10.7.2019
VOICE, một tổ chức phi chính phủ đăng ký tại Hoa Kỳ, dù bị chính quyền Việt Nam dán nhãn là “phản động và chống đối nhà nước,” nhưng vẫn nỗ lực theo đuổi mục tiêu cải thiện tình hình nhân quyền Việt Nam thông qua thúc đẩy xã hội dân sự và pháp quyền trong nước.
Với mục tiêu xây dựng một xã hội dân sự (XHDS) độc lập, mạnh mẽ và năng động tại Việt Nam, VOICE – Sáng kiến Thể hiện Lương Tâm Người Việt Hải ngoại – đã triển khai khóa đào tạo trong hơn 8 năm qua nhằm giúp các học viên trở thành những công dân tích cực, giàu tinh thần cộng đồng, và được trang bị các kiến thức nền tảng để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội.
Anh Nguyễn Trí, người phụ trách truyền thông của VOICE tại Manila, Philippines, chia sẻ với VOA:
“Hiện tại VOICE đang làm việc trong bốn lĩnh vực chính: đào tạo, vận động, xây dựng XHDS ở Việt Nam, và hỗ trợ cho người tị nạn.
“Gần đây là cuộc vận động Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) ở châu Âu, kêu gọi ràng buộc Việt Nam trong hiệp định tự do thương mại với EU để Việt Nam tôn trọng nhân quyền hơn.
“VOICE có đại diện tại Việt Nam và hỗ trợ các dự án, có thể hỗ trợ bằng tiền, tư vấn…
“Dù trước đây VOICE được thành lập dựa trên cơ sở tái định cư người tị nạn nhưng càng ngày thì thực hiện chương trình này càng ít đi. Cách tốt nhất để chấm dứt vấn đề tị nạn là thay đổi đất nước.”
Với mục tiêu xây dựng một xã hội dân sự độc lập, mạnh mẽ và năng động tại Việt Nam, VOICE đã triển khai khóa đào tạo XHDS trong hơn 8 năm qua. Sứ mệnh của khóa đào tạo này là giúp các học viên trở thành những công dân tích cực, giàu tinh thần cộng đồng, và được trang bị các kiến thức nền tảng để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội.
Trong một video trực tuyến vào đầu tháng 7, Luật sư Trịnh Hội, sáng lập viên và là Giám đốc Điều hành của VOICE, nói:
“Chương trình đào tạo XHDS là ý tưởng của nhiều anh em, trong đó có Luật sư Lê Công Định, Luật sư Lê Quốc Quân.
“Vào những năm 2007, 2008 tôi có về làm việc tại Việt Nam và gặp LS Định và có bàn chuyện mở các khóa học. Nhưng sau 6 tháng ở Việt Nam thì tôi bị đuổi đi, sau đó thì Lê Công Định vào tù, và Lê Quốc Quân cũng vào tù, rồi Nguyễn Văn Đài cũng vào tù.
“Vì những người bạn của tôi vào tù hết, chỉ còn mình tôi và tôi có dịp biến ý tưởng này thành hiện thực.”
Các đại diện của tổ chức phi chính phủ có liên kết và đối tác tại Úc, Canada, và châu Âu cho biết từ năm 2011 cho đến nay, đã có hơn 130 học viên được VOICE đào tạo, nhiều người trong số đó hiện đang là những nhà hoạt động tích cực tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quân, nhân viên phụ trách các chương trình đào tạo của của VOICE, nói:
“VOICE đưa ra chương trình đào tạo với mục tiêu là nâng cao năng lực và kỹ năng cho các nhà hoạt động để họ hoạt động tốt và hiệu quả hơn. VOICE có hai chương trình đào tạo chính: dài hạn và ngắn hạn.
