Mục lục
Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974
Nhân kỉ niệm lần thứ 40 vừa qua, đã có hàng loạt các bài báo viết về trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 và lòng dũng cảm của quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy vậy, lại có ít thảo luận về điều thực sự diễn ra trong trận chiến.
Trong hàng thập niên, nó vẫn được giữ kín, nhưng gần đây một vài cựu binh đã viết hoặc kể lại câu chuyện của mình. Chính quyền Hoa Kỳ cũng đã công bố một vài tư liệu quan trọng từ kho lưu trữ. Gộp lại những thông tin đó, chúng kể ta nghe câu chuyện về những cá nhân anh hùng bị làm hại bởi kế hoạch tác chiến kém, lãnh đạo tệ hại, và lực lượng không cân sức.
Tháng 1/1974 là quãng thời gian rất khó khăn cho Nam Việt Nam. Lệnh ngừng bắn, được thiết lập sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, đã sụp đổ, buộc chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê liệt. Sự kiện ở mấy mỏm đá ngoài khơi cách Đà Nẵng 350 dặm không phải là ưu tiên. Quân lính canh gác Hoàng Sa cũng không có đủ nguồn lực lẫn chiến lược đúng đắn để tự bảo vệ.
Vào thứ Hai 14/1, một tàu thủy của VNCH phát hiện hai tàu hải quân Trung Quốc đang thả neo gần đảo Hữu Nhật (Robert), thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa do Nam Việt Nam chiếm giữ. Chỉ quen với việc đóng quân trên đất liền, quân VNCH đột nhiên phải đối diện với nguy cơ chiến đấu trên biển. Ngay ngày hôm sau, 15/1, tổng thống Thiệu đã trực tiếp đến thăm hải quân tại Đà Nẵng.
Hôm đó, Jerry Scott từ lãnh sự quán Hoa Kỳ đã đề nghị Tư lệnh Hải quân vùng I duyên hải và là bạn tốt của mình, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cho phép Gerald Kosh, một nhân viên dưới quyền, được lên tàu đi Hoàng Sa.
Ông Thoại nhanh chóng đồng ý và Kosh đã có mặt trên tàu HQ-16. Con tàu này là một trong bảy chiếc tuần dương hạm cũ của Hoa Kỳ giao lại cho VNCH đầu những năm 1970. Mặc dù ra đời từ thời Thế chiến Đệ nhị, loại tàu này được trang bị những khẩu súng cỡ nòng lên tới 5 inch (127mm), tốt nhất trong cả lực lượng hải quân của VNCH. Kosh sau đó đã viết một bản tường trình dài về trận chiến mà hiện đã được phép công bố.
Ngày hôm sau, 16/1, HQ-16 đưa 16 lính Biệt Hải của VNCH đến bảo vệ đảo Hữu Nhật. Nhưng quân Trung Quốc đã có mặt trên đảo Duy Mộng (Drummond) và đảo Quang Hòa (Duncan) với lực lượng hỗ trợ ở gần đó. Tất cả những thông tin này đều được khẩn báo về Đà Nẵng.
Ở sở chỉ huy đã có sự hoang mang. Tham mưu phó Hải quân Đỗ Kiểm, người có cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ hải quân VNCH, đã đề nghị phải phản ứng nhanh và kiên quyết. “Nếu chúng ta hàng động bây giờ thì có thể lấy lại được đảo,” ông Kiểm nhớ lại lời ông nói với tư lệnh hải quân, Đề đốc Trần Văn Chơn. Thay vì thế, theo lời ông Kiểm, ông Chơn đã yêu cầu phải có bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo đó. Mấy giờ sau ông Kiểm đã phải tìm trong thư viện hải quân và phòng lưu trữ chỉ để tìm các tài liệu.
Vào ngày thứ Năm, 17/1, 15 lính Biệt Hải đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Money). Trong 7 hòn đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, lúc đó 3 được quân VNCH chiếm giữ và 2 nằm trong tay quân Trung Quốc. Thêm 3 tàu được vội vàng điều tới Hoàng Sa: HQ-5 (tuần dương hạm cũ của Mỹ), HQ-4 (tàu khu trục USS Forster cũ, được trang bị súng cỡ nòng 3 inch) và HQ-10 (tàu quét thủy lôi cũ USS Serene của Hoa Kỳ, được cải biên thành tàu tuần tra).
Vào sáng thứ Sáu ngày 18/1, tất cả 4 con tàu trên đã có mặt tại Hoàng Sa. Hải đội trưởng Hà Văn Ngạc quyết định thể hiện sức mạnh bằng cách cho lực lượng đổ bộ xuống đảo Quang Hòa. Nhưng hai tàu hộ tống Trung Quốc đã được điều động đến đó và ông Ngạc phải hủy kế hoạch. Quân Trung Quốc thắng hiệp 1.
Vào tối thứ Sáu, mật tin đã được gửi cho ông Ngạc từ Đà Nẵng. Một mệnh lệnh rất kì quặc: tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Ông Ngạc quyết định đổ bộ vào sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 19/1. Vào lúc 8.29, khi đội lính đi vào đảo, quân Trung Quốc nổ súng, làm một lính VNCH thiệt mạng. Người thứ hai bị giết hại khi cố lấy lại xác đồng đội. Quân thủy đánh bộ VNCH phải rút lui.
Ông Ngạc liên lạc về để tìm mệnh lệnh. Trong trụ sở Hải Quân VNCH ở Sài Gòn, Đỗ Kiểm chạy đi tìm Đề đốc Chơn. Ông ta biến mất. Một trợ lý bảo rằng ông Chơn đã ra sân bay để chuẩn bị đi Đà Nẵng. Ông Kiểm gọi cho phó của ông Chơn ở Đà Nẵng. Ông ta cũng biến mất, để ra sân bay đón ông Chơn. Ngay tại thời điểm mà số phận của Hoàng Sa đang ngàn cân treo sợi tóc, hai lãnh đạo tối cao của Hải Quân VNCH đều mất tích. Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng.
Vào lúc 10.29, hai giờ sau khi hai lính thủy quân lục chiến bị giết hại, 4 tàu của phía Việt Nam nổ súng vào 6 tàu Trung Quốc.
