Seite auswählen

Luật sư Trần Đình Triển trong một tấm ảnh không rõ ngày tháng (FB Trần Đình Triển) (Citizen)

 

Sau hơn một tháng bị Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án ba năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, luật sư Trần Đình Triển (nguyên phó chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội) đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, khẳng định mình “không phạm tội”.

Tờ VnExpress trong ngày 15/2 đăng luật sư Ngô Anh Tuấn (một trong tám người bào chữa cho ông Triển) cho biết thông tin trên.

Còn theo tờ Tiền Phong phát hành cùng ngày, nội dung trong đơn kháng cáo, ông Triển thừa nhận đăng tải bài viết có nội dung bình luận về hệ thống Tòa án và lãnh đạo Tòa án tối cao nhưng cho rằng, hành vi của mình không phạm tội. Cùng với đó, nội dung đơn cũng đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

Trước đó (hôm 10/1), ngay sau khi Tòa Hà Nội tuyên ông Triển ba năm tù giam, một luật sư (không muốn nêu danh tính) trong số các luật sư đăng ký bào chữa cho ông Triển đã nói với RFA rằng: “Bản án không phù hợp, sẽ kháng cáo”.

Một luật sư khác ở Hà Nội đề nghị được ẩn danh cũng viết trong tin nhắn gửi RFA rằng: “Cá nhân tôi cho rằng luật sư Trần Đình Triển vô tội, ông ấy phải chịu một bản án chính trị không phải một bản án hình sự.

Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, ông Josef Benedict – nhà nghiên cứu của tổ chức CIVICUS khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận xét với RFA rằng, bản án ba năm tù đối với ông Triển ngay từ những ngày đầu năm cho thấy “năm 2025 sẽ không có gì khác biệt đối với các nhà hoạt động và những người chỉ trích dưới chế độ này”.

Ông khẳng định:

“Việc ông (Triển) bị bỏ tù sau một phiên tòa giả tạo sẽ tạo ra hiệu ứng ớn lạnh đối với những người trong ngành luật vốn đã phải đối mặt với nhiều hình thức đe dọa và quấy rối vì bảo vệ nhân quyền.

CIVICUS kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các luật sư và hiệp hội luật sư lên tiếng và kêu gọi hủy bỏ bản án của ông và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông”.

 

RFA (16.02.2025)

 

 

 

 

Việt Nam liệt BPSOS vào danh sách ‘tổ chức khủng bố’

Ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của BPSOS, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit), Washington, DC, ngày 5/2/2025.

 

 

Ngày 14/2, Bộ Công an Việt Nam tuyên bố tổ chức Ủy ban Cứu Người Vượt biển (BPSOS) là “tổ chức khủng bố” và cáo buộc rằng nhóm phi lợi nhuận này ở Mỹ đã lợi dụng hoạt động để giúp nhiều tổ chức hoặc cá nhân “chống phá Việt Nam”. Ngược lại, BPSOS nhanh chóng lên án động thái này của chính quyền Việt Nam.

“BPSOS hoạt động dưới danh nghĩa ‘cứu trợ người tị nạn’ nhưng thực chất là lợi dụng hoạt động này để móc nối, trợ giúp các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam, trong đó có số đối tượng tham gia tổ chức ‘Người Thượng vì công lý – MSFJ’ – tổ chức đã tiến hành vụ khủng bố ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk”, báo Công An Nhân Dân của Bộ Công loan tin hôm 14/2.

Truyền thông Việt Nam dẫn thông cáo của Bộ Công an cáo buộc rằng người đứng đầu của BPSOS, ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức này, và một số thành viên khác đã hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn, chỉ đạo các thành viên của MSFJ như ông Y Quynh Bdap, Y Phik Hdok hoạt động.

Ngoài ra, Bộ Công an còn cáo buộc rằng BPSOS tiếp tục hỗ trợ tiền, bố trí nơi ở để Y Quynh Bdap lẩn trốn tại Thái Lan và sau đó khi ông Y Quynh bị bắt, BPSOS đã nỗ lực tìm cách bảo vệ, không để tòa án Thái Lan ra phán quyết trục xuất Y Quynh về Việt Nam.

“Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam hết sức bực bõ, gần như là điên cuồng về sự kiện mới xảy ra ở thủ đô Hoa Kỳ là Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit) và hôm nay họ leo thang cáo buộc BPSOS là thành phần khủng bố vì đã hỗ trợ cho MSFJ và lên tiếng bênh vực cho anh Y Quynh Bdap”, ông Nguyễn Đình Thắng nêu phản ứng với VOA.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế diễn ra từ ngày 4-5/2, BPSOS đã hỗ trợ các cộng đồng và nhóm vận động gốc Việt lên tiếng bênh vực cho các nhóm tôn giáo độc lập ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump gây áp lực để Hà Nội ngưng đàn áp các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có ông Y Quynh Bdap.

Trang web của tổ chức BPSOS (BPSOS)

 

Trả lời phỏng vấn VOA, ông Stephen Schneck, Chủ tịch Uỷ hội Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ thường phối hợp tổ chức các hội luận, thu thập báo cáo với BPSOS vì tự do tôn giáo ở Việt Nam, cho hay rằng USCIRF “đang tiếp tục theo dõi tình hình” liên quan đến việc chỉ định của nhà chức trách Việt Nam đối với BPSOS.

“Chúng tôi biết rằng chính quyền [Việt Nam] sử dụng nhiều điều khoản khác nhau của Bộ luật Hình sự để nhắm vào các nhóm tôn giáo và xã hội dân sự độc lập, bao gồm Điều 113 Bộ luật Hình sự, điều khoản này hình sự hóa việc áp dụng tội danh ‘Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân’”, ông Schneck nói.

“Chính quyền vận dụng điều khoản này một cách rộng rãi, cho phép họ truy tố những người ủng hộ quyền tự do tôn giáo và/hoặc hoạt động tôn giáo độc lập”, ông Schneck nêu quan điểm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi được đề nghị đưa ra bình luận về các phát biểu trên.

Hồi tháng 3/2024, Bộ Công an cũng đã đưa tổ chức MSFJ và các cá nhân liên quan vào danh sách các tổ chức, thành viên khủng bố.

Một số tổ chức khác ở Mỹ bị chính quyền Việt Nam đưa vào danh sách khủng bố như Nhóm Hỗ trợ người Thượng (Montagnard Support Group, Inc. – MSGI), Việt Nam canh tân cách mạng đảng (Việt Tân), Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.

 

VOA (15.02.2025)

 

 

 

Viết Nghị định 168 “ác tàn xác” trên mạng xã hội, người dân bị công an triệu tập

 

Một người dân ở Quảng Nam vừa bị công an lập hồ sơ xử lý vì phê phán Nghị định 168 trên mạng xã hội

Ông N.H.S. tại trụ sở công an và phần bình luận của ông trên Facebook bị gạch đỏ trên trang tin của tỉnh Quảng Nam  (quangnam.gov)

 

Một người dân ở Quảng Nam vừa bị Phòng An ninh chính trị – Công an tỉnh Quảng Nam triệu tập sau khi viết bình luận trên một diễn đàn Facebook về Nghị định 168 quy định các mức xử phạt lỗi vi phạm giao thông có hiệu lực từ đầu năm nay.

Trang web của tỉnh Quảng Nam vào ngày 15/2 đăng thông tin cho biết, ông N.H.S (SN: 1993, trú: La Thọ 2, Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đã bị cơ quan công an triệu tập vì “hành vi đăng tải bình luận xuyên tạc, sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.”

Theo thông tin từ trang tin điện tử của chính quyền tỉnh Quảng Nam, vào ngày 13/2, cơ quan công an đã phát hiện người này sử dụng Facebook “Hổ tướng (Gà Chọi Đẳng Cấp)” truy cập bài viết: “!! Tăng cấp ba lần mức phạt với lỗi vượt đèn đỏ nhưng nhiều người có thể vô mắc lỗi vì bỏ đếm giây đèn giao thông.” đăng tải trên fanpage Điện Bàn (có 100.000 người theo dõi và 61.000 lượt thích). Người này đã bình luận dưới bài viết như sau: “Ra cái luật chi ác tàn xác luôn.. đang đi đèn xanh cái chuyển qua đèn đỏ vì bỏ đếm giây, bị mấy lần rồi á .. mấy cha suy nghĩ ra bỏ giây là giết tài xế giết dân á”.

