Seite auswählen

„…dòng thơ bi thống của Lâm Hảo Dũng lại như tiếng chim chiều vội vã thu không tìm đường xuôi ngược về tổ ấm, rơi rớt trên những chiếc ráng chiều, những tâm khúc u hoài, mà nhà thơ cõng trên lưng đi khắp đoạn đường thống thiết băng ngang ….“

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM 

Tập thơ LÂM HẢO DŨNG, Tranh bìa TRƯƠNG THÀNH VÂN, (NXB Khai Phá – tháng 04/1975)

Chư Pao ai oán hờn trong gió

Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường.

Không hiểu sao, mỗi lần liên tưởng về Lâm Hảo Dũng, nỗi buồn rười rượi phủ trùm lên trái tim tôi, là mỗi lần hiện về hai câu thơ oan nghiệt đó. Không phải ở đây chỉ là một sự rung động chân phương, nghiệt ngã thẩm thấu trong một không gian vàng bay ngơ ngác, phủ trùm tang tóc suốt ấn tượng chiêu hồn, đang mọc nấm hoang dại trên con đường sử của quê hương . Mà còn đậm nét nhân bản, tàn bạo phủ chụp xuống kiếp người, kéo dài dằng dặc định kiếp của hơn mấy ngàn năm qua. Bản chất tôi, thường vô tình quá đổi với cuộc sống đời thường, suốt đời lặng lẽ đi vào ngõ vắng văn nghệ. Tôi chưa hề thuộc bất cứ một bài thơ nào, dù thơ tôi hay của thế nhân. Có lẽ ngoài điểm yếu đó, phải chăng cũng có cái hay không trùng lấp ngoại lai khi sáng tác? Nhưng với thơ Lâm Hảo Dũng, không hiểu sao vẫn thường nhỏ giọt quanh trí não tôi, từng câu thơ loáng thoáng bay nhảy khảm chặt vào từng tế bào. Nhiều lúc, bật tung lên như có một sự đồng cảm phù thủy, khiến tôi khổ sở có lúc gắng sức đè nén những câu thơ anh không trôi nổi quanh nỗi nhớ. Tôi vẫn thường xuyên du hành trong cái tâm không, quầy quả chấp tay sau lưng, tĩnh du cho đầy ngõ trống.

Thơ Lâm Hảo Dũng như một bức tường pha lê dựng lên trước mặt, mặc khí hậu ra sao, vẫn hóa thân vào nhãn giới tôi và lặng lẽ bước đến…

Từ sơ giao đến ngày nầy, có lẽ cũng hơn ½ thế kỷ, bắt đầu từ thời gian 1966 dưới tàng cây phượng vĩ sum suê lung linh sắc hè của trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Đó là ngày đầu tiên tôi diện kiến nhà thơ. Lâm Hào Dũng đã chính thức từ bỏ bút hiệu Mây Viễn Xứ trở lại nguyên hình bản lai. Tên thì có thể thay đổi, nhưng thơ Lâm Hảo Dũng vẫn trung trinh một hướng thơ chuyên biệt. Những năm Mây Viễn Xứ và tôi thường đăng chung ở nhiều tờ báo đương thời, mà bút hiệu Mây Viễn Xứ lãng bạt không định hướng của chòm mây lang thang, dù sao khắc ghi nhiều đồng cảm tin yêu của những kẻ làm thơ cô quạnh chung quanh.

Hướng đi cho thơ, một phần được thể hiện trong bút hiệu ban đầu, sự diệu vợi lãng du như cánh mây trời lang thang trôi dạt nửa trong hồn người làm thơ, nửa ký gởi quanh cuộc đời đầy sương gió. Có thể nói, sự tin yêu Mây Viễn Xứ, ngoài tài hoa từ những vần thơ man mác, riêng lẻ của riêng nhà thơ, thì bút hiệu cũng gây nhiều thiện cảm cho những người đa cảm đồng điệu đương thời. Với một nhân dáng thư sinh thanh tú, Lâm Hảo Dũng bước vào đời bằng hồn thơ lưu xứ, lang bạt phiêu bồng như đám phù vân. Thanh thoát và mang nặng một hoài niệm vời vợi giữa bản thể và cuộc sống trôi dạt đời thường. Có lẽ chính vậy, sự đột khởi của tâm và ý giữa sự phù ảo hư không phiêu bạt, nên bút hiệu Mây Viễn Xứ là bước đầu định vị tâm thức của người làm thơ.