Thật không may, súng trên tàu HQ-4 lại bị hỏng và con tàu nhanh chóng bị trúng đạn bởi một trong hai tàu hộ tống Trung Quốc. HQ-5 đã bắn trúng và làm hư hỏng nặng tàu hộ tống còn lại, nhưng rốt cuộc nó cũng bị trúng đạn. Mười lăm phút sau, HQ-5 vô tình bắn trúng tàu HQ-16. HQ-16 bị mất kiểm soát nguồn điện và bị nghiêng 20 độ. Sau đó tàu HQ-5 lại bị trúng đạn, hỏng mất tháp pháo và hệ thống radio. Cuối cùng, tàu HQ-10 nhỏ nhất đoàn, bị trúng tên lửa của quân Trung Quốc khiến cho đài chỉ huy bị phá hủy và thuyền trưởng thiệt mạng.
Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, mặc dù đã làm hư hỏng nặng hai tàu của Trung Quốc, đội tàu của VNCH hầu như đã mất khả năng chiến đấu. HQ-10 bị chìm còn ba chiếc còn lại lê lết về được Đà Nẵng.
Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được chào đón như những người hùng. Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. Nhưng trên thực tế, đó lại là một thảm họa.
Nhà báo Bill Hayton, làm việc ở BBC, là tác giả cuốn Vietnam: Rising Dragon (2010). Tác phẩm mới của ông về tranh chấp Biển Đông, The South China Sea – dangerous ground, sẽ được xuất bản năm nay bởi NXB Đại học Yale.
Đọc “Sự Thật Hải Chiến Hoàng Sa” Của Thềm Sơn Hà
Thềm Sơn Hà, sĩ quan hải quân khóa 17 trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, vừa giới thiệu cuốn sách ông viết về trận hải chiến Hoàng Sa nhan đề “Sự thật Hải chiến Hoàng Sa 19 tháng 1 năm 1974” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt hôm Chủ nhật 11 tháng 12, 2014. Thời điểm giới thiệu cuốn sách đúng lúc để đánh dấu kỷ niệm 41 năm tròn của trận hải chiến.
Cuốn sách được tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thứ trưởng bộ Giáo Dục VNCH viết lời giới thiệu, và cũng chính ông đích thân giới thiệu trong buổi ra mắt cuốn sách.
Từ lúc cuộc chiến xẩy ra đã có nhiều bài viết và nhiều cuộc phỏng vấn các nhân vật liên hệ bởi các chương trình Việt ngữ của các đài nước ngoài. Người được phỏng vấn nhiều nhất là Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, người có trách nhiệm về trận đánh. Năm 2010 Ủy Ban Hoàng Sa do cựu Thiếu Tá Hải Quân Trần Trọng Ngà (Khóa 12 SQ/HQNT) làm Trưởng Ban cùng với 7 Ủy viên khác đều là cựu sĩ quan hải quân cho xuất bản cuốn Hải Chiến Hoàng Sa.
Cho đến năm 2010, cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là tài liệu đầy đủ và nghiêm túc nhất về trận hải chiến lịch sử này. Chỉ có một thiếu sót là không có những tài liệu còn bảo mật về phía Hoa Kỳ.
Cuốn sách của ông Thềm Sơn Hà bổ túc sự thiếu sót này. Trong Lời Mở Đầu của cuốn sách ông Thềm Sơn Hà viết: “Tôi đã quyết định tu chính lại tất cả các bài tôi đã viết liên quan đến trận hải chiến Hoàng Sa để in thành sách với tựa đề “Sự Thật Hải chiến Hòang Sa”, sau khi nhận được tài liệu cuối cùng mà tôi đã chờ đợi sau gần 9 năm yêu cầu các cơ quan thuộc chánh phủ Hoa Kỳ cung cấp dựa trên đạo luật FOIA (Freedom of Information Act). Và đó là phần giá trị nhất của cuốn sách “Sự Thật Hải chiến Hòang Sa”.
Tuy nhiên tôi có cảm tưởng rằng có nhiều điều qua các tài liệu mật tác giả có được do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp tác giả thấy hoặc thoáng thấy nhưng không tiện viết ra.
1. Câu chuyện của ông đại úy Gerald Kosh người được tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng gởi theo tàu hải quân ra Hoàng Sa và có mặt tại đó khi trận đánh diễn ra vẫn úp úp mở mở. Sau khi được Trung quốc trả tự do ông ta có viết một báo cáo dài, nay đã được công bố không thấy tác giả ghi lại. Mặc dù bộ Ngọai giao Hoa Kỳ đã phủ lên câu chuyện ông Kosh lờ mờ như chuyện đi chơi, nhưng ai cũng biết ông có một vai trò tình báo.
2. Tác giả không nói rõ việc Hoa Kỳ không cứu vớt thủy thủ HQVN trôi dạt trên biển, một thái độ khó biện minh đối với một đồng minh.
3. Tác giả có ghi lại sự kiện các phi đội Không quân VN vào ngày 21/1/1974 đã sẵn sàng tại căn cứ Không quân Đà Nẵng để ra Hoàng Sa oanh tạc các đơn vị Trung Cộng chiếm đóng đảo và sau đó lệnh hành quân được hủy bỏ. Tác giả không nói lý do tại sao hủy bỏ.
4. Ngày 23/1/1974 TT Nguyễn Văn Thiệu gởi thư yêu cầu TT Nixon yểm trợ “vật chất và chính trị” trước biến cố trên Biển Đông. Sự yêu cầu này nhắm tới ý của TT Thiệu muốn chiếm một số đảo tại Trường Sa. Mấy tuần sau ông đại sứ Martin đã đến trả lời miệng rằng Hoa Kỳ không tán thành những gì TT Thiệu định làm vì e ngại những phản ứng không kiểm soát được của Trung quốc trong đó có vấn đề Hoa Kỳ đang vận động thả tù nhân Mỹ, Việt mà Trung Quốc bắt tại Hoàng Sa. Tại sao Hoa Kỳ quá lo lắng về phản ứng của Trung Quốc như vậy? Giả thuyết là có một sự sắp xếp giữa hai bên “trên đầu của VNCH” và có thể cả “trên đầu của chính phủ Cộng sản tại Hà Nội”.