Bài viết cho biết, sau khi làm việc với công an, người này “đã nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân và tự nguyện xin gỡ bỏ ngay lập tức nội dung bài viết bình luận sai phạm nêu trên.”

Hiện không rõ chính quyền đã áp dụng hình phạt nào đối với người viết bình luận. Trang tin của tỉnh Quảng Nam chỉ cho biết “Phòng An ninh chính trị nội bộ đang củng cố hồ sơ để xử lý N.H.S theo quy định của pháp luật.”

Kể từ khi Nghị định 168 đi vào hiệu lực và vấp phải nhiều chỉ trích của người dân, công an các địa phương tại Việt Nam cũng gia tăng xử phạt và tạm giữ những người lên tiếng chỉ trích nghị định này trên mạng xã hội.

Từ đầu năm đến nay, theo thông tin được công bố trên báo Nhà nước, có ít nhất ba người đã bị công an mời lên đồn công an làm việc, buộc phải xoá các bài viết chỉ trích Nghị định 168. Hai người đã phải đóng tiền nộp phạt từ năm triệu đến bảy triệu đồng, và cam kết không tái phạm.

Hôm 23/1, bà Đậu Thanh Tâm đã bị bắt giữ với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự vì chỉ trích Nghị định 168 trên mạng xã hội. Trước đó, bà Tâm là người nổi tiếng trên mạng xã hội về các bài viết chống tham nhũng và tiêu cực ở Hà Nội.

Nghị định 168 từ khi đi vào hiệu lực đã vấp phải nhiều chỉ trích từ người dân. Các phỏng vấn mà RFA có được với người dân trong nước cho thấy nhiều người than phiền về mức phạt tăng quá cao, thậm chí gấp chục lần so với mức phạt cũ là không tương xứng với thu nhập còn thấp của người dân.

Ngoài ra, một số người dân cũng phản ánh với RFA về tình trạng đèn đường không đếm giây gây khó khăn cho người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng còn kém khiến tình trạng tắc đường kéo dài kể từ khi Nghị định 168 đi vào hoạt động.

Mặc dù vậy, Báo Chính phủ hồi cuối tháng 1 dẫn thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông khẳng định nghị định mới đã phát huy tác dụng là nâng cao ý thực người dân và giảm tai nạn giao thông.

 

RFA (15.02.2025)

 

 

 

 

Campuchia xác nhận việc bắt giữ blogger Huỳnh Trọng Hiếu

Ông Huỳnh Trọng Hiếu. Photo do Huỳnh Thục Vy cung cấp.

 

Chính quyền Campuchia vừa xác nhận họ giam giữ blogger Huỳnh Trọng Hiếu, hơn một tuần sau khi gia đình ông loan tin rằng ông đã bị cảnh sát nước này bắt giữ vì dùng “hộ chiếu giả”, theo AFP và Hiệp hội Liên minh Nhà báo Campuchia.

Ông Huỳnh Trọng Hiếu, một cựu nhà hoạt động hoạt vì tự do tôn giáo và một blogger bất đồng chính kiến, xuất cảnh từ Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài vào Campuchia hôm 2/2 và ông bị bắt giữ ở Phnom Penh hôm 3/2 khi chuẩn bị khởi hành đi du lịch Hoa Kỳ, gia đình ông cho VOA biết.

Hãng tin AFP hôm 13/2 dẫn lời Thiếu tướng Sok Sumnea, người phát ngôn Cục di trú Campuchia, nói: “Ông ấy đang bị cảnh sát di trú giam giữ”. Quan chức này đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền đang xác minh xem liệu ông Hiếu có nhập cảnh bất hợp pháp vào Campuchia hay không.

Ông Sao Wathana, giám đốc cơ quan hàng không dân dụng nhà nước Campuchia, xác nhận vụ bắt giữ ông Hiếu tại một cơ sở của cảnh sát di trú gần Sân bay quốc tế Phnom Penh, Hiệp hội Liên minh Nhà báo Campuchia (CamboJA) đưa tin ngày 12/2.

