Mục lục
Nửa hồn thương đau – Phạm Đình Chương (1929 – 1991)
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ…”
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những lời ca của “Nửa hồn thương đau” vẫn in dấu trong lòng người mộ điệu.
Đắm đuối “Nửa hồn thương đau”
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 – 1991) sinh ra ở Hà Nội, ông bắt đầu sáng tác từ năm 1947, khi ấy 18 tuổi. Năm 1951, cả gia đình ông chuyển vào sinh sống ở Sài Gòn. Sau đó, ban hợp ca Thăng Long được thành lập với những thành viên là anh chị em ruột trong gia đình ông, gồm: ca sĩ Hoài Bắc (nhạc sĩ Phạm Đình Chương), ca sĩ Hoài Trung (Phạm Đình Viêm, anh trai), ca sĩ Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái, chị gái) và ca sĩ Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh, em gái).
Thời ấy, ban hợp ca Thăng Long là cái tên có ảnh hưởng lớn trong làng nhạc Sài Gòn. Phòng trà, rạp hát nào có sự hiện diện của họ đều sẽ “cháy vé”. Và chính trong môi trường âm nhạc sôi động ngày ấy, Phạm Đình Chương đã gặp gỡ, yêu và nên duyên vợ chồng với ca sĩ, diễn viên nức tiếng thời ấy là Khánh Ngọc.
Khánh Ngọc là ngôi sao sáng chói của bầu trời nghệ thuật Sài Gòn. Bà được báo chí trao cho danh xưng “ngọn núi lửa” vì vẻ ngoài nóng bỏng, gợi cảm. Bà từng là mục tiêu săn đón của biết bao danh nhân giàu có Sài Gòn thuở ấy. Khánh Ngọc không chỉ sở hữu vẻ ngoài cuốn hút mà còn có giọng ca say mê lòng người.
Lần đầu gặp Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương đã trao trái tim cho người con gái này. Và với danh thế lừng lẫy, là ngôi sao sáng trong ban hợp ca đình đám Thăng Long nên ông chiếm được trái tim của người đẹp. Sau một thời gian yêu nhau, họ nên duyên vợ chồng trong ánh mắt ngưỡng mộ xen lẫn sự ghen tỵ của nhiều người.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc lại kết thúc trong tai tiếng sau đó ít lâu. Khi có với nhau đứa con trai 4 tuổi, Phạm Đình Chương đã nghe phong thanh những điều tiếng không hay rằng Khánh Ngọc đã có một người đàn ông khác. Tuy nhiên, vì tình yêu mà ông dành cho vợ quá lớn nên không tin vào những điều tiếng ấy. Bản thân ông hiểu khi đã sống trong thế giới đèn màu, những câu chuyện bên lề, ác ý như vậy là không thể tránh khỏi nên cứ im lặng để sống. Ông tránh tiếp xúc với những câu hỏi của dư luận, báo chí về việc này.
Thế nhưng, khi đã là sự thật thì không có bức màn thưa nào có thể che đậy được. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Một buổi tối định mệnh, theo yêu cầu của một người bạn, Phạm Đình Chương đã có mặt và bắt quả tang vợ mình đang cùng nhân tình “ăn chè” ở tận miệt Nhà Bè nằm vùng ven Sài Gòn.
Nỗi đau đớn nhân lên gấp bội, khi nhân tình của Khánh Ngọc không ai khác chính là nhạc sĩ Phạm Duy – chồng của ca sĩ Thái Hằng, chị gái ông. Một mối quan hệ cay đắng và oan nghiệt. Lúc ấy, trời đất như sụp đổ dưới chân ông, nhờ có người bạn dìu, ông mới gắng gượng ra về với cõi lòng tan nát.
Ngay lập tức, “kỳ án ăn chè Nhà Bè” được báo chí Sài Gòn khai thác triệt để, với những hình ảnh nóng hổi cập nhật từng ngày, bởi những người trong cuộc không ai khác đều là những người nổi tiếng lẫy lừng, là các thành viên trong một gia đình tài tử danh tiếng.