5. Sự sắp xếp đó có thể thấy qua cuốn hồi ký chính trị “Years of Upheaval” (Những Năm Tháng Biến Động) của ông Henry Kissinger. Ông Kissinger (lúc đó là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ) thuật lại rằng trong chuyến công du Trung quốc ngày 10 tháng 11 năm 1973 để thảo luận tình hình thế giới với hai ông Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông, hai bên quan tâm nhất đến sự bành trướng thế lực của Nga Xô. Ngoại trưởng Kissinger viết, trong một cuộc thảo luận giữa ông với hai ông Chu và Mao, Mao đồng ý với nhận định của ông Chu rằng Nga xô là mối đe dọa lớn nhất của Trung quốc [Mao went along cheerfully with Zhou s implications that the Soviets were now the principal threat… (“Years of Upheaval”, trang 689) ]. Trước đó trong một đoạn tóm tắt mục đích và kết quả của chuyến công du ông Kissinger viết rằng quan tâm chung của ông và ông Chu là tình hình thế giới. Ông cho biết báo chí quốc tế tường thuật chuyến công du của ông tại Trung quốc không thuận buồm xuôi gió vì vấn đề Đài Loan, nhưng thực ra đây là chuyến đi thành công nhất của ông. Hoa Kỳ và Trung quốc đã đạt đến một cái nhìn chung làm cho hai nước thắt chặt mối thân hữu, và vì những lý do tế nhị đối với Nga Xô không thể tiết lộ được.[Following the now well-established practice the heart of the visit was a detailed review of the international situation by Zhou and me, together with our senior associates… Our ties were cemented not by formal agreements but by a common assessment of the international situation… Most of our conversations, as usual, traced our shared analysis of the world situation, though for equally obvious reason of Soviet sensitivities we could not announce that fact either (“Years of Upheaval”, trang 684) ]. Qua những dòng chữ trên, có lẽ có một thỏa thuận giữa Mao, Chu và Kissinger để Trung quốc chiếm quần đảo Paracels của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó Hoa Kỳ biết trước sau Hà Nội cũng chiếm Nam Việt Nam và không muốn Liên bang Xô Viết qua đồng minh Hà Nội dùng Hoàng Sa và Trường Sa dòm ngó eo biển Malacca. Trung quốc (đồng minh chiến lược) đóng chốt ở Hoàng Sa chận đường Nga là một nước bài đắc ý của Kissinger.
Các sự việc diễn ra sau đó giải thích giả thuyết này. Một tháng sau khi ông Kissinger rời Bắc Kinh, hải quân Trung quốc lén lút đổ quân lên chiếm một số đảo trong quần đảo Paracels. Và trong trận đụng độ giữa hải quân Trung quốc và hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/1/1974 hạm đội 7 của Hoa Kỳ đứng né ra ngoài. Hạm đội Hoa Kỳ tránh cả việc cứu vớt thủy thủ Việt Nam bị trôi dạt trên biển dù có lời yêu cầu chính thức của Việt Nam Cộng Hòa. Hải quân Trung quốc sau khi đánh bại hạm đội Việt Nam Cộng Hòa đã không truy kích để cho hạm đội VNCH an toàn trở về căn cứ Đà Nẵng (xem bài Trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa của đại tá Hà Văn Ngạc). Nhưng Hoa Kỳ đã can thiệp để các thủy thủ và quân nhân bị bắt được đối đãi tử tế và trả về trong một thời gian ngắn. Riêng ông Kosh nhân viên tình báo Hoa Kỳ tháp tùng quan sát bị bắt cũng được trả tự do trong vòng một tháng. Bài viết của đại tá Hà Văn Ngạc ghi nhận rằng trong thời gian trước khi hai bên nổ súng Trung quốc hết sức hòa hoãn. Có lẽ Trung quốc nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ thuyết phục được Việt Nam Cộng Hòa bỏ quần đảo Paracels. Khi hải quân Việt Nam đổ bộ lên tái chiếm các hòn đảo nhỏ chung quanh đảo Hoàng Sa mà Trung quốc đã chiếm mấy tuần trước đó họ đã bỏ đi không chống cự. Nhưng sau khi biết Hoa Kỳ không thuyết phục được tổng thống Thiệu bỏ Paracels, Trung quốc dùng sức mạnh.
Cũng còn những góc khuất về trận Hoàng Sa chưa có tài liệu nghiên cứu đến. Vai trò của Đô Đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải Quân chẳng hạn. TT Thiệu có thảo luận trực tiếp với ông không? Bộ Quốc Phòng có chỉ thị gì không? Và trong ngày 19/1 khi súng nổ ngoài Hoàng Sa ông đang làm gì? Vai trò của ông Tư Lệnh Hải quân trong trận hải chiến hết sức lờ mờ. Hình như ông muốn tránh ra ngoài cuộc chiến. Với quan hệ gần như huynh đệ với Đô Đốc Zumwalt thời gian ông Zumwalt làm cố vấn cho HQVN trong giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh, có thể Đô Đốc Chơn biết Hoa Kỳ có chương trình bỏ Hoàng Sa cho Trung Quốc, và không muốn làm gì để trái với kế hoạch của Hoa Kỳ mà trên thực tế ông biết cưỡng lại cũng không được.
Ông Thềm Sơn Hà trong cuốn Sự Thật Hải chiến Hòang Sa không đặt bất cứ một câu hỏi nào về cách hành xử và thời biểu làm việc khó hiểu của ĐĐ Chơn trong ngày 19/1. Ông chỉ nêu ra một sự việc do Đại úy Lê Văn Thự, Trung Tâm trưởng Trung tâm Hành Quân Vùng 1 Duyên Hải thuật lại là ĐĐ Chơn đã khóc khi được báo cáo HQ 10 chìm, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử thương.
Một vấn đề khác là viết từ miền Nam và hải ngoại trận Hoàng Sa lúc nào cũng được miêu tả là một trận chiến oai hùng của chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh để bảo vệ bờ cỏi mà không đào sâu về những khiếm khuyết khác. Cuốn sách của ông Thềm Sơn Hà cũng không đi ra ngoài thông lệ đó.
Đầu năm 2014 kỷ niệm 40 năm trận Hoàng Sa, ông Bill Hayton, một nhà sử học làm việc cho đài BBC của Anh xuất bản cuốn “The South China Sea” trong đó ông miêu tả lại với khá đầy đủ chi tiết trận hải chiến Hoàng Sa. Trước khi cuốn sách được chính thức xuất bản ông Hayton viết một tài liệu tóm tắt các diễn biến chung quanh trận đánh phổ biến (ngày 2/2/2014) trên BBC Việt ngữ online.
Ông viết: “Nhân kỉ niệm lần thứ 40 vừa qua, đã có hàng loạt các bài báo viết về trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 và lòng dũng cảm của quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy vậy, lại có ít thảo luận về điều thực sự diễn ra trong trận chiến”. Và sự thật qua sự nghiên cứu của ông Bill Hayton trận hải chiến Hoàng Sa không phải là màu hồng.
