John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, viết về ông ta:
***

Tổng thống Donald Trump chào một lính thủy quân lục chiến sau khi hạ cánh bằng trực thăng tại Nhà Trắng vào Chủ Nhật ngày 6 tháng 4. Ảnh: Bonnie Cash/UPI
Trump thực sự có ý định gì? Điều gì là đòn gió, là khoa trương, là chiến thuật mặc cả – và điều gì thì không? Vì ông ta không có triết lý cũng như chiến lược an ninh quốc gia rõ ràng, và thường không theo đuổi mục tiêu định sẵn, nên những người quan sát từ cánh tả đến cánh hữu đều thường bị bối rối. Trump là hiện thân rõ ràng nhất của kiểu “giao dịch thuần túy”, với trọng tâm bất biến duy nhất là bản thân ông ta. Do đó, việc đánh giá hành vi bất thường của Trump – thực sự bên trong đầu ông ta đang nghĩ gì – gần như là điều bất khả thi. Giới truyền thông, chính trị gia và doanh nhân thường tự thuyết phục mình rằng ông ta chỉ đang diễn, nhưng rồi lại liên tục ngạc nhiên trước hành động thực tế. Hãy xét các trường hợp Ukraina, NATO và thuế quan.
Nhiều người nói Trump sẽ không bao giờ tự làm bẽ mặt bằng cách ký một thỏa thuận về Ukraine mà nhượng bộ quá nhiều cho Nga. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, Trump liên tục khoe rằng chiến tranh Ukraine (và cả chiến tranh Trung Đông) sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông ta là Tổng thống, qua đó chỉ trích sự yếu kém của Biden (và sau đó là Kamala Harris). Tuy nhiên, cả người ủng hộ lẫn người phản đối Trump đều không nhận ra nỗi ám ảnh của ông ta với việc khôi phục “tình bạn cá nhân” với Vladimir Putin. Với Trump, quan hệ cá nhân tốt giữa các nhà lãnh đạo đồng nghĩa với quan hệ tốt giữa các quốc gia – một quan điểm cực kỳ đơn giản hóa về thế giới.
Putin nói rằng ông ta muốn hòa bình, và Trump tin ngay. Đó là lý do vì sao Trump đã nhượng bộ rất nhiều cho Nga, và vì sao Tổng thống Volodymyr Zelensky có lý do chính đáng để cảm thấy bị cô lập. Đây chính là động cơ cá nhân mà nhiều nhà quan sát đã bỏ qua, khi họ mải suy đoán về các lý do “chính sách” khiến Trump sẽ không thay đổi chính sách của Mỹ với Ukraine. Trump không hề có mong muốn bảo vệ tự do và độc lập của Ukraine, cũng không thấy có nhu cầu phải thể hiện sức mạnh để răn đe Nga – ví dụ như với việc Trung Quốc có thể muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Hơn nữa, ngay từ nhiệm kỳ đầu, Trump đã muốn có một giải Nobel Hòa bình. Ông ta ghen tị với giải Nobel của Barack Obama trong năm đầu tiên làm Tổng thống (dù chẳng có lý do rõ ràng), và Trump tin rằng mình cũng xứng đáng được như vậy. Vì thế, Trump xem việc giải quyết xung đột ở Ukraine hoặc Trung Đông như con đường để đạt được điều đó trong vài tháng đầu nhiệm kỳ hai. Có lẽ đó là lý do vì sao Trump hay khoe rằng ông có thể kết thúc chiến tranh Ukraine ngay trong ngày đầu nhậm chức, hoặc ít nhất trong vòng 24 giờ nếu có thể đưa Putin và Zelensky vào cùng một phòng. Điều này cũng lý giải vì sao trong bài phát biểu trước Quốc hội tháng 3, ông gọi cuộc chiến là “vô nghĩa”. Rõ ràng, một cuộc chiến bị xem là “vô nghĩa” thì dễ kết thúc hơn nhiều so với những cuộc chiến có vấn đề thực chất cần giải quyết. Đây là một người đàn ông đang gấp gáp giành giải Nobel.
