Seite auswählen

„Việc sử dụng cấp khoản của USAID hoàn toàn thiếu công bằng vì những tổ chức tôn giáo phục vụ TPB VNCH, trẻ em khuyết tật, người phong cùi, và kể cả thương binh bộ đội không hề nhận được sự tài trợ từ USAID.“

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

 

Vấn đề sẽ được nêu trực tiếp tại LHQ đầu tháng 3

 

Mấy tuần qua, nước Mỹ xôn xao về việc Hành Pháp Trump đình chỉ gần như toàn bộ hoạt động và dự định sa thải khoảng 95% nhân viên của cơ quan Hoa Kỳ viện trợ quốc tế USAID. Tôi nghĩ rằng nhiều chương trình viện trợ của cơ quan này không chỉ cần thiết cho người thụ hưởng mà còn giúp nâng uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới, nhất là ở những nơi đang cần giành ảnh hưởng với các chính quyền đối nghịch. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng những viên chức của cơ quan này đã hoàn toàn tắc trách trong việc quản lý khoản viện trợ lên dến 155 triệu Mỹ Kim cho các chương trình phục vụ người khuyết tật ở Việt Nam.

Cách đây 10 năm tôi bắt đầu lên tiếng về vấn đề này với người đứng đầu USAID và nhân viên các cấp, nhưng hoàn toàn vô ích.

Ngày Chủ Nhật 11 tháng 1, 2015, DB Ed Royce, khi ấy là Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, đã tổ chức buổi hội thảo với Giám Đốc USAID Ts. Rajiv Shah tại đại học California State Polytechnic University ở Pomona, California. Tôi nhận được giấy mời tham gia.

Hình 1 – Thông báo của DB Ed Royce về buổi hội thảo với Giám Đốc USAID ngày 11/01/2015

 

Tôi hồi đáp DB Royce bằng văn thư, nêu quan ngại về 2 thành phần bị gạt ra ngoài chương trình trợ giúp người khuyết tật mà cơ quan USAID tài trợ lên đến 50 triệu Mỹ kim vào thời điểm ấy:

(1) Hàng trăm nghìn thương phế binh VNCH, và

(2) nhiều nghìn nạn nhân từng bị tra tấn ở các trại “cải tạo,” đồn công an, trại giam hoặc nhà tù và bị thương tích thể xác lẫn tinh thần.

Tôi thông báo sẽ có 2 người đại diện BPSOS tham gia buổi hội thảo.

Mặt khác tôi khuyến khích Cô Hạnh Nhơn, tôi quen gọi như thế trong thân tình, tham gia để lên tiếng cho các TPB VNCH. Tôi chia sẻ rằng, ngoài sự trợ giúp vật thể, họ còn cần được tôn trọng phẩm giá và danh dự, được đối xử như con người. Cô Hạnh Nhơn trả lời là không tiện lên tiếng công khai vì e rằng sẽ thêm khó khăn cho việc chuyển tiền trợ giúp các TPB VNCH ở trong nước. Thay vào đó, Cô nhắn cộng sự viên là Ông Huy Phương cung cấp thông tin cho tôi để BPSOS lên tiếng. Từ bệnh viện, Ông Huy Phương gọi điện thoại để cung cấp cho tôi nhiều thông tin. Tôi thấy nơi Ông lòng thương bao la dành cho các TPB VNCH.

Tại buổi hội thảo, đại diện của BPSOS nêu vấn đề nguyên tắc công bằng, không kỳ thị, minh bạch trong sử dụng cấp khoản của chính phủ Hoa Kỳ. Ông Shah hứa sẽ kết nối BPSOS với các viên chức hữu trách của USAID ở trung ương. Phụ tá của Ông đã sắp xếp buổi họp cho tôi tuần sau đó. Tôi mời cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees đi cùng.

Trước buổi họp, ĐS Rees cảnh báo là chẳng nên kỳ vọng gì nhiều. Khi là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Đông Timor, Ông đã có kinh nghiệm về nhân viên USAID. Trên danh nghĩa họ ở dưới quyền của vị đại sứ nhưng trong thực tế họ là trời con – ngay cả cấp trên của họ ở Hoa Kỳ cũng bó tay.

Tại buổi họp, có 3 nhân viên cấp trung ương tiếp chuyện chúng tôi, trong đó có một người Việt. Tôi lặp lại nội dung văn thư gủi DB Royce, nhấn mạnh là tiền viện trợ của USAID là tiền của người đóng thuế Hoa Kỳ, do đó cần tuân thủ các nguyên tắc của chính phủ Liên Bang: không kỳ thị, công bằng và minh bạch.

Tôi chỉ ra là nhà nước Việt Nam đã kỳ thị hàng trăm nghìn TPB VNCH, là cựu đồng minh của Hoa Kỳ. Không những thế, nhiều TPB VNCH khi nhận được sự giúp đỡ của người Việt ở trong hoặc ngoài nước còn bị sách nhiễu và có khi còn bị trấn lột bởi giới chức địa phương. Các nhóm, các tổ chức tôn giáo giúp đỡ họ bị sách nhiễu và ngăn cản.

Việc sử dụng cấp khoản của USAID hoàn toàn thiếu công bằng vì những tổ chức tôn giáo phục vụ TPB VNCH, trẻ em khuyết tật, người phong cùi, và kể cả thương binh bộ đội không hề nhận được sự tài trợ từ USAID.

Để minh bạch thì các thành phần người tiêu thụ, như TPB VNCH và các nạn nhân tra tấn, và những nhóm độc lập với chính quyền phải được USAID hội ý để dánh giá các chương trình được tài trợ. Điều này chưa hề xảy ra.