Người ta kể, những ngày sau đó, Phạm Đình Chương đã khóc hết nước mắt vì bi kịch của gia đình. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông gạt nước mắt, đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Cuối cùng, tòa phán quyết thuận tình ly hôn và ông được quyền nuôi đứa con chung của 2 người. Sau cuộc ly hôn đầy nghiệt ngã ấy, cuộc đời ông chuyển sang một lối rẽ khác. Cuộc sống của ông chỉ còn lại nỗi buồn, nỗi đau và đôi khi là sự uất hận về chữ tình.
Một lần, trong một đêm mưa buồn, Phạm Đình Chương đến giải khuây ở một chương trình nhạc hội. Tại đây, ông gặp lại vợ cũ đang biểu diễn. Kết thúc đêm diễn, trời đang mưa như trút nước giữa đường phố Sài Gòn, đêm lại buồn hiu hắt, ông tiếp cận và có nhã ý muốn được tiễn Khánh Ngọc về nhưng bị từ chối.
Phạm Đình Chương lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc giờ trôi theo dòng nước, tan vỡ như những bong bóng mưa. Một người vẫn còn đây, người còn lại đã rời xa. Trái tim yêu đã chia làm đôi, lời thề vỡ vụn…
Nỗi đau dâng trào, trong lòng Phạm Đình Chương vang lên lời thơ bài “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền. Những lời thơ dường như đã nói giúp ông bao đau thương, bao uất hận đang giấu trong lòng và thế là ông mượn 2 câu “Đôi khi anh muốn tin/ Ôi những người khóc lẻ loi một mình” của Thanh Tâm Tuyền để viết nên bản tình ca bất hủ “Nửa hồn thương đau”.
Hoài Bắc Phạm Đình Chương: Một Thời Đã Qua
2011
Phạm Ðình Chương dùng âm giai Tây phương mà vẫn giữ được nét dân tộc qua những nốt láy mềm mại, những chuyển cung đặc biệt Việt Nam (điển hình là Lá Thư Mùa Xuân, Ðược Mùa, Anh Ði Chiến Dịch, Mười Thương, Mầu Kỷ Niệm…)
Phạm Đình Chương (14.11.1929 – 22.8.1991)
Sau bốn tháng cầm cự với cơn bệnh, nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Ðình Chương đã giã từ âm nhạc và chúng ta một buổi sáng tháng Tám.
Ðối với gia đình và những người yêu nhạc, tin ông mất đã lấn át vụ đảo chính bất thành tại Mạc Tư Khoa. Buổi sáng 22 tháng Tám, điện thoại reo liên hồi trong giới bạn hữu của ông: không một ai từng yêu mến âm nhạc Phạm Ðình Chương và tiếng hát Hoài Bắc trong ban Thăng Long mà không thấy xúc động bàng hoàng vì một mất mát lớn lao như vậy.
Mấy chục năm qua, đã quen và đã yêu nhạc Phạm Ðình Chương chúng ta cứ tưởng là ông không thể nào rời bỏ chúng ta được, và sẽ còn đó mãi mãi để tiếp tục làm đẹp cho tân nhạc Việt Nam. Như những đứa trẻ yêu mến tàng cây phượng vĩ trong sân trường, rực rỡ hoa đỏ từ thuở ấu thơ, từ lớp vỡ lòng, chúng ta cứ yên chí là vòm cây xanh tươi đó sẽ tồn tại mãi mãi với ngôi trường thân yêu của chúng ta.
Trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, Hoài Bắc Phạm Ðình Chương mất đi, ban hợp ca Thăng Long không còn nữa, những nghệ sĩ như Kim Tước, Anh Ngọc, Mai Hương, Lệ Thu… và người viết bài cũng sẽ không còn vui hát như xưa, như những lần đi trình diễn với nhau thật hào hứng, từ ngày còn ở quê nhà cho đến quê người.
