Seite auswählen

Cảnh sát cơ động Bình Thuận cởi bỏ quân phục, chịu thua dân.

CSCĐ Bình Thuận bỏ của chạy lấy người. Ảnh trên mạng

 BTV Tiếng Dân

10-6-2019

Hôm nay vừa tròn một năm, ngày cả nước rầm rộ xuống đường biểu tình chống dự luật Đặc khu và luật An Ninh mạng. Một số nhà quan sát nhận định, mặc dù không có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra lãnh đạo, nhưng đây là cuộc biểu tình có đông người dân tham gia nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc tháng 4/1975.

Người biểu tình ở Sài Gòn sáng 10/6 nhìn từ Dinh Độc lập. Ảnh: Facebook

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, cư dân Sài Gòn, nhận định, “đây là cuộc biểu tình mà CSVN đã huy động tối đa lực lượng công an mà họ có trong tay. Công an ở các tỉnh nhỏ được tăng cường cho các thành phố lớn như Hà Nội Nha Ttrang, TP HCM. Số lượng công an chìm (nhưng rất dễ nhận ra) đông không kém lực lượng mặc sắc phục. TNXP vẫn làm công việc tay sai của CA“.

Ngày 10-6-2018, trang Tiếng Dân đã cập nhật các clip live stream từ Facebook, các nhà hoạt động tường thuật trực tiếp hình ảnh, âm thanh của các cuộc biểu tình khắp mọi miền đất nước: Biểu tình chống Dự luật Đặc khu và An Ninh mạng đang diễn ra đồng loạt trên cả nước.

Hôm đó, Tiếng Dân đã bị hacker tấn công dữ dội. Chúng tôi đã cố bám trụ, đến khoảng 18h tối, trang web đã bị tê liệt, không thể cập nhật thêm tin tức biểu tình, cũng không thể đăng bài vở được. Mãi đến gần 24h sau, đội ngũ kỹ thuật đã giúp khôi phục lại website. Hiện có gần 20 clip live stream biểu tình, đã bị Facebook gỡ bỏ.

Đây là clip tường thuật trực tiếp cuộc biểu tình của hàng ngàn người dân Sài Gòn ở Lăng Cha Cả, Công viên Hoàng Văn Thụ, từ kênh NguoiYeuNuocViet: 

Nhiều người bị đánh đập, bị bắt bớ, bị đưa ra tòa. Trong bài viết đăng ngày 7/3/2019 của đài RFA: Tòa án Bình Thuận tuyên án tù thêm 15 người biểu tình hồi tháng 6/2018, đài này thống kê: Tính đến cuối năm 2018, đã có hơn 100 người tham gia biểu tình bị kết án tù”.

Cần lưu ý, tỉnh Bình Thuận là nơi nổ ra biểu tình dữ dội nhất, kéo dài suốt ngày 10/6, đến ngày 11/6/2018, nên địa phương này cũng là nơi bị theo dõi, kiểm soát và đàn áp nặng nề nhất. Nhiều người bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, lãnh án rất nặng.

Đến ngày 12/7/2018, tức khoảng 1 tháng sau cuộc tổng biểu tình, TAND TP Phan Thiết đã phạt tù 7 bị cáo gây rối trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, theo báo Pháp Luật TP HCM. Những người này bị cáo buộc đã “đốt nhiều xe mô tô trước trụ sở UBND tỉnh và đốt ô tô trong trụ sở Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận”, nhận mức án cao nhất là 30 tháng tù, thấp nhất là án treo 18 tháng tù.

Ngày 24/7/2018, TAND huyện Tuy Phong xử một nhóm người tham gia biểu tình ở Phan Rí: 10 người bị kết án 27 năm, BBC đưa tin. Đây là một trong các phiên xử có tổng mức án tù nhiều nhất, liên quan đến vụ tổng biểu tình ngày 10/6/2018.

Trước đó, một nhân chứng kể lại cuộc tuần hành của người dân ở Phan Rí: “Một nhóm bà con cầm băng rôn, biểu ngữ ‘Phản đối đặc khu’ đến khu vực Cầu Nam, thuộc tuyến đường QL1, trong đầu nghĩ ôn hoà thôi, nhưng muốn chặn đường để được chính quyền chú ý”.

Người dân địa phương khẳng định chỉ muốn biểu tình ôn hòa, thậm chí tuần hành với cờ CSVN, nhưng các lãnh đạo đã huy động an ninh, cảnh sát cơ động tấn công người biểu tình, cùng một số người lạ mặt kích động người dân. Hậu quả là, người dân ném đá vào CSCĐ, “sau đó dồn về trụ sở PCCC, nơi hàng chục cảnh sát phải tháo bỏ giáp, và nhiều xe chữa cháy, xe cảnh sát bị thiêu rụi”.

