Jesse Peterson
‘…Tiếng Việt là bản sắc văn hóa của chúng tôi, chúng tôi không thể thay đổi được.” Nhưng điều đó lại càng sai, vì tiếng Việt luôn thay đổi, nó là sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ khác. Bạn có thể không hiểu gì nếu nghe tiếng Việt của 400 năm về trước…’
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images
Tôi nhớ lại mấy năm trước sống ở Thái Bình để học tiếng Việt, tôi từng bị buộc phải tôn trọng những người mà tôi thấy không thực sự xứng đáng tí nào.
Đang ngồi nhậu với đồng nghiệp tại quán nhậu, một người lớn tuổi hơn tôi chút xíu, bước đến, miệng phà khói thuốc vào mặt tôi, và nói:
“Uống đi!”, ông cầm cốc bia và ép tôi uống.
Tôi không biết ông ta, nhưng muốn làm quen theo kiểu cha mẹ người của người khác như vậy thì thật bất lịch sự.
“Jesse, đây là sếp của anh, phải uống với anh ấy đấy!”. Tất cả mọi người đều phải uống với ông ta, vì thế tôi cũng không phải ngoại lệ, tôi không vui tí nào.
Trong mắt một người phương Tây như tôi, ông ấy thật là kiêu ngạo và bất lịch sự, tôi rất muốn nói thẳng suy nghĩ của mình và đề nghị ông ta đừng lại gần tôi nữa. Nhưng mục đích đến đây là để hòa nhập văn hóa Việt Nam, nên tôi kiềm chế sự nóng giận và rời bữa tiệc.
Tôi từng nghĩ những người Việt Nam không biết xếp hàng và các vấn đề nhức nhối trong xã hội có một sự liên kết mạnh mẽ với nhau.
Tôi bị ám ảnh nhiều năm liền, cứ đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho các vấn đề lớn nhất trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là giao thông.
Bây giờ tôi phát hiện ra rằng nguyên nhân rõ ràng và sâu xa nhất chính là ngôn ngữ. Tiếng Việt lập trình cho mình cấp bậc, tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội.
Chúng ta có thể nhận ra những biểu hiện nhỏ của vấn đề này; nhiều người không xếp hàng ở siêu thị, ngân hàng… đặc biệt là ở sân bay.. Người Việt Nam sẽ đi thật nhanh đến cổng và đứng giữ chỗ ở đó thật lâu, trong khi những người ngoại quốc khác sẽ ngồi ở băng ghế đợi đàng hoàng cho đến khi không cần phải xếp hàng lâu nữa.
Ở Canada, có một kiểu lái xe gọi là “defensive driving” – lái xe phòng thủ, nghĩa là luôn cảnh giác và hoàn toàn tập trung khi tham gia giao thông, phong cách này còn gọi là “lái xe như thể tất cả mọi người xung quanh đều say rượu”.
So sánh với cách lái xe ở Việt Nam, tôi gọi nó là “lái xe hung hăng”. Mọi người ở đây thích chèn ép và bắt nạt người khác trên đường, đèn đỏ, kể cả vỉa hè cũng không phải là một trở ngại khó đâu. Kiểu cư xử như này gọi là “hỗn loạn”, thái độ “me first” – tôi đi trước cơ!
Như con gà và quả trứng, cái nào có trước? Xã hội như thế là vì giao thông, hay vì giao thông nên xã hội thành ra như thế? Hành vì “tôi đi trước” liên quan chặt chẽ đến sự tham nhũng, lạm dụng quyền hành và chủ nghĩa thân hữu.
Gần đây tôi có tham gia sự kiện “chuyến xe văn minh” để giải quyết vấn đề giao thông, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ giải quyết được gì. Khá nhiều người trong chính phủ muốn làm gì đó cải thiện vấn đề, như ông Đoàn Ngọc Hải làm vỉa hè Sài Gòn đẹp và an toàn, nhưng vẫn không thể “bẻ khoá”.
Tôi nghĩ vấn đề thực sự nằm ở sâu bên trong con người, ngôn ngữ và lối tư duy.
Charlemagne, vua của người Frank và là hoàng đế Cơ-đốc của Tây Âu đã từng nói: “Biết ngôn ngữ thứ hai là sở hữu linh hồn thứ hai.”
