Seite auswählen

Việt Nam lên tiếng việc tàu Hải cảnh Trung cộng xâm phạm chủ quyền

© AP Photo / Renato Etac

Việt Nam đang xác minh thông tin tàu Hải cảnh Trung cộng tiến vào vùng biển thềm lục địa, xâm phạm chủ quyền cũng như việc Bắc Kinh bí mật đưa khinh khí cầu do thám ra Trường Sa.

Việt Nam nói gì về việc Trung cộng bí mật đưa khinh khí cầu do thám ra Trường Sa?

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung cộng được cho là đã đưa khinh khí cầu bí mật do thám quân sự tại khu vực Đá Vành Khăn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa tái khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 5.12.

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, có những đóng góp trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì an ninh, an toàn, hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Trước đó, đơn vị chuyên cung cấp ảnh vệ tinh đã cho thấy hình ảnh một khinh khí cầu của của Trung cộng trên Đá Vành Khăn, một trong những hòn đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông và có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong khu vực. Việt Nam coi Đá Vành Khăn là một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Hà Nội bị phía Trung cộng chiếm đóng, bồi đắp, xây dựng phi pháp thành đảo nhân tạo, xây dựng đường băng cũng như hàng loạt công trình quân sự và dân sự tại đây.

Phía ImageSat International đã đăng một bức ảnh có hình khinh khí cầu, được Bắc Kinh sử dụng vào mục đích thu thập thông tin quân sự.

“Việc sử dụng khinh khí cầu cho phép Trung cộng nhận diện tình huống liên tục trong khu vực giàu tài nguyên này”, ImageSat đăng tải bình luận trên Twitter.

Ảnh vệ tinh ngày 19 tháng 11 là bằng chứng đầu tiên về một khinh khí cầu đang hoạt động trên Đá Vành Khăn, theo ImageSat cho biết.

Bên cạnh đó, Business Insider đã dẫn nguồn tin từ tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence khẳng định, Trung cộng bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dùng khí cầu từ năm 2017 trên khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Hệ thống những khinh khí cầu lớn này có gắn radar mảng pha có thể phát hiện phi cơ ở độ cao nhỏ.

Ngoài ra, khinh khí cầu còn có thể duy trì độ cao ổn định trong thời gian dài, quan sát khu vực rộng lớn trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi không thể triển khai máy bay do thám.

Khi kết hợp với hệ thống radar mặt đất, vệ tinh và máy bay cảnh báo sớm, khí cầu có thể tạo thành mạng lưới giám sát mục tiêu trong bán kính 300 km, đây được coi là động thái “nhòm ngó” và do thám quân sự, dân sự hết sức nguy hiểm mà Trung cộng đang thực hiện.

Việt Nam xác minh tàu Hải Cảnh Trung cộng xâm phạm vùng biển chủ quyền

Liên quan đến thông tin về một tàu Hải Cảnh của Trung cộng đi vào vùng biển Việt Nam hôm 29.11 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, phía Việt Nam đang theo dõi sát sao và nhanh chóng xác minh thông tin tàu Trung cộng đi vào vùng biển mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Hôm 29.11 vừa qua, xuất hiện thông tin tàu Hải cảnh mang số hiệu 35111 vừa quay lại hoạt động gần vùng biển Việt Nam. Được biết, đây là con tàu Trung cộng gần đây mới sử dụng để cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh, Hà Nội có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyefn của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ chặt chẽ và phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hành động của các nước tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là phi lý, trái pháp luật và vô giá trị.

Sputnik (05.12.2019)

Bị Bắc Kinh từ chối không cho ghé cảng Hồng Kông, tàu chiến Mỹ có thể sẽ dừng chân ở Đài Loan

Media player poster frame

Các chuyên gia quân sự nhận định Hải quân Mỹ có thể sẽ tìm các cảng dừng chân ở Đài Loan sau khi Trung cộng cấm tàu chiến Mỹ ghé cảng Hồng Kông, theo Taiwan News hôm 3/12.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, Trung cộng tuyên bố hôm 2/12 rằng rằng các tàu của Hải quân Mỹ sẽ không còn được phép ghé cảng Hồng Kông.

