Ngày 1 tháng 5 năm 1975 tôi nhận được quyết định vào Sài Gòn để thành lập tờ báo của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đoàn xe đưa tất cả các cán bộ do công đoàn quản lý cùng đi, nhưng dềnh dàng mãi mất một tuần mà vẫn chưa được lên đường. Tôi và anh Nguyễn Văn Minh chánh văn phòng Nhà xuất bản Lao Động được gọi vào đoàn tuyên huấn báo chí do anh Nguyễn Linh phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật làm trưởng đoàn và được đi bằng chiếc máy bay L19 của chủ tịch tôn Đức Thắng. Máy bay hạ cánh khi Tân Sơn Nhứt còn nhiều đụn khói. Chúng tôi được đưa vào nghỉ ở hội trường của Bộ Thông tin Chiêu hồi trên đường Hiền Vương. Hôm sau Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam đến đón tôi và anh Nguyễn Văn Minh nhưng anh Minh không chịu đi và anh được trưởng đoàn Nguyễn Linh giữ lại cho Cục Xuất bản của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Ông Nguyễn Hộ chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam phân công ông Đặng Mai ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam làm chủ nhiệm báo, anh Nguyễn Văn Nhã cán bộ tuyên huấn Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam làm trưởng ban biên tập tờ báo, tôi làm ủy viên phụ trách nội dung tờ báo, anh Nguyễn Hồng Hiển làm ủy viên quản trị tờ báo. Ông Đặng Mai phát biểu: “Tôi không biết gì về công việc làm báo. Anh Tư Nhã được phân công làm trưởng ban cũng chỉ vì anh từng phụ trách báo tường của cơ quan, chớ cũng không biết gì về báo chí đâu. Hay anh đã làm báo ngoài Bắc, mọi việc anh cứ chủ động, chỉ khi có việc không giải quyết được mới phải hỏi anh Nhã và tôi”. Anh Hiển và tôi vui vẻ nhận việc vì đã biết câu “nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết” (hồi này cán bộ được phân loại theo bốn bậc tin cậy để sử dụng, cất ngắc: bậc nhất là cán bộ trụ lại nằm vùng; thứ hai là người từng bị địch bắt bỏ tù; thứ ba là cán bộ ở R rừng chiến khu; thứ tư là cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về).
Anh Hồng Hiển là phóng viên báo Thương nghiệp Việt Nam, nhưng rất tháo vát, nhanh chóng chuẩn bị nơi làm việc, nhà in cho báo. Anh Đinh Phong sau này là chủ tịch hội nhà báo thành phố cung cấp cho chúng tôi một danh sách và địa chỉ các ký giả của các tờ báo Sài Gòn trước đây. Chúng tôi quyết định nhận hai mươi lăm ký giả và họa sĩ trình bày báo: Phan Hồng Đức (tức Phan Ba) tổng thư ký báo Tin Sáng; Sơn Tùng (Lê Thanh Thủy) tổng thư ký báo Đại Dân Tộc; Việt Quang tổng thư ký báo Bút Thép; Điệp Liên Anh cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng về công nhân cao su (tác giả tập ký sự “Máu trắng máu đào”); họa sĩ biếm họa Chóe từng được nhà báo Mỹ Bary Hilton sưu tập biếm họa của anh in thành tập The World of Chóe (Thế giới của Choé) năm 1973, được báo Time bình chọn 8 cây biếm họa nhất thế giới thập kỷ 1970, các ký giả Linh Thi, Trường Nam, Vương Liêm, Mai Linh, Kim Xuyến, Ngọc Nga… Chúng tôi quy tụ số lượng ký giả Sài Gòn đông nhất trong các báo ra đời sau 30-4-1975. Đó là vấn đề nổi cộm phải đương đầu với câu hỏi của các ông phụ trách tổ chức cán bộ và ban tuyên huấn đảng: tập hợp nhân sự với thành phần như vậy là dựa trên lập trường quan điểm nào? Chúng tôi thẳng thắn bày tỏ: đó là hành động thiết thực hòa hợp hòa giải dân tộc! Để đối phó với sự săm soi của công an an ninh văn hóa, chúng tôi tổ chức cho anh em học một cách khoa trương về Nghị quyết 24 của Trung ương Đảng khóa 3. Tôi đề nghị tên báo là Lao Động Mới và được ban biên tập đồng ý. Số báo đầu tiên ra đúng dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Họa sĩ Chóe thức thâu đêm vẽ bức tranh cổ động mừng ngày cách mạng để đăng trên trang bìa.