Ông kết luận “Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được chào đón như những người hùng. Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. Nhưng trên thực tế, đó lại là một thảm họa.”
Bài viết của ông Hayton đã tạo ra nhiều phản ứng trong giới Hải quân VNCH từng nghiên cứu về trận Hoàng Sa, cho rằng ông Hayton có ý mạ lỵ Hải quân VNCH. Lối hành văn của ông Bill Hayton có vẻ mạ lỵ, nhưng sự thật lịch sử của nó vẫn cần được quan tâm.
Với cuốn Sự Thật Hải chiến Hòang Sa ông Thềm Sơn Hà đã làm một công việc đáng ca ngợi là đào sâu thêm vào biến cố Hòang Sa với những tài liệu ông yêu cầu bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (phải) cung cấp cho ông. Cuốn sách là một thành công của tác giả mặc dù về phương diện trình bày ông đưa vào quá nhiều chi tiết đặc tính của các chiến cụ (chiến hạm, máy bay…) không cần thiết.
Và lúc này tác giả có quyền theo gương Phạm Thái trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ chúc bầu rượu hát nghêu ngao:
Tầm tay ta với không vừa.
Mộng cao chi lắm, xin chừa từ đây.
Nước sông có lúc vơi đầy,
Ta về hưu, uống rượu say quên đời!
(Thơ Thềm Sơn Hà)
Sự Thật Hải chiến Hòang Sa – Trang 4
Trần Bình Nam
Jan. 17, 2015
Góp Ý Với Bill Hayton về Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 19 tháng 1 năm 1974
15-1-2016
Tôi không thích chính trị; vì không thích cho nên tôi không muốn tìm hiểu về chính trị. Nhưng, hôm nay, bất ngờ, được website truclamyentu chuyển đến một bài dịch từ bài viết của ông Bill Hayton, tôi nhận thấy có vài điều tôi muốn viết để góp ý.
Tôi nghĩ, khi đề cập đến một trận chiến – chứ không phải viết lịch sử – người ta thường nhìn vào tinh thần chiến đấu của người lính tham gia trận chiến đó và phản ứng thức thời, thích nghi của cấp chỉ huy của trận chiến đó. Còn nếu chỉ nhìn cuộc chiến đó bằng kế hoạch hành quân và những “tai nạn” khi khói lửa ngập trời mà không hề đề cập đến tinh thần của binh sĩ thì đó là một cách nhìn thiếu công bằng.
Là tác giả của cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 và cũng là một phụ nữ có chồng là một sĩ quan cao cấp Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa, tôi hiểu rằng: Kế hoạch hoặc phương án hành quân và lệnh hành quân lúc nào cũng được bảo mật; sĩ quan thuộc cấp có thể biết một vài phần nhưng hạ sĩ quan và lính thì không được phép biết.
Vì lẽ đó, những Người Lính V.N.C.H. đã tham chiến trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 01 năm 1974 – cả Địa Phương Quân lẫn Hải-Quân và Thủy Quân Lục Chiến – khi trở về đất liền được chào đón như những vị anh hùng là hoàn toàn hợp lý; bởi vì, Người Lính chỉ biết tuân lệnh, xã thân vào trận chiến vì tinh thần yêu nước, muốn bảo vệ quê hương chứ Người Lính không thể lựa chọn và cũng không cần biết ai phát họa phương án hoặc kế hoạch hành quân; phương án hoặc kế hoạch hành quân đó tốt hay xấu, có lợi hay bất lợi; phương án hoặc kế hoạch hành quân đó là một thảm họa hay là một khúc khải hoàn ca!
Cả thế giới đều biết, trận Hải Chiến giữa Hải-Quân V.N.C.H. và Hải-Quân Trung Cộng là một cuộc chiến không cân sức, như là “châu chấu đá xe”. Thế mà Hải-Quân V.N.C.H. vẫn chấp nhận chiến đấu để quân cướp Trung Cộng biết rằng Việt-Nam Cộng Hòa là chủ của Hoàng Sa – nghĩa là Hải-Quân V.N.C.H. cũng như Chính Phủ V.N.C.H. tự “rước” thảm họa (chữ của người nào dịch bài báo của Bill Hayton). Đó là tinh thần dũng cảm của Quân Lực V.N.C.H., tác giả và mọi người – nhất là người Việt-Nam – cần phải ghi nhận một cách trân trọng và nêu cao.
Tôi không hiểu tại sao lại căn cứ vào nhận xét của một người ngoại quốc – mà người ngoại quốc này, Bill Hayton, không tham dự trận chiến Hoàng Sa – để đánh giá một trận chiến do “1/2 nước Việt Nam này” dám ngang nhiên chống Tàu Cộng cướp đảo, trong khi – cùng thời điểm – “1/2 nước Việt Nam kia” lại tận dụng thời cơ, xua quân thực hiện chiến thuật biển người, do Đại Tướng Cộng Sản Việt-Nam Võ Nguyên Giáp học được từ Trung Cộng, để ào ạt tấn công “1/2 nước Việt-Nam này” bằng vũ khí của chính quân cướp Trung Cộng!
Bill Hayton này là ai mà dám phê phán một cuộc chiến trong lãnh hải của “1/2 nước Việt-Nam này” – miền Nam Việt-Nam? Nhân vật ngoại quốc này không có tư cách gì để bảo rằng những Người Lính sống sót từ Hoàng Sa trở về được “thêu dệt một cách ly kỳ như huyền thoại” và được “chào đón như những anh hùng”!
Tôi, Điệp Mỹ Linh, đại gia đình tôi và toàn thể người Việt sống dưới vĩ tuyến 17, là công dân Việt-Nam – vào thời điểm Hải-Quân V.N.C.H. chống Tàu Cộng cướp Hoàng Sa – luôn luôn tôn vinh những Người Lính đã tử trận tại Hoàng Sa cũng như những Người Lính sống sót từ Hoàng Sa trở về là Những Vị Anh Hùng!
Tại sao – cùng thời điểm đó – Bill Hayton không lên án quân cướp Trung Cộng và quân Bắc Việt xâm lăng Nam Việt đã “cõng rắn” Trung Cộng “cắn gà nhà” Nam Việt-Nam?