Hàng tuần, theo dõi một chương trình truyền hình Việt ngữ, khi nghe đài hiệu là bản Ngựa Phi Ðường Xa, các bạn ông sẽ không còn thấy rộn ràng phấn khởi như xưa. Trong những dịp chung vui trong gia đình hay bạn bè, chúng ta sẽ nghẹn ngào khi hát và nghe Ly Rượu Mừng. Từ nay, vào dịp Xuân về hàng năm, chúng ta vẫn sẽ nghe Xuân Tha Hương nhưng với một tâm trạng khác, buồn thấm thía hơn… Có lẽ là trong tương lai khá lâu sau này, những bạn hữu chí thiết của Hoài Bắc Phạm Ðình Chương sẽ khó hát được những bài ca vui tươi của ông, và những ca khúc trữ tình lãng mạn của ông sẽ làm chúng ta bâng khuâng rã rời hơn trước.
Hoài Bắc Phạm Ðình Chương để lại một khoảng trống quá lớn.
Phạm Ðình Chương là một nghệ sĩ tài hoa. Nhạc của ông đa dạng và phong phú vì ông sáng tác đủ các thể loại: trữ tình như Thuở Ban Ðầu, Xuân Tha Hương, Ðêm Cuối Cùng, Nửa Hồn Thương Ðau, đầy tình quê hương như Ðược Mùa, Mười Thương, Tiếng Dân Chài, hứng khởi tuổi thanh xuân như Hò Leo Núi, Ðất Lành, Ðón Xuân, Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng, Sáng Rừng, Trăng Rừng, hào hùng như Anh Ði Chiến Dịch, Hùng Ca Dân Tộc… loại nào ông cũng có những bài trác tuyệt.
Có một thể loại mà Quỳnh Giao nghĩ là chỉ ông mới đặc biệt xuất sắc, nhờ tâm hồn yêu thơ và hiểu thơ, đó là kết hợp nhạc và thơ. Từ những bài thơ của các tác giả tiền chiến như Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Ðinh Hùng, đến các sáng tác của những nhà thơ của miền Nam tự do sau 54 như Thanh TâmTuyền, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê. Sau này, những bài thơ nổi danh tại hải ngoại của Thái Tú Hạp, Hoàng Ngọc Ẩn đã trở thành bất hủ nhờ Phạm Ðình Chương phổ nhạc. Nhiều bài khác hầu như chỉ được quen biết trong ca khúc Phạm Ðình Chương.
Nổi bật hơn cả là trường ca Hội Trùng Dương một biểu hiệu của tài năng lớn Phạm Ðình Chương, dù ông viết khi còn rất trẻ.
Ông mất đi, không biết bao giờ chúng ta mới có dịp nghe một Hội Trùng Dương qua hòa âm trình bầy vui tươi phơi phới như khi ông còn với chúng ta.
*
Về nhạc thuật, Phạm Ðình Chương là một tác giả có đặc điểm kết hợp âm điệu tài tình. Phần đông thính giả yêu nhạc Phạm Ðình Chương đều có chung một cảm tưởng là nhạc của ông có hồn và gần gũi với tâm tư Việt Nam. Phạm Ðình Chương dùng âm giai Tây phương mà vẫn giữ được nét dân tộc qua những nốt láy mềm mại, những chuyển cung đặc biệt Việt Nam (điển hình là Lá Thư Mùa Xuân, Ðược Mùa, Anh Ði Chiến Dịch, Mười Thương, Mầu Kỷ Niệm.) Ông cũng viết các ca khúc hoàn toàn sử dụng nét nhạc Tây phương mà không cầu kỳ, dễ diễn tả và dĩ nhiên dễ yêu, dễ nhớ. Những bản tình ca phổ biến nhất của ông là thuộc loại này, như Nửa Hồn Thương Ðau, Ðêm Mầu Hồng, Bài Ngợi Ca Tình Yêu, Dạ “Tâm” Khúc… Phạm Ðình Chương đặc biệt yêu những nốt láy của miền Trung, mà ông thần tình sử dụng trong câu kết của bài Ðôi Mắt Người Sơn Tây hoặc trong ca khúc phổ thơ Du Tử Lê sau này, bản Ðêm Nhớ Trăng Saigon. Ông kết hợp một cách tự nhiên không gượng gạo, dù chẳng phải là viết những ca khúc về… Huế.
