Seite auswählen

Chính quyền Trump tìm cách thắt chặt quan hệ song phương bền vững Mỹ – Phi Luật Tân

 

Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ 2 đang tìm cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương bền vững với Phi Luật Tân, không chỉ về an ninh mà cả về các lĩnh vực phát triển khác. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã có cuộc gặp với đồng nhiệm Phi Luật Tân, Enrique Manalo ngày 15/02/2025 bên lề Hội nghị An ninh Munich, để thảo luận về các sáng kiến ​​thúc đẩy quan hệ song phương.

(Ảnh minh họa) Hai chiến đấu cơ FA-50 của Không quân Phi Luật Tân bay cùng với hai máy bay ném bom B-1 của Không quân Hoa Kỳ trong một cuộc tuần tra và huấn luyện chung trên Biển Đông, ngày 4 tháng 2 năm 2025. AP

 

Trang tin Philstar Global ngày 16/02 trích dẫn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tammy Bruce, theo đó trong cuộc hội đàm, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio « không chỉ tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về liên minh Mỹ – Phi Luật Tân » mà còn nhấn mạnh thái độ « nhiệt tình tích cực của Hoa Kỳ trong việc xây dựng một mối quan hệ được đầu tư và bền vững hơn ».

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, các cuộc thảo luận đặc biệt liên quan đến sự phối hợp song phương đang được tiến hành để đối phó với các hành động gây bất ổn của Trung cộng ở Biển Đông. Bà Tammy Bruce cũng cho biết ngoại trưởng Rubio và Manalo cũng trao đổi về « tăng cường hợp tác kinh tế về cơ sở hạ tầng, các loại khoáng sản quan trọng, công nghệ thông tin và năng lượng, bao gồm cả thông qua hợp tác hạt nhân dân sự ».

Trong tháng 02/2025, bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân, Gilbert Teodoro Jr, và đồng nhiệm Mỹ, Pete Hegseth, đã có cuộc điện đàm chính thức đầu tiên để thảo luận về hợp tác quốc phòng song phương và tái lập khả năng răn đe ở Biển Đông.

 

RFI (16.02.2025)

 

 

 

Mỹ nói tập trận quân sự với Phi Luật Tân là ‘hoàn toàn mang tính phòng thủ’

Hệ thống phi đạn Typhon tại Phi trường Quốc tế Laoag, ở Laoag, Phi Luật Tân, ngày 26 tháng 4 năm 2024, trong ảnh chụp từ vệ tinh.

 

Các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Phi Luật Tân đã có từ lâu, “hoàn toàn mang tính phòng thủ” và nhằm mục đích duy trì tính sẵn sàng của lực lượng và bảo vệ an ninh khu vực, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Phát ngôn viên này trả lời trong một email yêu cầu bình luận sau khi bộ quốc phòng Trung cộng ngày thứ Sáu kêu gọi Manila rút đi phi đạn tầm trung xa Typhon của Mỹ.

Các giàn phóng Typhon, một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm tích lũy kho vũ khí chống hạm ở Châu Á, có thể bắn phi đạn đa năng ở khoảng cách lên tới hàng ngàn kilômét.

Việc triển khai tạm thời các năng lực phi đạn của Mỹ tại Phi Luật Tân là để ứng phó các mối đe dọa ngày càng nhiều, nhằm duy trì tính sẵn sàng của lực lượng và giữ gìn an ninh và ổn định của khu vực cho tất cả mọi người, người phát ngôn nói.

“Các hệ thống này của Hoa Kỳ được thiết kế để được trang bị vũ khí thông thường và không được thiết kế để sử dụng đầu đạn hạt nhân,” người phát ngôn nói thêm.

Bắc Kinh đã triển khai phi đạn đạn đạo tầm trung và tầm trung xa có thể vươn tới 3.000 km, hoặc 5.000 km bao gồm cả phi đạn có năng lực kép cho mục đích sử dụng hạt nhân và thông thường, và đang phát triển và triển khai thêm nhiều hệ thống như vậy, theo người phát ngôn.

