Seite auswählen

BBT: Chân thành giới thiệu hai bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

LƯU KIẾN SINH – Người không thể trở về Trung Hoa

Người dân Hongkong biểu tình phản đối dự luật dẫn độ về Trung cộng


Trước giờ khai mạc buổi đọc thơ ở Đài Bắc mà tôi tham gia, một người đàn ông trắng trẻo, vẻ thư sinh nhưng với đôi mắt buồn đến trước tôi và hỏi “ Anh là người Việt Nam à?”. Một giọng tiếng Việt là lạ. Giọng nói tiếng Việt đó không phải của một người Châu Âu học tiếng Việt nhưng cũng không chắc chắn là của một người Việt. Người đàn ông đó là Lưu Kiến Sinh. Tên của ông làm cho tất cả chúng ta nhận ra đó là họ tên của một người Trung Hoa. Chẳng đợi tôi hỏi, ông tự giới thiệu nhanh về mình. Ông là người Hoa ở Chợ Lớn sang Đài Loan sinh sống đã gần 30 năm. 

Dù đã biết ông là người một trăm phần trăm gốc Trung Hoa nhưng tôi vẫn vui khi gặp ông. Mặc dù tôi hay có dịp đi nước ngoài và có lúc đến một nơi xa xôi như chưa bao giờ nghe nói thì ở ngay Đài Bắc tôi vẫn cứ xúc động khi được nghe giọng nói tiếng Việt vang lên. Lưu Kiến Sinh đọc báo thấy có một nhà thơ Việt nam đến Đài Bắc dự Liên hoan thơ Đài Bắc 2007. Ông đến để gặp một người từ mảnh đất ông đã sinh ra, lớn lên và phải rời bỏ ra đi. Ông rời khu người Hoa ở Chợ Lớn ra đi năm 1979. Một năm buồn cho cả người Việt và người Hoa sống ở mảnh đất này. 

Buổi tối ấy, Lưu Kiến Sinh chọn một chỗ ngồi gần cuối hội trường. Ông lặng lẽ nghe các nhà thơ đọc thơ. Khi tôi kết thúc phần đọc thơ, ông không đến bắt tay chúc mừng tôi như những người Đài Loan khác có mặt ở đó. Ông vẫn ngồi im lặng và nhìn về phía tôi. Chỉ khi đêm thơ kết thúc và những người bạn Đài loan đến dự đêm thơ đó đã chia tay tôi, ông mới đến trước tôi và nói rằng ông đã im lặng để nghe tiếng Việt qua giọng đọc thơ của tôi. Tôi nhìn ông và chỉ thấy ánh buồn sâu thẳm từ đôi mắt ông. Lúc đó, tôi cảm giác như ông là một cái gì đó xa xôi và khuất một nửa trong bóng tối. 

Sau đêm thơ, mấy người bạn nghệ sỹ Đài Bắc rủ tôi đi chợ đêm. Chợ đêm ở Đài Bắc. Chúng tôi đi lang thang và trò chuyện về mọi thứ. Thi thoảng tôi chợt nhớ có Lưu Kiến Sinh đi cùng, tôi quay lại kiếm tìm ông và vẫn thấy ông lặng lẽ đi sau chúng tôi. Hình như ông chẳng tham gia vào bất cứ câu chuyện nào của chúng tôi. Nhưng ông không rời bỏ chúng tôi nửa bước. Trong chuyến đi chơi chợ đêm đó, Lưu Kiến Sinh chỉ hỏi tôi một câu là Hà Nội bây giờ ra sao và có chợ đêm như ở Đài Bắc không. 