Những người tin rằng Trump sẽ không phản bội Ukraine, hoặc tệ hơn là quay sang ủng hộ Putin, đã nhiều lần bị bất ngờ. Họ từng cảm thấy yên tâm, chẳng hạn, khi Trump bổ nhiệm cố vấn lâu năm Keith Kellogg làm trưởng đoàn đàm phán hòa bình. Nhưng phía Moskva phản đối vì cho rằng ông này quá “ủng hộ Ukraine”, và ông ta nhanh chóng bị loại khỏi vị trí – bị “thanh trừng” cũng không sai. Dù Kellogg trung thành tuyệt đối với Trump, điều đó – như thường lệ – vẫn không đủ với Trump. Thành tích của một nhân sự không hề đảm bảo cho cách Trump sẽ đối xử với họ.
Về NATO, nhiều người cho rằng Trump chỉ đang mặc cả khi tuyên bố Mỹ sẽ không bảo vệ các nước thành viên không đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Và khi ông nâng mục tiêu đó lên 5%, họ lại tiếp tục cho rằng đó chỉ là chiêu mặc cả. Nhưng Trump nói nghiêm túc. NATO không an toàn trước khả năng Mỹ rút lui – nhất là nếu các đồng minh không hiểu rằng việc rút khỏi NATO vẫn luôn là điều ám ảnh trong tâm trí Trump.
Còn với thuế quan, mức độ thiệt hại mà Trump gây ra cho Ukraine và NATO còn ít hơn so với điều mà thuế quan sẽ gây ra cho nền kinh tế Mỹ và toàn bộ hệ thống kinh tế quốc tế. Nếu Trump ra quyết định vào ngày 1 tháng 4 thay vì ngày 2, ông ta còn có thể nói đó chỉ là trò đùa Cá tháng Tư, và từ đó cứu nền kinh tế thế giới khỏi hàng nghìn tỷ USD tổn thất khi thị trường bắt đầu lao dốc. Nhưng đáng tiếc là Trump hoàn toàn nghiêm túc – điều mà ai cũng có thể thấy rõ từ lâu trước “Ngày Giải phóng”.
Ở đây, một lần nữa, các “chuyên gia” và giới doanh nhân lo lắng vẫn cố tình phớt lờ việc Trump từng gọi từ “thuế quan” là “từ đẹp nhất trong từ điển”. Họ nói thuế sẽ được áp dụng có chọn lọc, tính toán kỹ, và Trump sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Tất cả chỉ là chiến thuật mặc cả – Bộ trưởng Tài chính Bessent từng nói vào tháng 10/2024: “leo thang để rồi xuống thang”. Ngay cả khi thị trường chứng khoán toàn cầu rơi tự do, các chuyên gia vẫn cố lý giải xem chiến lược của ông ta là gì.
Sai nữa rồi. Trump có khả năng đoạt giải Nobel Văn học còn hơn là Nobel Hòa bình. Giống như chuyện Ukraine, Trump chủ yếu chỉ nghe chính mình. Ông ta tạo ra một thế giới riêng – lần này là một thế giới thương mại tưởng tượng – và sống trong đó. Trump không hẳn là nói dối, mà là đang cai trị một vũ trụ song song – như một ngôi nhà trên cây của trẻ con – nơi mà những con số có nghĩa là… những gì ông ta nói chúng có nghĩa là. Và ông ta không phản ứng tốt khi những con số từ thế giới thực không trùng khớp – vì rốt cuộc, ai mới là người quyết định đây?
Trump không thể phân biệt được bạn và thù của nước Mỹ – cả về chính trị-quân sự lẫn kinh tế – và dường như ông ta cũng không quan tâm. Điều duy nhất quan trọng là bạn và thù của Trump – rõ ràng không phải là bạn và thù của nước Mỹ.
Nguồn Linh Hoàng Vũ
Bài gốc Telegraph