Ngày đầu từ Sài Gòn ra Hà Nội làm tổng biên tập báo Lao Động không có lễ lạc nhận chức. Không biết vì sao lại được sự có mặt của bốn bạn văn nổi tiếng thời ấy là Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Mai Thục, Vương Trí Nhàn.
Mai Thục là tổng biên tập tờ Phụ Nữ Hà Nội, là đồng tác giả với Đỗ Đức Hiểu soạn quyển “Điển tích văn học” xuất bản năm 1995. Chị bận với tờ báo của mình nên không có bài cho Lao Động. Anh Vương Trí Nhàn viết bài cho Lao Động đều đặn. Khi Hoàng Hưng xuất bản tập thơ có bài “Người về” (nói lên tâm trạng, tình cảnh người tù chế độ), bị công an văn hóa bắt bẻ, anh đưa đơn từ chức trưởng ban văn hóa văn nghệ báo Lao Động. Lúc ấy, tôi mời anh Vương Trí Nhàn về thay vị trí của Hoàng Hưng, việc chưa xong thì tôi đã bị buộc về hưu.
Phạm Thị Hoài đã nổi tiếng với tiểu thuyết “Thiên Sứ”. Lao Động Chủ Nhật số 2 có bài phỏng vấn Hồ Xuân Hương của chị. Trong bài này, chị đã để bà chúa thơ nôm đưa ra quan điểm về tính dục trong sáng tác văn học, một vấn đề đang bị các nhà tuyên huấn của Đảng lúc nào lên giọng đạo đức săm soi, phê phán. Chị khai sinh và viết cho báo Lao Động Chủ Nhật chuyên mục “Câu lạc bộ bạn trăm năm” được bạn đọc hoan nghênh. Chị đóng góp nhiều truyện ngắn hay suốt thời gian tôi làm tổng biên tập. Năm 1990 Hội Nhà văn Việt Nam lúc này ông Vũ Tú Nam là tổng thư ký công bố hoãn việc xét kết nạp chị vào hội nhà văn. Phạm Thị Hoài có thư đáp lại, sẽ không bao giờ xin vào Hội Nhà văn nữa. Tôi đăng thư này trên Lao Động gây dư luận lên án thói quan liêu của Hội Nhà văn. Trong cuộc họp thường kỳ, ông Trần Trọng Tân góp ý nhẹ: “Lẽ ra chuyện này anh nên trao đổi riêng với anh Vũ Tú Nam, tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đưa tuyên bố của nhà văn Phạm Thị Hoài như vậy là mất mặt Hội Nhà văn quá!”
Dương Thu Hương đã nổi tiếng với “Những bông hoa bần ly”, “Chuyện tình kể trước lúc rạng đông”, “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Sau khi quen nhau ở ngày tôi nhận việc, tuần nào chị cũng đến chơi. Chị thân thiết với những nhà bất đồng chính kiến như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, còn tôi tổng biên tập tờ báo “công cụ” mà được chị kết bạn là một biệt lệ. Anh chị em báo Lao Động xem chị như người thân, ban bảo vệ, phòng hành chánh không ai hỏi chị đến vì việc gì. Chị nghĩ, nhà báo là nhà nghèo nên thường mua bia mang đến phòng tổng biên tập cùng tôi nhâm nhi và bàn đủ thứ chuyện. Một hôm chị đến, thấy tôi đang tiếp nhà văn Lê Phương, chị hỏi: “Hai người quen nhau à?” Tôi đáp: “Bạn nối khố đấy. Khi quen với mình, anh ta chưa viết được câu văn nào”. Dương Thu Hương cười: “Nhưng có một chuyện anh ta chưa kể với anh đâu”. Dương Thu Hương ngồi xuống ghế, kể: “Khi lần đầu em đi dự trại viết văn ở Vũng Tàu thì anh ta đã có cuốn ‘Thung lũng Cô Tan’, đã là nhà văn nổi tiếng rồi, cho nên nhìn em như con cừu non và sáp vào tán tỉnh rất thô bạo…” Kể xong chị hỏi: “Bà có nói oan điều gì không hở, thằng mặt dày?” Lê Phương ngồi đực ra, im lặng. Cứ tưởng Dương Thu Hương chẳng coi Lê Phương ra gì, nhưng đọc “Đỉnh cao chói lọi”, mà ở lời nói đầu chị cho biết các nhân vật đều đúng sự thật, chuyện của nhân vật Lê Phương được miêu tả một cách trân trọng.
