Seite auswählen

(Hình: Tibetvoice)

 

Liên quan về cái chết bất minh của nhà sư Humkar Dorje Rinpoche tại Sài Gòn, cáo buộc của chuyên gia kinh tế, cố vấn của Tổng Thống Donald Trump về tư cách của CSVN được lặp lại nhiều lần trong các cuộc họp báo và trên truyền thông. Lúc này có thể thấy rõ, Bắc Kinh đã đặt lửa vào tay Hà Nội, sau khi mang thi hài của ngài Humkar Dorje từ Trung Quốc sang đặt tại Sài Gòn.

Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch-HRW) ra thông cáo, yêu cầu chính quyền CSVN phải công bố điều tra về cái chết trong hoàn cảnh đáng ngờ của một lạt ma Tây Tạng cấp cao, Humkar Dorje Rinpoche (còn được viết là Tulku Hungkar Dorje), tại Sài Gòn vào ngày 29 Tháng Ba năm 2025.

Humkar Dorje, 56 tuổi, qua đời sau nhiều tháng cộng đồng Tây Tạng lo lắng tìm kiếm về nơi trú ẩn và sức khỏe của ông. Những người đi theo vị lạt ma ở Ấn Độ, nơi có nhiều người Tây Tạng sống lưu vong, cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp truy đuổi và bắt giữ ông ở Việt Nam, sau khi ông đào thoát khỏi sự theo dõi của an ninh mật ở Tây Tạng. Tu viện của ông, nơi được chính quyền giám sát và có những chức sắc tay sai đại diện, nhanh chóng tuyên bố rằng vị lạt ma này chết vì bệnh trong khi đang tĩnh tâm.

“Cái chết của Humkar Dorje Rinpoche tại Việt Nam đặc biệt đáng lo ngại, vì chính quyền Trung Quốc luôn có chính sách đàn áp người Tây Tạng nghiêm trọng, và có hồ sơ bắt cóc công dân của họ tại Việt Nam,” Maya Wang , phó giám đốc HRW về Trung Quốc cho biết. “Chính quyền Việt Nam nên điều tra một cách đáng tin cậy và công bằng những khiếu nại này, và có hành động thích hợp, bao gồm cả việc cung cấp kết quả khám nghiệm tử thi cho gia đình Humkar Dorje.”

Việt Nam có thể trình bày được sự vô can của mình, nếu minh bạch được hành trình của vị lạt ma Humkar Dorje đến Việt Nam vào năm 2024, cũng như đã chết khi được mang trở lại Việt Nam, mà Trung Quốc có hai mục đích thấy rõ: Tránh bùng nổ biểu tình phản đối ở đại lục và Tây Tạng, cũng như mập mờ về thời gian và việc qua đời bất thường của ngài Humkar Dorje, được cho là xảy ra ở Việt Nam.

Nếu Hà Nội chấp nhận cho Trung Quốc đặt lửa vào tay mình, điều này gián tiếp xác nhận chính quyền CSVN hoàn toàn là tay sai thuộc địa của Bắc Kinh, cũng như khẳng định vai trò trợ cụ đàn áp tôn giáo lâu nay cho hệ thống cộng sản quốc tế. Hà Nội phải chứng minh rằng chính quyền nước này không là tay sai đàn áp tôn giáo cho Trung Cộng.

Nhiều nguồn tin cho biết, Bắc Kinh ra lệnh cho Giáo hội Phật giáo tay sai của CSVN giúp tổ chức lễ tang của ngài Humkar Dorje tại Sài Gòn. Vào lúc này, an ninh mật vụ của CSVN và Trung Cộng phối hợp dày đặc ở nơi giữ thi hài của ngài, tại bệnh viện Đa khoa Vinmec, ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận 1.

 

Phía những người vẫn theo lạt ma Humkar Dorje tu tập ở Việt Nam chuyển nhau tin nhắn riêng, rằng “tha thiết đề nghị các đạo hữu Việt Nam hãy vì sự an toàn của các Lama và tu viện, hãy giữ yên lặng và không tiếp cận đoàn tu viện, và đặc biệt là  nhóm VN được giao nhiệm vụ giúp làm lễ trà tỳ của ngài Humkar Dorje.”

Lời dặn còn nói thêm là “việc giữ mọi thứ yên lặng, không chỉ giúp cho lễ tang của ngài được diễn ra trong thanh tịnh, mà còn giúp cho sự bình yên tu viện của ngài ở Tây Tạng.”

