Nguyễn Văn Tới
Vì chán cảnh ngày nào cũng 2 bữa “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” và mỗi ngày phải lái xe cả 130 dặm đi làm ở đất Mỹ khiến tôi mệt mỏi. Tôi tình nguyện đi làm xa nhà để được nhìn, thấy, và khám phá những văn hóa mới, con người mới, trải nghiệm những chân trời xa lạ, khác với những gì đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc đời đi làm công tẻ nhạt này. Cha ông mình chẳng vẫn thường khuyên con cháu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đó sao? Hay “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với VỢ biết ngày nào khôn”.
Trước đây, tôi có kể cho bạn đọc chuyện tôi đi làm ở Afghanistan, Iraq, và các
xứ Trung Đông, những vùng đang có chiến tranh rất nguy hiểm với những trận pháo
đạn rockets vào trại nơi chúng tôi ở (xin đọc lại “chuyện 1 căn cứ Mỹ ở
Afghanistan), hoặc xứ Cameroon, châu Phi với những tên khủng bố Hồi Giáo điên
cuồng.
Hôm nay, xin bạn đọc theo những bước chân lãng du về một ngày làm việc của tôi, 1 công dân Mỹ gốc Mít, ở cái xứ nhiệt đới với 7,641 hòn đảo xinh rất xinh đẹp này, nước Cộng Hòa Phi Luật Tân. Đất nước này gồm nhiều quần đảo hợp lại để trở thành một quốc gia xinh đẹp được vây quanh bởi biển và …nước biển.
Phi Luật Tân cũng nổi danh với nhiều vùng vịnh hoang sơ và nhiều bãi biển cát trắng níu chân du khách khắp thế giới đổ về. Người dân Phi rất hãnh diện khoe với bạn bè về những ưu đãi Mẹ Thiên Nhiên ban tặng họ khi giới thiệu với khách ghé thăm các hòn đảo đẹp tuyệt trần, mà vẫn bảo tồn được nét nguyên sơ của nó:
Take nothing but pictures. Leave nothing but footprints. Kill nothing but time.
Là một quốc gia dân chủ nằm ở Đông Nam Á Châu, với dân số 104.9 triệu người (thống kê năm 2017), thủ đô là Manila. Đa số người dân ở các đảo đều có màu da nâu khỏe của người vùng biển. Họ rất hiền lành và vui vẻ, không thích chiến tranh. Trong thập niên 80, một số đông người Việt Nam đã tỵ nạn ở Phi khi phong trào vượt biển tìm tự do dâng cao do bị cộng sản Việt Nam đàn áp, bắt bớ, và bỏ tù. Người Phi đã dang rộng cánh tay chào đón người tỵ nạn và đối xử đầy tình người với họ, khác với các nước trong vùng Đông Nam Á thời đó.
Vì làm việc cho quân đội Mỹ nên tôi phải ăn, ở, ngủ nghỉ, và làm việc như một người lính, đương nhiên điểm đến sẽ không phải là thủ đô Manila với các tòa nhà trọc trời sáng rực, những khách sạn sang trọng, sạch sẽ, mà sẽ là nơi hải đảo xa xôi, không có an ninh như những vùng xôi đậu ở Việt Nam trước thời Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã đến quần đảo M. vào tháng 5, 2019, ăn ở trong một doanh trại Hải Quân nhưng làm việc tại một phi trường Không Quân Phi. Thành phố nhỏ này, nơi người dân còn đơn sơ chất phác, không biết nhiều đến ánh sáng kinh thành đô hội. Tuy vậy họ vẫn có đủ tiện nghi văn minh như smart phones, tablets, và có 1 cái khu mua bán (mall) khá sầm uất cho nhu cầu hằng ngày.
Cũng nói thêm rằng, quần đảo này là hang ổ của đám phiến loạn cộng sản Phi và nhóm khủng bố Abu Sayyaf, nổi tiếng chuyên bắt cóc du khách làm con tin để đòi tiền chuộc bất kể người đó là chủng tộc nào. Mới cách đây mấy ngày, hôm 28 tháng 6, 2019, bọn này đặt bom giết chết 8 người lính Phi ở phía Bắc của hòn đảo. Cả 2 đám khủng bố này có căn cứ trong rừng và đồng bọn sống trà trộn vào dân thường trong thành phố. Đây là lý do chúng tôi có mặt ở hòn đảo này.
