Seite auswählen

Dương Quốc Chính

10-9-2019

Nhân cái stt trước về fake news, mình lật lại cái fake news kinh điển nhất do đồng chí Trần Huy Liệu sáng tác, sách báo cách mạng tuyên truyền mấy chục năm nay, là “anh Lê Văn Tám”.

Đầu đuôi câu chuyện theo thông tin “chính thống” thì khỏi nhắc lại, vì ai cũng biết. Cả chuyện ông Phan Huy Lê tiết lộ anh Tám là nhân vật hư cấu, đăng báo CM, thì cũng không nhắc lại nữa, vì chắc nhiều người biết rồi.

Nhưng sự thật là gì?

Vụ đốt cháy kho đạn/xăng Thị Nghè là hoàn toàn có thật. Nhưng cách người ta đốt nó không đần độn như câu chuyện kia. Mới đọc thì thấy khí thế hừng hực, cảm phục tinh thần CM vì nước quên thân của chú bé bán rong, nhưng mà chỉ cần nhăn trán tý là thấy nó sai sai, phi logic. Tuy nhiên bò đỏ vẫn cãi nhem nhẻm.

Đầu đuôi vụ này là do một chú lính Nhật thạo địa hình, cống rãnh cái kho đã dắt hai ông dân quân chui cống vào rồi đặt thuốc nổ dưới cống ở vị trí nhà kho bên trên, rồi kéo dây cháy chậm ra ngoài, từ từ chui ra ngoài ngồi hóng vụ nổ, ba anh chả hề hấn gì sất.

Nhưng mà thắng lợi mà lại không có hi sinh gì cả thì nó nhạt nhẽo quá, nên đồng chí Trần Huy Liệu, tổ sư của ngành tuyên giáo, đã dựa vào câu chuyện có thật kia để chế ra nhân vật Lê Văn Tám để lòe ít nhất bốn thế hệ cần lao VN.

Tuy nhiên, vì xuất thân là dân viết sử, nên ông Liệu vẫn bị lương tâm cắn rứt, nên đã trăn trối cho đệ tử là ông Phan Huy Lê trước khi chết, là phải công bố sự thật VÀO THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP. Ông Lê là sử gia nhà nòi, cũng có lương tâm, nên mới kể lại chuyện này khiến bò đỏ và tuyên giáo lồng hết cả lộn, vẫn cãi nhem nhẻm đấy, nhất quyết để anh Tám sống mãi trong sự nghiệp trồng người. Giờ này Tuyên giáo vẫn chưa chính thức xóa bỏ hình tượng Tám Lê đâu, chẳng qua lẳng lặng ít nhắc đến mà thôi.

Không biết đã có địa danh tên Lê Văn Tám nào đổi chưa?

Về câu chuyện LÊ VĂN TÁM

Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là : Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, giáo sư còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.

Hồ sơ : LÊ VĂN TÁM, HIỆN THỰC VÀ HUYỀN THOẠI (1)

Về câu chuyện LÊ VĂN TÁM

Phan Huy Lê

 

Từ hơn nửa thế kỉ nay, cái tên Lê Văn Tám đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, hi sinh của thiếu niên, tấm gương sáng cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất. Song từ khá lâu, trong giới “thạo tin”, người ta đã truyền nhau “thông tin” theo đó, Lê Văn Tám chỉ là một hình tượng, không phải là một nhân vật có thật. Trong giới văn nghệ sĩ, người ta kể lại lời nhà văn Phan Vũ, tác giả vở kịch Lửa cháy lên rồi (mà Lê Văn Tám là nhân vật trung tâm, tẩm xăng lao vào kho xăng Nhà Bè một ngày mùa thu 1945). Khi tập kết ra Bắc (ở trại sáng tác Thanh Hoá), cán bộ của cơ quan phụ trách viết tiểu sử các anh hùng liệt sĩ đã đến hỏi ông về tiểu sử Lê Văn Tám. Từ đó, trong giới văn nghệ sĩ, người ta vẫn gọi đùa Phan Vũ là “cha đẻ của Lê Văn Tám”. Sự thật phức tạp hơn : có thể Phan Vũ đã cung cấp cho cơ quan kia những chi tiết về tiểu sử nhân vật mà ông sáng tác, song nhân vật này đã “ra đời” ngay từ cuối năm 1945. Người tạo dựng ra nhân vật Lê Văn Tám, không ai khác là ông Trần Huy Liệu, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ thông tin tuyên truyền [ Trần Huy Liệu (1901-1969) là nhà báo, nhà cách mạng, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi Đảng Cộng Sản Đông Dương, cuối đời làm viên trưởng Viện sử học ]. Thông tin này do nhà sử học Phan Huy Lê công bố từ đầu năm 2005 trong một cuộc gặp mặt với những nhà điện ảnh ở Hà Nội, và xác nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn bằng điện thoại với báo Người Việt (California). Trong cuộc điện đàm này, giáo sư Phan Huy Lê nói : “Câu chuyện về Lê Văn Tám đã được giới sử học mang ra bàn luận trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có công bố nào cụ thể và chính thức trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Tôi cũng đã được nghe về một cuộc bàn luận về nhân vật Lê Văn Tám trên đài BBC. Riêng về bản thân tôi, là một nhà sử học, tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này một cách chi tiết và thấu đáo nhất dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự định trong thời gian sớm nhất.” (Người Việt, 20.3.2005). Bài viết ấy, ông vừa công bố trên tạp chí Xưa & Nay (số tháng 10.2009) mà chúng tôi xin đăng toàn văn dưới đây.