Tùy vào ngôn ngữ mình sử dụng và ngôn ngữ đó có tính chất như thế nào, thì tính cách mình sẽ được định hình theo vậy. Những lúc nói tiếng Việt hay tiếng Nhật, thì cách cư xử của tôi sẽ khác nhau.
Hơn thế nữa, ngôn ngữ luôn trong quá trình phát triển và thay đổi. Ngôn ngữ của con người giống như một hệ điều hành máy tính vậy, luôn cần phải loại bỏ một số chương trình cũ, nâng cấp và cài thêm chương trình mới.
Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam quên mất rằng tiếng Việt, hay cả tiếng Anh, Pháp… đều liên tục thay đổi và phát triển.
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM – ‘Lái xe hung hăng’ kiểu Việt Nam
‘Tiếng Việt chuẩn từ Hà Nội’
“Tiếng Việt Hà Nội là chuẩn nhất đấy”, “muốn học tiếng Việt thì Hà Nội là đúng chuẩn”…
Nhiều người nói với tôi như thế, và tôi thấy ý kiến đó có vấn đề. Khi bạn nói “tiếng Việt Hà Nội là chuẩn” thì giống như việc bạn đến một con sông, nói rằng khúc này là “chuẩn nhất” của con sông, trong lúc con sông vẫn cứ đi và thay đổi liên tục.
Lối suy nghĩ “ngôn ngữ như thế này là chuẩn” rất nguy hiểm, điều này kiềm hãm sự phát triển của ngôn ngữ, khiến nó mắc kẹt trong quá khứ.
Gần như hầu hết các ngôn ngữ là sự pha trộn nhiều thành phần của những ngôn ngữ khác lại với nhau, đặc biệt khi ngôn ngữ khác mang lại những khái niệm mới.
Ngôn ngữ là công cụ giúp chúng ta giao tiếp và suy nghĩ, nó định hình tư duy của chúng ta. Đến bây giờ, vẫn có một số ngôn ngữ chưa có hệ số đếm.
Có vô số người săn bắt hái lượm sống sâu trong rừng Amazon, dọc theo các nhánh sông của con sông lớn nhất thế giới. Thay vì sử dụng các từ chỉ số lượng chính xác, bộ lạc này chỉ sử dụng các thuật ngữ tương tự với “một số ít” hoặc “một số”. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu một số người trưởng thành ở Nicaragua, những người không bao giờ được dạy đếm số.
Khi không có bộ đếm số, họ không thể phát triển được nền khoa học văn minh. Đây chỉ là một ví dụ dễ hiểu về một khái niệm được thêm vào trong ngôn ngữ.
Ngôn ngữ có thể cản trở người sử dụng. Một ví dụ mà ngôn ngữ đã thay đổi hãng hàng không Hàn Quốc mãi mãi; tác giả người Canada/Do Thái Malcolm Gladwell viết về hệ thống đại từ danh dự trong Hàn Quốc đã hạn chế giao tiếp trong xã hội.
(hệ thống đại từ của Tiếng Hàn https://en.wikibooks.org/wiki/Korean/Personal_pronouns)
Khoảng cuối những năm 1990, tỷ lệ tai nạn máy bay của Korean Air nhiều hơn hầu hết các hãng hàng không khác trên thế giới. Điều mà họ đang phải vật lộn chính là nền văn hoá, văn hoá Hàn Quốc có thứ bậc. Bạn phải có nhiệm vụ tôn trọng, bảo vệ người lớn tuổi và cấp trên của bạn đến mức người Mỹ không thể tưởng tượng ra được. Chẳng hạn về một vụ tai nạn máy bay nổi tiếng ở đảo Guam của Korean Air.
Chuyến bay gặp một chút rắc rối về thời tiết. Viên phi công mắc lỗi và người phi công phụ đã không sửa lỗi cho anh ta. Khi Korean Air nhận ra rằng vấn đề của họ chính là văn hoá, họ đã lập tức xử lý nó. (Malcolm Gladwell (2008), Fortune)
Giải pháp của Korean Air là ngôn ngữ: Chỉ sử dụng tiếng Anh giao tiếp trong buồng lái. Bởi tiếng Anh khá trung lập, không như tiếng Hàn. Tiếng Anh tương đối không tạo khoảng cách quyền lực.