Riêng đám phiến quân cộng sản Phi chuyên đi quấy nhiễu thường dân, giết người vô tội, không để họ sống bình yên, làm ăn buôn bán. Bằng chiêu bài cũ rích lỗi thời của cộng sản quốc tế, chúng rêu rao dùng bạo lực cách mạng lật đổ chính quyền bù nhìn, tay sai Phi và đuổi Mỹ ra khỏi đất nước. Dân Phi biết tỏng thực chất đám cướp đường mang danh cộng sản nên chẳng mấy ai nghe theo. Bọn này chuyên đào đường, phá cầu, giật mìn xe đò, cướp lương thực rồi chạy vào rừng. Dân Phi, đa số công giáo, họ không dễ bị dụ khị như dân VN mình ngày xưa. Họ ghét cộng sản và coi lực lượng này là đám thổ phỉ chuyên đi cướp cạn. Họ hơi e dè bọn Abu Sayyaf vì lực lượng này rất ác độc và tàn bạo, không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào miễn đạt mục đích.
Mỗi ngày trước khi đi làm, ba lô trên vai, chúng tôi (khoảng 10-15 người) họp lại một chỗ và được 3 người lính lực lượng đặc biệt phổ biến vắn tắt tin tức tình báo cho chuyến đi tới căn cứ không quân ở phi trường: Trước tiên mỗi một người phải ghi tên trong danh sách với số ID riêng, tên cơ quan, và nhóm máu trong trường hợp thương tích khi bị tấn công.
Họ cho biết tuyến đường sẽ đi là Alpha, Bravo, hay Charlie, sự đe dọa sẽ là Green, Yellow, hay Red. Lựu đạn khói màu trắng, xanh, vàng, đỏ, màu nào dùng trong mục đích gì nếu bị bắn tỉa hay chặn đường. Ba lô nào đựng đồ cấp cứu, Satelite và Nano phones, và cách liên lạc trong khi chờ đợi viện binh.
Xong xuôi, nếu không ai thắc mắc, chúng tôi chia nhau lên 3 chiếc xe van cỡ trung. Ba chiếc xe, không bật đèn, lầm lũi rời trại, có khi trước, khi sau 12 giờ đêm. Quanh co một lúc, ra đến cổng trại, nơi có mấy người lính thủy quân lục chiến Phi đứng gác, họ mở cổng, chào nghiêm cho đến khi xe ra khỏi cổng mà không hề nhìn vào bên trong xe coi ai ngồi trong đó. Nếu muốn nhìn cũng không thấy vì kính đen sậm, trong nhìn thấy bên ngoài, nhưng ngoài không thể nhìn thấy bên trong. Vừa ra khỏi cổng trại là nhà dân san sát. Đèn trước xe bật lên, xe tăng tốc độ rất nhanh, 3 chiếc theo nhau sát nút, không để hở khoảng cách cho bất cứ xe nào chen vào.
Tài xế là một người Phi trẻ, dáng nhanh nhẹn, và phải là thổ công vùng này vì anh thuộc từng ngõ ngách đường phố ở đây. Kế bên là một lính Mỹ rất trẻ của lực lượng đặc biệt (special force), với súng tiểu liên trong lòng, một khẩu súng ngắn bên hông, và trên tay luôn là một thiết bị GPS đang mở để theo dõi đường đi. Ngay sau ghế của anh là 2 ba lô với đủ những vật dụng cần thiết cho chuyến đi, dĩ nhiên là cùng đạn dược đầy đủ. Đặc biệt, tất cả lính Mỹ đều mặc thường phục như chúng tôi để địch sẽ không phân biệtai là lính ai là dân thường.