Lưu Kiến Sinh đã đến thăm Hà Nội hai lần sau năm 1975. Trước năm 1975, ông chỉ biết đến Hà Nội qua những trang viết của Nhất Linh. Ông nói với tôi cho đến bây giờ ông vẫn giữ mãi hình ảnh của Hà Nội qua văn của Nhất Linh. Gần 30 năm sống ở nước ngoài, ông chưa một lần trở về Trung Hoa cho dù đó chính là nơi cụ kị ông sinh ra và lớn lên. Nhưng cứ vài năm ông lại trở về Việt nam và tìm cách đi Hà Nội khi nào có thể. Sau khi phải rời bỏ Việt Nam ra đi năm 1979, Lưu Kiến Sinh định cư ở Đài loan một thời gian. Nhưng ông vẫn cảm thấy trống vắng và hoang mang. Một cái gì đó làm cho ông cảm thấy ông không thể nào yên lòng. Cái gì? Ông cũng không biết một cách rành mạch và đầy đủ. Thế rồi ông quyết định sang Pháp làm ăn và sinh sống. Ông đã yêu một cô gái người Bắc Kinh sang Pháp du học. Rồi họ lấy nhau và sinh một cậu con trai. Bao nhiều lần vợ ông tha thiết rủ ông về Trung Hoa để thăm gia đình cô. Ông chỉ im lặng và không một lần trở về Trung Hoa. 

Sau gần mười năm sống ở Paris, ông vẫn thấy ông chưa ở đâu cả mà vẫn lang thang trên con đường nào đó trên mặt đất này. Ông nói với tôi rằng mỗi tối trở về ngôi nhà ở Paris ông vẫn thấy gió lạnh thổi vào lưng. Có lẽ đó là cách nói của ông để nói về sự trống vắng nào đó chăng? Và gần mười năm ở Paris, theo ông, công việc có ý nghĩa nhất của ông là dịch tác phẩm của Nhất Linh sang tiếng Hoa và in trên một tờ Trung Hoa Báo xuất bản ở Pháp. Khi còn ở Chợ Lớn, ông đã dịch Nhớ rừng của Thế Lữ sang tiếng Hoa và xuất bản trên tờ báo tiếng Hoa ở Sài Gòn năm 1972. Tôi tự đoán lý do vì sao ông lại yêu bài thơ Nhớ rừng như thế. Có một khoảng u tối và một khát vọng mạnh mẽ trong thân xác mong manh và gương mặt yếu đuối của một người đàn ông là Lưu Kiến Sinh. Thế là sau nhiều năm ở Paris, ông lại trở về Đài Bắc. Ông vẫn đi tìm một nơi trú ngụ. Một nơi mà mỗi tối để ông trở về không còn thấy gió lạnh thổi vào lưng nữa. 

Trong những ngày ở Đài Bắc, buổi nào có tôi đọc thơ là ông lại đến. Vẫn như lần đầu tôi nhìn thấy, ông lặng lẽ tìm một chỗ ngồi hơi khuất ánh sáng và nghe thơ. Tôi không biết ông đến để nghe thơ hay nghe giọng nói tiếng Việt. Ông cũng sáng tác thơ nhưng không nhiều và sáng tác bằng tiếng Trung Hoa. Mấy năm nay ông viết ca khúc. Ông có ý định xuất bản một CD những ca khúc của ông ở Việt Nam. Ông hỏi tôi ông có thể thu âm những ca khúc của ông ở Việt Nam không ? Ông vẫn ao ước lời những ca khúc của ông được dịch ra tiếng Việt và được hát ở Việt nam. 

Một chiều được nghỉ, tôi và ông lang thang dọc một số đường phố ở Đài Bắc. Trời có gió và bắt đầu se lạnh. Khi chúng tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế ở khu phố đi bộ, tôi đề nghị ông hát một bài hát của ông cho tôi nghe. Ông cúi đầu một lát rồi cất giọng hát bằng tiếng Trung Hoa. Có một người đi vào trong rừng và không bao giờ trở lại…Đấy là lời bài hát mà ông dịch ra tiếng Việt cho tôi nghe. Trong gió lạnh ở một chốn xa lạ và với đôi mắt lúc nào cũng buồn và xa xôi và giọng hát của ông đã làm cho tôi rơi vào tâm trạng giống như tâm trạng của ông gần 30 năm nay. Tâm trạng của người luôn thấy gió lạnh thổi vào lưng ngay khi ta đã ở trong một ngôi nhà hay ngay cả khi ta đang ngồi bên bếp lửa nhưng lại không phải là ngôi nhà hay ngọn lửa nơi ta sinh ra và lớn lên. 

