Ông Nguyễn Hộ, chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam kiêm chủ tịch Liên đoàn Lao động Giải phóng Sài Gòn Gia Định. Ông đưa linh mục Phan Khắc Từ làm phó chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Giải phóng Sài Gòn Gia Định. Là tổng biên tập báo Lao Động Mới, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam, tôi thường dự họp với lãnh đạo của tổ chức này. Lần đầu dự họp, tôi để ý một anh cán bộ trẻ bưng khai trà đến mời từng người. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết đó là ông linh mục Phan Khắc Từ. Lập tức tôi xin gặp riêng ông để tìm hiểu con đường nào đã đưa ông linh mục vốn là công nhân quét rác ở Sở Vệ sinh, giành giật người lao động trẻ với cộng sản, lại trở thành cán bộ công đoàn của cộng sản. Linh mục Phan Khắc Từ kể, trong chương trình đào tạo linh mục, có phần nghiên cứu chủ nghĩa Marx Lênin. Ông cười nói: “Phải biết nó là thế nào thì mới có cách chống tốt được chứ”. Một lần sang Mỹ dự hội nghị các hội đồng nhà thờ, ông chứng kiến nhiều linh mục, mục sư cầm cờ nửa đó nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng đi biểu tình chống chiến tranh. Ông rất ngạc nhiên, quyết định lượt về, ghé Paris đến phòng thông tin của Mặt trận để tìm hiểu cương lĩnh của tổ chức này. Ông hoàn toàn bị thuyết phục bởi đoạn văn sau đây trong cương lĩnh của Mặt trận: “Thành lập một chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc, tích cực bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới.” Cũng giống như cương lĩnh của Việt Minh hồi năm 1941 đã hớp hồn các vị trí, phú, địa hào tin theo, cương lĩnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã thu hút nhiều trí thức cở lớn và nhiều chức sắc các tôn giáo. Phan Khắc Từ đọc xong cương lĩnh đã ngỏ ý với ông Phạm Văn Ba phụ trách phòng thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam: “Tôi muốn được ghi tên gia nhập Mặt trận”. Ông Phạm Văn Ba nói: “Xin linh mục cứ về Sài Gòn, sẽ có người của chúng tôi tới nhà trao đổi ý kiến. Ông Từ về Sài Gòn khoảng một tuần thì có một người bị thương tật mất một chân, chống nạn gỗ đến nhà xin gặp và tự giới thiệu mình là Trương Văn Khâm cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở Sài Gòn – Gia Định. Ông Khâm phân tích tình hình công nhân lao động Sài Gòn rất rành rẽ, sau đó cho biết, Mặt trận đang xúc tiến việc thành lập ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động và tìm một người có đủ uy tín làm chủ tịch Ủy ban. Ông Khâm được các vị lãnh đạo mặt trận cử đến gặp linh mục Từ để mời ông nhận lãnh cương vị đó. Ông Từ vui vẻ xin nhận lời. Ngày 1 tháng 5 năm 1966 linh mục Phan Khắc Từ chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Lao động dẫn đầu cuộc biểu tình của 40.000 công nhân lao động ở Ngã Bảy.
Cuối tháng 5, ông Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng (khóa ba), nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, đương nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào thăm Sài Gòn. Nơi đầu tiên ông muốn đến là nhà máy Ba Son.
Thành ủy Sài Gòn đề nghị ông khi đến Ba Son, chỉ nên gặp các bộ quân quản và xem xưởng máy, không gặp gỡ và nói chuyện với công nhân, vì công nhân ở đây đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa thực dân mới, rất lạc hậu! Hóa ra ý kiến đó xác nhận báo cáo của nguyên bí thư thành ủy Sài Gòn – Gia Định Trần Bạch Đằng với bí thư Trung ương Cục Nguyễn Chí Thanh là đúng: “Thành ủy chúng tôi dựa vào trí thức, sinh viên và học sinh làm ‘ngòi nổ’ phong trào đấu tranh ở đô thị là vì không thể dựa vào giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân ‘sọc dưa’, ‘xệ dái’, không có tinh thần cách mạng như các tài liệu kinh điển Mác-Lênin. Từ phong trào Trần Văn Ơn năm 1950 cho tới nay đã chứng tỏ trí thức, sinh viên, học sinh mới là ‘ngòi nổ’ cách mạng ở thành phố.” Bí thư Nguyễn Chí Thanh cho đó là quan điểm hết sức lệch lạc, ngay sau đó Trần Bạch Đằng bị buộc phải rời khỏi cương vị bí thư thành ủy!
