Seite auswählen

Khối “Trí thức Việt Nam” giương ảnh Hồ Chí Minh diễu hành tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/2015. Ảnh: most.gov.vn.

Trong bài này, người viết sẽ đưa ra dẫn chứng để lập luận rằng sự ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo đã tạo ra các rào cản làm trì trệ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Muốn lập luận Nho giáo không chống dân chủ, thì phải chứng minh được (1) các học thuyết Nho giáo giúp ích cho tiến trình vận động và thiết lập dân chủ, hoặc (2) các học thuyết Nho giáo không xung đột với các nguyên tắc nền tảng của dân chủ. 

Dân chủ và Nho giáo có xung khắc?

Để biết Khổng giáo có khuyến khích dân chủ hay không, trước hết chúng ta cần đồng ý với nhau về khái niệm dân chủ. Một cách giản dị, dân chủ là một thể chế chính trị bắt buộc phải có các định chế nền tảng, gồm: bầu cử tự do công bằng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, và tự do lập hội. Một nhà nước tự nhận là dân chủ, nhưng thiếu một trong các nguyên tắc nền tảng trên, thì cũng không được xem là dân chủ.

Xét về mặt triết lý chính trị, Nho giáo đối nghịch hoàn toàn với dân chủ bởi mục tiêu của nó là bảo đảm sự trường tồn của chế độ quân chủ, không phải vì hạnh phúc và tự do của dân tộc. Thay vì vận động xóa bỏ bất công mà cường quyền có thể gây ra, nhằm tạo ra xã hội đạo đức và bình đẳng, Nho giáo dồn mọi nỗ lực thuyết phục tầng lớp cai trị giữ đạo và tầng lớp kẻ sĩ tuyệt đối trung thành với kẻ cai trị.

Luận Ngữ bàn rất ít về các đặc tính cơ bản của chính quyền bao gồm luật pháp nào nên được ban hành, chính phủ phải được tổ chức như thế nào, hoặc cách thức phòng chống tham nhũng ra sao. Quan điểm chính trị của Khổng Tử chỉ tập trung vào đạo đức của kẻ cai trị : dưới sự cai trị của minh quân, các quan chức sẽ không tha hóa và người dân sẽ cư xử tốt; ngược lại, dưới sự cai trị của hôn quân, các quy chế sẽ không có hiệu quả. 

Một số bạn sẽ phản biện rằng Khổng Tử có đề cao việc chăm sóc người dân và chiếm được niềm tin của họ; vì thế, điều này tương thích với dân chủ. Tuy nhiên, cần phải minh định rằng chăm sóc dân và chiếm được sự tín nhiệm của họ hoàn toàn khác với việc cho phép họ phát biểu ý kiến và phê bình các hoạt động của nhà nước. Đảng cộng sản Việt Nam chẳng phải luôn tuyên truyền rằng họ là một chính quyền “do dân, vì dân” và người dân tuyệt đối tin tưởng Đảng hay sao?

Không có một bằng chứng nào chứng minh rằng Khổng Tử hoặc Nho giáo ủng hộ quốc dân tham gia vào hoạt động nhà nước. Khổng Tử dùng “lời hay ý đẹp” tôn vinh kẻ sĩ, nhưng lại chê bai, mạt sát dân đen. Khổng Tử gọi thường dân là “tiểu nhân” – giai cấp nô lệ, phải phục tùng giai cấp thống trị một cách tuyệt đối. Xuyên suốt Luận Ngữ, Khổng Tử tin rằng quần chúng không đủ khả năng để hiểu và tham gia vào các vấn đề của nhà nước. Luận Ngữ 8.9 có trích, “Dân có thể khiến để làm theo, nhưng không thể khiến hiểu được,” (Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi). Rõ ràng, đặc điểm khinh bỉ quốc dân của các xã hội Nho giáo hoàn toàn trái ngược với các giá trị văn minh của dân chủ, nơi quyền lực thuộc về nhân dân. 

Trong chế độ dân chủ thực sự, chính quyền xem giáo dục rất quan trọng, giúp người dân nâng cao tri thức và tư duy độc lập để họ tự đánh giá và tham gia các hoạt động chính trị và xã hội. Ngược lại, đối với Nho giáo, giáo dục đại chúng chỉ nhằm đào tạo “kẻ sĩ”, với mục đích là giúp nhà vua thiết lập sự ổn định, nhằm kéo dài quyền lực cai trị. Như Phan Châu Trinh nhấn mạnh trong bài diễn thuyết cách đây gần 100 năm tại Sài Gòn:

Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có. Tôi xin nói tạm rằng quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến “dân và nước” vì dân không được bàn đến việc nước! […] Không phải cái độc chuyên chế từ xưa đã thâm căn cố đế trong óc người nước ta rồi đấy à? Tiếng thương nước đã có luật Gia Long cấm. Những kẻ học trò và dân gian không được nói đến việc nước, lo đến việc nước.

