Seite auswählen

Trần Phương

9-8-2019

Nhà báo Bùi Tín. Photo Courtesy

Tôi gặp Bùi Tín lần đầu vào một chiều mùa hè năm 1980 tại Hà Nội. Tôi gặp ông lần cuối cũng vào mùa hè 2017 tại California. Tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là lần cuối.

Những buổi chiều ngắn ngủi bên ông. Chúng tôi đi dạo trong khuôn viên thinh lặng, mêng mông của một trường đại học miền Nam California. Ông dừng lại như để lấy thêm hơi thở rồi hỏi tôi, có biết loài cây này không. Tôi cố cười để giấu sự dốt nát của mình. Tôi trả lời thành thật. Tên tiếng Việt của nó tôi còn chưa biết nói gì đến tiếng Anh.

Ông nói tên tiếng Anh và tiếng Việt của nó. Ông giải thích vì sao nó tới đất này. Thì ra đó là loài phượng tím. Tôi đã đi trên con đường này bao lần. Hoa tím vương đầy lối mà tôi thật vô tâm. Chẳng khi nào dừng lại mà tự hỏi đó là cây gì, hoa gì? Rồi tôi suy ngẫm về thân phận con người. Thì ra không phải chỉ có loài người đi tìm nơi lánh nạn, mà cả loài cỏ cây, gỗ đá cũng kiếm nơi trú ẩn.

Ông và tôi ngồi nghỉ dưới vòm phượng tím, không gian yên tĩnh, nắng chiều Cali thật dịu dàng. Tôi hỏi ông về câu chuyện trưa 30/4/1975. Khi ông còn ở Việt Nam, sử sách viết rõ: Ông là sỹ quan cao cấp nhất có mặt vào thời điểm đó. Ông đại diện cho Quân đội Nhân dân bước vào Dinh Độc Lập nhận bàn giao từ Tổng thống Dương Văn Minh. Từ khi ông bỏ Đảng, trở thành nhà bất đồng chính kiến, tên ông bị đục bỏ khỏi khoảnh khắc bi thương và oan nghiệt nhất của lịch sử Việt Nam đương đại.

Huy Đức khẳng định: Bùi Tín không có mặt ở Dinh Độc Lập vào thời điểm đó. Huy Đức là một người viết được cho là tử tế. Cuốn Bên Thắng Cuộc của anh do nhà xuất bản Người Việt tại Hoa Kỳ phát hành, không bị kiểm duyệt. Tại sao Huy Đức lại loại tên ông ra. Lẽ nào Huy Đức nhầm lẫn. Lẽ nào Huy Đức lại ngụy tạo lịch sử trắng trợn đến cỡ đó. Ông cười nhẹ nhàng, nhưng không trả lời rồi bảo: Cho đến giờ ông vẫn còn ân hận vì đã quá lời với Dương Văn Minh lúc đó. Ông vẫn còn nhớ như in khi ông đọc tờ thực đơn của bữa ăn trưa cuối cùng của tống thống Việt Nam Cộng Hòa: Cá thu kho mía và gân bò hầm sâm.

Ngày ông mất, truyền thông phương Tây tràn ngập những bài về ông. Con trai cưng của một Thượng thư Bộ Hình lẫy lừng trong triều đình Huế. Một người lính đã can dự vào trận Điện Biên Phủ và bị thương ở đó. Một phóng viên chiến trường cự phách. Một sỹ quan quân đội đã tham gia thẩm vấn những phi công Mỹ tại nhà tù khét tiếng Hỏa Lò. Một người đã tiếp nhận sự đầu hàng của vị Tổng thống Nam Việt Nam. Một sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân đào ngũ. Một nhà bất đồng chính kiến kiên cường. Một kiếp lưu vong bất khuất.

Tôi xót xa cho những năm tháng lưu đày lênh đênh thương nhớ vô tận của ông. Tôi hỏi ông có nghĩ đến cơ hội trở về. Ông bảo: “Người ta” có bắn tiếng sẽ cho ông về, sẽ phục hồi mọi quyền lợi cho ông, với một điều kiện. Ông phải im lặng. Ông không được viết lách phát biểu gì. Làm sao Bùi Tín có thể im lặng trước nỗi đau đớn tủi nhục của đồng bào mình.

