Seite auswählen

Ho-Chi-Minh

Năm 1990, nhà xuất bản Nam Á ở Paris phát hành cuốn ” HCM, Sự thật về thân thế và sự nghiệp “do 9 tác giả đồng soạn, trong đó có 6 người Việt, 2 người Pháp, một người Mỹ.
Cuốn sách được viết và dịch ra 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt xuất hiện vào lúc tổ chức Văn Hóa Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) dự tính vinh danh HCM nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông ta.

Hai tác giả người Pháp là Olivier Tođ và Jean-Francois Revel từng có mặt trong số nhà văn và triết gia ngoại quốc đã can thiệp để UNESCO hủy bỏ ý định. Vì vậy UNESCO chỉ cho CSVN mượn trụ sở để tổ chức văn nghệ nhưng không được nhắc tới ngày sinh của HCM.

7 tác giả còn lại gồm:
– Ralph B. Smith, giáo sư sử học Á Đông tại trường School of Oriental and African Studies (Viện nghiên cứu Á Phi) thuộc đại học Luân Đôn.
– Bùi Xuân Quang, chủ biên, nhà văn, đạo diễn điện ảnh, là người cùng Nguyễn Thế Anh và Huỳnh Bá Yết Dương sáng lập nhóm nghiên cứu và tập san Đường Mới.
– Nguyễn Thế Anh từng là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, giáo sư Đại Học Văn Khoa Saigon, giáo sư thỉnh giảng đại học Harvard, giám đốc CNRS (Trung tâm Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học, Paris) và là một sử gia có uy tín trong giới sử học quốc tế.
– Tôn Thất Thiện, từng là giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và đại học Vạn Hạnh, Tổng Trưởng Thông Tin VNCH, giáo sư đại học Québec tại Trois Rivières, từng được trao tặng Giải Thưởng Quốc Tế Về Báo Chí (Giải MacSaysay, mang tên tổng thống Phi Luật Tân ) vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa VN.
– Lâm Thanh Liêm, nguyên giáo sư và Trưởng Ban Địa Lý Đại Học Văn khoa Saigon, chuyên gia nghiên cứu CNRS, tác giả nhiều sách về chuyên môn và lịch sử, trong đó có cuốn Từ Saigon đến thành phố HCM, viết chung với Gustave D. Meillon.
– Đinh Trọng Hiếu, chuyên gia nghiên cứu CNRS, giảng sư đại học Paris VII, từng có thời viết cho tập san Đoàn Kết thân cộng.
– Đằng Phương, Nguyễn Ngọc Huy, nguyên giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Saigon, nguyên chuyên gia khảo cứu tại đại học Harvard, tổng thư ký Phong Trào Quốc gia Cấp Tiến.
Cuốn sách là tập hợp những bài viết của 9 tác giả nói trên, mỗi tác giả một bài.

Trong Lời Nhà Xuất Bản, Mai Trung viết rằng các dân tộc Đông Âu đã ném chủ nghĩa CS vào “thùng rác lịch sử”.

Trong lời mở đầu, Vấn đề HCM, Bùi Xuân Quang viết: “Đời của lãnh tụ CS HCM hoàn toàn giả tạo từ ngày sinh cho đến ngày ông mất….Trong tinh thần đi tìm sự thật, công bằng và nhân ái, chúng ta phải đặt ông HCM vào đúng chỗ của ông: một người đã hoàn toàn sai lầm và phải chịu trách nhiệm với dân tộc, với đất nước.” (1)

Bài thứ nhất, HCM: Lòng yêu nước bị chuyển hướng của Jean-Francois Revel, triết gia, nhà văn và nhà báo, phụ trách mục xã luận các tuần báo Le Point, Giornale và đài Europe I. Tác giả viết: “Đáng lẽ HCM đã là một vị anh hùng tạo lập một nước VN tân tiến và dân chủ. Khốn thay, mục tiêu của ông không phải là nền độc lập của VN mà là việc sáp nhập nước này vào Quốc Tế CS … HCM là một trong những người thực hiện khắt khe nhất phương pháp mà chủ nghĩa CS đã dùng suốt thế kỷ 20. Đó là dùng sức mạnh nằm trong mong muốn tự nhiên của con người như tự do, độc lập, tiến bộ rồi xoay chuyển sức mạnh đó để phục vụ mục đích trái ngược với mục đích mà những người dân bị lợi dụng đã ước mong và theo đuổi…Dựa vào lòng ước mơ tự do để nô lệ hóa, đó là phương pháp của HCM theo đúng phương pháp của Lênin gian ác.”