Vào ngày Ba, Tháng Tư, các vị cao tăng tại tu viện Lung Ngon ra tuyên bố công khai rằng Humkar Dorje “có biểu hiện sức khỏe không tốt,” “một mình đi đến một nơi không xác định” vào một ngày không xác định để tĩnh tâm và “đột ngột qua đời vì bệnh” tại Việt Nam vào ngày 29 Tháng Ba mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Vào ngày 5 Tháng Tư, thông cáo từ Ấn Độ phản bác lại những tuyên bố này và nói rằng vị lạt ma cao cấp đã ở Việt Nam sau cuộc thẩm vấn của cảnh sát Trung Quốc ở Tây Tạng vào cuối năm ngoái. Họ nói rằng cảnh sát Việt Nam, được cho là đã hành động phối hợp với các đặc vụ của Bộ An Ninh Nhà Nước Trung Quốc, bắt giữ ông vào ngày 25 Tháng Ba. Ông qua đời bốn ngày sau đó.

Các đệ tử của ngài Humkar Dorje ở Ấn Độ cho biết ông đào thoát khỏi tu viện của mình vào cuối Tháng Chín, sau khi các viên chức chính phủ và an ninh địa phương thẩm vấn ông tại Gabde. Báo cáo chính thức của phương tiện truyền thông Trung Quốc cho thấy một viên chức cấp quận đến thăm tu viện Lung Ngon vào ngày 15 Tháng Mười để “kiểm tra việc quản lý chùa.” Không giống thường lệ, báo cáo không đề cập đến Humkar Dorje.

Humkar Dorje tốt nghiệp năm 2001 từ trường cao đẳng cấp quốc gia Trung Quốc dành cho các lạt ma Phật giáo Tây Tạng và giữ một vị trí danh giá trong Đại hội đại biểu nhân dân cấp quận, nơi ông là phó chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội. Ông cũng là chủ tịch chi nhánh của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tại quận Gabde, là nhân vật tôn giáo cao cấp nhất trong quận. Tuy vậy, Humkar Dorje vẫn trung thành với tiêu chí một nhà nước Tây Tạng có văn hóa và tín ngưỡng độc lập.

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tham gia vào  hoạt động đàn áp xuyên quốc gia, vi phạm nhân quyền vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhằm hạn chế sự bất đồng chính kiến ​, bao gồm cả đàn áp người Tây Tạng sống ở nước ngoài, nhắm vào những người chỉ trích chính phủ Trung Quốc hoặc tham gia vào các hoạt động bị coi là đe dọa chính phủ.

Các báo cáo chưa được xác nhận từ những tín đồ khác của Humkar Dorje cho biết, một số thành viên của tu viện Lung Ngon đi cùng ngài ở Việt Nam có thể đã bị bắt giữ biệt giam, hoặc có thể bị chính quyền Việt Nam trao trả cho Trung Quốc, có nguy cơ nghiêm trọng bị tra tấn và ngược đãi.

Thông cáo của nhiều tổ chức nhân quyền và tôn giáo thế giới kêu gọi Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc không trục xuất của luật pháp quốc tế, nguyên tắc này cấm các quốc gia đưa bất kỳ ai trở về nơi mà họ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị đàn áp.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ và hồi hương ít nhất hai nhà bất đồng chính kiến ​​từ Việt Nam với sự hợp tác của chính quyền Việt Nam, đó là  Đổng Quảng Bình vào năm 2022 và Vương Bỉnh Chương vào năm 2002.

Phù hợp với Nghị định thư Minnesota về điều tra cái chết có khả năng là bất hợp pháp, chính phủ Việt Nam nên tiến hành một cuộc điều tra khách quan về hoàn cảnh cái chết của Humkar Dorje, bao gồm vai trò của các cơ quan an ninh và bất kỳ sự tham gia nào của nhân viên hoặc quan chức an ninh Trung Quốc; khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong, và cung cấp cho gia đình cùng với việc trả lại thi thể cho gia đình. Nghị định thư Minnesota quy định rằng “[trong] trường hợp cái chết có khả năng là bất hợp pháp, gia đình có quyền, tối thiểu, được thông tin về hoàn cảnh, địa điểm và tình trạng của hài cốt và, trong chừng mực đã xác định được, nguyên nhân và cách thức tử vong.”

“Các chính phủ nước ngoài nên gây sức ép với chính phủ Việt Nam để có câu trả lời về cái chết của Humkar Dorje Rinpoche,” Maya Wang nói. “Họ nên buộc các quan chức Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sự thông đồng trong các hành vi lạm dụng của Trung Quốc tại Việt Nam và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn.”

 

Y Nguyên 

Saigon Nhỏ (13.04.2025)

 

 

 

 

 

Các tổ chức quốc tế muốn Việt Nam trả lời về cái chết của một lạt ma Tây Tạng

Nguồn hình ảnh,International Campaign for Tibet ,Ông Hungkar Dorje năm 2022

 

Nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng, Lạt Ma Hungkar Dorje, được cho là đã chết một cách “đột ngột và bí ẩn” tại Việt Nam.

Nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng Tây Tạng đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc và Việt Nam minh bạch về hoàn cảnh giam giữ và cái chết của ông.

Ông Hungkar Dorje, 56 tuổi, là Viện trưởng Tu viện Lung Ngon ở huyện Gadê, châu tự trị dân tộc Tạng Golog, tỉnh Thanh Hải ở cao nguyên Tây Tạng – một trong những nơi chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền trung ương Trung Quốc.

Cái chết của ông Hungkar Dorje đã được một số tổ chức Tây Tạng và tổ chức nhân quyền quốc tế xác nhận.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn chưa công khai và chính thức lên tiếng về sự việc này.

Theo một số tổ chức lưu vong Tây Tạng, thi hài ông được để tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện xác minh độc lập thông tin này.

Tu sĩ Thích Đồng Long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – nói với BBC News Tiếng Việt hôm 10/4 rằng Lạt Ma Hungkar Dorje từng đi giảng pháp ở rất nhiều chùa thuộc giáo hội nhà nước tại TP Hồ Chí Minh.

“Người Việt Nam theo tu học theo vị lạt ma này rất đông.”

“Vị này từ Tây Tạng mà được chính quyền Việt Nam phê duyệt cho vào giảng dạy từ lâu vốn đã khiến chúng tôi lấy làm lạ,” tu sĩ Thích Đồng Long nói.

“Những năm gần đây ngày càng nhiều tăng ni, Phật tử ở Việt Nam đã chia sẻ phép tu, các lễ chú nguyện, phóng sanh của các vị lạt ma Tây Tạng. Theo tôi biết, các vị lãnh đạo trong các nhóm tu tập này phần lớn là quan chức, doanh nhân, thân thiết với chính quyền Việt Nam,” ông nói thêm.

 

‘Ẩn náu’ hay ‘tĩnh tâm’ tại Việt Nam?

Nguồn hình ảnh,Central Tibetan Administration, Họp báo của Chính quyền Trung ương Tây Tạng hôm 8/4 về “cái chết bí ẩn” của Lạt Ma Hungkar Dorjee

 

Hôm 8/4, Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), tổ chức lưu vo

ng tại Ấn Độ của người Tây Tạng, đã tổ chức một cuộc họp báo về cái chết của Lạt Ma Hungkar Dorje.

Người phát ngôn của CTA là Tenzin Lekshay và Ju Tenkjong, Giám đốc Viện Amnye Machen, đã kêu gọi Trung Quốc trao trả thi hài của ông Hungkar Dorje cho Tu viện Lung Ngon ở Tây Tạng, theo thông cáo báo chí đăng trên website của tổ chức này.

CTA cũng gửi lời chia buồn đến gia đình, bạn bè và những người ủng hộ ông.

“Với nỗi buồn sâu sắc, Chính quyền Trung ương Tây Tạng xác nhận cái chết đột ngột và bí ẩn của Hungkar Dorje, một nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng nổi tiếng, trong sự giam giữ của các quan chức Trung Quốc tại Việt Nam,” thông cáo viết.

Theo thông tin từ buổi họp báo, ông Hungkar Dorje đã “ẩn náu” tại Việt Nam từ cuối tháng 9/2024, “do bị chính quyền Trung Quốc quấy rối ở Tây Tạng”.

CTA cho hay công an Việt Nam phối hợp với “mật vụ Trung Quốc” đã bắt ông ở Sài Gòn hôm 25/3/2025.

Ông Hungkar Dorje đã qua đời vào hôm 28/3, vẫn theo thông cáo.

Cũng theo thông cáo của CTA, hôm 5/4/2025, năm nhà sư của Tu viện Lung Ngon, cùng với một số viên chức chính phủ Trung Quốc đã đến Việt Nam để nhận thi hài ông Hungkar Dorje.

Cùng ngày, một cuộc họp đã được tổ chức tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về vấn đề này.

Thông cáo cho hay thi hài được cho là đang được đặt ở một bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và không rõ các nhà sư có được nhìn tận mắt và đưa thi hài về tu viện hay không.

CTA bày tỏ lo ngại về tình trạng “đàn áp xuyên quốc gia” và “vi phạm nhân quyền”, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam và Trung Quốc có trách nhiệm điều tra và giải trình về vụ việc.

BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với CTA để tìm hiểu thêm thông tin nhưng chưa lập tức nhận được hồi âm.

Nguồn hình ảnh,Central Tibetan Administration, Họp báo của Chính quyền Trung ương Tây Tạng hôm 8/4 về “cái chết bí ẩn” của Lạt Ma Hungkar Dorjee

 

Hôm 4/4, trang web Tu viện Hoa Sen đăng thông cáo bằng tiếng Việt về cái chết của Lạt Ma Hungkar Dorje, dẫn nguồn Văn phòng Tu viện Lung Ngon.