Nhờ tài năng phong phú với nét lãng mạn vừa Tây phương vừa gần gũi với tâm hồn người Việt, ông sáng tác rất nhiều mà không có bài nào không hay. Sâu xa nhất, có lẽ nhờ Phạm Ðình Chương viết theo cảm hứng. Ông không viết theo thị hiếu của thị trường. Ông không bao giờ vội nên chẳng bao giờ vấp, và không bao giờ làm những người yêu nhạc ông phải thất vọng.
*
Hoài Bắc Phạm Ðình Chương viết nhạc, soạn hòa âm và trình diễn trong ban hợp ca Thăng Long. Về nghề nghiệp nơi ông sống nhiều nhất chính là phòng trà. Nhưng ông là người đem lại một không khí thanh lịch cho một nơi nghe nhạc vốn nhiều người yêu nhạc cho là thiếu… trang trọng. Nhờ ông, phòng trà “Ðêm Mầu Hồng”có một phong thái riêng, một nơi nghe nhạc chọn lọc của người lịch lãm.
Ông là linh hồn của ban hợp ca đã nhiều thời lừng lẫy từ Sàigòn ra Hà Nội, vào Sàigòn, ra đến hải ngoại. Mấy chục năm nay, sau bao nhiêu thay đổi về nơi chốn và nhân sự, thính giả khắp nơi vẫn nghe Thăng Long. Không có Thái Hằng và Khánh Ngọc, vẫn còn Thăng Long. Không có Thái Thanh, thay thế bằng Mai Hương, vẫn là Thăng Long. Thăng Long chỉ thực sự mất khi không còn Hoài Bắc Phạm Ðình Chương… Vì Thăng Long là Hoài Bắc và hoà âm Phạm Ðình Chương, là tinh thần yêu mến nghệ thuật ca hát của Phạm Ðình Chương. Quỳnh Giao không ngăn được lệ khi nhìn chú Viêm (xin được gọi nghệ sĩ Hoài Trung bằng tục danh tôi vẫn dùng) ủ dột, thất thần trong tang lễ của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. Từ nay, Hoài Trung thật sự lẻ loi một mình…
*
Kỷ niệm của riêng Quỳnh Giao với nhạc sĩ Phạm Ðình Chuơng có rất nhiều, và những kỷ niệm trở về như mới hôm qua, như vừa chớp mắt…
Nhớ lại được những ngày còn bé, căn nhà nhỏ trong khu xóm Phan Ðình Phùng. Căn nhà có cái gác lửng, nơi mẹ tôi mỗi chiều chủ nhật đánh chắn với các chú Phạm Ðình Chương, Phan Lạc Phúc, Thái Thủy, Văn Quang… Chú Chương không đi một mình, thường hay mang theo một thằng bé trạc 7, 8 tuổi, bằng em trai tôi bấy giờ, tên là Thành. Ngày bé, Thành nghịch ngợm, thông minh và láu lỉnh. Mấy mươi năm sau, tôi gặp lại Thành khi cậu ra mắt tập nhạc Mộng Dưới Hoa giới thiệu hai mươi bài thơ phổ nhạc của Phạm Ðình Chương vào trung tuần tháng Tư vừa qua.
Không thể tưởng tượng được đó là lần cuối Phạm Ðình Chương sinh hoạt với chúng tôi.
Quỳnh Giao còn nhớ không khí khét lẹt của Tết Mậu Thân 1968, với những hàng rào kẽm gai giăng đầy các cơ quan hành chính quân sự, rồi giới nghiêm làm ngưng đọng những sinh hoạt nghệ thuật. Các đài phát thanh phải mượn những nơi khác làm phòng thu thanh, khiến nghệ sĩ chúng tôi phải di chuyển xa xôi, diệu vợi.
Tôi gặp lại nhạc sĩ Phạm Ðình Chương trong buổi tiếp tân trong giới nghệ sĩ và các giới chức chính quyền tại Dinh Ðộc Lập. Vẫn với dáng điệu nhẹ nhàng, chậm chạp, ông cười cười: “Này Quỳnh Giao, hát đài phát thanh bây giờ chán lắm. Ðến hát cho chú đi, ở Ðêm Mầu Hồng đó. Ngày xưa mẹ không cho vì còn là con gái, bây giờ cháu đã có gia đình rồi, còn ngại gì nữa. Hát phòng trà nhiều người nghe hơn, hát đài phát thanh chỉ có ai yêu nhạc lắm mới chịu khó đón nghe mình”.
