Seite auswählen

Quỳnh Võ

22.7.2019

 

51ZRVmLQfGL._SX322_BO1,204,203,200_

“Tôi sống cuộc đời mình. Và tôi viết.” (Andrew Lâm)

Tôi gặp Andrew Lâm, một nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Việt, tác giả cuốn sách Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (tạm dịch: Những Giấc Mơ Hoa: Suy Ngẫm Về Cộng đồng Người Việt Tha hương) và East Eats West: Writing in Two Hemispheres (tạm dịch: Viết ở hai cực Đông,Tây) tại Sài Gòn trong dịp ông trở lại tìm kiếm tư liệu cho dự án sách mới về lịch sử, gia đình và quê hương Việt Nam, niềm ấp ủ trong suốt bao năm của ông.

Cách không xa cuộc sống xô bồ và guồng quay không ngừng nghỉ của Sài Gòn, “chốn trú ẩn” của Andrew Lâm nằm trong một con ngõ lặng lẽ cạnh sông Sài Gòn. Mỗi buổi sáng, ông đi bộ dọc theo con đường nhỏ thanh bình chia cách khu căn hộ và dòng sông Sài Gòn, hít thở làn gió trong lành và đắm chìm trong những suy tư lúc bình minh lên. Ông cũng không quên tự thưởng cho mình một tách cà phê Việt Nam và trò chuyện đôi lát với vài người trong khu phố trước khi quay về căn hộ nhỏ của mình. Nơi đó, Andrew ngồi lặng lẽ bên ban công nhìn ra sông Sài Gòn, trong sự thanh thản và cô độc mà ông từng viết rằng ông “sẽ giữ tuyệt đối cho riêng mình,” ông viết.



Quỳnh Võ: Với ông, trở thành nhà văn là định mệnh hay là lựa chọn cá nhân?

Andrew Lâm: Tôi xem nó như một tiếng gọi, một mong ước thầm kín và theo thời gian nó trở thành một thiên hướng. Tình yêu với ngôn ngữ và niềm say mê đọc sách là điều không thể chối cãi. Khi tôi bắt đầu viết, tất cả những nỗi buồn, sự hoang mang và những triết lý mơ hồ đang cuồn cuộn trong tôi bắt đầu xuất hiện hình hài và ý nghĩa. Tôi vẫn luôn vật lộn với việc tìm kiếm ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, viết lách cho tôi một phương tiện để bộc lộ chính mình.

Theo ông, nhà văn cần phải sống ở nhiều nơi hay chỉ nên gắn bó với một nơi nào đó? Khi viết, ông có cảm giác đó là một hành trình của “sự trở về” ?

Có lẽ trong một xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống, một câu hỏi khác hơn là nhà văn có nên gắn bó với nhiều thực tại không, mà như tôi thấy, chắc chắn là tuổi thơ của tôi ở Việt Nam đã gắn liền với chiến tranh. Và những ký ức đó cũng mang dấu ấn của văn hoá thuộc địa Pháp, đặc biệt là đạo công giáo, mà phía gia đình cha của tôi ở Bạc Liêu đã truyền lại. Tôi tự hào mình nói được tiếng Pháp, và gia đình bên nội của tôi xem đó là lý tưởng của đời người. Tuy nhiên, tôi cũng được thừa hưởng sự bảo thủ, tố chất hài hước, tâm hồn thi sĩ, và sự sùng bái đạo Phật của bên ngoại ở miền Bắc, thuộc tỉnh Thái Bình.

Dù cho phần lớn cuộc đời tôi trải qua ở Mỹ, viết bằng ngôn ngữ thứ ba — bạn thấy không, cuộc đời của một người trong thời đại ngày nay không hề đơn giản. Nơi đâu cũng là nhà, và với tôi, nhà ở muôn nơi. Điều đó có nghĩa là khái niệm bản ngã không ngừng thay đổi, và luôn luôn mở ra để đón nhận những nơi chốn mới. Có lẽ sự trở về luôn luôn là một nỗ lực khó lòng đạt được trong một thế giới đầy phức tạp này.

