Seite auswählen

Trong một phiên tòa kín diễn ra ngày 21 Tháng Năm, Tòa án huyện Đức Hòa đã tuyên phạt ông Lê Tùng Vân, 93 tuổi, ba năm tù giam về tội danh “loạn luân”, liên quan đến những cáo buộc nghiêm trọng tại nơi từng được biết đến là Tịnh Thất Bồng Lai, sau đổi tên thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

Phiên xử diễn ra không có mặt bị cáo do ông Vân được cho phép vắng mặt vì tuổi cao và sức khỏe yếu. Tuy nhiên, mức án ba năm lần này được cộng dồn với bản án năm năm tù trước đó – tuyên vào năm 2022 – với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Tổng cộng, ông Lê Tùng Vân đang đối diện mức án tám năm tù, dù chưa bị bắt giam do được hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe.

Theo thông tin từ cơ quan công an tỉnh Long An, vụ án khởi nguồn từ một đơn tố giác ẩn danh, cáo buộc ông Vân có hành vi loạn luân với hai người được cho là con ruột – dẫn đến việc sinh ra ba đứa trẻ sống tại Tịnh Thất Bồng Lai. Công an cho rằng, qua quá trình điều tra và xét nghiệm ADN, đã có đủ căn cứ buộc tội.

Cụ thể, ông Vân bị cáo buộc có quan hệ huyết thống với bà Lê Thu Vân (đã qua đời) và bà Cao Thị Cúc, hai người phụ nữ sống cùng ông tại địa chỉ ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa. Công an nói rằng ông Vân có sáu người con với bà Lê Thu Vân và hai người con với bà Cúc. Trong đó, hai người con gái – Lê Thanh Kỳ Duyên và Lê Thanh Huyền Trang, đều bị cáo buộc là nạn nhân của hành vi loạn luân.

Theo hồ sơ buộc tội, cô Kỳ Duyên sinh hai con vào các năm 2014 và 2015, còn cô Huyền Trang sinh một con vào năm 2014. Công an kết luận rằng dù biết đây là con ruột, ông Vân vẫn có hành vi giao cấu với họ “nhiều lần”.

Tuy nhiên, vụ án đang gây tranh cãi dữ dội khi phía luật sư bảo vệ cho ông Vân đưa ra tuyên bố phản bác dữ dội vào đầu Tháng Năm. Ba luật sư trợ giúp pháp lý – Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân và Nguyễn Văn Miếng – đã công khai yêu cầu đình chỉ toàn bộ tiến trình tố tụng, cho rằng các hành vi của cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền bào chữa.

Văn bản tuyên bố từ nhóm luật sư nêu rõ rằng ông Vân cùng các thành viên Thiền Am bị cưỡng chế thu mẫu ADN, không được tiếp xúc với luật sư, và bị điều tra trong một bối cảnh mà họ mô tả là “thiếu minh bạch và thiếu khách quan”.

Tịnh Thất Bồng Lai từng gây chú ý lớn trong dư luận Việt Nam khi có nhiều người tự nhận là tu sĩ, xuất hiện trên truyền hình với hình ảnh “trẻ em mồ côi” gây xúc động. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng cáo buộc nơi đây là cơ sở tu trái phép, có dấu hiệu “trục lợi từ thiện” và vi phạm pháp luật.

Dù bản án đã được tuyên, nhưng dư luận hiện vẫn chia rẽ sâu sắc. Một bộ phận người dân cho rằng vụ án mang dấu hiệu của trả đũa hành chính và hình sự hóa một mô hình sinh hoạt tôn giáo tự phát, đặc biệt là khi vụ việc xảy ra ở một tỉnh vốn nổi tiếng với các vụ việc đàn áp tự do tín ngưỡng. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác khẳng định cần nghiêm trị nếu có chứng cứ xác thực hành vi loạn luân.

Phiên tòa kín, cùng sự mập mờ trong thông tin điều tra, đang khiến vụ án Lê Tùng Vân trở thành một trong những điểm nóng nhạy cảm nhất về mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và các tổ chức tôn giáo ngoài quốc doanh tại Việt Nam. Câu chuyện vẫn chưa khép lại – và có thể sẽ còn kéo dài nhiều hệ lụy pháp lý và xã hội trong thời gian tới.