Chúng tôi ngồi phía sau, yên lặng, nhưng khuôn mặt ai nấy đều sáng lên, không phải vì …thông minh, sáng láng gì cả, mà vì ai nấy đang lên mạng hoặc đang dí mũi sát vào màn hình của smart phones. Riêng tôi, khi xe chạy, tôi luôn chú ý nhìn hai bên đường và quang cảnh vật để quan sát người dân địa phương ở đây sống ra sao? Và luôn tiện cảnh giác những gì có vẻ nghi ngờ dọc đường.
Tình hình an ninh thay đổi mỗi ngày nên chúng tôi cũng đổi lịch trình các tuyến đường khác nhau để đánh lạc hướng kẻ địch. Trường hợp nếu chúng đang theo dõi (đã bắt được 1 tên lảng vảng chụp hình barrack chúng tôi), sẽ rất là khó cho chúng để đoán biết “con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sai…” sẽ khiến chúng bị lúng túng trong việc sắp xếp kế hoạch và giờ giấc. Nếu một xe bị IEED (mìn), những người sống sót hay bị thương, sẽ dồn vào xe khác vì vậy chúng tôi luôn luôn đi 3 xe, cho dù số khách rất ít.
Tôi vốn chết nhát, không thuộc thế hệ “ra ngõ là gặp anh hùng”, tay không kéo trực thăng rớt xuống đất, nên tôi luôn chọn xe đầu hoặc xe cuối để đi, và ngồi băng ghế sau cùng cho chắc ăn. Tôi làm vậy vì hay đọc hồi ký các anh lính VNCH ngày xưa kể: Khi VC nó phục kích, phá hoại, đắp mô hay gài mìn đoàn công- voa (convoy), thì chúng hay đánh theo kiểu chia để trị. Chúng sẽ giật mìn chiếc xe giữa, cắt ngang đoàn xe để phía trước không tiếp ứng được cho phía sau, và ngược lại.
Phố nửa đêm dưới những ngọn đèn vàng vọt trên những con đường chật hẹp đan chen vào nhau là những ngõ hẻm tăm tối và nhà cửa san sát, đoàn xe vẫn lao vun vút trên con đường đầy ổ gà. Dọc đường phố, vài con chó gầy guộc đang bới những đống rác ban đêm. Đó đây một vài người dân Phi thức khuya đang ngồi hút thuốc trước hiên nhà ngó ra đường. Một vài nhóm trẻ trai gái đang đùa giỡn với nhau ngay trên đường, chúng vội vàng dạt vào bên lề khi thấy xe chúng tôi chạy qua.
Thỉnh thoảng có vài chốt gác đột ngột của lính Phi, đoàn xe chúng tôi ngừng một chút, rồi lại tiếp tục hành trình. Đất nước không chiến tranh mà có lính rải rác khắp nơi ngày đêm, chứng tỏ có nhiều vụ phá hoại và bất ổn ở địa phương. Biện pháp an ninh và đề phòng của chúng tôi nghĩ ra cũng không thừa.
Khi xe đến cổng trại không quân, lính gác cũng không bao giờ nhìn vào trong xe như thường làm vì họ biết chúng tôi là ai. Họ tập trung vào soi kính dưới gầm xe để tìm kiếm chất nổ, trường hợp dọc đường có bị ai lén gắn chất nổ mà chúng tôi không biết. Họ lại nghiêm chào đoàn xe và chúng tôi lại tiếp tục chạy chầm chậm đến nơi làm việc.
Tôi chắc khi công ty gởi chúng tôi đi, họ đã nghiên cứu kỹ càng thời khóa biểu làm việc, theo tinh thần châm ngôn miền Bắc VN: Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng, mất tiền mua thúng thì đựng cho mòn. Vì thế, chúng tôi làm việc 12 giờ một ngày, 7 ngày một tuần không nghỉ, kể cả ngày lễ quốc gia như July 4th., ngày đó chúng tôi lãnh lương gấp đôi.
Trả lương cao nhưng đâu cũng vào đó. Tuy nhiên, giờ thì dài nhưng việc làm lại nhàn hạ và dễ dàng, không hề bị áp lực, vả lại không phải ngày nào cũng có phi vụ để thi hành nên chúng tôi tha hồ rong chơi khắp nơi.