Tại sao không ai nghĩ Bill Hayton viết bài đó vì Bill Hayton không có cảm tình với Nam Việt-Nam? Cũng may, Bill Hayton là một nhà báo chứ không phải là một người viết lịch sử.
Người viết lịch sử là một người chỉ trình bày những dữ kiện có thật của lịch sử chứ người viết sử không bao giờ góp lời phê phán hoặc đưa vào những trang sử lời bình phẩm của chính tác giả.
Bởi vì, khi ta nhìn vào bất cứ vật thể gì, hay sự kiện nào, ta cũng chỉ thấy được từ góc cạnh hạn hẹp của đôi mắt và quan niệm của ta chứ ta không thể thấy được tổng thể của vật đó, sự việc đó. Vậy thì không thể cho rằng Bill Hayton “đánh giá một cách khách quan” về trận Hải Chiến Hoàng Sa được!
Từ khi Trung Cộng ngang nhiên xâm lược và xây dựng nhiều đảo nhân tạo trong vùng lãnh hải của nước Việt-Nam “trọn vẹn” – chứ không phải chỉ “1/2 nước Việt-Nam” như năm 1974 – Chính Phủ Cộng Sản Việt-Nam có dám hé môi hay không? Chính Phủ C.S.V.N. đã hèn với Trung Cộng mà khi sinh viên và người dân Việt-Nam biểu tình chống đối Trung Cộng cướp đảo của Việt-Nam thì Chính Quyền C.S.V.N. lại thẳng tay đàn áp, bắt tất cả bỏ tù!
Xin ông nhà báo Bill Hayton thử “đánh giá một cách khách quan” về thái độ hèn hạ của Chính Phủ Cộng SảnViệt-Nam cũng như người lính của quân đội cụ Hồ đi.
Nhân đây tôi cũng xin nêu lên hai điều trong bài của Bill Hayton:
1-*Bill Hayton viết rằng: “Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng”.
Tôi được biết chính xác:
-* Hải-Quân Đại Tá Đỗ Kiểm là Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ Tư Lệnh Hải-Quân.
-* Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là Tư Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên Hải.
-* Hoàng Sa thuộc hải phận Vùng I Duyên Hải.
Tôi đề nghị Bill Hayton nên liên lạc trực tiếp với Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại – nguyên Tư Lệnh Hải-Quân V.N.C.H. Vùng I Duyên Hải – để phối kiểm và được xác nhận, làm sáng tỏ chi tiết này.
2-*Bill Hayton viết rằng: “…chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê liệt…”
Đúng! Vào thời điểm Hải Chiến Hoàng Sa, Chính Phủ V.N.C.H. với nền kinh tế hầu như bị tê liệt (chữ của Bill Hayton) và Người Lính V.N.C.H. chiến đấu trong điều kiện cạn kiệt vũ khí (chữ của Điệp Mỹ Linh); vì Hoa Kỳ không còn viện trợ vũ khí cho miền Nam Việt-Nam nữa! Thế mà Chính Quyền V.N.C.H. và Người Lính V.N.C.H. vẫn “…Thù nước lấy máu đào đem báo…”(1) Tư cách như vậy, tác phong như vậy và tinh thần yêu nước như vậy phải được ghi nhận một cách công bằng và trang trọng, thưa ông Bill Hayton!
Bill Hayton chỉ nêu ra những chi tiết tiêu cực như: Chiến Hạm của Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa đụng vào nhau trong chiến trận Hoàng Sa!
Tôi không biết Bill Hayton là công dân nước nào. Nhưng tôi đề nghị Bill Hayton hãy lật những trang sử chiến tranh của đất nước Ông, xem có bao nhiêu “tai nạn” xảy ra khi quân của quê hương ông “đụng trận” với quân nước khác? Ngay như một quân đội tinh nhuệ nhất hành tinh là Quân Đội Hoa Kỳ mà thỉnh thoảng báo chí vẫn đưa tin những tai nạn không thể tránh được, khi lâm trận!
Nếu Bill Hayton tìm không được trên sử sách của đất nước Ông về những tai nạn xảy ra trong chiến tranh thì, tôi nghĩ, quân đội của đất nước Ông quả là một quân đội … huyền thoại – chữ của Bill Hayton!
Hoàng Sa – nổi trôi vận nước
Ngày 19/1/1974, một cuộc hải chiến nổ ra giữa Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Trung Quốc, nhưng hầu như lại không được giới truyền thông quốc tế khi đó xem là một điều gì quá to tát. Cuộc chiến Việt Nam vẫn tiếp diễn và đang trong cao trào, và đó mới là mối quan tâm hàng đầu của thế giới tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, chính kết quả của cuộc hải chiến này lại ảnh hưởng rất lớn đến vai trò của Trung Quốc trên biển Đông ngày nay.
Trận chiến Hoàng Sa – Công cuộc chuẩn bị nhiều năm và mưu kế của Trung Quốc
Một tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Toshi Yoshihara thuộc Đại học Hải quân trực chiến (United States Naval War College) có thể giúp chúng ta tìm hiểu sâu hơn về các chi tiết của trận chiến ở quần đảo Hoàng Sa.
Giáo sư Yoshihara cho rằng đây là một trong những cuộc hải chiến – tuy ít được giới nghiên cứu và học giả nhắc đến – nhưng lại vô cùng quan trọng trong lịch sử thế giới cận đại.
Theo ông Yoshihara, trận hải chiến Hoàng Sa chính thức mở đầu công cuộc mở rộng lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc, và cũng là ngòi nổ cho các cuộc xung đột tại vùng biển này từ đó cho đến nay. Mà Trung Quốc, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông (Mao Zedong), đã chuẩn bị cho trận chiến này bằng một kế hoạch dài hơi, cũng như chờ đợi một thời cơ thích hợp nhất để tấn công VNCH vào tháng 1/1974.
Trong suốt thập niên 1960, Trung Quốc và VNCH đều giữ cho mình ở thế cầm chừng tại biển Đông. Cả hai chỉ xây dựng cơ sở một cách khiêm tốn, và thỉnh thoảng mới tuần tra vùng hải phận xung quanh các vùng đảo mà mình kiểm soát.
Một trong những lý do giúp giữ thế trung dung ở Biển Đông trong giai đoạn đó được cho là bởi vì hải quân Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực. Người Mỹ đã khiến cho Trung Quốc phải cân nhắc việc ra tay giành giật các đảo thuộc quyền kiểm soát của miền Nam Việt Nam.
