Seite auswählen

Cửu Long

Chị tên Nguyệt, lúc đó chị khoảng 13 tuổi, còn tôi khoảng 11. Theo lời người ta kể thì chị mồ côi cha mẹ được vợ chồng người hàng xóm đem về nuôi. Ông Bà Chín không có con nên họ xem chị như con cái trong nhà, cho chị đi học. Đổi lại, chị phải dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc Ông Bà Chín. Chị học trên tôi hai lớp, tôi đệ thất, còn chị lớp đệ ngủ. Theo như chị kể lại, quê chị ở Tân Thành bị Việt Cộng về chiếm làng, ba má chị mất tích chỉ hai ngày sau đó. Người cậu của chị phải dẩn cả gia đình chạy di tản ra quận lỵ nơi tôi ở. Họ dẩn chị theo nhưng không đủ điều kiên nuôi cả gia đình gần 10 người nên cho Ông Bà Chín làm con nuôi.

Nhà chị đối diện nhà tôi trên đường dẫn ra bờ sông Tiền Giang.. Buổi sáng đầu tiên tôi gặp chị trong bộ bà ba đen cũ đã ngả màu phèn vàng úa và đôi dép đứt quay phải nối lại bằng giây kẽm. Chị đang quét nhà, từ trong ra ngoài thì bị bà Chín rầy, bảo phải quết từ ngoài vào trong. Bà giải thích quét ra là đẩy hết cái phước ra ngoài, phải quét vô để nhận được phước. Tôi thấy hai mắt chị long lanh nước mắt như muốn khóc nên vội chạy tới hỏi:

– Bộ mầy mới tới đây làm cho bà Chín hả?

Chị trả lời:

– Hông phải, tao là con nuôi của ba má Chín.

Tôi nói với chị:

– Tui tên Bình, nhà tui bên đó.

– Tao tên Nguyệt, mầy mấy tuổi?

– 11.

– Tao 13, mầy phải gọi tao bằng chị.

– Ừ, chị Nguyệt hé.

Vậy là tôi làm quen được với chị từ đó. Năm chị học hết đệ tứ thì phải thôi học do Ông Chín bịnh nặng rồi qua đời, Bà Chín một mình không đủ điều kiện cho chị tiếp tục đi học. Mỗi ngày chị ra sạp vải ngoài chợ tiếp Bà Chín buôn bán. Năm tôi 15 tuổi phải xa nhà lên tỉnh tiếp tục học thi tú tài một, rồi tú tài hai nên ít khi được gặp lại chị. Sau khi đậu tú tài hai chuẩn bị vào đại học thì nghe tin Bà Chín cũng vừa qua đời, bỏ lại ngôi nhà cũ nát vì không có người đàn ông chăm sóc. Lúc này tôi đang rảnh rang nên tình nguyện giúp chị sửa sang lại căn nhà của chị được thừa hưởng. Mỗi ngày trước khi chị ra sạp vải, chị hay hỏi tôi cần mua vật dụng gì để chị gọi người đem tới, tôi khỏi phải mua. Sau ba tháng hè, tôi cũng tạm sửa lại căn nhà của chị, tuy không khéo nhưng cũng không dột trước hổng sau.

Khi cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, tôi bị động viên, vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ngày ra trường về thăm ba má thì gặp lại chị Nguyệt. Lúc nầy chị đã là gái đôi mươi, có rất nhiều chàng trai đang theo đuổi nhưng chị vẫn phòng không gối chiếc. Nhiều lần chị tâm sự với má tôi:

– Con trai cái quận nầy sao mà như công tử bột, tối ngày chỉ biết lo tán gái, nhậu nhẹt, nhìn như cọng bún thiu cô nào vô phước mới rước họ về làm chồng.

Hai tuần phép qua rất nhanh. Ngày tôi chuẩn bị trình diện sư đoàn, chị đem tượng Phật nhỏ qua đưa cho tôi, bảo giữ trong người làm vật hộ thân. Hai mắt chị long lanh nước mắt như muốn khóc. Tôi vội nói:

– Vài bữa có phép thường niên tôi về thăm chị. Chị ráng giữ gìn sức khỏe.

– Bình đi mạnh giỏi, Nguyệt mỗi đêm sẽ đọc kinh cầu xin Trời Phật che chở cho Bình.

Tôi hơi giật mình khi chị xưng Nguyệt chứ không còn mầy tao như ngày xưa. Thật sự mà nói, lúc nào tôi vẫn xem chị như người thân trong gia đình, không có một chút tình cảm trai gái giửa tôi và chị.