 

Datviet.com (22.05.2025)

 

 

  

Bốn tổ chức quốc tế kêu gọi Tổng thống Pháp yêu cầu Hà Nội tôn trọng nhân quyền

 

Thông cáo Báo chí – Nhân dịp Emmanuel Macron đến thăm Việt Nam: Bốn tổ chức quốc tế kêu gọi Tổng thống Pháp yêu sách Hà nội tôn trọng nhân quyền

 

Bốn tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi Tổng thống Pháp gây sức ép đòi trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 5 sắp tới. Các tổ chức này lên án tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng đối với xã hội dân sự Việt Nam và việc chính quyền thông qua các luật hạn chế.

 

PARIS-BRUSSELS, ngày 22 tháng 5 năm 2025 (VCHR) – Trước chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong vòng một tuần nữa, bốn tổ chức nhân quyền quốc tế – Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR), Liên đới Thiên Chúa giáo Toàn Cầu (CSW) và Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) – kêu gọi Tổng thống Macron đặt nhân quyền vào trọng tâm trong chương trình nghị sự ngoại giao của ông.

 

Trong một lá thư gửi tới Tổng thống, các tổ chức phi chính phủ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng đối với xã hội dân sự Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 200 tù nhân lương tâm, bao gồm các nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu và những người bảo vệ quyền lao động và môi trường, trong số đó có những trường hợp tiêu biểu như: Phạm Đoan Trang, Đặng Đình Bách và Phạm Chí Dũng.

Các tổ chức này thúc giục ông Emmanuel Macron yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ tùy tiện và kêu gọi xóa bỏ các luật hạn chế nhân quyền. Ví dụ, Nghị định 126/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 26 tháng 11 năm 2024, gia tăng sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các hiệp hội, trái ngược với các cam kết của Việt Nam về quyền tự do lập hội. Nghị định 147/2024/NĐ-CP áp đặt kiểm duyệt và giám sát có hệ thống đối với nội dung trực tuyến, đe dọa quyền tự do ngôn luận.

Tháng 2 vừa qua, bốn tổ chức quốc tế này đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Châu Âu về hành vi vi phạm Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) của Việt Nam, và cung cấp một danh sách 40 trường hợp những người bảo vệ nhân quyền và đại diện xã hội dân sự bị cầm tù vì họ chỉ trích một cách ôn hòa những tác động tiêu cực của các dự án đầu tư, đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự độc lập hoặc làm việc về các vấn đề phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng hoặc điều kiện lao động.

Bà Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR, phát biểu: “Chúng tôi rất quan ngại. Mục đích chủ yếu  của chuyến thăm này là kinh tế. Nhưng Tổng thống Macron đừng quên các giá trị sáng lập của Pháp, bao gồm cả quyền con người. Việc nêu vấn đề các quyền tự do cơ bản và kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm không phải là ‘chỉ để phô trương’. Đây là vấn đề tôn trọng luật pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, Liên minh Châu Âu và Pháp”.

Các tổ chức kêu gọi ông Emmanuel Macron thúc giục chính quyền Việt Nam bãi bỏ các điều khoản về “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự, hay thường được sử dụng để hình sự hóa những người bảo vệ nhân quyền và môi trường; tạo ra một khuôn khổ pháp lý tôn trọng quyền tự do lập hội và ngôn luận; và xem xét các yêu cầu của xã hội dân sự về các vấn đề công lý xã hội, môi trường và khí hậu.

 

Baotiengdan.com (22.05.2025)

 

 

  

 

Cựu luật sư Trần Đình Triển kháng cáo kêu oan, chuẩn bị hầu tòa phúc thẩm

Bị cáo Trần Đình Triển viết đơn kháng cáo, cho rằng bản thân bị xử oan, sai.

 

Phiên phúc thẩm diễn ra dưới sự điều hành của thẩm phán, chủ tọa Thái Duy Nhiệm. Tòa án triệu tập 5 giám định viên của Bộ Thông tin Truyền thông (đã chấm dứt hoạt động). Ngoài ra, có 15 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Đình Triển.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử thể hiện đây là phiên tòa công khai – giống như phiên sơ thẩm. Tuy vậy, ở phiên sơ thẩm, dù quyết định thể hiện tòa công khai nhưng thực tế, người muốn theo dõi, gồm cả thân nhân của bị cáo Triển đều không được vào. Các nhà báo cũng bị cấm có mặt, tác nghiệp trong phiên tòa.

