Đỗ tú tài toàn phần năm 1964, cử nhân luật năm 1974, trở lại trường đại học tại Hoa Kỳ năm 1993, có lẽ đó là điển hình cuộc đời một số không ít sinh viên miền Nam Việt Nam Cộng Hòa của thế hệ tôi, chìm ngập trong chiến tranh.
Mặc dù là thời chiến, nhưng nền giáo dục tiểu, trung và đại học của miền Nam cũng vẫn rất nghiêm chỉnh, đâu ra đó. Và còn một điểm nữa quan trọng nhất là hoàn toàn miễn phí ở cấp tiểu và trung học và học phí hầu như không đáng kể ở bậc đại học. Bởi thế tôi là một sinh viên đôi lúc vô gia cư theo đúng nghĩa đen, và thất nghiệp, nhưng vẫn theo đuổi việc học đại học một cách liên tục và thoải mái. Thực sự ra sinh viên thất nghiệp chỉ vì muốn thất nghiệp thôi chứ đã là sinh viên thì thiếu gì việc làm; việc dễ nhất là nạp đơn vào Bộ Giáo Dục xin đi dậy cấp 2, như thế cũng được xã hội trọng vọng gọi là “thầy”. Việc ghi tên học đại học rất dễ dàng đối với ba phân khoa khoa học, văn khoa và luật khoa. Các phân khoa khác như Y, Nha, Dược, Kỹ sư Phú Thọ, Kỹ sư Nông Lâm, Đại học sư phạm và Quốc gia hành chánh thì phải thi tuyển, vì khi ra trường chắc chắn có việc làm nên tuyển sinh ít. Nhưng thi rất công bằng và không có diện nào được điểm ưu tiên hay điểm khuyến khích.
Vào năm 1964 của tôi, thi tú tài 2 (tương đương tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ) chỉ đỗ có 12% mà đã bị coi là quá dễ so với mấy niên học trước đó. Vì vậy sau khi đỗ tú tài lên sinh viên là được xã hội quí trọng. Mỗi khi đi đường, khi bị cảnh sát hỏi giấy tờ, đưa thẻ sinh viên ra là có thể được đi ngay, trừ khi họ cần xét hỏi thêm vấn đề gì khác, thí dụ vấn đề quân dịch chẳng hạn. Các học sinh đều bình đẳng như nhau, không ai được điểm ưu tiên như bây giờ. Không phân biệt con ông lớn hay con ông bé, con quân nhân, công chức hay con của những người đã tập kết ra bắc hoặc ra bưng theo Việt cộng. Chính vì vậy mới có những người tập kết hoặc từ bưng biền trở về thành phố sau 30-4-1975 thấy các người con của mình được nhà nước VNCH mà họ gọi là ngụy cho ăn học đầy đủ, thậm chí còn được cho đi du học nếu học giỏi.
Ngay cả khi tới tuổi nhập ngũ cũng vẫn được hưởng qui chế bình đẳng với các người khác nghĩa là có tú tài 1 trở lên (lớp 12) khi nhập ngũ sẽ được mang quân hàm sĩ quan và được thăng cấp theo qui chế giống như mọi người khác. Ví dụ rõ nhất là hai sĩ quan nổi tiếng của miền Nam là nhà văn, Đại úy Nhảy dù Phan Nhật Nam, có cha tập kết và Lý Tống, người phi công và cũng là người tù CS huyền thoại của miền Nam có anh tập kết nhưng đều được đi học văn hóa và nhập ngũ, thăng cấp bình đẳng như mọi thanh niên khác. Nếu ở trường hợp ngược lại, thì hai người này ở miền Bắc chỉ có đi cầy trên núi rừng biên giới như bao gia đình cùng hoàn cảnh sau 1954 trên đất Bắc. Các cô thầy giáo dậy trong lớp có con em mình cũng giống như dậy những học trò khác.
Tất cả các điểm học đều được chấm theo khả năng, không hề có chuyện thiên vị con cô, con thầy hay con đồng nghiệp so với các học sinh khác trong lớp. Tất cả các kỳ thi tú tài 1 hay tú tài 2 đều được tổ chức qui củ, công bằng, minh bạch, chẳng bao giờ có đề sai, hay chạy điểm. Thời buổi đó trên lãnh vực giáo dục hầu như ai cũng có nhân cách. Bằng cấp là giấy chứng nhận mức độ kiến thức thực sự, không như bây giờ có cả bằng tiến sĩ chạy điểm. Bởi thế sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, người sinh viên có thể nạp đơn xin làm giáo viên chính thức cấp 2 (trung học đệ nhất cấp) trường công và có đủ khả năng và tư cách để làm thầy mà chẳng cần phải qua một lớp sư phạm hay lớp huấn luyện đặc biệt nào. Thật là quái lạ tại sao ngày nay việc dậy học của các cô thầy mặc dù đã tốt nghiệp đại học sư phạm mà vẫn thường xuyên va vấp về kiến thức cũng như phương pháp giảng dậy.