– Cảm ơn chị lo lắng cho tôi.

Tôi ra đi biền biệt. Hơn mười tháng sau tôi trở về thăm nhà sau khi xuất viện do bị thương chân phải. Đêm đầu tiên vừa về tới nhà là chị qua thăm, hỏi như muốn khóc:

– Sao Bình bị thương mà không cho Nguyệt hay để đi thăm?

– Vết thương không có gì trầm trọng lắm đâu chị, vả lại tôi không muốn chị lo lắng, lặn lội đường xá xa xôi nguy hiểm cho chị.

– Bình nói vậy coi Nguyệt như người dưng sao?

– Đâu phải vậy chị, tôi thương chị như người thân trong nhà mà..

– Ừ nhớ đó nhe, thương như người thân trong nhà.

Trong những ngày phép dưỡng thương đó nhiều khi chị làm bộ gọi tôi qua sửa dùm cây đèn dầu hay đóng lại chân bàn bị lung lay. Chị nấu đủ món cho tôi ăn, bảo là tẩm bổ để khi trở lại đon vị có đủ sức đi hành quân. Có ngày chị đóng cửa sạp vài, lấy cớ mệt về nhà nghỉ. Chị bảo muốn về để gần gũi, tâm sự với tôi trước khi về đơn vị. Không biết ba má tôi nghĩ gì mà cứ thỉnh thoảng hỏi khi nào tôi lập gia đình. Tôi viện cớ đang thời chiến tranh chưa muốn lập gia đình.

Lần lượt hai đứa em gái tôi lấy chồng phương xa, bỏ lại ba má tôi già yếu. Thằng em trai còn đi học viện đại học Cần Thơ, được miễn dịch phải bỏ học về nuôi ba má. Tôi thì ra đi biền biệt, cả năm mới về thăm nhà. Mỗi lần về chỉ năm ba hôm rồi lại ra đi. Chị thì vẫn phòng không đơn chiếc. Có lần tôi hỏi:

– Sao chị chưa chịu lấy chồng để có người lo lắng trước sau cho chị?

– Bình nhìn chung quanh đây xem ai là người xứng đáng cho Nguyệt nâng khăn sửa túi? Nguyệt thà ở giá suốt đời chứ không muốn chung chăn với những người hèn nhát, chạy chọt giấy tờ trốn quân dịch.

– Vậy có người đàn ông như thế nào chị mới chịu?

– Người ấy phải giống như Bình, sống đời trai hiên giang lo giúp nước, diệt giặc, bảo vệ quê hương.

– Vậy để tôi tìm ông nào trong đơn vị giới thiệu cho chị nhe.

– Đồ quỉ, đừng có chọc Nguyệt như vậy nữa, Nguyệt nói thiệt mà.

Cuộc đời cứ thế trôi đi. Ngày 30 tháng 4 1975. Tôi bị bắt rồi đi tù trại cải tạo Vườn Đào. Năm sau chị đến thăm tôi. Chị cho hay thằng em tôi bị bọn công an phường bắt tội phản động. Nó rải truyền đơn bị bắt. Họ đánh nó chết trong tù. Hai đứa em gái theo chồng vượt biên ngày đất nước rơi vào tay cộng sản, không biết tin tức gì cho đến nay. Ba má tôi quá đau buồn bịnh nặng không đi thăm tôi được nên nhờ chị đi dùm. Chị còn kể là sạp vải của chị đã bị xung vào hợp tác xã. Bây giờ chỉ sống nhờ chăm sóc khu vườn nhỏ của ba má tôi kiếm huê lợi nuôi sống ba má tôi và chị. Nhìn chị già đi rất nhiều so với ngày xưa. Mắt chị hoằn đen, hốc hác, tiều tụy đi. Tôi cũng không hơn gì chị sau một năm tù đày, lao động, thiếu ăn.

Ba má tôi lần lượt qua đời không có một đứa con về để tang. Chị phải bán ngôi nhà của chị để có tiền chôn cất ba má tôi. Đều dặn mỗi ba tháng là chị đến thăm một lần tiếp tế cho tôi thêm chút thức ăn phụ vào phần ăn ít ỏi của người lính tù thất trận. Bốn năm sau thì họ thả tôi. Ngày ra trại với vài chục đồng chi phí xe cộ và mảnh giấy ra trại. Tôi với năm người bạn tù đi bộ ra đến chợ Mỹ Phước Tây đón xe ra Cai Lậy. Mấy bà bán hàng trong chợ nhìn chúng tôi trong bộ quần áo rách bươm liền gọi:

– Mấy cậu vô đây ăn sáng rồi hãy đi, 2 tiếng nữa xe mới chạy.