Có lẽ điều ấy đã gợi cho tôi hiểu được chút nào đó về số phận của một con người như ông. Bây giờ, hàng ngày ông đi làm như một công chức. Ông là một chuyên viên kỹ thuật máy tính. Ông nói ông bắt đầu nghề này từ khi thế giới có những chiếc computer đầu tiên. Ông đã ly dị vợ mấy năm rồi. Con trai ông giờ làm việc ở Pháp. Mỗi năm nó về thăm ông một lần. Vào ngày nghỉ cuối tuần, hầu như ông chẳng đi đâu chơi. Ông chỉ có một thú vui là ra công viên chơi cờ tướng. Ồng là một tay cờ thượng thặng ở đất Đài Bắc. Khi ông còn sinh sống ở Paris, ông đã được tiếp cờ một danh thủ cờ tướng của Trung Hoa khi ông này sang thăm Pháp. Ông nói với tôi trong trận giao hữu đó ông đã thắng. Ông nói đến chiến thắng. Tôi đã chờ đợi một nụ cười trên gương mặt ông. Nhưng từ gương mặt ấy tôi vẫn chỉ thấy một đôi mắt buồn. Có điều gì bí mật nữa làm ông mang một gương mặt buồn bã và xa xôi như thế ? Và gió lạnh gần 30 năm qua thổi vào lưng ông giờ cũng thổi vào lưng tôi.

Cho đến lúc này, lòng tôi mỗi lúc một vang lên nhiều hơn câu hỏi: Lưu Kiến Sinh, ông là một người Trung Hoa hay là một người Việt? Cố hương của ông là ở đâu hay ông chẳng có một cố hương nào? Lúc này, tôi nghĩ đến nguồn cội tâm hồn và nguồn cội ký ức của một con người. Tôi cho rằng : mỗi con người đều có hai bản lý lịch. Một bản lý lịch thô thiển và vô cảm để chúng ta trình báo. Còn một bản lý lịch của những đau buồn và những giấc mơ. Ông không có ước mơ trở về Trung Hoa không phải vì ông không yêu mảnh đất của tổ tiên ông. Ông nói với tôi ông chỉ trở về Trung Hoa của tổ tiên ông sau khi ông chết, còn đang sống ông không bao giờ có cảm giác sẽ trở về Trung Hoa của thời hiện tại. Ông không tìm được tình yêu với một Trung Hoa của bây giờ. Và điều ấy đã làm cho ông đau đớn suốt cuộc đời mình.

Nguyễn Quang Thiều
(14.06.2019) 
( lược trích từ cuốn NGƯỜI, nxb Phụ Nữ năm 2010 )

***

Phố Tàu và một người đàn bà Việt

Những khu phố và đặc biệt những ngôi nhà của những người Hoa trong các ngõ phố lúc nào cũng âm u và đầy vẻ lo ngại với những người chưa quen. Trước kia, ở Hà Nội có nhiều gia đình Hoa kiều nhưng tôi chưa một lần bước vào bất cứ một ngôi nhà nào đó của họ. Và thế, ngôi nhà của người Hoa lần đầu tiên tôi bước vào là một ngôi nhà ở phố Thượng Hải, thủ đô La Havana. Hồi học ở đó, có ba thứ của người Hoa mà sinh viên Việt Nam hay mua, đó là sâm nước, mì chính và mỳ sợi tươi. Người Cuba giống người Châu Âu và nhiều nước khác không dùng mì chính. Vì vậy những sản phẩm đó chỉ để bán cho chính người Hoa ở đó và một số sinh viên Châu Á.