Sau khi đỗ tú tài 2, tôi lên đại học Đà Lạt học lớp toán lý đại cương (MGP: mathematic general and physics). Đây là lớp dự bị cử nhân toán và cũng là chứng chỉ khó nhất trong các chứng chỉ thuộc phân khoa đại học khoa học, ít người dám theo học. Trong lớp tôi chỉ có 7 sinh viên, trong khi phân khoa chính trị kinh doanh có 2000 sinh viên. Mặc dù chỉ có 7 sinh viên trong đó có mấy sinh viên đã học mấy năm mà chưa đỗ nhưng cuối năm cũng chỉ đỗ có 1 sinh viên và người này cũng đã bị bầm dập 2, 3 năm ở cái lớp dự bị này. Nhưng nếu đã đỗ được chứng chỉ dự bị này thì kể như sẽ đủ khả năng để đỗ mấy chứng chỉ kế tiếp để hoàn thành văn bằng cử nhân giáo khoa toán. Học cử nhân toán là phải có một đam mê toán, suốt ngày chú tâm vào toán, suốt ngày làm bài tập và không còn sinh hoạt gì khác, do đó sau khi thi trượt cuối năm, mặc dù Linh Mục viện trưởng khuyên tôi tiếp tục ở lại học phân khoa khác và vẫn tiếp tục cho tôi học bổng, nhưng tôi cám ơn Linh mục và bỏ học bổng của Đại học Đà Lạt để về Saigon học môn khác.
Khi đã bỏ phân khoa khoa học thì chỉ còn 2 phân khoa là văn khoa và luật khoa. Tốt nghiệp cử nhân Văn khoa thì chỉ có đi dậy học các môn văn, sử, địa, hay triết. Nếu là cựu học sinh trường Tây để có khả năng nói tiếng Pháp như gió thì có cơ hội thi vào ngạch tham vụ ngoại giao để đi làm ở các tòa đại sứ ở ngoại quốc. Tôi là dân học sinh trường Việt (Chu Văn An) nên tiếng Anh và Pháp không đủ khả năng để mơ vào ngành đó. Trong khi đó học luật có nhiều cơ hội làm việc và thăng tiến hơn. Với bằng cử nhân luật có thể làm luật sư, chánh án, biện lý (Viện Kiểm Sát bây giờ), công chức hạng A, là ngạch cao nhất trong hệ thống công chức ở các bộ kinh tế, tài chánh, hay ngân hàng, chưa kể có khi “gặp thời” lại có thể làm chính khách (!).
Do đó tôi chọn ghi danh học luật. Bỏ học bổng, về Saigon chưa có việc làm, nhà cửa cũng không, tôi tới trụ sở Tổng hội Sinh viên số 4 đường Duy Tân (bây giờ là nhà Văn Hóa Thanh Niên TP số 4 Phạm Ngọc Thạch), trú ngụ trong một phòng tập trung khá đông sinh viên tạm dùng chữ “lang bạt” thuộc nhiều phân khoa. Dĩ nhiên mọi phòng ốc của trụ sở đều dành cho tất cả mọi sinh viên, nhưng căn phòng tôi ở tập trung đa số sinh viên trong nhóm chúng tôi hơn. Trụ sở sinh viên này trước kia là trụ sở chơi Bun của người Pháp. Sau khi quân đội đảo chánh lật đổ tổng thống Diệm, các tướng lãnh hỏi sinh viên muốn gì thì ban đại diện tổng hội sinh viên thời đó mà anh Lê Hữu Bôi làm chủ tịch cho biết muốn có trụ sở sinh viên tại đó.