Theo đó, ông Hungkar Dorje mắc nhiều bệnh và đã rời tu viện để đi tĩnh tâm, như ông từng viết trong di thư để lại tu viện.

Thông cáo cũng viết rằng ông “bỗng nhiên lâm bệnh nặng” và qua đời vào ngày 29/3/2025 tại TP Hồ Chí Minh (thông tin thời điểm chết ở đây có khác biệt so với thông báo của CTA nói trên).

“Với sự hỗ trợ đặc biệt và dưới sự chỉ đạo của các quan chức có thẩm quyền từ chính quyền địa phương, các cán bộ phối hợp với thành viên thế tục và những vị từ ban quản lý Tu viện, cùng với thành viên gia đình của chính Lạt Ma, đang trên đường đến Việt Nam để sắp xếp cùng chính phủ nhằm cung nghênh nhục thân của Lạt Ma về nước,” thông cáo viết.

Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong thông cáo báo chí phát đi hôm 9/4, đã phản bác tuyên bố này.

HRW cho rằng tuyên bố của tu viện “không đầy đủ và có thể đã được viết dưới một hình thức ép buộc nào đó, vì chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc quản lý các tu viện Tây Tạng”.

“Các lạt ma Tây Tạng thường đi tĩnh tâm trong thời gian dài, nhưng có vẻ như rất khó có khả năng các nhà sư cấp cao tại tu viện của họ không biết vị Lạt Ma [Hungkar Dorje] đang ở đâu, che giấu thông tin trong nhiều tháng hoặc không biết rằng ông đã đi nước ngoài. Ngoài ra, nếu Lạt Ma đi tĩnh tâm hoặc đang bị bệnh, chính quyền sẽ không cần phải cấm thảo luận về tình hình của ông,” HRW đánh giá.

Nguồn hình ảnh,OTHER, Thông cáo bằng tiếng Tây Tạng hôm 3/4/2025 được cho là của Tu viện Lung Ngon về cái chết của Lạt Ma Hungkar Dorje, được dịch và đăng trên website Tu viện Hoa Sen

 

Phản ứng từ quốc tế

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), trong thông cáo báo chí phát đi hôm 9/4, đã đề nghị chính phủ Việt Nam “điều tra cái chết trong hoàn cảnh đáng ngờ tại TP Hồ Chí Minh” của Lạt Ma Hungkar Dorje.

Theo HRW, cộng đồng Tây Tạng và những người ủng hộ ông ở Ấn Độ – nơi có nhiều người Tây Tạng sống lưu vong – cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đã bắt giữ ông tại Việt Nam sau khi ông chạy khỏi Tây Tạng. Nhưng tu viện của ông, nơi đang bị chính quyền Trung Quốc giám sát, lại tuyên bố rằng ông chết do bệnh trong khi đang tĩnh tâm.

“Cái chết của Hungkar Dorje tại Việt Nam đặc biệt đáng lo ngại vì chính quyền Trung Quốc có hồ sơ đàn áp người Tây Tạng nghiêm trọng và bắt cóc công dân của họ tại Việt Nam,” Maya Wang, phó giám đốc phụ tráchTrung Quốc của HRW, phát biểu.

Dẫn Nghị định thư Minnesota về điều tra những trường hợp tử vong có dấu hiệu phi pháp, HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam có “các động thái thích hợp”, bao gồm cung cấp kết quả khám nghiệm tử thi cho gia đình ông Hungkar Dorje.

 

Hôm 9/4, bảy tổ chức Tây Tạng độc lập với chính phủ cũng phát đi thông cáo chung “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cái chết đột ngột” của Lạt Ma Hungkar Dorje.

Bảy tổ chức này gồm: International Tibet Network, Free Tibet, Tibet Justice Center, Australia Tibet Council, Tibet Action Institute, Students for a Free Tibet, Students for a Free Tibet – India.

Theo thông cáo đăng trên trang web của tổ chức Free Tibet (Tự do cho Tây Tạng), bảy tổ chức này cho hay một nhóm các viên chức Trung Quốc từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, Phòng Tôn giáo của chính quyền huyện Gadê, Phòng An ninh của chính quyền châu tự trị dân tộc Tạng Golog và Phòng Tình báo Tỉnh Thanh Hải đã đến Việt Nam vào sáng ngày 5/4.

“Mối quan ngại của chúng tôi càng tăng lên do những lời kể mâu thuẫn về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ngài, bao gồm cả việc nguyên nhân ban đầu do chính quyền Việt Nam nêu ra là do đau tim và chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng trình giấy chứng tử cho Tu viện Lung Ngon ở Tây Tạng, nhưng không cho phép tu viện lưu giữ bất kỳ hồ sơ nào hoặc sao chép các tài liệu này.”

