Mục lục
Tranh chấp Đá Hoài Ân – ‘điểm nóng mới’ ở Biển Đông

Nguồn hình ảnh,CCTV/NTF-WP/Bộ Ngoại giao,Việc Trung cộng và Phi Luật Tân cắm cờ trên Đá Hoài Ân vào tháng 4/4025 và Việt Nam lên tiếng phản đổi có thể tạo ra những động lực mới cho những con sóng xung đột tại Biển Đông
Những diễn biến gần đây giữa Việt Nam, Trung cộng và Phi Luật Tân đang đặt ra câu hỏi liệu một “điểm nóng mới” có sắp xuất hiện ở Biển Đông.
Mới đây, một tàu tuần tra của Hải quân Phi Luật Tân gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở Biển Đông đã chạm trán với các hành động “hung hăng và không an toàn” của hai tàu Hải quân Trung cộng vào đầu tuần này, quân đội Phi Luật Tân thông báo vào ngày 8/5.
“Hành vi đe dọa và khiêu khích như vậy có thể dẫn đến hiểu lầm, làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến ổn định khu vực”, Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân cho biết trong một tuyên bố.
Việc tàu Trung cộng và Phi Luật Tân đụng độ nhau như vậy ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông không phải hiếm.
Tuy nhiên, việc hai quốc gia này cắm cờ trên Đá Hoài Ân vào tháng Tư, hành động sau đó đã gặp phải sự phản đối của Việt Nam, có thể tạo ra những xung lực mới cho những con sóng xung đột tại Biển Đông.
Vài tuần sau sự kiện cắm cờ của Trung cộng, Mỹ tuyên bố cam kết đảm bảo an ninh cho các quốc gia đồng minh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đá Hoài Ân nằm tại cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực mà Việt Nam gọi là huyện đảo Trường Sa và tuyên bố chủ quyền. Đảo Thị Tứ là một trong những thực thể nổi tự nhiên (không kể các đảo được bồi đắp nhân tạo) có diện tích lớn nhất Trường Sa.
Phi Luật Tân kiểm soát Thị Tứ, nhưng một số bãi cạn trong cụm đảo này chưa có lực lượng thường trực của nước nào. Do đó, hành động “tuyên bố chủ quyền” có thể hiểu là Trung cộng có thể đang hướng tới việc thiết lập sự đồn trú thường xuyên tại đây.
Trước đây vào năm 2017, Phi Luật Tân từng có ý định xây dựng một khu trú ẩn cho ngư dân của mình trên một bãi cạn thuộc cụm Thị Tứ nhưng không thành do sự phản đối của Trung cộng.

Nguồn hình ảnh,CCTV/NTF-WP,Trung cộng và Phi Luật Tân đều cho cắm cờ trên Đá Hoài Ân lần lượt vào giữa và cuối tháng 4/2025
‘Điểm nóng mới’
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, một số nhà phân tích đánh giá việc Việt Nam lên tiếng phản đối sự kiện cắm cờ của Trung cộng và Phi Luật Tân ở Đá Hoài Ân có thể biến thực thể trở thành một “điểm nóng mới”.
Ông Lucio Blanco Pitlo III, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Asia-Pacific Pathways to Progress Foundation có trụ sở tại Manila, Phi Luật Tân, nhận định những tuyên bố chủ quyền mới đối với các thực thể tự nhiên ở vùng biển tranh chấp “chắc chắn sẽ trở thành các điểm nóng mới ở Biển Đông”.
“Việc phủ nhận sự chiếm đóng hoặc kiểm soát các thực thể đó của các [quốc gia] đối thủ đã trở thành một phản xạ tự nhiên, dẫn tới một vòng xoáy tranh chấp mới ở những vùng nguy hiểm. Hà Nội đã bày tỏ lập trường của mình để tránh gây ấn tượng là ngầm đồng ý với các tuyên bố hoặc hành động của các bên tranh chấp khác” ông Pitlo nêu.