Với tư cách một triết gia, một nhà tư tưởng, Revel đưa ra định nghĩa của lịch sử rồi căn cứ vào đó và dựa trên kết quả những hành động của HCM để đưa ra lời kết tội, dù chấp nhận trường hợp cho rằng buổi ban đầu đã có ý định hết sức tốt đẹp: “Lịch sử không phải là kết quả do những ý định của người ta mà là kết quả do những hành động của họ. Thế thì những kết quả còn đó: Nô lệ, xương máu, chết chóc và đói khát. Đã trưng dụng cuộc chiến đấu chống thực dân để đưa đến một tình trạng suy sụp như thế thì chẳng còn cách gì chống chế để chạy tội cả. Trái lại, đây là một trường hợp phạm tội gia trọng, một vụ đánh cắp, một vụ lừa bịp không hơn không kém.”

Bài thứ hai, Hành trình chính trị của HCM của Nguyễn Thế Anh. Theo tác giả, những nghi vấn đầy rẫy trong đời HCM đến nay vẫn chưa được giải tỏa. Chỉ riêng về năm sinh đã khá rắc rối.
Năm 1911, HCM ghi mình sinh năm 1892. Một báo cáo khác ghi: sinh năm1894. Trong chiếu khán thông hành cấp năm 1923 ghi sinh ngày 15-1-1895. Ngày sinh được coi như chính thức là 19-5-1890. Về cái tên Nguyễn Ái Quốc, tác giả cho rằng “có thể” là tên chung của nhiều người thường lui tới nhà luật sư Phan Văn Trường ở số 6 Villa des Gobelins. Và, hội Người VN Yêu Nước không phải do HCM lập nên như ghi trong sử liệu của CSVN. Hội này là của hai nhà cách mạng Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường: “Hai chí sĩ họ Phan đã không nề hà dìu dắt những bước đầu của người thanh niên mà không bao lâu hai ông dành cho độc quyền sử dụng tên Nguyễn Ái Quốc. Biết rằng công an Pháp theo dõi chặt chẽ hành vi của mình, nên hai ông còn giao phó cho anh ta vận mệnh Hội Người VN Yêu Nước, một sự ủy thác mà các sử gia viết tiểu sử HCM lơ đi để lạm gán cho ông ta công lao lập hội này.
Với tư cách tổng thư ký của hội, Nguyễn Ái Quốc được nhận làm hội viên chi nhánh Pháp của Hội Nhân Quyền và Dân Quyền”.
Sự việc trên gợi nhắc trường hợp tương tự sau này khi HCM chiếm dụng danh xưng và danh nghĩa của VN Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) của Hồ Học Lãm để rồi biến thành Mặt Trận Việt Minh của ông ta vào năm 1941.
Tác giả nói HCM đã đến Nga ba lần khi chưa làm chủ tịch vào các thời điểm 1923-1924, 1927-1928, 1934-1938 và phủ nhận tin do HCM bịa rằng đến Nga lần đầu sau khi Lênin đã chết nên không được gặp. Tác giả khẳng định HCM đến Nga lần đầu vào tháng 7-1923, dự đại hội Quốc Tế Nông Dân từ ngày 10 đến 15-10 năm ấy.
Đó là lúc Liên Xô thay đổi sách lược dành cho nông dân một vai trò quan trọng mới. Năm sau HCM lại được dự đại hội V Đệ Tam Quốc Tế từ 17-6 đến 8-7-1924 tại Mạc Tư Khoa. Tác giả cho biết thêm: “Đến khi đại hội chấm dứt, một ủy ban tuyên truyền quốc tế được thành lập, mà trọng trách là tuyên truyền chủ nghĩa CS tại các nước thuộc địa… Quốc (HCM) được chỉ định gia nhập ủy ban này, ngang hàng với các ủy viên Pháp: Marcel Cachin; Ấn Độ: M.N.Roy; Nhật-bản: Sen Katayama; Algérie: Hadjali Abdelkader v.v…”

Tác giả gắn liền việc HCM đến Nga lần thứ 3 từ 1934-1938 với việc Liên Xô thay đổi chiến lược, quay ra thân thiện với Anh – Pháp hòng đối phó với Hitler, chủ trương cần phải liên hệ tốt
với họ để “thành lập những mặt trận bình dân, phải liên kết với các đảng phái dân chủ tư sản để chống chủ nghĩa phát xít”. Tại đại hội kỳ 7 (cũng là đại hội chót) của Đệ Tam Quốc Tế, HCM tham dự với tư cách đại diện bộ Đông Phương. Lê Hồng Phong dự với tư cách đại diện của đảng CS Đông Dương. Nguyễn Thế Anh trưng dẫn cuốn Chính giới Pháp và cách mạng VN (tháng 8-12, 1945) của Alain Ruscio để cho rằng “thỏa hiệp 6-3-1946 bao hàm sự duy trì nước VN trong khối Liên Hiệp Pháp”. (2)
Tác giả kết luận:”Huyền thoại này (HCM yêu nước) đã giúp nhiều cho CSVN được bên ngoài cũng như bên trong ủng hộ. Nhưng nó đã che lấp sự kiện chính yếu là nhà lãnh tu. CS đã hiến dâng đời ông nhiều nhất cho sự thắng lợi của Quốc Tế CS, và ông đã hoạt động cho sự giải phóng xứ sở cốt là để đưa một cách hữu hiệu nhất quốc gia ông nhập vào phong trào công nhân và nông dân quốc tế”.