Do hành động “trả đũa” này của chính quyền Trung cộng, Hải quân Mỹ buộc phải xem xét và tìm kiếm các cảng dừng chân đáng tin cậy khác trong khu vực, kênh Channel NewAsia dẫn lời các học giả nhận định.

Ông Richard Fisher, chuyên gia Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế (IASC), cho rằng động thái trên cho thấy mối quan hệ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh đang nhạt dần, trong khi Washington và Đài Bắc có thể đang hướng tới việc tăng cường các trao đổi quân sự.

Ông Julian Ku của Đại học Hofstra lại cho rằng lệnh cấm các tàu chiến Mỹ ghé Hồng Kông là không gây nhiều ảnh hưởng, bởi Hải quân Mỹ không bắt buộc phải ghé vào cảng Hồng Kông, họ có thể dễ dàng tìm thấy các lựa chọn thay thế.

Các chuyên gia khác cũng đồng tình, nói rằng Washington có thể tính đến một số đồng minh trong khu vực, và rằng biện pháp của Trung cộng thực sự không gây quá nhiều khó khăn cho các tàu chiến Mỹ.

Đại Kỷ Nguyên (05.12.2019)

Báo Trung cộng: Mỹ ‘kích động’ Việt Nam ‘đối đầu’ với Bắc Kinh

Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc trong cuộc gặp hồi cuối tháng Hai năm nay ở Hà Nội.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc trong cuộc gặp hồi cuối tháng Hai năm nay ở Hà Nội.

Một ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung Hoa mới đăng tải một bài bình luận nói rằng Mỹ dùng việc phát triển năng lượng với Việt Nam làm “vỏ bọc” nhằm “kích động” Hà Nội “đối đầu” với Bắc Kinh trên biển, cũng như nhằm biến Việt Nam thành “tốt thí”.

Mục đích chiến lược cốt lõi của Mỹ là sử dụng việc phát triển năng lượng chung với Việt Nam là vỏ bọc để kích động Hà Nội có các bước đi mạnh mẽ hơn trong cuộc đối đầu trên biển với Trung cộng.

Bài của Global Times viết.

Dưới tiêu đề “Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để thúc đẩy các lợi ích ở khu vực”, bài viết của một nhà nghiên cứu về Biển Đông của Trung cộng tại Đại học Nam Kinh trên tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo) có đoạn: “Mục đích chiến lược cốt lõi của Mỹ là sử dụng việc phát triển năng lượng chung với Việt Nam làm vỏ bọc để kích động Hà Nội có các bước đi mạnh mẽ hơn trong cuộc đối đầu trên biển với Trung cộng”.

Bài đăng trong mục “bình luận” còn đề cập tới vụ “đối đầu” của tàu Trung cộng và Việt Nam ở Bãi Tư Chính, vốn từng gây căng thẳng trong quan hệ song phương, đồng thời cho rằng Hà Nội “hy vọng các cường quốc ngoài khu vực, trong đó có Mỹ và Nhật, có thể ủng hộ mình”.

Bài viết cũng nêu chuyến thăm tới Nhật Bản và Mỹ của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh hồi tháng Chín và tháng Mười vừa qua để, theo lời tờ báo này, “nỗ lực thuyết phục thêm các công ty năng lượng hợp tác thăm dò dầu khí ở ngoài khơi với Việt Nam”. Ngoài ra, Global Times cũng nhắc tới việc Mỹ và Việt Nam “ký bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Toàn diện về Năng lượng Việt – Mỹ”.

“Washington có các động cơ ngầm trong việc cải thiện hợp tác năng lượng với Hà Nội với tốc độ nhanh như vậy”, Global Times bình luận, nói thêm rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang “ngày càng chú tâm tới vấn đề Biển Đông”.

“Sau khi quan hệ giữa Trung cộng và Philippines cải thiện, Việt Nam là một đòn bẩy quan trọng để Mỹ dựa vào nhằm kiềm tỏa Trung cộng”, bài viết nhận định, cho rằng “một số quan chức diều hâu trong chính quyền Trump liên tục tìm cách gây bất đồng giữa Trung cộng và Việt Nam, đặc biệt là kích động Việt Nam khiêu khích Trung cộng trên biển”.

Sau khi quan hệ giữa Trung cộng và Philippines cải thiện, Việt Nam là một đòn bẩy quan trọng để Mỹ dựa vào nhằm kiềm tỏa Trung cộng.

