Seite auswählen

Ca sĩ nhạc soul người Mỹ Roberta Flack đã qua đời. Ca khúc „Killing me softly“ của bà đã trở thành một bản hit trên toàn thế giới. Dấn thân vào những hoạt động xã hội của bà cũng không nên bị lãng quên.

 

24.2.2025

 

Roberta Flack trong một buổi trình diễn năm 2005 ở Nam Phi Ảnh: Mike Hutchings/reuters

  

Julian Weber

TAZ

 VNC chuyển ngữ

Trước khi Roberta Flack nổi tiếng khắp châu Âu với bản hit “Killing me softly (with this song)” vào năm 1973, bà đã là một ngôi sao ở Hoa Kỳ. Bà trở nên nổi tiếng vì đạo diễn kiêm diễn viên Clint Eastwood đã dùng bài hát “The First Time I Ever Saw Your Face” của Flack trong một cảnh quan trọng trong nhạc phim “Play Misty for Me” (tựa phim tiếng Đức: Sadistico) của ông.

 

 

Sự xuất hiện trên chương trình truyền hình của diễn viên hài Bill Cosby cũng đưa người phụ nữ trẻ này đến với khán giả Hoa Kỳ vào năm 1971. Roberta Flack chỉ được hãng thu âm Atlantic Records quảng bá là một ca sĩ nhạc soul tài năng, nhưng bà không chỉ có giọng hát gợi cảm, uyển chuyển: Flack tự sáng tác các bài hát của mình hoặc cùng với các nghệ sĩ khác, và bà đã hòa âm các phiên bản cover theo phong cách riêng của mình trên đàn phím.

 

 

Flack luôn đưa những bài hát do chính bà lựa chọn đến hãng thu âm. Ngay cả ở tuổi 25, bà đã được coi là “tinh tế” trong một ngành công nghiệp âm nhạc đang đấu tranh để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc vào cuối những năm 1960. Flack đã hoàn thành khóa đào tạo giáo viên, và thậm chí sau này, khi đã nổi tiếng, bà vẫn liên tục quay trở lại nghề giáo viên của mình và dạy trẻ em thuộc diện thiệt thòi về mặt xã hội cách đọc nhạc.

 

 

Vào cuối những năm 1960, trong thời đại của Quyền lực người da đen (Black Power) và “Người da đen thật đẹp” („Black is beautiful“), nữ nghệ sĩ này đã gây xôn xao với kiểu tóc Afro của mình. Tình bạn của bà với chính trị gia và cũng là mục sư Jesse Jackson và triết gia kiêm nhà hoạt động Angela Davis không phải là bí mật, và Flack không quan tâm liệu bà có thách thức “đa số đạo đức” hay không. Ngay trong album đầu tay của mình, Flack đã thể hiện ca khúc “Tryin’ Times”, do Donny Hataway và Leroy Hutson sáng tác. Nó đề cập đến các cuộc nổi dậy và sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với người da đen ở các thành phố nội địa tại Hoa Kỳ sau năm 1968, nhưng cũng đề cập đến xung đột thế hệ với cha mẹ mình, những người đã chịu đựng mọi thứ trong im lặng:

„Tryin’ times/Is what the world is talkin’ about/ You got confusion all over the land/ Mother against daughter, father against son/ The whole thing is gettin’ out of hand“.

“Thời điểm khó khăn/Là những gì thế giới đang bàn tán/ Bạn thấy bối rối khắp nơi/ Mẹ chống lại con gái, cha chống lại con trai/ Mọi thứ đang trở nên mất kiểm soát.”

 

 

 

 Một nghệ sĩ piano nhạc jazz đã phát hiện ra Flack

 Flack được mẹ dạy chơi piano từ khi còn nhỏ. Cha làm nghề chơi đàn organ ở tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ. Roberta Flack đã quen thuộc với những bài thánh ca từ các buổi lễ phúc âm của bà và sau đó bà đã chơi chúng dễ dàng như trở bàn tay. Flack luôn pha trộn yếu tố tâm linh với yếu tố thế tục, và có thể gợi lên thiên đường và địa ngục trong cùng một bài hát mà không bên nào bị thiệt thòi. Năm 15 tuổi, bà nhận được học bổng piano tại trường Đại học Howard danh tiếng ở Washington, nơi bà bắt đầu biểu diễn tại các quán bar và thử nghiệm các bài hát của riêng mình. Đó không phải là điều hiển nhiên trong thế giới giải trí do nam giới thống trị ở Mỹ.