Bài thứ ba, Cái đúng và cái giả dối về chuyện HCM, của giáo sư Tôn Thất Thiện là một trong hai bài dài nhất (47 trang), viết về chuyến đi lén lút sang Nga của HCM năm 1923 và chuyện bị thất sủng ở Komintern năm 1933-1938. Tác giả là một trong những người đầu tiên nói đến 2 tác phẩm do HCM ngụy trang người khác để kể về mình. Ông cũng nghiên cứu nhiều tác phẩm của các học giả và nhà văn, nhà báo thế giới như Jean Lacouture, Bernard Fall, Michelle Zecchini, Jean Sainteny, Archimedes Patti… và bài phỏng vấn HCM của ký gỉa Charles Fourneau. Trong danh mục tài liệu tham khảo còn liệt kê bộ HCM toàn tập, các tác phẩm của Hồng Hà và của ban nghiên cứu lịch sử đảng do tỉnh ủy Nghệ Tĩnh phổ biến. Ngoài ra là các sách viết về HCM của những thủ hạ thân cận như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng … và một số sử gia CS khác. Một bài viết dài trên bốn chục trang mà có tới 60 chú thích dựa trên số lượng tài liệu tham khảo đó đã phản ảnh thái độ hết sức thận trọng của tác giả.
Khác với Nguyễn Thế Anh, giáo sư Tôn Thất Thiện đã dựa theo các tài liệu CS, nhất là của chính HCM, để ghi rằng Nguyễn Ái Quốc đến Nga, sau khi Lênin đã chết và mục đích chuyến đi Nga là dự đại hội kỳ V của Đệ Tam Quốc Tế (năm 1924) chứ không phải dự hội nghị về Nông Dân (năm 1923). Nhưng, sau đó tác giả viết thêm: “…Cũng ghi nhận rằng, một điều lạ lùng là Nguyễn Khắc Huyên, người đã viết một tiểu sử về Hồ, dựa vào tư liệu vững vàng xuất bản năm 1971, cũng nói rằng Hồ đã tham dự đại hội IV của Komintern vào tháng 11-12 năm 1922, trong đại hội đó ông đã gặp Lênin và Stalin, rồi rời nước Nga để trở lại lần nữa vào năm 1923, ông đến thủ đô Xô Viết ít lâu sau cái chết của Lênin.” (3)
Dù vậy, theo tác giả, những điều do Hồng Hà viết trong cuốn Bác Hồ trên đất nước Lênin, với tài liệu lấy từ văn khố Xô Viết cũ là dễ chấp nhận hơn cả. Do đó, tác giả kể một số sự việc theo Hồng Hà như ngay khi đến Berlin, HCM đã đi đến trụ sở của phái bộ Xô Viết số 7 Unter den Linden, do đã có thỏa thuận trước và tác giả cho rằng theo những gì Hồng Hà tường thuật sau đó thì phải hiểu việc HCM đi Nga đã được Manuilski xếp đặt với đảng CS Pháp để được phái sang Nga dự đại hội kỳ V của Đệ Tam Quốc Tế với tư cách đảng viên CS Pháp.
Tác giả nhận định rằng lúc bấy giờ Manuilski rất cần những ý kiến về Phương Đông và các vấn đề thuộc địa, để thay Lênin (đang ốm nặng) tranh luận với M.N. Roy, lãnh tụ Ấn Cộng, về các vấn đề Phương Đông. Do thế mà HCM trở thành nhân vật quan trọng “được bầu vào chủ tịch đoàn của QT3.” (4) trở thành một thứ Kominternchik – tên gọi của một ủy viên của QT3, một người đã cống hiến hoàn toàn cuộc đời mình để phục vụ cho Quốc Tế CS. Nguyễn Ái Quốc là người như thế đó. (5)
Và tác giả kết luận: “Từ đó Hồ không còn là một chiến sĩ bình thường nữa, mà là một cán bộ quan trọng của bộ máy Komintern.” (6) Tác giả cho biết theo các tài liệu của Huỳnh Kim
Khánh, có một thời gian dài “…địa vị của Hồ bị giảm suy bởi vì, ngược lại với các người khác, ông từ chối tuân phục theo ý muốn của Mátxcơva, do ông không phải là “quốc tế vô sản” nhưng là cách mạng yêu nước.” (7) Nhưng tác giả dựa vào tài liệu của Hồng Hà để quả quyết, HCM vẫn là “một Kominternchik phục vụ cho Komintern và được xem như một ủy viên trưởng thành của đảng CS Đông Dương” (8) Tác giả cũng dẫn lời HCM lên án gắt gao nhóm Tờ-rốt-kít để chứng minh HCM luôn trung thành với đường lối của Stalin: “Hồ làm tất cả để cho các thuộc hạ của mình bám riết chặt chẽ vào đường lối chống Trotsky…Ngay tại nhà ga, trước khi các đại biểu lên xe lửa, lời căn dặn cuối cùng của ông là họ phải chuyển lại cho Lê Hồng Phong mệnh lệnh là bất cứ ở trường hợp nào cũng không được hợp tác với bọn Trotskít.” (9)
Theo tác giả thì người như HCM và ở vào vị trí đó, “không có quyền quyết định về mặt chiến lược, mà phải chứng tỏ là khéo léo về mặt chiến thuật.” Phải chăng quyết định áp dụng đường lối dân tộc là bước chiến thuật để hoàn thành chiến lược cách mạng vô sản quốc tế mà HCM theo đuổi đã có một lúc bị ngờ vực? Để kết luận, tác giả viết: “Ta có quyền nghi ngờ sự khôn ngoan và lòng trung thực của người đó (ý nói ông Hồ) khi ông ta đã chọn con đường đó mà không nói cho họ biết ngay từ đầu một cách minh bạch rõ ràng. Những tai họa kinh hoàng đã dồn dập đè nặng lên dân tộc VN từ cuộc chiến thắng của CS năm 1975 cho phép chúng ta, còn bắt buộc chúng ta nữa, phải chấp nhận một kết luận như thế”.