Hơn 2.000 năm dưới trướng các chế độ độc tài phong kiến, tầng lớp thống trị đã lợi dụng Nho giáo để đẩy mạnh chính sách ngu dân, độc quyền tư tưởng, hủy diệt quyền được nói, quyền được suy nghĩ và quyền chất vấn của quốc dân. Hệ quả dễ thấy của các xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo như Việt Nam hoặc Trung Quốc, là người dân rất thụ động, thiếu sáng tạo, rập khuôn, trọng hình thức, không có tư duy độc lập và không dám chất vấn kẻ nắm quyền.  

Chủ nghĩa làm quan

Bình đẳng chính trị, nền tảng phải có trong chế độ dân chủ, không tồn tại trong tư tưởng của Nho giáo vì chỉ “vương hầu” mới có quyền cai trị đất nước, với sự phò trợ của tầng lớp “quân tử”. Nguyên tắc “cha truyền con nối” chỉ có thể được thay đổi nhờ các cuộc lật đổ bạo lực và đẫm máu. Nếu không có sự can thiệp của những kẻ bất chấp dùng bạo lực, thì vua không thể trở thành “tiểu nhân” và ngược lại “tiểu nhân” cũng không bao giờ có thể trở thành “vương hầu”. 

Như đã giải thích trong bài trước, nguyên nhân chính mà các chế độ quân chủ chuyên chế độc tôn đạo Nho là vì nó giúp kẻ cai trị hợp pháp hóa chế độ thành “mệnh Trời” và biến giai cấp “quân tử” có học thành đầy tớ ngoan ngoãn. Nho giáo tạo ra những thế hệ xem mộng ước làm quan, “quỳ gối, cúi đầu” phục tùng kẻ cai trị là mục tiêu cao đẹp của đời mình. Chính Khổng Tử cũng chu du khắp các nước chư hầu nhằm tìm một chỗ để làm quan. Sử ký Tư Mã Thiên tường thuật vào năm 40 tuổi, khi không được nơi nào chấp nhận, Khổng Tử đã than rằng: “Ta cùng đường rồi!” và “Chẳng chỗ nào trong thiên hạ dung được ta!” 

Sẽ có phản biện cho rằng Khổng Tử tìm chỗ làm quan là vì muốn đem tài năng giúp đời, không phải vì danh lợi. Có thể là như thế, nhưng rõ ràng Khổng Tử có thể chọn con đường khác để cứu dân và giúp đời. Như Phan Khôi đã phân tích: 

Sẵn có ba ngàn đệ tử đó, sao ngài không vận động mà nổi lên cuộc cách mạng? Nổi cách mạng đi, rồi ngài lên làm vua quách đi, có thế mới biến đổi cả cuộc đời được chớ. Mà sự cách mạng ở nước Tàu thì có lạ gì, trong Kinh Dịch ngài vẫn nức nở khen vua Thang vua Võ cách mạng, là “thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân”? Thang Võ dám cách mạng, dám làm vua, thì sao ngài lại không dám?”

Chính “chủ nghĩa làm quan” của Nho giáo đã tiêu diệt tinh thần phản kháng của người có học và biến “kẻ sĩ” thành “cừu ngoan” phục vụ kẻ cầm quyền. Hãy nhìn lại lịch sử hơn 2.000 năm của dân tộc An Nam – Việt Nam để thấy số lượng người có học, có chức vị dám phản kháng bất công là rất ít. Vì thế, các cụ trí thức thời Pháp thuộc, cụ thể qua phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục, đã nhận ra sự độc hại của Nho giáo – học thuyết vong quốc, và khẳng định rằng muốn khai dân trí và giành lại độc lập từ thực dân Pháp, phải kiên quyết “đả phá hủ nho”.

Năm 1929, Phan Khôi đã phân tích trung thực trong bài “Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta”, nhấn mạnh vào hệ lụy của Nho giáo:

“Nhà vua đã bắt nhân dân trong nước phải cứ theo sách vở của Tống nho mà tin Khổng giáo, và đặt ra khoa cử để làm cái lồng nhốt sĩ phu như vậy, rồi cái kết quả ra sao? Jesus Christ có nói về bọn tiên tri giả mà rằng : “Cây nào tốt thì sanh trái tốt, nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu ; nào có ai hái trái nho nơi bụi gai hay là hái trái vả nơi bụi tật lê?” – thật quả như vậy. Cái kết quả của nó là làm cho tâm chí của người ta trở nên hèn yếu và tri thức hẹp hòi. Mà muốn nói rằng cái kết quả của nó là mất nước, cũng không phải quá đáng.”