Đây là Bài 1 trong hồ sơ LÊ VĂN TÁM, HIỆN THỰC VÀ HUYỀN THOẠI. Trong những bài sau, Diễn Đàn sẽ công bố bài phản bác của ông Nguyễn Văn Thịnh và phân tích của chúng tôi về sự kiện và các luồng ý kiến.

 

tuongdaiTượng đài  Lê Văn  Tám ở công viên cùng tên (TPHCM)

 

Bấy giờ là vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi có nhiều dịp làm việc với Giáo sư Trần Huy Liệu trong công trình khoa học do giáo sư chủ trì và tôi được mời tham gia. Lúc đó, GS Trần Huy Liệu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện sử học. Ngoài những buổi họp ban biên soạn ở cơ quan, tôi có một số buổi làm việc với giáo sư tại nhà riêng.

Ngoài công việc biên soạn công trình, giáo sư thường trao đổi một cách thân tình  những vấn đề thời sự sử học trong và ngoài nước, kể lại một số chuyện trong đời hoạt động cách mạng của mình. Trong những năm 1954 – 1956, khi tôi đang học ở trường Đại học Sư phạm/văn khoa Hà Nội, Giáo sư Trần Huy Liệu có đến giảng một số bài về cách mạng Việt Nam.

Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau : Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10-1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh ; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.

GS Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận : Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.

Tôi nhấn mạnh là GS Trần Huy Liệu không hề “hư cấu” sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ “dựng lên”, theo cách nói của GS, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.

Giáo sư giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám.

Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên giáo sư nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.

Cũng xin lưu ý là GS Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28-8-1945 đến ngày 1-1-1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1-1-1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2-3-1946, nghĩa là trong thời gian xảy ra sự kiện Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy, chứ không phải trong thời gian “1946 – 1948?” sau sự kiện trên.

Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là : Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, giáo sư còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.

GS Trần Huy Liệu là một con người rất trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi lĩnh hội lời dặn của GS như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm túc.

Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.

Ngày nay, từ đầu thế kỷ XXI nhìn lại, trong hoàn cảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ hơn 30 năm, đất nước đã giành lại độc lập, thống nhất, tôi xin đặt ra hai vấn đề sau đây để thế hệ chúng ta cùng bàn luận.

– Xác minh rõ sự kiện Kho xăng địch bị đốt cháy trong tháng 10-1945.
– Thái độ ứng xử đối với biểu tượng Lê Văn Tám.

 

Vấn đề thứ nhất là cần cố gắng sưu tầm tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10-1945 :

Tôi nói tư liệu đáng tin cậy trong trường hợp này không phải là các sách báo viết về sau này, mà là tư liệu gốc khai thác từ nhân chứng lịch sử hay những thông tin trực tiếp từ sự kiện thời bấy giờ và dĩ nhiên đều phải đối chiếu, xác minh một cách khoa học.

Nhân chứng lịch sử :

Tôi đã có dịp hỏi GS Trần Văn Giàu – lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, thì GS khẳng định có sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta đốt, nhưng không biết ai tổ chức và người nào thực hiện.

Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông trong hồi ký viết rằng, người đốt Kho đạn Thị Nghè ngày 1-1-1946 không phải là Lê Văn Tám mà là tổ đánh mìn của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán (tạp chí Xưa & Nay số 154).

hinhbao

Tư liệu báo chí :

Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là “cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân”, tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa ; báo Cờ giải phóng là “cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ.

Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ?-10-1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Piétri với nội dung như sau : 

 Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Piétri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày.
Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17 – 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng ”.

Ngày phát hành số báo, in ngày “thứ sáu”, số ngày không rõ và có người viết thêm bút mực con số 7, tiếp theo là tháng “10- 45”. Theo lịch năm 1945, trong tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày đó và có thể xác định là ngày 19 -10-1945.

Báo Thời mới số 6 ngày 28-10-1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau : 

thoimoi

 Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn.

Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho.

Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi.

Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.

Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt”.

Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời “ Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm ”.

Báo Cờ giải phóng ngày 5-11-1945, trong mục Mặc niệm : “trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam”, có đoạn đưa tin : 

Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.

Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.

Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.

Dưới bản tin có ghi chú “Kèn gọi lính, ngày 8-10-1945”. Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8-10-1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8-10- 1945, ít ra là ngày  7-10-1945.

hinhbaob

Trên đây là một số thông tin lấy từ báo chí ở thời điểm gần nhất với sự kiện liên quan đến chuyện Lê Văn Tám. Tôi hi vọng là những người quan tâm đến chuyện này có thể tìm kiếm và thu thập thêm thông tin báo chí mà tôi chưa được tiếp cận.

