phải câm lặng, khi những tiếng nói phản biện bị xem là tội phạm, thì không chỉ tự do bị thủ tiêu mà cả lương tri cũng bị bóp nghẹt. Điều nguy hiểm nhất không phải là sự đàn áp từ chính quyền, mà là sự cam chịu của quần chúng. Khi sự sợ hãi trở thành thói quen, khi con người chọn cách ngoảnh mặt làm ngơ trước bất công, thì đó chính là cái chết của xã hội.
Sẽ ra sao nếu không còn ai dám đứng lên? Sẽ ra sao nếu mọi trí thức đều chọn sự im lặng? Một dân tộc không có những người bảo vệ sự thật là một dân tộc đánh mất linh hồn của chính mình. Trong thế giới đầy biến động hôm nay, câu hỏi không còn là “Ai sẽ là người tiếp theo bị bắt?” mà là “Ai sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa của sự thật?” Nếu không có câu trả lời cho câu hỏi này, thì chúng ta đã đánh mất nhiều hơn một quyền con người—chúng ta đã đánh mất chính tương lai của mình.
Bấy giờ, Huy Đức và Đoan Trang, và cả nhiều người khác đang đứng lên không phải vì họ muốn được xã hội công nhận mình là “trí thức”, họ đứng lên trong lẽ tất yếu của sử mệnh và tính mệnh Việt Nam— Trí Thức không bẻ cong ngòi bút và, Trí Thức thời nào cũng phải nói*
Nguyên Việt (12.02.2025)
* Tuệ Sỹ, Trí Thức Phải Nói—2013.