Để giết thời giờ, ngoài việc đi tập Gym, chạy bộ, hay ngồi coi phim ở văn phòng, vài người gọi về nhà qua Facetime gặp vợ con. Tôi hay đi vào PX của lính Phi mua sắm đồ vớ vẩn hoặc vào những tiệm ăn trong trại để thưởng thức các món ăn thuần túy của Phi.
Nhìn qua ngó lại cũng chỉ vài món Lumpia, Lichon, pork-Abodo, cá biển kho ngót hay chiên xào. Thú thật đồ ăn của họ không mấy hợp khẩu vị của tôi, nhưng rẻ rề. Lãnh lương Mỹ mà sống ở Phi thì dư dả. 2 USD là có một bữa ăn trung bình trong một nhà hàng nhỏ. Ngày tôi còn trong trại tỵ nạn, 30 năm trước, 1USD=25 Pesos. Ngày nay, 1 USD=52 Pesos.
Các bạn đồng nghiệp Mỹ không dám ăn những món Phi vì nhìn thấy lạ, riêng tôi thì chẳng kiêng thứ gì, chỉ cần sạch sẽ là tôi thử liền lập tức. Người Phi rất khoái món hột vịt lộn mà họ gọi là Balut (đọc Bờ lút), ăn với dấm và muối trắng. Tôi cũng thử, và lạ lùng thay, cũng ngon không kém khi ăn với rau răm và muối tiêu. Họ chia hột vịt thành số ngày để phân biệt từ 16 đến 20 như sau: 16 là nửa này nửa kia, số càng lớn, con vịt bên trong sẽ lớn hơn.
Một chuyện khá vui về balut, những ngày còn trong traị tỵ nạn. Đồng bào ai nấy cũng cố học lấy chút sinh ngữ làm hành trang bỏ túi để đi định cư. Nhiều ông bà, anh chị học mãi mà tiếng Anh vẫn không khá mà tiếng Em thì rành 6 câu, thường dẫn đến “đoạn cuối tình yêu” rồi nàng phải hát bài “ôm cái bầu (kỷ niệm), không 1 lời thở than, ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi”.
Trong một lần khám bệnh định kỳ cho phụ nữ, một chị kia, không biết vì mắc cỡ hay tự tin quá mức, không muốn có thông dịch viên, một mình vô gặp bác sỹ. Sau khi khám xong, bác sỹ hỏi có gì thay đổi từ lần khám trước không? Chị bèn chỉ vào bụng mình và xổ ra một tràng tiếng Anh -Yes, I have bờ lút inside. Bác sỹ ngẩn người ra, không hiểu gì cả. Bối rối, chị vừa vỗ bụng vừa lập lại mấy lần nữa – Bờ lút inside here. Cuối cùng một thông dịch viên được gọi đến, té ra chị ấy có thai.
Xong việc trở về trại hải quân, tiến trình an ninh cũng như khi đi. Lúc này là ban ngày nên ồn ào, kẹt xe, khói bụi khiến đoàn xe hơi vất vả khi cố gắng giữ gìn khoảng cách an toàn. Đường xá nhỏ hẹp, người đông, nhưng chúng tôi an toàn bên trong với máy lạnh mát rượi nên không bị cái nóng, ẩm làm phiền. Nhìn qua cửa sổ, thấy thương người dân lam lũ, đen đúa, trán đẫm mồ hôi đang vật lộn để sống với những dãy nhà lụp xụp nằm kế bên rãnh thoát nước đen xì, hôi thối, mà ngao ngán.
Mỗi khi đi mua sắm ngoài phố, người Phi thường nhìn chúng tôi với ánh mắt hiếu kỳ. Nhiều trẻ em vừa chạy theo ngó vừa xin tiền “Give me money, give me candy”. Tôi quan sát thấy ở đây người Tây Âu khá hiếm, vì thế những ai mắt xanh, mũi lõ, cao lớn đối với người dân ở đây đều gợi lên những ánh mắt tò mò. Nhất là trong chúng tôi, có một anh Mỹ cao, to, khoảng trên 300 pounds, mặc đồ ngắn với các hình xâm đầy trên cánh tay và chân, càng thu hút biết bao cái nhìn của người qua đường.