Ở một khía cạnh nào có, phải chăng chúng ta đều là những kẻ tị nạn quá khứ. Adam và Eva còn không thể nào trở lại vườn địa đàng, làm sao chúng ta có thể quay về chốn cũ? Nhân loại luôn bị ám ảnh bởi những khát khao và mất mát. Mất mát càng nhiều thì khát khao lại càng mãnh liệt. Cách duy nhất để chúng ta tìm được sự cân bằng là viết nên những câu chuyện đời mình.

Trong việc viết lách, điều gì lôi cuốn ông nhất? Một nhà văn cần kỹ năng để viết hay họ đã được ban tặng bản năng viết?

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong sáng tác là có thể gọi tên một khái niệm, ý tưởng, suy ngẫm và cảm xúc. Nói cách khác, thông qua việc viết lách, tôi có thể định hình những trải nghiệm, một thứ hỗn độn và muôn hình muôn vẻ. Viết lách ít nhất cho phép tôi chắt lọc những trải nghiệm và chia sẻ chúng với người đọc. Nếu không có một sự thôi thúc, những kỹ năng sẽ trở nên vô dụng đối với người viết. Mong ước được bày tỏ là cốt lõi của việc viết, là động lực viết. Kỹ năng và kỹ thuật là thứ người viết cần học để phục vụ cho việc hiện thực hoá mong ước của mình. Còn thật khó để nói về tài năng. Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có tài năng theo một cách nào đó. Tôi không bao giờ can ngăn ai theo đuổi việc viết lách nếu người đó thực sự muốn và có điều gì đó để viết. Tôi sẽ can ngăn những người lãng mạn hoá việc viết và mong muốn theo đuổi việc viết mà thiếu đi một ao ước sâu sắc được bày tỏ bản thân.

Liệu mỗi nhà văn có nên tìm một nơi trú ẩn để giải phóng sức sáng tạo của họ? Viết lách có phải là một lối thoát giúp các nhà văn thoát khỏi sự đơn độc của chính mình?

Có rất nhiều loại nhà văn. Một số người viết theo công thức, một số người viết những câu chuyện cá nhân. Nhắc đến nơi trú ẩn, tôi nghĩ bạn đang nói đến một không gian riêng hoặc có thể là một trang thái cô đơn mà người viết bắt đầu ngòi bút của mình. Nếu như vậy, tôi cho rằng mỗi nhà văn nên có một chốn trú ẩn cho riêng mình. Đối với câu hỏi thứ hai, tôi không thực sự đồng ý với suy nghĩ đó. Tôi xem việc viết như một nỗ lực định nghĩa vị trí của tôi trên trái đất này, trong lịch sử và để tạo nên một khung hình xung quanh nó. Tôi không xem viết lách là một lối thoát. Tôi nghĩ ma tuý hay rượu mới là lối thoát. Viết lách là một nỗ lực thuần khiết. Ít nhất đối với tôi là như vậy. Thêm nữa, nếu tôi không viết, tôi vẫn trân trọng sự đơn độc của mình và tôi bảo vệ nó một cách nghiêm ngặt.

Rất nhiều những câu chuyện của ông viết về những cảm giác ám ảnh, khổ đau, phản bội, và tuyệt vọng. Có phải những nỗi đau đó đã làm nên cảm hứng sáng tác của ông?

Tôi nghĩ rằng mình đã sống hết nửa sau của thế kỷ 20, và trải qua cuộc chiến tranh lúc còn thơ ấu, nên không thể nào thoát khỏi cảm giác ám ảnh và mất mát. Câu hỏi của bạn dường như cho rằng tôi chọn sự khổ đau làm chất liệu để sáng tác—nhưng khi đã đi qua cuộc chiến như tôi, mọi lựa chọn đều là không thể. Mặc dù cuộc sống của tôi được may mắn có những trải nghiệm tuyệt vời—cha mẹ của tôi, anh chị em, họ hàng, và bạn bè tôi đều đi qua những giai đoạn vô cùng khủng khiếp—chính điều đó đã cho tôi chất liệu để viết. Có vài người ngạc nhiên vì sự hài hước và vô tư của tôi, và họ cũng không thể không nhận thấy sự tương phản giữa tôi với chủ thể của những câu chuyện mà tôi viết. Sự thật đúng là như vậy: hạnh phúc và mãn nguyện không phải là đề tài mà tôi lựa chọn cho những câu chuyện của mình.