Cảnh sát cơ động Bình Thuận cởi bỏ quân phục, chịu thua dân lúc đó, nhưng sau đó bắt nguội. Ảnh chụp từ clip trên Facebook

Ngày 31/10/2018, TAND TP Phan Thiết tuyên án 30 đối tượng gây rối trước trụ sở tỉnh Bình Thuận, theo VOV. Tính đến thời điểm này, đây là vụ xử nhiều người biểu tình nhất liên quan đến phong trào tuần hành phản đối dự luật đặc khu. Các bị cáo bị tuyên án từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù.

CSCĐ Bình Thuận bỏ của chạy lấy người. Ảnh trên mạng

Ngày 29/11/2018, thêm 9 người tấn công trụ sở cảnh sát ở Bình Thuận lĩnh án, VnExpress đưa tin. Đây là phiên xử lưu động, người chịu mức án cao nhất là 5 năm tù giam. Tám bị cáo khác bị phạt từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù đều, tội “Gây rối trật tự công cộng” và bị cáo buộc đã tấn công cảnh sát, phá hoại tài sản.

Đến ngày 7/3/2019, thêm 15 người bị án tù do tham gia biểu tình tại Bình Thuận, theo VOA. Những người này nhận mức án tổng cộng 40 năm 6 tháng tù, tội “Gây rối trật tự công cộng”. Mức án cao nhất là 3 năm 6 tháng tù, thấp nhất là 2 năm tù, với cáo buộc đã “tham gia tụ tập trên Quốc lộ 1 tại khu vực cầu Nam và cầu Sông Lũy, huyện Tuy Phong”.

Trên đây chỉ là một số vụ xử khá tiêu biểu, cho thấy nhiều người ở Bình Thuận đã phải ngồi tù chỉ vì muốn lên tiếng, thể hiện sự bất bình trước dự luật đặc khu có thể giao đất cho TQ thuê đến 99 năm.

Ngay sau vụ biểu tình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã vào Bình Thuận chỉ đạo cuộc đàn áp, bắt bớ những người liên quan đến biểu tình. Một số người dân địa phương cho biết, tình hình có lúc gần như thành thiết quân luật, an ninh chìm, nổi được bố trí khắp nơi, dò hỏi từng nhà, cô lập và gây áp lực lên từng nhóm người biểu tình.

Hầu hết các phiên xử đều là “án bỏ túi”, bị cáo không có luật sư hoặc có thì luật sư cũng chẳng làm gì được, vì tòa án chỉ nghe theo “chứng cứ” một chiều do an ninh cung cấp, bỏ ngoài tai tất cả ý kiến của người dân địa phương.

Cần lưu ý, những hành động chống đối bằng vũ lực như thế nếu diễn ra dưới thời “sắt máu” như khi Lê Duẩn, Lê Đức Thọ còn nắm quyền, những người tham gia biểu tình khó thoát án chung thân hoặc tử hình, thậm chí có thể bị xử bắn tại hiện trường không cần xét hỏi. Điều đó không có nghĩa CSVN đã nới lỏng hơn, mà đơn giản là họ gian xảo hơn, không đưa ra các mức án có thể tạo thêm nợ máu, nhưng vẫn áp đặt án tù từ nặng tới rất nặng để trấn áp các cá nhân tham gia biểu tình và đe dọa người thân họ.

Hiện tại, lãnh đạo CSVN vẫn đang “ém” thông tin về dự luật đặc khu, không công khai như trước, nên trước mắt, người dân chưa có lý do chính đáng để lặp lại cuộc tổng biểu tình như lúc hồi tháng 6/2018. Tuy nhiên, vụ Thủ tướng đồng ý rằng hàng nghìn tỉ đồng sẽ rót vào hệ thống giao thông, hạ tầng Vân Đồn (Quảng Ninh) giai đoạn 2019 – 2030, cùng với chuyện rất nhiều dự án giao thông lớn ở đây như sân bay quốc tế Vân Đồn đã hoàn thành, cho thấy nhiều khả năng huyện đảo Vân Đồn đã có thể bắt đầu hoạt động như một đặc khu mà không cần thông qua luật.

Không tính đến các đặc khu, người Việt còn nhiều lý do để truy vấn chính quyền CSVN, khi người TQ hiện diện ngày càng nhiều trên lãnh thổ VN, tràn vào VN theo nhiều con đường, từ “tour du lịch 0 đồng” đến “công nhân” vào làm ở các dự án từ Tây Nguyên đến Hà Tĩnh.

Và một điều làm người dân hiện nay lo lắng nhất là dự án Cao tốc Bắc – Nam, liên quan tới an ninh quốc phòng, phòng thủ Biển Đông, có thể đưa gián điệp Trung Quốc cài cắm khắp nơi trên cả nước nếu nhà cầm quyền CSVN chọn nhà thầu Trung Quốc.