Bà Huỳnh Thục Vy, chị của ông Hiếu, nói với hãng tin AFP rằng cảnh sát đã giữ hộ chiếu của ông và yêu cầu ông phải trả 4.000 đôla để được thả.

Trước đó, bà Vy cho VOA biết rằng ông Hiếu, cư ngụ tại tỉnh Đắk Lắk, đang trên đường đến Hoa Kỳ để thăm bạn bè trước khi đến Canada để gặp con trai. Bà thuật lại lời ông Hiếu điện về từ Phnom Penh rằng ông bị giam giữ vì bị nghi dùng “hộ chiếu giả”, điều mà bà bác bỏ.

“Họ chỉ khăng khăng đó là hộ chiếu giả thôi, nhưng chính cơ quan cấp mới có thể xác nhận được hộ chiếu đó là giả hay thật”, bà Vy nói. “Gia đình tôi đã liên lạc với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh tỉnh Đắk Lắk thì họ bảo rằng cái hộ chiếu mà họ cấp cho Hiếu là hộ chiếu thật”.

VOA đã liên lạc với Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về việc chính quyền Campuchia bắt giữa ông Hiếu, nhưng chưa được trả lời.

Bà Vy và ông Hiếu đều những nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam, chỉ trích nhiều vấn đề chính trị và xã hội ở đất nước cộng sản, từ quyền của các dân tộc thiểu số đến thảm họa môi trường và quyền tự do ngôn luận.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Campuchia trả tự do cho ông Hiếu ngay lập tức và cho phép ông tự do rời khỏi đất nước.

Trao đổi với AFP, bà Bryony Lau, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, nói: “Họ không nên cưỡng ép đưa ông ấy trở về Việt Nam, nơi ông ấy có thể gặp nguy hiểm”.

Hai tuần trước, 3 nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam là Đại đức Thích Nhật Phước, chức việc Cao Đài độc lập Nguyễn Xuân Mai và Nguyễn Ngọc Diến, đều bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh vì lý do “quốc phòng, an ninh”, khi họ đi dự hội nghị thượng đỉnh tự do tôn giáo quốc tế ở Hoa Kỳ từ ngày 4-5/2.

Theo bà Vy, ông Hiếu không có ý định tham gia các hoạt động cho tự do tôn giáo trong chuyến đi dự kiến của ông đến Mỹ. Bà cho biết thêm rằng ông đã ngưng tham gia nhóm Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo và Người Sắc tộc (REM Defenders) từ năm 2017.

 

VOA (14.02.2025)

 

 

 

 

Văn Bút Mỹ lên án việc chính quyền Việt Nam truy tố blogger Huy Đức

Tác giả Trương Huy San.

 

Hôm 12/2, Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tác giả Trương Huy San, tức blogger Huy Đức, và kêu gọi Hà Nội tuân thủ nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền.

Văn Bút Hoa Kỳ viết trong thông cáo của họ rằng chính quyền Việt Nam cần phải hủy bỏ mọi cáo buộc đối với tác giả của cuốn sách “Bên Thắng Cuộc”, ngay sau khi truyền thông Việt Nam loan tin rằng cơ quan công tố đã chuyển hồ sơ vụ án lên tòa án nhân dân để chờ xét xử.

Tổ chức có trụ sở tại New York đánh giá rằng việc truy tố ông San với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” quy định trong Điều 331 Bộ Luật Hình sự là “bất công”.

“Khi một tác giả và nhà báo như Trương Huy San bị bịt miệng, không chỉ tiếng nói của ông bị bóp nghẹt, mà cả quyền của toàn bộ xã hội trong việc tìm kiếm sự thật và trách nhiệm giải trình cũng bị bóp nghẹt”, bà Anh-Thu Vo, giám đốc nghiên cứu và vận động của Văn Bút Hoa Kỳ, nói trong thông cáo.

“Chỉ trích không phải là hành vi phạm tội. Việt Nam phải ngừng sử dụng luật pháp của mình làm vũ khí chống lại những người dám nói lên sự thật”, bà Vo nhấn mạnh.

Tòa án Hà Nội phải duy trì các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và đảm bảo rằng hệ thống pháp luật của họ “không bị lạm dụng để nhắm vào các tiếng nói độc lập”, vẫn lời bà Vo.

“Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tác giả Trương Huy San và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông cũng như các nhà văn và nhà bất đồng chính kiến khác bị cầm tù vì quyền tự do ngôn luận của họ”, Văn Bút Hoa Kỳ viết, lặp lại lời kêu gọi mà tổ chức này đưa ra sau khi ông San bị bắt vào tháng 6/2024.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về thông cáo trên của Văn Bút Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hôm 12/2 đưa tin rằng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố nhà báo Huy Đức và “đã chuyển hồ sơ vụ án này tới Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử theo thẩm quyền”.

Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng nói rằng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, ông San “đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng trên Facebook cá nhân” với nhiều bài viết, trong đó có 13 bài viết “có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trao đổi với VOA sau khi ông San – tức Huy Đức – bị bắt, một cựu đồng nghiệp của ông hiện đang ở Mỹ chia sẻ với VOA về tư tưởng phản biện xây dựng của ông. Người này không nêu tên vì lý do an toàn.

“Anh Huy Đức chỉ trích, phê phán những cái sai để [chính quyền] sửa, chứ không thuộc một tổ chức chính trị nào. Những hành động của Huy Đức có tính tích cực nhằm xây dựng xã hội”, người cựu đồng nghiệp chia sẻ. “Việc bắt giữ và kết tội anh Huy Đức chỉ đem lại điều bất lợi cho quốc gia, không tốt cho thanh danh và tính chính danh của nhà nước, chính quyền”.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay thường bác bỏ các cáo buộc của các tổ chức quốc tế về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền hoặc hạn chế các quyền tự do bày tỏ, biểu đạt, tự do báo chí. Nước nhà do đảng cộng sản cai trị nói rằng họ chỉ bắt giam, truy tố và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

 

VOA (13.02.2025)

 

 

 

 

Nhà hoạt động Huỳnh Trọng Hiếu bị bắt tại Campuchia khi chuẩn bị bay đi Mỹ

 

Cảnh sát di trú Campuchia bắt giữ nhà hoạt động Việt Nam ở sân bay Pnom Penh với cáo buộc dùng hộ chiếu giả

Ông Huỳnh Trọng Hiếu trong bức ảnh chụp tháng 6/2024 (FB Huỳnh Thục Vy/ RFA edited)

 

Ông Huỳnh Trọng Hiếu, một nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, bị nhà chức trách Campuchia tạm giữ khi đang làm thủ tục để xuất cảnh qua Mỹ dự hội nghị về tôn giáo, phía Campuchia nói rằng ông sử dụng hộ chiếu giả – điều này đã bị gia đình ông bác bỏ.

Blogger Huỳnh Thục Vy, chị gái của ông Hiếu, cho biết hôm 2/2 ông xuất cảnh hợp pháp tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh để thăm một người bạn ở thành phố Pnom Penh. Đến ngày 3/2, ông bị cảnh sát Campuchia bắt giữ tại sân bay Pnom Penh với lý do sử dụng hộ chiếu giả để đi Mỹ và hiện đang bị giam tại nhà tù của Cục Xuất nhập cảnh Campuchia.

Bà Vy nói với RFA hôm 7/2:

“Hôm qua (6/2) tôi lên làm việc với công an thì công an Đắk Lắk họ cũng nói rằng nghi ngờ Hiếu đã phạm pháp gì đó ở Campuchia để cảnh sát Campuchia bắt giữ lại.

Nhưng nói như vậy là không đúng bởi vì cảnh sát Campuchia nghi ngờ đó là hộ chiếu giả thôi, chứ họ đâu có kết tội là Hiếu làm bất cứ điều gì phạm pháp đâu mà công an Việt Nam lại nghi ngờ Hiếu phạm pháp thế này thế kia. Có thể nói đó là một sự vu oan.”

Bà Vy cho biết, bản thân đã hỗ trợ em mình trong việc làm hộ chiếu trực tuyến thông qua ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công an và được cấp hộ chiếu mới vào tháng 7/2024 sau 12 năm công an tịch thu hộ chiếu của ông Hiếu.

Đến tháng 11/2024, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cấp thị thực diện B1/B2 (du lịch/hội nghị) cho ông Hiếu. Bà Vy cũng đưa ra ảnh chụp các trang hộ chiếu Việt Nam và thị thực Mỹ của ông Hiếu.