Tương tự, ông Abdul Rahman Yaacob, nhà nghiên cứu tại Chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy, đánh giá rằng Đá Hoài Ân “có khả năng là một điểm nóng mới” nếu ba quốc gia, tức bao gồm cả Việt Nam, quyết định thiết lập sự hiện diện thường xuyên hơn bằng cách xây dựng các cơ sở hoặc triển khai quân đội ở đó.
“[Tuy nhiên, hiện tại] ít có khả năng nơi này trở thành một điểm nóng mới trong ngắn hạn và trung hạn,” ông nói, đồng thời cho biết có khả năng cả ba nước đều đang khẳng định chủ quyền của mình nhưng tránh thực hiện các bước có thể làm leo thang căng thẳng.
Ngoài ra, ông Pitlo cho rằng cả Trung cộng và Phi Luật Tân đều sẽ coi trọng hơn tầm quan trọng của Đá Hoài Ân, vốn nằm gần đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân kiểm soát và Đá Xu Bi do Trung cộng kiểm soát.
Gần đây, Việt Nam và Phi Luật Tân đã có những bước gia tăng quan hệ quân sự, như chuyến thăm của Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. đến Việt Nam vào tháng 1/2024, hoặc cuộc tập huấn chung vào ngày 9/8/2024 và chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới Phi Luật Tân vào tháng 8/2024.
Dù vậy, có những ý kiến nói rằng Trung cộng đã và đang áp dụng phương pháp “chia để trị” để xử lý những xung đột ở Biển Đông, với Phi Luật Tân và Việt Nam là hai đối tượng áp dụng khả thi.
Vào giữa tháng 12/2024, Cảnh sát biển Trung cộng và Cảnh sát biển Việt Nam đã có cuộc họp công tác cấp cao lần thứ tám tại Hà Nội. Những cuộc trao đổi giữa hai bên từ đầu năm 2024 đã khắc họa sự hợp tác giữa hai bên như ”một hình mẫu thực thi pháp luật trên biển tại khu vực”, trang Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung cộng dẫn lời một nguồn tin giấu tên.
Trang này cũng dẫn lời một chuyên gia khác, người cho rằng Phi Luật Tân là một ví dụ hoàn toàn trái ngược với Việt Nam khi họ ”không hợp tác với Trung cộng để cùng nhau duy trì an ninh hàng hải ở Biển Đông.”
Trong khi đó, vào tháng 10/2024, ông Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) nhận định rằng “Trung cộng muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, vì vậy bằng cách chia rẽ các quốc gia, họ sẽ ‘chiến thắng mà không cần chiến đấu’,” theo SCMP.
Việc Việt Nam và Phi Luật Tân tập huấn chung vào tháng 8/2024 nói trên cũng được đánh giá là sẽ khiến Trung cộng tăng cường chiến lược “chia để trị”.
Vào tháng 5/2024, Đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ Jose Romualdez đã viết về chiến lược chia để trị của Trung cộng trên tờ Philippine Star.
Vị đại sứ cho rằng “chia để trị” là “câu thần chú mới” mà Trung cộng sử dụng để gây chia rẽ trong Phi Luật Tân lẫn trên trường quốc tế. Ông cũng kêu gọi mọi người đoàn kết, bác bỏ những thông tin sai lệch mà Trung cộng lan truyền.

Nguồn hình ảnh,CCTV,Truyền thông nhà nước Trung cộng đăng tải các hình ảnh cho thấy cảnh lực lượng của Trung cộng đổ bộ lên Đá Hoài Ân
Hiện tại, Trung cộng vẫn chưa chấp nhận cùng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) – một cam kết mang tính rằng buộc hơn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Do tính chất chỉ là một tuyên bố chính trị mang tính khuyến khích, không có tính ràng buộc đối với các bên tham gia, DOC đã không phát huy tác dụng trong việc buộc các bên phải kiềm chế và tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế để tránh xảy ra va chạm trên thực địa cũng như căng thẳng về ngoại giao.