Tôi đã bước vào ngôi nhà của người Hoa nằm trong một cái ngõ trên phố Thượng Hải ở khu vực La Havana cổ. Một ngôi nhà trần rất cao và phòng khách khá rộng. Những đồ gỗ, tủ, bàn uống trà đều bằng gỗ đã sẫm màu thời gian. Ánh sáng rất ít trong căn phòng. Chỉ có một chiếc bóng đèn nhỏ tỏa ánh sáng vàng đục. Tôi quan sát thấy các lối đi và các phòng trong ngôi nhà đều phủ bóng tối. Trên một bức tường chính diện với cửa ra vào có treo hai bức ảnh. Một bức ảnh tôi nhận ra ngày đó là Mao Trạch Đông. Ở giữa phòng khách là ông chủ ngôi nhà. Một người đặc Trung Hoa. Tóc cắt ngắn, áo cổ khuy cài bằng vải. Ông ta ngồi trong một chiếc ghế bọc nhung to đã bạc màu. Ông nói chuyện với chúng tôi bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha đặc thổ âm tiếng mẹ đẻ của ông. Khi chúng tôi hỏi mua mấy thứ hàng nói trên, ông gọi vọng vào căn phòng bên cạnh. Một người đàn bà chắc là vợ ông bưng một cái thùng gỗ cũng thẫm màu thời gian ra và mở ra. Trong đó đựng những lọ sâm nước và những gói mì chính. Hồi ở Cuba, sinh viên chúng tôi thường nấu ăn thêm mà chủ yếu là mỳ sợi với thịt hộp nên hay dùng mì chính. Còn sâm nước là mua giúp cho mấy cán bộ Việt Nam sang công tác mang về nước.

Ở La Havana hồi tôi đang học không có Chinatown nhưng sau này thì có. Ở Việt Nam có khu người Hoa rất lớn gọi là Chợ Lớn chứ không gọi là Chinatown. Nhưng ở rất nhiều nước trên giới thì có. Từ xa người ta đã có thể nhận ra Phố Tàu bởi cái cổng to trang trí rồng phượng rực rỡ. Có một đặc điểm là bên ngoài những ngôi nhà người Tàu thường rực rỡ nhưng bên trong thì âm u và đầy bí ẩn của những lo ngại mơ hồ. Một lần đến phố Tàu, một người Cuba hỏi tôi có phải tôi đến thăm người đàn bà Việt Nam không. Tôi ngỡ ngàng vì không nghĩ có người Việt Nam sống ở Cuba như vậy ngoại trừ một vài sinh viên học xong lấy vợ người Cuba và ở lại. Nghe vậy, tôi thực sự tò mò và tìm cách gặp người đàn bà này.

Và đến một ngày, tôi đã gặp người đàn bà Việt Nam trong khu phố ấy. Một người đàn bà làm dâu một gia đình Trung Hoa từ khi còn rất trẻ. Năm bảy tuổi, bà được đưa từ Bắc Giang xuống Hà Nội làm con ở cho một gia đình Hoa kiều. Sau đó, gia đình Hoa kiều này chuyển vào Sài Gòn sinh sống và buôn bán. Thấy cô bé xinh đẹp và thông minh họ đưa cô bé đi theo. Gia đình người Hoa cho gọi mẹ cô bé đến và nói rõ câu chuyện. Vì gia đình quá ngèo khổ, bà mẹ đồng ý cho con đi theo gia đình người Hoa và nhận một ít tiền.

Khi gặp tôi, bà đã đứng lặng nhìn tôi mà không trả lời câu hỏi của tôi : “ Bà là người Việt Nam à ?”. Bà đã khóc vì câu hỏi ấy. Bà cố gắng nhớ một câu tiếng Việt cho trọn vẹn nhưng không thể làm được. Bà phải nói với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha. Bà nhớ Hà Nội và cái làng quê xa lắc của bà mà bà không còn nhớ tên làng được nữa. Khi đứa con đầu lòng ra đời, bà đã cầu xin chồng mình bằng được để đặt tên cho đứa con là Thăng Long. Vì tất cả những gì bà sống cho gia đình người Hoa ấy đã làm người chồng chấp nhận tên đứa con của ông ta bằng một cái tên Việt Nam. Bà nói với tôi thi thoảng bà vẫn mơ về mảnh đất Việt Nam. Mơ về cái làng nơi bà sinh ra và lớn lên rồi ly biệt nó từ khi còn rất nhỏ. Nhưng bà biết, bà không còn cơ hội để trở về mảnh đất ấy. Bà không thể trở về bằng thân xác bà nhưng bà luôn trở về trong những giấc mộng. Bà vẫn tự may cắt áo tứ thân như hồi còn trẻ ở Việt Nam bà mặc mỗi khi Tết đến. Và không chỉ mỗi khi Tết đến mà mỗi khi có sự kiện gì đó bà lại mặc chiếc áo tứ thân. Bà vẫn để tóc như một phụ nữ Việt Nam từ thập kỷ 30, 40 của thế kỷ trước. Chỉ có tiếng mẹ đẻ là bà không thể nào nói được nữa. Khi mới rời Việt Nam lúc bà chỉ mới 11 tuổi, những năm đầu tiên đêm nào trước khi ngủ bà cũng hình dung ra những người thân yêu của mình còn ở Việt Nam và nói chuyện với hình ảnh của họ để khỏi quên họ và quên tiếng mẹ đẻ. Nhưng thời gian khắc nghiệt cứ đẩy bà xa dần ngôn ngữ ấy. Tôi là người học ngoại ngữ và tôi thông cảm với bà.

