„chiến tranh đã kết thúc 50 năm. Thế giới đã thay đổi quá nhiều, đến mức một người bình thường cũng có thể tự đánh giá được cuộc “giải phóng” ấy rốt cuộc đã mang lại điều gì? Nó có thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước không?
Thực chất, cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” là để đưa Việt Nam vào con đường xã hội chủ nghĩa – bước đệm của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng thực tế Việt Nam hôm nay và thực tế toàn cầu đã chứng minh cuộc chiến ấy hoàn toàn vô nghĩa.“
Hoàng Quốc Dũng
Xã hội loài người vốn phát triển theo lẽ tự nhiên, không theo một học thuyết nào cả, theo chiều hướng ngày càng tiến bộ: Từ cộng sản nguyên thủy → chiếm hữu nô lệ → phong kiến → tư bản chủ nghĩa → ???
Bất công cũng là một hiện tượng tự nhiên. Nó có thể do thiên nhiên tạo ra, hoặc do chính con người gây nên. Ngay từ khi sinh ra, đã có người thông minh, người đần độn, người khỏe mạnh, người yếu đuối, người lành lặn và người tàn tật… Đó là những bất công do tạo hóa.
Sang thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn đầu phát triển mạnh, thời kỳ tích lũy tư bản đã làm gia tăng sự bất công, nhất là khoảng cách giàu – nghèo. Trong bối cảnh ấy, chủ nghĩa cộng sản ra đời, và về mặt lý thuyết, nó có khả năng giải quyết triệt để những bất công ấy. Đó là lý do vì sao học thuyết này đã thu hút được hàng tỉ người trên thế giới.
Dựa trên học thuyết đó, một số lãnh tụ vô sản đã làm cách mạng, giành chính quyền, đưa đất nước mình theo một con đường hoàn toàn khác. Thực chất cuộc cách mạng ấy là việc tước đoạt tài sản của người giàu, đưa giai cấp vô sản – khi đó phần lớn là những người ít học – lên nắm quyền. Từ đây, một phần của nhân loại không đi theo con đường tự nhiên cũ nữa mà theo một học thuyết-Marx Lenin.
Và tất nhiên, nếu học thuyết đó đúng thì xã hội sẽ phát triển tốt; nếu sai thì sẽ dẫn đến thất bại. Phải nói một cách công bằng rằng chủ nghĩa cộng sản cũng đã đóng góp không nhỏ vào sự tiến bộ của loài người. Từ khi thế giới chia thành hai phe, cả hai bên đều phải cạnh tranh để tồn tại. Phe tư bản dần dần giảm bóc lột, còn phe cộng sản thì càng ngày càng mở rộng tự do. Trải qua hàng trăm năm, chủ nghĩa tư bản mới có bộ mặt như hôm nay, còn sự nới rộng tự do ở phe cộng sản lại chính là một trong những yếu tố làm nó sụp đổ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, nhưng nguyên nhân then chốt lại chính là điều được nêu trong học thuyết Marx – Lenin. Lenin từng nói: “Mọi lý thuyết phải qua thực tiễn kiểm nghiệm. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm khách quan nhất.”
Sau hơn một thế kỷ, thực tiễn đã chứng minh rõ ràng: Chủ nghĩa cộng sản là một học thuyết sai lầm. Lenin cũng nói rằng trong cuộc cạnh tranh giữa hai phe, năng suất lao động là yếu tố quyết định. Bên nào có năng suất cao hơn thì bên đó sẽ thắng.
Hiện nay, nước từng nghĩ ra chủ nghĩa cộng sản (Đức), và các nước từng tiên phong áp dụng như Nga, Đông Âu, đều đã từ bỏ nó. Có nước còn ghi vào hiến pháp cấm đảng cộng sản hoạt động, như Ba Lan. Chủ nghĩa cộng sản đã đẩy một phần nhân loại đi theo con đường tưởng như nhân đạo hơn, văn minh hơn, nhưng thực tế lại tạo ra môi trường cho những điều xấu xa trong con người trỗi dậy, làm cho các quốc gia đó suy thoái. Cuối cùng, lãnh đạo và nhân dân các nước này buộc phải làm một cuộc cách mạng mới – thậm chí đổ máu – để quay về con đường phát triển tự nhiên: chủ nghĩa tư bản.