Quá trình xây dựng và tạo dựng đồng thuận đối với COC luôn gặp trắc trở, chủ yếu do Trung cộng không sẵn sàng tham gia một cam kết mạnh với các nước yếu hơn, thứ có thể khiến họ bị “trói chân trói tay”.
Nhà nghiên cứu Abdul Rahman Yaacob nói với SCMP rằng Trung cộng thường khai thác sự khác biệt giữa các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán COC.
Cũng cần làm rõ rằng trước đây Phi Luật Tân từng đưa một nhóm người lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ và ở trên bãi cạn này khoảng bốn giờ trước khi rời đi. Lúc bấy giờ, Việt Nam đã lên tiếng.
Thời điểm đó, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho hay việc các bên đưa người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép là hành vi xâm phạm chủ quyền.
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”, ông Thắng tuyên bố trong họp báo ngày 28/3/2024, khi được hỏi về hoạt động của Trung cộng và Phi Luật Tân tại đá Sandy Cay thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo ông Thắng, hành vi này còn làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay.
“Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, ông Thắng cho biết.
Nhân tố Mỹ
Trả lời câu hỏi của tờ The Straits Times trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 7/5, Tư lệnh Lục quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương, Đại tướng Ronald Clark, khẳng định Mỹ sẽ “kề vai sát cánh” cùng Phi Luật Tân trong tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Clark nhấn mạnh rằng mình không thể thay mặt chính phủ Phi Luật Tân phát ngôn, cũng như không thể quyết định Manila sẽ có hành động gì.
“Từ trước đến nay, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với họ – thực sự là làm việc hằng ngày – nhằm tạo điều kiện cho đối thoại, điều phối và khả năng phối hợp cần thiết cho việc tác chiến giữa quân đội Phi Luật Tân và lực lượng của chúng tôi, để cùng nhau xử lý một số thách thức liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ của họ.
“Với tư cách là một đồng minh hiệp ước, chúng tôi kề vai sát cánh cùng nhau trong lúc họ vượt qua những thách thức không chỉ [liên quan] tới các thực thể ở Biển Đông nói riêng, mà cả lãnh thổ chủ quyền rộng lớn của họ nói chung,” ông Clark nói thêm.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã khẳng định tăng cường quan hệ Mỹ-Phi Luật Tân trong chuyến thăm Manila vào tháng 3/2025.
Vào tháng Tư vừa rồi, Mỹ và Phi Luật Tân đã có đợt tập trận chung Balikatan – được đánh giá là hoạt động thể hiện mối liên minh quốc phòng sâu rộng hơn giữa hai quốc gia trong bối cảnh những hành động cải tạo của Trung cộng ở Biển Đông ngày càng gia tăng.

Nguồn hình ảnh,Getty Images, Cuộc tập trận chung Balikatan giữa Phi Luật Tân và Mỹ tại Biển Đông ngày 28/4/2025
Tuy nhiên, Việt Nam không hợp tác chặt chẽ với Mỹ về mặt quân sự như vậy.
Xung đột của Việt Nam với Trung cộng ở Biển Đông cũng phần nào hiền hòa hơn khi Việt Nam chỉ phản ứng trên phương diện ngoại giao qua những tuyên bố của chính quyền.
Sự kiện lần này cũng tương tự. Việt Nam tuyên bố phản đối hành động cắm cờ của Phi Luật Tân và Trung cộng, đồng thời cho biết đã trao công hàm phản đối tới họ.
Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Phi Luật Tân thường có những tuyên ngôn và hành động có thể nói là táo bạo hơn.
“Khi Trung cộng nhìn vào Phi Luật Tân, họ luôn thấy Hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Mỹ, vì vậy Bắc Kinh hung hăng với Manila ở một mức độ nhất định,” ông Raymond M. Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot, nói với BBC News Tiếng Việt vào tháng 8/2024.