Tháng tư năm 1991, người ta gài bẫy để bắt Dương Thu Hương, bảy tháng sau, do áp lực quốc tế, phải thả với “lý do nhân đạo”. Ra tù Dương Thu Hương đến thăm tôi, nói hôm nay em mời anh đi nhà hàng. Tôi nói, hôm nay để mình mời, mừng Hương ra tù, nhưng Dương Thu Hương dứt khoát không đồng ý. Khi cô tiếp viên đưa món đầu tiên là lẫu cá quả, tôi hỏi, có giữ bộ lòng cá không. Cô đáp không, lòng cá này đắng, không ăn được. Tôi nói, con cá này trong miền Nam gọi là cá lóc. Số đông người trong đó có tôi coi bộ lòng có giá trị 70 % của con cá, có người chỉ ăn bộ lòng còn thịt cá nhường cho con trẻ. Dương Thu Hương hỏi tôi nói thật hay đùa. Tôi đáp, nói thật chứ. Trưa hôm sau, Hương lại đến bảo, hôm nay em muốn đền anh con cá quả còn bộ lòng. Đến nhà hàng, chị đưa tới bể nuôi cá hỏi tôi, làm sao biết con cá nào ngon nhất. Tôi nói, con có thân ngắn mập tròn là con cá cái. Hương dặn đầu bếp phải giữ bộ lòng cá.
Vừa ăn, Hương vừa kể với tôi chuyện trong tù. Một hôm anh trưởng trại giam báo cho biết để chị chuẩn bị ngày hôm sau sẽ được bộ trưởng Mai Chí Thọ đến gặp. Anh này cứ nghĩ chị sẽ vui mừng vì đây là một ân huệ vô tiền khoáng hậu. Nhưng Hương cau mặt đáp, “bà chẳng thích nhìn thấy hắn, bảo hắn đừng hòng được gặp và nói chuyện với bà”. Trưởng trại đành phải xuống nước năn nỉ: “Chị ơi, chị thương em. Chị mà không chịu gặp ông ấy thì em bị kỷ luật nặng”. Thương hại anh trưởng đài, Hương đồng ý gặp Mai Chí Thọ. Chị lên tiếng trước: “Vì sao ông xin được gặp tôi?” Mai Chí Thọ tỏ vẻ bình thản đáp: “Tôi muốn gặp cô để biết vì sao mà cô căm thù chế độ này đến thế?” Dương Thu Hương cau mày hỏi: “Thằng nào báo cáo với ông như thế, hay ông tự nghĩ ra? Chế độ này được dựng lên có mồ hôi và máu của tôi đó. Tôi từng có mặt bên chiến tuyến biên giới phía Bắc chống bọn bành trướng Bắc Kinh xâm lược. Căm thù à? Tôi chỉ căm thù và muốn tiêu diệt cái lũ quan liêu như ông thôi!” Tôi hỏi, khi bị cô giáng một đòn kinh khủng như vậy thái độ và thế nào? Hương đáp, ông ta ngửa mặt lên cười to. Tôi khen, cha mày giỏi, ngang cơ với Dương Thu Hương. Một người ngay thẳng, trung thực, ăn nói không kiêng dè như Dương Thu Hương luôn luôn đối chọi với cái chế độ đã buộc phải ly hương.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (48): Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vĩ nhân tôm cá
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (50): Kỳ Lâm cầm ly