Thơ Lâm Hảo Dũng phiêu bạt nhiều trong thi ca, trên các vườn thơ các nhật báo, tạp chí đương thời thập niên 60-70 thế kỷ trước. Định vị thật sang trọng và bát ngát, nhất là khuôn mẫu của dòng thơ lục bát. Nên cái hay của Lâm Hảo Dũng là áp dụng tinh hoa văn hóa sáu tám đặc thù quê hương, sự trầm bổng điêu linh hóa hiện lung linh trong một hồn thơ dân tộc, đưa khí lực thơ đạt đến cảnh giới tinh túy phiêu bồng với quan điểm thi ca riêng cõi. Sự rung động trong dòng thơ trong thời khắc ban đầu đã bước được vào định nghiệp riêng, chẳng phải là một lối đi xuyên sơn, tâm huyết và độc đạo? Lâm Hào Dũng phiêu bạt trên hồn thơ mình, luân chuyển kỳ khu ngày càng tinh tế và siêu tuyệt. Chính vậy, trong giai đoạn chín mùi hỏa hầu được trui luyện thật can trường, bi thống nhất của những năm đầu thập niên 70. Sự trôi dạt tận cùng đất nước trong giai đoạn khốc liệt cuộc chiến trên quê hương. Nỗi nhà canh cánh mẹ già và đàn em dại, sự ngăn cách giữa tư thân trong bối cảnh tiêu điều trên bước đường nhà thơ đi qua, khiến dòng thơ Lâm Hảo Dũng chìm ngấm trong sự rung động tận cùng của trái tim. Ngôn ngữ chỉ là cầu nối của tâm thức và nhân gian, nên dù sao cũng có một sự hạn hẹp, nhưng dòng thơ bi thống của Lâm Hảo Dũng lại như tiếng chim chiều vội vã thu không tìm đường xuôi ngược về tổ ấm, rơi rớt trên những chiếc ráng chiều, những tâm khúc u hoài, mà nhà thơ cõng trên lưng đi khắp đoạn đường thống thiết băng ngang ….

Năm 1972, khi tuần báo Khởi Hành mở chuyên mục trao đổi với độc giả, chọn 100 nhà thơ đương thời được công chúng tin yêu, thì Lâm Hảo Dũng cũng thường xuyên được chọn trong nhiều bản nhận định đăng tải hàng tuần. Chỉ có điều sự nhận xét thơ Lâm Hảo Dũng trong dòng thơ hiện hữu, tương đồng với thơ Quang Dũng. Đó là điều góp củi thành bó, vô cùng dễ dãi trong thưởng ngoạn. Đi vào một chiều hướng văn hóa và định vị một khuynh hướng, ngoài sự thông thấu công tâm của người nhận định, còn phải thận trọng và thông thái trên quan điểm phán xét. Thơ Quang Dũng mang hình thức trưởng giả trong sự khuynh khoái, kiêu hùng, câu thơ sang trọng cách tân trong giai đoạn tiền chiến, dung hòa giữa trào lưu mới và cũ. Nên sự làm mới ngôn ngữ và tư tưởng, là điều cần thiết của trí tuệ, chính vậy thơ Quang Dũng đậm nét trao chuốt bi hùng và trưởng giả.

Thơ Lâm Hảo Dũng hoàn toàn không giống như vậy, không có một sự dung nạp đỗ đồng, vì dòng thơ Lâm Hảo Dũng chuyển biến từ thái cực của một sự trôi dạt  đa cảm, phiêu bạt của vầng mây lưu phương trong tâm thức, thai nghén từ bọc điều được xé toang ngay từ buổi thiên khai bắt đầu bước vào ngưỡng cửa thi ca, không có một xấp đặt hậu thiên. Dĩ nhiên, bước đầu của một tài hoa chân đất khác biệt cực kỳ với những tâm hồn làm thơ trong tâm sinh lý trưởng giả, hoạch định hướng tới cho dòng thơ. Thơ Lâm Hảo Dũng quả thật định hình không từ rung động của trí tuệ mà từ rung động của trái tim, quầy quả lưu lạc từ hồn mây phiêu bạt đến sự trưởng thành vững chải của một thi nhân. Một quá trình hóa đá thành vàng, luyện kim trong một hỏa hầu tiệm tiến và đạt ngộ sau nhiều cuộc hóa thân. Thơ Lâm Hảo Dũng sở dĩ lưu lại lòng người một cách chân tình, bởi sự chân thật và ngôn ngữ thơ anh, không còn những sáo ngữ sang trọng, mà là những dòng nước mắt, là máu trái tim, mộc mạc giản dị đầy nhân bản. Tiếng thống thiết gọi đò của Trần Tế Xương, giữa thương hải biến vi tang điền, cũng ngơ ngác bi thống như vậy.