Từ năm 1997 đến 2021, Việt Nam đã phải hứng chịu 142 vụ việc Trung cộng gây khó dễ ở Biển Đông, trong đó hơn 40% liên quan đến việc phô trương hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, theo một nghiên cứu viện Rand xuất bản năm 2022.
Hà Nội giữ im lặng trong một phần ba số vụ việc. Khi họ có đưa ra phản ứng, vào những thập niên 70 và 80, Việt Nam đã sử dụng biện pháp ngoại giao và sự hỗ trợ từ các cường quốc, đôi khi có cả hành động quân sự, trước khi bước vào một thập niên 90 yên ắng.
Tình hình bắt đầu thay đổi vào những năm 2000 khi Việt Nam ngày càng chuyển sang công khai hóa và đối đầu, song song với các nỗ lực ngoại giao, vẫn theo nghiên cứu trên.
Việt Nam đã từng có lần lựa chọn cách hành xử cứng rắn.
Trong vụ việc ngư dân Việt Nam bị tấn công hồi tháng 9/2024, Việt Nam đã lên án Trung cộng một cách mạnh mẽ, thẳng thắn hơn.
Một ví dụ nổi bật hơn là vào năm 2014, khi Trung cộng hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa, tại khu vực mà Việt Nam cho biết là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Lúc bấy giờ, Việt Nam đã mời phóng viên báo đài, bao gồm cả phóng viên quốc tế, tới nơi xảy ra tranh chấp để đưa tin về vụ việc.
Sự đưa tin rầm rộ của báo chí đã góp phần thổi bùng làn sóng chống Trung cộng tại Việt Nam, dẫn tới các cuộc biểu tình rộng khắp, trong đó có những nơi người biểu tình đập phá các nhà máy mà họ cho là của Trung cộng.
Những năm gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chọn cách tiếp cận ngược lại, nhà phân tích Derek Grossman thuộc viện nghiên cứu Rand của Mỹ chia sẻ với tờ Nikkei Asia tháng 7/2024.
BBC (08.05.2025)
Biển Đông : Phi Luật Tân cáo buộc Trung cộng có hành động nguy hiểm gần bãi cạn Scarborough
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Phi Luật Tân và Trung cộng ở Biển Đông, chính quyền Manila hôm nay, 08/05/2025, đã lên án một hành động nguy hiểm của hải quân Trung cộng trong lúc diễn ra cuộc tập trận chung giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ. Sự việc xảy ra hôm 05/05 ở phía đông nam bãi cạn Scarborough, khu vực mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Ảnh minh họa : Tàu hải cảnh Trung cộng 5901 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 13/01/2025 do tuần duyên Phi Luật Tân công bố. AP
Theo thông tin từ phía Manila, được AFP trích dẫn, hai khinh hạm Trung cộng đã áp sát tàu tuần tra Emilio Jacinto của Phi Luật Tân. Một trong hai tàu Trung cộng đã bám sát ở khoảng cách chưa đầy 100 mét, trong khi chiếc còn lại bất ngờ cắt ngang mũi tàu Phi Luật Tân ở khoảng cách 180 mét. Quân đội Phi Luật Tân gọi đây là hành động “khiêu khích và đe dọa”, gây nguy cơ va chạm nghiêm trọng.
Bắc Kinh đã phản bác cáo buộc nói trên, cho rằng tàu Phi Luật Tân đã “xâm nhập trái phép” vùng biển thuộc chủ quyền của họ và khẳng định lực lượng hải quân – không quân Trung cộng đã thực hiện các biện pháp “theo đúng pháp luật” để theo dõi, cảnh báo và buộc tàu Phi Luật Tân rời đi. Một phát ngôn viên của quân đội Trung cộng còn cáo buộc Phi Luật Tân “xuyên tạc sự thật” và “thao túng dư luận quốc tế”.