Tôi nghe lời ông được có một lần. Qua ngày hôm sau, tôi từ chối vì không quen hát trong phòng trà khi khán thính giả đến vì nhiều lý do khác ngoài việc thưởng ngoạn âm nhạc. Nghe tôi giải thích, ông nói: “Tiếc quá, cháu nhát quá. Chẳng ai như cháu cả, chú mời mà không hát”.. Sau biến cố 1975, tôi có đôi lúc tiếc không khí ngày xưa và tiếc cả những dịp bỏ lỡ không trực tiếp trình diễn trước khán thính giả. Nhớ lại, mỗi một bài hát, mỗi một nơi chốn, mỗi một thính giả là như mỗi báu vật, một kỷ niệm mang theo….
*
Tôi nhớ lại lần gặp lại ông khi ông vượt biển sang tới Hoa Kỳ và ghé Hoa Thịnh Ðốn với Hoài Trung. Lần ấy ông, Hoài Trung cùng với cặp nghệ sĩ Văn Phụng – Châu Hà và Quỳnh Giao đã họp mặt thật vui và làm một đêm nhạc lấy tên “Ðêm Mầu Hồng”. Lần đó ông đàn cho tôi hát một ca khúc mới soạn, còn chưa ráo mực, bản “Ðêm Nhớ Trăng Sàigòn” phổ thơ Du Tử Lê. Tôi rùng mình xúc động bởi nét nhạc quá tha thiết, lãng đãng. Ông cùng Hoài Trung và Châu Hà hát “Mưa Sàigòn, Mưa Hà Nội” làm thành một ban Thăng Long mới. Cũng dịp đó ông và Hoài Trung với tôi cùng trình bầy”Ðêm Màu Hồng” trong một… ban Thăng Long trẻ nhất, như ông nói.
Ðó là lần đầu Quỳnh Giao được gặp người vợ trẻ và rất xinh đẹp của ông, được bạn bè ông yêu quý vì rất đảm và thương yêu ông. Nàng ngồi phía dưới ngước lên vùng ánh sáng rực rỡ nơi ông đứng trình diễn bằng tia nhìn trìu mến, ngưỡng mộ, và cười thật tươi khi nghe tiếng vỗ tay tán thưởng ông kéo dài, thật dài. Cuối cùng nàng làm cho cả hậu trường ngạc nhiên vì giọng ngâm thơ êm ái ngọt ngào. Ðây là một tiết mục bất ngờ và đặc biệt của chương trình hôm ấy.
Sau đó, chúng tôi đã có được nhiều dịp trình diễn với nhau trong những chương trình “40 Năm Âm Nhạc Phạm Ðình Chương” ở Hoa Thịnh Ðốn do Lê Văn tổ chức, ở Minnesota do Cung Tiến, nhạc sĩ và bạn thân của ông, thực hiện. Thành phần nghệ sĩ do chính ông chọn và mời, ngoài ban hợp ca Thăng Long với Hoài Bắc, Hoài Trung và Mai Hương, còn có Kim Tước, Lệ Thu và Quỳnh Giao. Ông cũng mời nhạc sư Nghiêm Phú Phi, nhạc sĩ lão thành Ðan Thọ, nhạc sĩ vĩ cầm Hoàng Thi Thao và một người bạn thiết thường có mặt bên ông là nhà văn Mai Thảo. Gánh “cải lương”của chúng tôi (tên ông vẫn gọi đùa) làm việc với nhau rất thoải mái, thân mật mà vẫn trong khuôn phép. Sau đó chúng tôi còn lưu diễn hai tuần vui nhộn và bận rộn do Lê Văn tổ chức tại các nước Âu Châu như Pháp, Ðức, Thụy Sĩ. Ðó là những năm 1985, 1986, 1987.