Sau khi gặp tôi, bà đã mời tôi đến ăn cơm với gia đình bà vào ngày Chủ nhật để đứa con trai bà có thể gặp tôi, một người từ mảnh đất chôn nhau cắt rốn của bà. Trong suốt thời gian học tập ở Cuba, ba lần bà đến tận cư xá của tôi ở để thăm tôi và mang tôi cho một món ăn Việt Nam mà bà vẫn còn nhớ. Đó chính là món cá kho. Tặng tôi món cá kho nhưng bà rất lo lắng vì nghĩ tôi không còn nhận ra hương vị món ăn quê hương do bà nấu nữa. Mỗi khi tôi khen bà nấu ngon và rất Việt Nam thì tôi thấy bà vui như một đứa trẻ. Có lúc bà đã khóc vì sung sướng.

Khi tôi báo cho bà tôi chuẩn bị về Việt Nam bà vô cùng buồn. Tôi hỏi bà còn nhớ một ai trong gia đình bà không để tôi có thể đi tìm và cho họ biết thông tin về bà. Nhưng bà không thể nhớ được một ai cụ thể nữa. Trước khi tôi về, bà đã đưa tôi một bọc vải nhỏ trong đó đựng một túm tóc của bà. Bà nói với tôi hồi nhỏ mẹ bà nói với bà nếu phải tha phương cầu thực thì tìm cách gửi một túm tóc mình về quê để sau này chết mà nhớ đường về quê. Bà nhờ tôi thả túm tóc đó xuống một dòng sông nào đó ở Việt Nam hay vùi vào một cánh đồng nào đó để khi bà chết thì linh hồn bà biết đường tìm về với xứ sở mình. Lúc này không phải bà khóc mà tôi khóc. Tôi xúc động đến lạnh người. Tôi hứa với bà tôi sẽ thực hiện mong ước của bà. Và vào một ngày mùa đông năm 1989, sau khi về nước được gần hai tháng, một buổi tối tôi đạp xe ra cầu Long Biên và thả túm tóc bà xuống sông Hồng.

Bây giờ đã là năm thứ 26 kể từ ngày tôi từ Cuba trở về nước. Tôi nghĩ nếu bà còn sống thì năm nay bà đã hơn trăm tuổi. Tôi không biết bà có còn sống không. Nhưng có một điều tôi tin : đó là bà sẽ trở về xứ sở của mình cho dù thế nào. Bà chỉ là một cô gái đi ở và trở thành dâu của gia đình người Hoa và sống trong cái cộng đồng đông đúc, dị biệt và âm u ấy nhưng trái tim bà, tâm hồn bà và linh hồn bà vẫn không hề thay đổi. Có thể có nhiều Trung Hoa bé nhỏ ở trong lòng các nước khác như Úc, Pháp, Mỹ, Đức….Tôi lại nhớ đến nhận xét của một nhà nghiên cứu Úc về các Chinatown hay là sự ảnh hưởng của Trung Hoa với chính các nước sở tại. Nhưng có một người đàn bà Việt Nam tưởng như yếu đuối, đã không còn nói được tiếng Việt lại sống một cách mãnh liệt và như không có gì lấn át được trong một cộng đồng người Tàu đông đúc, âm u và đầy lo ngại như thế.

Nguyễn Quang Thiều

Thị xã Hà Đông, tháng 6 năm 2015
( Rút từ ghi chép : Trên một hòn đảo vùng Ca-ri-bê ) 

( bài viết này đã in trên báo Pháp Luật & Cuộc sống năm 2016 )

Chinatown ở thủ đô La Havana, Cuba – nguồn internet