Theo bà, em trai của mình sang Mỹ để dự một hội nghị về đạo Phật không liên quan đến chính trị hay giới đấu tranh và có dự định đến Canada để thăm con.

“Campuchia họ đâu có nói là Hiếu vi phạm luật pháp gì, họ chỉ nói đó là hộ chiếu giả. Nếu đó là hộ chiếu giả thì trách nhiệm thuộc về phía Bộ Công an Việt Nam và gia đình chúng tôi yêu cầu Bộ Công an Việt Nam kết hợp với tòa đại sứ Việt Nam tại Campuchia phải tìm cách đưa Hiếu an toàn về với gia đình chúng tôi”, bà Vy nêu mong muốn của gia đình.

 

Ông Hiếu (sinh năm 1989) bị cấm xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu hồi năm 2012 ở sân bay Tân Sơn Nhất khi đại diện chị gái là bà Huỳnh Thục Vy và cha là ông Huỳnh Ngọc Tuấn, để sang Mỹ nhận giải thưởng Hellman-Hammett của tổ chức Human Right Watch, vốn được trao cho các nhà văn là nạn nhân của đàn áp chính trị hay vi phạm nhân quyền.

Năm 2017, ông đào thoát khỏi đất nước qua đường tiểu ngạch và đến Thái Lan để xin tị nạn chính trị, tuy nhiên, đến năm 2022 ông quay trở lại Việt Nam để lo thăm nuôi chị gái đang thi hành án tù với tội danh “xúc phạm quốc kỳ”, bỏ lỡ cơ hội định cư Canada cùng vợ và con trai.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do ban tiếng Khmer đã liên lạc với Người phát ngôn của Tổng cục Di trú thuộc Bộ Nội vụ Sok Someakhea và Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Touch Sokhak để hỏi về trường hợp của ông Hiếu nhưng chưa nhận được phản hồi.

Ông Sao Wathana, Bộ trưởng Cục Hàng không Dân dụng Nhà nước Campuchia hôm 12/12 xác nhận với Hiệp hội liên minh nhà báo Campuchia về vụ ông Hiếu bị cảnh sát di trú bắt giữ, ông này đã chuyển các câu hỏi cho trưởng cơ quan di trú liên quan.

Phóng viên RFA gửi email cho Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam để hỏi về trường hợp của ông Hiếu nhưng chưa lập tức nhận được phản hồi.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) có bài viết cho biết ông Hiếu là một blogger và có nhiều bài viết cộng tác cho ban Tiếng Việt.

Năm 2011, Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính ông Huỳnh Trọng Hiếu và chị gái Huỳnh Thục Vy, cha là Huỳnh Ngọc Tuấn tổng cộng 270 triệu đồng với cáo buộc đã lưu trữ năm quyển vở có các bài viết chống phá Nhà nước với nội dung tương tự những bài mà họ đã đưa lên internet.

Gia đình ông Hiếu không chấp hành quyết định xử phạt này và khiếu nại với cơ quan thanh tra Sở TT&TT.

 

RFA (12.02.2025)

 

 

 

 

Nhà báo Huy Đức bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ

Nguồn hình ảnh,Getty Images

 

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331, khoản 2 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan giữ quyền công tố này đã chuyển hồ sơ vụ án của nhà báo Huy Đức đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử, truyền thông trong nước đưa tin hôm nay, 12/2/2025.

Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2024, nhà báo Huy Đức – tác giả bộ sách Bên thắng cuộc, có bút danh Osin – đã đăng tải 13 bài viết trên Facebook cá nhân “có nội dung xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cáo trạng cũng cho hay đây là các bài viết “có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý theo quy định pháp luật”.

Báo chí trong nước dẫn lời cơ quan công tố rằng nhà báo Huy Đức khai nhận thông tin trong các bài viết là do ông tự thu thập và đánh giá.

Ông cũng nhận thức được rằng nội dung của các bài viết có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, “nhưng không có ý định chống Đảng hay Nhà nước”, theo báo Tuổi Trẻ.

Trước đó vào ngày 7/6/2024, Bộ Công an thông tin rằng Cơ quan An ninh điều tra thuộc bộ này đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố đối với nhà báo Huy Đức.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với cùng tội danh.