Bảy tổ chức này cũng đưa ra sáu khuyến nghị đối với chính phủ Việt Nam, “phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế”, trong đó có việc điều tra về cái chết của ông Hungkar Dorje và tạo điều kiện đưa thi hài của ông về với gia đình.

 

Lạt Ma Hungkar Dorje là ai?

Nguồn hình ảnh,Free Tibet Chụp lại hình ảnh,Lạt Ma Hungkar Dorje

 

Lạt Ma Hungkar Dorje, sinh năm 1969, tại vùng Amdo (ngày nay là một vùng bao gồm tỉnh Thanh Hải) của Tây Tạng, “là một nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng xuất sắc. Cuộc đời của ông tiêu biểu cho sự cống hiến không ngừng nghỉ để bảo tồn bản sắc Tây Tạng thông qua các sáng kiến ​​về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và văn hóa”, theo Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA).

Ông Hungkar Dorje có hàng ngàn tín đồ trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm ở Việt Nam.

CTA cho biết ông Hungkar Dorje đã thành lập Trường Trung học Kỹ thuật Nghề nghiệp Hungkar Dorje miễn học phí cho 1.000 học sinh và thành lập Phòng khám Y khoa Từ bi Hungkar cho người Tây Tạng khó khăn.

Ông cũng là tác giả hơn 20 cuốn sách về văn hóa và Phật giáo Tây Tạng.

Theo các tổ chức lưu vong Tây Tạng, năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã ép ông Hungkar Dorje phải tiếp đón Ban Thiền Lạt Ma (đứng thứ hai về cấp bậc sau Đạt Lai Lạt Ma) do Trung Quốc bổ nhiệm, tại tu viện của ông, nhưng ông đã không tuân thủ.

Quan chức tỉnh Thanh Hải đã thẩm vấn ông sau đó và cáo buộc ông đã không tuân thủ các chính quyền Trung Quốc trong công tác giáo dục của mình tại Golog. Những sự kiện này khiến ông phải trốn khỏi tu viện từ cuối tháng 9/2024, vẫn theo các tổ chức này.

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tham gia vào hoạt động đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm đàn áp người Tây Tạng sống ở nước ngoài, theo HRW.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ và hồi hương ít nhất hai nhà bất đồng chính kiến ​​từ Việt Nam với sự hợp tác của chính quyền Việt Nam, đó là Đổng Quảng Bình vào năm 2022 và Vương Bỉnh Chương vào năm 2002, theo HRW.

Ông Hungkar Dorje mất tích và qua đời trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đàn áp các nhà giáo dục Tây Tạng nổi tiếng và các trường học mà họ điều hành, những người thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, ở các khu vực miền đông Tây Tạng bao gồm cả Golok, HRW cho hay trong thông cáo báo chí hôm 9/4.

 

BBC (11.04.2025)

 

 

 

 

 

Cao tăng Tây Tạng chết khi đang bị giam giữ ở Việt Nam

 

Chính quyền Việt Nam và Trung Quốc bị cáo buộc đã phối hợp bắt giữ và giam vị cao tăng này cho đến khi ông qua đời.

Tulku Hungkar Dorje được nhìn thấy trong bức ảnh không có ngày tháng. (Citizen photo)

 

Chính phủ lưu vong của Tây Tạng hôm 8 tháng 4 đã đưa ra một thông cáo báo chí, thông báo về cái chết của cao tăng Tulku Hungkar Dorje, trụ trì một tu viện và là một nhà giáo dục nổi tiếng.

Vị cao tăng sinh năm 1969 được cho là đã qua đời ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29 tháng 3, tuy nhiên phải đến tận ngày 3 tháng 4 thì tin tức mới được loan tải.

Theo nguồn tin từ Tây Tạng, chính quyền Trung Quốc đã triệu tập bảy vị sư từ Tu viện Lung Ngon, do cao tăng Tulku Hungkar Dorje làm trụ trì, để thông báo về cái chết của ông.

Chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết vị cao tăng này đã tới Việt Nam từ tháng 9 năm 2024 để tránh sự truy bức của chính quyền Trung Quốc. Nhưng sau đó đã bị công an Việt Nam và Trung Quốc phối hợp bắt giữ tại nhà riêng ở Tp. HCM vào tháng 3 năm 2025. Và qua đời ba tuần sau đó.

Phía Trung Quốc không cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông, trong khi truyền thông lẫn chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng cho tới thời điểm này.

