Seite auswählen

„Người ta không hồi hương vì Việt Nam trở nên dân chủ hơn hay công bằng hơn, mà vì họ đã mang được theo cả cái “phao sinh tồn” từ phương Tây về.

Những ai ca ngợi tự do ở Việt Nam ngày nay, nếu thử sống như một người lao động nghèo không “ô dù”, không tiền, và có chính kiến sẽ hiểu ngay sự thật.“

 

 Hạo Nhiên

Mỗi dịp 30 tháng Tư, một số ý kiến lại vang lên: “Việt Nam giờ khác rồi. Nhiều Việt kiều hồi hương sống thoải mái, chứng tỏ đất nước đã phát triển, tự do, không còn như xưa.” Đằng sau phát biểu tưởng như lạc quan này là một chuỗi ngộ nhận về con người, về xã hội, chính quyền và cả về tự do.

 

Ngày 30/4/1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá phải trả cho sự thống nhất là rất lớn, nhất là đối với những người ở miền Nam:

 

Hàng trăm ngàn người bị đưa vào trại cải tạo. Xóa bỏ công thương nghiệp tư sản, tư doanh, đánh tư sản, đổi tiền… khiến nhiều người mất trắng. Hàng triệu người vượt biên bằng thuyền, nhiều người chết trên biển, người may mắn định cư được ở nước ngoài.

Sau ngày 30/4, thay vì một xã hội dân chủ, tự do và hòa hợp, cộng sản Việt Nam đẩy miền Nam vào một giai đoạn đầy biến động.

Hàng trăm ngàn người bị tù cải tạo không xét xử, không ít người bị giết trong tù. Cải tạo kinh tế đánh vào tầng lớp trung lưu, tư bản, phá vỡ hệ thống sản xuất và thương mại vốn đang vận hành. Quyền con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tín ngưỡng… bị xóa bỏ hoặc kiểm soát chặt. Xã hội bị đảng CS hoàn toàn kiểm soát, con người bị giám sát, bị tù lỏng. Đạo đức xã hội bị phá vỡ, lòng tin giữa người với người bị hủy bỏ. Những điều này dân miền Bắc ngoài vĩ tuyền 17 đã chịu từ năm 1954.

 

Từ Đổi Mới 1986, Việt Nam bắt đầu tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn nằm trong nhóm các nước có GDP bình quân đầu người thấp so với khu vực (thua Thái Lan, Malaysia, Singapore, v.v.). Phụ thuộc vào xuất khẩu lao động, FDI, và kiều hối từ… chính “bọn ôm chân đế quốc” bị “đuổi đi” trước đó. Hệ thống giáo dục, y tế công rất yếu, đạo đức công chức sa sút, tham nhũng tràn lan. Mất mát lớn nhất cho người miền Nam nói riêng và toàn dân VN là phẩm giá và quyền con người. Người dân không được chọn người đại diện, không được phản biện chính sách, không được tự do tổ chức hội nhóm, tôn giáo hay biểu tình. Sự thờ ơ, sợ hãi, và tự kiểm duyệt dần trở thành “bình thường” trong xã hội.

 

Ngày 30/4/1975 không chỉ là một biến cố lịch sử, mà là một bước ngoặt mang tính tái cấu trúc đạo đức, ý thức và quan hệ quyền lực trong xã hội Việt Nam.

Triết gia Isaiah Berlin phân biệt giữa “tự do tích cực” và “tự do tiêu cực”:

Tự do tiêu cực là không bị can thiệp (freedom from interference) — tức là được sống không bị áp chế bởi nhà nước.

Tự do tích cực là khả năng làm chủ bản thân và cộng đồng mình sống.

Dưới chế độ mới sau 1975, người dân bị tước cả hai loại tự do. Không được quyền nói “không” với chính quyền (tiêu cực). Không có công cụ thể chế để tự quản lý đời sống tập thể (tích cực). Từng cá nhân không được làm chủ tiếng nói, thân thể và niềm tin của chính mình.

Đóng lại chiến tranh — nhưng mở ra một hình thái thống trị mới, khốc liệt sâu sắc và triệt để hơn, nhân dân bị thao túng không chỉ bởi sức mạnh của đảng CS mà còn bởi sự sợ hãi đảng nhồi trong đầu óc họ, bị tước đi cả ý thức lẫn phẩm giá.

Cái gọi là “giải phóng” thực chất là thay thế một hệ thống quyền lực tượng đối tự do, dân chủ với nền giáo dục khai phóng bằng một hệ thống quyền lực hà khắc của cộng sản và tước đoạt tất cả quyền sống của người dân.

James C. Scott nói đến khái niệm “sự im lặng bắt buộc”: dưới các chế độ độc đoán, dân chúng chỉ “nói thầm” trong không gian riêng tư, còn ngoài công cộng thì cúi đầu.