Đến thập niên 1970, những hứa hẹn về khai thác dầu khí gần bờ đã từ từ thổi lên ngọn lửa tranh chấp ở Biển Đông.
Giữa năm 1973, chính quyền Sài Gòn bắt đầu cho phép các công ty nước ngoài tiến hành thăm dò dầu khí gần nhóm các đảo Crescent.
Cùng năm đó, Bắc Kinh (Beijing) cũng bắt đầu lên tiếng về việc chủ quyền đối với tài nguyên thuộc các hải phận ở những đảo mà họ chiếm đóng. Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành khai thác dầu khí ở đảo Woody vào tháng 12/1973.
Tất cả các yếu tố địa chính trị, kinh tế, và chủ quyền đột nhiên đều tập trung cùng lúc, và chúng được xem là đã khiến cho tranh chấp Biển Đông chính thức bùng nổ trong thập niên 1970.
Bắt đầu từ mùa hè năm 1973, một loạt các khiêu khích đã nổ ra giữa hai bên.
Tháng 8/1973, VNCH đã chiếm sáu đảo thuộc quần đảo Trường Sa-Spratlys Islands, và một tháng sau, chính quyền Sài Gòn chính thức tuyên bố chủ quyền đối với 10 hòn đảo thuộc Trường Sa.
Tháng 10/1973, hai tàu đánh cá của Trung Quốc – số 402 và 407 – tiến đến gần nhóm đảo Crescent của quần đảo Hoàng Sa, và thực hiện hoạt động đánh bắt tại đó. Thuyền viên của hai đoàn tàu này đã cắm cờ Trung Quốc lên các hòn đảo vốn đang được VNCH chiếm đóng, cũng như tiến hành thiết lập một đội hậu cần tại đó – nơi mà hơn một thập niên trước, quân đội VNCH đã đánh đuổi họ ra khỏi.
Tháng 11/1973, hải quân VNCH truy đuổi hai tàu đánh cá Trung Quốc 402 và 407 ra khỏi vùng đảo Crescent, bắt giữ một số thủy thủ, và giải họ về Đà Nẵng.
Ngày 10/1/1974, hai đoàn tàu này trở lại Crescent và bắt đầu xây dựng một nhà máy chế biến hải sản tại đây. Một ngày sau đó, chính quyền Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và Macclesfield (Trung Sa – 中沙 – trong tiếng Hán).
Từ ngày 14-17/1/1974, hải quân VNCH đã điều động lực lượng đến quần đảo Hoàng Sa để giữ các đảo thuộc quyền kiểm soát của mình qua việc và xua đuổi các tàu đánh cá của Trung Quốc ra khỏi đó.
Ngày 16/1/1974, hải quân Trung Quốc cũng điều động hai tàu chiến trực tiếp hướng về phía quần đảo này.
Các tàu chiến của Trung Quốc đều nhận được lệnh, không nổ súng trước. Mà ngược lại, họ sử dụng hai tàu đánh cá nói trên để khiêu khích hải quân VNCH. Hai tàu đánh cá 402 và 407, theo ký lục của hải quân Trung Quốc ghi lại, vốn trực thuộc quyền điều khiển của họ, chứ không phải là các tàu đánh cá của dân thường.
Hải chiến Hoàng Sa chính thức nổ ra vào rạng sáng ngày 19/1/1974. Chi tiết sống động về cuộc chiến đã được Bill Hayton miêu tả qua gần 10 trang trong sách của ông The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (trang 70-78).
Đến cuối cùng, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu quét mìn, gây thiệt hại nặng nề cho ba tàu chiến của VNCH, giết chết và làm bị thương hàng trăm binh lính hải quân và sĩ quan, bắt giữ 48 người và chiếm cứ ba hòn đảo thuộc nhóm Crescent.
VNCH phản công bất thành vì Hiệp định Paris 1973 đã chấm dứt nguồn viện trợ và sự trợ giúp của quân đội Hoa Kỳ
Chính quyền VNCH ngay lập tức đã phản ứng với việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đánh các đảo ở quần đảo Hoàng Sa do miền Nam Việt Nam kiểm soát trong gần hai thập kỷ. Hải quân VNCH đã chuẩn bị mang hai tàu khu trực và sáu tàu chiến từ Đà Nẵng để đánh ngược ra Hoàng Sa.
Các lực lượng bộ binh và không quân cũng được lệnh chuẩn bị chiến đấu. Cùng lúc đó, chính quyền Sài Gòn yêu cầu lực lượng hải quân Hoa Kỳ từ chiến hạm U.S. Seventh Fleet trợ giúp, nhưng Hoa Kỳ – dù vẫn là đồng minh của VNCH khi đó – lại từ chối.
Tuy vậy, Trung Quốc không hề coi nhẹ lực lượng VNCH và đã chuẩn bị cho việc bị phản công. Đích thân Mao Trạch Đông đã ra lệnh cho ba tàu khu trục nhỏ xuất phát từ Guangzhou (Quảng Châu) đi qua eo biển Đài Loan (Taiwan Strait), để tiến về yểm trợ cho lực lượng chiếm đóng Hoàng Sa.
Đây vốn là một quyết định khá liều lĩnh của Mao, vì mối quan hệ giữa chính quyền KMT (Quốc dân đảng) và đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó vẫn rất căng thẳng.
Nhưng đến cuối cùng, có lẽ đảng cầm quyền KMT tại Đài Loan cho rằng, việc người Trung Hoa (ở bất kỳ đâu) làm chủ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vẫn là điều có lợi nhất đối với họ, nên đã âm thầm cho phép các tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng lãnh hải một cách bình yên. Và đúng như Mao đã đánh cược, “tinh thần đoàn kết của người Trung Hoa” đã chiến thắng mối thù Quốc-Cộng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Đoàn tàu chiến của Mao đã an toàn đến được Hoàng Sa.
Trong khi đó, sau khi Hiệp định Paris 1973 được hai miền Nam Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết gần một năm trước, đồng minh Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Việt Nam, cũng như cắt giảm viện trợ cho VNCH.
Thế nên, khi đối diện với tàn cuộc của cuộc chiến Hoàng Sa, chính quyền VNCH chỉ có thể tự dựa vào sức mình. Mà chỉ với sức họ, vốn không đủ quân lực để đánh ngược trở ra Hoàng Sa khi mà tại đất liền, cuộc chiến Việt Nam vẫn đang tiếp diễn.