Bài của Global Times viết.

“Điều này có thể biến hai nước trở thành kẻ thù để Mỹ hưởng lợi”, Global Times viết.

Ngoài ra, tờ báo còn cho rằng “Washington biết việc thăm dò và sản xuất dầu khí của Hà Nội đang trên đà suy giảm”.

“Nếu Mỹ có thể giúp Việt Nam chống lại tình trạng thiếu điện, đất nước châu Á này sẽ bị buộc phải tuân lệnh của Washington và trở thành một con tốt thí quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương [của Mỹ]”.

Hình ảnh minh họa bài viết của Global Times.

Hình ảnh minh họa bài viết của Global Times.

Về phía Việt Nam, Global Times cho rằng Hà Nội cũng có “các tính toán riêng trong việc hợp tác với Washington”.

“Hà Nội muốn hợp tác với Washington và Tokyo để chọc giận Bắc Kinh, vì Việt Nam có xu hướng tin rằng Washington và Tokyo có thể làm Trung cộng cảm thấy sợ hãi”, bài bình luận của tờ Global Times có đoạn.


Đây không phải là lần đầu tiên ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung cộng lên tiếng công kích mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Sáng 4/12 (giờ Washington, tức tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), VOA tiếng Việt không thể liên lạc ngay với Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin bình luận do ngoài giờ hành chính.

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng hồi tháng Tám từng lên tiếng sau khi tờ Global Times đưa tin về Việc Trung cộng xuất bản sách giáo khoa lịch sử cho học sinh trung học, trong đó nói rằng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) “là một phần lãnh thổ của Trung cộng từ thời cổ đại”.

“Việc Trung cộng giáo dục các thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho mối quan hệ song phương,” bà Hằng viết trên Twitter hôm 9/8.

Bài viết của Global Times được đăng tải ít lâu trước khi Việt Nam lần đầu công bố Sách trắng Quốc phòng trong vòng một thập kỷ.

Trong lễ công bố Sách Trắng hôm 25/11, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng “Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung”, và rằng “tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.


Ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với VOA tiếng Việt rằng với tuyên bố như trên, ông Vịnh “phát đi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Việt Nam buộc phải mở rộng các mối quan hệ quốc phòng nếu Trung cộng tiếp tục gây áp lực lên Việt Nam”.

“Hà Nội sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua việc mua vũ khí, huấn luyện quân sự, các cuộc thao dượt chung với Mỹ, Nhật, Ấn Độ và các nước châu Âu nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam trong khi đối mặt với tình trạng bị Trung cộng gia tăng quấy nhiễu ở Biển Đông”, ông Hiebert nói.

“Ông Vịnh không nói rõ là Việt Nam có ý định gì, và có lẽ Hà Nội muốn duy trì một sự mơ hồ nào đó trong mối quan hệ với Bắc Kinh”.

VOA (04.12.2019)

Vụ Bãi Tư Chính chỉ là đòn thăm dò để Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt

media

Ảnh vệ tinh chụp một nhà giàn D.K của Việt Nam tại Bãi Tư Chính (Biển Đông)AMTI/CSIS

Vụ Trung cộng cho tàu khảo sát và hải cảnh vào hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính tiếp tục được giới quan sát quốc tế chú ý.

Trong một bài phân tích công bố ngày 28/11/2019, tiến sĩ Lê Thu Hường, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Chương Trình Quốc Phòng và Chiến Lược tại Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI đã cho rằng : Khi công khai xâm lấn Việt Nam ở Biển Đông, Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng không chỉ của Hà Nội, mà còn của cả khu vực, thậm chí của toàn thế giới.

Bài biên khảo mang tựa đề « Cách tiếp cận của Việt Nam đối với các tranh chấp ở Biển Đông và bài trắc nghiệm Hải Dương Địa Chất 8 » đã được công bố trên trang web của Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Úc (Australian Institute of International Affairs). Ý đồ của Trung cộng khi gây nên « sự cố Bãi Tư Chính » là gây áp lực tâm lý với Việt Nam vào thời điểm Hà Nội đang phải bận tâm trước nhiều sự kiện trọng đại.