Nhớ lại ngày còn nhỏ, tôi cũng là 1 trong những đứa bé chạy ngó theo lính Mỹ tràn ngập phố phường tỉnh Sóc Trăng, vài đứa mở miệng “ok Salem, give me money, cigarettes, my friends” trong khi tôi nhút nhát, không dám nói gì, chỉ đứng nhìn. Thời đó, ở Việt Nam, lính Mỹ đi lại tự do không cần người bảo vệ như chúng tôi bây giờ. Các phòng trà ca nhạc, quán bar bán rượu mọc lên khắp nơi phục vụ họ. Nhìn lại mình bây giờ cũng đang là 1 trong những người Mỹ đi trên đường phố Phi Luật Tân, với những đứa bé chạy theo xin kẹo, xin tiền. Hai hình ảnh, hai thời điểm, một con người, như một ánh chớp thoáng qua thật nhanh khiến tôi thoáng chút bùi ngùi.
Vẫn còn đọng lại trong tôi quá khứ ngày xưa là hình ảnh người phu xe lôi còng lưng đạp, mồ hôi nhễ nhại, thỉnh thoảng kéo khăn lau mặt, trên xe là 2 người lính Mỹ cười vang thích thú với sự khám phá phương tiện đi lại lạ lùng mà quê hương họ không có. Một sự chênh lệch buồn tủi trong kiếp làm người của một dân tộc triền miên trong chiến tranh và nghèo đói. Ngày đó, tôi là một chú bé con, chưa biết những nhọc nhằn lo toan của người lớn, nhìn cuộc sống với đôi mắt ngây thơ không chút băn khoăn.
Những buổi chiều, chạy bộ ngang qua khu gia binh Phi, tôi luôn được chào đón một cách vui vẻ và thân thiện. Họ luôn tặng tôi những nụ cười ấm áp hay những cái vẫy tay thân ái. Có người còn mời tôi vào nhà uống nước, ăn trái cây, xoài, mảng cầu,đu đủ, vì họ biết tôi không phải là người Phi. Họ thường lầm tôi với người Nhật, tôi hỏi tại sao? Họ nói người Nhật giỏi giang vì họ rất thích xe Nhật hay bất cứ đồ dùng made in Japan. Có người lầm tôi người Tàu, tôi vội xua tay nói không phải, tôi người Mỹ gốc Việt. Họ vui lắm, nói “China hit and run”, bad people, và kể tôi nghe vụ 22 ngư phủ Phi bị Tàu đâm chìm và tàu cá Việt Nam cứu họ.
Khi biết tôi đến từ Mỹ và đang làm việc trong căn cứ, họ càng vui hơn và tỏ ra rất ngưỡng mộ nước Mỹ. Họ mong người Mỹ trở lại giúp đỡ Phi Luật Tân. Họ tin rằng người Mỹ tốt bụng, giàu có, sẽ giúp họ canh tân xứ sở cho thoát ra khỏi nghèo đói. Tôi hỏi nếu có lựa chọn thì họ sẽ chọn ai, Tàu hay Mỹ? Họ đều lắc đầu, nói người Tàu qua đây lấy hết công việc của họ, nên người Phi không có việc làm phải đi lao động khắp nơi trên thế giới. Tôi đùa, tôi cũng phải xuất khẩu lao động từ Mỹ qua bên đây, có sao đâu? Họ cười vang vui vẻ.
Một bữa khác, đang thả bộ dưới những bóng cây mát mẻ, xanh tươi, tôi chợt ngửi một mùi thịt nướng thoang thoảng quen thuộc đâu đây. Như Lưu Nguyễn lạc bước thiên thai, mùi thịt thơm đưa tôi đến một quán ăn nhỏ trong khu gia binh, trước quán là một tấm bảngto tướng có câu thơ bằng tiếng Anh :
A tree whose hungry mouth is prest. Against the earth’s sweet flowing breast.