Korean Air suy đoán rằng các phi công phụ cảm thấy ít bị ức chế hơn khi nói lên vấn đề trong trường hợp phi công chính mắc lỗi bằng tiếng Anh. Sau khi chính sách ngôn ngữ mới được áp dụng, hồ sơ an toàn hàng không của Hàn Quốc cải thiện đáng kể.
Tiếng Việt lập trình hành vi của người Việt
Từ ví dụ trên, chúng ta có thể kết luận rằng, hệ thống kính ngữ trong tiếng Hàn rõ ràng đã ảnh hưởng đến quyết định của viên phi công phụ. Nó tự động chia thứ bậc mọi người trong tiềm thức, xoá bỏ sự bình đẳng. Đó là lý do dẫn đến nhiều vấn đề trong xã hội.
Tiếng Việt lập trình mọi người theo một con đường không bình đẳng.
Như lúc sếp đến và ép tôi uống bia với ông, xưng “chú” và “cháu”, trong khi tôi không biết ông là ai. Điều đó không đúng vì sự tôn trọng phải xứng đáng, chứ không phải tự động mà có.
Ở phương Tây, chúng tôi không thể núp sau một tấm kính, nghĩa là “đại từ”. Mỗi lần gặp nhau, sự tôn trọng giữa hai người sẽ dần dần được xây đắp, bằng cách hiểu nhau hơn, đánh giá xem người ấy có phải là người tốt hay không, họ có cống hiến gì cho xã hội, hoặc cách cư xử của họ trong buổi đầu gặp mặt.
Chính vì vậy, mình không có “tấm kính” – đại từ – để bảo vệ và che chắn danh tính mà mình phải tự thân vận động để tìm được sự tôn trọng từ đối phương, giao tiếp tốt, thật thà.
Rất nhiều lần tôi gặp một nhóm chuyên gia, nhà báo… những người lớn tuổi hoặc “có vị trí cao hơn trong xã hội”, nhưng khi gặp họ lần đầu, họ không nhìn thẳng vào mắt nhau, không tự giới thiệu tên. Câu đầu tiên thường nghe sẽ là “bạn bao nhiêu tuổi” để xác định vị trí của mình.
Độ tuổi không quan trọng nếu muốn xây dựng một hệ thống bình đẳng. Phương Tây rõ ràng tốt hơn về khả năng giao tiếp; họ sẽ nhìn thẳng vào mắt người đối diện để cho người khác biết họ là người như thế nào, nhanh chóng giới thiệu tên, và lịch sự dùng “cảm ơn”, “vui lòng”, “xin lỗi”, “tôi chấp nhận lỗi sai này”… để bảo vệ uy tín cá nhân và tìm kiếm sự tôn trọng từ người khác.
Cần cởi bỏ ‘tấm kính’
Có thể một số người sẽ đáp trả: “Tiếng Việt là bản sắc văn hóa của chúng tôi, chúng tôi không thể thay đổi được.” Nhưng điều đó lại càng sai, vì tiếng Việt luôn thay đổi, nó là sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ khác. Bạn có thể không hiểu gì nếu nghe tiếng Việt của 400 năm về trước.
Cách giải quyết đơn giản là mình phải cởi bỏ lớp áo giáp “bằng kính” đấy, chỉ sử dụng đại từ “tôi” và “bạn”, tập trung vào sự bình đẳng xã hội.
Trong một gia đình, hệ thống đại từ rất bình thường, có cả những cách gọi đặc biệt cho các thành viên trong đại gia đình, nhưng nó không phù hợp cho môi trường chuyên nghiệp.
Những doanh nhân trẻ muốn tạo ra các doanh nghiệp được xây dựng dựa trên những ý tưởng tốt nhất, tư duy tự do nhất, thể hiện các thể loại chiến lược đầy tính táo bạo mà không bị kiềm hãm với thái độ như:
“Anh lớn tuổi hơn em/ Anh là trưởng phòng, chức cao hơn em / Bố tôi là chủ tịch vì vậy tôi đúng”
Thay vào đó, hãy bước đi với sự trung thực và bình đẳng trần trụi, hiểu rằng chúng ta không hơn ai hết, và để xã hội trở lại trật tự với những vỉa hè sạch sẽ, các con đường an toàn.
Jesse Peterson