Thế là sinh viên Saigon có trụ sở để hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm, muốn học hành, tổ chức văn nghệ, hội họp v…v chẳng bị ai kiểm soát, chỉ đạo. Điện nước được cung cấp miễn phí suốt ngày. Trụ sở lại có một ông lao công phụ trách dọn dẹp. Gia đình ông này được ở trong một căn nhà trong khuôn viên nên được lợi nữa là mở quán bán hàng ăn uống, cà phê cho sinh viên. Mỗi sáng sinh viên hay tụ tập tại đây ăn sáng. Trong số sinh viên thời đó có nhiều sinh viên nổi tiếng như Trần Lam Giang (văn khoa, hiện ở Sacramento, Hoa Kỳ), Dương Cự (luật khoa, qua đời tại VN) v…v Tất cả các sinh viên tại đó đều trước sau tốt nghiệp đại học, đảm nhiệm nhiều chức vụ trong quân đội hay hành chánh miền Nam và hiện nay nhiều người đã tiếp tục thành công tại Hoa Kỳ, đặc biệt là giới bác sĩ.
Chính tại trụ sở của Tổng hội Sinh Viên này mà Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được Tổng hội giới thiệu trước công chúng sinh viên với tập Ca Khúc Da Vàng. Mọi người đứng chật gian phòng trong ánh đèn mờ mờ bị cuốn hút một cách ngạc nhiên lời ca và lối trình diễn đơn giản, du ca của nhạc sĩ họ Trịnh. Tôi đỗ năm thứ nhất đại học luật khoa Saigon niên khóa 1965-66. Mặc dù từ trụ sở Tổng hội sinh viên số 4 Duy Tân rất gần trường, đi bộ qua một block đường là tới, nhưng tôi chỉ tới trường dường như vài lần vì sinh viên trong lớp quá đông, muốn có ghế phải nhờ bạn tới sớm giữ chỗ trước. Vì được ghi tên tự do nên năm thứ nhất thường đông nhất. Năm đó dường như trên dưới 10 ngàn sinh viên (?).
Nhưng cuối năm số ghi tên đi thi chắc chắn ít hơn nhiều. Dĩ nhiên đa số sinh viên đã đi làm hoặc ở xa không thể tới trường. May mắn là trong lớp có một số sinh viên chịu khó ghi chép chăm chỉ lời giảng của thầy, trình thầy duyệt và điều chỉnh rồi quay roneo bán lại cho sinh viên, giá rất rẻ, cho nên các sinh viên không tới trường vẫn có đủ bài học. Cũng nên nói thêm, trong đại học VN XHCN ngày nay, người sinh viên bị đối xử như trẻ vị thành niên, bị điểm danh, theo dõi mọi sinh hoạt từ học tập tới đời sống riêng tư ngoài đại học và bị đánh giá hạnh kiểm để cho kết quả học tập.
Trái lại, Đại học miền Nam là Đại học Tự Trị, và chỉ là nơi giao giảng kiến thức chứ không có một nhiệm vụ gì khác đối với sinh viên, cho nên người sinh viên được đối xử như những con người trưởng thành, bình đẳng, tự do, và ham học hỏi. Họ tới trường nghe các giáo sư giao giảng kiến thức mà thôi, ngoài ra họ không lệ thuộc các giáo sư và viện trưởng hay hội đồng trường trên bất cứ lãnh vực nào. Các giáo sư cũng chỉ lo một việc duy nhất là giao giảng kiến thức và đánh giá kiến thức của sinh viên một cách tự do, độc lập, và công bằng, không bị một áp lực bởi bất cứ từ đâu. Với nguyên tắc Đại học tự trị như vậy nên mặc dù là sinh viên học từ xa nhưng trong vấn đề học tập và thi cử hoàn toàn giống với tất cả mọi sinh viên khác. Điều này khác xa với các hệ học tại chức, chuyên tu của Xã hội chủ nghĩa là hai hệ học tập được ưu đãi nâng điểm và nhiều ưu đãi khác giúp giảm nhẹ kiến thức rất nhiều so với hệ chính qui. Bắt đầu từ năm nay, 2019, luật giáo dục mới lại qui định trong văn bằng cử nhân không ghi rõ hệ đào tạo, có nghĩa là anh dốt (chuyên tư hay tại chức) với anh được đào tạo chính qui cũng lẫn lộn như nhau. Đúng là nền giáo dục “vàng thau lẫn lộn”.