Một ngày sau khi xảy ra sự cố nêu trên, một quan chức cấp cao của Phi Luật Tân tuyên bố rằng “bất kỳ hành động xây dựng nào của Trung cộng tại bãi cạn Scarborough sẽ vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ của Phi Luật Tân và có thể làm bùng phát bất ổn khu vực”. Cảnh báo này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình và mối lo ngại ngày càng tăng về tham vọng xây dựng và quân sự hóa của Trung cộng tại các điểm tranh chấp.
Scarborough là một chuỗi đá và rạn san hô ở Biển Đông, nơi Trung cộng đã giành quyền kiểm soát từ Phi Luật Tân vào năm 2012. Kể từ đó, nơi này trở thành điểm nóng giữa hai nước. Trung cộng tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp phán quyết quốc tế bác bỏ yêu sách này.
RFI (08.05.2025)
Hàng không mâu hạm Mỹ USS Nimitz cùng nhóm tác chiến xuất hiện ở Biển Đông

Hàng không mâu hạm Mỹ USS Nimitz. (Nguồn: Nimitz’s official)
Hạm đội 7 Mỹ – đơn vị duy trì sự hiện diện hải quân của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương – đã xác nhận về việc triển khai Hàng không mâu hạm USS Nimitz tới Biển Đông.Ảnh vệ tinh mà Tạp chí tuần san Newsweek tiếp cận được cho thấy, Hàng không mâu hạm Mỹ USS Nimitz và nhóm tác chiến của tàu này đã có mặt ở Biển Đông hôm 4/5. Sự kiện diễn ra trong thời gian quân đội Mỹ và Phi Luật Tân đang tiến hành cuộc tập trận thường niên lớn nhất mang tên Balikatan (Vai kề vai) từ ngày 21/4-9/5.Đây là Hàng không mâu hạm Mỹ đầu tiên hoạt động ở Biển Đông kể từ đầu tháng 4, sau khi tàu USS Carl Vinson rời đi để thực hiện nhiệm vụ mới ở Trung Đông.
Trên trang mạng X, chuyên gia phân tích tình báo nguồn mở @MT_Anderson cho biết, tàu này lần đầu được phát hiện ở khu vực trên vào một ngày trước đó, cách bãi cạn Scarborough 118 hải lý (khoảng hơn 218km) về phía Đông Bắc.
Bản đồ của Newsweek cho thấy, tàu Nimitz trước đó đã di chuyển ở vùng biển phía Đông Phi Luật Tân. Trong email trả lời Newsweek, người phát ngôn Hạm đội 7 Mỹ nhấn mạnh, nhóm tác chiến Hàng không mâu hạm Nimitz “mang đến sự hiện diện và lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong khu vực”.
Người phát ngôn này nói thêm: “Các khí tài thuộc Hạm đội 7 Mỹ hoạt động cùng đồng minh và đối tác hàng ngày để răn đe hành vi gây hấn và duy trì an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tàu Nimitz – Hàng không mâu hạm lâu đời nhất đang hoạt động của Mỹ – đã rời căn cứ Hải quân Kitsap ở Bremerton, Washington ngày 21/3 để thực hiện điều mà Hải quân Mỹ gọi là “triển khai thường lệ” tới Tây Thái Bình Dương.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Maximilian Clark, chỉ huy nhóm tác chiến Hàng không mâu hạm Nimitz phát biểu: “Hoạt động tiền phương như một nhóm tác chiến giúp nâng cao khả năng duy trì lực lượng ổn định và sẵn sàng trên biển, với phổ rộng các năng lực quân sự để đáp ứng mọi khủng hoảng hoặc tình huống bất ngờ”.