Bài thứ tư, Thập niên cuối của cuộc đời HCM của Ralph Smith do Lê Đình Thông chuyển ngữ chỉ nói về hoạt động của HCM trong mười năm cuối đời. Ngay trang đầu, tác giả viết: “Một vài chuyên gia tình báo phương Tây có xu hướng tin rằng cuối đời ông, HCM chỉ còn ngồi làm vì và quyền lãnh đạo đã chuyển sang tay người khác.” (10) Tác giả trưng dẫn tiết lộ của Hoàng Văn Hoan, người bị Lê Duẩn kết án tử hình vắng mặt, để cho rằng chuyện đó có vẻ đáng tin!
Tuy nhiên, tác giả đã ghi lại sự kiện HCM tiếp đón nhiều phái đoàn quốc tế, chủ trì những hội nghị quan trọng của đảng và nhà nước, cho thấy có thể HCM còn nắm thực quyền – đặc biệt là việc HCM có ảnh hưởng lớn đối với thế giới và luôn luôn cố giữ hòa khí với cả Liên Xô và Trung Cộng để nhận được viện trợ của cả đôi bên càng chứng tỏ điều đó. Do đó, tác giả đã đi đến kết luận ngược lại: “Sự việc này là một bằng chứng tỏ rõ Hồ không phải chỉ là một lãnh tụ hoàn toàn bị động trong tình huống khó xử này.” (11)
Về các phe nhóm tại miền Bắc lúc đó, theo tác giả, Lê Duẩn thân Liên Xộ Còn Trường Chinh và Hoàng Văn Hoan thân Trung Cộng. Nhưng tác giả cho rằng Trung Cộng đã không thành công trong việc gây ảnh hưởng quyết định với Hà Nội do sự việc Lê Duẩn (mà tác giả cho là thân Nga) đã nắm được quyền hành tuyệt đối sau khi HCM chết. Tác giả kết luận: “Nhưng cho tới nay người ta vẫn không biết là quyền hành của Lê Duẩn bắt nguồn từ một quá trình tiệm tiến suốt 4 năm trước đó – theo như Hoàng Văn Hoan đã nêu – hay là xuất phát từ một cuộc đảo chính trong thực tế ngay sau khi HCM từ trần.” Với lời kết luận này, tác giả có vẻ vẫn nghĩ HCM đã nắm trọn thực quyền tới phút cuối trong đời và ngờ vực là đã có một cuộc đảo chính theo một cách nào đó của phe nhóm Lê Duẩn sau cái chết của HCM.