Cao tăng Tulku Hungkar Dorje, danh hiệu “Tulku” trong Phật giáo Tây Tạng ám chỉ một người đã tái sinh, đã biến mất ngay sau buổi thuyết giảng trước công chúng vào ngày 21 tháng 7 năm 2024.

Các quan chức Trung Quốc sau đó đã áp đặt các hạn chế đối với các nhà sư của tu viện và người dân Tây Tạng địa phương, cấm mọi cuộc thảo luận công khai về vụ mất tích và cấm chia sẻ các bài giảng của ngài dưới dạng âm thanh hoặc video, các nguồn tin cho biết.

Khi các nhà sư được thông báo về sự ra đi của vị trụ trì vào thứ Tư, họ đã phải ký vào một văn bản của chính phủ xác nhận cái chết của ông, nhưng các quan chức Trung Quốc đã không tiết lộ điều gì đã xảy ra với hài cốt của vị cao tăng, cũng như nơi ông ở trong những tháng ông mất tích.

Người dân ở Tây Tạng đã lên các nền tảng mạng xã hội để bày tỏ sự thương tiếc về cái chết của ông và viết những lời tri ân đầy xúc động, tưởng nhớ những đóng góp của ông trong việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, hỗ trợ hàng nghìn người dân thiệt thòi và thành lập các trường học tư thục ở Tây Tạng.

 

RFA (08.04.2025)

 

 

 

 

ICCPR: Chuẩn bị cho phiên rà soát Việt Nam thực thi Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị 

Sắp tới đây, vào tháng 7 năm 2025, Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành phiên rà soát việc thực thi Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) với nhà nước Việt Nam.

ICCPR là một công ước quan trọng của Liên Hiệp Quốc và được coi là một văn kiện quan trọng nhất trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế. Văn kiện này ra đời năm 1966 và được hầu hết các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc ký kết và tham gia.
Chính quyền Cộng Sản Việt Nam tham gia công ước này kể từ năm 1982. Tính đến nay, chính quyền Việt Nam đã chấp nhận ba kỳ rà soát trước Liên Hiệp Quốc vào các năm 1989, 2001 và 2017.
Theo thông tin công khai trên trang web của Liên Hiệp Quốc thì tại chu kỳ rà soát lần thứ nhất, lẽ ra chính quyền Việt Nam phải nộp báo cáo vào ngày 23 tháng 12 năm 1983. Tuy nhiên mãi tới ngày 7 tháng 7 năm 1989 họ mới nộp bản báo cáo này.
Tương tự như vậy, lẽ ra chính quyền Việt Nam phải nộp báo cáo cho chu kỳ rà soát lần thứ nhì vào ngày 31 tháng 7 năm 1991. Tuy nhiên cũng mãi tới ngày 3 tháng 4 năm 2001 họ mới nộp bản báo cáo này.
Việc nộp báo cáo cho chu kỳ rà soát lần thứ ba của chính quyền Việt Nam đã lập kỷ lục với chính họ về sự chậm trễ. Theo quy định, lẽ ra họ phải nộp báo cáo cho Liên Hiệp Quốc chậm nhất vào ngày 1 tháng 8 năm 2004 nhưng phải tới tận ngày 22 tháng 12 năm 2017 họ mới nộp bản báo cáo này.
Là một phần của cơ chế rà soát, Liên Hiệp Quốc khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự nộp các bản báo cáo của riêng mình đánh giá về tình hình thực thi các công ước của quốc gia được mang ra kiểm định. Trong chu kỳ rà soát lần thứ ba và chuẩn bị cho lần rà soát thứ tư sắp tới đây, BPSOS là một số những tổ chức theo dõi nhân quyền tại Việt Nam đã nộp các bản báo cáo như vậy cho Liên Hiệp Quốc. Không những vậy, BPSOS còn phối hợp để nâng đỡ nhiều tổ chức nhân quyền khác của người Việt cùng thực hiện các bản báo cáo chung để giúp Liên Hiệp Quốc có thêm nhiều cứ liệu phục vụ phiên rà soát.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền Việt Nam cũng vừa tham gia phiên rà soát của Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công Ước Về Quyền Người Khuyết Tật tại Việt Nam với nhiều lời hứa hẹn. Vì vậy, trong thời gian này BPSOS cũng đang tiến hành các hoạt động thu thập các chứng cứ để phiên rà soát ICCPR có thêm các chất vấn lại về các vấn đề mà chính quyền Việt Nam vừa hứa.


