Seite auswählen

Hàn Thi là thơ của Việt Nam, (thể: 7 chữ, 8 câu;  hoặc thể: 5 chữ,4 câu)  làm theo Hàn luật.  –  Để tìm hiểu về Hàn thi, xin mời ôn lại đôi dòng lịch sử và văn học sử Việt Nam sau đây:

 Từ Chữ viết đến Hàn luật, Hàn thi

Chữ quốc ngữ:  Nước Việt Nam hiện nay có ký tự riêng, gọi là chữ quốc ngữ, nguồn gốc từ mẫu tự La-tinh. Chữ quốc ngữ bắt đầu có vào đầu thế kỷ 16, do các Giáo sĩ Công Giáo người Bồ đào Nha tới Việt Nam giảng đạo; như các Linh Mục: Francisco de Pina (?), Gaspar d’Amaral (1549-1646);  Antonio Barbosa (1594-1647), các ngài dùng chữ La-tinh phiên âm tiếng Việt, để dậy cho tín hữu ghi chép kinh sách. Cách sáng chế chữ nghĩa thời ấy, thoạt đầu thô sơ, sau được Linh mục Đắc-Lộ (Alexandre De Rhode : 1591-1660) bổ khuyết đầy đủ hơn. Việc hoàn chỉnh chữ Việt như hiện nay, còn là công lớn của hai Giám mục người Pháp, Pigneau de Béhaine (1741-1799) và Taberd (1794-1840). Việc phổ biến rộng rãi và cổ súy người Việt dùng quốc ngữ, vào cuối thế kỷ 19, là công đầu của các ông Truơng Vĩnh Ký (1837-1898) và Huỳnh tịnh Của (tức Paulus Của,  1834-1907)

Chữ Hán: Trước khi có quốc ngữ, Việt nam có loại chữ nào? Đó là câu hỏi cho đến nay vẫn còn đang tìm hiểu. – Có nhà ngôn ngữ học,  xét qua các nét di tích trên cổ vật, những hình thù cong queo, tương tựa như dấu hỏi, dấu ngã, hoặc chữ S, chữ C (? ~ S C), mà luận rằng, thời cổ đại, dân tộc Hồng  Bàng đã có chữ riêng, gọi là “chữ nòng nọc”. Lại có nhà khảo cứu, nghiệm qua cổ vật thấy vẽ những hình thù 4 cạnh, như:口日目回…mà suy đoán, tự ngàn xưa Việt Nam ta có lối viết chữ hình vuông, chính loại chữ đó, biến cải dần theo dòng nhân sinh, mà thành ra chữ Hán của Tàu sau này. Dù sao, những suy luận trên vẫn còn trong nghiên cứu tìm tòi, chưa xác quyết.

Còn về lịch sử cận đại của Việt Nam, phần văn học, ghi nhận kể từ đời nhà Lý (1010-1225) trở về sau, ta đã có thơ văn, diễn ý và ký tự bằng chữ Hán .  Bài thơ tiêu biểu đầu tiên, là bài “Nam Quốc Sơn Hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt (1036-1105) viết, khi phá quân Nhà Tống (Tầu) ở sông Như Nguyệt (tức sông Cầu). Suốt thời kỳ văn học phôi thai đó, từ chiếu chỉ của nhà Vua, đến thơ văn và các giấy tờ hành chánh, việc thi cử, cùng giao dịch xã hội trong nước, hết thảy đều dùng Hán tự cả.