Giữa năm 1989, chúng tôi đi trình diễn tiếp ở nhiều nơi chương trình “45 Năm Âm Nhạc Phạm Ðình Chương”. Tại San Jose, do ông Nguyễn Ðình Hữu của Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tỵ Nạn Không Cha Mẹ tổ chức, tại Houston do một nhóm sinh viên và chuyên gia thực hiện, và tại Nam Cali, do ông Vũ Quang Ninh, một nhân vật quen thuộc của giới truyền thông đảm trách. Ðến nơi đâu Hoài Bắc Phạm Ðình Chương cũng để lại những cảm tình tốt đẹp và những thành công rực rỡ.

Từ trái: Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Hoài Trung, Hoài Bắc
Sau khi tập nhạc “Mộng Dưới Hoa” ra mắt, Hoài Bắc Phạm Ðình Chương còn nhiều dự tính trình diễn những buổi thật chọn lọc tại vùng Thung Lũng Hoa Vàng và tại vùng Quận Cam, với những nghệ sĩ ông yêu thích nhất như Anh Ngọc, Lệ Thu, và ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng với Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao. Nghĩa là tiếp theo buổi trình diễn mang tên”Mộng Dưới Hoa” nói trên, đáng lẽ chúng ta sẽ dược gặp lại Hoài Bắc tại San Jose ngày 28 tháng 7, và tại miền Nam Cali vào giữa tháng Tám…
Chúng tôi đang chuẩn bị các buổi hát này với tinh thần rất chu đáo – một đặc tính của Phạm Ðình Chương trong việc trình diễn – thì cùng với những bài hát và hòa âm trao đổi với nhau, tôi nhận được những bức hình cũ của mình. Những bức hình chụp đã lâu trong những buổi trình diễn thật xa xưa, ông lục lọi trong nhà và gửi cho với nét chữ rắn rỏi mà bay lượn: ”Gửi cháu Quỳnh Giao”.
Ngay tiếp đó là tin ông bị bệnh gan, do bạn hữu kín đáo báo cho nhau biết. Hơn tháng sau là tin ông mổ. Rồi tin ông ra đi. Quỳnh Giao đoán là ông biết trước mệnh mình, chu đáo gửi tặng từng người thân những kỷ niệm xưa, và ứa nước mắt mỗi khi hồi tưởng lại.
*
Sau khi ông mất, cuộn băng hình ”Mộng Dưới Hoa” được hỏi mua khắp nơi mà hình như đã bán sạch. Cuộn băng trở thành một kỷ niệm đẹp ông để lại cho chúng ta. Xem và nghe cuộn băng, người yêu nhạc thấy rõ Hoài Bắc Phạm Ðình Chương vẫn còn nguyên phong độ và nghệ thuật, nên càng bàng hoàng tiếc thương khi nghe tin ông tạ thế vì bạo bệnh.
*
Hoài Bắc Phạm Ðình Chương mất đi, hẳn là các tác phẩm của ông sẽ còn được nâng niu mãi mãi sau này. Những người yêu nhạc Phạm Ðình Chương không bao giờ quên được những thanh âm tình tứ, ngọt ngào và thật gần gũi của ông. Nhạc của ông ở trong trái tim, ở trên đầu lưỡi của họ. Nhạc của ông nhắc nhở họ đến cánh đồng, ruộng lúa, cây đa, con sông, ngọn núi, quê cha, đất mẹ, mùa Xuân, ngày Tết, hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, chia ly, đêm trăng, thành phố…
Bạn hữu của ông, rất đông, thấy rõ một thời đã qua. Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội, Sàigòn, Ðêm Mầu Hồng, Pasadena, quận Cam… cùng với Hoài Bắc, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Ðiều các bạn ông quí nhất ở ông, ngoài những tác phẩm lớn cho nghệ thuật tân nhạc nước ta, là tính nhũn nhặn, thân ái. Ông giao thiệp nhiều, có bạn trong đủ mọi giới mọi ngành, mà không mất lòng một ai. Ông là điểm tụ cho nhiều sinh hoạt và nhiều kỷ niệm của giới tân nhạc trong suốt mấy chục năm qua.