Trong một bài tản mạn, ông viết rằng, “Ta học cách quan sát thế giới từ góc độ đa chiều, không chấp nhận câu chuyện đến từ một phía; ta tiếp nhận những ý tưởng và ngôn ngữ mới, thích nghi với nhiều góc nhìn quy chiếu. Để trở về, ta phải tiếp tục bước đi.” Phải chăng ông cho rằng nhà văn không nên thuộc về một nơi nào cả?

Tôi không nhất thiết xem “hư không” là một đích đến, cũng như tôi không nghĩ đó là chốn quay về. Mặt khác, tôi cho rằng cuộc đời của mỗi con người luôn là một hành trình đầy biến động và dịch chuyển, đi qua rất nhiều nơi, và va chạm với nhiều sự khác biệt.

Lúc này đây, tôi đang trò chuyện với bạn ở ngay chính thành phố nơi tôi sinh ra, cũng là nơi tôi bỏ chạy sau khi chiến tranh kết thúc. Ở Mỹ, trong một thời gian dài suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tôi thậm chí không thể mường tượng được rằng một ngày nào đó tôi trở lại Việt Nam, nói gì đến việc tôi sẽ đặt chân lên chính thành phố quê hương này. Thế nhưng bạn thấy đấy, giờ đây sau 43 năm, tôi đã quay lại và sống ở Sài Gòn. Một ngày nọ tôi lái xe ngang qua bệnh viện nơi tôi sinh ra và tôi luôn nhớ rất rõ, vì mẹ tôi thường hay nhắc đến mỗi lần chúng tôi đi ngang qua bệnh viện này khi cuộc chiến còn đang diễn ra: “Đó là nơi con chào đời, ngay tại căn phòng ở góc tầng hai có cửa sổ nhìn ra ngoài.” Và tôi có một cảm giác kỳ lạ về sự đổi dời: “Ồ, thì ra tôi đang trở lại.” Nhưng để trở lại, tôi cần bước tới. Tôi không sống mãi trong sự khao khát phải dành lại những gì đã mất. Tôi không cố níu giữ một mái nhà đã mất, một đất nước đã không còn. Nếu tôi bỏ lại cội rễ của mình ở Việt Nam, tôi sẽ lại xây nên một ngôi nhà mới. Có một câu ngạn ngữ hết sức thâm thuý, “Bạn không bao giờ lại có thể quay về nhà,” và khiến tôi thật sự cảm động, vì tôi sống rất gần nơi cha tôi, một trung tướng của Quân đội Việt Nam Cộng hoà, đã bước lên con tàu Hải Quân Hoa Kỳ để đến Philippines trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tôi không thể hình dung ông ấy sẽ nghĩ thế nào khi con trai út của mình hiện đang sống trong một căn hộ cao cấp nhìn về khoảnh khắc lúc cha mình ra đi. Tôi vẫn đang cố mường tượng hình ảnh đó.

Có bao giờ ông tách biệt hình ảnh bản thân khỏi những tác phẩm của mình hay mỗi tác phẩm đều là một hiện thân của bản ngã?

Những tác phẩm của tôi không bao giờ có thể lột tả được hết con người tôi, những trải nghiệm hàng ngày, sự kỳ lạ, những thăng trầm trong cuộc sống, nỗi buồn và niềm vui. Mặc dù mỗi tác phẩm của tôi phản ánh góc nhìn của tôi đối với những sự việc, được truyền cảm hứng bởi những sự việc nhất định cộng thêm những hiểu biết cá nhân nhưng tôi không cảm thấy rằng tôi sống để viết. Viết lách mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, là thứ neo đậu con người tôi, cho tôi một sự định hướng. Ngược lại, những trải nghiệm cuộc sống cá nhân bộc lộ chính nó trong các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu của tôi. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng viết lách có thể điều khiển tôi theo cách mà tôi vẫn thấy ở nhiều nhà văn khác.

Tôi sống cuộc đời của mình. Và tôi viết.

Ông viết cho ai? Ông hình dung những độc giả của mình là ai?

Tôi viết gần như cho chính mình nhưng hiểu rõ rằng những gì tôi viết cũng phải hiểu được bởi những người đọc của tôi. Viết là một hoạt động vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính quần chúng.