Như vậy, Marx đã vô tình gây ra hai cuộc “đổ máu” lớn và làm mất của các nước đi theo học thuyết ông gần một thế kỷ. Nếu nước Nga không theo cộng sản, nhiều khả năng Nga đã không tụt hậu so với Mỹ.
Thông thường, một chế độ chính trị không chết ngay lập tức mà sẽ kéo dài, đặc biệt ở các nước lạc hậu.
Chế độ chiếm hữu nô lệ từng bị xóa bỏ từ Tây Âu trước, rồi lan sang Đông Âu. Ví dụ: Bồ Đào Nha (1761), Nga (1861), Mỹ (1865), cuối cùng là Mauritanie (1980). Tương tự, chủ nghĩa cộng sản (dù chỉ còn về hình thức) vẫn tồn tại ở các quốc gia như Trung cộng, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba. Nhưng chắc chắn, sớm muộn gì nó cũng sẽ biến mất, vì không thể cưỡng lại được làn sóng tiến bộ tư tưởng của nhân loại.
Tôi nhắc lại như vậy để cùng suy nghĩ xem: Người Việt Nam chúng ta hôm nay nên đối xử với nhau như thế nào?
Do vận mệnh, hoặc do lãnh đạo của cả hai miền Nam Bắc không khéo léo, đất nước ta trở thành chiến trường của cuộc đối đầu toàn cầu. Chúng ta đã cầm súng do ngoại bang cung cấp để giết lẫn nhau hơn 20 năm. Tổn thất nhân mạng, vật chất, tinh thần là không thể đo đếm. Khi chiến tranh kết thúc, bên thắng bỏ tù, hạ nhục bên thua. Có thể hiểu được điều đó lúc ấy, vì đó là hệ quả thường tình của chiến tranh.
Nhưng chiến tranh đã kết thúc 50 năm. Thế giới đã thay đổi quá nhiều, đến mức một người bình thường cũng có thể tự đánh giá được cuộc “giải phóng” ấy rốt cuộc đã mang lại điều gì? Nó có thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước không?
Thực chất, cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” là để đưa Việt Nam vào con đường xã hội chủ nghĩa – bước đệm của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng như đã phân tích ở trên, thực tế Việt Nam hôm nay và thực tế toàn cầu đã chứng minh cuộc chiến ấy hoàn toàn vô nghĩa. Nó đẩy đất nước vào con đường ngược chiều, và rồi lại phải quay lại chỗ cũ để phát triển – phát triển chủ nghĩa tư bản, mà còn là tư bản hoang dã.
Vậy, bên thắng trận đã “thắng” để làm một việc vô nghĩa – thắng để mất thời gian, thắng để đảo lộn tất cả. Vậy thì lấy tư cách gì để vẫn giảng giải về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và mạt sát bên thua trận là “ngụy”?
Nếu Miền Nam là ngụy thì Miền Bắc là gì??? Cũng là ngụy (Đừng quên chữ “nếu” trong câu này).
Đã đến lúc nên quên đi quá khứ, coi đó là một sai lầm chung của cả dân tộc. Năm 1990, tôi sang Paris, tình cờ chứng kiến một vài cuộc biểu tình của người Việt tị nạn trước sứ quán Việt Nam, vẫn hô hào “trở về với chính nghĩa quốc gia”. Tôi thực sự choáng vì sự ấu trĩ và lạc hậu đó.
Cũng như vậy, hiện nay ở Việt Nam và trên mạng, nhiều bài viết ca ngợi “tính chính nghĩa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa” – điều đó cũng ấu trĩ và nhảm nhí chẳng kém.
Miền Bắc cho rằng mình chính nghĩa vì đánh đuổi quân xâm lược. Nhưng đánh thằng này để mở đường cho thằng khác vào thì đánh làm gì? Miền Bắc cũng cho rằng mình chính nghĩa vì đấu tranh giành độc lập. Độc lập nào? Xin lỗi, các ông đâu có đánh Mỹ bằng gậy tầm vông hay chông tre. Các ông đánh bằng vũ khí và ý thức hệ của ngoại bang và cũng để phục vụ ngoại bang.
Vậy xin hãy chấm dứt tự hào về một chiến thắng vô nghĩa!
Câu hỏi đặt ra: Tư duy như trên có phải là vô ơn với những người đã hy sinh không?