Xã hội Việt Nam từ xã hội tương đối dân chủ, tự do (miền Nam trước đó có báo chí, hội đoàn, trí thức tự do…) bị đẩy vào xã hội phục tùng toàn trị, nơi sự sợ hãi và nghi kỵ lẫn nhau lan rộng như một phần của “cấu trúc kiểm soát”.

Con cháu Âu Cơ trở thành một cộng đồng bị chia cắt bản sắc, nơi bên ở lại phải gồng mình chịu đựng, bị nhấn chìm trong một xã hội không cho phép khác biệt và kháng cự. Bên kia trừng mắt nhìn về quá khứ, mang nỗi đau không thuộc về, không thuộc về đất nước họ sống, không thuộc về người dân địa phương đang đùm bọc họ.

 

Nhận định Việt Nam bây giờ tốt hơn nơi họ đã bám vào để sống còn, Mỹ chẳng hạn, khiến vài người đã “hồi hương là một cách đánh giá sai bản chất và bối cảnh xã hội, nếu không muốn nói là ngây thơ hoặc đánh tráo khái niệm.

Hầu hết người Việt hải ngoại hồi hương hiện nay đã lớn tuổi, đã về hưu hoặc gần cuối đời. Và chắc chắn họ đang ôm quốc tịch nước ngoài, lương hưu ổn định, bảo hiểm y tế từ Mỹ, Úc, Canada…Họ rủng rỉnh túi tiền đủ về VN mua nhà đầy đủ tiện nghi để hưởng thụ, có tài sản trong nước từ trước hoặc sau khi được chính sách nới lỏng và thường chọn những thành phố lớn, dịch vụ tốt như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang…

Họ không sống nhờ Việt Nam, mà sống trên Việt Nam. Họ không phải cạnh tranh việc làm, không phụ thuộc vào hệ thống giáo dục hay y tế công cộng vốn còn nhiều bất cập.

Chưa thấy người đang lao động có thu nhập trung bình hoặc thấp ở nước ngoài trở về VN, việc hồi hương để sống và làm việc là lựa chọn mạo hiểm. Những người này hiểu rằng không có lương hưu hay tài sản dư dả, họ sẽ phụ thuộc vào một xã hội không có hệ thống an sinh vững chắc, lạm phát cao, dịch vụ y tế, giáo dục đắt đỏ nếu không “biết chạy”. Và hơn thế họ tự đánh mất quyền con người mà họ hưởng được của quốc gia họ từng sống.

Những người hồi hương đã thấy họ giàu hơn mặt bằng trong nước, nên, có tiền, họ tận hưởng được các dịch vụ mà người dân bản địa không với tới. Họ nhận sự “thoải mái” đặc quyền của giai cấp có tiền, tư bản đỏ. Họ thường sống trong các “bubble” (bong bóng): biệt thự, căn hộ cao cấp, cafe Tây, bệnh viện tư, vũ trường sang trọng với tiền tích cóp từ khi sống ở nước ngoài…

 

Đây là “chủ nghĩa lãng mạn hồi hương”, giống như cách người Pháp từng lãng mạn hóa các thuộc địa nhiệt đới: đẹp, rẻ, dễ sống, miễn là đừng là dân bản địa.

Người ta không hồi hương vì Việt Nam trở nên dân chủ hơn hay công bằng hơn, mà vì họ đã mang được theo cả cái “phao sinh tồn” từ phương Tây về.

Những ai ca ngợi tự do ở Việt Nam ngày nay, nếu thử sống như một người lao động nghèo không “ô dù”, không tiền, và có chính kiến sẽ hiểu ngay sự thật.

 

Những người trở về không phải để sống với xã hội VN mà là sống trên xã hội này. Đó là một hiện tượng xã hội rất đặc biệt khi một nhóm người có đủ nguồn lực từ bên ngoài để miễn nhiễm với những bất toàn của hệ thống trong nước, họ không sống bằng “luật chơi” của xã hội đó, mà như đang “bắc ghế riêng ngồi trong bàn tiệc phía trên”. Họ không cần đòi hỏi tự do, công lý hay cải cách vì họ có thể mua sự yên ổn. Nhưng phần còn lại của dân tộc thì không.

Đây chính là điểm phân biệt đặc quyền cá nhân với tiến bộ xã hội. Một quốc gia không thể gọi là phát triển, chỉ vì một số người giàu cảm thấy dễ sống.

Việc một số ít người hồi hương — phần lớn là giàu có, lớn tuổi và độc lập tài chính — không thể là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã đủ đầy hay tự do. Ngược lại, chính sự nhỏ bé và đặc quyền của nhóm này càng cho thấy bất bình đẳng đang bị che đậy bởi một ảo ảnh tạm bợ, một tầng lớp có tiền đang sống trong “phiên bản Việt Nam” mà phần lớn dân chúng không bao giờ được chạm tới.

Khi cái tốt chỉ đến với người có tiền, thì đó không phải là tiến bộ xã hội — mà là sự ngụy trang tinh vi của bất công.

 

Hạo Nhiên

 

VNTB (02.05.2025)