Đang phát hành tờ báo số một thì một sự cố xảy ra. Cán bộ an ninh tên Đô đến đưa lệnh bắt Điệp Liên Anh với chứng cứ là “gián điệp của Nhật Bản”. Chứng cứ tội làm gián điệp là anh đã gửi một bản tin cho hãng Kyodo nói về hệ thống tổ chức Liên hiệp Công đoàn Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh: cấp thành phố có liên hiệp công đoàn giải phóng, các công đoàn ngành như công nghiệp, giáo dục, y tế, thương nghiệp. Với các thành phố là công đoàn quận, huyện. Ở nhà máy, xí nghiệp, công trường, trường học có công đoàn cơ sở. Ban biên tập chúng tôi làm văn bản bảo vệ Điệp Liên Anh: các tài liệu anh viết trong bản tin không có gì thuộc bí mật quốc gia, tất cả đang thực hiện công khai và hằng ngày được đăng tin trên các báo. Nhưng cán bộ an ninh tên Đô bảo “Tôi chỉ là người thực hiện lệnh bắt. Việc xét xử sẽ do tòa án.” Không ngờ tòa án thành phố công bố án ngay mấy hôm sau: “Điệp Liên Anh bốn năm tù giam về tội làm gián điệp cho nước ngoài”!
Số báo thứ hai phát hành đúng ngày Quốc Khánh 2-9 có số lượng tăng vọt, nhiều tổ chức công đoàn ở các tỉnh đăng ký chậm không mua được. Chúng tôi đang vui thì lại có rắc rối mới. Tối hôm đó, chủ nhiệm Đặng Mai gọi điện tới Trưởng ban Tư Nhã: “Các đồng chí cán bộ tuyên huấn lão thành của Đảng và Công đoàn chất vấn, Báo lao động mới là cơ quan ngôn luận của công đoàn cách mạng, thế thì tại sao ba chữ lao động mới lại in màu vàng, ai nhìn vô cũng phải nghĩ đây là tờ báo của công đoàn “vàng”. Trưởng ban Tư Nhã hốt hoảng triệu tập hội nghị bất thường và ông tự chạy tội: “ Chuyện chọn màu do đồng chí Công quyết định chứ tôi đâu có được hỏi ý kiến. Do đó, đề nghị đồng chí Công làm báo cáo nhận khuyết điểm của mình gửi lên cho ban thường vụ. Tôi trấn an anh: anh yên tâm. Đây không phải là màu vàng mà là màu da cam. Nhưng các số báo sắp tới có thể chúng ta sẽ dùng màu vàng. Tại sao lại không thể dùng màu vàng? Đó là màu của ngôi sao trên quốc kỳ mà! Chưa có tài liệu nào nói màu vàng là tượng trưng của công đoàn vàng. Biểu tượng của tổng liên đoàn lao công Trần Quốc Bửu là bánh xe răng và đầu con trâu.” Tôi gọi điện báo cáo với chủ nhiệm Đặng Mai như vậy. Ông lắng nghe, rồi với giọng ngạc nhiên: “Thế à? Có chắc chắn là công đoàn vàng không dùng biểu tượng màu vàng không vậy đồng chí?” Cuối tuần, tại cuộc họp với các tổng biên tập, ông Trần Bạch Đằng thay mặt ban tuyên huấn trung ương cục nhận xét tình hình báo chí trong tuần. Ông giơ cao tờ Lao Động Mới lên: “Các bạn nhìn này! Chúng ta đã có một tờ báo trình bày rất đẹp và hiện đại. So với các tờ báo đẹp nhất của Phương Tây cũng không hề kém cạnh.” Tôi kể lại nhận xét nói trên với chủ nhiệm Đặng Mai và trưởng ban Tư Nhã, từ đó cho đến khi tờ báo “hoàn thành nhiệm vụ” hai ông không còn “chỉ đạo” chuyện gì nữa. Ông trưởng ban chỉ nằm xem báo, không bao giờ đòi hỏi chúng tôi phải xin ý kiến điều gì.