Sau khi nghe cán bộ quân quán báo cáo, đi thăm xưởng máy và hỏi chuyện anh em công nhân đứng máy, ông Hoàng Quốc Việt gọi điện về thành ủy: “Là người cả đời làm công đoàn, tôi không thể rời nhà máy mà không có nói chuyện với anh em công nhân. Và ông ra lệnh cho ban quân quản triệu tập công nhân ngưng máy tập trung lên hội trường. Trong hơn một giờ ông thuyết trình cho công nhân Ba Son biết ngày thống nhất đất nước cũng là ngày đổi đời của giai cấp công nhân. Từ thân phận nô lệ làm thuê, họ chẳng những trở thành người chủ của nhà máy mà còn được vinh dự đứng trong giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, góp phần xứng đáng cho cách mạng thế giới. Ông nói, tuy mới vào miền Nam đi chưa nhiều, nhưng ông cũng đã thấy những di sản của chủ nghĩa thực dân mới thật đáng lo. Tại chợ Bến Thành, ông đã chứng kiến “vài anh trẻ khỏe mà choàng chiếc áo vàng thản nhiên đi xin ăn, không hề biết ngượng.” Bên dưới bắt đầu rộ tiếng xì xầm, anh em ngạc nhiên vì nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt không biết đó là những ông sư khất thực! Tôi có một đứa cháu con của bà chị họ làm công nhân ở đây, sao hôm được nghe nhà lãnh đạo miền Bắc nói chuyện đã băn khoăn hỏi: “Cậu ơi ông ấy phê phán các ông sư khất thực. Có phải từ nay miền Nam cũng phải theo chế độ vô thần của cộng sản Bắc Việt?”
Buổi chiều, ông Hoàng Quốc Việt đến thăm Liên hiệp Công đoàn Giải phóng Sài Gòn Gia Định. Ông vô cùng kinh ngạc khi được chủ tịch Nguyễn Hộ giới thiệu ông linh mục Phan Khắc Từ mặc áo thụng đen là phó chủ tịch tổ chức công đoàn cách mạng của giai cấp công nhân. Cuối cuộc họp, ông gặp riêng ông Nguyễn Hộ ra lệnh phải chấm dứt ngay việc để ông cha đạo làm phó chủ tịch Công đoàn.
Ngay sau đó, linh mục Phan Khắc Từ được chuyển từ công đoàn sang làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố, một cương vị về hình thức có vẻ quan trọng hơn. Trước khi sang Mặt trận Tổ quốc, ông Từ đến thăm tôi và đưa người em là linh mục Thiên, nguyên đại uý tuyên úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đề nghị tôi “giúp em Thiên nhận nó vào tòa soạn báo và có thể giao cho làm bất cứ việc gì”. Tôi đã nhận linh mục Thiên vào biên chế và phân công làm thư ký đánh máy. Mấy tháng sau, cha Thiên bị gọi đi tập trung học tập cải tạo. Sau khi ra tù, cha Thiên được ông Từ nhận về làm phó xứ Vườn Xoài nơi ông Từ là chánh xứ. Có lần linh mục Từ cho tôi biết, ông đã viết đơn xin vào Đảng, nhưng bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh khuyên: “Anh nên ở ngoài Đảng có lợi cho Đảng hơn. Chúng tôi luôn xem anh như một đồng chí!” Do đó, ông Từ phải chấp nhận cuộc sống hai mặt mập mờ. Chính vì tình trạng đó mà sau bốn mươi năm, vị linh mục “cấp tiến” ngày nào đã trở nên thảm hại trước mặt người dân cả lương và giáo. Thật tiếc cho ông, khi gặp Nguyễn Hộ trong rừng Bình Tuy, ông đã suy tôn đó là vị “tổng giám mục cách mạng”, vậy mà khi Nguyễn Hộ trở thành người tiên phong đấu tranh cho dân chủ thì ông lại không thức tỉnh tin theo!
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (38): Nhà văn Sơn Nam, cộng tác viên đầu tiên
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (40): Xã anh hùng sau hai năm giải phóng