Nanh vuốt

Nanh vuốt

Bài thứ năm của tác gỉa Bùi Xuân Quang có tựa đề thật dài, Trải qua một cuộc “bể dâu” Chiến tranh chống Pháp (1945-1946), Những điều trông thấy trong cuộc đời HCM.
Tác giả cũng mở đầu bài viết bằng tình trạng HCM bị lấn át bởi các phe nhóm thủ hạ: “…Ngày nay người ta được biết Hồ đã thường xuyên phải chịu áp lực của các đồng chí chiến đấu, hoặc bằng tình đồng chí, hoặc với kỷ luật đảng”. (12) Tác giả còn cho rằng tình trạng lấn át này đã có từ năm 1946 thể hiện qua việc khai chiến với Pháp. Theo tác giả, khi HCM sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau thì ở trong nước Võ Nguyên Giáp chuẩn bị chiến tranh và “Tổng bộ (Việt Minh) đã chấm dứt nhiệm vụ của Hồ và sẵn sàng đối đầu với Pháp… Thái độ cực đoan nóng lòng của tổng bộ ngày 19-12 (1946) đã dồn Hồ đến chân tường, đưa đến cuộc đảo chính trong nội bộ đảng” Nhưng tác giả nói tình thế cấp bách khiến đám thủ hạ “phải để Hồ khôi phục lại tình thế.” (13) Dù trải qua tình huống thăng trầm nào trong đời hoạt động thì HCM vẫn luôn là kẻ say mê quyền lực bất chấp các thủ đoạn gieo tai rắc họa khi cần thiết. Cho nên, tác giả kết tội HCM đã giết hại người quốc gia không khác nhà Hồ ở thế kỷ 15 chém giết không nương tay các con cháu nhà Trần. (14)
Tác giả trưng dẫn Lucien Laurat kể lại đã có lần HCM thổ lộ: “Tôi luôn đứng về phía quyền lực. Chỉ có bộ phận này mới có thể hậu thuẫn được cho tôi.” Tác giả còn nhắc đến một bức điện văn mà theo tác giả là hết sức kỳ cục, bởi vì bức điện ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi cho HCM(!) để nói lên rằng “Hồ được Nguyễn hậu thuẫn”. Một câu nói khác của Hồ cũng được tác giả trích dẫn và cho là không kém kỳ cục:”Thà ngửi phân Tây còn hơn cả đời ăn phân Tàu”. Cuối cùng, tác giả kết án HCM và CSVN đã “cuỗm” lấy danh nghĩa độc lập để làm lợi cho phong trào CSVN, đồng thời “cấm đoán mọi quyền lực có thể xuất phát từ các đối thủ chính trị”.

Bài thứ sáu, Chính sách cải cách ruộng đất của HCM: sai lầm hay tội ác? của Lâm Thanh Liêm gồm 2 phần chính:
1) Các giai đoạn (chuẩn bị và thực hiện)
2) Kết quả.
Tác giả dựa theo những tài liệu chính xác về chiến dịch cải cách ruộng đất của CS tại miền Bắc và dành phần cuối nói rõ về vai trò của HCM. Về kết quả, tác giả trưng dẫn lời của một số cán bộ từng phụ trách công tác Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc những năm 1955-56 mà tác giả được gặp ở Saigon trước khi vượt biên ra nước ngoài: “Một cán bộ ước lượng 120 ngàn người bị giết oan (trong số này có 40 ngàn đảng viên). Một cán bộ thứ nhì ước lượng có khoảng 150 ngàn đến 160 ngàn người bị giết oan (trong đó có khoảng 60 ngàn cán bộ đảng viên). Tác giả dẫn thêm hồi ký của Hoàng Văn Hoan về sự tàn ác dã man trong Cải Cách Ruộng Đất, dù Hoàng Văn Hoan chỉ tả lại một phần nhỏ sự thực. Hoàng Văn Hoan đã viết: “Các đội cải cách đã để cho nông dân xỉ vả người bị gọi là địa chủ, thậm chí để cho nàng dâu xỉ vả mẹ chồng, con xỉ vả bố mẹ, mà người bị gọi là địa chủ cứ phải cúi đầu chịu, không được thanh minh phải trái…” Theo tác giả, Hoàng Văn Hoan xác nhận chính tác phong gia trưởng và ý thức tả khuynh của Trường Chinh “đã đưa đến những sai lầm nghiêm trọng là đánh tràn lan vào trung nông, phú nông và những người có một ít ruộng đất cho thuê, đánh tràn vào cả cơ sở đảng.” Tuy nhiên, tác giả không hoàn toàn chia xẻ cáo giác trên mà nghĩ rằng tác phong của Trường Chinh chỉ chịu một phần nhỏ trách nhiệm thôi, bởi lẽ “đánh tràn lan…. không phải là không có chủ ý. Bởi vì trung nông, phú nông, hay đảng viên nào mà không chịu tuân theo đảng một cách vô điều kiện, còn dám phê bình chống đối hay nghi ngờ đảng, thì bị gán cho tội địa chủ để thủ tiêu cho hết những phần tử đối kháng, hầu sau đó, đảng toàn quyền sinh sát trong mọi vấn đề mà không gặp trở ngại gì. Đó mới là điều quan trọng, và vì thế nên đảng và nhà nước lúc ấy mới tuyên bố Cải Cách Ruộng Đất đã thành công hay thắng lợi. Sửa sai chỉ là phụ, với mục đích xoa dịu sự chống đối, và cũng nhân thể giăng một cái bẫy khác hòng bắt thêm một mớ trí thức, văn nghệ sĩ…”
Tác giả bác bỏ luận điệu của Hoàng Văn Hoan trút hết tội cho Trường Chinh, vì cho rằng Trường Chinh không thể một mình chủ xướng một công việc cực kỳ quan trọng như vậy do trước hết trên đầu Trường Chinh vẫn luôn luôn còn có HCM vừa là chủ tịch đảng, vừa là chủ tịch nhà nước.