Như bao nhiêu người Việt Nam khác cùng thế hệ, ông đã can dự vào cả bốn cuộc chiến liên tục, đẫm máu, dai dẳng và tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam. Đánh Pháp. Đánh Mỹ. Đánh Khmer Đỏ. Đánh bá quyền Trung Quốc. Ông đã giành cả thời trai trẻ để tham dự vào đoàn quân quyết đập vỡ mặt nền Cộng hòa Pháp, quyết đánh bể đầu nền Tự do Mỹ.

Nhưng rồi, chính Pháp và Mỹ đã giang rộng vòng tay cưu mang ông những năm tháng lưu vong tận tuyệt. Cũng chính Pháp và Mỹ đã cho ông nếm hương vị của bầu khí quyển tự do vô tận mà ông cùng các đồng chí của ông hằng đánh đuổi. Cuộc đời ông là một bi kịch khổng lồ, một trò nhạo báng vĩ đại, một nghịch lý siêu phàm, một tấn hài cay đắng, một nhầm lẫn lịch sử.

Giữa ông và tôi rất khác nhau. Ông lừng danh. Tôi vô danh. Ông nổi tiếng tầm cỡ quốc tế. Tôi nổi tiếng tầm cỡ gia đình. Ông dày dạn. Tôi non kém. Ông sâu sắc. Tôi nông cạn. Nhưng ông và tôi giống nhau một điểm. Cả hai đến từ miền Bắc Việt Nam. Nguời anh em Cộng sản gọi chúng tôi là “bọn phản động”. Người anh em Cộng hòa coi chúng tôi là “bọn nằm vùng”. Chúng tôi lưu vong ngay giữa gia đình.

Dưới vòm phượng tím, bầu trời đang tối dần. Ông đọc bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Lam, ở Hà Tĩnh. Tuổi 90, tay chống gậy, Bùi Tín bước từng bước chậm chạp và khó nhọc, nhưng giọng ông hùng hồn, mạch lạc và sang sảng. Ông nhấn từng chữ, gởi cả tâm tư vào câu hỏi đầu tiên của mỗi khổ thơ: Đất nước mình ngộ quá phải không anh? Đất nước mình lạ quá phải không anh? Đất nước mình buồn quá phải không anh? Đất nước mình thương quá phải không anh?

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

Những tia nắng cuối cùng trong ngày hắt lên. Ông nhọc nhằn ngồi xuống phiến đá lặng im như một pho tượng. Màn đêm nhạt nhòa buông xuống. Tôi đọc cho ông nghe câu thơ của Salvatore Quasimodo “Mỗi người đứng bơ vơ trên trái tim trái đất. Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời. Và chưa chi chiều đã tắt”.

Thi sỹ trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt Ocean Vương vừa cho ra đời cuốn tiểu thuyết “On Earth We’re Briefly Gorgeous” – Trên mặt đất chúng ta chỉ huy hoàng trong chốc lát. Ngạn ngữ Việt có câu “Đời người sống gởi thác về”. Trịnh Công Sơn hát “Có đường phố nào vui. Cho ta qua một ngày”. Chúa Giê Su trước giờ lâm chung Ngài cầu nguyện: “Xin Cha ở với con giờ này. Mọi việc trên đất đã xong xuôi cả rồi”. Cuộc dạo chơi trên đất của Bùi Tín cũng đã xong xuôi.

Ông và thế hệ của ông đã đánh thức lương tri, đã gieo mầm mơ ước, đã thắp lên những tia hy vọng, tự do, đã đốt lên đốm lửa trong đêm dài tăm tối. Ông như người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng. Ông xứng đáng được yên nghỉ.

Giỗ đầu ông. Đốt nén nhang lòng, truy điệu một người lính đã nằm xuống. Ông sống khôn chết thiêng. Mong ông tha thứ. Tôi hứa đưa ông về nhà chơi, nhưng chưa kịp. Ông đã ra đi và chưa chi chiều đã tắt.

Trần Phương

Queen East Toronto, Canada

Báo Tiếng Dân