Họ đem cho chúng tôi 6 dĩa cơm sườn bì và sáu ly cà phê đen. Đó là bữa cơm ngon nhất trong bốn năm đời tù “cải tạo” của tôi. Mọi người chung quanh bu nhau kẻ cho trái bắp, người cho gói xôi bảo là để dành đi đường ăn đỡ đói. Chúng tôi nhìn họ mà nước mắt cứ tuôn tràn không nói nên lời, dù chỉ một tiếng cám ơn. Khi đến giờ xe chạy, người tài xế xe nhất định không lấy tiền cho dù chúng tôi cố dúi tiền vào tay anh. Tôi nhớ lại tên quản giáo Ba Phần lên lớp chúng tôi:

– Các anh có tội rất lớn với nhân dân. Chúng tôi giữ các anh trong vòng rào kẽm gai là để bảo vệ các anh vì nhân dân sẽ trả thù cho những tội ác các anh đã gây ra.

Nhân dân chợ Mỹ Phước Tây đã trả thù chúng tôi với những dĩa cơm sườn, những gói xôi, những trái bắp mà họ có thể để dành cho người thân của họ trong lúc cả nước phải thắt lưng buộc bụng trong thời kỳ bao cấp, củi quế gạo châu này.

Khi xe đến Cai Lậy thì khoảng 2 giờ chiều . Năm người bạn tù chờ xe về Sài Gòn, còn tôi về miền Tây. Anh lơ xe chạy ra ngã ba Cai Lậy ngoắc xe lại gởi tôi lên chuyến xe cuối cùng. Trước khi lên xe, anh đưa cho tôi một ổ bánh mì thịt rồi chào tay kiểu quân đội. Như cái máy, tôi chào lại vì theo phản ứng tự nhiên của một người lính VNCH dù đã thất trận. Anh nói vội rồi chạy vào trong chợ Cai Lậy.

– Ông thầy đi đường bình an.

Tôi nhìn theo anh lơ xe, cố nhớ gương mặt anh để khi nào có dịp tôi sẽ trả lại ơn nghĩa anh đã dành cho chúng tôi. Một lần nữa, anh tài xế nhất định không chịu lấy tiền xe. Mấy người đàn bà trên xe nhìn tôi với ánh mắt thông cảm. Họ nhường cho tôi một chỗ ngồi hàng ghế cuối xe.

Tôi về đến nhà khoảng 10 giờ đêm. Ngôi nhà cũ kỹ cửa đóng im lìm. Tôi gõ cửa.

– Ai mà gõ cửa ban đêm ban hôm vậy?

Tiếng chị Nguyệt đang ngái ngủ từ bên trong.

– Bình đây chị.

Tôi nghe tiếng chân trần chạy hấp tấp ra cửa. Chị Nguyệt mở cửa rồi ôm lấy tôi khóc:

– Nguyệt không biết Bình về hôm nay. Có đói không để Nguyệt hâm cơm lại cho Bình ăn?

– Trên đường về tôi được người ta cho ăn nhiều lắm, đến giờ còn no lắm.

Tôi đến trước bàn thờ ba má, quì lạy xin lỗi tội bất hiếu không về chịu tang ngày hai người mất. Tôi nhìn khói nhang quyện vòng theo cây đèn dầu le lói như ba má về thăm thằng con xấu số mới ra tù. Tôi quì trước bàn thờ mà nước mắt cứ tuôn tràn.

– Ba má tha tội cho con, vì hoàn cảnh tù đày mà con không về để tang cho ba má.

Chị đặt tay lên vai tôi:

– Hai bác rất hiểu cho Bình, đừng quá đau buồn, hãy ráng lên để đối đầu với những ngày sắp tới.

Và những ngày sắp tới đến với tôi trong khổ cực của “thằng sĩ quan Ngụy”. Họ bắt tôi trình diện hàng tuần, không được đi xa khỏi xã. Tất cả những hành vi của tôi đều bị theo dõi. Đôi khi bọn công an xã đến gõ cửa ban đêm để kiêm tra, xét nhà và muốn biết chắc chắn là có tôi trong nhà. Tôi sống như người bị giam lỏng trong nhà tù lớn.