Trung Quốc đã tính toán rất kỹ nước cờ này, Giáo sư Yoshihara nhận định, vì họ nắm gần như là chắc chắn người Mỹ sẽ không tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông khi đó.
Mà ngay cả khi Mỹ có ý bảo vệ VNCH đi nữa, thì Trung Quốc cũng đã chuẩn bị cho một nước cờ kế tiếp. Theo Đô đốc Kong Zhaonian, một trong những người trực tiếp tham chiến ở Hoàng Sa, thì sở dĩ Trung Quốc đã chờ cho phía VNCH có phản ứng với các tàu đánh cá trước, là để dùng trong trường hợp bị phản công. Nếu Mỹ nhảy vào, thì Trung Quốc sẽ tuyên bố với quốc tế là phía VNCH đã gây hấn trước.
Sự im lặng của miền Bắc Việt Nam khi Hoàng Sa bị xâm lược
Hiệp định Paris 1973 là “hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Đó là những gì được viết trên giấy, còn trong thực tế, cả hai miền Nam Bắc, cùng lực lượng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (CMLT) ở miền Nam, vẫn tiếp tục nã súng vào đối phương cho đến ngày 30/4/1975.
Bỏ qua việc phe nào là phe đã phá vỡ điều lệ ngừng chiến của Hiệp định 1973, câu hỏi được đặt ra với vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa là, người Việt Nam ở mọi miền đã có những động thái gì để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo này ngay sau ngày 19/1/1974?
Bỏ mặc những tuyên bố về sự toàn vẹn lãnh thổ, và cũng không bàn đến những cáo buộc liên quan đến chủ quyền lãnh hải được bàn bạc giữa Trung Quốc và VNDCCH trong thập niên 1950-1960, chúng ta chỉ nhìn vào những gì mà các bên đã ký kết trong Hiệp định 1973.
Điều 1 của Hiệp định Paris đã ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. |
Hành vi của Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 rõ ràng là việc làm đi trái với Điều 1 của Hiệp định Paris 1973. Quyền kiểm soát một nửa quần đảo Hoàng Sa của miền Nam Việt Nam vốn được quốc tế công nhận theo Hiệp định Geneva kể từ năm 1956.
Còn Điều 15 của Hiệp định Paris 1973 thì quy định:
“Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình, như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam quy định.”
Do đó, cũng không thể lấy lý do là Trung Quốc là đồng minh của VNDCCH trong cuộc chiến 1954-1975 để lý giải cho sự chiếm đóng của hải quân nước này ở Hoàng Sa.
Đối diện với việc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc, chúng ta chỉ ghi nhận được sự im lặng của VNDCCH vào thời điểm đó. Liệu sự im lặng này có được xem là việc ngầm công nhận chủ quyền của Trung Quốc từ phía miền Bắc Việt Nam, đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hay không?
Trái ngược lại, chính quyền VNCH dù không giành lại được Hoàng Sa, nhưng ngày 20/1/1974, họ đã khiếu nại chính thức đến Hội đồng Bảo an LHQ để tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc.
Riêng về phần CMLT ở miền Nam, thì chính phủ lâm thời này được cho là có đưa ra một tuyên bố năm 1974, phản đối hành vi của Trung Quốc và kêu gọi các nước liên quan đến tranh chấp giải quyết xung đột trong ôn hòa. Thế nhưng, đó chỉ là thông tin do phía báo chí Việt Nam đăng tải trong những năm gần đây.
Cho đến nay, không có một tuyên bố chính thức hoặc một văn bản có hiệu lực pháp lý nào được công bố với công chúng Việt Nam và quốc tế, để lý giải cho thái độ của VNDCCH và cả của CMLT, trước việc Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam vào năm 1974.
Một trong các lý do là vì hiện nay, giới học giả vẫn không thể tiếp cận được các tài liệu về Biển Đông được lưu trữ bởi chính phủ Việt Nam hiện nay. Điều này được nhà báo Bill Hayton xác nhận một lần nữa vào ngày 8/9/2017 trong buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Viện Quan hệ Quốc tế (Institute of International Relations) thuộc Đại học Chính trị Đài Bắc, Đài Loan.
Vị thế địa chính trị (geopolitics) của quần đảo Hoàng Sa và dã tâm của Trung Quốc
Các tài liệu của Trung Quốc luôn đề cao vị thế địa chính trị của quần đảo Hoàng Sa, và đó là một phần lớn lý do vì sao Trung Quốc quyết tâm đánh chiếm nó. Theo Bách khoa Toàn thư của quân đội Trung Quốc ghi nhận, thì “quần đảo (Hoàng Sa) là vành đai bảo vệ lãnh thổ đại lục, và là tuyến đầu của quốc gia (ở biển Đông). Các đường bay và đường biển từ Trung Quốc đến Singapore và Jakarta-Indonesia đều phải đi qua vùng biển này. Đó là một phần lý do vì sao quần đảo này lại quan trọng (đối với Trung Quốc) đến vậy”.
Quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa-西沙-trong tiếng Hán) cách khoảng 300 cây số về phía Nam đảo Hải Nam (Hainan), Trung Quốc, và 370 cây số về phía đông của Đà Nẵng, Việt Nam.
Quần đảo này bao gồm các đảo san hô, các dải đá, và các bãi ngầm thường được chia làm hai nhóm chính, là Amphitrite (An Vĩnh) và Crescent (Trăng non – 永乐).
Nhóm đảo Amphitrite nằm ở phía Đông Bắc của quần đảo Hoàng Sa.
Về phía Tây Nam của nhóm Amphitrite là nhóm đảo Crescent, bao gồm các đảo Pattle (Hoàng Sa-珊瑚), Money (Quang Ảnh-金银), và Robert (Hữu Nhật-甘泉) ở bờ Tây, và các đảo Duy Mộng (Drummond – 晋卿), Duncan (Quang Hòa-琛航), và Palm (Quang Hòa Tây-广金) ở bờ Đông.
Một khoảng cách 80 cây số phân chia hai nhóm đảo Amphitrite và Crescent.
Hoàng Sa từ góc nhìn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của các nước có liên quan sau Thế chiến Thứ hai
Từ năm 1956 đến năm 1974, hơn phân nửa diện tích hiện thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, là thuộc chủ quyền của Việt Nam, do VNCH quản lý theo Hiệp định Geneva 1954 và các hiệp ước quốc tế khác, được ký kết sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt. (Và phạm vi của bài viết này chỉ tập trung vào phần lãnh thổ được phân định sau Hiệp định Geneva 1954).