Bộ Quốc phòng Trung cộng cáo buộc Phi Luật Tân nuốt lời hứa khi đưa vào sử dụng hệ thống phi đạn mà họ gọi là “vũ khí tấn công chiến lược.”

Phi Luật Tân nói hệ thống phi đạn Typhon chỉ nhằm mục đích phòng thủ và quốc gia Đông Nam Á này chưa bao giờ hứa sẽ rút nó đi.

Phi đạn hành trình Tomahawk trong giàn phóng có thể tấn công các mục tiêu ở Trung cộng hoặc Nga từ Phi Luật Tân, trong khi tên lửa SM-6 mà nước này cũng mang theo có thể tấn công các mục tiêu trên không hoặc trên biển cách xa hơn 200 km.

 

VOA (16.02.2025)

 

 

 

 

Căng thẳng với Trung cộng ở Biển Đông, Phi Luật Tân tăng cường hợp tác quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro Jr.

 

Phi Luật Tân đang tăng cường nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng với một số nền dân chủ có cùng chí hướng trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra với Trung cộng ở Biển Đông.

Manila đang cố gắng ký kết các hiệp ước quốc phòng lớn với Canada và New Zealand và thăm dò khả năng mở rộng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, đối tác quốc phòng chính của mình.

Các nhà phân tích nói diễn tiến này là một phần trong nỗ lực của Manila nhằm chống lại các hoạt động hàng hải hung hăng của Trung cộng gần một số rạn san hô đang có tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.

“Phi Luật Tân đang cố gắng tăng cường năng lực của mình để đủ sức răn đe Trung cộng bằng cách nhấn mạnh nhiều vào Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương với Hoa Kỳ trong khi mở rộng mạng lưới hợp tác với các nền dân chủ có cùng chí hướng khác”, ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro Jr. mô tả các hiệp ước quốc phòng với Canada và New Zealand là một phần trong nỗ lực của Manila nhằm “xây dựng và củng cố” các liên minh với các quốc gia có cùng chí hướng.

“Quy chế của thỏa thuận lực lượng viếng thăm với New Zealand là một phần quan trọng trong … các sáng kiến của hai nước và các sáng kiến đa quốc nhằm chống lại lời lẽ đơn phương của Trung cộng nhằm thay đổi luật pháp quốc tế”, ông nói với các nhà báo bên lề một sự kiện vào ngày 6 tháng 2.

Trong khi đó, đại sứ Canada tại Phi Luật Tân, David Hartman, cho biết tại một sự kiện báo chí vào ngày 7 tháng 2 rằng thỏa thuận lực lượng viếng thăm sẽ cho phép Canada “tham gia nhiều hơn nữa vào các cuộc tập trận và hoạt động huấn luyện chung và đa phương với Phi Luật Tân và các đồng minh” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Một số nhà phân tích Phi Luật Tân mô tả việc ký kết các thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. nhằm “điều chỉnh lại” các lợi ích chiến lược lâu dài của đất nước.

Vào lúc Trung cộng tiếp tục thách thức các yêu sách lãnh thổ của nhiều quốc gia khác nhau trên khắp khu vực Thái Bình Dương, “những nỗ lực của Phi Luật Tân nhằm củng cố thêm các thỏa thuận với các đồng minh phù hợp với nhu cầu của Manila trong việc bảo vệ lãnh thổ trên biển và bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực”, ông Joshua Espena, từ tổ chức Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Phi Luật Tân, trả lời VOA qua điện thoại.

Với khoảng một phần ba thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông, ông Koh ở Singapore cho biết các quốc gia dân chủ khác coi việc ký kết các thỏa thuận quốc phòng với Phi Luật Tân là một cách để bảo vệ lợi ích chiến lược và kinh tế của họ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mặc dù những nỗ lực của Phi Luật Tân nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng với các nền dân chủ khác có thể không thay đổi cơ bản hành vi của Trung cộng ở Biển Đông, nhưng “Trung cộng vẫn lo ngại khi có quá nhiều đối tác tham gia quân sự với Manila”, ông Koh nói với VOA qua điện thoại.

Ngoài việc đàm phán các hiệp ước quốc phòng với Canada và New Zealand, Phi Luật Tân cũng đang tìm cách mở rộng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.