Bản án sơ thẩm thể hiện, tháng 5/2024, TAND Tối cao ra văn bản đề nghị cơ quan điều tra xác minh 2 bài viết đăng trên Facebook “Trần Đình Triển” do có nội dung ảnh hưởng đến uy tín của TAND Tối cao và lãnh đạo TAND Tối cao.

Điều tra sau đó xác định, ông Triển trong quá trình hành nghề luật sư có bức xúc vì cho rằng ngành tòa án còn những điều chưa hợp lý. Bị cáo do vậy viết 3 bài trên Facebook cá nhân về ngành tòa án nhưng “không có tài liệu, chứng cứ xác thực”.

Hội đồng giám định Bộ Thông tin Truyền thông kết luận, một trong các bài viết trên Facebook “Trần Đình Triển” có nội dung ảnh hưởng tới uy tín; xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống tòa án, lãnh đạo tòa án; gây ảnh hưởng xấu an ninh. Bài viết này có 1.400 lượt like, 100 bình luận, 136 lượt chia sẻ.

Tại tòa sơ thẩm, bị cáo Triển khai viết bài trên Facebook với mục đích góp ý xây dựng cho hệ thống tòa án, không nhằm xâm phạm quyền, lợi ích của ai.

HĐXX sơ thẩm cho rằng, với loại tội phạm này, khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý hành chính của Nhà nước nên vụ án không có bị hại. TAND Tối cao đã có văn bản không có yêu cầu gì nên không đưa cơ quan này vào tham gia tố tụng.

Hành vi của bị cáo Triển là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong xã hội… Do vậy, tòa sơ thẩm phạt ông Triển 3 năm tù.

 

Kháng cáo kêu oan

Sau phiên sơ thẩm nói trên, cựu luật sư Trần Đình Triển gửi đơn kháng cáo, cho rằng bản thân bị xử oan, sai. Đơn thể hiện, chính TAND Tối cao khẳng định không có yêu cầu bồi thường thiệt hại nên không có chứng cứ chứng minh ông “xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp” của lãnh đạo TAND Tối cao.

Cựu luật sư trình bày, trong bài viết mình bị cáo buộc phạm tội có 11 nội dung gồm 5 nội dung “khen” và 6 nội dung mang tính chất phản biện, góp ý để rút kinh nghiệm trong công tác xét xử.

Cấp sơ thẩm chỉ phân tích về “quyền tự do ngôn luận” nhưng bản thân ông Triển còn là luật sư nên có quyền và nghĩa vụ theo Điều 3 Luật Luật sư: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Như vậy, những điều “có lợi” cho ông đã bị bỏ qua, đơn kháng cáo nêu.

 

Dan Viet (20.05.2025)

 

 

  

 

Việt Nam và vấn đề buôn người cho các hoạt động phạm pháp

Hình các ổ lừa đảo chính ở khu vực Đông Nam Á (hình lấy từ báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ). 

 

Ngày 22/4/2025 vừa qua, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) đã có một phiên họp tại Thái Lan về “Giám sát và lập hồ sơ về nhân quyền của những người bị buôn bán và cưỡng ép vào các hoạt động phạm pháp ở Đông Nam Á” (Monitoring and Documenting the Human Rights of Persons Trafficked for Forced Criminality in Southeast Asia), trong đó có sự tham gia của đại diện BPSOS.

Trước đó, ngày 10/3/2025, Giáo sư Tomoya Obokata, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về các hình thức nô lệ hiện đại, bao gồm nguyên nhân và hậu quả, và Giáo sư Siobhán Mullally, Báo cáo viên Đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em, gửi một lá thư tới chính phủ Việt Nam về chủ đề này, được công bố vào ngày 12/5.

Có gì đáng chú ý?

 

Báo cáo viên Đặc biệt là gì?

Báo cáo viên Đặc biệt là các chuyên gia về nhân quyền được Hội đồng Nhân quyền LHQ bổ nhiệm. Họ hoạt động trong vai trò tư vấn độc lập cho cơ quan LHQ này trong từng lĩnh vực nhân quyền chuyên môn, chẳng hạn như tự do tôn giáo hay niềm tin, tự do biểu đạt, hay chống tra tấn. Các định chế nhân quyền LHQ tiếp nhận các báo cáo và khuyến nghị của họ để dùng cho việc lập chính sách và rà soát các quốc gia về những lĩnh vực nhân quyền khác nhau.