Baomoi.com (06.05.2025)
Biển Đông : Từ Gia Long đến chính quyền thuộc địa Pháp, tính liên tục của chủ quyền
Mặc dù trong suốt một thời gian dài, Pháp « quên » hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng những chính sách hàng hải của thực dân Pháp đã để lại di sản pháp lý và chiến lược, cho phép củng cố các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông ngày nay. Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt hồi đầu tháng Ba 2025, chuyên gia Didier Ortholland làm sáng tỏ phần lịch sử ít được biết đến này.

Ảnh tư liệu chụp ngày 02/06/2014 : Tảu hải cảnh Trung cộng (P) phun vòi rồng tấn công tàu tuần duyên Việt Nam, gần dàn khoan thăm dò dầu lửa của Trung cộng, tại một vùng có tranh chấp chủ quyền, ngoài khơi miền Trung Việt Nam. AFP – VIETNAM NEWS AGENCY
Ông Didier Ortholland là chuyên gia về luật hàng hải, cố vấn đối ngoại của Pháp, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại Cục pháp lý, thuộc bộ Ngoại giao Pháp. Hiện là phó vụ trưởng Vụ Đông Nam Á. Ông vừa cho ra mắt cuốn sách « Les Mers de Chine », tạm dịch là « Những vùng biển Trung cộng ». Cuốn sách nêu ra những khu vực thể hiện tham vọng của Bắc Kinh, đặc biệt là ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Liên quan đến Biển Đông, qua các tư liệu lịch sử, ông đã phác thảo lại vai trò của chính quyền thuộc địa tác động như thế nào đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam tại khu vực này.
Xin cảm ơn ông Didier Ortholland đã dành thời gian trả lời RFI Tiếng Việt, trước tiên, ông có thể cho biết Pháp có chính sách như thế nào đối với Biển Đông khi đô hộ Đông Dương ?
Didier Ortholland : Cho đến đầu thế kỷ 20, các quốc gia chỉ có thể tuyên bố lãnh hải rộng 3 hải lý. Khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) rộng 200 hải lý vẫn chưa tồn tại. Điều này có nghĩa là, Pháp giống như các cường quốc khác, không quan tâm đến những gì nằm ngoài khơi, ngoại trừ việc giám sát các tuyến hàng hải chính. Do đó các quy định về hàng hải tại khu vực này không hoặc ít được thiết lập bởi chính quyền thực dân.
Đối với Việt Nam, vua Gia Long đã chính thức chiếm đảo Hoàng Sa vào năm 1816, nhiều lần cử tàu đến đó để đánh cá, và xác định các tuyến hàng hải. Người kế vị là vua Minh Mạng cũng đã quyết định xây chùa, dựng bia để khẳng định chủ quyền của Việt Nam (còn được gọi là An Nam). Do đó, chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này đã được chứng thực từ lâu.
Nhưng dưới thời Pháp đô hộ, Paris lại bỏ quên khu vực này, mà dồn mối quan tâm chính vào đảo Hải Nam, hòn đảo có diện tích hơn 30 000 km2 ở phía bắc Biển Đông. Vì hòn đảo này được xem là chiến lược và có thể gây ra nguy hiểm nếu như bị một nước khác kiểm soát, đặc biệt là trước sự hiện diện của Nhật trong khu vực. Do đó, có một thỏa thuận được thiết lập giữa Pháp và Trung cộng, không để Trung cộng nhường quyền kiểm soát đảo này cho một nước khác.
Pháp có những hành động gì trước các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ?
Didier Ortholland : Vào năm 1909, Pháp đã không có hành động nào khi Trung cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa, nhưng Paris tiếp tục cử đến đó các phái đoàn thực hiện nghiên cứu khoa học… Mãi đến năm 1931, Pháp mới lên tiếng phản đối Trung cộng. Tức là trong vòng hơn 20 năm, Pháp không có phản ứng nào. Nhưng cũng phải nói rằng Pháp không hề công nhận quyền chủ quyền của Trung cộng. Sau năm 1931, hai bên đã có những trao đổi công hàm, Pháp đề xuất tìm bên trung gian đàm phán, nhưng Trung cộng từ chối.