Bài thứ bảy, Đất nước mới, con người mới, xã hội mới: mẫu mực cụ Hồ đưa ta về đâu? là bài của Đinh Trọng Hiếu, một chuyên gia về dân tộc thực vật học.
Tác giả mở đầu bằng câu danh ngôn của HCM “không có gì quý hơn độc lập tự do” rồi từ tốn nêu ra những vi phạm quyền độc lập và tự do của cái đảng do HCM lãnh đạo. Với tư cách chuyên viên về dân tộc thực vật học, tác giả ghi trong mục “đất nước mới” về công lao HCM cổ võ trồng cây không đúng cách để ngày nay dân chúng trong chế độ do ông lập nên tha hồ phá rừng và phá núi vôi, làm hại môi sinh… Trong mục “con người mới”, tác giả viết: “cách đào tạo con người “mới” của cu. Hồ đã phá sản. Nhưng đó là phá sản tất yếu của ý chí chủ nghĩa, chưa có gì đáng lo. Quan trọng hơn: khi đã coi “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” là phương cách chỉ đạo, dùng bạo lực làm phương tiện cốt cán, lấy căm thù làm động cơ hành động, thì dần dà đưa con người cách mạng “mới” vào con đường không lối thoát”. Tác giả trích báo chí trong nước để minh họa tính sa đọa cùng cực của “con người mới”: “Lái xe coi mạng người như ngóe, vì còn quen cách lái dưới bom và dọc đường mòn HCM, coi luật pháp như loài xa xỉ phẩm. Giải quyết những việc hàng ngày, dùng súng, dao găm, lựu đạn vv…là điều hay gặp, báo chí vẫn đăng. Cái dã man đã vào nếp sống: đi đường thấy bà cụ ngã xe không ai đến đỡ (Hà Nội, Bờ Hồ, 30-10-1989); trời mưa lụt lội, thấy một thiếu nữ ngã ướt hết quần áo, cả phố vỗ tay cười (Hà Nội, Kim Liên, 15-10-1989, 13.30 giờ)…Con mất tiền bắt cha thề là không ăn cắp, cha phải thắp hương và chặt ngón tay (đã đăng báo); con cãi mẹ cầm chầy đập vào thái dương, bà cụ chết giãy đành đạch (đầu tháng 9-1989, nhà hàng xóm, nông thôn Bắc bộ) vv và vv…”
Trong mục “xã hội mới”, Đinh Trọng Hiếu trích đăng lại hai câu trong bài tham luận Nguyễn Ái Quốc đọc tại đại hội đảng xã hội Pháp ở Tours, năm 1920, về tự do và 2 vần thơ của HCM để kết luận ông Hồ đã tiên tri, ngày nay xã hội VN y hệt như vậy. Hai câu nói trước đại hội Tours của HCM: “Chúng tôi không có tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền sống hoặc đi du lịch nước ngoài”
Và, 2 vần thơ của HCM:

Thân người chẳng khác thân trâu,
Cái phần no ấm có đâu đến mình.

Tác giả trích thêm 4 câu thơ khác của HCM:

Sức còn yếu tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài.

Mượn lời một tác giả vô danh thuật truyện, tại kinh đô, đạo Phật mất hết ý nghĩa, chỉ còn những từ ngữ rỗng không, tác giả kết thúc với câu tiên đoán bi thảm về tình trạng xã hội
VN, dưới triều đại HCM: “Miệng Phật nín thinh. Đêm mạt pháp bắt đầu.”