Theo tiến sĩ Lê Thu Hường, Biển Đông luôn là mối quan tâm an ninh hàng đầu của Việt Nam. Vụ Bãi Tư Chính ở phía nam Biển Đông là đòn mới nhất mà Trung cộng tung ra để thăm dò khả năng của Việt Nam trong việc chống lại các bước gặm nhắm ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong vùng biển này. Do việc Hà Nội sắp lên làm chủ tịch luân phiên của ASEAN, đây cũng sẽ là một bài trắc nghiệm cả về sự đoàn kết trong khối Đông Nam Á, cũng như khả năng đứng vững của một cơ chế quản lý tranh chấp ASEAN-Trung cộng có ý nghĩa là Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) trên Biển Đông.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của một tập đoàn Nhà nước Trung cộng từ ngày 03/07/2019, đã bắt đầu khảo sát một vùng đáy biển rộng lớn ở phía đông bắc Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam. Con tàu rõ ràng đã thực hiện khảo sát dầu khí trên hai lô Riji 03 và Riji 27 mà Trung cộng đã phân định, nhưng nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tàu khảo sát Trung cộng đã được tàu Hải Cảnh và dân quân biển hộ tống.

RFI (04.12.2019)

Malaysia lo ngại căng thẳng trên Biển Đông

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2019/12/malay-9539-1575363046-696x418.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad đề cập căng thẳng trên Biển Đông khi trình bày sách trắng quốc phòng trước quốc hội.

“Việc chiếm đóng, quân sự hóa và các hoạt động khác của Trung cộng trên Biển Đông, cùng với hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên của Mỹ ở vùng biển này biến vấn đề khu vực trở thành một cuộc cạnh tranh siêu cường”, Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu phát biểu trước quốc hội Malaysia hôm 2/12 khi trình bày về sách trắng quốc phòng đầu tiên của nước này.

Mohamad cũng cho biết các “tàu chính phủ” của một cường quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Malaysia tại vùng biển phía đông bang Sabah và Sarawak, nhưng không nêu đích danh nước nào. Lực lượng chức năng Malaysia đã nhiều lần chạm mặt tàu hải cảnh Trung cộng tuần tra và neo đậu trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này theo luật quốc tế.

Trung cộng ngang nhiên vẽ ra “đường lưỡi bò”, hay còn gọi là “đường 9 đoạn”, nhằm đòi hỏi chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ dư luận thế giới và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

Ngoài nguy cơ gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia còn đề cập tới các mối lo ngại an ninh khác, gồm cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung cộng, việc các tay súng Hồi giáo cực đoan từ nước ngoài trở về, và chủ nghĩa khủng bố trên mạng.

Sách trắng quốc phòng vạch ra chiến lược quốc phòng của Malaysia trong giai đoạn 2021-2030. Tài liệu 90 trang này được quốc hội Malaysia thông qua hôm qua, sau một ngày thảo luận, dù vấp phải một số chỉ trích từ các nghị sĩ đối lập, cho rằng sách trắng còn thiếu chi tiết.

Malaysia dành 3,4 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2020. Hồi tháng 8, Mohamad cho biết giới chức Malaysia đang đàm phán với ít nhất 6 quốc gia về khả năng dùng dầu cọ để chi trả cho các khoản mua sắm vũ khí nhằm nâng cao năng lực cho quân đội nước này.

Theo vnexpress (03.12.2019)

Trung cộng tham vọng mua cả thế giới

media

Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tại diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung cộng, ngày 26/04/2019Nicolas Asfour/Pool via REUTERS

Thời sự được nhiều báo Pháp ra hôm nay chú ý : NATO kỷ niệm 70 năm thành lập tại Luân Đôn trong bối cảnh liên minh này đang rệu rã chưa từng thấy. Hội nghị khí hậu quốc tế COP 25 báo trước bế tắc, khi các nước lớn vẫn thiếu quyết tâm chính trị chung. Tuy nhiên các báo dành khá nhiều dung lượng cho chủ đề Trung cộng.

Nhật báo La Croix trở lại dự án Một vành đai Một con đường vẫn được báo giới quen gọi là « những con đường tơ lụa mới », một dự án đặc trưng cho tham vọng bành trướng của Trung cộng ra thế giới. Nhật báo Công Giáo chạy tựa lớn trang nhất « Trung cộng đang mua thế giới như thế nào ».