Phản ứng của Pháp còn chậm hơn đối với đảo Trường Sa. Khu vực này không được nhiều người biết đến. Hải quân Pháp không muốn mạo hiểm đến đó vì sợ bị mắc cạn trên rạn san hô. Tuy nhiên, trước sự hiện diện gia tăng của Nhật, đặc biệt là qua các công ty khai thác khoáng sản, Pháp đã chính thức chiếm giữ đảo năm 1930, chỉ một đảo thôi, nhưng đến năm 1933 thì Paris quyết định chiếm 5 đảo trong quần đảo này, trước khi rơi vào tay Nhật. Vào thời điểm đó, có lo ngại được nêu ra, cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, Nhật có thể sử dụng khu vực này để hạ cách thủy phi cơ, hoặc xây dựng căn cứ quân sự (trước khi bị Nhật chiếm vào năm 1939).
Liệu những hành động mà Pháp thực hiện tại khu vực này, có định hình các yêu sách chủ quyền sau này của Việt Nam và các nước trong khu vực hay không ?
Didier Ortholland : Khi nói đến tính hiệu lực trong luật pháp quốc tế, nghĩa là sự hiện của một lực lượng trên một lãnh thổ, để tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ đó. Do đó điều này rất quan trọng đối với các đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Pháp với tư cách là bảo hộ của đế chế An Nam, đã tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là dựa vào việc hoàng đế Gia Long kiểm soát khu vực này vào năm 1816. Việc Pháp chính thức chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, rất qua
n trọng, cho phép Việt Nam có thể tuyên bố rằng đó là di sản để lại từ chế độ thuộc địa.
Ngay sau khi Pháp rút quân từ năm 1956, chính phủ miền Nam Việt Nam đã chiếm nhiều đảo ở Trường Sa và khẳng định chủ quyền với các hòn đảo ở đó.
Tính liên tục trong lịch sử cũng khá hữu ích cho Việt Nam trong luật pháp quốc tế, cho rằng nhà nước thực dân, không có quyền chia cắt lãnh thổ mà họ kiểm soát. Điều này có thể cho là theo một cách nào đó, Trường Sa thuộc Đông Dương dưới thời Pháp thuộc, do đó Việt Nam cũng được thừa hưởng.
Ông có thể giải thích các tranh chấp chủ quyền hiện nay ở Biển Đông, khu vực được cho là chiến lược và giàu tài nguyên ?
Didier Ortholland :Các tuyên bố chủ quyền tại khu vực này chồng lấn nhau. Trung cộng là nước duy nhất tuyên bố có quyền lịch sử, và có chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và không được luật pháp quốc tế công nhận. Các nước khác như Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia và Indonesia thì có những yêu sách thông thường, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tất cả các nước đều cố tìm cách kiểm soát các đảo, hoặc các khu vực, có thể do lãnh hải và đặc quyền kinh tế từ những điểm đó.
Tại khu vực chứa khoảng 12 % nguồn thủy sản của thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của người dân ven biển, và là trục giao thông hàng hải Á-Âu quan trọng. Nhưng ngay cả khi không có dầu khí hay nguồn tài nguyên thủy sản thì các nước cũng sẽ cố tìm cách kiểm soát vì lý do chủ quyền
Trong cuộc xung đột tranh chấp chủ quyền ở biển Đông hiện nay, có điều gì mà ông thấy đặc biệt, đáng chú ý nhất ?