“Chương trình dài hạn kéo dài 6 tháng trong đó có 4 tháng học viên từ Việt Nam sang có thể học tại Bangkok hoặc tại Manila. Các chủ đề học bao gồm lịch sử, chính trị, nhân quyền, kinh nghiệm hoạt động, tiếng Anh, gặp gỡ các nhà hoạt động trong nước cũng như quốc tế…
“Chương trình ngắn hạn thì kéo dài 1 tuần đến 1 tháng, tùy theo nhu cầu của từng năm như quyền dân sự, tự do báo chí…”
Chương trình đào tạo của VOICE không chỉ chú trọng đào tạo các kiến thức căn bản về chính trị – xã hội cho học viên, mà còn trao cơ hội để học viên có những trải nghiệm thực tiễn, cũng như giúp học viên tạo mối quan hệ với các tổ chức quốc tế.
Anh Nguyễn Quân cho biết thêm rằng các học viên của VOICE cũng được thu xếp tham quan các tổ chức NGO quốc tế hoặc các Nghị viện, Ủy ban Nhân quyền, Trụ sở Liên Hợp Quốc …để tìm hiểu về đời sống chính trị thực tiễn.
“Tôi nhận thấy mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam được gia đình và nhà nước tạo điều kiện để ra nước ngoài ăn học, làm việc. Trong khi đó, những nhà hoạt động xã hội dân sự, tức những người đang sẵn sàng hy sinh cả sự nghiệp và cuộc sống của họ vì tương lai đất nước, thì lại không được trao tặng những cơ hội như thế. Vì vậy, tôi nghĩ VOICE cần phải hỗ trợ họ,” Luật sư Trịnh Hội nói trong một tuyên bố.
Vì là một tổ chức tiên phong trong việc đào tạo các nhà hoạt động xã hội, VOICE từ lâu đã là một “cái gai” trong mắt các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Quân nhận định:
“VOICE là một tổ chức của người Việt hải ngoại bên ngoài Việt Nam, bị nhà nước quy kết cho là liên quan đến các hoạt động khủng bố, phản động…Nhà nước Việt Nam biết được thông tin của học viên thì khi học viên trở về Việt Nam có thể bị thẩm vấn…nếu tiếp tục hoạt động thì sẽ gặp khó khăn hơn…”
Vào tháng rồi, báo Công an Nhân dân của Việt Nam viết rằng nội dung khóa đào tạo của VOICE là “kích động người dân chống đối chính quyền.”
Tờ báo của Bộ Công an viết: “Cái gọi là ‘học bổng xã hội dân sự VOICE’ thực chất chính là một khoá đào tạo chống phá chính quyền Việt Nam. Núp dưới danh nghĩa học bổng, núp dưới vỏ bọc xã hội dân sự, các đối tượng tiến hành tập trung các phần tử có tư tưởng lệch lạc, biến chất người Việt để từ đó huấn luyện, đào tạo thành các hạt nhân chống đối.”
Báo Nhân dân từng có bài tố cáo rằng VOICE là “cánh tay nối dài” của tổ chức “khủng bố” Việt Tân.
Ngược lại, theo đại diện của VOICE, các học viên hoàn toàn được tự do lựa chọn quan điểm, cách nhìn, và thái độ đối với các vấn đề xã hội. “Sứ mệnh của khóa đào tạo XHDS của VOICE là giúp các học viên trở thành những công dân tích cực, giàu tinh thần cộng đồng, và được trang bị các kiến thức nền tảng để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội.”
Trịnh Hội, Nhà sáng lập VOICE, phát biểu:
“Nếu như tôi không tin rằng XHDS Việt Nam sẽ có một ngày trưởng thành thì tôi không thực hiện chương trình đào tạo này. Tôi vẫn nghĩ rằng trong một ngày gần nhất tuổi trẻ Việt Nam sẽ đủ mạnh, đủ lớn, và đủ trưởng thành để đứng lên để xây dựng một nền XHDS độc lập mạnh mẽ và năng động.”