Ông mất đi, ngôi nhà cũ như tắt đèn đóng cửa,và bạn hữu ông thấy trống vắng quạnh hiu…
*
Chú Chương, chú đã đi. Chú đã trở về với cát bụi. Từ cõi thiên đường, chú hãy nhìn xuống đây. Nhìn xuống những người yêu mến chú vẫn còn ngước lên vòm trời trống vắng có vì sao vừa tắt. Những người ở lại còn được một niềm an ủi: nghe và hát nhạc Phạm Ðình Chương, chú có biết không?
Quỳnh Giao
(1991)
Nguồn: FB Nguyễn Xuân Nghĩa
Ca sĩ Khánh Ngọc và chuyện tình vụng trộm, trái luân thường đạo lý gây chấn động
Mỹ nhân sở hữu vẻ đẹp bốc lửa
Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Nam, sinh năm 1936 tại Hà Nội, là người lai gốc Hoa, với mẹ là người Việt.
Thuở nhỏ, Khánh Ngọc theo học trường người Hoa, đến trung học thì chuyển qua học trường Pháp và sớm được tiếp cận văn hóa Tây phương.
Năm 1951, Khánh theo gia đình vào miền Nam và được học nhạc với nhiều nhạc sĩ đình đám lúc bấy giờ.
Nhờ đó, Khánh Ngọc có cơ hội đi hát từ rất sớm. Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát ở đài phát thanh với nghệ danh Khánh Ngọc, rồi đi khắp ba miền biểu diễn.
Năm 1952, Khánh Ngọc tham gia ban Gió Nam – ca đoàn gồm chị em Thái Thanh, Thái Hằng, nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc và Phạm Duy. Sau này, ban Gió Nam đổi thành ban hợp ca Thăng Long.
Dù có sự hiện diện của Thái Thanh nhưng nhờ nhan sắc lộng lẫy, Khánh Ngọc sớm vươn lên làm giọng ca chính của ban Thăng Long, bắt đầu đi thu đĩa và chụp hình quảng cáo. Ở thời đỉnh cao, Khánh Ngọc là một tên tuổi lớn, thường xuyên được báo giới và dư luận săn đón.
Tại các đại nhạc hội và vũ trường, Khánh Ngọc là giọng ca được ưa chuộng nhất trong ban nhạc. Tên tuổi và sức hút của bà đã đưa ban nhạc lên đứng đầu thị trường âm nhạc miền Nam trong thập niên 1950.
Khánh Ngọc và ban Thăng Long được ví là cơn gió lạ thổi vào tân nhạc Sài Gòn bởi lối biểu diễn hoàn toàn mới và cực kì điêu luyện vào thời điểm đó.
Không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, Khánh Ngọc còn được chú ý ở cả mặt diễn xuất và là một trong những minh tinh điện ảnh được yêu thích thời bấy giờ. Năm 1955, một đoàn làm phim Philipines sang Việt Nam để thực hiện một dự án phim.
Vị đạo diễn người nước ngoài khi ấy có cơ hội xem Khánh Ngọc diễn nhạc cảnh. Ngay lập tức, Khánh Ngọc đã lọt vào mắt xanh của vị đạo diễn khó tính nhờ sắc đẹp lôi cuốn cùng lối diễn xuất tự nhiên.
Không chần chừ, đạo diễn nước ngoài đã giao cho Khánh Ngọc vai nữ chính. Thái Hằng, Thái Thanh và Phạm Duy cũng góp mặt. Vai diễn này bất ngờ đem lại cho bà giải thưởng tại Đại hội điện ảnh Manila vào năm 1956.
Sau đó, Khánh Ngọc tiếp tục tham gia một số phim điện ảnh và diễn chung với cả tài tử Lê Quỳnh (chồng danh ca Thái Thanh).
Khánh Ngọc là một trong những ca sĩ hiếm hoi nổi tiếng nhờ cả giọng hát lẫn nhan sắc. Bà sở hữu thân hình bốc lửa, sexy cùng lối ăn mặc táo bạo thời bấy giờ. Gương mặt Khánh Ngọc đẹp kiều diễm, kiêu sa cùng nụ cười tỏa nắng, ánh mắt hút hồn, khiến bao người đàn ông phải si mê.
Đương thời, Khánh Ngọc được mệnh danh là “ca sĩ ngọn núi lửa” (volcano mountains) vì vẻ đẹp quá phồn thực.