Trong cuộc gọi hôm 11/2, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân, Tướng Romeo Brawner Jr., và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng CQ Brown, đã thảo luận về “các sáng kiến hiện đại hóa quân đội, các địa điểm của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường và tăng phạm vi và năng lực của các cuộc tập trận chung tại Phi Luật Tân”, theo phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, Đại tá Hải quân Jereal Dorsey.

Ngoài các cuộc thảo luận, Phi Luật Tân đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và Canada kể từ tuần trước, một diễn biến mà Trung cộng nói là phá hoại “hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Trong khi các quốc gia trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho những bất ổn xuất phát từ chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, một số chuyên gia cho biết những diễn biến gần đây cho thấy Hoa Kỳ có thể tiếp tục duy trì quan hệ đối tác quốc phòng với Phi Luật Tân.

“Những người mà chính quyền Trump đưa vào các vị trí an ninh quan trọng chủ yếu là những người theo chủ nghĩa diều hâu đối với Trung cộng, vì vậy họ coi mối đe dọa từ Trung cộng là rất thực tế và Phi Luật Tân vẫn ở tuyến đầu [của mối đe dọa đó]”, ông Raymond Powell, giám đốc dự án Sealight của Đại học Stanford, nơi theo dõi các hoạt động hàng hải của Trung cộng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói.

Ông nói Phi Luật Tân có thể “được hưởng lợi” từ định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Manila “có thể có một trong những lập luận mạnh mẽ nhất” để thuyết phục Hoa Kỳ chuyển nguồn lực sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì “họ đang ở tuyến đầu”, ông Powell nói với VOA qua điện thoại.

Trong khi Hoa Kỳ và Phi Luật Tân tiếp tục duy trì hợp tác quốc phòng, Trung cộng đã mô tả mối quan hệ đối tác này là “cực kỳ nguy hiểm”.

“Trung cộng sẽ không ngồi yên khi lợi ích an ninh của mình bị tổn hại hoặc bị đe dọa”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Quách Gia Khôn cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 12/2.

Để đối phó với các hoạt động ngày càng quyết liệt của lực lượng hải cảnh Trung cộng trên Biển Đông, ông Brawner Jr. cho biết hôm 12/2 rằng Phi Luật Tân hy vọng sẽ mua thêm hai tàu ngầm và phi đạn BrahMos từ Ấn Độ. Hãng tin Reuters đưa tin rằng New Delhi dự kiến sẽ ký một thỏa thuận phi đạn trị giá 200 triệu đô la với Manila vào năm sau.

Ông Powell nhận định rằng số phi đạn bổ sung đó có thể tăng cường khả năng răn đe của Phi Luật Tân đối với Trung cộng, trong khi Manila có thể cần nỗ lực đáng kể để làm quen với việc vận hành các tàu ngầm.

Bất chấp nỗ lực gần đây của Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. trong việc “đề xuất một thỏa thuận” nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông, ông Powell cho rằng lập trường cứng rắn của Bắc Kinh sẽ khiến đề xuất này khó có thể hiện thực hóa.

 

VOA (15.02.2025)

 

 

 

 

Máy bay quân sự của Úc và Trung cộng đối mặt gần Hoàng Sa

 

Úc và Trung cộng đang đổ lỗi cho nhau về một vụ việc gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp ở biển Đông

Máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ bay từ phi trường Perth của Australia hôm 16/4/2014 (minh hoạ) (GREG WOOD/GREG WOOD / POOL / AFP)

 

Úc và Trung cộng đang đổ lỗi cho nhau về một vụ việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp ở biển Đông.

Hôm 11/2, máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Úc đã chứng kiến “sự can thiệp không chuyên nghiệp và nguy hiểm” của máy bay chiến đấu J-16 của Trung cộng, Lực lượng Quốc phòng Úc ra thông cáo cho biết như vậy.

Máy bay Poseidon P-8A đang thực hiện hoạt động tuần tra giám sát trên biển ở Biển Đông vào lúc đó, thông cáo cho biết.

