Hơn 70 năm sau Cách mạng tháng Tám (August Revolution), bản chất của một trong những biến cố chính trị quan trọng nhất trong lịch sử đương đại Việt Nam vẫn tiếp tục còn trong vòng tranh cãi giữa sử gia, học giả cũng như những nhà quan sát.
Một số những người phản đối chế độ cộng sản khẳng định việc Việt Minh thành công trong việc biến mình trở thành gương mặt chính thức cho giới cách mạng yêu nước tại Việt Nam chỉ là một tai nạn lịch sử (historical incident). Số khác, cho rằng Việt Minh đã “cướp cạn” thành tích của nhiều nhóm chí sĩ yêu nước, các nhà dân tộc chủ nghĩa khác trong hoạt động tiếp quản chính quyền sau khi quân phiệt Nhật đầu hàng lực lượng Đồng minh. Phần còn lại thừa nhận rằng sự yếu kém về năng lực, thiếu thốn đường lối và tính thống nhất của hầu hết các chính đảng còn lại tại Việt Nam thời điểm đó khiến cho nhiều nhà yêu nước, trí thức cũng như người dân Việt Nam không còn lựa chọn nào khác để vừa chống Nhật vừa chống Pháp. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định Việt Minh “treo đầu dê bán thịt chó” khi che giấu thân phận và mục tiêu “cộng sản” của mình.
Ngược lại, các nhà sử gia cộng sản thì ca ngợi một cách khá ái kỷ tài năng lãnh đạo và sự ủng hộ nhất nhất một lòng của nhân dân Việt Nam dành cho Việt Minh và đảng Cộng sản.
Bài viết này không nhằm phê phán hay phủ nhận những thành công của Việt Minh trong việc chuẩn bị, vận động và lan tỏa danh tiếng của mình kể từ thời điểm Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, từ đó dẫn đến vai trò đầu tàu của họ trong Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, để có một cái nhìn tổng quát và trọn vẹn về lịch sử thời kỳ này hơn, tác giả xin giới thiệu tới bạn đọc Luật Khoa năm sự thật lịch sử từ các góc nhìn khác biệt, góp nhặt từ những nguồn khả tín khác nhau mà báo chí và tài liệu cách mạng Việt Nam thường sẽ không nhắc đến trong các tư liệu của họ.
1. Vai trò của tình báo Mỹ (OSS) trong sự “thành danh” của Việt Minh
Khi nhắc đến Việt Minh, một hội nhóm chính trị hoạt động để che giấu danh nghĩa của Đông Dương Cộng sản Đảng trước sự thù địch của nhiều chí sĩ và người dân tại Việt Nam, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đến người hậu thuẫn đằng sau của tổ chức này là Liên Xô hùng mạnh.
Tuy nhiên, thực tế là sự hỗ trợ của Liên Xô trước Cách mạng tháng Tám dành cho Việt Minh cực kỳ hạn chế. Trong thập niên 1930 – 1940, hầu hết những học trò ưu tú và cánh tay đắc lực nhất được Moscow đào tạo bài bản như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu… đều đã bị chính quyền thực dân Pháp xử tử. Dây nối cảm tình chính trị giữa Stalin với nhóm Marxist còn thoi thóp hoạt động tại Việt Nam không được như trước.
Không chỉ vậy, vào năm 1943, vì yêu cầu hợp lực với các quốc gia tư bản trong chiến tranh Thế giới thứ Hai, Stalin quyết định giải tán và ngừng tài trợ vô thời hạn cho các tổ chức thuộc Quốc tế Cộng sản (Comintern – mà Đông Dương Cộng sản Đảng là một tổ chức thành viên) như một động thái thiện chí ngoại giao, triệt tiêu những phản đối trong nội bộ cộng sản thế giới về việc hợp tác với hai quốc gia tư bản mà họ dốc sức phản diện hóa trước đây. Một cái giá quá rẻ đối với Stalin để nhận được sự hỗ trợ tài chính và quân sự thiết yếu từ phía Đồng minh.
Điều này khiến cho việc hợp tác với lực lượng có thiên hướng cộng sản tại Việt Nam không khó nuốt với chính quyền của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cho lắm. Ở chiều ngược lại, Việt Minh lại là số ít những tổ chức chính trị “thực chiến” tại Việt Nam tỏ ra rất thiện chí và muốn thân Mỹ. Việt Minh không chỉ giúp đỡ quân đội Đồng minh (mà chủ yếu là quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương) bằng cách gây rối (chứ khó lòng chiến đấu) với quân Nhật, họ còn giúp giải cứu và hỗ trợ một số phi công Hoa Kỳ có máy bay bị bắn rơi khi giao chiến với quân Nhật trong khu vực Đông Dương.