La Croix ghi nhận : « Từ khi được khởi xướng rầm rộ năm 2013, « những con đường tơ lụa mới » về mặt chính thức là nhằm mục đích kết nối thông thương giữa Trung cộng với phần còn lại của thế giới, đến nay Bắc Kinh đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế trên 5 châu lục với số tiền đầu tư hàng tỷ đô la. Tham vọng mới này của Trung cộng ngày càng tỏ ra là mối đe dọa đối với các nước nhỏ ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Các nước đó đang cảm thấy mình là con tin của chiến lược bá quyền, mà phía sau là các tham vọng quân sự ».

Trong vòng 6 năm, theo La Croix, số lượng các nước tham gia vào dự án « những con đường tơ lụa mới » đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên các tiếng nói phản bác và chỉ trích « đại dự án » này cũng bắt đầu nổi lên ở khắp nơi trên thế giới. La Croix bình luận : « Trung cộng đã trỗi dậy, nhưng nó trỗi dậy như là một đe dọa trong một trật tự thế giới mới mà họ đang muốn làm chủ. « Giấc mơ Trung Hoa vĩ đại » của Tập Cận Bình đang biến thành cơn ác mộng đối với nhiều đối tác ».

Trọng điểm là các láng giềng Đông Nam Á

Trong dự án đầy tham vọng này, theo La Croix, Trung cộng chú ý trước tiên vào khu vực Đông Nam Á, nhắm vào các « mắt xích yếu » như Cam Bốt, Lào, đồng thời Trung cộng tiếp tục củng cố hiện diện tại Miến Điện, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, những nước tập trung rất đông Hoa kiều (chiếm 80% Hoa kiều sống trên thế giới).

Tờ báo nêu ví dụ Cam Bốt, trong 5 năm qua, Trung cộng đã đầu tư vào nước này 5 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá, sân bay và bất động sản. Cùng với đầu tư đó, khoản nợ Trung cộng của Cam Bốt cũng đã chiếm tới 15% GDP. Tương tự như với Sri Lanka hay với Lào, nơi có gần « 40% đất đai nằm trong tay người Trung cộng », một nhà ngoại giao châu Á tại Vientiane cho biết. Số nợ của Lào với Bắc Kinh còn chiếm tới 25% GDP.

La Croix cho biết, ở xa hơn là Pakistan, cảng Gwadar bên bờ biển Ả Rập, sẽ đón nhận 54 tỷ đô la đầu tư để trở thành cửa ngõ đi ra cho hàng hóa Trung cộng. Đồng thời cảng này sẽ còn là điểm tiếp liệu cho các hạm đội tàu chiến Trung cộng, trên đường sang phía Djibouti (82% nợ của nước này do Trung cộng nắm). Từ năm 2017, tại căn cứ quân sự mới xây dựng ở Djibouti luôn có 10 nghìn quân Trung cộng đồn trú. Ở Châu Phi, Trung cộng đã cắm chân từ 10 năm qua, với những cái tên nổi bật như Angola, Ethiopia, Sudan, Kenya hay Cộng Hòa Congo.

Châu Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng khó khăn cũng đã trở thành mục tiêu của Bắc Kinh. Trung cộng đã mở cuộc tấn công từ 5 năm nay, với việc thôn tính từng phần hoặc toàn bộ hàng chục hải cảng lớn, chiếm 10% năng lực cảng biển của châu Âu. Trong số này, đặc biệt có cảng Piré của Hy Lạp, điểm trung chuyển quan trọng trên « các con đường tơ lụa mới » ở châu Âu, giờ đã nằm trong tay người Trung cộng.

La Croix nhấn mạnh điểm mà Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, không chỉ là con số 175 tỷ euro thâm hụt thương mại với Trung cộng, mà còn là vấn đề chính trị và sự đoàn kết trong Liên Hiệp. Ví dụ cụ thể là Hy Lạp hồi đầu năm nay đã phản đối một nghị quyết của Châu Âu lên án chính sách nhân quyền của Bắc Kinh. Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Séc lần lượt tham gia sâu vào hệ thống « con đường tơ lụa » của Trung cộng. Đến lúc này châu Âu đã bắt đầu thức tỉnh. Ý thức được mối nguy hiểm, mới đây Ủy Ban Châu Âu đã đánh giá Trung cộng là đối thủ thường xuyên mang tính hệ thống.