Úc cho biết máy bay Trung cộng đã bắn pháo sáng vào sát máy bay của Úc.

“Đây là hành động không chuyên nghiệp và nguy hiểm đối với máy bay và những người trên máy bay” – Bộ Quốc phòng Úc cho biết.

Không có thành viên nào trên máy bay Úc bị thương trong vụ việc này và máy bay không bị hư hại nhưng Úc nói nước này “hy vọng các quốc gia bao gồm cả Trung cộng nên vận hành quân đội của mình theo cách chuyên nghiệp và an toàn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói với Sky News rằng máy bay J-16 của Trung cộng “đã rất gần đến mức không có cách nào bạn có thể đảm bảo là pháo sáng không trúng vào máy bay P-8.”

“Nếu bất cứ phát pháo sáng nào bắn trúng máy bay P-8, nó chắc chắn đã gây ra những hư hại đáng kể cho máy bay,” – ông nói.

Pháo sáng, khi được bắn từ máy bay ở cự ly gần, có thể đi vào động cơ và khiến máy bay rơi. Tuy nhiên pháo sáng vẫn thường được Không quân quân giải phóng nhân dân Trung Hoa sử dụng đối với các phương tiện nước ngoài.

Vào tháng 5/2024, Úc cũng đã phản đối Trung cộng sau khi một chiến đấu cơ của Trung cộng bắn pháo sáng sát trực thăng của Úc ở vùng biển quốc tế thuộc Hoàng hải.

Vào tháng 10/2023, một máy bay Trung cộng cũng bắn pháo sáng vào trực thăng của Canada ở Biển Đông.

 

Trang chấp ở quần đảo Hoàng Sa

Trung cộng đã bác bỏ những cáo buộc mới đây của Úc, nói rằng máy bay quân đội Úc “cố tình xâm nhập vào vùng trời của Trung cộng trên quần đảo Tây Sa”.

Tây Sa là tên Trung cộng gọi quần đảo Hoàng Sa mà hiện cả Việt Nam và Đài Loan đều khẳng định có chủ quyền.

Quần đảo này do Bắc Kinh kiểm soát kể từ năm 1974 khi quân Trung cộng chiếm được quần đảo từ Nam Việt Nam trong một trận hải chiến khiến 74 lính Việt Nam Cộng Hoà tử trận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Guo Jiakun nói hoạt động của máy bay Úc đã “vi phạm chủ quyền của Trung cộng và gây hại đến an ninh quốc gia.”

“Phản ứng của Trung cộng để cảnh báo máy bay Úc là hợp lệ, hợp pháp, chuyên nghiệp và kiềm chế” – ông Guo nói. “Thông điệp của chúng tôi là khá rõ ràng: chấm dứt gây hấn và xâm phạm chủ quyền của Trung cộng, ngừng việc biến Biển Đông thành nơi kém hoà bình và ổn định hơn.”

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng Zhang Xiaogang cáo buộc Úc đã “lan truyền luận điệu sai trái.”

“Điều này cho thấy là máy bay quân đội Úc đã lờ đi tuyến đường chính ở Biển Đông và xâm nhập vào nhà của người khác,” – Zhang nói với các phóng viên báo chí.

“Việc Trung cộng đuổi họ đi là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và hơn là trách móc, và là một sự phòng vệ đúng đắn đối với chủ quyền và an ninh quốc gia” – ông nói thêm.

Hoạt động tuần gia của máy bay P-8A Poseidon là hoạt động bình thường và không vi phạm các quy định, Abdul Rahman Yaacob – nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Lowy của Úc nhận định.

“Úc có quyền lợi đối với khu vực hàng hải mở và tự do vì là một quốc gia đảo”, ông Rahman nói với RFA. “Quần đảo Hoàng Sa cũng là một vùng đang có tranh chấp, việc Trung cộng đòi chủ quyền đối với quần đảo đã bị toà trọng tài quốc tế bác bỏ trong phán quyết năm 2016 nên về mặt luật pháp, Trung cộng không có quyền để phản ứng mạnh như vậy.”