Chúng tôi đang cố gắng làm tờ báo xuân thật hay để chúc mừng cái tết thống nhất đầu tiên, thì một sự cố nghiêm trọng lại xảy ra: lại là anh Đô an ninh xuất hiện, đưa lệnh bắt họa sĩ Chóe! Tôi khẩn khoản kể cho anh ta nghe, từ tháng 5 năm 1975, Chóe đã cùng ăn cùng ở cùng làm việc bên tôi. Chóe ở lại tòa soạn suốt tuần, đêm nằm chung với tôi trong chiếc màn đơn căng trên nền gạch ở góc phòng. Bằng sự mẫn cảm của người làm báo quen giao tiếp, tôi nhận thấy Chóe là một nghệ sĩ tài hoa, yêu sự thật, châm biếm thói xấu, do đó tôi dám đem sinh mạng chính trị của mình bảo lãnh cho anh. Đô nghiêm mặt nói: cơ quan an ninh chúng tôi tìm và nắm chắc sự thật chứ không dựa vào mẫn cảm của ai cả. Anh Nhã, anh Hiển cùng tôi xin đứng tên bảo lãnh cho họa sĩ Chóe cũng không được chấp nhận. Sau khi ra tù trại cải tạo, Chóe hài hước kể, sở dĩ anh bị giam lâu là do tòa soạn báo Lao Động Mới cho anh học nghị quyết 24 của đảng (khóa 3) quá kỹ. Lúc bị hỏi cung, anh đã quát mắng cán bộ điều tra là làm trái nghị quyết 24, bởi vì nghị quyết này quy định chỉ trừng trị kẻ chống đối hiện hành chớ không moi móc chuyện quá khứ. Họ quy tội anh vì đã vẽ bức biếm họa ông Lê Đức Thọ chìa bộ răng hô (vẩu) xé toẹt Hiệp định Paris (đăng trên báo từ trước năm 1975).
Sau khi Chóe bị bắt ít lâu, ông Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ Báo chí, gặp tôi cho biết ông có trách nhiệm thành lập tờ báo Đại Đoàn Kết, ông muốn tôi nhường người họa sĩ trình bày Lao Động Mới cho tờ Đại Đoàn Kết. Tôi kể chuyện Chóe bị bắt, ban biên tập chúng tôi cho rằng bắt sai, đề nghị Vụ Báo chí tiếp tục can thiệp, nếu Chóe được tự do, chúng tôi xin nhường anh cho báo Đại Đoàn Kết. Vụ báo chí và ông Vụ trưởng Lưu Quý Kỳ cũng chịu thua cơ quan an ninh.
Chóe bị giam không có án 10 năm. Sau khi ra tù, anh đến thăm tôi. Tôi nói, mình không bảo vệ được người cộng sự cho nên tự thấy không có tư cách để khuyên bạn nên ở lại hay rời khỏi nước. Tôi chỉ góp ý: nếu anh ở lại thì tôi xin nhận anh vào tòa báo, nếu anh quyết đi thì tôi chỉ muốn khuyên anh nên đi chính thức, đừng vượt biên nguy hiểm và dễ bị bắt. Hơn hai năm sau, Chóe mới đến tìm tôi, kể: “Không nghe lời khuyên của anh, tôi đã vượt biên và bị công an Tiền Giang Bắc. Vô trại cải tạo ở tù này, tôi ‘rất ngoan’ nên được thả trước hạn một năm. Hiện nay được biết đang ‘đổi mới’ có vẻ dễ chịu, nên tôi quyết định ở lại. Anh có thể nhận tôi được không?” Tôi nhận Chóe vào cơ quan miền Nam của báo Lao Động. Lúc này chúng tôi cộng tác với các nhà xuất bản biên tập, vẽ bìa, trình bày sách. Chóe làm công việc mới mẻ này. Lúc rảnh anh vẽ tranh lụa gửi bán ở các phòng tranh trên đường Đồng Khởi. Anh có sáng kiến điểm những nét bút sắt vào tranh lụa truyền thống, đẹp, lạ mắt, rất được thị trường ưa chuộng. Thu nhập từ tiền bán tranh đủ cho anh xây ngôi biệt thự ở số 5 đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Một lần, anh vui vẻ nói với hoạ sĩ Trịnh Cung: “Mình không có khả năng làm nghệ thuật như ông. Mình chỉ vẽ tranh hàng chợ thôi.” Không ngờ họa sĩ Trịnh Cung nổi nóng cho rằng anh hạ thấp thiên chức của nghệ sĩ. Tôi phải viết một tiểu phẩm giải hòa hai người bạn, mỗi người một vẻ đều rất tài hoa.
Tờ báo đang phát triển tốt đẹp thì phải “hoàn thành nhiệm vụ” vì “hai miền đã hiệp thương thống nhất nước nhà về mặt nhà nước”. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phải nhập vào Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam cũng phải nhập vào Tổng liên đoàn Lao động. Tờ báo Lao Động Mới của Công đoàn Giải phóng phải nhập vào báo Lao Động. Tôi được anh Nguyễn Hộ nhận về làm tổng biên tập đầu tiên của báo Công nhân Giải phóng, nay là Người Lao Động.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (36): Chủ nghĩa lý lịch quật ngã ông thường vụ tỉnh ủy
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (38): Nhà văn Sơn Nam, cộng tác viên đầu tiên