Do vậy, bản đồ thế giới ngay sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt vào tháng 8/1945 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn các chi tiết của cuộc hải chiến Hoàng Sa.
Ranh giới lãnh thổ của các quốc gia khi ấy và bây giờ là không giống nhau. Đối với một số quốc gia, thì ranh giới lãnh thổ mới được phân chia, tái phân chia, hoặc thậm chí là định ra từ lúc đó.
Từ nửa đầu của thế kỷ 20 trở về trước, người dân ở hầu hết mọi nơi trên thế giới đều phải đối mặt với chiến tranh như là một phần của cuộc sống. Lãnh thổ quốc gia chính là do chiến tranh mà đạt được, và bản đồ thế giới ngày nay phần lớn cũng là do kết quả của các cuộc chiến thảm khốc phân định ra.
Tranh chấp ở biển Đông nói chung, và về quần đảo Hoàng Sa nói riêng, cũng có nguồn gốc từ những lần tranh chấp đó.
Trong bài giảng ngày 8/9/2017 tại Đài Loan, phóng viên kỳ cựu và là một nhà nghiên cứu Biển Đông có tên tuổi, Bill Hayton, cho biết, Trung Hoa bắt đầu thăm dò việc mở rộng chủ quyền trên biển từ những năm cuối của triều đại nhà Thanh.
Sau khi được thành lập, nhà nước Trung Hoa Dân quốc (từ năm 1911-1946) cũng nhiều lần tìm cách khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, qua các chuyến thám hiểm được chính phủ hỗ trợ. Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) và Mao Zedong (Mao Trạch Đông) có thể có nhiều mâu thuẫn chính trị, nhưng cả hai đều ôm ấp cùng một tham vọng ở biển Đông.
Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa từ sau Thế chiến thứ Hai cho đến tháng 1/1974
Thế chiến thứ Hai kết thúc, nhưng cuộc nội chiến tại Trung Hoa đại lục vẫn tiếp diễn. Và chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa cũng liên tiếp thay đổi.
Năm 1947, quân đội Quốc dân đảng chiếm đóng đảo Woody (Phú Lâm) thuộc nhóm Amphitrite, còn người Pháp thì đóng tại đảo Pattle (đảo Hoàng Sa) thuộc nhóm Crescent ở bên kia của quần đảo Paracels-Hoàng Sa.
Đến khi quân cộng sản chiếm được đảo Hải Nam, một trong những hào lũy cuối cùng của cuộc nội chiến tại Trung Quốc, quân đội Quốc dân đảng cũng không thể tiếp tục trụ tại đảo Woody.
Năm 1950, quân giải phóng Trung Quốc (People’s Liberation Army – PLA) chiếm được đảo này.
Đến năm 1951, tại hòa đàm San Francisco, Nhật Bản giao ra chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratlys), nhưng không trao trả cho bất kỳ quốc gia nào.
Sau đó, Quốc gia Việt Nam tại miền Nam Việt Nam và Pháp đều đưa ra các công hàm chính thức, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 và 1958. Trong cùng thời gian, Trung Quốc và miền Nam Việt Nam đều có quân chiếm đóng (occupation) ở hai nửa của quần đảo Hoàng Sa-Paracels.
Năm 1955, một nhà máy Trung Quốc bắt đầu khai thác phân bón ở đảo Woody để sử dụng tại đất liền.
Một năm sau, vào năm 1956, nước Pháp chính thức chuyển nhượng chủ quyền đảo Pattle cho VNCH (VNCH được thành lập năm 1955).
Vào đầu năm 1959, hải quân Sài Gòn đã dùng vũ lực để đẩy ngư dân Trung Quốc ra khỏi đảo Duncan và điều này giúp cho VNCH kiểm soát được toàn bộ nhóm đảo Crescent. Từ đó, tạo ra thế trung dung giữa VNCH và Trung Quốc trong gần hai thập niên, cho đến ngày 19/1/1974.
Sau trận hải chiến với VNCH năm 1974, Trung Quốc đã nắm trọn quyền kiểm soát gần như toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands), tiến hành công cuộc xâm chiếm quần đảo Trường Sa (Spratlys Islands), uy hiếp các nước láng giềng để mở rộng đường bản đồ 9 đoạn – hay còn gọi là đường lưỡi bò (U-shaped map).
-
- Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc Trường Sa của Việt Nam.
-
- Cuối năm 1994, chính quyền Beijing cho xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền tại Mischief Reef (đá Vành Khăn).
-
- Năm 2012, Trung Quốc ép buộc Philippines phải nhượng bộ, sau khi xảy ra tranh chấp về quyền đánh bắt ở Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham).
-
- Bắt đầu từ 2013, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
-
- Năm 2014, giàn khoan 981 của Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Việt Nam.
- Gần đây nhất, cuối tháng 8/2017, tin tức Trung Quốc tập trận bằng đạn thật trên biển Đông được truyền thông Việt Nam loan tải.
***
Lãnh thổ quốc gia Việt Nam là duy nhất, toàn vẹn và xuyên suốt. Đó là lời khẳng định của cả hai miền xuyên suốt thời kỳ nội chiến Nam Bắc 1954-1975,
Tuy nhiên, khi phần thuộc về Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1974, thì chính phủ tại cả hai miền đã có những động thái gì để phản đối và khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông?
Liệu đó có phải chỉ là trách nhiệm của riêng một mình VNCH và miền Nam Việt Nam, hay đó vốn phải là trách nhiệm của tất cả người Việt Nam khi ấy?
Muốn trả lời những câu hỏi này một cách đầy đủ và khách quan nhất chúng ta cần chính phủ Việt Nam minh bạch hóa tất cả thông tin đang được họ lưu trữ về vấn đề Biển Đông. Vì chỉ có như thế, người dân mới có thể hiểu thấu đáo vấn đề, và các học giả mới có thể giúp nhà nước giải được bài toán tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc bằng các biện pháp ôn hòa.
(Ghi chú: Bài viết đã được tác giả biên tập và trình bày lại vào ngày 18/1/2018 so với bài gốc đăng ngày 19/9/2017).
Tài liệu tham khảo:
-
- Bruce A. Elleman, “China’s 1974 Naval Expedition to the Paracel Islands,” in Naval Power and Expeditionary Warfare: Peripheral Campaigns and New Theatres of Naval Warfare, ed. Bruce A. Elleman and S. C. M. Paine (London: Routledge, 2011), pp. 143–44.