Vào tháng Bảy năm 1945, một nhóm đặc vụ của Văn phòng Chiến lược vụ Hoa Kỳ (American Office of Strategic Services – OSS), tiền thân của Cục Tình báo Trung ương (Central Intelligence Agency – CIA), nhảy dù xuống trụ sở đầu não của Việt Minh, tổ chức huấn luyện, đào tạo và trang bị cho lực lượng quân đội non trẻ vài chục người của tổ chức này. Thông tin còn ghi nhận rằng Hồ Chí Minh thời điểm đó đang ở giữa thời khắc sống chết do bệnh kiết lỵ và sốt rét hành hạ; và ông được cứu sống nhờ một sĩ quan y tế đi cùng OSS.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Hồ Chí Minh và lực lượng chính trị dưới trướng ông có thể được xem là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ tại Đông Dương.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, khi các đơn vị quân đội và lực lượng chính trị của Việt Minh tiến về Hà Nội, hộ tống họ không phải là các đại diện của Liên Xô, mà là các sĩ quan và đặc vụ OSS. Điều này khiến cho Việt Minh trở thành lực lượng chính trị Việt Nam duy nhất được một thành viên Đồng minh trung lập (Hoa Kỳ, mà không phải là Pháp hay Trung Hoa Dân Quốc) hậu thuẫn; nhờ vậy, họ càng trở thành một lực lượng chính trị có sức hút và dễ dàng được chấp nhận.
Sau đó, đặc vụ Archimedes Patti (1913–1998) được Hồ Chí Minh mời tư vấn và hỗ trợ soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ông này vô cùng bất ngờ trước việc ông Hồ không hề có ý định nhắc đến xung đột xã hội hay đấu tranh giai cấp – những dấu hiệu cơ bản của một bản tuyên ngôn cộng sản. Nhờ đó, chính phủ lâm thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng có thêm nhiều cảm tình của Hoa Kỳ.
Và trong thời điểm chuyển giao trật tự chính trị thế giới mà Hoa Kỳ tiếp quản vị trí thống lĩnh phương Tây của Vương Quốc Anh, sự ủng hộ của OSS càng khiến cho các tiếng nói phản đối Việt Minh trở nên rất ít giá trị và tính chính danh của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng được tăng cường.
2. Thành tích kém cỏi của đảng Cộng sản trước tháng Ba năm 1945
Dù tự nhận là lực lượng duy nhất có năng lực lãnh đạo từ năm 1930 cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, thật ra thành tích đấu tranh của Việt Minh và Đông Dương Cộng sản Đảng rất kém trong giai đoạn từ những năm 1941 đến tận tháng Ba năm 1945. Hiện tượng này có thể được lý giải bởi nhiều yếu tố từ khách quan cho đến chủ quan.
Về mặt chủ quan, hầu hết hệ thống chính trị cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng của Việt Minh gần như đã bị tận diệt từ hai cuộc đàn áp trước đó: lần thứ nhất là giai đoạn 1925 – 1931, sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại; và tiếp đó là giai đoạn 1934 – 1936, sau khi chính phủ có xu hướng xã hội chủ nghĩa Mặt trận Bình Dân (Popular Front) ở Pháp sụp đổ và các hoạt động đàn áp chính trị ở thuộc địa được cho phép tiếp tục thực hiện.
Về mặt khách quan, thành viên chính thức của Việt Minh tại thời điểm chiến tranh kết thúc chỉ khoảng trên dưới 5.000 người trên toàn Việt Nam, và hoạt động mạnh mẽ – có tổ chức nhất chỉ trong phạm vi vùng rừng núi phía Bắc, gần biên giới Trung Quốc. Điều này khiến cho ảnh hưởng thực tế của Việt Minh lên đời sống chính trị của đa số người dân Việt Nam gần như là kiến và voi nếu so với tương quan của nhiều chính đảng và tổ chức tôn giáo – chính trị có tiếng nói khác như Cao Đài, Hòa Hảo hay Quốc Dân Đảng.
Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận là kể từ khi Nhật đảo chính Pháp và nhu cầu hỗ trợ hậu cần của quân Nhật được tăng cường khiến nạn đói ở miền Bắc trở nên khốc liệt hơn, Việt Minh với các hoạt động kêu gọi đánh phá kho thóc, phản kháng vũ trang và xây dựng chính quyền tự quản địa phương dần trở thành một cái tên quen thuộc đối với nông thôn miền Bắc Việt Nam. Những khu vực mà nạn đói giết chết nhiều nông dân nhất như Nam Định, Thái Bình cũng là nơi mà sự ủng hộ dành cho Việt Minh lên cao nhất.