BPSOS

Machsong.org (08.04.2025)

 

 

 

 

Công an Trà Vinh bắt người bất đồng chính kiến để chạy chỉ tiêu 30 tháng 4

 

 Nửa thế kỷ trôi qua, chiếm được miền Nam nhưng kẻ thắng cuộc không dám đối thoại, lắng nghe dân, mà lại phải đàn áp, bắt bớ những tiếng nói bất đồng…

Cuối tháng 3, công an tỉnh Trà Vinh đã bắt tạm giam 4 người lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước. Trong đó gồm 3 người Khơ me là Thạch Nga (35 tuổi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh; Kim Som Rinh (46 tuổi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), và Thạch Xuân Đồng (38 tuổi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); và một người Kinh là Đặng Ngọc Thanh (32 tuổi, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh).

Nhà chức trách cáo buộc 4 người này đã “sử dụng các tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin có nội dung vi phạm pháp luật, nói xấu, xuyên tạc thành quả xây dựng đất nước, vu cáo chính quyền địa phương vi phạm dân chủ, nhân quyền. Từ đó gây tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân; xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự ở địa phương…” (1)

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì các facebook này hoàn toàn không gây phức tạp gì tới an ninh trật tự, vì thời gian qua tỉnh Trà Vinh không xảy ra vụ gây rối nào liên quan tới chính trị, bất đồng chính kiến. Trong khi đó, 4 người bị bắt giam lại được đánh giá là hiền hậu, chỉ nêu quên quan điểm chính trị, ý kiến cá nhân về các vấn đề bất cập trong xã hội, họ chỉ viết những chia sẻ ngắn trên mạng xã hội để lên án nạn tham nhũng, hối lộ. Có thể nói là hoàn toàn không kích động bạo lực, mà thậm chí còn đúng với chủ trương chống tham nhũng của nhà nước CSVN.

Cho nên việc bắt giam này hoàn toàn là bất hợp pháp và là một hành vi vi phạm nhân quyền, đàn áp tiếng nói tự do dân chủ của người dân. Chính việc bắt giam phi pháp này của CSVN mới gây hoang mang cho người dân chứ những người bất đồng chính kiến hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì tới tâm lý của người dân.

Nhìn vào số lượng những người bị bắt giam, có thể thấy đồng bào người Khơ Me bản địa đang bị đàn áp nặng nề. Đây là hành vi chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, trái ngược hoàn toàn với những gì mà CSVN vẫn hô hào bấy lâu nay. Nên nhớ, từ trước tới nay người Khơ Me ở miền Tây vẫn rất hiền hoà, chấp nhận chế độ cộng sản, không hề có một phản kháng vũ trang, thậm chí cũng không có cuộc biểu tình nào để phản đối chế độ cộng sản.

Tuy nhiên, nhà nước CSVN luôn luôn coi những sắc tộc thiểu số là cái gai trong mắt, tìm mọi cách để đàn áp, đồng hoá. Bất kỳ ai có một ý kiến bất bình, dù là nhỏ nhất, cũng bị theo dõi, cô lập, bắt lên đồn tra tấn tinh thần. Bởi vậy khi 3 người Khơ Me bị bắt lần này, dư luận cũng thấy rằng CSVN đang tìm cách trấn áp tinh thần, răn đe phần còn lại.

Riêng Đặng Ngọc Thanh, người Kinh duy nhất bị bắt trong đợt này, thì được bạn bè đánh giá là ôn hoà, và chỉ muốn lên tiếng để có những cải cách tốt đẹp cho đất nước. Được biết mấy năm gần đây công an Trà Vinh liên tục gây sức ép, bắt Thanh lên đồn để tra tấn tinh thần, ép buộc Thanh phải xoá tài khoản Facebook, bao vây kinh tế, khiến Thanh không thể sinh sống ở quê hương.

Vì vậy, 2 năm nay Thanh phải lên Sài Gòn xin việc làm, nhưng cũng không cố định, vì đi làm được một thời gian thì lại bị công an tới quấy phá, bị đuổi việc. Rõ ràng nhà cầm quyền muốn đẩy Thanh vào đường cùng. Nhưng Thanh vẫn bền bỉ lên tiếng vì một tương lai tươi đẹp của đất nước.

Việc bắt 4 người trong ngày 27/3 cũng là động thái chạy “chỉ tiêu” thường thấy của công an trước những dịp lễ lớn để được khen thưởng, nâng chức, thăng cấp… Đặc biệt là sắp tới lễ 30 tháng 4, CSVN đang chuẩn bị lễ lớn để kỷ niệm 50 năm cưỡng chiếm hoàn toàn miền Nam. Nửa thế kỷ trôi qua, chiếm được miền Nam nhưng vẫn không có được lòng dân, vẫn phải đàn áp, bắt bớ những tiếng nói bất đồng, kẻ thắng cuộc nhưng lại không dám đối thoại, lắng nghe dân, để rồi đất nước tuy thống nhất về lãnh thổ, nhưng vẫn chia sẽ về lòng người…

 

Dân Trần

VNTB (07.04.2025) 

 

___________________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/tra-vinh-bat-4-nguoi-loi-dung-tu-do-dan-chu-xam-pham-loi-ich-20250327134356928.htm

 

 

 

 

Cơ quan có thẩm quyền điều tra công an sắp bị khai tử

Ngay cả khi tồn tại tính độc lập của cơ quan này cũng bị đặt dấu hỏi.