Các viên chức USAID nhanh nhẩu kết nối tôi với đồng nghiệp của họ ở Việt Nam. Tôi liên lạc và đề nghị họ tiếp xúc với các đại diện TPB VNCH, chứng nhân thuộc các nhóm khuyết tật, và tổ chức tôn giáo đang giúp họ. Viên chức USAID ở Việt Nam trả lời qua loa rồi lờ luôn. Bấy giờ tôi mới nghiệm ra điều mà ĐS Rees từng chia sẻ.

Không nản, tôi sắp xếp buổi họp với viên chức chuyên trách quyền của người khuyết tật ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và mời một nhóm cựu quân nhân Mỹ ở North Carolina cùng họp. Nhóm cựu quân nhân Mỹ này vẫn âm thầm đến Việt Nam để dâm dúi hỗ trợ TPB VNCH.

Môt người trong nhóm kể rằng trong chuyến đi Việt Nam gần nhất, Ông đã gặp một TPB VNCH sống trong căn phòng ọp ẹp ở tầng hai với cửa sổ nhỏ nhìn xuống đường. Trả lời câu hỏi của Ông: “Nếu có một ước nguyện thì Ông muốn gì?”, người TPB này nói: “Tôi xin 2 ly cà-phê để đôi ta cùng uống và cho tôi sống lại thời gian chúng ta là đồng minh sát cánh bên nhau.”

Đến đây, người cựu chiến binh Mỹ bật khóc: “Ông ấy muốn được đối xử như con người có phẩm giá, có danh dự.” Người cựu chiến binh Mỹ nghẹn ngào kết luận: “Ông bạn TPB ấy nay đã chết.”

Cả phòng họp ngậm ngùi trầm mặc.

Sau buổi họp, viên chức Bộ Ngoại Giao làm hẹn với văn phòng USAID ở Hà Nội, nhưng bất thành.

Rồi năm 2019, tôi lại nhờ Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) kết nối với Trung Tâm các Sáng Kiến cho Đức Tin và Cơ Hội do Hành Pháp Trump lập ra trong cơ quan USAID. Rồi lại họp, rồi lại kết nối với viên chức USAID ở Việt Nam, rồi vẫn không đến đâu. Năm 2020 và rồi năm 2023 tôi lại thử và cũng không kết quả.

Trong khi ấy tổng số tiền USAID viện trợ cho các chương trình hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam tăng lên đến 155 triệu Mỹ kim. Các TPB VNCH chết dần chết mòn. Người còn sống vẫn bị hất hủi, vẫn phải dấm dúi khi nhận quà từ hải ngoại, vẫn phải cúi đầu chấp nhận khi bị trấn lột. Không chỉ có vậy, mấy căn nhà dành cho các TPB VNCH ở khu Vườn Rau Lộc Hưng bị san bằng, rồi Dòng Chúa Cứu Thế ở Sàigòn bị áp lực phải ngưng chương trình trợ giúp TPB VNCH “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.

Hình 2 – Ts. Nguyễn Đình Thắng và Ông Grover Joseph Rees, Cố Vấn Trưởng của DB Christopher Smith, thăm các TPB VNCH, Việt Nam, tháng 12 năm 1997

 

Không bỏ cuộc, năm 2022 tôi bàn với Cô Nguyễn Thanh Thuỷ, người nối tiếp công việc của Cô Hạnh Nhơn, nêu vấn đề TPB VNCH với LHQ nhân dịp nhà nước Việt Nam phải báo cáo cho LHQ về thực thi Công Ước LHQ về Quyền của Người Khuyết Tật. Cô Thuỷ đã nêu lên thực trạng các TPB VNCH không được thụ hưởng gì từ khoản tiền viện trợ to lớn của USAID.

Và ngày 6 và 7 tháng 3 tới đây, LHQ sẽ chính thức rà soát Việt Nam về thực thi Công Ước. BPSOS đã nộp bản báo cáo cho ủy ban rà soát, nêu lên các vấn đề liên quan đến TPB VNCH và các nạn nhân tra tấn. BPSOS sẽ cử chứng nhân họp riêng với Ủy Ban LHQ ngay trước cuộc rà soát để cung cấp thêm thông tin. Chúng tôi sẽ đặt vấn đề nhân phẩm, quyền con người của các TPB VNCH và các nạn nhân tra tấn tiếp tục bị chà đạp.

Trở lại đề tài USAID, các viên chức ở Việt Nam biết rõ nhưng bất chấp các nguyên tắc về không kỳ thị, về công bằng, về minh bạch. Họ hành xử như các lãnh chúa riêng một cõi bất chấp cấp trên ở Hoa Kỳ và ở quốc gia sở tại, bất chấp sự lên tiếng của người đóng thuế trả lương cho họ, và bất chấp những người lẽ ra phải được thụ hưởng lợi ích từ khoản viện trợ to lớn từ Hoa Kỳ. Họ biết thừa tình trạng tham nhũng, làm láo báo cáo hay ở Việt Nam nhưng tảng lờ và thậm chí bao che.

Tôi không đồng tình với chủ trương xóa bỏ hầu hết các chương trình viện trợ USAID. Nhưng về các viên chức USAID quán xuyến khoản tiền khổng lồ 155 triệu Mỹ Kim viện trợ cho các chương trình phục vụ người khuyết tật ở Viêt Nam, tôi nghĩ họ phải ra đi. Và toàn bộ chương trình này phải được kiểm toán, rà soát, đánh giá dù muộn màng.

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

http://machsongmedia.org (19.02.2025)