Thay lời kết

Mục đích của người viết không phải là lên án, nhưng là để chứng minh các tư tưởng cốt lõi của Nho giáo không còn hợp thời và đang là rào cản lớn với tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. 

Nền tảng Nho giáo là nhằm tạo ra một xã hội ổn định để phục vụ kẻ cai trị và dường như không tồn tại triết lý nào vận động cho sự bình đẳng xã hội và hạnh phúc của toàn dân. Ngược lại, trong nền dân chủ thực sự, quốc dân có quyền tự do ngôn luận, có quyền đóng góp ý kiến, cũng như được tham gia vào quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến xã hội. 

Sẽ có bạn biện hộ rằng tư tưởng Khổng Tử và Nho giáo là hợp với xã hội phong kiến bởi thời đó chưa có dân chủ. Đúng là thời điểm đó tại châu Á, dân chủ vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó tại Hy Lạp cổ đại, nền dân chủ sơ khai đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ từ năm 508 – 322 Trước Công nguyên, với quyền lực thuộc về người dân, thể hiện qua Quốc hội Nhân dân (Assembly of the Demos), Hội đồng 500 công dân (the Council of 500), và Tòa án Nhân dân (People’s Court).

Trong khi Khổng Tử (551 – 479 Trước Công nguyên) mặc cho kẻ cai trị chiếc áo “mệnh Trời” và xếp dân vào hạng “tiểu nhân” làm nô lệ phục tùng kẻ thống trị, Buddha (560 – 480 TCN) cùng thời, lại khuyến khích tinh thần bao dung, bình đẳng và nhân ái. Trong khi Khổng Tử đặt nặng sự nghiệp làm quan, thì các triết gia Hy Lạp cổ đại gần thời Khổng Tử như Leucippus (480 – 420 TCN), Democritus (460 – 370 TCN), Socrates (469 – 399 TCN) khuyến khích tư duy độc lập và xem trọng tri thức, để tìm câu trả lời cho các vấn đề khoa học, chính trị, triết lý và tôn giáo. 

Yếu tố con người làm nên sự thành công hoặc thất bại của một quốc gia. Và chính văn hóa lại có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành tư tưởng và hành vi của người dân. Như đã phân tích trong bài trước, văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi di sản hơn 2.000 năm của Nho giáo. Hệ quả là phần lớn người Việt vẫn dựa dẫm, cam chịu, háo danh, không có tinh thần đoàn thể, hời hợt, không có tư duy độc lập, và thiếu vắng sự cảm thông dành cho nhau. Xã hội Nho giáo không những không có khái niệm quốc gia, lợi ích dân tộc, mà còn đánh đồng “yêu nước” với “tôn thờ minh quân” để phục vụ kẻ cầm quyền. Các “sản phẩm” độc hại này của văn hóa Nho giáo ảnh hưởng đáng kể đến cuộc vận động dân chủ. Chính vì thế, các tổ chức không thể hình thành và lớn mạnh; do đó, họ không tạo được đối trọng với Đảng Cộng sản để cạnh tranh quyền lực và dẫn dắt quần chúng. Nên nhớ, không một quốc gia nào trên thế giới giành được thắng lợi dân chủ mà không nhờ đến vai trò lãnh đạo quyết định của tổ chức và tầng lớp trí thức đúng nghĩa. 

Trên hết, nếu người Việt chưa học cách thương nhau, hợp tác cùng nhau để quyết tâm thay thế chế độ độc tài bằng dân chủ, thì dân tộc Việt Nam còn khốn khổ dài lâu, như Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh: 

Theo ý tôi tưởng, chẳng qua dân Việt Nam mình hèn hạ nên người ta mới đè nén, nếu dân Việt Nam biết thương nước Việt Nam, biết học khôn cho nước Việt Nam nhờ, thì người mình càng biết thương nước hơn, vì có biết thương nước mới biết chọn nước nào làm lợi, nước nào làm hại cho nó […] Nay ta nói rằng thương nước, nhưng chỉ thương bằng lỗ miệng, nằm ỳ ra đó kêu người đến, thì có khác gì đem đầu đi làm đầy tớ với anh khác.” 

Luật Khoa