Việt Minh cũng nhận được điều kiện chính trị thuận lợi gián tiếp bởi sự thụ động của nhiều đảng phái chính trị ở miền Bắc trong việc thừa nhận và ứng phó với nạn đói lan rộng. Chính phủ Trần Trọng Kim thì không có động thái nào thiết thực trong việc xử lý công việc mà đáng lẽ họ phải làm.
3. Ám sát chính trị
Trong môi trường đấu tranh chống thực dân và ngoại xâm, có lẽ một trong những điều mà người Việt Nam ít muốn làm nhất là giết chóc lẫn nhau. Tuy nhiên, với tư tưởng đấu tranh xã hội, và kẻ thù lớn nhất của các lực lượng cộng sản là kẻ thù giai cấp, Việt Minh là lực lượng thường xuyên ra tay ám sát và giở thủ đoạn chính trị tàn ác nhất nhắm vào những người cùng dòng máu, màu da với mình.
Theo ghi nhận của nhiều tài liệu được dẫn dưới đây, lệnh ám sát mà Việt Minh ký không chỉ dành cho những đối thủ chính trị trực tiếp, nguy hiểm, mà còn dành cho bất kỳ ai có ảnh hưởng chính trị nhưng dám lên tiếng chống đối mình.
Một trong ví dụ dễ nhớ nhất là Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, anh trai cả trong gia đình của Ngô Đình Diệm, bị lực lượng Việt Minh ở Trung bộ ám sát ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Bản thân Ngô Đình Diệm, trong giai đoạn 1950 – 1953 cũng nằm trong danh sáchám sát sau khi ông này chính thức lên tiếng phản đối Pháp – chính quyền Bảo Đại và cả Việt Minh; từ đó đề xuất hình thành nên Lực lượng thứ Ba (The Third Force Movement) nhằm chống lại cả chủ nghĩa thực dân của Pháp và chủ nghĩa cộng sản của Việt Minh.
Trở lại năm 1945, trong công trình nghiên cứu “Urban Guerrilla Warfare” của giáo sư khoa học chính trị Anthony James Joes của Đại học Pennsylvania, ông khẳng định các nhà lãnh đạo của phong trào yêu nước và dân chủ dân tộc chủ nghĩa Việt Nam đã phải đối mặt với chiến thuật “chặt đầu rắn” rất hiệu quả do Trường Chinh vạch ra và giải thích trong tác phẩm có tên “Primer for Revolt”. Hiểu đơn giản là ám sát những nhà lãnh đạo phong trào yêu nước phi cộng sản (hoặc phi Stalinist?).
Chiến thuật này đặc biệt được áp dụng mạnh mẽ và cực kỳ thường xuyên tại miền Nam Việt Nam sau 1945, nơi mà Việt Minh không có được sự ủng hộ lớn như tại miền Bắc và phải tranh giành ảnh hưởng với các tổ chức chính trị khác. Nạn nhân của chiến thuật này có thể kể đến Huỳnh Phú Sổ của đạo Hòa Hảo, các lãnh đạo quan trọng của Mặt trận Thống nhất Quốc gia, các lãnh đạo của phe Marxist theo chủ nghĩa Trotsky như Tạ Thu Thâu, Hình Thái Thông, Trần Văn Thạch, Trần Đình Minh, .v.
Ngay cả các học giả cộng sản thế giới cũng phải ghi nhận và lên án hành vi của Việt Minh; họ thường nhắc các cuộc thảm sát – thanh trừng sau Cách mạng tháng Tám là “Stalinist Massacres” – Những cuộc thảm sát của phe thân Stalin.
***
Lịch sử đã diễn ra. Và Việt Minh được lịch sử lựa chọn là người chiến thắng của Cách mạng tháng Tám cũng như các cuộc đấu tranh nội bộ sau đó. Đó là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, hiểu rõ thêm về cách thức và nguồn gốc của những chiến thắng này là điều nên làm. Đến cuối cùng, lịch sử sẽ tái diễn.
Bạn đọc có thể đọc và kiểm chứng, tìm kiếm thêm thông tin tại các nguồn khả tín sau đây:
- From Dai Viet to the August Revolution, Cambridge Core
- Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngo Dinh Diem, Journal of South East Asian Studies
- Anthony James Joes, Modern Guerrilla Insurgency, ABC-CLIO
- David Lan Pham, International Politico – Cultural Influences on Vietnam in the 20 th Century, Xlibris Corporation
- Seth Jacobs, America’s Miracle Man in Vietnam, Duke University Press
- Vietnam & Trotskyism, Marxist.com
- Vu Ngu Chieu, The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution, Journal of South East Asian Studies