 Nghệ sĩ piano nhạc jazz Les McCann được coi là người phát hiện ra bà; ông cũng thuyết phục các ngôi sao như Burt Bacharach và Ramsey Lewis để mắt đến Roberta Flack và giúp bà có được hợp đồng thu âm với Atlantic vào cuối những năm 1960. “Giọng hát của cô ấy dễ dàng chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, dù là bằng cách gõ, vuốt ve, bắt lấy hay cù lét”, ông đã từng nói về giọng hát đa dạng của Flack. Flack đã cảm ơn ông khi bà thuê McCann cho album “Quiet Fire” (1972) của bà.

 Nhìn chung, Roberta Flack được khen ngợi là người có tinh thần đồng nghiệp. Cùng với ca sĩ Donny Hathaway, bà ban đầu thành lập một bộ đôi ca sĩ ăn ý, nhưng cũng giúp Hathaway trong sự nghiệp solo của ông với tư cách là một ca sĩ nhạc soul, sự nghiệp này đã kết thúc một cách bi thảm khi ông qua đời vào năm 1979. Số phận của Hathaway – ông đã nhảy ra khỏi cửa sổ khách sạn và tử vong sau một cơn tâm thần phân liệt – là điều mà Roberta Flack phải đối mặt trong nhiều năm.

  

 

  The Fugees

 Mặc dù bà đã thu âm album với các nghệ sĩ khác vào những năm 1980, không bao giờ bà có được mối quan hệ sâu sắc như với với Hathaway.

 Chỉ đến khi bản nhạc hip-hop “Killing me Softly” của nhóm Fugees lấy cảm hứng từ bản gốc một cách khá táo bạo, thì công chúng mới nhớ đến tài năng của Roberta Flack vào giữa những năm 1990. Sự nghiệp của cựu nghệ sĩ từng đoạt giải Grammy cũng được hồi sinh khi nhóm Fugees cũng được trao giải Grammy. Sau đó, một lần nữa Roberta Flack lại được trao các giải thưởng và khen ngợi.

  

 

 Độ sâu sắc và ý thức xã hội trong âm nhạc của bà đã được chứng minh không chỉ bởi nhà sản xuất nhạc house đến từ Detroit Moodymann (Kenny Dixon Jr.), người đã sử dụng một đoạn nhạc mẫu trong bài hát “Sunday and Sister Jones” của Flack cho ca khúc chủ đề trong album “Taken Away” (2020) của mình. Trong ca khúc này, Moodymann kể về một vụ bắt giữ khi anh bị hai cảnh sát ở Detroit dùng súng khống chế và ép vào xe tuần tra từ nhà mình.

  

 

 Tác phẩm gốc của Flack, xuất bản năm 1971, đã đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc đối với người da đen trong xã hội đa số ở Hoa Kỳ. “Tôi luôn cố gắng để thành công và trở thành một nghệ sĩ âm nhạc toàn diện”, Roberta Flack chia sẻ với tờ báo Anh “The Telegraph” vào năm 2015. “Aretha Franklin và nhóm Drifters là những người hùng của tôi. Tôi muốn chơi như họ, nhưng đồng thời vẫn truyền tải được các giá trị đạo đức.”

Năm 2016, Roberta Flack bị đột quỵ và cũng phải vật lộn với căn bệnh ALS (Xơ cứng teo cơ một bên). Bà qua đời vào hôm thứ Hai này ở tuổi 88. Bà là một huyền thoại mà âm nhạc của bà sẽ luôn ở lại trong tai chúng ta, dù nhẹ nhàng hay dữ dội.