Sri Lanka sập bẫy nợ Trung cộng

Để thêm bằng chứng về chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung cộng, La Croix còn có bài phóng sự mang tiêu đề : « Sri Lanka rơi vào bẫy tín dụng Trung cộng ».

Bài phóng sự cho thấy sự hào phóng của Trung cộng đã giúp Sri Lanka có được nhiều công trình hạ tầng cơ sở. Nhưng mặt trái của nó là giờ đây Colombo đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất buộc phải nhượng dần cảng biển, đất đai cho người Trung cộng. Cách đây hơn một thập kỷ, Sri Lanka sau một thời gian dài nội chiến triền miên, muốn có nguồn tiền để phát triển. Ngay lập tức Trung cộng đã tỏ ra hào phóng giang tay giúp đỡ và giờ đây người Sri Lanka mới sực tỉnh ra rằng đất nước của họ đang dần nằm trong sự kiểm soát của người Trung cộng qua các cảng biển, các đặc khu kinh tế cho thuê đất 99 năm. Sri Lanka trở thành một công trường lớn trong chiến lược « chuỗi ngọc trai » nhằm phong tỏa Ấn Độ. Sự hiện diện của Trung cộng đang gây lo lắng thực sự cho người dân, cũng như một số chính giới của Sri Lanka.

RFI (03.12.2019)

Biển Đông nguy hiểm như thế nào?

Trong khi các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang được bàn cãi sôi nổi trong quan hệ quốc tế, thì chúng có trọng lượng tương đối nhỏ trong kế hoạch lớn về vấn đề an ninh của Trung cộng.

Cả Trung cộng và Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược ở Biển Đông trong các tài liệu chính thức gần đây của họ.

Sách trắng Quốc phòng Trung cộng 2019 nhấn mạnh: Các hòn đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung cộng. Trung cộng cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan, thông qua việc đàm phán với các quốc gia có dính líu trực tiếp, trên cơ sở tôn trọng các sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế. Trung cộng tiếp tục cộng tác với các nước trong khu vực để cùng bảo vệ hòa bình và sự ổn định. Họ kiên quyết duy trì tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế và bảo vệ an ninh các tuyến thông tin liên lạc trên biển.

Chiến lược Quốc phòng năm 2018 của Mỹ đã liệt kê Trung cộng cùng với Nga là những đối thủ ngang hàng. Nó tuyên bố: thách thức mà Trung cộng đưa ra đặc biệt đáng sợ… Trung cộng đang sử dụng các biện pháp quân sự, bán quân sự và ngoại giao để cưỡng ép các đồng minh và đối tác của Mỹ, từ Nhật Bản đến Ấn Độ; thách thức luật pháp quốc tế và tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng như Biển Đông; làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ ở Đông và Đông Nam Á; và mặt khác, tìm kiếm một vị trí thống trị địa chính trị.

Một cuộc khảo sát gần đây của Pew Global Attitude cho thấy, suy nghĩ tiêu cực của công chúng Mỹ về Trung cộng trong năm 2018 đã tăng từ 47% lên 60%, và 24% xem Trung cộng là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ.

Biển Đông có phải là nguyên nhân dẫn đến sự xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung cộng không? Hậu quả đối với các quốc gia trong khu vực là gì? Dự án khảo sát do Đại học Griffith và Đại học Tsinghua phối hợp thực hiện và các cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu Trung cộng trong Quan hệ Quốc tế (IR), tại hội nghị thường niên của Cộng đồng Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế Trung cộng, từ năm 2014 đến 2017, cho thấy các mối đe dọa lớn nhất của Trung cộng trong 10 năm sắp tới là Đài Loan, Bắc Triều Tiên, và Biển Hoa Đông (ESC), chứ không phải Biển Đông (SCS).

Tranh chấp lãnh thổ là mối đe dọa hàng đầu đối với nền an ninh quốc gia Trung cộng, và quan hệ Mỹ-Trung, Đài Loan và Biển Đông ngày càng trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, Biển Đông chỉ là những xung đột ngoại giao và quân sự ở quy mô thấp. Theo cuộc khảo sát, Biển Hoa Đông (ESC) nguy hiểm hơn và Mỹ có nhiều khả năng can thiệp vào cuộc xung đột giữa Trung cộng và Nhật Bản.