Tôi ghi danh trường luật Saigon năm 1965 với chương trình cử nhân 3 năm. Năm 1966 sau khi đỗ năm thứ nhất tôi phải đi dậy học xa, không tiếp tục học được. Mỗi năm có hai kỳ thi, đầu hè và cuối hè. Mặc dù số sinh viên năm thứ nhất rất đông nhưng trong kỳ thi đầu hè chỉ có 200 sinh viên đỗ thi viết. Sau khi vào vấn đáp chỉ đỗ được 100. Như vậy cứ cho là kỳ cuối hè sẽ có thêm 100 sinh viên nữa thì tổng cộng lên năm thứ 2 chỉ có khoảng 200 sinh viên là tối đa. Sau hai năm nữa mài đũng quần trên ghế nhà trường, số tốt nghiệp cử nhân luật sẽ chỉ hơn 100 người. Nếu tính thêm đại học luật Huế thì mỗi năm miền Nam cho ra lò không quá 200 cử nhân. Khoảng năm 1986, thời kỳ đổi mới, tái lập đại học luật và ngành luật sư, nhà nước mở lớp triết Mác Lê ở miền Tây cho những ai có bằng cử nhân luật của miền Nam theo học để ra làm luật sư, tôi hỏi công an văn hóa quản chế tôi là tôi muốn theo học thì anh ta trả lời ngay, lý lịch của anh không được theo học đâu. Báo chí tổng kết khóa học đó chỉ còn có 500 cử nhân và 7 cựu giáo sư tiến sĩ. Tất cả 7 vị cựu giáo sư đại học luật miền Nam đó, trong đó có GS Nguyễn Mạnh Bách, đều đang sinh sống bằng nghề tay chân (mà tôi quên mất là nghề gì) trong đó nghề nhàn hạ nhất là thợ may!
Năm 1967 tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Tiếp tục 3 năm nữa gián đoạn việc học, tôi trở lại trường đại học luật Huế niên khóa 1970-71 và đỗ năm thứ 2 để lên năm thứ 3. Nhưng nay bằng cử nhân đã đòi hỏi 4 năm, cho nên tôi còn phải học thêm 2 năm nữa. Thời gian đó tôi làm việc ở Bộ Tư Lệnh Quân đoàn I đóng ở Đà Nẵng, nên ra học ở Huế tôi vẫn không thể tới lớp mà chỉ lấy bài về nhà học, cho nên mãi năm 1974 tôi mới tốt nghiệp cử nhân luật 4 năm. Như vậy tôi vừa là quân nhân, vừa là sinh viên học từ xa nhưng khác với kiểu đào tạo đại học của VNXHCN ngày nay, những sinh viên diện như tôi vẫn không có bất cứ một đặc ân nào mà hoàn toàn phải thi cử bình đẳng như tất cả các sinh viên toàn thời gian khác. Ở năm thứ nhất và thứ hai thì còn nhiều quân nhân ghi tên học. Nhưng tới năm thứ ba và thứ tư thì số sinh viên giảm bớt nên kèm theo số sinh viên quân nhân cũng ít đi nhiều, vì thời gian của họ eo hẹp.
Vào năm thứ tư, lớp tôi có hai vị sĩ quan cao cấp, một vị là trung tá Báu (?) trưởng một phòng quan trọng của Sư Đoàn 1 không quân và vị kia là trung tá Hoàng Mão, một sĩ quan nổi tiếng khóa 20 Đà Lạt, trung đoàn trưởng trung đoàn 54/ SĐ 1. Trung tá Báu thỉnh thoảng trao đổi tài liệu học với tôi vì ông cũng ở xa và gặp khó khăn về việc tìm bài vở như tôi. Trung tá Mão tôi biết rất bận với trách nhiệm của một trung đoàn trưởng tác chiến nên tôi rất hâm mộ ý chí học tập của ông. Hai vị sĩ quan cao cấp này đi học chỉ hoàn toàn nhằm mục đích hiểu biết cá nhân, vì cho dù có thêm bằng cử nhân luật thì hai vị cũng vẫn không thể dùng để thăng cấp hay thăng chức.
Riêng Tr/Tá Hoàng Mão có cho tôi biết đi học để sau này nếu có cơ hội đi làm tỉnh trưởng thì kiến thức cử nhân luật sẽ hữu ích cho ông. Trung Tá Mão là đơn vị trưởng, có nhiều phương tiện nhà binh nên thỉnh thoảng giúp trường một số việc liên quan tới xây dựng, dọn dẹp hay chở sinh viên đi cắm trại (đấy là tôi nghe kể vậy.) Nếu nhìn sơ qua có thể nghĩ rằng Tr/Tá Mão làm vậy sẽ được trường giúp đỡ. Nhưng thực sự không phải vậy. Ông vẫn bị trượt vào khóa 1 năm 1974 và chỉ đậu vào khóa 2.