Nguồn hình ảnh,Bộ Công an Chụp lại hình ảnh,Nhà báo Huy Đức (trái) và Luật sư Trần Đình Triển

 

Bộ Công an thông báo vào thời điểm đó rằng kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong khi bị bắt và khởi tố cùng ngày, cùng tội danh nhưng quy trình điều tra, truy tố và xét xử của ông Trần Đình Triển diễn ra khá nhanh.

Cụ thể, vào trung tuần tháng 12/2024, ông Triển bị truy tố.

Đến tháng 1/2025, ông Trần Đình Triển, người có học vị tiến sĩ luật, ông ra tòa, và bị tuyên án 3 năm tù vì tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331.

Tòa án cáo buộc ông Triển đã viết và đăng trên trang Facebook cá nhân của mình một số bài viết “có nội dung không xác thực” gây ảnh hưởng đến uy tín ngành tòa án và cá nhân chánh án tòa tối cao.

Cho dù ông Trần Đình Triển và một số luật sư khẳng định việc soạn thảo các bài viết trên là thực hiện quyền tự do ngôn luận là không có cơ sở, thì tòa nhận định hành vi của ông là “rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Trong khi đó, Về phần nhà báo Huy Đức, đến hôm nay cơ quan công tố mới chính thức truy tố, và vẫn chưa rõ ngày sẽ đưa ra tòa xét xử.

Trước khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã có một số bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm, lúc đó đã được bầu làm Chủ tịch nước, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trang Facebook này có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.

Bài viết này có đoạn:

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘Đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.”

Một bài viết khác có nhan đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” cũng trên trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước.

“Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an.”

Ông cũng đề nghị “Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát…”

“Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành,” bài viết nêu.

Vào ngày 19/5, trước thềm họp thường kỳ Quốc hội khóa 15, Facebook Truong Huy San cũng có bài viết, trong đó lập luận rằng một người vừa làm chủ tịch nước vừa làm bộ trưởng Công an là trái với Hiến pháp.

Lúc bấy giờ, ông Tô Lâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu để Quốc hội bầu chủ tịch nước, trong khi ông vẫn chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an và trong chương trình làm việc được công bố lúc bấy giờ của Quốc hội cũng không có nội dung miễn nhiệm này.

Lúc này, ông Tô Lâm đã trở thành Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, thay cho ông Nguyễn Phú Trọng đã mất.

Phản ứng của các bên

Sau khi nhà báo Huy Đức bị bắt giữ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và một số tổ chức quốc tế khác đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho ông.

“Chính quyền Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho nhà báo, blogger và tác giả nổi tiếng Huy Đức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông,” HRW lên tiếng trong thông cáo báo chí phát đi hôm 7/6.

Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, nói: “Bằng việc bắt giữ sai trái ông Huy Đức, chính quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và có ảnh hưởng nhất của Việt Nam.

“Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên tố cáo việc bắt giữ Huy Đức là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận và kêu gọi thả ông ngay lập tức.”

Dự án 88, một nhóm đa quốc gia giám sát nhân quyền ở Việt Nam bình luận vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các nhà cải cách”.

Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Phóng viên Không Biên giới châu Á-Thái Bình Dương, nói ngay trước khi có thông báo chính thức về vụ bắt giữ ông Huy Đức:

“Các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Việt Nam kiểm duyệt. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay nhà báo này và cho khôi phục trang Facebook của ông.”

Đến tháng 9/2024, thời điểm Tổng Bí thư Tô Lâm có chuyến công du Mỹ, gần 100 trí thức trong và ngoài nước đã ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức.

Trong danh sách ký tên vào thư ngỏ ngày 20/9 kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức, có các tên tuổi như nhà văn Phạm Thị Hoài (Đức), nhà kinh tế Vũ Quang Việt (Mỹ), Giáo sư Tường Vũ (Mỹ), dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm (Mỹ), nhà văn Thomas A. Bass (Mỹ), nhà báo Katrin Bennhold (New York Times, Mỹ), Giáo sư Ben Kerkvliet (Úc)…

 

BBC (12.02.2025)