Trong năm 2017, 71% những người tham gia nghĩ rằng trật tự dựa trên quy tắc đã bàn trong cuộc hội thảo ở Shangri-La là “hợp lý” hay “rất hợp lý”. Tuy vậy, mặc dù có tranh chấp ở Biển Đông (SCS), quan hệ giữa Trung cộng và ASEAN phần lớn vẫn “tốt” hay “rất tốt”.

Một bài viết trong các ấn phẩm khoa học Trung cộng đăng trên các tạp chí IR hàng đầu của Trung cộng tán thành kết quả cuộc khảo sát khi phân tích Biển Đông nguy hiểm nhưng không xung đột. Các học giả Trung cộng cho rằng những tranh chấp ở Biển Đông phản ảnh sự khác biệt trong nhận thức về trật tự quốc tế giữa Mỹ và Trung cộng. Trong khi Trung cộng nhấn mạnh trật tự quốc tế dựa vào chủ quyền thì Mỹ, Việt Nam và Philippines nhấn mạnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Việc Hoa Kỳ tham gia vào Biển Đông có hai mặt: kìm hãm Trung cộng nhưng cũng có thể khuyến khích các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ hành xử rủi ro, dẫn đến việc leo thang ngoài ý muốn ở Biển Đông. Học giả Trung cộng chỉ trích các phương tiện truyền thông đã tập trung quá nhiều vào chiến lược của Trung cộng và phóng đại chuyện Trung cộng xây dựng đảo, vốn “sẽ không hữu ích để giảm bớt căng thẳng vì không quốc gia nào muốn xung đột.” Họ nhấn mạnh đến nhu cầu phối hợp tổ chức giữa các nhà ngoại giao, quân đội và thương mại, hải cảnh, cơ quan thủy sản, khí tượng, v.v.  

Họ cũng đề xuất xây dựng hợp tác hàng hải song phương, đặc biệt là với ASEAN, tham vấn và quản lý khủng hoảng, cứu hộ và cứu trợ thảm họa hàng hải, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường hàng hải, bảo vệ sự đa dạng của đại dương và các dự án nghiên cứu khác. Về phán quyết của Hague, các học giả Trung cộng cho là không hợp lệ, không thể áp dụng và thiên vị.

Nếu các học giả Trung cộng là kim chỉ nam cho quan điểm của giới tinh hoa chính trị Trung cộng, thì những phát hiện trên cho thấy, mặc dù mức độ quan trọng trong chương trình nghị sự an ninh của Trung cộng gia tăng, Biển Đông đã không trở thành bãi chiến trường giữa Trung cộng và Hoa Kỳ. Trung cộng không nhận thấy mối nguy hiểm nghiêm trọng ở Biển Đông so với Biển Hoa Đông, vì Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố cam kết liên minh của Mỹ với Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư / Senkaku. Thay vào đó, các học giả Trung cộng tin rằng Biển Đông chỉ là sân chơi để các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung cộng, thể hiện quyết tâm chiến lược và sức mạnh quân sự của họ.

Các tranh chấp ở Biển Đông được coi như một phần của cuộc cạnh tranh an ninh Mỹ-Trung: nguy hiểm, nhưng có thể kiểm soát được. Hoạt động Tự do Hàng hải (FON) của Hoa Kỳ là yếu tố tối cần để Hoa Kỳ chứng tỏ quyết tâm và vai trò lãnh đạo của mình với việc “thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”.

Mặc dù Trung cộng nhấn mạnh đến sự toàn vẹn lãnh thổ trong vấn đề Biển Đông, các hành động của Bắc Kinh mang ý nghĩa tượng trưng hơn đối với quần chúng trong nước và để gửi thông điệp rõ ràng đến Hoa Kỳ và những nước khác. ASEAN và các diễn viên khác trong khu vực có thể thận trọng nắm lấy cơ hội chiến lược này để tăng cường nỗ lực xây dựng các thể chế hiện có. Họ cũng có thể dựa vào các thể chế quốc tế và luật pháp quốc tế để giới hạn hành vi của các nhà nước, đặc biệt là nhà nước Hoa Kỳ và Trung cộng.

Australian Institute of International Affairs

(03.12.2019)