Ngô Tú Ngân
13.11.2019
“Toàn làm bia ôm”, “đi mát-xa tận nước ngoài mà vẫn gặp gái miền Tây”… những định kiến đã ăn sâu vào đầu biết bao người.
Tôi là con gái miền Tây chính hiệu. Tôi lớn lên trong hàng hàng lớp lớp những quan điểm, rằng con gái thì cần gì đi học, học nhiều rồi cũng ở nhà lo bếp núc, con gái là phải kiếm tiền trả ơn cha mẹ, lo cho gia đình, phải theo lời ba mẹ. Nếu có đứa con gái nào làm khác đi, cả xóm sẽ xầm xì bàn tán, rằng con đó bất hiếu, vô dụng, cha mẹ nó vô phúc.
Thậm chí, chính người thân cũng góp phần bạo hành tinh thần đối với con gái trong nhà khi liên tục đòi hỏi chúng phải làm cái này cái kia hoặc so sánh với con hàng xóm. Tôi từng thấy một bà mẹ tát đứa con gái 14 tuổi rất đau vì đứa bé không thể biểu diễn bài catwalk trên đôi giày cao 15 cm tại lớp học người mẫu. Cô bé tên An. An không muốn làm người mẫu nhưng mẹ bắt em đi học vì con gái bà có chiều cao vượt trội. Bà “muốn nó làm người mẫu để có tiền, nổi tiếng”.
Rất nhiều bạn gái cùng lứa với tôi, nếu không nói là phần lớn, đều phải bỏ ngang việc học để lấy chồng. Có chồng, họ vẫn làm thuê làm mướn hoặc chạy chợ để có tiền nuôi con, nuôi cả ông chồng. Cũng phần lớn không có được cuộc hôn nhân vừa ý. Rồi nhanh chóng, họ trở thành mẹ đơn thân.
Tháng trước về quê đi chợ với mẹ, tôi sà vào hàng rau. “Chị ơi, bán cho em bó rau đắng này nhen”, chị bán hàng bỏ rau vào bịch, đưa cho tôi. Khuôn mặt dưới vành nón đang nhìn tôi sao quen quá. Tôi ngớ người một lúc để khẳng định đây chính là Ly, bạn học chung hồi cấp hai của mình trong dáng hình một phụ nữ lam lũ tại buổi chợ sáng, bên cạnh còn có bé gái khoảng bốn tuổi.
Tôi và Ly đều sinh ra tại Minh Hải, một tỉnh miền Tây sau này tách ra thành Bạc Liêu và Cà Mau. Ba mẹ chúng tôi đều là nông dân, trông chờ vào một vụ lúa mỗi năm. Năm 2008, khi chúng tôi học xong cấp ba, miền Tây rộ lên phong trào cho con gái nghỉ học để làm công nhân bóc vỏ tôm trong xí nghiệp tôm xuất khẩu hoặc lấy chồng Đài Loan.
Quanh xóm tôi, 10 nhà thì 5 nhà bỗng dưng sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy mới vì cho con gái nghỉ học đi kiếm tiền. Lớp tôi, hàng chục bạn nữ bỗng nhiên bỏ học để bắt đầu cuộc chiến kiếm tiền nuôi gia đình, trong đó có Ly. Ba mẹ Ly có ba đứa con gái đi làm công nhân, mỗi tháng họ mang về hơn 10 triệu đồng. Nhà chú Hai ngay cạnh nhà tôi cho con gái lấy chồng Đài Loan, chị gửi tiền về cho cha mẹ mua ti vi, tủ lạnh. Chú hãnh diện lắm, đi đâu cũng ngẩng cao đầu.
Lúc đó, nhiều cô dì chú bác, kẻ có con đi làm công nhân, người cho con lấy chồng ngoại đã đến gặp ba mẹ tôi. “Cho nó nghỉ học đi”, họ nói, “con gái cần chi học nhiều, đi còn phụ giúp gia đình”. Ba mẹ tôi chỉ cười: “cháu nó rất thích đi học nên tui ráng cho nó đi để biết chữ với người ta”. Đến lúc tôi lên đường đi thi vào đại học Luật, cha mẹ tôi vẫn phải chịu đựng “sự quan tâm” như: “sau này nó lấy chồng thì cần gì học cho cao”, hay “con gái 18 tuổi rồi mà gia đình không nhờ cậy được gì thì không ổn”, “lớn rồi không lo kiếm tiền, học hành có làm được cái tích sự gì”. Có người muốn giới thiệu cho tôi làm phục vụ ở nhà hàng năm sao, “nhiều tiền bo lắm, toàn tây”. Tôi thấy lo lo nên hỏi, ba mẹ kỳ vọng sau này con sẽ làm gì, họ chỉ nói, hãy chọn nghề con thích làm, ba mẹ chỉ cần con sống vui vẻ. Tôi ngay lập tức thở phào vì trút bỏ được áp lực làm ba mẹ nở mày nở mặt như người lớn xung quanh vẫn xầm xì. Nhờ tinh thần vững vàng từ ba mẹ, tôi đã trở thành một luật sư, có công việc ở Sài Gòn, có nhiều dự định.
Trên đường từ chợ về nhà, mẹ bảo Ly không còn làm ở xí nghiệp tôm nữa vì nghe nói giờ đã có máy móc gì đó tự động. Cô lấy chồng sớm, gặp phải người ham nhậu nhẹt tối ngày nên phải ly hôn, đang tự nuôi con. Mẹ tôi kể thêm về một số bạn bè của tôi, người đã bỏ quê lên Bình Dương làm công nhân, người đi làm thuê làm mướn, người đã ly hôn chồng Đài Loan và đem con về quê, có người đi biệt xứ không tin về.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi về nhà thăm ba mẹ, xung quanh tôi luôn có những lời ong tiếng ve rằng ba mẹ tôi vô phước khi có một đứa con gái chỉ biết đến học hành, hay “con gái gì 30 vẫn chưa yên bề gia thất”. Những câu nói tưởng như vô hại, theo thói quen, thốt ra nhân danh sự quan tâm lẫn nhau, nhưng nó là xiềng xích mà không mấy cô gái mới lớn đủ sức tự tháo ra cho mình. Ngay khi tôi đang viết bài này, hàng xóm lại đến đưa ba tôi thiệp mời dự đám cưới. Cô dâu 18 tuổi đi lấy chồng Đài Loan sau ba năm nghỉ học làm công nhân ở xưởng bao bì.
Tôi nhớ mãi câu nói vừa thân tình vừa chân thật của Ly khi chúng tôi chào nhau ở chợ. Ly bảo sẽ cho con gái đi học đến nơi đến chốn để nó tự chọn điều nó muốn. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, liệu con bé sẽ không lặp lại vòng tuần hoàn như đời mẹ nó?
Sống ở Sài Gòn, tôi còn vô tình nghe được những bình phẩm của nam giới về “gái miền Tây” như: “Ôi giời, lười lao động, ham hưởng thụ chơi bời thì mới thế”, “bọn miền Tây ấy”… Tôi chỉ có mong muốn nhỏ bé, rằng ai đó giúp họ hiểu ra, những cô gái miền Tây không hề muốn làm một món hàng.
Các bạn gái học cùng với tôi đều thông minh, nhanh nhẹn và nhiều mơ ước. Họ lớn lên, hồn nhiên và vô tư như sông nước. Và rồi, họ bị những tuyên ngôn như “chân lý” chắc nịch của người lớn ập lên đầu. Mấy ai đủ hiểu biết, liều lĩnh và can đảm bước qua “lời nguyền con gái miền Tây”?
Ngô Tú Ngân