Một người Phi tóc muối tiêu đang nướng một miếng thịt vàng ươm trên lò than hồng, mùi thịt nướng lan trong không gian làm tôi nuốt nước miếng liên tục. Thấy tôi, ông mời vào quán ngồi chung với 2 người bạn khác đang cụng ly bia nghe lốp cốp. Họ cắt một miếng thịt và mời tôi ăn. Tôi hỏi thịt gì? –Thịt chó. Giời ạ! “Giữa xứ Phi nghe câu hò thịt chó”. Tôi hết hồn không dám ăn, xin phép được ăn balut, uống bia thôi. Tâm sự một hồi mới hay “tửu tiên” nướng thịt là một nhà thơ và cũng là chủ quán nhậu “nai đồng quê” này. Ba thi sỹ họp lại mần thơ vào ngày cuối tuần mong Lưu Linh tiên đế nhập vào độ cho ý thơ súc tích và hồn thơ thêm lai láng.
Cũng như mọi ông “con Trời” khác, khi rượu vào thì lời ra; thần khí tiên tửu San Miguel (bia nổi tiếng của Phi) ngự xuống tràn đầy, 3 chàng phun châu nhả ngọc liên tu bất tận. Họ hỏi tôi có biết làm thơ không? Tôi kể xứ Việt tôi có 2 ông thích làm thơ, cả hai đều gây đói khổ và chết chóc cho dân tình. Một ông (T H) là “nhà thơ đi làm kinh tế” (thống chế đi đặt vòng), ổng nắm quyền thủ tướng khiến đất nước đói vàng cả mắt.
Ông thứ hai mà mọi người dân bắt buộc phải gọi bằng Bác, tuy chẳng có họ hàng gì với chúng tôi, cũng thích làm thơ con cóc. Mùa Xuân 1968, ông lên đài phát thanh đọc bài thơ chúc Tết “Xuân này hơn hẳn các Xuân qua…” Đó là mật khẩu bắt đầu cho cuộc tàn sát hàng ngàn người dân chúng tôi ở kinh thành Huế. Vì thế, mỗi khi “lãnh tụ” chúng tôi làm thơ, mặt nhân dân xanh như đít nhái, sợ vãi cả ra quần.
Ông bạn Phi thân mến của tôi ơi, ông cũng là nhà thơ làm kinh tế, mở quán nhậu, chẳng may cái nghiệp thơ nó vận vào ông thì chớ trách sao lịch sử lập lại lần nữa nghen ông bạn. Ba nhà thơ Phi và một nhà “dăng” Việt Nam cười hô hố sặc cả ngài San Miguel lên mũi.
Tôi xin khép lại cuộc “phiêu lưu” trên xứ ngàn đảo này. Trong các đất nước tôi đã đi qua, Phi Luật Tân là xứ thân thiện nhất, con người dễ mến, hiền hòa, và hiếu khách. Nếu bạn đọc nào còn gân, thích phiêu lưu, và được bà xã đóng con dấu OK cho phép thì nên làm vài chuyến ra nước ngoài làm việc, nhất là đến những vùng chiến sự để phục vụ và trả ơn đất nước chúng ta đang sống, để chia xẻ đời sống lính tráng, nỗi nhớ nhà, và cảm nhận được sự sợ hãi khi nghe tiếng đạn réo bên tai hoặc tiếng đạn pháo nổ gần bên gường ngủ.
Bạn cứ đi vì chân trời không có biên giới. Hãy đi làm việc và khám phá. Sau này về già, ở cái tuổi “cận địa, viễn thiên” (gần đất xa trời) phải vào nhà dưỡng lão hay ngồi xe lăn, chúng ta còn có cái để khoe với đám con cháu rằng ngày xưa ông nội / ngoại tụi bay đã từng tung hoành dọc ngang, một thời oanh oanh liệt liệt, giờ mất chữ oanh còn mỗi chữ liệt.
Viết từ Phi Luật Tân. 07/ 2019.
Nguyễn Văn Tới