Sau này hỏi ông việc học tập, ông cho biết, vì là sĩ quan cho nên vì uy tín, ông còn phải học nhiều hơn bất cứ sinh viên bình thường nào. Trường hợp tôi cũng vậy, chẳng ai hứa hẹn và cũng chẳng có tiêu chuẩn nào ưu đãi điểm cho một sĩ quan đi học. Ở Đại học miền Nam, việc đi học là việc hoàn toàn cá nhân, không một cơ quan nào gửi nhân viên đi học đại học. Từ câu chuyện của Tr/Tá Mão và kinh nghiệm bản thân tôi nhớ lại rằng như vậy Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH khi đi học đại học Văn khoa Saigon chắc chắn vì uy tín của một cấp tướng như vậy ông cũng phải học cật lực để không bị coi thường. Vả chăng, giáo sư đại học ở Miền Nam là giới chức có nhiều uy tín và độc lập với chính quyền.
Chính quyền không thể chỉ thị hay áp lực một Viện trưởng, khoa trưởng hay giáo sư đại học nào nâng đỡ một cá nhân nào một cách bất công. Với cá nhân tôi, có trường hợp GS Nguyễn Mạnh Bách, người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho tôi. Nguyên GS Bách là bạn học của anh họ tôi là LS Nguyễn tường Bá. Tôi thỉnh thoảng thấy ông thời sinh viên tới học với anh họ tôi, nhưng ông không biết tôi. Vào kỳ thi vấn đáp năm thứ tư môn Dân luật, sau khi tôi ngồi trước mặt ông, ông hỏi tôi có liên hệ gì với LS Nguyễn tường Bá không (vì ông thấy tôi trùng họ Nguyễn tường). Tôi trả lời LS Bá là anh họ tôi. Sau đó ông im lặng cho tôi bốc thăm câu hỏi. Sau khi bốc thăm, tôi trả lời mạch lạc, liên tục khoảng hơn 5 phút thì xong. Phải nói khách quan, không ai có thể trả lời hơn. Lúc xuống lại ghế ngồi, mấy bạn cùng lớp thấy tôi trả lời suông sẻ quá nên hào hứng hỏi tôi được mấy điểm. Tôi trả lời: Ông ấy nói “Anh trả lời giỏi lắm, tôi cho anh 10 điểm”! Mấy người bạn tôi lè lưỡi. Dưới 10 điểm là trượt rồi. Tôi đã thuộc bài như cháo và trả lời suông sẻ mà chỉ đủ điểm đỗ, thì trả lời thế nào mới được hơn 10 điểm? Chính vì lối giáo dục nghiêm khắc của đại học miền Nam như vậy mà hiện nay tôi vẫn còn đủ kiến thức pháp lý để viết những bài nghiên cứu pháp lý đăng trên báo mạng mà tôi dám tự hào (là luật gia VNCH) nhập đề “Viết để giảng dạy cho giới lãnh đạo tư pháp, giới luật sư, các giáo sư và viện trưởng đại học Luật Việt Nam XHCN”; bởi vì nếu quí bạn đồng môn theo dõi hoạt động tư pháp tại Việt Nam sẽ nhận thấy họ quá dốt so với chúng ta.
Nhưng để có được tài liệu học tập như vậy, ở đại học Luật Huế không có cours roneo. Mỗi tháng khoảng 3 cuối tuần tôi phải xin tháp tùng trực thăng hành quân ra Huế. Trực thăng sẽ đáp trên khoảng đất trống bên sông Hương, đối diện trường Quốc học để những người đi nhờ như tôi xuống, trước khi trực thăng bay vào phi trường Thành Nội trực chiến. Như vậy mỗi lần tôi có hai ngày tới thăm mấy cô sinh viên để mượn vở của họ. Dĩ nhiên tôi phải làm quen mấy cô sinh viên có ghi chép đầy đủ và chữ đẹp. Chiều hôm sau Chủ Nhật, tôi lại đón trực thăng hành quân bay về Đà Nẵng. Chắc quí bạn cũng biết phải tin tưởng lắm mấy cô mới cho mượn vở mang về nhà ở tận Đà Nẵng. Ban ngày tôi đi làm, vợ tôi ở nhà chép lại mấy cuốn vở đó cho tôi. Cũng may là vợ tôi chữ cũng đẹp. Suốt mấy năm trời, đột nhiên một hôm vợ tôi thấy sao toàn vở của mấy cô. Tôi cười giải thích, chỉ mượn vở mấy cô mới dễ, khi đó tôi phải cất đi chiếc nhẫn hôn nhân. Bây giờ không biết các người đẹp đó nơi đâu? Cho tôi xin một lần nữa đa tạ!
Nguyễn Tường Tâm (16.10.2019)