Sự bộc phát thơ Lâm Hảo Dũng từ thập niên 70, trước biến động của đất nước, đất nước của một dân tộc đã chịu nhiểu nỗi thống khổ ba lần hơn ngàn năm Bắc thuộc, hơn trăm năm thuộc địa thực dân Tây, mỗi người dân đều triều dâng tâm thức quyết liệt với ngoại xăm trên mọi hình thức. Văn nghệ sĩ có một hồn người nhạy cảm, sống nhiều nội tâm, nên thấu rõ bằng trái tim tâm huyết… Từ bởi chiến tranh hoài sao biết được/ nên đời trai gởi gió sương nuôi hoặc em khóc dòng sông ta khóc ta/ ngay đi thương sợi khói bên nhà/ ngày đi như thể không về nữa/ nghe gió rừng xa vọng tiếng ca

Thơ Lâm Hảo Dũng đầy bi thống, như ký gởi tất cả những hoài niệm của ngày tháng vô định, khi đi cố nhớ hàng cau nhỏ/ một liếp dừa xanh ngọn táo vàng/ ta cũng hát bài chinh chiến tận

Hình như trong sương gió, ta thấy trùng trùng hình bóng chinh nhân khoát vội phong sương trên nếp áo, mang theo hồn đất, gió trăng, vườn xanh ổi chín, làn khói sau hè, tiếng ru buồn của mẹ với hình bóng còm cõi của mẹ già như khói bên thềm cũ …đã được nhà thơ nhốt vội vào hồn, cùng với gió trăng làm tàn cuộc tiễn đưa:

Mẹ có mắt sầu riêng cao chất ngất

Nên hồn con lạnh lẽo đến bao giờ

Nhà chắc dột bởi từ khi vắng mặt

Những thằng con đủ cánh để bay xa

 Và dòng sông thương những hàng rơm mục

Những hàng cau buồn chết được lòng con

Thuở mẹ già biết cau còn kết trái

Biết con còn thấy mẹ lúc hoàng hôn

Như lũ sáo vu vơ ngoài dậu cũ

Mắt đăm chiêu ngày nắng mới chang chang

Mẹ vẫn cứ mồ hôi trên áo vá

Đắp vồng khoai liếp cải nghĩ mênh mang

Bom đạn chắc không còn ru mẹ ngủ

Và đàn em dăm đứa nhởn nhơ cười

Mắt có xa cho một lần thương nhớ

Hình bóng con vời vợi cuối chân trời

    (Còn không ngày về)

Nhiều khi, sự vận dụng chân phương những rung động của con tim hóa thân vào hình từ bóng chữ, chính sự chân thật như vậy bật tận đáy lòng, nên chất chứa đầy tâm huyết sâu lắng. Trong vầng thơ Lâm Hào Dũng, người đọc bỗng chợt được đánh động rung chuyển cả tâm cang. Từ ngàn xưa, những giọt nước mắt đầy cảm thông thường được trích lệ giữa quan hoài bi thiết của cuộc sống. Thơ Lâm Hảo Dũng tuyệt diệu như bắt chộp được hỏa hầu của chân tâm, khiến thơ thấm nhập được cảnh giới đầy phong vị của cái chân, trên đoạn đường tử sinh dàn trải lối đi. Phải chăng đó cũng là chuyện thường tình, bởi hạnh phúc và khổ đau vẫn là cặp bài trùng thường xuyên va chạm vào nhau, để ngọn lửa nội sinh bừng cháy:

Mai đi nghe khóc trong hồn đất

Bởi vì:

Đời ta chinh chiến lãng du rồi

Ngoảnh lại:

Thuở mẹ già biết cau còn kết trái

Biết con còn thấy mẹ lúc hoàng hôn

 Đạo nghĩa Đông phương gói trọn trong tiếng kêu bi thiết, chất ngất nhân bản khảm vào tâm huyết sâu lắng giữa cuộc đời nầy.