 

RFA (14.02.2025)

 

 

 

 

 

Trung cộng cáo buộc Úc cố tình khiêu khích ở Biển Đông

Máy bay phản lực PLA J-16 của Trung cộng. Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho biết một máy bay phản lực PLA J-16 của Trung cộng đã thả pháo sáng cách một máy bay RAAF 30m của Úc trên Biển Đông trong tuần này.

 

Hôm thứ Sáu (14/2), Trung cộng cáo buộc Úc cố tình khiêu khích nước này bằng một cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông tranh chấp trong tuần này, nói rằng Úc đã phát tán “những câu chuyện sai sự thật”, mặc dù Úc vẫn khẳng định hành động của mình tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho biết một máy bay phản lực PLA J-16 của Trung cộng đã thả pháo sáng cách một máy bay RAAF 30m. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng do các cuộc tương tác giữa hải quân và không quân mà Úc gọi là nguy hiểm.

Bình luận hôm thứ Sáu được đưa ra một ngày sau khi Úc cảnh báo về hành động “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” của máy bay phản lực đối với cuộc tuần tra mà họ cho là giám sát thường lệ ở vùng biển quốc tế vào thứ Ba, điều mà Bắc Kinh phản đối.

“Úc cố tình xâm phạm quyền của Trung cộng ở Biển Đông và khiêu khích Trung cộng, nhưng chính kẻ xấu lại phàn nàn trước, phát tán những câu chuyện sai sự thật”, Trương Hiểu Cương, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung cộng nói.

Ông Trương cáo buộc máy bay quân sự Úc đã phớt lờ các tuyến đường chính trên hải lộ đông đúc này, nói rằng nó “đột nhập vào nhà” của những người khác và thêm rằng phản ứng của Trung cộng là hợp lý và là sự bảo vệ chủ quyền hợp pháp.

“Chúng tôi kêu gọi Úc từ bỏ ảo tưởng suy đoán và phiêu lưu của mình”, ông Trương nói.

Ông kêu gọi Úc kiềm chế lực lượng hải quân và không quân tiền tuyến của mình, thay vì “gây rắc rối” ở Biển Đông, tạo ra bất lợi cho người khác và chính họ.

Trước những bình luận của Trung cộng, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói với các phóng viên “Chúng tôi coi hành động này là không an toàn. Chúng tôi đã nói rõ điều đó”.

Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết máy bay của Úc đang ở trong không phận quốc tế và nói thêm “Không đời nào phi công của chiếc J16 của Trung cộng có thể kiểm soát được nơi mà pháo sáng bay đến”.

Ông Marles cho biết việc quân đội Úc thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đi kèm với rủi ro ngày càng tăng.

“Chúng tôi thực hiện theo luật pháp quốc tế”, ông nói với Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) trong một cuộc phỏng vấn trước đó vào thứ Sáu.

“Chúng tôi không phải là quốc gia duy nhất làm như vậy. Nhưng điều thực sự quan trọng là chúng tôi phải khẳng định các quy tắc của tuyến đường, như vậy là như vậy”.

Bộ ngoại giao Phi Luật Tân đã bày tỏ quan ngại về vụ việc, viện dẫn “các động thái không an toàn” của máy bay Trung cộng.

“Tất cả các quốc gia cần tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không trong và trên các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, chẳng hạn như Biển Đông”, họ nói trong một tuyên bố.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền trên một khu vực rộng lớn của Biển Đông, bất chấp các tuyên bố chồng lấn của Brunei, Indonesia, Malaysia, Phi Luật Tân và Việt Nam.

Trung cộng bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách chủ quyền của họ không dựa trên luật pháp quốc tế.

 

VOA (14.02.2025)

 

 

 

 

Quần đảo Hoàng Sa: Tiêm kích Trung cộng bị cáo buộc thả pháo sáng gần máy bay quân sự Úc

 

Ngày 13/02/2025, Canberra đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh về việc một chiến đấu cơ Trung cộng đã có hành vi « không an toàn » ở Biển Đông khi bắn pháo sáng gần một máy bay của không quân Úc. Bắc Kinh cáo buộc « máy bay của Úc cố tình thâm nhập không phận quần đảo Hoàng Sa (Xisha) mà không được Trung cộng cho phép ».