Nhân viên cảnh sát Việt Nam đứng gác bên ngoài khách sạn Metropole trong thời gian diễn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019. (JORGE SILVA/REUTERS/Jorge Silva)

 

Báo chí trong nước hôm 4 tháng 4 đưa tin Bộ Công an muốn sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình, và đã gửi tờ trình lên chính phủ.

Điều đáng chú ý là trong dự thảo luật sửa đổi này, Bộ Công an muốn khai tử Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, vốn có nhiệm vụ điều tra tư pháp.

“Đây cũng là một cơ quan điều tra, nhưng đối tượng của nó là những hoạt động tư pháp, gồm hoạt động của cơ quan cánh sát điều tra, cơ quan an ninh điều tra, hoặc của chính nó, hoặc là của tòa án.” Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có 30 năm hành nghê luật sư ở Việt Nam cho RFA biết.

Hiểu một cách đơn giản, cơ quan mà Bộ Công an đang muốn khai tử, có nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính Bộ Công an, cụ thể là trong lĩnh vực điều tra.

Tranh luận đã nổ ra trong giới luật sư và những người quan tâm đến lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam.

Một bên bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm dụng quyền lực của Bộ Công an trong hoạt động điều tra nếu mất đi sự giám sát. Luồng ý kiến còn lại cho rằng cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vốn dĩ đã không thực thi quyền hành của mình, vì vậy nếu bị khai tử cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động tư pháp.

“Ví dụ nếu người dân muốn tố cáo cán bộ công an hoặc quan chức ngành tòa án tội nhận hối lộ, thì sẽ rất khó để tố cáo tới cơ quan công an, vì họ có thể bao che, bảo kê cho nhau.” Luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những người bày tỏ sự lo ngại đối với đề nghị bỏ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát, cho RFA biết.

Ông cũng chứng minh sự cần thiết của cơ quan này bằng việc nêu ra trường hợp ông Trần Tiến Quang, cựu Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bị bắt vì tội làm sai lệch hồ sơ vụ án hồi năm 2021, vụ án này do cơ quan điều tra của Viện Kiếm sát thực hiện.

Nếu bỏ đi cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát thì “các cơ quan điều tra của Bộ Công an, từ trung ương tới tỉnh, sẽ lộng quyền hơn. Và người dân sẽ không còn chỗ dựa để tố cáo.“ Luật sư Nguyễn Văn Đài kết luận.

Ở chiều ngược lại, luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng việc bỏ đi chức năng điều tra của Viện Kiểm sát sẽ “không tạo ra thay đổi gì“.

“Hiện giờ, các cơ quan của chính quyền đang rối tung hết, không ai làm đúng chức năng của mình. Thậm chí cơ quan nào muốn làm đúng chức năng, nhưng Đảng mà can thiệp thì cũng như không.” Luật sư Mạnh nói thêm.

Ông cũng cho rằng vốn dĩ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát đã rất ít khi thực hiện thức năng của mình. Nên có hay không cũng không ảnh hưởng gì. Điều mấu chốt, theo luât sư Đặng Đình Mạnh, nằm ở tính độc lập của các cơ quan tư pháp, khỏi sự can thiệp chính trị từ Đảng.

Đồng tình với quan điểm trên, một luật sư đang hành nghề tại Việt Nam trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh, rằng “việc tranh luận giữ hay bỏ Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao sẽ không có hồi kết nếu không đặt lại vấn đề cốt lõi ai có thẩm quyền điều tra các vi phạm trong hoạt động tư pháp một cách độc lập và khách quan.”

Đảng Cộng sản vẫn thực hiện quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các hoạt động điều tra, khởi tố, và xét xử ở Việt Nam. Mỗi cơ quan, từ công an, kiểm sát, và tòa án đều được đặt dưới sự lãnh đạo bởi Đảng ủy nội bộ. Ngoài ra, ba cơ quan này còn được giám sát phối hợp bởi ngành Nội chính, một cơ quan khác của Đảng có vai trò kiểm soát lĩnh vực tư pháp.

Vị luật sư ẩn danh kết luận “nếu các cơ quan không được thực thi quyền lực một cách độc lập, thượng tôn pháp luật, mà vẫn đặt dưới sự chỉ đạo, can thiệp trực tiếp của Đảng, thì mọi cải cách tư pháp sẽ vẫn chỉ là hình thức.”

 

RFA (06.04.2025)