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM

Viết tại Thư trang Quang Hạnh

Nhuận sắc lần 2 – tháng 7/2019

Nhà thơ Lâm Hảo Dũng sinh ngày 15 tháng 11 năm 1945 tại Bố Thảo,Thuận Hóa,Sóc Trăng.

           Cựu học sinh trường Trung học Hoàng Diệu, Sóc Trăng. Ông là cột trụ của nhóm thơ Cung Thương Miền Nam, gồm những nhà thơ nổi tiếng trước năm 1975 như Lâm Hảo Dũng, Trần Phù Thế, Lưu Vân, Trần Biên Thùy, Triệu Ngọc, Nguyễn Lệ Tuân…

           Giữa thập niên (19)60′  Lâm Hảo Dũng theo học trường Nông Lâm Súc, Cần Thơ. Tốt nghiệp năm 1966, ông đựợc bổ nhiệm về công tác tại Ty Canh Nông, Châu Đốc.

           Lâm Hảo Dũng nhập ngũ khóa 27 Thủ Đức, ra trường phục vụ trong ngành Pháo binh, tại Kontum.

           Nhà thơ là Hội viên Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội.

           Trước năm 1975, ông có thơ trên các tạp chí và tuần báo: Văn, Khởi Hành, Quân Đội, Khai Phá, Tiền Phong …Sau năm 1975, cộng tác với Làng Văn, Văn, Nắng Mới… và các báo mạng hải ngoại, nhất là Gió O.

           Lâm Hảo Dũng học tập cải tạo sau năm 1975, và năm 1980 ông  sang định cư tại Canada. Tại Canada, ông tiếp tục làm báo và xuất bản nhiều thi phẩm giá trị.

           Nhà thơ Lâm Hảo Dũng được giới thiệu trên nhiều tác phẩm nghiên cứu văn học trong và ngoài nước.

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU ĐÃ XUẤT BẢN:

     1/ Nhớ Hoa Lại Thắm Bên Đường (thi phẩm, 1970)

    2/ Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà (thi phẩm, Khai Phá tháng 4.1975)

    3/ Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà (thi phẩm, tái bản Nhân Văn USA 1980)

    4/ Tóc Em Dài Em Cài Bông Thiên Lý (thi phẩm, Làng Văn Canada 1989)

    5/ Đi Giữa Thời Tan Nát (thi phẩm, Làng Văn Canada 1989)

    6/ Ngàn Dặm Quê Nhà (thi phẩm …)

    7/ Năm Xưa Dưới Gốc Bồ Để (thi phẩm…)

    8/ Những Bài Thơ Của Tôi (thi phẩm, 2013)

    9/ Tôi Vẫn Còn Đi (thi phẩm, Canada 2017)

    10/ Thơ Tình Trung Niên (bản thảo)

HIỆN DIỆN TRÊN CÁC TÁC PHẨM NGHIÊN CỨU VĂN HỌC:

     1/ Thơ Văn 90 Tác Giả Văn Nghệ Hải Ngoại 1975 – 1981 (Văn Hữu, 1982)

    2/ Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại (Thái Tú Hạp, 1985)

    3/ Ngọn Cỏ Khô Trên Thung Lũng Mùa Xuân (Làng Văn Canada,1986)

    4/ Hội Tuyển Thi Ca (Thanh Niên, Pháp 1986)

    5/ Việt Nam Quê Hương Tôi (Tuyển tập Nhiếp ảnh Lê Quang Xuân, 1994)

    6/ 20 Người Viết Tại Canada (Nắng Mới, 1995)

    7/ Thơ Tình Việt Nam Và Thế Giới (Nguyễn Hùng Trương, NXB Thanh Niên 1998)

    8/ Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000 (Văn Mới Montréal, 2000)

    9/ Thơ Miền Nam Thời Chiến 1 (Trần Hoài Thư, Thư Ấn Quán USA)

   10/Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, quyển IV (Ngô Nguyên Nghiễm, NXB Thanh Niên, 2012)

   11/ Chân Dung Văn Nghệ Sĩ Qua Góc Nhìn Ngô Nguyên Nghiễm (quyển thượng, NXB Hội Nhà Văn 2016)

   12/ Tác Giả Việt Nam (Lê Bảo Hoàng, Nhân Ảnh USA 2017)

   13/ Văn Học Miền Nam 1954- 1975 tập II (Nguyễn Vy Khanh, Nhân Ảnh USA 2017).

