Seite auswählen

Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn sớm có một cuộc gặp thượng đỉnh với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Nhưng cái bắt tay mới sắp tới này, nếu diễn ra, có nguy cơ là « phát súng ân huệ » cho trật tự thế giới do Mỹ thiết lập sau Đệ Nhị Thế Chiến và hậu Chiến Tranh Lạnh.

President Donald Trump speaks to reporters after landing at Palm Beach International Airport in West Palm Beach, Fla ., Sunday, Feb. 16, 2025, after attending the NASCAR Daytona 500 auto race.

 

Tổng thống Donald Trump phát biểu với các phóng viên sau khi hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Palm Beach ở West Palm Beach, Florida, ngày 16 tháng 2 năm 2025. AP
Quảng cáo

Được thiết lập từ năm 1945 sau Đệ Nhị Thế Chiến, hệ thống thế giới, nền tảng bảo đảm an ninh và sự ổn định toàn cầu, đã dần sụp đổ, bắt đầu từ những cuộc chiến đế quốc của Nga chống lại các nước láng giềng từ năm 2008. Các định chế và nhất là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, những cột trụ chính của hệ thống, bị suy yếu và thậm chí là tê liệt bởi những lá phiếu phủ quyết của ba đại cường Nga – Mỹ – Trung.

Nga và Trung Quốc thể hiện công khai mong muốn phá vỡ hay xem xét lại trật tự quốc tế hiện có để tạo một trật tự mới có lợi cho hai cường quốc này. Cùng lúc, các nước « Phương Nam Toàn Cầu », những nước mới trỗi dậy, ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế, giờ cũng tập hợp lại, đòi hỏi xem xét lại tương quan lực lượng. Những giá trị cơ bản được cho là nền tảng xây dựng thế giới – như Nhà nước Pháp quyền, tôn trọng quyền chủ quyền, tính bất di bất dịch các đường biên giới, nhân quyền… nay đang dần bị thay thế bằng vũ lực và sự xâm phạm.

Trong bối cảnh này, Donald Trump được xem như là tác nhân thúc đẩy làn sóng phản đối hệ thống quốc tế do chính Mỹ tạo ra năm 1945. Theo một nhà ngoại giao Pháp, Donald Trump « hành động cứ như Hội Đồng Bảo An chỉ có một mình ông », khi tuyên bố muốn sở hữu dải Gaza, mua Groenland, đòi kiểm soát lại kênh đào Panama hay biến Canada thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Tệ hơn, Donald Trump xem thường chủ nghĩa đa phương, tự mình áp đặt các giải pháp đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế lớn, và phớt lờ lợi ích các nước đồng minh châu Âu.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, đối diện với các nhà lãnh đạo chuyên quyền tầm cỡ như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình, Donald Trump phải dùng đến cùng loại vũ khí như đối thủ được dựa trên sức mạnh. Điều này đòi hỏi phá vỡ các quy tắc luật lệ quốc tế, trong thời đại mà « các mối quan hệ quyền lực trở nên tàn bạo ». Đây có lẽ là cách « Donald Trump có thể làm để kiềm chế các nhà độc tài », theo như quan điểm của một nhà ngoại giao.

Nhưng cách tiếp cận này của Donald Trump sẽ đưa nước Mỹ đến gần với các chính sách đế quốc mà Nga và Trung Quốc đang tiến hành. Đương nhiên, châu Âu bị sốc, nhưng phần còn lại của thế giới thì không, thậm chí còn tương đối điều chỉnh cho phù hợp chính sách thế mạnh này.

Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc của ông Trump có tác động làm suy giảm sự kiềm chế trong quan hệ quốc tế. Camille Grand, chuyên gia về quan hệ quốc tế lưu ý, « các phát biểu của Mỹ gây hiệu ứng. » Việc ông Trump không ngừng tuyên bố muốn có Groenland, không những xác nhận việc sáp nhập bán đảo Crimée của Nga, khuyến khích Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan, mà còn khó thuyết phục những nước khác không nên xâm lược nước láng giềng.

Cách tiếp cận này của ông Trump về dài hạn còn có nguy cơ bẻ gãy mối liên kết xuyên Đại Tây Dương, kiến tạo thế giới phương Tây từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Donald Trump không một lời nhắc đến các « đồng minh » mà còn ưu tiên đả kích họ và chỉ trích NATO đã lỗi thời. Điều này đã được ông Marco Rubio khẳng định trong cuộc điều trần tại Thượng Viện : « Trật tự thế giới hiện nay không những đã lỗi thời mà kể từ giờ còn là một vũ khí được sử dụng để chống lại chúng ta ! »