Chữ Nôm, (Nôm là “nam” nói trại ra)  Để viết tiếng Việt Nam, tiền nhân ta đã chế ra chữ nôm, bằng cách dùng nguyên chữ Hán đọc âm thành tiếng Việt; hoặc ghép đôi ba chữ Hán lại với nhau để gợi âm và nghiã cho tiếng Việt. Chữ nôm xuất hiện trước thế kỷ 13 và thịnh hành nhất vào đời nhà Trần (1293-1341)

Hàn Thi: Vào cuối thế kỷ 13, nền văn học nước ta bột phát phong trào dùng quốc văn, các sĩ phu đua nhau sáng tác thơ văn bằng tiếng Việt Nam, riêng bộ môn thơ, thì dựa theo ca dao hoặc bắt chước cách thức của thơ Tầu mà làm, chứ không có luật lệ nào cả. Đến sau này, đời vua Trần Nhân Tôn (1279-1284),  có ông Hàn Thuyên (tức Nguyễn Thuyên) là người đầu tiên dùng chữ Nôm mà làm thơ phú, ông lại nghiên cứu các bài thơ Tầu, đời nhà Đường (618-907) dựa theo đó, mà  đặt ra “Luật Thơ thất ngôn bát cú” cho nền văn học nước ta. (từ luật thơ căn bản thất ngôn bát cú, cải đổi ra luật thơ tứ cú hoặc thơ ngũ ngôn.v.v…) 

Việt Nam Văn học Sử yếu (Dương Quảng Hàm, trang 118) chép về Hàn Thuyên như sau:   – “Ông Hàn Thuyên, vốn họ  Nguyễn, người huyện Thanh Lâm, Tỉnh Hải Dương. Đậu Thái học sinh về đời vua Trần Thái Tôn (1225-1257). Mùa Thu, tháng 8, năm 1282, ông đang làm hình bộ thượng thư, có con ngạc ngư (cá sấu), đến sông Phú Lương (tức sông Nhị Hà). Vua sai ông làm bài văn vất xuống sông. Cá sấu tự đi. Vua cho việc ấy giống việc Hàn Dũ đuổi cá sấu bên Tầu, nên cho ông đổi họ là “Hàn”.   

Cũng việc này, Việt Nam Sử Lược,( Trần Trọng Kim – Quyển 1, trang 131) ghi rằng: “Ông Nguyễn Thuyên khởi đầu dùng chữ nôm mà làm thơ phú,  … ông có tiếng tài làm văn như ông Hàn Dũ bên Tàu ngày xưa. Bởi vậy vua cho đổi họ là Hàn . Về sau người mình theo lối ấy mà làm thơ gọi là Hàn luật

Người Việt xưa hoặc nay, làm thơ diễn ý bằng chữ Hán, chữ nôm hoặc chữ quốc ngữ, mà áp dụng theo Hàn luật thì gọi là “Thơ Hàn luật”, hoặc “Hàn thi”. Điều đó lịch sử Việt Nam và các Nhà Văn học tiền bối, đã ghi chép rõ ràng; (như trích dẫn trên) không nên cứ theo thói quen mà gọi lầm là thơ Đường luật hoặc Đường thi.

Kết luận:  Ta nên phân biệt rõ ràng, Đường thi là thơ của Tầu và Hàn thi là thơ của Việt Nam.

A- Đường thi, hoặc Thơ Đường, là những bài thơ xưa (cổ thi) của các thi nhân người Tầu (khoảng 2300 người), sáng tác vào đời nhà Đường (618-907) (còn lưu lại đời sau khoảng 48,900 bài thơ).

B- Thơ Đường luật, là thơ của người Tầu (các thế hệ sau đời Đường) làm theo thể Đường luật – di sản văn hóa của Trung hoa.

C- Hàn thi, là thơ của người Việt Nam, làm theo Hàn luật. Các thể thơ Hàn luật của Việt Nam, (thể: thất ngôn bát cú;  hoặc thể:ngũ ngôn tứ tuyệt)  có từ đời ông Hàn Thuyên (1282). –  (Mặc dù Hàn Thuyên dựa vào Đường Luật mà chế ra  Hàn luật, song việc kết nạp tinh hoa văn học ngoại vi, vào nền văn hóa của một quốc gia, là điều măc nhiên, nền văn hóa của bất kỳ Nước nào trên thế giới, cũng đều có ảnh hưởng, dung nạp bão hòa với nhau như vậy).

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia

quocbao_30@yahoo.com