Seite auswählen

„Người hải ngoại chỉ thành công thật sự khi trở thành nguồn nước đổ vào dòng sông dân chủ trong nước, chuyên chở phù sa làm phù trú quê hương.“

 

Quang Nguyên

Sau gần nửa thế kỷ kể từ biến cố 30 tháng Tư 1975, người Việt hải ngoại đã có mặt khắp năm châu. Họ thành công trong nhiều lĩnh vực – từ khoa học, kinh tế đến chính trị, văn hóa. Từ một cộng đồng tị nạn ban đầu chỉ lo tìm cách sinh tồn, người Việt hải ngoại đã dần khẳng định được vị thế vững chắc trong xã hội sở tại.

 

Thành công ấy là điều đáng tự hào. Nhưng một câu hỏi âm thầm vẫn vang lên trong lòng nhiều người: sự thành đạt đó đã trọn vẹn chưa, nếu quê hương vẫn còn trong vòng kềm tỏa của chế độ kiểm duyệt, độc đoán và bất công?

 

Thành công không chỉ là chuyện cá nhân.

Nhiều người Việt ra đi sau 1975 không phải vì mưu sinh mà vì sự đổ vỡ của một chế độ và khát vọng tự do. Thành công của họ ở nước ngoài, vì vậy, không chỉ là sự vươn lên về vật chất hay địa vị – mà còn mang theo một gánh nặng vô hình: trách nhiệm với những người còn ở lại, và với một đất nước chưa thể cất lời một cách tự do.

 

Không phải ai cũng chọn con đường trở thành tiếng nói đấu tranh. Nhưng vẫn có nhiều người, trong âm thầm hoặc công khai, đã dùng thành quả của mình để trở thành dòng nước tưới lại mảnh đất quê hương.

 

Những cá nhân tiêu biểu

Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, không thiếu những trường hợp đã vượt lên để không chỉ thành công mà còn truyền lửa trở về VN. Từ ông Lê Minh Nguyên, một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, nay là nhà hoạt động dân chủ tại Mỹ, đến Nghệ sị Nam Lộc, Trịnh Hội, luật sư và người sáng lập tổ chức VOICE đã giúp nhiều người tị nạn Việt còn kẹt lại ở Thái Lan. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng với tổ chức BPSOS đấu tranh không mệt mỏi cho nhân quyền đồng thời vận động mạnh mẽ các diễn đàn quốc tế lên tiếng về tự do tôn giáo tại Việt Nam, huấn luyện hàng trăm nhóm gồm nhiều người dân tộc kinh, dân tộc thiểu số, dân tộc bản địa về hoạt động đấu tranh cho dân chủ, viết báo cáo vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền đến Liên Hiệp Quốc, và mới đây nhất là Luật sư Derek Trần trở thành Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ, hay như bà Vũ Thị Minh Khánh, vợ của Luật sư Nguyễn Văn Đài, đã không im lặng khi chồng bị bắt. Từ Đức, bà trở thành người phát ngôn kiên cường cho tự do tôn giáo và dân chủ tại Việt Nam – xuất hiện bên lề nhiều hội nghị quốc tế, từ Quốc hội Đức đến các tổ chức nhân quyền toàn cầu.

 

Những người như thế chưa đông đảo, nhưng họ là những dòng nước ngầm âm thầm nuôi dưỡng hy vọng và thức tỉnh nhận thức. Họ cho thấy: thành công thực sự không dừng lại ở việc “thoát được”, mà là có thể quay lại – bằng tiếng nói, hành động và lòng nhân ái.

 

Khi kết nối là một hành vi chính trị và nhân văn.

Trong thời đại số, người Việt trong và ngoài nước không còn cách biệt như trước. Một bản tin, một đoạn video, một podcast có thể vượt biên giới chỉ trong vài giây. Sự kết nối này – nếu biết gìn giữ – chính là nền tảng cho một tương lai Việt Nam không còn chia rẽ và nghi kỵ.

Nó cũng là một hình thức hành động chính trị tuy âm thầm, nhưng lâu dài và có sức lan tỏa. Không kèn trống, không xuống đường, nhưng mỗi chia sẻ thông tin trung thực, mỗi lời động viên, mỗi sự hỗ trợ âm thầm cho những tiếng nói độc lập trong nước đều là hành vi xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới, nơi đối thoại và lòng tin có thể nảy nở.

 

Mỗi người một vai, cùng một trách nhiệm.

Người Việt trong nước có thể bị giới hạn bởi môi trường chính trị, nhưng không vì thế mà họ ngồi yên. Họ hành động trong khả năng của mình. Là giáo viên, họ dạy học trò, sinh viên tư duy độc lập. Là blogger họ ẩn danh chia sẻ bài viết sự thật về xã hội hay tổ chức nhóm thảo luận nhỏ…

 

Người Việt hải ngoại, nhờ điều kiện an toàn hơn, có thể là người giữ lửa và tiếp lửa qua viết lách, làm truyền thông, tài trợ dự án xã hội, bảo vệ người bị đàn áp hoặc chỉ đơn giản là đứng về phía sự thật.

Không ai là thừa trong vai trò đấu tranh cho dân tộc. Và không có sự trở về nào ý nghĩa hơn sự trở về bằng trái tim và hành động.

 

Một dòng sông không thể lớn nếu thiếu nước nguồn. Nhưng nguồn sẽ cạn nếu không tìm đường đến với dòng sông. Người hải ngoại chỉ thành công thật sự khi trở thành nguồn nước đổ vào dòng sông dân chủ trong nước, chuyên chở phù sa làm phù trú quê hương.

 

Người Việt hải ngoại đã thành công. Thành công ấy sẽ rực rỡ và sâu sắc hơn nhiều lần, nếu nó hòa vào dòng chảy dân chủ, nhân quyền và phẩm giá của chính dân tộc mình.

 

 

Quang Nguyên

VNTB (05.05.2025)