Tôi nhìn chị chăm sóc cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ như một người vợ lo cho chồng mà nghĩ đến cái vô tình của tôi.

– Chị Nguyệt.

– Gì đó Bình?

– Tôi muốn hỏi chị chuyện nầy.

– Ừ, Bình nói đi.


Ngập ngừng một hồi tôi nói:

– Chị nhớ lúc mới quen, chị bảo tôi phải gọi chị hay không?

– Nhớ chớ sao không. Những ngày vui đó qua mau quá.

– Chị còn muốn tôi gọi chị nữa hay không?

– Vậy Bình muốn gọi tôi gì đây?

– Tôi gọi chị là vợ tôi được không?

Chị Nguyệt nhìn tôi với ánh mắt rất ngạc nhiên rồi đổi sang mừng rỡ:

– Em chờ câu nói đó của anh lâu lắm rồi.

Hai tháng sau chúng tôi làm đám cưới.. Tiệc cưới rất đơn giản, chỉ mời bà con lối xóm. Hai năm sau Nguyệt cho tôi đứa con trai đầu lòng. Tôi đặt tên Nhẫn để nói lên cái nhẫn nại của chị dành cho tôi. Năm sau nữa thì chị cho tôi thêm đứa con gái, chị đặt tên nó là Cam để nói đến cái cam khổ của vợ chồng chúng tôi.

Một hôm đầu năm 1990, chị chạy hớt hải về nhà:

– Anh ơi! Họ muốn cho mình đi định cư bên Mỹ.

– Em lại mơ tưởng viễn vong. Ai lại cho thằng sĩ quan Ngụy như anh đi khỏi Việt Nam.

– Đây nè, coi đi.

Chị đưa cho tôi xem tờ báo cho biết Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Mỹ chấp thuận cho tù nhân chính trị được đi định cư tại Mỹ ký ngày 30/7/1989. Lòng vòng lo nạp đơn, lót tiền cho họ ký giấy cũng hơn hai năm. Tôi dỡ mộ đem xương cốt ba má thiêu rồi đem gởi vô chùa vì tôi biết là sẽ lâu lắm mới trở lại quê hương nầy. Tuy đã nuôi tôi lớn lên, tuy nhiều người vẫn còn tình người sẵn sang đùm bọc che chở người thất trận. Nhưng tôi phải ra đi để con tôi có tương lai hơn, có nhiều cơ hội để vươn lên với đời hơn.

Bao nhiêu tiền chúng tôi dành dụm đều cạn sạch. Ngày gia đình tôi lên máy bay đi Mỹ, trong túi còn đủ 200 đồng đô la sau khi bán nhà, bán đất của cha mẹ để lại. Đáp xuống phi trường JFK thành phố New York. Cả gia đình hai đứa em gái tôi có mặt đầy đủ đón gia đình tôi. Ba anh em chúng tôi ôm nhau khóc sau hơn 17 năm xa cách. Mấy đêm đầu tiên tôi không ngủ được, vừa lạ chỗ, vừa lo lắng cho tương lai sắp đến. Mình phải làm gì lo cho gia đình, cho con cái đi học, và đủ mọi chuyện cứ liên tục hiện lên trong đầu. Từ quê hương bỏ lại sau lưng, từ quê hương thứ hai sẳn sàng bao dung cho người lính thất trận.

26 năm sau, nhìn lại từ ngày đến đất nước Mỹ giàu lòng nhân đạo nầy, hai đứa con tôi đã ra trường đi làm xa. Vợ chồng tôi nghỉ hưu dời về vùng đất ấm Florida. Chị Nguyệt nay đã gần 70 nhưng vẫn còn nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn lo cho chồng, cho con. Sáng nào tôi cũng có ly cà phê sữa nóng ít sữa, còn chị thì vẫn một ly trà cúc đường phèn. Nhiều lần tôi nói lời cảm ơn chị đã cưu mang ba má tôi khi tôi còn trong tù cải tạo. Chị chỉ cười đưa hàm răng khểnh rồi nói:

– Em kết anh từ lúc mình mới gặp nhau lần đầu.

– Vậy tại sao bắt người ta kêu bằng chị?

– Làm chị cho nó oai chút chơi mà …

– Lúc nào em cũng là Chị Nguyệt của anh.

Cửu Long – Viết theo lời kể của một HO.