Vì vậy, tôi không dùng thứ ngôn ngữ khó hiểu. Cũng cần phải nói rằng động lực khiến tôi viết bây giờ đã khác với động lực cách đây 27 năm khi tôi bắt đầu viết. Cách đây 27 năm, khi tôi bắt đầu viết một cách nghiêm túc, tôi nghĩ những tác phẩm của tôi phải giúp người Mỹ, những người không hề biết gì về Việt Nam hiểu được. Tôi bắt đầu say mê với việc viết lách và sự say mê đó đơn giản chỉ là tìm cách kể một câu chuyện hay. Việt Nam, lịch sử, câu chuyện gia đình tôi vừa là điểm bắt đầu vừa là điểm neo giữ tôi. Và tuy nhiên, tôi cảm thấy phấn khích mỗi lân một bạn trẻ người Mỹ gốc Việt tìm đến tôi và thổ lộ rằng tác phẩm của tôi đã giúp họ hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử—và quan trọng hơn nữa là thấu cảm được với lối tư duy của cha mẹ, vì sự im lặng nặng nề giữa hai thế hệ khiến họ phải chịu đựng nhiều năm. Một sinh viên nam ở Denver nói với tôi rằng quyển sách Những Giấc Mơ Hoa của tôi đã giúp cậu cùng trò chuyện được với cha mẹ và ông bà của mình về Việt Nam và cuộc sống tị nạn của họ, vì vậy cậu rất biết ơn về quyển sách của tôi. Tôi vui mừng vì điều đó. Tuy nhiên, khi quyển Những Giấc Mơ Hoa ra đời, tôi đã không nghĩ rằng độc giả của tôi là chính cộng đồng của mình. Tôi hình dung họ đã biết tường tận về tất cả. Nhưng tôi lầm. Khi tôi viết bằng tiếng Anh về cuộc tị nạn và những mất mát đớn đau từ đó, phần nào điều này đã giúp thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Mỹ hiểu được cuộc đời tha hương của cha mẹ họ. Khoảng cách ở đây, lẽ dĩ nhiên, là về ngôn ngữ—cũng như bất lực hoặc không sẵn lòng của cha mẹ khi chia sẻ với con cháu về nỗi buồn và sự ám ảnh của họ.

Trong các tác phẩm của ông, nổi bật nhất là khái niệm về sự pha trộn và dung hoà. Vậy ông cảm nhận sự hoà nhập của mình vào dòng chảy văn hoá và môi trường sống ở Việt Nam hiện tại đóng góp gì cho những sáng tác của một nhà văn Mỹ gốc Việt như ông?

Tôi không nghĩ mình đã hoà nhập được với văn hoá và môi trường ở Việt Nam, mặc dù đã ở đây được hơn năm tháng rồi.Tôi có cảm giác mình chỉ mới hiểu một cách rất mơ hồ về đất nước đầy phức tạp này. Chính bởi sự phức tạp khôn lường này đòi hỏi người ta phải thực sự hoà nhập một cách nghiêm túc, mà tôi lại chưa sẵn sàng cho điều đó. Tôi có sẵn những câu chuyện với bối cảnh ở Mỹ, do đó chẳng nhất thiết phải cần đến một Việt Nam của hiện tại để làm phong phú thêm.

Mặt khác, khái niệm pha trộn ám chỉ thứ này và thứ khác và có lẽ hơn thế nữa, một sự đa sắc thái từ nội tâm hoặc bên ngoài rất đúng với bản thân tôi, hoặc con người mà tôi đang hướng đến. Một nhà văn như tôi luôn có cảm giác hai chiều về một thực tại. Đối với những người như chúng ta, khi buộc phải rời xa quê hương của mình, phải từ bỏ nguồn cội ở một nơi nào dó, thì thực tại luôn luôn bấp bênh. Chúng ta luôn trăn trở về nơi chốn hoặc bản ngã—và nỗi niềm đó sẽ càng hiện lên rõ nét hơn khi chúng ta bộc lộ chính mình bằng nghệ thuật.

Quỳnh Võ là Nghiên cứu sinh ngành Văn Học tại Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Hawaii, nơi cô đang giảng dạy bộ môn Văn Học Mỹ gốc Châu Á và Viết học thuật. 

Nguồn: Da Màu