 

Một hình thức buôn người mới

Trong vài năm gần đây, ở khu vực Đông Nam Á nổi lên một hình thức buôn người mới là “cưỡng bức lao động, cưỡng ép tham gia các hoạt động tội phạm, bóc lột tình dục, và các vi phạm nhân quyền trầm trọng khác” trong các ổ lừa đảo. Các ổ lừa đảo thường nằm ở những quốc gia như Thái Lan, Campuchia, Miến Điện, Lào, v.v.

 

Theo lá thư của hai Báo cáo viên Đặc biệt, nạn nhân có thể là người Việt Nam, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Indonesia, Malaysia, Philippines, China, Hong Kong, Bangladesh, Bhutan, India, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, thậm chí cả Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và Bắc Mỹ. “Việt Nam được xếp là một điểm nóng của nạn buôn người.”

Bản thân tôi từng phỏng vấn một số nạn nhân người Việt bị lừa vào các ổ tội phạm ở Campuchia, bị canh giữ, bị đánh đập tra tấn, bị ép buộc bán hàng lừa đảo hoặc “lừa tình” qua mạng. Có người bị dụ dỗ ngon ngọt về “việc nhẹ lương cao” ở nước láng giềng. Có người nghĩ mình chỉ tới đâu đó gần biên giới nhưng bị chuốc thuốc và chở thẳng sang Campuchia. Nhưng cũng có người, theo lá thư của LHQ, biết mình sẽ làm các việc lừa đảo nhưng không biết mình sẽ bị hành hạ bóc lột.

 

Các Báo cáo viên Đặc biệt nhấn mạnh điều gì?

Như các nạn nhân buôn người và nô lệ mới khác, các nạn nhân trong những trường hợp này cũng bị cưỡng ép lao động, cũng bị thiếu thốn thức ăn và thuốc thang, cũng bị tước đi giấy tờ và điện thoại, cũng bị cắt đứt liên lạc với người thân, cũng bị khủng bố tinh thần, cũng bị tra tấn đánh đập, cũng bị trừng phạt nặng nề nếu tìm cách bỏ trốn. Thậm chí, các Báo cáo viên Đặc biệt nói, có người còn bị cưỡng hiếp tập thể hoặc bị bán vào ngành mại dâm.

Nhưng điểm khác biệt đáng chú ý là các nạn nhân buôn người này bị cưỡng ép tham gia các hoạt động phạm pháp, và vì thế có nguy cơ bị đối xử như tội phạm.

Hai Báo cáo viên Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc không trừng phạt (non-punishment principle) cho nạn nhân trong mọi trường hợp buôn người, trong nước và ngoài nước.

Cá nhân tôi không biết có trường hợp nạn nhân buôn người nào đã bị chính quyền Việt Nam trừng phạt vì tham gia các hoạt động lừa đảo. Nhưng tôi đã tiếp xúc với một số nạn nhân từ Campuchia bị xử phạt 6 triệu đồng (khoảng 230 USD) ở cửa khẩu vì “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, trong đó có trường hợp nạn nhân mới 15 tuổi.

Hiện nay hàng trăm người Việt đang mắc kẹt tại khu vực biên giới Thái Lan – Miến Điện sau khi được giải cứu từ các đường dây lừa đảo. Tuy nhiên, các công văn của Việt Nam yêu cầu gia đình/ thân nhân phải trả số tiền 12.200.000 đồng (tức khoảng 470 USD) vào Quỹ Bảo vệ Công dân để hồi hương, và các tờ công văn cũng gọi họ là “công dân nhập cảnh trái phép” chứ không phải nạn nhân buôn người

Ngoài chuyện giải cứu nạn nhân, xác định họ là nạn nhân, và trừng phạt những kẻ buôn người, nhà nước cũng có trách nhiệm hỗ trợ họ sau giải cứu, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Lá thư nhắc chính phủ Việt Nam, không hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân buôn người là “vi phạm luật nhân quyền quốc tế và luật lao động quốc tế.”

 

Lá thư còn nói gì với chính phủ Việt Nam?

Hai Báo cáo viên Đặc biệt cũng nói “Có báo cáo về sự thông đồng của quan chức chính phủ cấp cao, chính trị gia, cơ quan thực thi pháp luật địa phương, và các doanh nhân có ảnh hưởng trong các khu vực có băng nhóm tội phạm. Chúng tôi cũng lưu ý tình trạng thiếu tự do ngôn luận và thu hẹp không gian dân sự trong khu vực, có thể cản trở việc tố giác và dẫn tới việc không công bố những tình trạng trên.”