Bài thứ tám, Huyền thoại HCM, do Olivier Todd viết và Nguyễn Văn chuyển ngữ. Olivier Tođ là nhà văn, nhà báo Pháp nổi tiếng từng điều khiển 2 tờ tuần báo Le Nouvel Observateur – Người Quan Sát Mới và L’Express – Tin Nhanh. Oliver Todd cũng viết nhiều tác phẩm về VN được hâm mộ, trong đó có Vịt Cà Mâu, Saigon thất thủ, Tháng Tư Đen – Le cruel Avril và tác phẩm mới nhất, Cuộc thương thuyết – La négotiation. Ban đầu Oliver Tođ là người ca ngợi chính nghĩa giải phóng dân tộc của HCM nhưng sau 1975, thái độ của ông đổi hẳn.
Mở đầu bài viết, tác giả nhận xét tổng quát: “Hồ chắc chắn là một lãnh tụ có tầm vóc: ông ta chiếm và giữ quyền hành – với một giá quá đắt… Nhưng lưu danh thơm? Không! Lưu xú thì đúng hơn, đó là người đã đầy đọa dân hơn là giải phóng dân.”

Sau đó tác giả đưa ra những hình ảnh HCM do thủ hạ và những nhà báo thiên tả tô vẽ: Đi dép râu, trong sạch như thánh, khắc khổ, ăn ít, một thứ thánh Phan-xi-cô thành Assise của chủ thuyết Lênin. Đặc biệt là “có thể khóc bất cứ lúc nào (chùi mắt trong khăn tay đỏ)…Người ta có thể tin dễ dàng rằng “bác” dường như mềm dẻo hơn đám thuộc hạ. Bồ câu trong đám diều hâu. Cũng như Staline dưới mắt đại sứ Mỹ trước đệ nhị thế chiến.” (15)
Olivier Todd gọi một loạt tác phẩm “nịnh bợ” HCM của những nhân vật như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… là loại thô lỗ, đê tiện. Về phía các tác giả ngoại quốc, Olivier Todd nêu đích danh Wilfred Burchett, một tác gỉa CS Úc cùng với Jean Chesneaux, Philippe Devillers và mệnh danh đây là những tên hề của lịch sử, vì không cải chính sau khi đã biết mình sai. Olivier Todd nhắc nhiều đến cuốn Fire in the lake – Lửa trong hồ của bà Frances Fitzgerauld (đã tạ ơn sư phụ là Paul Mus), và đặc biệt là cuốn viết về HCM của Jean Lacouture. Olivier Todd khen cuốn sách viết hay:”Lacouture đã viết bằng sự cuồng nhiệt của ông quan tòa tự ăn năn và cái duyên dáng của một nữ danh ca lỗi lạc.” Nhưng sau đó Olivier Todd dành hơn 10 trang sách phơi bày những sai trái trong cuốn sách của Lacouture. Olivier Todd nêu nhiều cuộc tàn sát thủ tiêu đối lập thuộc đủ mọi phe phái không CS trong khoảng 1945-46 để bác bỏ ý kiến của Lacouture cho rằng HCM không thích bạo động và kết luận: “Trong nhãn giới của J. Lacouture có một khoảng tối om khiến ông ta cũng như lâu la của ông ta không thấy được sự thật.” Tuy vậy, tác giả vẫn mong Lacouture sẽ lên tiếng để góp phần dựng lại bức chân dung chính xác: “Không một Lacouture nào có trách nhiệm trong công cuộc CS hóa VN. Ông ta chỉ có lỗi bóp méo sự thực, tuyên truyền xuyên tạc khoảng 20 năm. Chúng ta mong mỏi Lacouture trở lại vấn đề VN, phá tan huyền thoại HCM. Chưa trễ lắm đâu.”
Trong phần kết luận, tác giả viết về HCM: “Phương trình cá nhân “cách mạng” của Hồ rất đơn giản: Nhu trí (software) sản xuất từ Moscow. Mỗi lần gặp khó khăn trầm trọng, bò về với mấy ông Bolshevik để học hỏi, lãnh chỉ thị. Cương trí (hardware), từ Tàu, Hồ dùng nơi đó làm thí nghiệm và là bàn đạp để chiếm VN. Thêm vốn liếng riêng của cá nhân Hồ, thơ, thuốc, tiếu ngạo chẳng có giá trị gì trong cuộc chơi đã được ấn định sẵn. Hồ có khả năng che đậy tài tình, có tài làm đầu đảng, tính quyết định và tàn ác dị thường.”
Và đây là những dòng cuối bài: “VN quốc gia không cung cấp nổi cho dân mìền Nam một ý thức hệ có khả năng chống chọi với CS của Hồ ở miền Bắc. Phe quốc gia cũng không có một huyền thoại nào có thể đem ra so sánh với Hồ. Ngày nay người ta biết thế nào là Staline. Phải chờ một thời gian nữa để cho bộ mặt thật của Hồ từ huyền thoại đi trở về lịch sử, về với giới trí thức và quần chúng. Chiến thắng cuối cùng của Hồ: Lăng và xác ướp của “Bác” ở Hà Nội. Người đi viếng phải đi rất nhanh: Chết hay sống, chúng ta không có quyền nhìn Hồ quá lâu, hoặc quá gần.”