Ông Nguyễn Trí cho biết thêm:
“Hiện tại VOICE không có học viên nào bị giam cầm tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số người bị sách nhiễu, tịch thu hộ chiếu, cũng có người bị đánh…Càng ngày thì VOICE càng làm tốt công việc bảo vệ an toàn cho học viên.
“Blogger Mẹ Nấm và nhà hoạt động Trần Thu Hà là những cựu học viên những khóa đầu, khi ấy VOICE cũng còn bỡ ngỡ trước việc đảm bảo an toàn, bảo mật cho học viên. Sau này VOICE có nhiều cách để giữ an toàn cho các bạn…”
Báo Nhân dân từng xác nhận việc các học viên VOICE bị sách nhiễu sau khi trở về nước. Tờ báo của Đảng viết: “Phần lớn trong số họ bị cơ quan an ninh triệu tập, lấy lời khai, đưa vào danh sách ‘chưa được phép xuất cảnh’ với thời hạn nhất định…”
Anh Trần Hoàng, một học viên của VOICE ở Manila, nói với VOA:
“Ở trong nước chúng ta thiếu những kiến thức để tiếp cận các kỹ năng cần thiết để hoạt động, và cũng không có tổ chức nào thực hiện các khóa học này nên tôi quyết định đăng ký tham gia khóa học của VOICE. Qua bên này tham gia học tập cùng các giảng viên và các học viên khác, tôi nhận được nguồn cảm hứng rất lớn để tham gia vào các phong trào XHDS ở Việt Nam.”
Anh Hoàng nhận định VOICE thực sự mang đến cơ hội rất tốt cho giới trẻ Việt Nam.
“VOICE cho các bạn nhiều cơ hội tốt để tiếp xúc với các tổ chức quốc tế, đặc biệt giúp các bạn trẻ Việt Nam muốn đóng góp công sức của mình để thay đổi xã hội, thay đổi đất nước. VOICE thật sự là nơi để các bạn thực hiện ước mơ của mình trong công cuộc cải tạo và xây dựng đất nước.”
Nhà hoạt động Nguyễn Vi Yên, cũng từng là một học viên của VOICE, phát biểu trong một buổi giao lưu trực tuyến hôm 4/7.
“Vi Yên nghĩ rằng phong trào XHDS Việt Nam tuy còn yếu nhưng chúng ta cần có những người đầu tiên. Rất may mắn là VOICE là tạo điều kiện cho những người đầu tiên đó dám dấn thân vào các công việc hoạt động xã hội bất chấp khó khăn. VOICE tạo điều kiện cho họ phát triển, trưởng thành, đi đây đó, học tập… sau đó trở về đóng góp cho đất nước. Vi Yên nghĩ đây là một cơ hội đáng quý cho những ai mong muốn có thể làm nhiều điều để thay đổi Việt Nam một cách tích cực.”
Bạch Hồng Quyền, một nhà hoạt động vì môi trường ở Việt Nam, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Canada và đầu tháng 5/2019, sau một thời xin tị nạn chính trị tại Thái Lan và được tổ chức VOICE hỗ trợ.
“Tôi ở Thái Lan gần 2 năm, nơi những người tị nạn gặp rất nhiều khó khăn. Tôi là một trong những người may mắn được VOICE bảo trợ để định cư tại Canada thông qua Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế. Những người không may mắn còn lại, có người đã ở đó gần 10, 20 năm …nhưng vẫn chưa được cấp quy chế tị nạn. Họ sống lưu vong, chui lủi, sống trong lo sợ vì sợ sẽ bị trục xuất về Việt Nam.”
“Ở Thái Lan có nhiều người cùng cảnh ngộ với tôi, có người tị nạn vì lý do tôn giáo, có người vì đất đai mà phải chạy trốn do chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp; có người đi lao động khi về thì bị chính quyền tìm cách đàn áp, khủng bố để không thể sống được trên quê hương mà phải đi lưu vong qua Thái Lan để tìm con đường tự do.”
VOA