 

Một vấn đề LHQ không nhắc tới

Một vấn đề chúng tôi nêu ra vài lần gần đây nhưng không có trong lá thư của LHQ là, đôi khi chính gia đình người thân của nạn nhân buôn người cũng trở thành nạn nhân bị lừa đảo. Một số kẻ sẵn sàng lừa lọc, sẵn sàng cướp đoạt tiền, sẵn sàng lợi dụng sự hoảng loạn bế tắc và cả tin của những người đang tìm cách cứu con, cứu chồng hoặc vợ. Trong một bài viết gần đây, tôi đã kể lại câu chuyện một cô gái trẻ tên Q được tổ chức Người Thượng vì Công lý giải cứu từ Campuchia, nhưng trước đó mẹ Q đã bị một người tên Hùng lừa mất 16 triệu đồng (khoảng 620 USD) và vài người khác định lường gạt.

Vụ lừa đảo, công an không giải quyết. Vụ buôn người, cũng chẳng phải công an Việt Nam giải cứu.

 

LHQ yêu cầu gì từ Việt Nam?

Trong thư, hai Báo cáo viên Đặc biệt yêu cầu chính phủ Việt Nam cho biết đã làm gì để phòng chống buôn người cho các hoạt động phạm pháp; hỗ trợ nạn nhân sau giải cứu và bảo đảm họ không bị xử phạt; trừng phạt kẻ buôn người; giải quyết vấn nạn đường dây lừa đảo và hợp tác với các nước láng giềng; và bảo đảm để giới truyền thông, các nhà hoạt động nhân quyền, và tổ chức phi chính phủ có thể hoạt động để phòng chống buôn người.

 

Hải Di Nguyễn

BPSOS, Machsong.org (20.05.2025)

 

 

 

 

 

Luật Chưa Khô Mực Đã Sửa: Câu Chuyện Buồn Về Lập Pháp Tại Quốc Hội Việt Nam

Ngay giữa nghị trường được cho là “cao nhất” của chế độ, một phát ngôn thẳng thắn bất ngờ vang lên: Chủ tịch Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, công khai thừa nhận tình trạng “luật ban hành sáu tháng đã phải sửa, thậm chí một năm sửa đến hai lần.” Lời thú nhận ấy, như một nhát dao cắt vào ảo tưởng về bộ máy lập pháp vốn từ lâu bị cho là hình thức, thiếu năng lực và không đại diện đúng cho dân.

Phát biểu này được đăng trên báo VietNamNet ngày 18 Tháng Năm, đi kèm với những mô tả quen thuộc về một hệ thống pháp lý “chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ và không rõ ràng.” Những vấn đề ấy, theo chính ông Mẫn, “chưa được khắc phục triệt để,” khiến việc thực thi pháp luật ngày càng rối rắm và khó khăn.

Chưa dừng lại ở đó, ông Mẫn còn chỉ ra rằng nhiều văn bản pháp luật tại Việt Nam “vẫn nặng tính mệnh lệnh hành chính,” và quá chi tiết đến mức “được làm gì, không được làm gì,” cho thấy tư duy quản lý kiểu xin–cho vẫn đang bóp nghẹt sự phát triển tự nhiên của xã hội.

Tình trạng Quốc Hội Cộng Sản họp bàn suốt nhiều năm chỉ để… sửa luật, thậm chí đang rục rịch sửa cả Hiến Pháp, khiến dư luận không khỏi ngao ngán. Với mỗi lần “đại tu” luật pháp, người dân lại thêm hoang mang: liệu các đại biểu – vốn phần lớn là đảng viên hoặc sĩ quan công an – có đủ hiểu biết pháp lý để soạn thảo những bộ luật thực sự phục vụ công chúng?

Một ví dụ điển hình là phát biểu gần đây của bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc Hội và phó giám đốc Công An tỉnh Đắk Lắk, người mang hàm thiếu tướng. Bà đề nghị nâng mức phạt vi phạm giao thông lên đến 200 triệu đồng (khoảng $7,700), gấp gần ba lần mức phạt hiện tại. Lý do? Bà cho rằng mức phạt hiện nay “quá nhẹ, không đủ sức răn đe.”