Bài cuối cùng, Vị trí HCM trong diễn tiến của tình trạng nhơn quyền tại VN, Nguyễn Ngọc Huy dành 58 trang chứng minh chế độ CS mà HCM xây dựng ở VN thua cả chế độ quân chủ lẫn chế độ thực dân về đủ mọi phương diện: chính trị, tư pháp, kinh tế, xã hội.
Tác giả trích dẫn nhiều sự việc cụ thể đối chiếu với những lời tuyên bố của chính HCM tạo một sức thuyết phục rõ rệt cho mọi ý kiến phê phán. Tác giả còn chứng minh lập luận của mình bằng nhiều điểm tựa dựa trên lý thuyết CS, kinh điển Nho Gia, Pháp Gia, Hàn Phi thời phong kiến, các bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Pháp, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và các bộ luật VN thời quân chủ vv…Ví dụ, tác giả nhắc lại vài thực tế đời sống dưới thời Pháp thuộc: “Về mặt học thuật người VN không còn phải hạn chế sự suy luận trong khuôn khổ của đạo lý lưu hành thời quân chủ. Các học thuyết và tư tưởng Tây phương mọi loại đã du nhập xã hội VN. Trong số này có cả học thuyết và tư tưởng chống chọi lại ý thức hệ dân chủ tự do lưu hành tại Pháp, như các học thuyết và tư tưởng Phát xít hay Marx-Lênin chẳng hạn.
– Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng.
– Các báo và sách viết bằng tiếng Pháp được xuất bản tự dọ . Trong đó mọi người được tự do phát biểu ý kiến về mọi vấn đề.
– Một số cơ quan đại diện dân chúng được thành lập như hội đồng tỉnh, thành phố, viện dân biểu Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ

…Các cuộc bầu cử thực sự tự do. Từ 1933 đến 1939, những người theo đệ tứ Quốc Tế thuộc nhóm Tranh Đấu, tuy chống đối Pháp một cách công khai và mạnh mẽ, đã nhiều lần đắc cử vào hội đồng thành phố Saigon, và năm 1939, liên danh của họ cũng đã đắc cử vào hội đồng quản hạt Nam Kỳ”.
Tác giả dẫn chứng CS không chịu ký tên trong bản quốc tế nhân quyền 1948 (mãi thời Gorbachev mới ký muộn) lấy cớ nó chỉ là hình thức. “Nhưng vì chế độ CS không chấp nhận các nhân quyền Tây phương mà các nhân quyền “có thực chất” của họ lại chỉ thể hiện được trong tương lai xa vời không hạn định – lúc chế độ CS đã hoàn thành – nên trong thực tế, người dân trong chế độ CS hoàn toàn không được hưởng nhân quyền nào. Bởi đó, tại VN, về mặt nhân quyền, chế độ CS đã thoái bộ hơn cả chế độ thực dân lẫn chế độ quân chủ.” (16)
Tác giả mượn ý trong thơ Nguyễn Chí Thiện (còn trong tù CS) để kết thúc bài viết: “Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một nạn nhân của những vi phạm nhân quyền thời CS lãnh đạo VN, đã bảo rằng phải hàng triệu năm tổ tiên loài người mới tiến từ trạng thái vượn lên trạng thái người, nhưng chế độ CSVN chỉ trong mấy năm đã đẩy người VN ngày nay lui về trạng thái làm vượn. Khi chủ trương suy tôn HCM, phải chăng các nước hội viên của tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có ý muốn tuyên dương thành tích hãn hữu này?”

Trong bài viết, tác giả không nêu đích danh HCM mà chỉ nói chung về CSVN, nhưng trước mắt tác giả, CSVN đã được đồng hóa với HCM và vì thế, tất cả tội ác của CSVN cũng chính là tội ác của HCM. CSVN không thể được hiểu là gì khác ngoài sản phẩm do HCM tạo ra theo chỉ thị của Quốc Tế CS nên mọi hành vi của CSVN không thể đặt khỏi vòng trách nhiệm của HCM.

OngVoVe

Chú thích

(01)-(02)-(03)-(04)-(06) SD tr. 13, 45, 65, 72, 73
(05) Ghi chú của Mandelstam được tác giả trích dẫn.
(07)-(08)-(09)-(10)-(11) SD tr. 77-78, 85, 90, 103, 118
(12)-(13)-(14)-(15)-(16) SD tr 154, 157, 161, 278, 345