Didier Ortholland :Trung cộng sử dụng lực lượng quân sự đánh cá để tấn công, theo tôi, đây là hành động chỉ có ở trong khu vực này. Hiện Trung cộng được cho là có 300 thuyền bằng kim loại, dài 50 mét, được điều đi đánh cá, nhưng thực chất là để chứng tỏ có sự hiện diện của Trung cộng ở đó. Khi Trung cộng muốn đe dọa tàu của Việt Nam hoặc Phi Luật Tân thì cử hàng chục tàu dân quân đánh cá đến đó, và được cho là có hiệu quả. Chiến lược này đã được Trung cộng triển khai từ năm 2013, và Việt Nam cũng học theo cách tương tự. Nhưng chính sách của Việt nam đối với lực lượng dân quân đánh cá lại khá khiêm tốn, vì không phải là tàu sắt, mà chỉ là tàu gỗ, dài 24 mét, số lượng ít hơn nhiều.
Liệu trong cuốn sách của mình, ông có cố gắng tìm ra câu trả lời giải quyết các xung đột tại khu vực này ?
Didier Ortholland : Tôi cho rằng cuốn sách của mình chỉ làm sáng tỏ vấn đề, vì không hề đơn giản để tìm ra giải pháp. Bởi vì vấn đề ở Biển Đông, liên quan đến các nước lớn như Trung cộng, Hoa Kỳ và một số nước trong khu vực. Tôi cho rằng các giải pháp giải quyết xung đột quốc tế có thể được tìm ra, tôi cũng đã đề xuất một số giải pháp. Nhưng vấn đề ở đây là các bên phải tìm được đồng thuận, cùng đối thoại để giải quyết các khác biệt.
RFI (05.05.2025)
Trung cộng phản đối Phi Luật Tân hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Đài Loan
Phi Luật Tân khẳng định đang đàm phán với chính quyền Đài Bắc để quản lý việc di chuyển của tàu chiến ở vùng eo biển Luzon và cân nhắc khả năng tuần tra chung với Đài Loan. Ngày 30/04/2025, Bắc Kinh yêu cầu Manila ngừng gửi đi những tín hiệu sai lệch “cho những kẻ ly khai Đài Loan”.

Ảnh minh họa: Bản đồ vùng Đông Nam Á. © wikipedia
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TaiwanPlus News ngày 29/04, chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, người phát ngôn của Hải Quân Phi Luật Tân tại Biển Đông, xác nhận : “Chúng tôi đã có được sự điều chỉnh về việc tàu chiến đi qua eo biển (Luzon). Tôi tin rằng sẽ có sự gia tăng trong những ngày tới, những năm tới. Đây cũng là một bước tiến mới để thực hiện các hoạt động quân sự chung trong 10 đến 20 năm tới”.
Ông nhấn mạnh thêm là Phi Luật Tân phải “duy trì hiện diện ở biển Tây Phi Luật Tân ( Biển Đông )”, đồng thời khẳng định “chính phủ và quân đội đang bảo vệ những gì thuộc Phi Luật Tân”.
Theo trang Manila Times ngày 01/05, đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của quân đội Phi Luật Tân thừa nhận công khai khả năng hợp tác quân sự với Đài Loan mà Trung cộng coi là một tỉnh ly khai. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển đáng chú ý trong chiến lược an ninh của Manila, trong bối cảnh Phi Luật Tân phản đối các động thái hung hăng của Trung cộng tại vùng biển mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền.
Ngay ngày 29/04, bộ Ngoại Giao Trung cộng đã triệu đại sứ Phi Luật Tân Jaime FlorCruz lên để “phản đối nghiêm túc về một loạt động thái tiêu cực gần đây của Phi Luật Tân liên quan đến Đài Loan và các vấn đề liên quan đến an ninh”. Đại sứ quán Trung cộng ở Manila cũng cảnh cáo những phát biểu của chuẩn đô đốc Hải quân Phi Luật Tân Roy Vincent Trinidad về đàm phán “hợp tác quốc tế” với Đài Loan.
Trong buổi họp báo ngày 30/04, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan của chính phủ Trung cộng, khẳng định Bắc Kinh “phản đối mạnh mẽ mọi hình thức trao đổi chính thức giữa những nước có quan hệ ngoại giao với Trung cộng với tỉnh Đài Loan của Trung cộng”.
RFI (01.05.2025)