Seite auswählen

Đỗ Cao Cường

16-6-2019

Có người nói với tôi rằng tôi đang đi vào lối mòn, nhưng tôi không nghĩ vậy, làm được gì tốt thì làm, dù sao tôi cũng đã cố gắng và đất nước này không phải của riêng ai.Mỗi lần gặp nguy hiểm tôi cũng đều âm thầm chịu đựng, chả trông cậy, nhờ vả ai, cho nên không cần ai dạy bảo tôi. Tôi lang thang một mình tại các vùng nguy hiểm cũng không phải để làm phim, làm nổi mình, tôi chỉ muốn người dân ở những nơi tôi đến thức tỉnh, trăn trở, biết lo lắng cho họ, con cháu họ nhiều hơn.

Vì không muốn làm nô lệ, tham gia đánh đấm, tống tiền chính quyền, doanh nghiệp nên tôi mới phải bỏ làm trong các cơ quan nhà nước, không được bảo kê, cũng chả có bảo hiểm, hội nhóm, phần thưởng… Từ chối làm cho báo nước ngoài, ra khỏi báo trong nước tôi vẫn lặng lẽ đi làm nhiều việc nguy hiểm, như thế cũng đã là tốt rồi.

Khi viết báo tôi dựa vào cơ sở pháp lý, còn viết ở đây tôi thiên về cảm xúc, dựa trên những thứ mà mình đã đến, trải nghiệm, dù đôi khi không đầu không cuối, chuyện nọ xọ chuyện kia. Nhưng tôi không nhận lương của ai, viết thế nào là quyền của tôi, và trên hết, đó là tình cảm của tôi dành cho bà con dân nghèo.

Nếu có sai sót thì kẻ thù của dân oan cứ việc kiện, còn những kẻ tay sai vu khống tôi như tên dư luận viên ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh tôi không cần để ý. Vì sau mỗi chuyến đi, dân oan cho tôi không lấy, các phe nhóm mua chuộc tôi không được, về tới nhà tôi còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, làm đủ thứ kiếm sống, cho nên chúng không có tư cách để vu khống, buộc tội tôi.

Nhưng đôi khi, trở về nhà, tôi vẫn mang một tâm trạng buồn chán, thậm chí gặp ác mộng bởi những nơi tôi đến. Ví dụ hình ảnh người sắp chết do ung thư mà tôi mới gặp, các cháu bé ngồi học trong những ngôi trường ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh làm tôi bị ám ảnh, các cháu bé phải đeo khẩu trang khi học, xung quanh ngôi trường là hàng trăm ống khói từ lò hơi đốt than, dầu không có hệ thống lọc bụi tĩnh điện bay thẳng vào lớp, vào phổi các cháu.

Cũng như nhiều ngôi làng chết mà tôi qua, làng giấy Phong Khê cho ra đời nhiều tỷ phú siêu giàu, họ bỏ lại quê hương, người thân để ra nước ngoài, tới những nơi có không khí trong lành hơn sinh sống. Trước khi đi, họ thuê người quản lý nhà xưởng giúp họ, cùng những người làm thuê không được trang bị bảo hộ, nhiều tấn phế thải, hóa chất ngổn ngang để cho ra đời những cuộn giấy vệ sinh tẩm hóa chất, len lỏi vào khắp các gia đình nghèo khổ ở Việt Nam.

Họ giàu có là nhờ phá hủy môi trường sống, nhập giấy phế liệu chứa nhiều hóa chất, họ che đậy, bôi trơn bằng phong bì, quan hệ chứ không phải bằng công nghệ hay tư duy hiện đại. Họ sẵn sàng sản xuất bột giấy sạch đưa vào Trung Quốc, còn những thứ độc hại, rẻ rúm họ dành tặng cho quê hương mình (chính phủ Trung Quốc đã siết chặt, kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất giấy, nên Việt Nam được coi là bãi chứa chất thải khổng lồ).

Và không chỉ có làng giấy Phong Khê, tất cả những ngôi làng chết, con sông chết ở Việt Nam mà tôi đến, nguyên nhân chính là do bộ máy tư pháp, hành pháp không được thiết kế khoa học, không có tòa án độc lập…

Và cuối cùng, chỉ có tầng lớp trung lưu còn ở lại Phong Khê và thi nhau chết bởi ung thư, dị tật, đằng sau những thân phận ấy là hình ảnh một bầu trời Việt Nam vẩn đục, con sông Ngũ Huyện Khê không tôm cá nào sống nổi.

Ngày nay, có rất ít gia đình ở Phong Khê sản xuất giấy dó (cung cấp cho làng tranh Đông Hồ), thay vào đó là khoảng trên 400 doanh nghiệp, cá thể sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh, vàng mã… mọc lên tự phát, cung cấp cho đất nước này hơn 200.000 tấn giấy thành phẩm mỗi năm, để siêu lợi nhuận và tiết kiệm chi phí, hầu hết nhà máy xả thải trực tiếp ra môi trường không có công nghệ xử lý.

Mỗi ngày, hàng trăm ống khói đen sì mang bụi giấy và khói than đi khắp các nơi, khoảng 5000 mét khối nước thải pha lẫn hóa chất ở Phong Khê đổ thẳng ra đường, sông Ngũ Huyện Khê, khiến hàm lượng chất rắn lơ lửng, chì… cao gấp nhiều lần cho phép.

Để sản xuất 1 tấn giấy thành phẩm, họ cần hơn 1 tấn giấy phế liệu (trong đó có cả giấy ăn, giấy vệ sinh đã qua sử dụng), hơn 200 m3 nước (trong khi các nhà máy giấy hiện đại trên thế giới chỉ sử dụng khoảng 10m3 nước) khoảng 2 tấn gỗ cùng nhiều hóa chất độc hại…

Để tẩy trắng, làm thơm giấy, họ cần tới rất nhiều hóa chất như xút, javen… Nhiều quán ăn, gia đình nghèo khổ mua về lau miệng, vi khuẩn, bụi giấy, hóa chất độc hại đi thẳng vào cơ thể họ, khiến họ mắc nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp, da và mắt, tiêu chảy, tả, lị, thương hàn… Khi đi vệ sinh, loại giấy này tiếp xúc trực tiếp với cơ quan sinh dục, tạo điều kiện cho hóa chất ngấm vào “vùng kín” của chị em phụ nữ, gây nhiều bệnh phụ khoa…

Khi những quán nhậu, quán cơm bình dân… quét dọn giấy ăn và đổ đi, những cụ già đồng nát nghèo khổ nhặt nhạnh số giấy đó, đem bán lại cho các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê với giá chỉ khoảng 1.000 – 1.500 đồng/kg, rồi đưa tới các lò tái chế, tẩy trắng…

Và Bắc Ninh không chỉ có làng nghề tái chế giấy ở Phong Khê, Bắc Ninh còn có làng tái chế nhôm ở Văn Môn, thép Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, đúc đồng ở Đại Bái, làm bún Khắc Niệm… vô cùng ô nhiễm và độc hại.

Người Trung Quốc đầu tư rất nhiều ở Bắc Ninh, họ có mặt ở mọi nẻo đường, con phố. Cái giá của sự giàu có tạm bợ này là rước giặc vào nhà, phải đánh đổi môi trường, giống nòi, đầu độc cả những người đồng bào khốn khổ, tội nghiệp của mình mà không gì có thể bù đắp, cứu vãn nổi.