Tôi vô cùng khâm phục tất cả các chiến sĩ đã chiến đấu trong cuộc chiến này – dù ở bên nào. Đặc biệt, tôi thương tiếc những người đã ngã xuống – trong đó có anh ruột của tôi. Nhiều đêm, tôi mơ thấy anh trở về. Lần nào tỉnh dậy tôi cũng khóc. Ngay lúc này, viết đến đây tôi vẫn khóc.
Không, tôi không vô ơn với anh tôi cũng như hàng triệu người khác. Tư duy của tôi là tư duy của một người trí thức – vượt trên mọi tuyên truyền, mọi học thuyết tưởng là cứu tinh, nhưng thực ra chỉ mang đến khổ đau cho nhân loại.
Tư duy đó là logic, khoa học, thực tế – không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì.
Nếu bạn đã từng tham gia “cách mạng”, hay gia đình bạn đã là gia đình cách mạng mà bạn nghĩ giống tôi, bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản khi bạn có thể làm được một cái gì đó để tạo nên một sự thay đổi có ý nghĩa, thực sự làm thay đổi đất nước hôm nay. Điều đó hoàn toàn không phải một sự vô ơn với thế hệ cha anh.
Chế độ chiếm hữu nô lệ không bị xóa bỏ bằng cách mạng. Nó chỉ biến mất khi có những nhà lãnh đạo dũng cảm tuyên bố chấm dứt nó, vì sự tiến bộ của nhân loại. Những người đó không vô ơn hay phản bội tổ tiên mình – họ chỉ là những người mở đường mà thôi.
Ngày nay, ngày 30/04 vừa là một ngày vui vì chiến tranh kết thúc, vừa là một ngày đau khổ của dân tộc. Kẻ “thắng trận” có lý trí nhận thấy mình đã làm một việc vô ích. Nhiều người trong số họ còn bị cướp đất cướp nhà… Kẻ thua trận thì mất tất cả trong một ngày. Sau đó hàng trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển cả làm mồi cho cá và hải tặc.
Nên chấm dứt dùng lịch sử để duy trì sự chia rẽ. Không thể lấy quá khứ làm bình phong cho sự trì trệ của hiện tại. Mỗi màn duyệt binh rầm rộ, mỗi tiếng trống khua chiêng rền vang, nếu không đi kèm với sự thật, với hòa giải, và với lòng nhân từ, thì chỉ là tiếng vọng của một quá khứ chưa được hóa giải.
Đã đến lúc dừng lại. Dừng lại để lắng nghe tiếng nói của những người đã khuất – không chỉ người chiến thắng, mà cả những người thua trận, những thường dân, những người vô tội. Đã đến lúc phải can đảm bước ra khỏi bóng tối của tự huyễn, để xây dựng một tương lai nơi ký ức không còn là vũ khí, mà trở thành điểm tựa cho đoàn kết và tái sinh.
Nếu không thể làm được điều đó, thì dù có bao nhiêu cuộc duyệt binh hoành tráng đi nữa, chúng ta vẫn chỉ đang diễn lại một bi kịch – trong tiếng quân nhạc vang lên từ tro tàn của lòng người.
Tại sao cứ 30/04 thì hộc lên mà 17/02, 14/03 thì im như thóc.
Những cuộc duyệt binh hoành tráng, khẩu hiệu đao to búa lớn, cờ quạt rực rỡ liệu có thể xoa dịu nỗi đau của hàng triệu con người? Liệu có thể hàn gắn vết rạn nứt trong lòng dân tộc? Liệu có thể làm dịu đi căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang ngày càng gay gắt hôm nay?
Không. Hoàn toàn không.
Duyệt binh không thay thế được trách nhiệm lịch sử. Mới rục rịch chuẩn bị duyệt binh mà đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phía Hoa Kỳ – một phản ứng mạnh mẽ khiến Việt Nam cũng phải dè chừng (tháo pa nô hoành tráng). Chưa kịp duyệt binh mà đã như thể thua trận. Vậy thì duyệt để làm gì? Duyệt cho ai?
Trong một thế giới ngày càng phức tạp và đầy thách thức, sự trưởng thành của một quốc gia không nằm ở những màn duyệt binh ồn ào hay những tuyên ngôn hào nhoáng. Mà nằm ở khả năng đối diện với quá khứ một cách trung thực, đối thoại với hiện tại một cách có trách nhiệm, và chuẩn bị cho tương lai bằng sự minh triết.
HOÀNG QUỐC DŨNG (24.04.2025)