Phát ngôn của bà Xuân lập tức gây tranh cãi. Trên diễn đàn “Tâm Thức Việt,” một người viết: “Pháp luật cần nghiêm, nhưng phải hợp lý và nhân văn. Không thể lấy tiền lớn để hù dọa người dân. Luật là để phục vụ, không phải để trấn áp.”

Thực trạng lập pháp ở Việt Nam – nơi luật mới ban hành đã vội sửa, còn đại biểu thì đề xuất những ý tưởng xa rời thực tiễn – không chỉ phản ánh sự yếu kém về mặt chuyên môn, mà còn là hệ quả của một nền chính trị độc quyền, nơi người dân không có quyền chọn người đại diện thật sự cho mình.

Giữa dòng thời sự dày đặc, phát biểu của ông Mẫn và đề nghị của bà Xuân chỉ là hai lát cắt nhỏ, nhưng đủ để soi rõ một cỗ máy quyền lực đang rệu rã từ bên trong, nơi luật pháp có thể trở thành công cụ mơ hồ – không phải để bảo vệ dân, mà để củng cố quyền lực cho Nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam.

 

Đất Việt (20.05.2025)

 

 

 

 Tù Nhân Lương Tâm Tuyệt Thực Trong Bóng Tối Để Đòi Công Lý

Trong những bức tường ngột ngạt của hệ thống trại giam Cộng Sản Việt Nam, những tiếng nói phản kháng lại tiếp tục vang lên bằng cách thầm lặng và đau đớn nhất: tuyệt thực.

Tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, 60 tuổi, hiện đang bước sang ngày tuyệt thực thứ năm trong trại giam, theo lời kêu cứu của con trai ông, anh Lê Đình Hiếu, đăng tải trên mạng xã hội hôm 15 Tháng Năm. “Sức khỏe và tinh thần của bố tôi đang suy kiệt nghiêm trọng,” anh Hiếu viết. “Ông đã nhiều lần xin được khám bệnh, nhưng tất cả đều bị từ chối.”

Bị bắt từ năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” ông Lượng – một giáo dân và nhà hoạt động nhân quyền nổi bật trong các cuộc đấu tranh phản đối Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung – bị kết án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Sự im lặng của hệ thống tư pháp trước tình trạng giam giữ ông kéo dài trong biệt giam, cấm đoán sinh hoạt tôn giáo, và từ chối chăm sóc y tế là một bản cáo trạng về sự vô cảm của nhà cầm quyền đối với những người dám nói thật.

Cuộc gọi ngắn ngủi từ ông Lượng đến người vợ hôm 15 Tháng Năm chỉ đủ để ông thều thào “như lời kêu cứu cuối cùng,” theo lời gia đình.

Không riêng gì ông Lượng. Cùng thời điểm, một tù nhân lương tâm khác – ông Lê Trọng Hùng – bắt đầu cuộc tuyệt thực 30 ngày để phản đối việc chính quyền Hà Nội tìm cách sửa đổi hiến pháp mà không hỏi ý kiến thực sự từ người dân. Là một nhà báo độc lập từng ra ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Hùng bị kết án 5 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2021. Trong tù, ông đã nhiều lần dùng hình thức tuyệt thực để phản kháng.

Câu chuyện của họ chỉ là hai trong hàng loạt trường hợp tuyệt thực từng diễn ra trong các trại giam từ Bắc chí Nam. Những cái tên như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đình Bách hay Bùi Văn Thuận – những người đấu tranh vì môi trường, đất đai, tự do ngôn luận – đều đã phải dùng đến biện pháp cuối cùng: lấy thân thể và mạng sống của mình để buộc chế độ phải lắng nghe.

Trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức, người từng tuyệt thực đến gần 4 tháng trước khi được thả vào Tháng Chín năm 2024, là một minh chứng cho cái giá đắt của tự do trong một thể chế mà nhân quyền vẫn là một khái niệm xa xỉ.

Tuyệt thực trong nhà tù cộng sản không phải là hành vi tự hành xác, mà là lời kháng cự cuối cùng – khi không còn một công cụ pháp lý nào để đấu tranh. Đó là khi thân thể gầy mòn trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, khi từng hơi thở là một tiếng gào trong câm lặng.

Và trong sự câm lặng ấy, có cả tiếng gọi chúng ta – những người còn tự do – hãy lên tiếng thay họ.

 

Đất Việt (19.05.2025)