THỦ BÚT NHÀ THƠ LÂM HẢO DŨNG

THƠ LÂM HẢO DŨNG

Ngày Trở Lại Bồng Sơn

Bụi cũng làm ta cay ánh mắt

Bồng Sơn xa quá-cuối trời xa

Những núi chơ vơ đường quạnh quẽ

Chân đèo Phú Củ nhận không ra?

Ta thương những bóng dừa cô độc

Những tiếng hờn vang bên liếp rau

Sông Lai còn có sầu đưa nước

Để thấy ta buồn muôn kiếp sau

Ta đứng bên cầu xe lửa cũ

Quê em còn cách một dòng sông

Nhớ đêm máu chảy người quên khóc

Em có u buồn trong mắt trong

Ngày ta trở lại đất Bồng Sơn

Em chắc còn in kỷ niệm buồn

Ta đã xa mờ như tiếng hát

Quê em ngày nắng mới bên sông

Nỗi Buồn Cô Gái Tam Quan

Gió rét nghĩ thương đời lính trận

Chiều qua núi thẳm dốc cheo leo

Em ở quê nhà manh áo rách

Vui buồn gởi trọn mấy hàng cau

Khi đến Tài Lương ngày cuối tháng

Chuyện đời quanh quẩn những đao binh

Thương những mộ sầu ai kín lối

Trải dài theo những mẫu dừa xanh

Em giá buồn chi thời lửa đạn

Nước non là để lũ trai sầu

Bụi có đôi lần cay ánh mắt

Mồ hôi vút mặt cũng không sao!

Muốn thấy em cười trong nắng ấm

Bên hàng khoai nối những đồng tươi

Em sẽ dịu dàng như luống mạ

Để quên mùa máu chảy muôn nơi

Ai qua suối nước không buồn hát

Những sớm mai hồng của Việt Nam

Ai nhỏ còn kinh ngày chạy giặc

Lòng nghe rúng động cả tâm can

Ta đến mang hồn đi lẩn khuất

Ngùi thương em khóc ở bên đồi

Áo bụi chơ vơ đùa nắng cháy

Còn ta như thể bóng ma trơi

Lúc có là không buồn vạn đại

Về ngang sông nước lũy tre xưa

Ta đến bao giờ mơ trở lại

Thấy em mùa áo mới đơn sơ

Giã biệt Tam Quan sầu Tấn Thạnh

Mai nghe chim hót dọc đường xa

Những chiến binh thường quê hẹn ước

Dáng ai bên núi nhớ không ra.

Bài ca dao về nước

Nước tôi trôi lạc bềnh bồng
Xót thương rau húng rau thơm cỗi cằn
Nhớ hoài cái cọng rau răm
Mà nghe đứt ruột chùm bông cải trời
Nước trôi cuối vịnh đầu doi
Biết em còn gửi nụ cười về tôi
Tàn canh thắp ngọn dầu hôi
Cháy không ánh sáng giận đời đổi thay

Nhà tôi

 […]

Đây đống rơm khô dưới gốc gòn
(Là nơi tôi rải mộng lang thang)
Chờ em từ thuở con trăng tối
Cho đến trăng đầy em mới sang

Thèm quá nồi canh chua cá lóc
Chút bông so đũa cọng rau non
Ai lên phố thị mà không nhớ?
Mùi vị dưa nồng điên điển thơm

Mười mấy năm rồi đi biệt xứ
Nhà tôi còn đó mẹ tôi không?
Nghe thương những cánh chim tu hú
Mãi gọi bên sông điệp khúc buồn.

Từ Khi Bỏ Nước

Buồn tôi không nhện giăng tơ 
Chúng bay trong tuyết chúng đùa gió đông 
Chúng ôm xác lũ ngô đồng 
Nằm phơi cái lạnh nên trông lửa hè 
Quê người đâu những đêm khuya 
Tiếng mưa cắt ruột hồn về cố hương 
Thấy buồn tôi ở đại dương 
Thấy hoa tàn giữa thiên đường hắt hiu 
Thấy trong trại cấm trời chiều 
Những con mắt đói tình yêu giống người 
Thấy ư, tôi đã mù rồi? 
Từ khi học tiềng nước người nhi nhô.