Mối tình vụng trộm với anh rể
Sau một thời gian hoạt động cùng ban Thăng Long, Khánh Ngọc nên duyên và kết hôn với nhạc sĩ Phạm Đình Chương (em trai của ca sĩ Thái Hằng, tức em vợ nhạc sĩ Phạm Duy, đồng thời cũng là anh trai danh ca Thái Thanh). Cả hai có với nhau một con trai.
Trong gia đình, Khánh Ngọc phải gọi Phạm Duy là anh rể. Vì Khánh Ngọc quá đẹp và Phạm Duy lại quá phóng khoáng nên cả hai đã tự tìm đến với nhau chỉ một thời gian không lâu sau khi Khánh Ngọc sinh con trai.
Phạm Duy dù biết Khánh Ngọc là em dâu của vợ mình nhưng không thể kìm lòng trước vẻ đẹp mê hoặc. Ngược lại, Khánh Ngọc dù biết Phạm Duy là anh rể của chồng nhưng cũng khó cưỡng lại sự tài hoa trong âm nhạc. Vì vậy, cả hai đã nảy sinh mối tình vụng trộm.
Trước đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có nghe phong phanh một số đồn thổi về mối quan hệ bất chính giữa Khánh Ngọc và Phạm Duy nhưng vì lòng yêu thương hết mực cho gia đình, vợ con nên ông bỏ ngoài tai mọi tin đồn.
Nhưng sóng gió bất ngờ ập đến khi chị ông là Thái Hằng đã bắt tại trận cuộc hẹn hò giữa Khánh Ngọc và Phạm Duy chồng bà tại quán chè ở Nhà Bè – Gia Định.
Cuộc bắt ghen này bỗng chốc nổi đình đám, gây xôn xao dư luận, khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Từ khóa “ăn chè Nhà Bè” trở thành “hashtag” hot nhất trong công chúng lúc bấy giờ, khiến ai cũng truyền tai nhau. Nhiều người còn dè bỉu vì cho đó là mối tình loạn luân, không thể chấp nhận.
Về phía mình, nhạc sĩ Phạm Đình Chương bỗng rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Ông bị hàng trăm tin đồn bủa vây dù không liên quan. Mỗi bài báo như một nhát dao cứa vào tim vị nhạc sĩ si tình.
Ngay sau đó, Phạm Đình Chương viết đơn ly hôn và giành được quyền nuôi con trai. Sau biến cố này, Phạm Đình Chương đau khổ tột cùng, không còn toàn tâm toàn trí đi biểu diễn.
Ông quay về sống đơn độc và không giao thiệp với bên ngoài. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông tập trung cho sáng tác và cho ra đời những bản tình ca bất hủ để nói về cuộc tình đau thương, đầy nước mắt như: Đêm cuối cùng, Người đi qua đời tôi, Khi cuộc tình đã chết, Thuở ban đầu, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển…
Vào một đêm mưa gió, Phạm Đình Chương bất ngờ gặp lại Khánh Ngọc tại một buổi diễn ca nhạc. Vì chung tình nên Phạm Đình Chương xuống nước trước và có ý mời vợ cũ về nhà nhưng Khánh Ngọc từ chối thẳng thừng và đi mất.
Vì quá đau khổ nên ngay trong đêm đó, Phạm Đình Chương đã sáng tác ca khúc Nửa hồn thương đau, sau này trở thành bất hủ qua tiếng hát Thái Thanh.
Khánh Ngọc sau đó không còn gặp lại Phạm Đình Chương. Bà sang Mỹ học điện ảnh và trau dồi thêm thanh nhạc tại trường Pasadena Playhouse College. Trong thời gian ấy, tên tuổi của bà vẫn liên tục được báo chí nhắc đến.
Sau này, Khánh Ngọc ít xuất hiện trước công chúng. Bà lập gia đình mới rồi mở quán ăn tại Mỹ, từ bỏ con đường nghệ thuật.
Khánh Ngọc qua đời vào tháng 5 năm 2021 tại Mỹ, hưởng thọ 85 tuổi.
Theo Pháp luật và Bạn đọc