Bản đồ vị trí quần đảo Hoàng Sa (Iles Paracel, hay “Tây Sa” theo cách gọi của Trung cộng) mà Bắc Kinh kiểm soát từ năm 1974. Ảnh RFI

 

Theo bộ Quốc Phòng Úc được trang ABC News trích dẫn, sự cố diễn ra ngày 11/02. Chiến đấu cơ J-16 của quân đội Trung cộng đã thả pháo sáng chỉ cách máy bay P-8 Poseidon của Không Quân Hoàng Gia Úc (RAAF) có 30 mét. Không thành viên nào trong phi hành đoàn bị thương và máy bay P-8 không bị tổn hại. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Úc lên án hành vi « nguy hiểm và không chuyên nghiệp » của máy bay Trung cộng. Những quan ngại này đã được thông báo với Bắc Kinh.

Về phía Trung cộng, trả lời báo giới ngày 13/02, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) cáo buộc « máy bay Úc đã vi phạm chủ quyền của Trung cộng và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia » khi bay vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974.

Trước đó, ngày 12/02, người phát ngôn Quách Gia Khôn cũng lên án Phi Luật Tân giao việc bảo đảm an ninh và quốc phòng cho một nước thứ ba bên ngoài khu vực, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang. Theo trang China Daily, Bắc Kinh kêu gọi Manila « thay đổi hành vi sai trái » đó, cụ thể là trả lại Mỹ hệ thống tên lửa Typhon sau cuộc diễn tập quân sự với Phi Luật Tân. Tuy nhiên, tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. từng nhấn mạnh Manila sẽ chỉ đưa hệ thống tên lửa của Mỹ khỏi Phi Luật Tân nếu Bắc Kinh chấm dứt những « hành vi hung hăng và cưỡng ép » ở Biển Đông.

 

RFI (13.02.2025)

 

 

 

 

Tàu chiến Mỹ lần đầu tiên đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi tổng thống Trump nhậm chức

 

Lần đầu tiên kể từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức, hai tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan từ ngày 10 đến 12/02/2025. Bắc Kinh lên án hành động làm gia tăng nguy cơ an ninh trong khu vực và điều chiến đấu cơ theo dõi. Đài Loan thông báo phát hiện 62 chiến đấu cơ Trung cộng trong vòng 48 tiếng khi hai tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson (DDG 114) ở eo biển Đài Loan, ngày 09/09/2023. AP – Mass Communication Specialist 1st Class Jamaal Liddell

 

Theo Hải Quân Mỹ, được Reuters trích dẫn, tàu khu trục USS Ralph Johnson mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke và tàu nghiên cứu USNS Bowditch lớp Pathfinder đã đi dọc eo biển Đài Loan từ bắc xuống nam. Matthew Comer, người phát ngôn của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, khẳng định « chuyến hải hành diễn ra trong hành lang nằm ngoài vùng biển của bất kỳ quốc gia ven biển nào » và như vậy « mọi quốc gia đều được hưởng quyền tự do lưu thông trên biển, trên không ».

Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, Trung cộng đã điều 62 chiến đấu cơ và ít nhất 7 chiến hạm trong suốt thời gian hai tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, cho tới 6 giờ sáng 12/02 (giờ địa phương). Trong thông cáo ngày 12/02, đại tá Lý Tây (Li Xi), người phát ngôn Bộ Tư Lệnh Chiến khu miền Đông Trung cộng, lên án « động thái của Mỹ phát đi tín hiệu sai và làm tăng nguy cơ cho an ninh ».

Chuyến hải hành của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan diễn ra vào lúc tổng thống Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba lên án « mọi mưu đồ thay đổi nguyên trạng (ở eo biển Đài Loan) bằng vũ lực hoặc hăm dọa » trong khi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng thống nhất. Ngay sau tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản, Bắc Kinh cáo buộc Tokyo đã có những phát biểu « tiêu cực » và « sẽ không bao giờ cho phép thế lực nước ngoài can thiệp » vào chuyện nội bộ.

 

RFI (12.02.2025)