Còn sự kiện quân ta phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8-4-1946 mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.

Trong những báo trên, thông tin sớm nhất là Kèn gọi lính do báo Cờ giải phóng trích đăng ngày 5-11-1945. Rất tiếc là tôi không tìm thấy báo Kèn gọi lính mà căn cứ theo đoạn trích của Cờ giải phóng. Theo thông tin này thì “một em thiếu nhi 16 tuổi” đốt kho đạn Thị Nghè trước ngày 8-10-1945, chứ không phải kho xăng Thị Nghè.

Báo Quyết Chiến ngày 19?-10-1945 lại đưa tin “ kho dầu Simon Piétri ” bị “ một chiến sĩ ta ” đốt cháy vào trước ngày 17 – 10 – 1945. Kho đạn ở Sở thú và kho xăng ở Thị Nghè là hai địa điểm gần nhau. Như vậy theo những thông tin gần thời điểm xảy ra sự kiện thì vẫn còn phải tìm thêm cứ liệu để xác định là kho đạn hay kho xăng và thời điểm là ngày nào, chắc hẳn trước ngày 17-10-1945.

Rồi người thực hiện là “em thiếu nhi 16 tuổi” (Kèn gọi lính) hay “một chiến sĩ ta” (Quyết chiến) hay “anh dân quân tẩm dầu vào người” (Thời mới). Việc tẩm xăng vào người, lúc đó cũng đã gây ra sự bàn luận.

Thời mới đã bác bỏ chuyện người chiến sĩ tẩm dầu vào người xông vào kho xăng vì “ không phải thế, làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho ” và cho rằng người chiến sĩ phải “ dùng mưu nhiều lắm ” để lẻn vào gần kho xăng rồi mới “ tẩm dầu vào người ”, dùng súng bắn thủng các thùng xăng và châm diêm vào người, nhảy vào đám thùng xăng. Không biết tác giả dựa trên căn cứ nào nhưng về khách quan, cách trình bày này hợp lý hơn.

Với những thông tin đã tập hợp, tuy chưa đủ và còn một số khía cạnh chưa xác minh được (kho xăng hay kho đạn, thời điểm, người đốt) nhưng sự kiện kho xăng (hay đạn) của địch ở Thị Nghè (hay gần Thị Nghè) bị ta đốt cháy là có thật.

Ngay lúc đó, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hi sinh.

Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ ngọn đuốc sống ” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.

 

Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với
biểu tượng “ ngọn đuốc sống Lê Văn Tám ” :

 

Trong bàn luận, cũng có người nghĩ rằng, “ ngọn đuốc sống Lê Văn Tám ” đã đi vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một “ biểu tượng ”, một “ tượng đài ” yêu nước. Tôi quan niệm hoàn toàn khác.

Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học. Dĩ nhiên, với trách nhiệm công dân, có những sự thật trong một bối cảnh cụ thể nào đó liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của dân tộc, nhà sử học chưa được công bố.

Về nguyên lý, mọi kết quả nghiên cứu sử học càng khách quan và trung thực, càng có tác dụng tích cực xây dựng nhận thức lịch sử đúng đắn và không có gì mâu thuẫn với các biểu tượng lịch sử, các tượng đài yêu nước có giá trị được nhân dân tôn vinh.

Ngay đối với những biểu tượng mang tính huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân – Âu Cơ, Con Rồng – Cháu Tiên, Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm…, kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng.

Ví dụ những phát hiện khảo cổ học về đồ sắt trong văn hoá Đông Sơn, kho mũi tên đồng ở Cổ Loa và gần đây, hệ thống lò đúc mũi tên đồng ngay trong thành Nội của thành Cổ Loa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt lõi lịch sử của hình ảnh ngựa sắt của Thánh Gióng, vai trò của nỏ thần của An Dương Vương. Chuyện vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm vẫn nguyên giá trị thiêng liêng, không hề bị ảnh hưởng bởi việc nghiên cứu giống rùa và tuổi thọ của rùa Hồ Gươm…

Biểu tượng “ ngọn đuốc sống Lê Văn Tám ” thực sự đã được quảng bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê Văn Tám. Lời dặn của GS Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám.

Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám.

Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên… mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật này.

Đến đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với lời dặn của cố GS Trần Huy Liệu, kèm thêm một số đề xuất để xử lý câu chuyện Lê Văn Tám. Tôi hoàn toàn không coi đấy là việc làm trái với phẩm chất trung thực hay lương tâm của nhà sử học, cũng không ảnh hưởng đến uy tín của GS Trần Huy Liệu và càng không làm đổ một biểu tượng hay tượng đài yêu nước. Tôi nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.

Phan Huy Lê

 

nguồn : Tạp chí Xưa &Nay (tháng 10 năm 2009)